Pháp tu Niệm Phật, bí quyết thành tựu vãng sanh

*Đọc 21 phút*
HUYỀN TRÍ biên soạn

Ngày nay, pháp môn Niệm Phật và Tịnh Độ đã trở thành chủ yếu trong Phật Giáo Bắc Tông, hầu hết Phật tử chào hỏi nhau đều bằng bốn chữ A Di Đà Phật. Ngay cả Thiền tông cũng dụng thiền đề là A Di Đà Phật trong quán chiếu hơi thở. Lý do đạo pháp: đời Mạt Pháp, Đức Thế Tôn Thích Ca Mâu Ni đã chuẩn bị cho chúng sanh pháp môn dễ tu dễ thành này như một phương cứu độ. Lý do thực tiễn: pháp rất dễ thực hành và tiện nghi cho đời sống phối hợp tâm linh và vật chất.

Pháp môn Tịnh Độ chủ trương niệm Phật, quán tưởng Đức Phật A Di Đà và sự thù thắng, trang nghiêm của cõi Cực Lạc Tịnh Độ, bằng tự lực với Tín, Nguyện, Hạnh tương ưng bản nguyện của Đức Phật A Di Đà. Hành giả còn phải nương nhờ Phật lực để vãng sinh về Cực Lạc trong trạng thái nhất tâm bất loạn. Tịnh Độ tông không phải là một pháp môn chỉ có tín ngưỡng Tịnh Độ Cực Lạc và Đức Phật A Di Đà, không phải chỉ có niềm tin, mà đó là pháp môn chủ trương con đường tu tập Giới, Định, Tuệ mà chủ yếu là Giới và Định. Do nhờ công phu tinh tấn niệm Phật mà thành tựu Định đạt đến nhất tâm bất loạn, niệm Phật tam muội. Nhờ thọ trì Tam quy, Ngũ giới, hành Thập thiện và tu tạo các công đức phúc lành (trong đó có hộ trì Tam Bảo, hoằng dương chính pháp, từ thiện, bố thí, phóng sinh…) mà thành tựu được Giới.

Một số câu hỏi thường đặt ra là: Làm sao để biết thành quả của việc niệm Phật? Làm sao để biết người quá cố được về Tịnh Độ. Người tu càng nhiều nhưng có ai thực sự đắc quả chăng? Người tu càng nhiều, câu hỏi càng nhiều. Những câu hỏi trong phần Vấn Đáp tiếp theo dây chính là câu hỏi thường nghe thấy nhất. Các câu trả lời hầu hết là nằm trong kinh sách hay từ các vị đại sư đã tu tập pháp môn này, có chỉ dấu đắc pháp.

I. Vấn đáp Tịnh Độ

Làm sao để biết một người đắc pháp tu Niệm Phật?

ĐÁP: Người tu Phật dù có đắc bất cứ pháp môn nào cũng đều ít phát biểu ra ngoài. Ngay cả những bậc Pháp Sư, Đại Sư cũng đều không nhắc đến sự thành tựu của bản thân, để tránh tăng ngã mạn hay gây vọng tưởng. Tuy nhiên, nhìn đức độ, tài năng, lời lẽ, tâm từ bi thiện lành vô hạn, và tánh không màng đến bát phong thế sự, có thể nhận biết phần nào khả năng đạo hạnh.

Một cách nhìn khác, nếu người đã có tu Tịnh Độ sẽ biết là người niệm Phật đắc pháp sẽ có ánh sáng vô lượng quang. Mỗi người trên thân đều có ánh sáng, chỉ là màu sắc ánh sáng, có lớn nhỏ khác nhau. Riêng người niệm Phật, thì ánh sáng của họ dung hòa với ánh sáng của Phật A Di Đà. Ánh sáng của Phật A Di Đà là Vô Lượng Quang; cho nên ánh sáng phát ra trên thân người niệm Phật cũng là Vô Lượng Quang

Điểm đặc biệt của các vị đắc pháp tu Niệm Phật là khả năng minh chứng được sự vãng sanh của mình, như là các chứng cứ lưu lại cho người đời để khuyến tấn tu học. Trong thời đương đại, có rất nhiều vị tu pháp Tịnh Độ khi mất đi lưu lại rất nhiều xá lợi, hoặc là xá lợi toàn thân. Tại Việt Nam chúng ta có Hòa Thượng Thích Giác Khang phái Khất Sĩ tu thiền tịnh, đã lưu lại hàng ngàn xá lợi. Trong phái Tịnh Độ của vị Pháp Sư lừng danh Tịnh Không, hiện trụ tại Tân Gia Ba, có nhiều tăng ni và Phật tử lưu xá lợi, vãng sanh như ý. Gần đây nhất là Hòa Thượng Hải Hiền vãng sanh năm hơn trăm tuổi, lưu xá lợi toàn thân, vân vân.

Vì sao niệm Phật hoài mà không thấy kết quả?

ĐÁP: Chúng ta niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ cũng phải có điều kiện, không phải nói “tôi tin” thì có thể vãng sanh, không được đâu. Trong Kinh A Di Đà có giải thích rõ ràng điều này.

Người không có phước, nhất định không thể niệm Phật được, vì vãng sanh Cực Lạc là phước báo lớn nhất thế xuất thế gian, kẻ không có phước sao được. Người niệm Phật, được tất cả chư Phật, Bồ Tát, Tứ Đại Thiên Vương, Long Thiên Thiện Thần, Quỷ Thần Hộ Pháp gia trì, hộ niệm. Vì tất cả các Ngài đều hi vọng bạn sớm trở thành Phật, sau khi thành Phật sẽ quay trở lại độ vô lượng chúng sanh. Trở thành đệ tử của A Di Đà Phật là điều vô cùng vinh quang, vì Ngài là vua trong các vị Phật, nên Ngài được tán thán đến cực điểm là “Quang trung cực tôn, Phật trung chi vương,” ánh sáng tôn quý nhất, vua trong các vị Phật. Ánh sáng biểu trưng cho trí huệ. Trong biến pháp giới, hư không giới Ngài là bậc đại thí chủ, biết chúng sanh nghiệp chướng nặng nề, không thể tự mình liễu sanh tử, xuất Tam giới nên Ngài kiến lập thế giới Cực Lạc, không phải cho riêng mình hưởng thụ, mà Ngài đem cúng dường cho tất cả chúng sanh trong Mười Phương Thế Giới, mau về nơi đó để được dạy dỗ, chóng thành Phật, thoát khỏi biển khổ sanh tử.

Thế nên, người tu Tịnh Độ chưa thấy kết quả phải hết lòng cung kính cầu nguyện và sám hối, để tâm thanh tịnh, và được chuyển hóa. Đó gọi là Pháp Trì Giới Niệm Phật (đề cập bên dưới).

Nên niệm 6 chữ ‘Nam Mô A Di Đà Phật’ hay 4 chữ ‘A Di Đà Phật?’

ĐÁP: Nói chung, niệm Phật 6 chữ hay 4 chữ tùy theo đạo hữu hợp với cách niệm Phật nào thì niệm Phật theo cách đó. Không phải thiếu 2 chữ “Nam Mô” là không cung kính. Cung kính hay không là do tâm người niệm Phật, nếu niệm Phật 4 chữ với tâm cung kính thì niệm Phật 4 chữ vẫn cung kính. Nếu niệm Phật 6 chữ có thêm 2 chữ “Nam Mô” mà niệm Phật với tâm không cung kính thì niệm Phật vẫn không cung kính. Quan trọng là niệm Phật có tâm cung kính hay không thôi, chứ không phải niệm Phật 6 chữ hay 4 chữ.

Đức Phật đã dạy trì niệm “Nam Mô A Di Đà Phật” trong “Kinh Niệm Phật Ba La Mật.” Đức Phật đã dạy trì niệm “A Di Đà Phật” trong “Kinh Vô Lượng Thọ” và “Kinh A Di Đà.” Cách niệm Phật 4 chữ hay 6 chữ cũng đều là Phật dạy. Tùy theo mình hợp với cách niệm Phật 4 chữ hay 6 chữ. Niệm Phật 4 chữ được lợi là ít chữ dễ niệm và dễ đạt nhất tâm bất loạn. Khi lâm chung niệm Phật 4 chữ cũng dễ niệm hơn vì ít chữ. Còn niệm Phật 6 chữ thì 2 chữ “Nam Mô” có nghĩa là quay về. Thầy dạy niệm Phật 6 chữ không dư hay niệm Phật 4 chữ không thiếu. Người nào quen niệm Phật 6 chữ thì cứ tiếp tục, còn người nào muốn đổi sang niệm Phật 4 chữ cũng tốt.

Có cần nghi thức trước khi tu niệm Phật chăng?

ĐÁP: Pháp môn niệm Phật thù thắng ở chỗ không câu nệ hình thức. Ở nhà hay đang làm việc đều có thể niệm Phật. Niệm trong tâm không ra tiếng. Bất kể làm việc gì, Phật hiệu cũng có thể không gián đoạn. Nếu lúc làm việc cần suy nghĩ, thì tạm thời buông xuống câu Phật hiệu. Sau khi làm xong việc, việc làm bỏ xuống, lại khởi lên câu Phật hiệu. Pháp môn này thật thù thắng và tiện lợi, bất luận ở hoàn cảnh nào, thuận cảnh cũng tốt, nghịch cảnh cũng được, đều làm cho công phu không bị gián đoạn. Đây là điều mà những pháp môn khác không thể làm được.

Tuy nhiên, nếu niệm Phật tại Niệm Phật Đường hoặc ở các Tự Viện, hay Trợ Niệm, cần theo nghi thức Phật Pháp lễ Tam Bảo trước khi tụng niệm.

Đọc kinh sách có cần thiết khi tu niệm Phật chăng?

ĐÁP: Kinh A Di Ðà, kinh Vô Lượng Thọ, kinh Quán Vô Lượng Thọ gọi là “Tịnh Ðộ Tam Kinh,” chuyên luận về sự lý duyên khởi của Tịnh Ðộ. Các kinh Ðại Thừa khác đều nói kèm về Tịnh Ðộ. Nhưng kinh Hoa Nghiêm chính là khi đức Như Lai mới thành Chánh Giác, vì bốn mươi mốt địa vị Pháp Thân Ðại Sĩ mà xứng tánh giảng thẳng diệu pháp Nhất Thừa. Cuối kinh, Thiện Tài đi tham học khắp các thiện tri thức. Sau khi chứng ngộ như chư Phật, Thiện Tài đồng tử được Phổ Hiền Bồ Tát giảng cho nghe mười đại nguyện vương. Ngài dạy Thiện Tài và khắp Hoa Nghiêm hải chúng hồi hướng vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới ngõ hầu được viên mãn Phật Quả.

Trong Quán kinh, phần nói về hạ phẩm hạ sanh, kẻ ngũ nghịch – thập ác đủ các điều bất thiện, lúc lâm chung tướng địa ngục hiện, có thiện tri thức dạy cho niệm Phật. Kẻ ấy liền vâng lời dạy, xưng niệm Phật danh, chưa đầy mười tiếng liền thấy Hóa Thân Phật đưa tay tiếp dẫn vãng sanh.

Thiền và Tịnh khác nhau hay đi đôi với nhau?

ĐÁP: Trong pháp tu Nguyên Thủy hay Nam Tông thì chú trọng pháp Tứ Niệm Xứ, và không chủ trương niệm Phật Di Đà khi hành thiền. Các pháp tu Bắc Tông thì thường áp dụng Thiền Tịnh song tu. Đức Phật dạy có 8 vạn 4 ngàn pháp môn, cho nên chỉ cần pháp nào theo đúng Bát Chánh Đạo, tôn trọng Tam Bảo và Tam Tạng kinh điển của Như Lai là được. Tuy nhiên, khuynh hướng thời Mạt Pháp nghiêng về Tịnh độ vì dễ tu và hợp với thời đại.

Trên nguyên tắc, Thiền đi với Tịnh rất dung hợp. Hành giả khi niệm Phật có thể ngồi trong tư thế thiền định, và dẹp bỏ mọi niệm tưởng, nhất tâm niệm Phật, tất hiệu quả sẽ gia tăng hơn nhiều. Hành Thiền cũng cần an định tâm, và khi trì tụng Phật hiệu cũng là một pháp an trú tâm rất hiệu nghiệm. Tụng A Di Đà Phật, theo nguyên ngữ “Amitabha Buddha,” chính là “Vô Lượng Quang Như Lai,” sẽ giúp hành giả chóng đắc thành ánh sáng Phật Đạo, hướng đến ánh sáng Trí Tuệ Như Lai.

Trẻ em niệm Phật có thích hợp chăng? Hay chỉ có người già hết việc mới cần niệm Phật?

ĐÁP: Ngài Ấn Quang đã nói, hãy dạy trẻ mới lên 3 tuổi niệm danh hiệu A Di Đà Phật hay danh hiệu Quán Thế Âm Bồ Tát. Vì vô hình chung chúng ta không thể nào thấy được các vị oan gia trái chủ của các bé, chúng ta dạy con niệm Phật để làm gì? Để các bé có thể tự tai qua nạn khỏi, bệnh tật tự tiêu trừ, các vị oan gia trên thân thể chúng cũng được nghe pháp mà độ được họ và ngày qua ngày, họ hiểu Phật pháp mà tu theo. Hạn chế việc đòi nợ trên thân thể các bé, và có nhiều điều lợi ích sau này cho trẻ lắm thay! Thời buổi này được gọi là loạn lạc, ma quỷ loạn thế nên xảy ra rất nhiều chuyện chưa từng có từ trước đến giờ. Vì vậy ông bà, cha mẹ, anh em, thầy cô giáo chỉ bảo vệ trẻ trong phạm vi mắt thấy. Chúng ta không thể nào kiểm soát con của chúng ta trong thời gian 24/24. Cách duy nhất để bảo vệ con tránh xa tai ương tai nạn cũng như bệnh tật và nạn tai là hãy dạy con niệm Phật khi còn bé; lớn hơn dạy tụng kinh, trì chú, làm công đức, phóng sinh, cúng dường tam bảo, làm từ thiện.

Người lớn tuổi, nhất là người già hết việc rãnh rỗi cần đặt hết thời gian vào việc tu niệm Phật để định hướng tâm linh mình khi đi vào cõi khác, đồng thời để tiêu diệt bớt nghiệp chướng nhiều đời. Do vì niệm Phật là một pháp tu được chư Phật gia hộ, nên giúp tiêu trừ nghiệp chướng. Càng tu sớm càng được độ trì và giải nghiệp nhanh. Không phải đợi đến khi già lão.

Trợ niệm người bệnh hay quá vãng như thế nào mới có hiệu quả?

ĐÁP: Nếu quý vị thật sự phát tâm muốn Trợ Niệm cứu độ cho thân bằng quyến thuộc và những người đã mất này vĩnh viễn lìa khỏi ác đạo, thì quý vị cần phải dùng Chân Tâm, Chân Thật Niệm Phật, đồng thời phải có tâm kiên cố không giãi đãi lười biếng. Trong cuộc sống hằng ngày, dẫu cho có bận rộn đến đâu đi nữa thì quý vị cũng nên dành thời gian để mà niệm Phật. Bởi vì quý vị niệm Phật đây là vì ai? Là vì muốn giúp đỡ tất cả thân bằng quyến thuộc trong hiện đời và cả trong những đời quá khứ đã qua. Quý vị phải biết rằng, công đức này vô cùng to lớn. Khi dùng Chân Tâm Niệm Phật sẽ có hiệu quả, nhất là khi người thân mình cần hộ niệm, cảm xúc lúc chia cách thân quyến sẽ khiến cái Tâm phát động, người Niệm Phật gia tăng sức hộ niệm và phát huy được năng lượng từ bi, rất dễ giúp đạt hiệu quả vãng sanh.

Pháp Sư Tịnh Không có dạy trong bài giảng “Hỏi Đáp Trợ Niệm Khi Lâm Chung” là khi lạy Phật thì nên niệm 6 chữ “Nam Mô A Di Đà Phật” trong lúc lạy, còn khi niệm Phật không có lạy thì chỉ niệm Phật 4 chữ “A Di Đà Phật.”

II. Các phương pháp Niệm Phật

1. Cách Niệm Phật cơ bản

Niệm Phật cơ bản có ba cách: “Cao Thanh Trì,” “Kim Cang Trì,” và “Mặc Trì.”

Cao Thanh Trì: Thì miệng kết hợp với ý niệm, tức là niệm bằng miệng, nhưng niệm danh hiệu Nam Mô A Di Đà Phật lớn tiếng, tùy theo hoàn cảnh niệm thật lớn, niệm vừa phải, niệm vừa đủ nghe để trấn áp các tiếng động bên ngoài, hạn chế cho nhĩ thức bị động bởi những tiếng động bên ngoài. Chủ yếu niệm Phật Cao Thanh Trì là dùng miệng niệm Phật lớn tiếng đánh động nhĩ thức tỉnh thức phan duyên theo tiếng niệm Phật, mà buông bỏ những tiếng động âm thinh bên ngoài; hành giả chỉ còn nghe tiếng niệm Phật cho đến khi thuần thục tịnh tâm, an lạc, định lực nảy sanh mà thôi.

Cách tu này thường được áp dụng, nhất là nơi tụ tập trong lễ Chùa, nhưng lại dễ bị tán loạn, nếu hành giả niệm cẩu thả, lấy lệ, không chú tâm, không liên tục. Lối niệm Phật này còn sinh chóng mệt, hao hơi, tổn tiếng.

Kim Cang Trì: Gần giống như cách niệm Mặc Trì, Cao Thanh Trì, nhưng niệm không ra tiếng, mà chỉ nhép miệng, không mở miệng quá lớn, không hé miệng quá nhỏ, làm cho ý bị động, không thể thực hiện hành pháp niệm Phật được. Hành giả nhép miệng một phần ba môi, đánh lưỡi thật nhẹ nhàng niệm danh hiệu Nam Mô A Di Đà Phật, rất dễ thuần thục sâu vào định, chánh niệm vững vàng không bị các ma ám ảnh, chư thiên lai hộ trì, phi nhơn không phá hoại, pháp giới thật an tịnh. Cách tu nầy thuộc của hàng Tăng Ni và Cư Sĩ thực hành thời điểm độc cư, nhập thất.

Nhưng niệm thầm (Mặc Trì) thì dễ hôn trầm, niệm lớn tiếng (Cao Thanh Trì) cảm thấy phí sức, duy dùng pháp “Kim Cang Trì” se sẽ động môi lưỡi mà niệm, là có thể bền lâu. Nhưng cũng không nên chấp định, hoặc khi niệm theo lối “Kim Cang Trì” thấy phí sức, thì không ngại gì “Mặc Trì,” nếu hôn trầm, lại đổi dùng pháp “Cao Thanh.”

Mặc Trì: Lối niệm Phật bằng ý, thường trong đời sống thì ý thức con người hay bị dong rủi theo duyên, ngoại cảnh chi phối đủ điều, không bao giờ dừng nghỉ. Lúc gặp chánh pháp, có đủ duyên lành gặp đúng pháp môn tu. Thời gian thực tập chuyên tu tịnh nghiệp, tam nghiệp được phục chế, nghiệp lực không còn lừng lẫy, lửa tham sân si cạn dần theo sự thuần thục công đức siêng tu. Lúc hành đạo, chư hành giả thực hiện ngồi bán già hay kiết già, kiết ấn tín (như hình ảnh Đức Phật ngồi thiền và thành Đạo dưới gốc cây Tất Bát La) qua thời gian khởi động ban đầu, hành giả bắt đầu dùng ý niệm Phật, tức niệm Phật bằng ý thức, không niệm Phật ra tiếng, không niệm Phật nhép bằng miệng.

Ý thức luôn tinh tấn công phu niệm danh hiệu Nam Mô A Di Đà Phật cho đến khi thuần thục, lần lần các căn khác cũng nương theo ý mà thuần thục cho đến khi thân an, thần tịnh, thân tâm an lạc trong sâu lắng, hành giả tiếp tục thực tập điều hoà ngày đêm nhị thời, tam thời, tứ thời, lục thời, chắc chắn sẽ đạt đến đỉnh điểm định lực, tam muội. Tuy nhiên cách nầy nếu hành giả tu không khéo dễ bị hôn trầm.

2. Quyết tâm và cần nhiều niệm

Tuy đơn giản, nhưng không phải ai cũng có thể làm. Niệm thật nhiều là điều không phải ai cũng làm được, đòi hỏi niềm tin và sự quyết tâm. Khi đã phát tâm mạnh mẽ, hãy niệm thật nhiếu bất kể lúc nào.

Niệm Từ Lúc Thô Sơ, Cho Đến Khi Thuần Thục.

Phải Nuôi Dưỡng Thành Thói Quen Niệm Phật.

Đem Một Câu, Nam Mô A Di Đà Phật. Hết Lòng Cũng Kính Niệm.

Ứng Dụng Vào Các Việc Như Ăn, Mặc, Ngủ. Đi Đứng Thường Ngày,

Lâu Ngày Như Thế. Tự Mình Có Thể Biết Được Sự Nhiệm Mầu.

Trong Niệm Phật Thập Yếu có bài kệ:
Một nén tâm hương
Một chí Tây phương
Chờ lắng bên trời nghe tiếng nhạc
Thân người dễ mất
Pháp Phật khó nghe
Tinh tấn khuyên lên đường giải thoát
Niệm không phải khó
Khó tại bền lâu
Khẩn nguyện cùng sanh về Cực Lạc
Bền lâu không khó
Khó ở nhất tâm
Sẽ thấy hoa sen cùng lầu các!

3. Nhiếp tâm Niệm Phật
Cầm chuỗi niệm Phật, ai cũng làm được cả, đâu có gì khó. Nhưng nếu lần chuỗi chỉ để lần chuỗi thì ai cũng làm được. Còn lần chuỗi niệm Phật để đi đến Nhất Tâm, thì không phải ai cũng làm được!

Trong Kinh A Di Đà nói cho chúng ta biết rất rõ ràng, người thiện nam, tín nữ nào niệm Phật từ 1 ngày, 2 ngày, 3 ngày, nhẫn đến 7 ngày nhất tâm bất loạn, thì khi lâm chung được Phật và Thánh chúng hiện ra tiếp dẫn về Cực Lạc.

Như vậy, niệm Phật chỉ cần tối đa là 7 ngày nhất tâm bất loạn thì lập tức thành tựu, nghe qua thấy thật dễ dàng quá!

Cả cuộc đời chúng ta có bao nhiêu lần 7 ngày, nhưng sao chúng ta không chịu hy sinh dù chỉ 1 ngày thôi để chuyên tâm mà niệm Phật?

Đây chính là lý do tại sao mà chúng ta cứ tu hoài tu mãi, có người niệm Phật đến cả đời nhưng chẳng thể thành tựu. Mọi người khi đến với đạo, ai cũng muốn trong đời này liễu sanh thoát tử ra khỏi Tam Giới, nhưng mọi người ai cũng nắm chặt lấy sanh tử chẳng chịu buông, đây là cùng với Phật pháp đi ngược đường lối.

Nếu bây giờ chúng ta chịu bỏ ra thời gian ngồi Nhiếp Tâm Niệm Phật từ 6 giờ sáng hôm nay đến 6 giờ sáng ngày mai, không có bất cứ một ý niệm nào xen vô, thì nhất định sẽ đạt được Công Phu Thành Phiến. Có công phu này thì đối với việc vãng sanh, chúng ta muốn đi lúc nào thì đi lúc đó, sanh tử tự tại.

Như vậy, sự tu hành dễ hay khó, có thể làm được không? Nhưng tại sao lâu nay chúng ta cứ trật vuột hoài, leo lên được chút đỉnh, thì lại bị tuột xuống? Đó là vì sức Định của ta còn yếu, nên khi đang nghĩ chuyện này, thì lại có thứ khác chen vào mất, niệm trước vừa khởi, niệm sau liền chèn lên. Như khi chúng ta lần chuỗi niệm Phật, chưa được bao nhiêu câu, thì đã có niệm khác chen vào mất rồi. Cứ như thế mà lập đi lập lại hết ngày này qua đến tháng nọ cũng vẫn chưa xong. Nhớ người thì bóng người hiện, nhớ chùa thì bóng chùa hiện, nhớ thị phi thế gian thì bóng dáng thị phi hiện.

Trong Kinh, Phật dạy rất rõ ràng, chỉ cần tối đa là 7 ngày thôi thì có thể thành tựu, mà chúng ta không ai làm được dù chỉ 1 ngày, vậy quý vị nói xem chúng ta có dở không?

Rõ ràng, nếu chúng ta biết đem chữ “Tử” dán vào trước trán, xem như chúng ta đã chết rồi trong mỗi câu Phật hiệu, thì còn việc gì chưa thể xả bỏ được chứ? Mọi thứ đều có thể buông xuống hết, thì làm gì còn niệm thứ hai chen vào được!

Như vậy mới biết sự tu rất dễ, mà cũng rất khó! Dễ chổ nào, mà khó chỗ nào?

Dễ vì chỉ cần 7 ngày thì có thể thành tựu. Khó vì do cứ luôn tán tâm khi niệm Phật, nên không thể thành tựu. Từ đây, ta biết được mấu chốt để dẫn đến thành tựu chính là phải làm chủ được tâm của mình.

4. Lão Thật Niệm Phật

Thế nào là Lão Thật Niệm Phật, hay còn gọi là Thật Thà Niệm Phật, Chân Thật Niệm Phật? Cổ Đức thường dạy chúng ta niệm Phật thì cần phải Lão Thật Niệm Phật. Tức là đem toàn tâm chân thật thuần thành Niệm Phật.

Vậy thế nào mới là Lão Thật? Lão thật Niệm Phật là thật thà, hiền lành, không cầu, không chấp, không cần hiểu lý lẽ gì cả, cứ niệm mãi câu Phật hiệu trong tâm. Câu Phật hiệu niệm ra đó không có danh văn lợi dưỡng, không có thị phi nhân ngã, không có đắc thất lợi hại trong đó. Từng câu từng câu niệm ra đó chỉ thuần là một mảng thanh tịnh mà thôi, ngoài ra cái chi cũng chẳng có, đây gọi là Lão Thật Niệm Phật.

Nghe thì không khó nhưng ít ai đạt được. Một số vị xuất gia chân tu có thể đạt đến trình độ này, nhờ đời sống tự viện đơn giản và không vọng niệm vọng tưởng. Đại Lão Pháp sư Hải Hiền đã đắc pháp này và vãng sanh hơn trăm tuổi, lưu xá lợi toàn thân. Đời sống của ngài rất đơn giản, cơm rau hai bữa, áo rách vá vai, suốt ngày niệm Phật.

Thành thật mà nói thì chúng ta ngày nay đều chẳng phải là người lão thật niệm Phật. Người chẳng lão thật thì phải làm sao đây? Thì cần phải trì giới niệm Phật, phải nhận lấy sự ràng buộc của giới luật.

5. Trì giới Niệm Phật

Muốn thành tựu pháp môn Niệm Phật trước tiên phải tịnh hóa thanh lọc tâm.

Trong tâm của mình tuyệt đối không thu nhận điều xấu bên ngoài của người khác làm phát khởi trược lậu cho bản tâm. Đó là nguyên tắc chủ yếu khi bước vào niệm Phật.

Hy vọng tâm của chúng ta phải nhớ được đạo lý. Trong tâm của chúng ta nên nhớ điều gì? Là nhớ những điều tốt nhất, điều thiện nhất, chân thật nhất của tất cả chúng sanh, những điều này nên để trong tâm của chúng ta; còn điều bất thiện của chúng sanh, những ác nghiệp của chúng sanh nhất định là không để ở trong tâm của mình, để nuôi dưỡng sự thuần tịnh thuần thiện của bản thân mình. Đều phải làm để cho mọi người xem, tại sao vậy? Vì con người ngày nay không hiểu được đạo lý này. Điều thiện của tất cả chúng sanh họ không cần, cái ác của chúng sanh cả thảy đều nhận vào hết, cho nên cái tâm của họ sẽ trở thành cái thùng rác, chuyên môn thu nhận việc bất thiện của tất cả chúng sanh, trong tương lai quả báo của họ là tam đồ địa ngục.

Pháp niệm Phật sẽ không thành tựu nếu cái Tâm ta chứa đầy trược lậu phiền não thế gian. Phải tịnh hóa nó bằng Giới Luật của Đức Phật dạy:
Cho nên, nếu thông minh thì không tự hại bản thân mình, đối xử với mình phải tốt một chút, phải đối xử thiện với chính mình, trong tâm của mình tuyệt đối không thu nhận điều xấu của người khác. Chẳng những miệng không nói mà ý niệm cũng không có, bồi dưỡng bản thân mình thuần tịnh thuần thiện, thân tâm khỏe mạnh.

Nhà Phật có câu: “Chư ác mạc tác, chúng thiện phụng hành, tự tịnh kỳ ý.” Đây có nghĩa là bỏ các điều ác, thường làm các điều lành, thì tâm ý dần trở nên thanh tịnh đoan chánh. Chúng ta có thể giữ cho mình trong một ngày chỉ làm toàn đều lành, tránh hoàn toàn các điều ác. Nhưng để giữ cho mình cả một đời này toàn làm các đều lành thì có thể nói là không hề dễ dàng. Do đó việc tuân giữ nghiêm cẩn các giới luật (tam quy ngũ giới) nhà Phật là điều cực kỳ quan trọng. Chúng ta nếu có thể trì giới mà niệm Phật thì mới có hy vọng đạt đến Niệm Phật Tam Muội, mới có được hy vọng vãng sanh Cực Lạc Thế Giới.

Chúng ta ngày nay tu hành niệm Phật, tại sao tâm lại khó an định đến vậy? Đó là bởi vì những tập khí xấu ác mà chúng ta đã huân tập từ vô thỉ kiếp đến nay đã quá sâu, quá dày, chúng đang ở đó không ngừng chi phối, không ngừng lôi kéo chúng ta tạo nghiệp. Nay chúng ta tuân giữ giới luật, chính là tạo ra sự buộc ràng đối với những tập khí xấu ác này, khiến cho chúng tuy vẫn còn nhưng không thể khởi tác dụng, không thể chi phối được chúng ta, và nhất là không thể chướng ngại sự an Định của nội tâm. Từ chỗ an Định này, trí tuệ của tự tánh dần được khai mở. Do đó, nhà Phật có câu: “Nhân trì Giới được Định, nhân Định khai tuệ.” Đạo lý chính là như vậy.

Chúng ta nếu như chẳng Lão Thật Niệm Phật lại chẳng Trì Giới, dẫn đến một mặt niệm Phật, một mặt vẫn khởi dậy các ác niệm trong tâm, ngoài thân thì không ngừng tạo tác ác nghiệp, vậy thì dù có cố gắng niệm Phật đến hết một đời cũng chẳng thu được kết quả. Chúng ta thường thấy có những người lúc sanh tiền không lão thật mà cũng không trì giới niệm Phật, nhưng đến khi họ chết thì có người lại nói là họ niệm Phật được vãng sanh, đây là điều hết sức phi lý, từ xưa đến nay chẳng tìm ra cái lệ nào như thế cả, chẳng có cái lệ này. Chúng ta tu hành nhất định không thể đem cái tâm thái cầu may để mà niệm Phật. Vừa mới thử đem cái tâm cầu may để mà niệm Phật thì liền thất bại ngay. Tu hành có thể đi đến thành tựu đều chẳng phải là do may mắn mà có được, mà tu hành chính là chiến đấu với tự ngã của bản thân, chiến đấu với tập khí xấu ác của chính mình, nếu ta có thể đánh bại được chúng thì liền có thành tựu, nếu ta không thể thì việc bị chúng chi phối đi vào ác đạo là việc không tránh miễn được. Cho nên, rất mong các bạn đồng tu trăm ngàn lần chớ nên xem thường vấn đề này mà cho qua, kẻo sau này có hối cũng chẳng kịp!

6. Niệm Phật đến Công Phu Thành Phiến sẽ tự tại vãng sanh

“Thế Nào Gọi Là Công Phu?” Đó là sự tập luyện hàng ngày, thật tinh tấn, thật nhuần nhuyễn cho đến khi thông thạo, thành phản xạ và có sức mạnh. Thế nào Niệm Phật Công Phu Thành Phiến? Cùng chung một khái niệm. Một câu niệm Phật hiệu có thể thay thế một vọng tưởng, niệm thật nhiều thật thành thạo thì gọi là công phu. Trong lúc niệm Phật, quyết không vọng tưởng thì là công phu. Công phu cạn thì thành phiến, công phu sâu thì đó là “Sự Nhất Tâm Bất Loạn” càng sâu hơn thì là “Lý Nhất Tâm Bất Loạn.” Cạn thì sanh về” Phàm Thánh Đồng Cư độ,” sâu thì sanh về “Phương Tiện Hữu Dư độ, càng sâu thì được sanh về “Thực Báo Trang Nghiêm độ.”

Công phu thật sự đắc lực, vọng tưởng, tạp niệm không khởi lên, gọi là công phu thành phiến thì các vị niệm Phật thành công rồi, quyết định được vãng sanh, nắm chắc vãng sanh” Phàm Thánh Đồng Cư độ.” Chúng ta thường nghe nói: Người vãng sanh biết trước giờ bỏ thân, không có bệnh gì, nói đi là đi, đứng mà đi, ngồi mà đi, muốn đi lúc nào thì đi lúc đó. Xin hỏi thêm, phải niệm đến công phu như thế nào? Niệm đến công phu thành phiến là được rồi. Biết trước ngày giờ, tự vãng sanh, mỗi một người chúng ta ai cũng làm được, chỉ là không chịu làm mà thôi.

Công phu thành phiến quyết định vãng sanh, nếu tiếp tục cố gắng thêm một thời gian, các vị sẽ được sanh tử tự tại. Sanh tử tự tại tức là bất sanh bất tử. Lợi ích niệm Phật thù thắng đến như vậy chúng ta không lấy, còn muốn nhớ tưởng việc thế gian, thù ghét , tranh giành, việc gì mà phải khổ như vậy? Phải nắm bắt cơ hội này , cái gì cũng không cần, chỉ muốn vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới, thì vấn đề sẽ được giải quyết thôi.

Phương pháp hay nhất để đoạn phiền não là niệm Phật, duy chỉ niệm Phật mới có thể rửa sạch phiền não. Dù là Thập Địa Bồ Tát đã chứng đắc địa vị rất cao, nhưng vô minh phiền não của các Ngài vẫn không dễ dàng rửa sạch. Sau cùng phải dùng phương pháp gì? Niệm Phật! Niệm Phật có thể tẩy rửa tận gốc vô minh, huống chi là Kiến Tư phiền não, Trần Sa phiền não. Niệm Phật phải niệm đến tâm thamh tịnh hiện tiền, trong từng câu Phật hiệu nối tiếp, không có tạp niệm thâm nhập vào, tâm của chúng ta sẽ được thanh tịnh. Phiền não chưa đoạn, vọng tưởng, phân biệt, chấp trước chưa dứt, dùng một câu A Di Đà Phật nén chúng lại, giống như tảng đá đè ngọn cỏ, rể vẫn chưa được nhổ… Hỉ, nộ, ái, lạc vẫn đang có, dùng câu Phật hiệu này nén chúng lại cho bằng phẳng, chúng không thể khởi lên tác dụng được. Công phu như thế gọi là “công phu thành phiến.” Có công phu này quyết được vãng sanh.

Tất cả tinh thần, ý chí tập trung vào danh hiệu, khi không tụng kinh thì niệm Phật. Trên miệng không niệm Phật vẫn không sao, nhớ ở trong tâm, quyết không để niệm Phật gián đoạn. Vì khi gián đoạn, vọng tưởng, chấp trước tức thì hiện tiền. Nói như vậy thì dễ, thật sự làm rất khó. Nhưng khó phải làm, không làm thì không ra được tam giới, không thoát khỏi sanh tử. Chúng ta phải cảnh tỉnh, khó vẫn phải làm. Khi niệm Phật sanh phiền não, vọng tưởng đừng sợ, không sao cả. Chỉ cố gắng siêng năng Phật hiệu niệm càng nhiều, vọng tưởng sẽ bị phục xuống, trong tâm luôn nhớ Phật hiệu thì sẽ không nhớ cái khác. Trong sinh hoạt phải cố gắng rèn luyện, luyện tập đến khi tạp niệm, vọng tưởng không thể khởi lên tác dụng, tức là công phu thành phiến. Năng lực này quyết định vãng sanh Tây Phương.”

Khi nào chúng ta cần Niệm Phật?

Đây là các trường hợp chúng ta cần niệm Phật, theo lời dạy của Cổ Đức:

1. Nếu người giàu sang, hiện được mọi sự thọ dụng, nhân đó rất nên niệm Phật.

2. Nếu người nghèo khó, gia đình suy vi khổ lụy, nhân đó rất nên niệm Phật.

3. Nếu người có con, tông đường đã có thể phó thác, nhân đó rất nên niệm Phật.

4. Nếu người không con, sống cô độc không ràng buộc, nhân đó rất nên niệm Phật.

5. Nếu người có con hiếu, an ổn được sự phụng dưỡng, nhân đó rất nên niệm Phật.

6. Nếu người có con ngỗ nghịch, không sinh lòng thương yêu lưu luyến, nhân đó rất nên niệm Phật.

7. Nếu người được thân thể khỏe mạnh không bệnh tật, nhân đó rất nên niệm Phật.

8. Nếu người mắc phải bệnh tật, mạng sống mong manh trong sớm tối, nhân đó rất nên niệm Phật.

9. Nếu người cô quả, sống đơn chiếc không ràng buộc, nhân đó rất nên niệm Phật.

10. Nếu người bị tai nạn, gặp cảnh cùng khốn cùng, nhân đó rất nên niệm Phật.

11. Nếu người già yếu, mạng sống chẳng còn bao lâu, nhân đó rất nên niệm Phật.

12. Nếu người tuổi trẻ, tinh thần sáng suốt nhanh nhạy, nhân đó rất nên niệm Phật.

13. Nếu người sống an nhàn, trong lòng không bị điều gì quấy nhiễu, nhân đó rất nên niệm Phật.

14. Nếu người bận rộn, thỉnh thoảng mới có một được đôi khi rảnh rỗi, nhân đó rất nên niệm Phật.

15. Nếu là người xuất gia, sống vượt ngoài thế sự, nhân đó rất nên niệm Phật.

16. Nếu là người tại gia, rõ biết ba cõi như căn nhà đang cháy cần phải thoát ra, nhân đó rất nên niệm Phật.

17. Nếu là người thông minh trí tuệ, hiểu thấu ý nghĩa Kinh điển, nhân đó rất nên niệm Phật.

18. Nếu là người ngu si đần độn, không có được bất kỳ khả năng gì khác, nhân đó rất nên niệm Phật.

19. Nếu là người tu tập pháp thiền, ngộ ra được tất cả các pháp đều do tâm tạo, nhân đó rất nên niệm Phật.

20. Nếu là người tu theo đạo tiên, cầu được sống lâu muôn tuổi, nhân đó rất nên niệm Phật.

Nam Mô A Di Đà Phật
HUYỀN TRÍ Cẩn Bút
(Image: Buddla Bless You Facebook)

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *