Những điểm đặc sắc và những nơi cần ‘khảo nghiệm’ lại trong sách ‘Khảo Nghiệm Duy Thức Học’

*Đọc 24 phút*

Bài THÍCH ĐỒNG TRÍ

Tôi biết đến Hòa Thượng (HT) Thích Thắng Hoan từ mùa Vu Lan năm 2005, 19 năm về trước, khi có duyên diện kiến Hòa Thượng tại Chùa Quang Minh, Chicago. Sau đó, tôi gặp lại Hòa Thượng nhiều lần. Ngài đã viên tịch vào Rằm tháng Chạp năm Quý Mão, 25 tháng Giêng, 2024, để lại sự kính tiếc khôn nguôi trong lòng biết bao nhiều Tăng Ni Phật Tử. Hình ảnh đông đủ Tăng Ni Phật Tử khắp các châu lục trên thế giới không quản đường xá xa xôi, thời tiết mưa gió, vẫn đến Nam Cali, viếng Chùa Bát Nhã để tưởng niệm, chiêm ngưỡng thi thế Ngài lần cuối và tiễn đưa trong Lễ Di Quan thể hiện ân tình vô biên mà Ngài lưu lại nơi tâm khảm hàng vạn người. Cho dù Ngài không còn hiện hữu với chúng ta với hình hài vóc dáng đó nữa nhưng những lời dạy, sách báo Ngài để lại là di sản vô tận đối với chúng ta. Một cách thiết thực nhất để bày tỏ sự quan tâm và tri ân Ngài là chiêm nghiệm kỹ những gì Ngài đã dạy, đã truyền lại và kế tiếp bước đi, chí nguyện của Ngài: hoằng Pháp, lợi sanh.

Tôi đọc lại những sách tiêu biểu của Ngài, riêng với cuốn ‘Khảo Nghiệm Duy Thức Học’ tôi nhận ra là có tám điều trong đó cần phải “khảo nghiệm” lại chớ nên vội tin ngay, tôi có tám quan điểm khác với Ngài trong sách đó. Nhân đây, tôi nêu khái lược một số ưu điểm các sách tiêu biểu mà Ngài đã viết trước khi đi sâu vào tám điểm mà tôi nghĩ cần phải “khảo nghiệm” lại.

A. Những ưu điểm đặc sắc trong những sách tiêu biểu của Ngài

Vào năm Giáp Tuất 1994 (cách nay 20 năm), Ngài quan tâm đến sinh hoạt tín ngưỡng và tu học của bà con đồng hương Việt Nam và Phật Tử, muốn phổ cập những kiến thức phổ thông căn bản, cần thiết nhất, nên Ngài đã viết sách ‘Thờ Cúng và Lễ Bái,’ nhấn mạnh khía cạnh uống nước nhớ nguồn, đạo đức, lễ giáo, mối quan hệ, nghĩa sống, cách sống, tu tập, mối liên hệ giữa hình thức với tinh thần, thế giới hiện tướng – tâm thức, liên hệ giữa Sự và Lý, tâm linh, truyền thống, văn hóa với những khái niệm ấn tượng như: Tâm Ấn Sắc, Sắc Ấn Tâm,… kèm theo Nghi Thức Cúng Vong bằng tiếng Việt dễ hiểu, thực tế, dễ cảm thông và chín cách Lễ Bái, năm công đức của Lễ Bái,…

[Bấm vào để đọc ‘Thờ Cúng và Lễ Bái’ của Ngài Thích Thắng Hoan]

Từ năm Ất Hợi 1995 (cách nay gần 20 năm), Ngài đã viết cuốn ‘Bát Nhã Tâm Kinh Qua Cái Nhìn của Duy Thức,’ trong đó Ngài nêu rõ về Thiền Chỉ Quán, hơi thở được chi phối bởi Thức Thứ Bảy (Mạt Na Thức) và Thức Thứ Tám (A Lại Da Thức) theo cách đối chiếu với công nghệ khoa học, Quang tuyến y khoa, tâm lý trị liệu, thần kinh học, sự tác hưởng giữa cá thể với môi trường, nguyên tố – hợp thể hóa học, năng lượng, điện lực, công nghệ thông tin ghi nhận và biểu hiện hình thể qua Tivi, tập khí, hành nghiệp trong ngũ uẩn (quán chiếu Bát Nhã về ngũ uẩn) tương tác với A Lại Da,… Ví dụ về sự hình thành Nhãn Thức, Ngài đã mô tả về sắc trần, không gian, ánh sáng, con mắt, não bộ, A Lại Da Thức, Nghiệp Thức – Tâm Sở Huệ, với những khái niệm Ngã Tướng, Nghiệp Tướng, Nhãn Tướng, Quả Tướng tương tác với nhau tạo ra ảo ảnh ghi nhận lại như thế nào – cách này thật là khoa học, thực tế, cụ thể và dễ hiểu.

Thật là ngạc nhiên và thú vị khi thế hệ lớn tuổi như Ngài lại có thể tự học, tự nghiên cứu để so sánh bao trùm tri kiến Phật Pháp với hàng loạt bộ môn khoa học hiện đại như vậy. Điều này khiến chúng ta liên tưởng đến những cống hiến của Ngài Đạt Lai Lạt Ma qua ‘Đức Đạt Lai Lạt Ma tại Harvard’ (The Dalai Lama at Harvard, năm 2012) là một tác phẩm ghi lại toàn bộ khóa giảng sáu ngày của Ngài tại Đại Học Harvard, Hoa Kỳ, do Giáo Sư Jeffrey Hopkins của Đại Học Virginia ghi chép, biên tập và dịch từ Tạng ngữ sang Anh ngữ cũng như “Đối Thoại Giữa Khoa Học Hiện Đại và Khoa Học Phật Giáo” (2018) giữa Ngài Đạt Lai Lạt Ma với các nhà khoa học hàng đầu thế giới thời nay.

Hai điều khó nhất trong hệ thống giáo lý Đại Thừa là Tánh Không và Duy Thức Luận, nơi đây, Ngài đã trình bày rõ ràng, khúc chiết và nêu mối tương quan lẫn nhau trong tác phẩm nêu trên.

[Bấm vào để đọc ‘Bát Nhã Tâm Kinh’ của Ngài Thích Thắng Hoan]

Qua tác phẩm “Bát Thức Quy Củ Tụng” (1996), Ngài nhấn mạnh về sự liên hệ của Tâm, Tâm Sở trong các cảnh giới khác nhau. Đây xứng đáng là Sách Giáo Khoa, sách gối đầu giường cho hành giả Đại Thừa muốn hiểu rõ Tâm, Tánh, điên đảo vọng tưởng, thật trí, diệu quả và thế giới, vũ trụ vạn hữu và đạo lộ hướng đến Thánh Quả, Niết Bàn.

[Bấm vào để đọc ‘Bát Thức Quy Củ Tụng’ của Ngài Thích Thắng Hoan]

Sách “Khảo Nghiệm Duy Thức Học” rất thực tế, hữu ích cho cuộc sống mỗi người, như Ngài viết: “Duy Thức Học, người nào nếu như nghiên cứu đến cũng phải công nhận là một môn học rất thực tế, rất sống động, có giá trị siêu việt thời gian và không gian trong mọi lãnh vực xây dựng con người tiến bộ cũng như kiến tạo xã hội văn minh theo chiều hướng tâm linh. Ngoài sự thỏa mãn phần nào vấn đề thắc mắc của lý trí, Duy Thức Học nhằm mục đích hướng dẫn con người cải tạo bản thân và biến đổi hoàn cảnh theo nhu cầu của Duy Thức để họ sống được hạnh phúc an vui chân thật.”

Ngài đã giải thích bảy yếu tố căn bản (con số 7 triết học) đã cấu tạo nên con người và vũ trụ vạn hữu như thế nào, chỉ bày mối liên hệ giữa tiềm năng, thức tạng, nghiệp tướng, chánh báo và y báo khi hình thành nên thế giới, chúng sanh. Ngài khai thị chức năng khác nhau giữa não bộ và tâm thức: não bộ thì gắn liền với các yếu tố vật chất cấu tạo cơ thể còn thức thì không, thức điều khiển hoạt động của não bộ. Sự hình thành và tác dụng của tám thức được giải thích, minh hoạt tường tận.

Đặc biệt, Ngài mô tả chức năng khác nhau của Tướng Phần, Ảnh Tử và Chủng Tử Thần Thức mà hành giả phải biết khi căn tiếp xúc với trần cảnh, phân giải trần cảnh và đưa vào vác Thức và A Lại Da Thức như thế nào. Điều thú vị ở đây: những phản ứng của cơ thể khi ngủ mê được Ngài cho là có sự tác động của thức thứ bảy – trong khi sáu thức trước tạm thời nghỉ ngơi – “Các nhà khoa học cho những phản ứng nơi con người ngủ mê ở trên là tác dụng bản năng tự vệ của các cơ năng trong thân thể. Chúng ta có thể cả quyết rằng, những phản ứng nơi con người ngủ mê vừa nêu trên nhất định thuộc về hành động của Tâm Thức Mạt Na thứ bảy sinh hoạt mà ở đây không phải do các cơ năng bắp thịt kích động. Nguyên vì họ biết chỗ ngứa để gãi và gãi đúng vị trí chỗ bị kích động trong lúc không có Ý Thức thứ sáu hiện diện.”

[Bấm vào để đọc ‘Khảo Nghiệm Duy Thức Học’ của Ngài Thích Thắng Hoan]

Lưu ý: Nếu ai muốn đối chiếu phần trích dẫn với nguyên bản, chỉ cần copy phần trích dẫn đó, rồi mở sách nguyên bản theo đường link đã đưa ra, sau đó bấm tổ hợp (hai ngón tay một lượt): Ctrl + F, rồi dán phần copy vào: Ctrl + V, rồi bấm Next.

Để dễ dàng tìm kiếm đối chiếu các đoạn đã trích dẫn, hãy copy quyển sách của Ngài đưa vào và lưu 1 File ở Microsoft Word, rồi tìm kiếm đối chiếu dễ hơn.

B. Liên quan đến tám điều cần phải “khảo nghiệm” lại trong sách ‘Khảo Nghiệm Duy Thức Học’ của Ngài

Tôi có quyền nghi ngờ về những gì Ngài đã giảng dạy, đã viết hay không? Tôi có quyền đặt phản đề và nêu những quan điểm khác Ngài có liên quan hay không? Tôi nghĩ là: CÓ. Làm như vậy có thất kính với Ngài không? KHÔNG. Đây chỉ thể hiện tôn trọng chân lý, thiết tha với chân lý, lẽ thật, với giác ngộ – ai cũng đang trên đường hướng tới lẽ thật và giác ngộ và ở đây, chưa ai đã giác ngộ hoàn toàn – chỉ có Đức Phật thôi. Có quan điểm khác thì nói thật là có quan điểm khác, chứ chẳng lẽ nói là: ĐỒNG Ý – VẬY LÀ QUÁ HAY – nói vậy là vọng ngữ – trái với suy nghĩ thật trong lòng mình hay sao?

Có câu nói: “Đại nghi đại ngộ.” Người học Phật kính Thầy không phải nhắm mắt tin hết lời Thầy dạy: “Y Giáo Phụng Hành” mà có lúc dám chất vấn, đặt câu hỏi vào những chỗ nào đó trong những lời dạy của Thầy, theo tinh thần giáo dục của các nước văn minh Tây Phương và tính dân chủ, công bằng, tự do khảo nghiệm theo lời dạy của Đức Phật trong Kinh Kalama. Thương Ngài thì thương, kính Ngài thì kính, quý Ngài thì quý nhiều đó, nhưng có lẽ các bạn đọc cũng như tôi có quyền nêu ra những cảm nghĩ trong đầu, những thắc mắc nghi vấn liên quan những khái niệm, những quan điểm Ngài nêu ra trong các sách.

Xưa Mạnh Tử có nói: “Tận tín ư thư bất như vô thư” (Tin hoàn toàn vào sách thì thà đừng có sách còn hơn). Nhân đây, tôi xin nêu một vài nghi vấn, vài quan điểm khác với Ngài, chỉ lấy tám ví dụ điển hình khi đọc sách: “Khảo Nghiệm Duy Thức Học.” Thông qua việc trình bày tám vấn đề đưa ra, độc giả tự chọn kết luận cho mình hoặc nếu ai muốn phản biện, có quan điểm khác hơn nữa hay là thảo luận sâu hơn với tôi về các điều này, xin gửi ý kiến đến Email của tôi: thichdongtri@gmail.com

I. Về hoạt dụng của Thức Thứ Bảy

Ngài mô tả về tác dụng tiêu cực của Thức Thứ Bảy:

Theo cách định nghĩa về Thức Thứ Bảy là “Ngã ái chấp tàng” và cách mô tả của Ngài dưới đây thì Thức Thứ Bảy biểu hiện toàn là xấu xa và tác hại, nhưng theo tôi, trong chừng mực nào đó, với căn cơ nào đó, giai đoạn sinh sống, hoạt động, tu tập nào đó, Thức Thức Bảy vẫn có những tác dụng tích cực của nó. Ngài viết:

“b)- Ý Thức thứ sáu nhiều khi giác ngộ và có lúc hiểu rõ tai họa tánh chất ích kỷ của sự chấp trước. Cho nên Ý Thức thứ sáu lắm lúc ăn năn, muốn thoát khỏi vòng đai của bệnh chấp trước vị kỷ trói buộc để cho cuộc sống được hạnh phúc an vui chân thật, nhưng đến khi sinh hoạt, Ý Thức thứ sáu không còn tự chủ để bảo vệ lập trường chánh đáng của mình và bị sự chấp ngã lái sang chiều hướng vị kỷ kiên cố. Từ đó Ý Thức thứ sáu làm cho mất đi ý niệm cao đẹp ban đầu. Sự kiện này cho thấy, bản chất của Ý Thức thứ sáu thì hoàn toàn không có bệnh chấp ngã một cách ích kỷ, nguyên vì chính Ý Thức có lúc đã tỉnh thức và ăn năn sự tai họa của bệnh chấp ngã. Thật sự Ý thức thứ sáu có bản chất chấp ngã ích kỷ thì không bao giờ tỉnh ngộ và ăn năn.

“c)- Theo Duy Thức Học, Thức Mạt Na thứ bảy là một loại Tâm Thức có bản chất so đo thương ghét, tính toán thiệt hơn, chấp trước và quản lý vạn pháp một cách kiên cố, vì chấp ngã một cách ích kỷ, Tâm Thức Mạt Na thứ bảy không bao giờ thức tỉnh trước sự hành động so đo và chấp trước của nó…

“Sự sinh hoạt của Thức Mạt Na thứ bảy là luôn luôn đam mê chấp ngã và chấp pháp kiên cố. Cũng vì chấp ngã và chấp pháp kiên cố của Thức Mạt Na thứ bảy, thành thử bao nhiêu ý tưởng nào ích kỷ, tham lam, tự ái, kiêu mạn, ảo tưởng và si mê cùng nhau thi đua xuất hiện, xui khiến con người mất đi nhân tánh và Phật tánh đã có sẵn từ lâu.”

Tôi nghĩ khác, không phải lúc nào thức thứ bảy cũng có tác dụng tiêu cực, tai hại, đôi khi thức thứ bảy còn có lợi ích, đóng vai trò như một động lực lớn lao để cho ai đó, trong một giai đoạn nào đó vượt qua mọi khó khăn, hướng đến thành công trong việc gì đó. Tôi ví dụ: Lưu Bình vì tự ái (có tác động của Thức Thứ Bảy) với Dương Lễ mà cố gắng học rồi sau đó đậu Trạng Nguyên; Ngài Nan Đà xuất phát điểm khởi tâm tu vì muốn có tiên nữ đẹp và tránh chảo dầu sôi (tu cho bản ngã – an ổn, vui sướng của mình) mà lo tu tập, sau này lại chứng quả; vì sự tôn nghiêm của Chùa mình, Tổ Đình mình, Sư Phụ mình mà một tăng sỹ trẻ nào đó cố gắng học tập và sinh hoạt Phật Pháp (đó cũng là hình thức chấp Ngã biến thành động lực phấn đấu); một học sinh đứng nhất các học kỳ trước, học kỳ này đang làm bài đối diện với bài toán khó, vì tự trọng, học sinh đó không đầu hàng bài toán, hoặc đi hỏi bạn bè xung quanh mà tự mình tiếp tục tìm cách giải bài toán đó (kiểu như lối suy nghĩ: mình được đánh giá là giỏi nhất, vậy thì mình còn đi hỏi ai nữa, mình phải giải ra chứ, mình chờ đợi trông cậy vào ai đây?); hoặc có thanh niên vào thành phố lớn lập nghiệp, gặp rất nhiều khó khăn trở ngại, đôi lúc nản muốn về quê, ở với cha mẹ, nhưng lại nghĩ: tại sao bạn bè tồn tại và phát triển được nơi thành phố, còn mình thì đầu hàng, lui về quê, nhờ cậy cha mẹ hoài không xấu hổ hay sao? nhờ lối suy nghĩ đó (với tác động của Thức Thứ Bảy) mà tìm mọi cách vươn lên, cuối cùng thành công nơi xa xứ; hoặc là chúng ta tự hào là người Việt Nam, thừa hưởng văn hóa Việt Nam, tự hào là người Phật tử mà hội nhập và muốn bạn bè quốc tế thấy được cái hay cái đẹp của người Việt Nam – chúng ta vẫn thường làm vậy mà – và đó chịu sự chi phối của chấp Ngã,…Toàn bộ những gì liên quan đến: “keep our identities” đều liên quan đến Thức Thứ Bảy – gìn giữ bản sắc, tính chất của mình, của chúng ta – thế nhưng việc này đâu phải lúc nào cũng chỉ là mang đến hậu quả tai hại?

II. Nhận biết sự hiện diện của Thức Thứ Tám trong sắc chất – cơ thể

Một minh họa điển hình cho sư hiện diện Thức Thứ Tám khi Ngài mô tả trường hợp một người bị chụp thuốc mê hoặc bị ngất xỉu bất tỉnh:

“Trường hợp một người bị chụp thuốc mê hoặc bị ngất xỉu bất tỉnh (Lose Consiousness). Lúc đó bảy Tâm Thức ở trước của họ (Nhãn Thức, Nhĩ Thức, Tỷ Thức, Thiệt Thức, Thân Thức, Ý Thức và Mạt Na Thức) đều hoàn toàn ngưng sinh hoạt. Họ không còn chút cảm giác nào cả, nhưng thật ra người đó vẫn chưa chết, nghĩa là thân thể của họ chỉ còn lại duy nhất một Tâm Thức để giữ gìn sức sống và để phân phối máu huyết trong thân thể cho chạy đều. Tâm Thức còn lại cuối cùng trong thân thể con người bất tỉnh trên, nhà Duy Thức gọi là Tâm Thức Alaya.”

Liên quan đến điều này, có một điều suy nghiệm tại đây: trường hợp người đau bệnh nặng bất tỉnh (coma) hầu như không còn cảm giác (coma), tất nhiên, ít nhất, Thức A Lại Da vẫn còn đó, vậy người thân có nên rút ống cho chết không? Nếu thế, khi nào thì phạm tội sát sanh, khi nào thì không phạm?

Tôi xin mạn phép phản biện quan điểm của Ngài liên quan việc: khi nào thì thức A Lại Da nhập vào trong trứng gà, Ngài viết:

“Trường hợp khác, một trứng gà có trống, trong đó chỉ có tròng đỏ và tròng trắng. Một gà mẹ ấp trứng không ngoài mục đích làm trợ duyên cho gà con trong trứng được thành hình. Trong lúc gà mẹ đang ấp, Tâm Thức Alaya chạy vào trong trứng để xây dựng thành hệ thống sanh lý cho gà con. Nhờ Tâm Thức Alaya xây dựng, gà con từ tròng đỏ và tròng trắng trong trứng được nẩy nở.”

Thực ra, theo tôi nghĩ, A Lại Da Thức nhập vào khi gà trống ân ái (đạp) gà mái, khi tinh dịch của gà trống gặp tinh hoàn của gà mái. Ngay khi gà đẻ ra trứng, trứng nào có trống là có A Lại Da Thức được bao hàm trong đó rồi, trứng nào không có trống là không có A Lại Da Thức trong đó. Trứng có hay không có A Lại Da Thức là ngay khi vừa được đẻ ra đã quyết định, chứ không phải đợi khi gà mái ấp trứng thì A Lại Da Thức mới nhập vào. Việc gà mái ấp trứng chỉ trợ duyên cho trứng phát triển và nở ra thành gà con mà thôi, cũng tương tự như bà mẹ dưỡng cho thai nhi lớn lên mà thôi.

III. Suy nghiệm về những ý nghĩa của chữ “Hành”

Điều tiếp theo, chúng ta nên suy nghiệm nhiều về chữ “HÀNH”. Quan điểm của Ngài về chữ “HÀNH” như sau:

“Sự khác biệt giữa Nghiệp và Hành:

“… Ngược lại, Hành là danh từ riêng nhằm diễn tả năng lực tác dụng của Vô Minh trong ba cõi (trong tam giới) và cũng là động lực thúc đẩy chẳng những Thức Thể Alaya bị biến động mà lại còn thúc đẩy những hạt giống nghiệp lực sanh khởi để lôi cuốn Kiến.”

“Động lực thúc đẩy sự kết hợp các đơn vị Biệt Nghiệp không giống nhau để tạo thành một khối Cộng Nghiệp trong ba cõi chính là năng lực thu hút của Căn Bản Vô Minh. Các hạt giống Biệt Nghiệp sau khi rơi vào trong Thức Thể Alaya liền bị năng lực thu hút của Căn Bản Vô Minh, nội kết thành một khối, gọi là Cộng Nghiệp. Cộng Nghiệp bám lấy Căn Bản Vô Minh làm nghiệp nhân cho thể chung của vũ trụ ba cõi.”

“Riêng Nghiệp Lực thì có loại thuộc thiện nghiệp, có loại thuộc ác nghiệp và có loại thuộc vô ký nghiệp. Ngược lại Hành thì bản chất hoàn toàn thuộc về xấu ác mà nó không bao giờ có chút thiện nào trong đó cả.”

Theo quan điểm này, lẽ nào “HÀNH” toàn mang ý nghĩa tiêu cực, có tác dụng xấu – bởi vì luôn chịu “năng lực tác dụng của Vô Minh”? Thực ra, HÀNH có ý nghĩa tiêu cực và tích cực nữa chứ? Ví dụ, khi chủ thể hành động có chánh kiến, phát ra ý nghĩ tốt và đưa đến hành động tốt, thiện nghiệp, đó cũng là “HÀNH” tích cực. Tất cả hành động, tạo tác của hành giả Phật Giáo để hướng về tịch tĩnh, niết bàn, giác ngộ, giải thoát, đâu thể nào đều chị sự chi phối của Vô Minh? “HÀNH” trong 12 Nhân Duyên chỉ là một loại “HÀNH” trong nhiều loại “HÀNH”, còn có những trường hợp khác như: các hạt giống trong A Lại Da Thức có khi là hạt giống Thiện (từ Thiện Hành), Hành Động tạo tác có thể phát khởi từ Tâm Thiện, nguyện lực hoặc thậm chí là Ba La Mật,…

Chúng ta hãy cân nhắc ý nghĩa chữ “HÀNH” được Đức Phật định nghĩa trong “Kinh Đáng Được Ăn”:

(Tạp 2, Đại 2,11) (S.iii,86) như sau:

“Này các Tỷ-kheo, thế nào gọi là hành? Làm cho hiện hành (pháp) hữu vi nên gọi là hành. Làm cho hiện hành (pháp) hữu vi gì? Làm cho hiện hành sắc với sắc tánh, làm cho hiện hành thọ với thọ tánh, làm cho hiện hành tưởng với tưởng tánh, làm cho hiện hành các hành với hành tánh, làm cho hiện hành thức với thức tánh. Làm cho hiện hành (pháp) hữu vi, này các Tỷ-kheo, nên gọi là các hành.”

Có hai loại Hành: Hành do vô minh làm duyên trực tiếp, như nói “avijjā paccayā saṅkhārā: Vô minh duyên hành.”

Hành không do vô minh làm duyên trực tiếp, như nói “sabbe saṅkhārā aniccāti: Tất cả hành là vô thường”.

Vi Diệu Pháp có nêu bốn loại Hành không do vô minh gây ra:

1- Hữu vi hành (saṅkhatasaṅkhāra): là được sinh ra do sự vận chuyển của pháp hữu vi, được thành tựu do duyên của pháp hữu vi (ngoại trừ vô minh).

2- Tối vi hành (abhisaṅkhatasaṅkhāra): Abhi là “cao tột”. Abhisaṅkhatasankhāra là “pháp hữu vi được tạo ra cao nhất” mà nó có thể có được

Tối vi hành được thành tựu theo hai cách:

– Thành tựu tự nhiên.

– Thành tựu do nguyện lực.

3- Chuyên tạo hành (abhisaṅkharaṇakasaṅkhāra): Đây là nói đến ảnh hưởng di truyền của tâm sở Tư trong tâm bất thiện hay trong tâm thiện hiệp thế sau khi đã diệt, ảnh hưởng này sẽ tạo ra sắc nghiệp và tâm quả trong tương lai (xem kinh Tiểu Nghiệp phân biệt, Trung bộ III)

4- Tối cần hành (payogābhisaṅkhāra): Là nỗ lực cao tột để thành tựu mục đích, ví như sự tinh tấn của Bồ Tát dưới cội Bồ Đề trong đêm thành Chánh Đẳng Giác với đại nguyện: “Dù chỉ còn xương da, máu và thịt có khô cạn, chưa chứng đắc quả Vô Thượng Chánh Giác, ta không rời bảo tọa này.”

Tương tự như thế, biệt nghiệp hoặc cộng nghiệp cũng có khía cạnh tích cực và tốt của chúng, ví dụ, sinh ra trong một nhà nghèo, quốc gia nghèo, nhưng có một thành viên nào đó tích cực phấn đấu cố gắng, học hành đỗ đạt và có việc làm tốt, thay đổi cuộc sống người đó, hoặc là một quốc gia nào đó hùng mạnh là do nhà nước và nhân dân nhiều người cùng chung hoạt động theo: “Bảy Pháp giúp quốc gia hưng thịnh” hoặc là cùng nỗ lực theo xu hướng tốt,…

IV. Bàn về sự phát khởi Bất Giác đầu tiên

Bàn về mối liên hệ giữa Chơn Như và Bất Giác, “nguyên nhân tạo nên sự bất giác đầu tiên,” Ngài viết:

“ II – Nguyên nhân hiện khởi vô minh nghiệp tướng:

“Từ vô lượng kiếp về trước, những hàng Thánh Chúng ở các cõi trong thế giới Chân Như gồm có, thế giới Hoa Nghiêm, thế giới Pháp Hoa, thế giới Cực Lạc, v.v. đều là những vị chưa chứng được quả Phật, chưa được lên ngôi Chánh Giác để được diện kiến trực tiếp nơi Chân Tâm, nghĩa là họ chưa trực nhận được Phật Tánh. Bởi họ chưa thành Phật, cho nên các Thánh Chúng trong các cõi trên liền khởi Tâm động niệm và mong muốn sớm thành chánh quả như các đức Phật. Do bởi Tâm bị động, các vị Thánh Chúng kia liền sanh khởi niệm niệm phân biệt trong khi tu tập. Nguyên vì sử dụng tâm niệm niệm phân biệt để tu tập thiền quán, cho nên các vị Thánh Chúng nói trên hành trì không đúng phương pháp thực tập để rồi đi đến kết quả tâm họ bị động niệm bất an và cũng từ đó họ bị sa rơi vào vọng tưởng điên đảo của thế giới vọng hiện. Sự động niệm bất an ở đây là nguyên nhân tạo nên sự bất giác đầu tiên (sự hôn mê đầu tiên) và cũng vì sự bất giác đầu tiên này khuấy động thêm, các vị Thánh Chúng trở nên bị loạn niệm mê vọng lôi cuốn sa rơi từ thế giới Chân Như liền vào thế giới vọng hiện để sinh hoạt. Sự bất giác nêu trên chính là chất liệu của vô minh căn bản hiện khởi, nghĩa là cội gốc của sự không sáng suốt thành hình.”

Tôi nghĩ “bất giác đầu tiên” không đơn giản là do hướng tâm tu tập sai lệch mà sinh ra, thực ra cái gọi là “bất giác đầu tiên,” mê mờ phân biệt trước các pháp đã xảy ra từ lâu, lâu lắm rồi, từ khởi thủy của chúng sanh và dòng chảy luân hồi, còn ở đây biết hướng tâm tu tập cũng là kha khá rồi, cho dù tu tập có lệch lạc. Vậy thì hãy quán xét về những người ham ăn chơi, quậy phá, không nghĩ gì đến chuyện đi chùa, tu tập kia, chẳng lẽ họ không có “bất giác đầu tiên” hay sao? Bất giác đầu tiên xảy ra khi vừa hình thành nên chúng sanh chứ không phải đợi đến khi tu lệch lạc thì mới xảy ra bất giác đầu tiên.

Hòa Thượng Thích Thắng Hoan, thứ nhì từ bên phải, và Thượng Tọa Thích Đồng Trí, bên trái, trong hình không rõ ngày và địa điểm. (Thich Dong Tri / Facebook)

V. Thử hình dung về hoạt dụng của Thức Thứ Bảy & Tám trong Tâm Hành Chư Phật!?

Ngài viết:

“3.- Thức Mạt Na (Manas) thứ bảy được chuyển biến thành trí tuệ gọi là Trí Tánh Bình Đẳng không phân biệt của Pháp Thân chư Phật. Trí Tánh Bình Đẳng này đối với các pháp trong thế giới Chân Như không có vấn đề chấp trước hoặc xả bỏ, nghĩa là Trí Tánh Bình Đẳng của Pháp Thân chư Phật không bao giờ phân biệt chấp trước các pháp của thế giới Chân Như, mỗi khi các pháp này ảnh hiện trong Tạng Như Lai và cũng không lưu lại trong Tạng Như Lai một chút dấu tích nào, mỗi khi các pháp đó đến đi tự do.”

Tôi nghĩ, chúng ta chưa phải là Phật mà bàn về Tâm Hành của Phật thì thật là khó, hoặc là không thể làm được, đó cũng là một trong những điều bất khả tư nghì. Thế nhưng, chúng ta hãy cố gắng hình dung và hướng đến những dạng Tâm – Hành toàn chơn nhất có thể được.

Có hai điều cần phải suy xét tại đây:

1. “Trí Tánh Bình Đẳng của Pháp Thân chư Phật không bao giờ phân biệt chấp trước các pháp của thế giới Chân Như”

Mỗi pháp đều có những đặc tánh riêng để nhận biết ra nó, cho nên định nghĩa Pháp là: “nhậm trì tự tánh quỹ sanh vật giải,” vậy nếu không phân biệt thì làm sao biết đó là pháp nào, có sự khác biệt và không lẫn lộn với pháp nào khác?

Trong mối liên hệ này, chúng ta nên chiêm nghiệm lại cuộc gặp gỡ và đối thoại giữa Ngài Huệ Năng và Ngài Huyền Giác, nhất là đoạn thoại này:

Lục Tổ hỏi Ngài Huyền Giác:

– Vô ý thùy dương phân biệt? (không ý thì ai phân biệt?)

 Đây là vấn đề cơ bản nhất. Nếu phá hết ngã, pháp, vượt qua mọi đối đãi thì đi đến kết quả gì?

– Nếu phân biệt, nếu suy lường thì vọng niệm dấy lên.

– Không phân biệt, không suy lường lại khác gì gỗ đá.

 Nếu phân biệt rõ cội nguồn, muôn vật mà bổn tánh vẫn như như bất động, tức là nhảy được qua bờ kia vậy.

Do vậy Ngài Huyền Giác mới trả lời:

 “Phân biệt diệc phi ý.” (Phân biệt cũng chẳng phải là ý)

Ngài Huyền Giác đã vượt qua mọi ý niệm suy lường, có phân biệt nhưng mà vẫn ở trong chân như chứ không phải vọng niệm, vẫn không động.

Đó chính là “Tri kiến Phật”.

Ví dụ, tu sỹ khi Thọ Trai, khi ăn chẳng lẽ không biết mình đang ăn món gì hay sao, đệ tử của mình hay dở tốt xấu không biết hay sao? Biết thì biết đó, phân biệt thì có phân biệt đó, nhưng mà không động niệm, vẫn ở trong chơn như, vẫn buông xả, để rồi thiện xảo phương tiện, tùy cơ duyên mà ứng xử thích hợp và hành hoạt lợi lạc.

2- “mỗi khi các pháp này ảnh hiện trong Tạng Như Lai và cũng không lưu lại trong Tạng Như Lai một chút dấu tích nào”

Nếu “không lưu lại trong Tạng Như Lai một chút dấu tích nào” thì lần sau muốn nhớ về pháp ấy, làm sao mà nhớ được? Đức Phật có Túc Mạng Minh, Ngài đã kể về Túc Sinh Truyện (Jataka), nhớ hết và kể lại những ai, những gì liên quan đến các kiếp sống đã trải qua của Ngài… Nên chăng: lưu lại thì lưu lại hết nhưng mà không vướng mắc vì các pháp lưu lại đó, chứ đâu phải là đãng trí? Ví dụ, một người đối xử không tốt với ta, chúng ta vẫn nhớ chứ, nhưng nhớ với “thập như thị” và không vì thế mà có thành kiến hoặc chướng ngại trong việc trải lòng từ đến với họ – nhớ mà xả, xả mà nhớ, vậy mới là thật nhớ, siêu nhớ, thật xả và siêu xả – Hành giả với “Không – Vô Tướng – Vô Tác” không phải là không nhớ cái gì hết, hoặc các pháp đã tương tác với họ không để lại dấu tích nào mà cái chính là họ không vướng mắc, thong dong tự tại với A Lại Da Thức, với các chủng tử, với cái nhớ của mình, với những dấu tích ấy.

Còn việc “không để lại dấu tích” là không cố tình lưu dấu, kiểu như người làm được việc thiện phải chờ hưởng quả báo của thiện nghiệp hoặc là đáng để người đời ca ngợi mà thôi. “Thi ân bất cầu báo” không phải là giúp gì cho ai rồi quên mất, gặp lại người ấy mình không nhớ cái gì cả – nhớ thì vẫn nhớ hết, vẫn nhớ đã từng giúp việc ấy cho người đó, nhưng không mong cầu họ phải làm điều gì lại để hoàn trả xứng đáng cho mình – Mình làm chỉ đơn giản là gặp việc nên làm, thuận tiện mà làm, như là hít thở không khí (lúc đang khỏe khoắn), vậy thôi.

VI. Thức Thứ Bảy họat dụng trong Pháp Thân Chư Phật?!

Bàn về nguyên nhân sinh khởi bảy Thức, Ngài viết:

“Nguyên Nhân Sinh Khởi Bảy Thức:

“Khi Tạng Như Lai biến thành Thức Tạng và nằm trong Vô Minh Nghiệp Tướng, Năng lực dẫn phát của Hành (sức đẩy) liền thúc đẩy năng lực Thức Tạng chuyển biến thành năng lực phân biệt và năng lực phân biệt đây là chỉ cho Kiến Phần Thức Alaya (phần tác dụng của Thức Tạng). Năng lực phân biệt của Thức Tạng (Kiến Phần Thức Alaya) liền kết duyên với căn tánh (tánh chất giác quan căn bản) của Bảy Trí từ nơi Pháp Thân chư Phật trong thế giới Chân Như và khiến cho căn tánh của Bảy Trí này vọng hiện thành bảy Căn Thức (bảy hình tướng của Tâm Thức), tức là bảy cái nghiệp tướng Chứng Tự Chứng Phần của mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý và mạt na.”

Các quan điểm gây khó hiểu ở đây là:

Bảy Trí là Bảy Trí nào, phải chăng Ngài muốn nói về Tứ Trí ?

“Pháp Thân chư Phật trong thế giới Chân Như” vẫn còn “chưa ổn” hay sao, vẫn còn bị quấy nhiễu và biến chất hay sao, vẫn chưa được lặng lẽ tịch diệt, thường, lạc, ngã, tịnh, “bất cấu bất tịnh, bất tăng, bất giảm” hay sao mà lại bị vọng hiện thành Căn Thức? – “Năng lực phân biệt của Thức Tạng (Kiến Phần Thức Alaya) liền kết duyên với căn tánh (tánh chất giác quan căn bản) của bảy Trí từ nơi Pháp Thân chư Phật trong thế giới Chân Như và khiến cho căn tánh của bảy Trí này vọng hiện thành bảy Căn Thức (bảy hình tướng của Tâm Thức), tức là bảy cái nghiệp tướng Chứng Tự Chứng Phần của mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý và mạt na.”? !

VII. Nguyên nhân sinh ra thế giới – Sum La Vạn Tượng

Bàn về nguyên nhân sinh ra hiện tượng trong ba cõi, Ngài viết:

“Nguyên Nhân Sinh Ra Hiện Tượng Ba Cõi:

“Kiến Phần Thức Alaya (Thức Năng Phân Biệt) có khả năng sinh hoạt trên hai lãnh vực: Lãnh vực chân như và lãnh vực hiện tượng.

“Lãnh vực chân như:

“Trước hết, Kiến Phần Thức Alaya có khả năng kết duyên với các Pháp Thân chánh báo và những Cảnh Giới y báo của chư Phật nơi thế giới Chân Như. Khi sinh hoạt kết duyên, Kiến Phần Thức Alaya khiến cho Pháp Thân và Cảnh Giới của chư Phật nơi thế giới Chân Như ảnh hiện qua lớp màng Vô Minh Nghiệp Tướng để nội kết thành những hạt giống ảnh tử của thân thể (thân căn) và của cảnh giới hiện tượng trong Thức Thể Alaya. Những hạt giống ảnh tử của thân thể và của cảnh giới hiện tượng trong Thức Thể Alaya chính là nguyên nhân đầu tiên cho việc sanh khởi vạn pháp của Thế Giới Vọng Hiện và cũng là nguyên nhân đầu tiên cho việc sanh khởi vạn pháp của Thế Giới Nghiệp Duyên về sau.”

 Xin được phép phản biện tại đây: “Kiến Phần Thức Alaya” đó là của ai, là của chúng sanh hay là của Chư Phật? Thôi thì cứ cho là của chúng sanh đi vì đối với chư Phật Tám thức đã chuyển thành Bốn Trí, vậy thì khi đã có “Kiến Phần Thức Alaya” tức là có chúng sanh rồi, lại có “Pháp Thân và Cảnh Giới của chư Phật” như thế đã là có tất cả rồi, cần gì phải tương tác rồi này sinh ra Vạn Pháp ở đây nữa. Bởi vì “ Kiến Phần Thức Alaya” tồn tại là tồn tại ở đâu? Phải có cá thể và môi trường, Y Báo và Chánh Báo, nếu đã là như thế thì Kiến Phần Thức Alaya có thiếu gì đối tượng để tương tác mà phải nhất thiết “khiến cho Pháp Thân và Cảnh Giới của chư Phật nơi thế giới Chân Như ảnh hiện qua lớp màng Vô Minh Nghiệp Tướng để nội kết thành những hạt giống ảnh tử của thân thể (thân căn) và của cảnh giới hiện tượng trong Thức Thể Alaya. Những hạt giống ảnh tử của thân thể và của cảnh giới hiện tượng trong Thức Thể Alaya chính là nguyên nhân đầu tiên cho việc sanh khởi vạn pháp của Thế Giới Vọng Hiện và cũng là nguyên nhân đầu tiên cho việc sanh khởi vạn pháp của Thế Giới Nghiệp Duyên về sau.”

Hơn nữa, thực tế, có được bao nhiêu chúng sanh có mối quan tâm, đủ duyên và đủ sức tiếp xúc và khiến cho Pháp Thân và Cảnh Giới của chư Phật trở thành cái nọ, cái kia?

VIII. Bàn về việc Thức Thứ Sáu chun vào và sinh hoạt trong thế giới mộng mơ

Ngài viết:

“… Thí dụ, sự chuyển tiếp giữa hai dòng sanh mạng của con người hiện thực và của con người trong giấc mơ (Dream), Ý Thức Thứ Sáu của con người hiện thực thì hoàn toàn bất lực trong sự hiểu biết, nghĩa là Ý Thức Thứ Sáu của họ không biết mình chun vào trong giấc mơ lúc nào. Cho đến khi con người và thế giới trong giấc mơ đã được phát hiện thì lúc đó, Ý Thức thứ sáu của con người hiện thực mới biết mình hiện có mặt trong mơ để sinh hoạt thế giới mộng mơ.”

Xin được phép phản biện nơi đây: Thực ra thì Thức Thứ Sáu luôn hiện diện khắp mọi nơi chứ đâu có cần gì “chun ra” hay “chun vô,” khi đủ duyên thì nó nhận biết, phản ứng mạnh, khi thiếu duyên thì nó tiềm tàng yếu ớt vậy thôi. Con người hễ mê nhiều thì tỉnh ít mà tỉnh nhiều (trí giác hoạt động nhiều) thì mê ít. Một khi “Ý Thức Thứ Sáu của con người hiện thực mới biết mình hiện có mặt trong mơ” thì còn gì mơ nữa (đã tỉnh mất rồi, vì có ai đang say mê trong giấc mơ mà biết mình đang mơ?”

Công nhận rằng Thức Thứ Sáu vẫn hoạt động khi một người đang ngủ, đang mơ nhưng có hai điều:

1/ Ý thức vẫn luôn có sẵn tại đó và có thể bị che mờ hay phát dụng được bao nhiêu là tùy duyên, chứ không có “chun ra,” “chun vô” gì cả ,

2/ Một khi Thức Thứ Sáu mà biết mình “hiện có mặt trong mơ” thì còn gì là mơ nữa ?

Để tìm hiểu kỹ hơn loại tâm, tâm sở nào hoạt động trong giấc mơ, dòng chảy của tâm diễn biến khi một người đang ngủ ra sao, chúng ta hãy đối chiếu với phần trình bày trong Vi Diệu Pháp:

“ Ban đêm khi nằm ngủ say (không mộng mị) thì dòng hộ-kiếp-tâm (bhavaṅgacitta) thuộc về quả-tâm sinh rồi diệt liên tục không ngừng, có đối-tượng trong kiếp quá-khứ,

2- Middhacetasika: buồn-ngủ tâm-sở là tâm sở buồn-ngủ làm cho tâm-sở đồng sinh buông bỏ đối-tượng, tâm không biết rõ đối-tượng nữa.

Trạng-thái riêng của middhacetasika: có bốn pháp lakkhaṇādicatuka:

1- Akammaññattalakkhaṇam không thích trong công việc biết đối-tượng là trạng-thái của buồn-ngủ tâm-sở.

2- Onayharasaṃ buông bỏ đối-tượng là phận sự của buồn-ngủ tâm-sở.

3- Līnattapaccupaṭṭhānaṃ lười biếng tiếp nhận đối-tượng là quả hiện hữu của buồn-ngủ tâm-sở.

4- Ayonisomanasikārapadaṭṭhānaṃ do si-mê không biết đúng trong tâm mọi thật-tánh của các pháp là nhân-duyên gần phát sinh thīnacetasika.

Trên đây là tám điều mà tôi có cách suy nghĩ khác với Ngài trong sách “Khảo Nghiệm Duy Thức Học.” Tôi chỉ nói: tôi được quyền phản biện và có suy nghĩ, có quan điểm khác thôi – tôi chưa nói là ai đúng, ai sai. Việc đúng sai thế nào thì tùy vào nhận thức của những bậc tri thức cao minh. Quan điểm, cách hiểu về Giáo Pháp có thể khác chỗ nọ, chỗ kia, nhưng trước hay sao tôi vẫn luôn kính quý Ngài, cả cuộc đời hy hiến dấn thân hoằng Pháp lợi sanh, góp công sức lớn lao cho việc hình thành nền móng Phật Giáo Việt Nam phát triển ở Hải Ngoại trong giai đoạn đầu. Thân Giáo, Khẩu Giáo, Ý Giáo của Ngài lưu lại cho chúng ta một tấm gương sáng, một động lực lớn lao.Kính tưởng Ngài thì chúng ta hãy tiếp tục tâm chí của Ngài, năng động, tích cực, dấn thân hoằng dương Chánh Pháp, phát triển Tăng Đoàn lục hòa, cùng nhau hướng đến lợi lạc chung như lời Phật dạy: “Này các Tỷ-kheo, hãy du hành vì hạnh phúc cho quần chúng, vì an lạc cho quần chúng, vì lòng thương tưởng cho đời, vì lợi ích, vì hạnh phúc, vì an lạc cho chư Thiên và loài Người. Chớ có đi hai người một chỗ. Này các Tỷ-kheo, hãy thuyết pháp sơ thiện, trung thiện, hậu thiện, có nghĩa, có văn. Hãy tuyên thuyết Phạm hạnh hoàn toàn viên mãn thanh tịnh. Có các chúng sanh sanh ra ít nhiễm bụi đời, nếu không được nghe pháp sẽ đi đến hoại diệt. Họ sẽ trở thành những vị thâm hiểu Chánh pháp….” (Kinh Tương Ưng, Tập I, chương IV).

Tết Giáp Thìn, 2024
Thích Đồng Trí (Thích Minh Tuệ)

(Nguồn: Thich Dong Tri / Facebook ngày 20 tháng 2, 2024)

Hòa Thượng Thích Thắng Hoan, bên phải, và Thượng Tọa Thích Đồng Trí trong hình không rõ ngày và địa điểm. (Thich Dong Tri / Facebook)

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *