Những yếu tố tạo nên sự kỳ vĩ của Thắng Hoan Đại Sư

*Đọc 14 phút*

Bài THÍCH ĐỒNG TRÍ

Tôi biết đến Cố Hòa Thượng (HT) Thích Thắng Hoan từ mùa Vu Lan năm 2005, 19 năm về trước, khi có duyên diện kiến Hòa Thượng tại Chùa Quang Minh, Chicago, trong Đại Lễ Vu Lan. Sau đó, tôi gặp lại Hòa Thượng nhiều lần: như Về Nguồn Lần VII, 2013, tại Chùa Cổ Lâm, Seatle, An Cư Kiết Hạ nhiều lần tại Chùa Bát Nhã và Phật Học Viện Quốc Tế, Nam Cali, các Khóa Tu Học Bắc Mỹ và nhiều Lễ Hội tại Chùa Quang Thiện, Ontario, Nam California, đây chính là Văn Phòng làm việc của Ngài. Với ân tình trải qua hai thập niên quen biết, tiếp xúc, đọc sách, nghe giảng trực tiếp và qua video của Hòa Thượng, …

Khi Ngài vừa viên tịch, tôi đã cảm tác hai bài thơ: “Ngưỡng Vọng Thắng Hoan Đại Sư” và “Thi Điếu Thắng Hoan Thượng Nhân.” Tôi nghĩ: cách tốt nhất để kính tưởng Ngài là hiểu về Ngài, rút ra những bài học từ những biểu hiện, giảng dạy lưu lại của Ngài, tiếp nối tâm chí và hướng đi của Ngài cũng như áp dụng những tinh hoa đó vào việc tu học và hành Đạo của chúng ta để làm tốt Đạo, đẹp Đời như lời Phật dạy: “Ai tin ta mà không hiểu ta tức phỉ báng ta.”

Thực ra, khi Ngài còn ở Chùa Bảo Phước (cách nay một năm), San Jose, California, lúc đó tôi đang ở Hayward, cũng ở California, cũng khá gần nhau, tôi đã lên chương trình đến phỏng vấn và thu hình lưu lại hai videos về hai chủ đề: “Những biến cố lịch sử trong cuộc đời hành Đạo của Ngài và những bài học lưu lại thế hệ sau” và “Tinh hoa Duy Thức Học.” Tôi có điện thoại đến Vị Trụ Trì và Thị Giả tại đó nhưng loay hoay rồi duyên không thành. Kể từ nay, cơ hội như vậy không còn nữa, thôi thì, nơi đây, tôi xin nêu cảm nhận về “Những yếu tố tạo nên sự kỳ vĩ của Thắng Hoan Đại Sư.” Chiêm nghiệm cuộc đời Ngài, tôi rút ra được 11 yếu tố quan trọng sau đây:

1. Được ảnh hưởng tốt từ gia đình – chiếc nôi cuộc sống

Phụ thân của Ngài vốn là nhạc sỹ cổ nhạc, điều đó có ảnh hưởng đến Ngài về tâm hồn nghệ sỹ, yêu cuộc sống, hướng đến Chân Thiện Mỹ, làm thơ và viết văn khi giảng có nhịp điệu, khúc chiết, có tình tiết, nghệ thuật. Còn Mẫu Thân của Ngài, Tỳ-kheo-ni Như Quả, thọ giới Cụ-túc năm 1968 tại Đại-giới-đàn chùa Từ Nghiêm, như vậy, mẫu thân luôn cảm thông và khích lệ chia sẻ hành trình với Ngài. Đó là những động lực rất lớn để Ngài phấn đấu mãi không ngừng, báo đền ơn sanh thành và giáo dưỡng từ gia đình. Những người có phước duyên và căn tu nhiều đời mới được sanh vào trong chiếc nôi cuộc sống, môi trường gia đình tốt như vậy. Nền tảng gia đình luôn ảnh hưởng rất lớn, góp phần tạo nên tính cách, lối sống, thói quen và hoạt động cả đời của mỗi người.

2. Ảnh hưởng từ những Minh Sư và chiếc nôi Đạo Pháp

Từ lúc mới xuất gia, tại chùa Hội Thắng, Ngài vừa học nội điển do Sư Phụ hết lòng truyền dạy, vừa học ngoại điển tại trường Phong Phú ở địa phương, nếp sống rau dưa đạm bạc đã tạo nền tảng đầu tiên căn bản về Giáo Lý Phật Pháp, kiến thức phổ thông và rèn luyện ý chí nghị lực, vượt khó, ham học hỏi không ngừng, rồi đến Sư Bác, sau này trở thành Y Chỉ Sư là cố Hòa Thượng Thích Thiện Hoa là Trưởng Ban Hoằng Pháp của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, có công trình đồ sộ về giảng dạy và viết sách về Phật Pháp, Phật tử hầu như ai cũng biết đến, hơn nữa với cơ duyên thù thắng được ở ngay tại Chùa Ấn Quang là văn phòng trung ương trung tâm của Giáo Hội Phật Giáo lúc đó, Ngài có hạnh duyên thụ bẩm từ chiếc nôi Phật Giáo và những Minh Sư cực kỳ đặc biệt và không thể tốt hơn như vậy. Những tấm gương ngời sáng đó, pháp nhũ vàng ngọc và môi trường hoàn cảnh như vậy khiến Ngài dồn toàn tâm toàn lực vào việc tu học trau dồi Phật Pháp, không dám chút nào lơ là, kẻo phụ lòng quan tâm của Thầy Tổ, vì “con công không giống lông cũng giống cánh,” hay là “ Danh Sư xuất Cao Đồ.”

3. Trải qua quá trình học hỏi từ các trường lớp cần thiết cho Tu Sỹ

Ngài học xong “Phật học cơ bản” tại Chùa Hội Thắng, tu nghiệp liên tục tại Tổ Đình Ấn Quang, Trung Đẳng tại Phật-Học-Đường Ấn Quang, Cao Trung Phật Học tại Phật-Học-Viện Trung-phần Nha-Trang, Cử Nhân Văn Khoa tại Đại-học Vạn Hạnh…. Cả Phật Học và Văn Khoa đều thuộc Ngũ Minh Phật Giáo, đều rất cần thiết cho vị tu sỹ hành Đạo và hoằng Pháp sau này. Thời trước năm 1975, số lượng tu sỹ học ngần ấy trường lớp và tốt nghiệp Cử Nhân Đại Học Vạn Hạnh thật hiếm hoi. Ngài thật kiên nhẫn, bền bĩ và tìm niềm vui trong học tập, cho đến năm 43 tuổi (1970) mới học xong Cử Nhân Đại Học Vạn Hạnh. Đây là hành trang cần thiết cho Ngài, nhờ đó sau này Ngài đi giảng dạy, làm việc liên tục và sáng tác thơ, viết sách,…, có những cống hiến đặc sắc, dài lâu.

4. Quá trình hoạt động và giảng dạy khắp nơi, liên tục và dày dạn

Chúng ta thử đọc lại đoạn ghi chép về các công việc Ngài đã làm tại Việt Nam trước khi ra nước ngoài:

Đầu năm 1963: Ngài làm Đốc Học tại Phật-Học-Viện Biên-Hòa kiêm giảng Sư trường Trí-Đức Biên-Hòa.
Đầu năm 1964 đến 1975:
– Giảng sư Viện-Hóa-Đạo, Sàigòn
– Chánh đại diện Giáo-Hội Phật-Giáo Việt-Nam Thống-Nhất tại Quận 5 và Quận 10.
– Tổng-vụ-Trưởng Tổng-vụ Tài Chánh GHPGVNTN
– Giảng sư các trường Trung Học Bồ-Đề: Nguyễn-văn-Khuê, Giác Ngộ và các trường Trung Đẳng chuyên khoa Phật Học tại các chùa như: Dược Sư, Từ Nghiêm, Hoa Quang, Huê Lâm, Từ Thiền, Giác Sanh (Sài Gòn), Phổ Đức, Phật Ân (Mỹ Tho).

Năm 1980: Để phục vụ và yểm trợ GH.PG.VNTN dưới sự chỉ đạo của các Hòa Thượng Huyền Quang và Quảng Độ, Ngài đã mở các lớp Trung Đẳng Phật Học tại các chùa Giác Sanh, chùa Giác Ngộ, chùa Bồ-Đề Lan-Nhã. Ngoài ra, Ngài còn mở các khóa đặc biệt huấn luyện về môn Duy Thức Học cho các sinh viên trường Bách Khoa Phú Thọ và Sư Phạm Vạn Hạnh.

Năm 1980: Để phục vụ và yểm trợ GH.PG.VNTN dưới sự chỉ đạo của các Hòa Thượng Huyền Quang và Quảng Độ, Ngài đã mở các lớp Trung Đẳng Phật Học tại các chùa Giác Sanh, chùa Giác Ngộ, chùa Bồ-Đề Lan-Nhã. Ngoài ra, Ngài còn mở các khóa đặc biệt huấn luyện về môn Duy Thức Học cho các sinh viên trường Bách Khoa Phú Thọ và Sư Phạm Vạn Hạnh.

Ngần ấy công việc, từ Tổng Vụ Tài Chánh cho đến giảng dạy các Trường Phật Học và Bồ Đề Tư Thục, tổ chức mở ra các lớp học Phật Pháp, các khóa học về Duy Thức thật là đảm đang và năng động tích cực.

Kể từ năm 1983 khi đến Hoa Kỳ, Ngài đã không quản ngại xa xôi, mỏi mệt, đi hoằng Pháp khắp các nơi ở Hoa Kỳ, Canada và các châu lục như thế nào thì chúng ta đã biết. Tôi tận mắt chứng kiến trong một Khóa Tu Bắc Mỹ, Ngài mãi say sưa giảng dạy cho chư Tăng Ni quên giờ giấc cho đến khi vị thị giả đến báo đã hết giờ.

Ngoài Pháp Sư Tịnh Không ra, có mấy tu sỹ chịu khó giảng và thu lại (record videos), lưu lại cho thế hệ sau những điều tâm đắc, những gì tinh túy nhất mà mình muốn truyền đạt mà không cần một khán thính giả nào trước mặt hoặc nghe online? Ngài đã giảng về Duy Thức Học và thu lưu videos lại như thế tại Chùa Quang Thiện. Đó là cả tâm huyết và những bí quyết, chìa khóa đi vào kho tàng Duy Thức Học mà Ngài muốn để lại cho những người hữu duyên và thế hệ sau học hỏi, nguồn cảm hứng bất tận để có thể phát triển sâu xa hơn nữa.

5. Xây dựng Tăng Đoàn, lãnh đạo các Giáo Hội Phật Giáo

Đến sinh hoạt Phật Pháp tại xứ sở Hoa Kỳ, các chùa đa số là “cải gia vi tự,” tự phát, rời rạc, làm sao để có thể kết nối được với nhau và sinh hoạt hài hòa trong một Giáo Hội Phật Giáo, đó là việc khó. Nhưng nếu làm được việc đó thì nhờ nơi đồng tâm kết chí, hỗ tương cho nhau thì sinh hoạt Phật Pháp nơi các tự viện nhịp nhàng, khởi sắc và luôn cảm thấy được hỗ trợ, có hậu phương vững chắc trong một thế đứng chung, nơi đất khách quê người khi phải “mang chuông trống đi đánh xứ người” và “trồng cây Bồ Đề trên cây Thánh Giá.”

Công việc này không hề dễ dàng một chút nào bởi vì pháp lý của các nước dân chủ văn minh, phát triển, không ép mỗi tự viện phải nằm trong khuôn khổ chung của Giáo Hội nào, tự viện tự làm việc chính thức trực tiếp với Bộ Nội Vụ – Tôn Giáo của Liên Bang không cần phải thông qua trung gian một Giáo Hội nào. Do đó, các tu sỹ và tự viện kết nối với nhau trong một Giáo Hội chỉ là tự nguyện và chịu khó sắp xếp lịch đến với nhau, sinh hoạt chung. Ngài là bậc Trưởng Thượng, giữ vai trò quan trọng hàng đầu của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất ở Hải Ngoại, với các cương vị: Chánh Văn Phòng Hội Đồng Giáo Phẩm, Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Hoa Kỳ (GHPGVNTNHK), từng là Trưởng Ban Điều Hợp và rồi là Trưởng Lão Chứng Minh cho Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Liên Châu, Tăng Trưởng Hội Đồng Chứng Minh, Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất. Ngài luôn luôn tích cực chứng minh, tham dự và chia sẻ ý kiến, huấn từ các cuộc họp, đại hội, hội thảo, khóa an cư, các kỳ Về nguồn, các Khóa Tu Bắc Mỹ, Lễ Phật Đản chung của Giáo Hội,…

Với cương vị Chánh Văn Phòng Hội Đồng Giáo Phẩm, GHPGVNTNHK, mỗi năm Ngài ra đều đặn ba Thông Điệp – Thông Bạch cho Tết Nguyên Đán, Đại Lễ Phật Đản, Đại Lễ Vu Lan. Những Thông Điệp – Thông Bạch đó của Ngài không phải mang tính chất “thủ tục,” làm cho có, hoặc là “bổn cũ soạn lại,” copy mô phỏng các lần trước, năm trước, mà phản ảnh sự đầu tư, dốc cả tâm tình ấp ủ, cân nhắc cao độ, quan sát tình hình chuyển biến ở Hoa Kỳ và thế giới chặt chẽ, hiểu được tâm tư nguyện vọng của bà con người Việt đồng hương và Tăng Ni Phật Tử, tùy theo từng giai đoạn theo các chương trình, kế hoạch Phật Sự của Giáo Hội đề ra mà chỉ đạo sâu sát, để mỗi người, mỗi tự viện, các Giáo Hội Phật Giáo các châu lục lấy đó làm kim chỉ nam và động lực phấn đấu cho tiến trình Lễ Hội thành tựu và giai đoạn, hành trình tiếp tục. Chúng ta có thể viết thành cuốn sách từ việc: những bài học rút ra từ những Thông Điệp – Thông Bạch của Ngài.

6. Nhà nghiên cứu Phật Học, nhà thơ, tác giả của nhiều tác phẩm

Việc đi giảng dạy đạo tràng, trường lớp nọ kia thì nhiều người làm nhưng việc lẳng lặng sáng tác thì ít người làm. Có ba lý do ở đây:

1/ Giảng dạy trực tiếp có đối tượng lắng nghe trực tiếp làm cảm hứng cho công việc, có được sự tán thưởng, kết nối Tình Pháp, Duyên Tăng và còn được cúng kính, lễ bái, cúng dường,… nữa, còn viết sách, dịch sách, sáng tác thì chỉ có một mình ngồi lặng lẽ làm việc trong phòng, thức khuya dậy sớm một mình rồi chẳng biết thời công nghệ hiện đại này có được độc giả tò mò đọc sách về chuyên môn Phật Pháp như vậy hay không nữa?

2/ Viết sách báo, sáng tác đòi hỏi phải nghiên cứu, đối chiếu tài liệu nhiều, có khả năng suy tư, sáng tạo, nghệ thuật văn chương,…công phu miệt mài.

Ngoài việc giảng Pháp, Ngài tận dụng mọi thời gian để sáng tác, chúng ta có thể thấy một số lượng lớn tác phẩm của Ngài trong các website Phật Giáo và ngay nơi website của Ngài: www.thichthanghoan.com.

3/ Việc giảng dạy tại đạo tràng nào đó, đa số Phật Tử là trình độ căn bản Phật Học giảng nói dễ, hơn nữa, có nhiều trường họp không truyền livestream facebook, Zoom và thu lưu Video lại, vậy thì sau khi một nhóm Phật Tử đó nghe qua rồi “cuốn theo chiều gió,” còn viết sách, cho dù là chọn đề tài gì, cũng nên khai triển từ thấp đến cao, cho nhiều hạng độc giả xem, thưởng thức, cũng như sẽ lưu lại “bút sa gà chết,” có những người, những nhà phê bình sẽ bắt lỗi về chính tả, văn phạm, văn chương và ý tưởng,…, nếu không khéo thì không khác gì: vạch áo cho người ta xem lưng hay sao?

7. Nếp sống bình dân, đơn giản, hài hòa, gần gũi

Tuy lớn tuổi, làm được nhiều việc và có vai trò cao trong Giáo Hội như vậy nhưng những ai có duyên tiếp xúc với Ngài đều cảm nhận một làn từ trường nhẹ nhàng, dễ chịu, dễ mến, gần gũi, hòa đồng. Ngài không cố tình tạo ra khoảng cách, kể lể khoe khoang về bản thân, chứng tỏ đẳng cấp, bản ngã mà bình dân, bình đẳng, hòa đồng với mọi người với lòng từ bi quan tâm chia sẻ. Đó là đặc điểm của các vĩ nhân trên thế giới: bình thường nhưng vĩ đại, vĩ đại nhưng bình thường chứ không phải làm ra vẻ kiểu cách, làm cao, ta đây, ngã mạn,…Ngài tiếp đón ân cần tất cả những ai có tấm long đến thăm viếng Ngài.

8. Quên bản thân, vì việc chung, lợi ích cho số đông

Đức Phật thường dạy hàng Tỳ Kheo hoằng Pháp “vì an lạc cho số đông, vì hạnh phúc cho số đông.” Ngài đến Hoa Kỳ sớm như vậy (1983), sau đó vài năm, nhiều Chùa Hội hình thành, Ngài đi giảng và quen biết nhiều nơi, nếu muốn, Ngài có thể lãnh làm Trụ Trì một Chùa Hội nào đó, sau nhiều năm thì tự nhiên trở thành vị lãnh đạo chính thức, có vai trò quyết định trong mọi sinh hoạt của Chùa. Nhưng không, nếu làm như vậy thì Ngài sẽ tốn nhiều thời gian, công sức và quá ưu tiên cho một trú xứ, cơ sở nào đó, trong khi Ngài theo tôn chỉ chư Phật Tổ ngày xưa là “Một bữa cơm ngàn nhà, thân chơi muôn dặm xa,” như vậy, Ngài không vướng mắc, chấp mắc Ta hay của Ta với một trú xứ nào mà lại dành được nhiều thời gian, tâm sức cho những việc to lớn, quan trọng, việc chung: hoằng Pháp, xây dựng Giáo Hội, sáng tác,…

Ở tạm trú nơi chùa này, chùa khác, nhân tình thế thái lúc mặn nồng khi lơ là, như người xa lạ, Ngài đã trải qua hết, nhưng có lẽ Ngài muốn mượn những cảnh duyên như vậy để thực hành nhẫn nhục ba la mật để tiếp tục niềm vui với những công việc sứ mệnh thiêng liêng của mình. Hình ảnh đẹp của những vị Cao Tăng Phật Giáo Việt Nam thời đương đại: HT Từ Thông, Cố HT Trí Quang, Cố HT Tuệ Sỹ, cố Ni Sư Trí Hải, cố Ni Sư Như Thủy… cũng lập hạnh như vậy.

9. Say sưa với công việc, trân quý từng giây phút của cuộc sống

Những năm tháng cuối đời, khi Hòa Thượng Minh Dung hoặc những ai đến thăm, lúc Ngài khỏe, đều thấy Ngài tiếp tục làm việc, dịch sách, viết sách,… Chúng ta có thể thấy hình ảnh tương tự Cố HT Thích Tuệ Sỹ đọc tài liệu qua một Ipad ngay nơi giường bệnh. Trải dài gần suốt một thế kỷ, Ngài hoạt động không ngừng và không thấy mỏi mệt, vì Ngài thiết tha với chân lý, chỉ có Trí Tuệ là sự nghiệp, hướng đến giác ngộ và khai sáng cho người khác, tìm thấy ý nghĩa và niềm vui trong công việc Ngài làm.

Nếu chúng ta không biết trân quý thời gian, sức khỏe, rồi thời gian trôi đi, vô thường ập đến thân ta mà ta chưa kịp làm gì nhiều cho Đạo, cho đời và không có tặng phẩm lưu lại cho đời. Còn Ngài thì khác, mỗi giây phút hiện sinh đều đáng quý và đơm hoa kết trái, nhờ vậy mà nhiều người được thừa hưởng ân khai hóa, tế độ, ân đức của Ngài. Ngài để lại di sản tinh thần lớn lao cho nhiều thế hệ dài lâu.

10. Khai thác chuyên sâu vào lĩnh vực đặc biệt: Luận Đại Thừa Phật Giáo

Duy Thức Học là bộ môn khó trong Giáo Lý Phật Pháp Đại Thừa, thế mà Ngài đi sâu vào đó, khai thác, khảo nghiệm. Ngài xứng đáng là: “Bậc Thầy của những bậc Thầy,” nghĩa là giảng dạy, huấn luyện tu nghiệp cho những giảng sư Phật Pháp, Sứ Giả Như Lai. Bởi vì Duy Thức Học áp dụng vào cuộc sống là lĩnh vực khó và mới, ngay cả đối với nhiều tu sỹ, cho nên việc giảng dạy của Ngài trong các Khóa An Cư, Khóa Tu Bắc Mỹ càng cần thiết và bổ ích thiết thực. Giảng dạy cho Phật tử nơi các đạo tràng thì tương đối dễ nhưng giảng dạy cho tu sỹ thì khó hơn nhiều, nhưng với việc triển khai Duy Thức Học, chức năng này không khó và rất xứng đáng với vai trò của Ngài.

Cho dù là hàng Tôn Túc đến đâu khi được mời giảng dạy cho tu sỹ thì cũng phải cân nhắc: à, mình sẽ chia sẻ những gì đây nhỉ? Người nghe là những vị giảng sư và họ đã học nhiều rồi, cái gì có vẻ họ cũng biết rồi. Nhưng với Ngài thì khác, chính vì vậy mà Ngài say sưa giảng dạy trong các khóa huấn luyện, tu nghiệp đó và cung cấp hành trang cần thiết cho Như Lai Sứ Giả trong hành trình dài.

11. Kêu gọi duy trì – phát triển văn hóa dân tộc và cống hiến cho nhân loại

Việt nam có hơn 2000 năm văn hiến, cho dù hoàn cảnh người Việt đang sống ly hương, Ngài luôn kêu gọi giữ gìn, phát huy tiếng Việt, bản sắc văn hóa dân tộc khắp những nơi Hải Ngoại Ngài đã đi qua và gieo duyên giảng Pháp, chia sẻ. Hơn nữa, với quy luật hai chiều “cho” và “nhận,” Ngài nhắc nhở người Việt Nam, tu sỹ gốc Việt nam phải thẩm thấu văn hóa và Phật Pháp để có gì đó ban tặng người bản xứ và bạn bè khắp năm châu khi chúng ta hội ngộ, chứ không phải chúng ta chỉ học hỏi, thâu nhận từ họ mà không có gì để ban tặng họ. Đó là lòng yêu nước chân chính, Tổ Quốc luôn luôn ở trong trái tim của Ngài, ra đi mang theo cả quê hương và góp phần sao cho các thế hệ con cháu gốc Việt Nam phát triển vững vàng ở Hải ngoại, vẫn giữ được nếp sống, văn hóa, phong tục, tập quán, ngôn ngữ Việt Nam, thật là:

Mái chùa che chở hồn dân tộc
Nếp sống muôn đời của Tổ Tông

(Huyền Không)

Mười-một điều nêu trên là những yếu tố hình thành nên Thắng Hoan Đại Sư với sự học tập, sinh hoạt và cống hiến trải dài gần một thế kỷ, công lao của Ngài đối với Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất ở Hải Ngoại khó ai so sánh hay thay thế được cho chiều dài năm tháng và khúc quanh, thời kỳ khắc nghiệt của thời điểm lịch sử để tạo dựng nền tảng Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất có thể tồn tại và phát triển vững vàng ở Hải Ngoại. Không phải ngẫu nhiên mà biết bao nhiều người xúc động, rơi lệ tiễn đưa cũng như biết bao nhiêu chư Tăng Ni Phật Tử vượt đường xa muôn dặm, khắp các châu lục, không ngại chi mưa gió khó khăn đến dự Tang Lễ và kính tưởng Ngài trong Lễ Di Quan tại Nam Cali, Hoa Kỳ. Khi Ta sinh ra, Ta khóc người cười nhưng hãy sống làm sao đó khi ra đi, Ta cười, người khóc. Người đã ra đi nhưng người còn ở lại, người đi dấu vết chưa nhòa, “hoa Đàm tuy rụng vẫn còn hương.”

Xin được nói hộ tấm lòng của bao nhiêu người có phúc duyên diện kiến, đảnh lễ tri ân sự hiện diện của Người trong đời và những cơ duyên hạnh ngộ với Người. Thân Giáo, Khẩu Giáo, Ý Giáo và những di sản Ngài đã để lại: Thông Bạch, Thông Điệp, lời dạy, sách báo, youtubes, website: www.thichthanghoan.com là vô giá và là tài sản bất tận cho tất cả chúng ta và bao thế hệ mai sau. Chúng ta phải tu học trau giồi làm sao để không cô phụ ân tình, lòng quan tâm của Ngài đối với chúng ta và hãy bồi đắp nhân duyên để trong kiếp hiện tại hoặc các kiếp vị lai với Bồ Tát Hạnh ngang qua các kiếp sống, chúng ta cũng hội đủ dần dần 11 yếu tố trên để có thể trải thân tu học và hành đạo, làm tốt Đạo, đẹp Đời, góp phần cho thế giới hòa bình, nhân sinh an lạc, chúng sanh quay đầu hướng thiện, thế giới thêm Chân – Thiện – Mỹ.

Nguyện cầu Giác Linh Ngài hoa khai kiến Phật, thượng phẩm thượng sanh, tịch diệt vi lạc rồi không quên bản nguyện trở lại cõi Ta Bà để tiếp tục sứ mệnh chèo thuyền Bát Nhã đưa rước khách hữu duyên ra khỏi bể khổ trầm luân, đến bến bờ giải thoát an vui.

Nam mô Từ Lâm Tế Chánh Tông, Trí Bản Đột Không Pháp Phái Đệ Nhị Thập Tứ Thế, Việt Nam Thống Nhất Giáo Hội, Tăng Thống Viện – Trung Ương Giáo Phẩm Hội Đồng Tăng Trưởng, húy thượng THẮNG hạ HOAN, hiệu LONG HOAN, Trưởng lão Hòa thượng Giác linh thùy từ chứng giám.

Nhị thất Trai Tuần Kính Tưởng Giác Linh,
Đầu năm Giáp Thìn – 02/2024
Khể Thủ:
Hậu Học: Thích Đồng Trí
(Thích Minh Tuệ)

Ghi chú: Những bài văn thơ tưởng niệm Cố TLHT Thích Thắng Hoan của cùng tác giả:
Ngưỡng Vọng Thắng Hoan Ân Sư
Ngưỡng Vọng Thắng Hoan Ân Sư
Điếu Thi Kính Tưởng Thắng Hoan Đại Sư

(Nguồn: Thich Dong Tri / Facebook ngày 19 tháng 2, 2024)

Hình minh họa đầu bài: Hòa Thượng Thích Thắng Hoan, bên phải, và Thượng Tọa Thích Đồng Trí. (Thich Dong Tri / Facebook)

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *