Nhớ về Bố

*Đọc 5 phút*

Bài THẦY NGUYÊN NGUYỆN

Hôm nay ngày 23 tháng Ba Âm Lịch, cũng là ngày mà gần 40 năm, Bố rời chúng con ra đi vĩnh viễn về với cát bụi, thời gian thoát ẩn thoát hiện, giờ con cũng đã gần 60.


Sau 1975 nhà chuyển từ Nha Trang về Thị Xã Tuy Hòa. Trong môi trường xã hội mới, ai cũng khổ, cái ăn cái mặc co hẹp lại, sự giao tế cũng hạn chế như một quy luật cộng sinh. Có lẽ Bố không còn phù hợp lắm. Năm 1979 Bố rời Phú Yên về Huế chỉ đi một mình. Người biết Bố đi trở về quê nội là con, nhưng con cũng không thể có một lời gì, vì Bố muốn trở về Huế và bỏ thân ngoài đó, Bố trở về ngôi nhà Từ Đường Họ Lê – Lương Lộc – Phù Lương – Phú Vang. Bố sống với gia đình Chú Hoạch. Từ đó con mất liên lạc với bố.

Năm 1982 con đi về Huế tìm Bố. Mùa hè năm đó, từ Phú Yên con đón xe Đờ Nôn, chiếc xe chạy bằng than đá, đến Quy Nhơn rồi phải chuyển qua một chiếc xe khác về Đà Nẳng, rồi sau đó chuyển qua một lộ trình mới Huế -Đà Nẳng cũng bằng những chiếc xe chạy bằng than đá, đầy bụi và chật chội.

Về đến Huế, con đến ngôi nhà 175 Nguyễn Trãi, đối diện với chợ Tây Lộc, Thành Phố Huế, ngôi nhà của Cô Giáo Nguyễn Thị Hạnh Nhân. Cô dạy con môn Hóa Học. Ở đó con bắt đầu đi tìm Bố, chỉ có cái thẻ căn cước của Bố và hai cái sổ Ngân Hàng Thương Tín trong tay. Con đã đi tìm làng Lương Lộc. Hơn 10 ngày bằng những cuốc xe đạp thồ, đi từ sáng đến tối, nhưng cũng đều vô vọng, bao nhiêu tiền bạc đem theo đã gần cạn kiệt.

Cho đến bây giờ, con cũng không hiểu tại sao những người đạp xe đạp thồ đó lại nói lời không thật, họ chỉ vẽ đủ mọi đường, để lấy tiền, cuối cùng hơn 10 ngày cũng chỉ xoay quanh Thành Phố Huế, đi xa lắm là về đến chợ Nọ -Vỹ Dạ vậy thôi. Vì muốn tìm được Bố, mỗi ngày con đi, cũng phải bốn cho đến năm lần xe đạp ôm, nhưng lần nào cũng như vậy, họ lấy tiền mà chẳng đi tới đâu.

Năm 1973 Bố có đưa con về Huế để làm lễ xã tang Mệ Nội, nhưng lúc đó con còn nhỏ quá, nên không thể nhớ đường đi. Không tìm được Bố, con quyết định ngày hôm sau quay lại Phú Yên, khi đó số tiền dự trữ cũng đủ cho những cuốc xe xuôi nam.

8 giờ tối đêm đó, con lang thang trên Cầu Tràng Tiền, đứng trên cầu nhìn dòng sông Hương, ánh trăng vằng vặc, nước sông Hương trong veo, vài ba người xuôi ngược. Thành Phố Huế khi đó rất nhiều xe đạp, hiếm khi thấy xe honda và xe hơi. Con cứ lẩm bẩm xin lỗi Bố vì không thể tìm ra được, con đường đi về làng xa xôi quá với chú nhỏ Phú Yên, quê Nội Huế mà xa lạ quá.

Trời bắt đầu đổ mưa, những cơn mưa mùa hè bất chợt đến rồi đi. Con định quay về thì bỗng nhiên có một cụ già lầm lũi mặc áo tơi mưa, chống cây gậy đi một mình trong đêm. Bà cụ có lẽ cũng trên 70 tuổi, nhưng rất cằn cỗi và khổ sở, bà đi từng bước với chiếc gậy. Thấy tội nghiệp, con đến và và tặng cụ một ít tiền, con cũng chẳng nhớ là bao nhiêu.

Bà cụ nghe giọng nói của con không phải là dân Huế, bà cụ dừng lại nhận tiền. Nhân tiện con hỏi thăm đường về làng Lương Lộc đi như thế nào? Bà cụ hỏi con đến đó làm gì? quen biết với ai?

Con chỉ biết: Về tìm ông Lê Phùng anh của ông Lê Hoạch. Bà cụ bỗng nhiên ồ lên một tiếng và bảo rằng, ngày mai chú ra bến đò An Cựu và hỏi đi về bến đò Ông Hoạch là được. Bà cụ hỏi lại, “Chú là gì của họ?”

Như bắt gặp chiếc phao giữa cơn vô vọng, con cảm ơn bà cụ và chạy về lại nhà Cô Hạnh Nhân. Ngày hôm sau chào Ông Bà thân sinh của Cô, con rời Thành Nội, nếu không tìm được làng, con sẽ quay lên bến xe Đông Ba và về lại Phú Yên.

Bến đò An Cựu chật chội và đơn sơ lắm. Con đến để lên chuyến đò xuôi về làng Lương Lộc, Hành khách cũng khoảng hơn 40 người, họ là những người nông dân đem những sản phẩm nông nghiệp lên phố bán, hoặc những người đi chợ, có lẽ chỉ riêng một mình con từ nơi khác đến. Con đứng xoay mặt qua bên bờ sông, nhìn thấy ruộng đồng bát ngát, lâu lâu thấy những chiếc máy gỗ, hai người thanh niên đạp nước vô ruộng, những cánh cò bay trắng lợp cả một vùng. Họ đứng chen chúc nhau và nói chuyện huyên thuyên.

Đến bến đò Ông Hoạch, người chủ đò dừng lại. Con vừa dợm bước lên bờ thì cũng có một người già bước theo. Con quay lại nhìn, đôi mắt quen lắm, không lẽ bà cụ trên cầu Tràng Tiền? Con thấy bà dõi mắt theo con, sau đó là một bà cụ mặc chiếc áo dài màu xanh lơ, mang chiếc giỏ kẹp bằng cói. Con hỏi vô nhà Ông Hoạch đi đường nào. Bà cụ mặc áo dài xanh và bà cụ kia đều chỉ trước mặt là chiếc cổng.

Nhà Từ Đường Họ Lê phái nhất quá lớn, nguyên một làng Lương Lộc là Họ Lê không chữ lót, cả một làng cũng có mấy cái nhà thờ họ, lớn nhỏ, nhưng họ Lê – Lương Lộc là họ Lê chính. Con bước vào cổng, phía sau con là bà cụ mặc áo dài xanh lơ, thì ra là Thím Hoạch. Trước đó con chưa hề gặp Thím bao giờ vì chiến tranh. Khi bước vô nhà con mới biết rằng, Bố đã qua đời hơn một năm. Mọi niềm vui tắt hẳn, con chỉ biết quỳ trước án tiền thắp hương cúng Bố mà thôi.

Người đàn bà khổ sở trên Cầu Tràng Tiền mà con đã gặp lại là O trong họ, chú bác lại với Bố. Nên mụ O mới biết Chú Hoạch và Bố.

Hôm nay ngày Kỵ Giỗ Bố tại Chùa Viên Giác, Oklahoma, con chỉ sắm hương hoa cúng dường và tụng kinh cầu siêu Bố. Ở Phú Yên, quý Thầy Cô và Phật Tử cũng đã thiết lễ cầu siêu tại gia đường.

Con vẫn nhớ hoài lời bố nói: Con Ông Phùng về đến làng Lương Lộc thì không đói được vì ruộng và trâu rất nhiều. Nhưng con nghe Chú Hoạch kể rằng, Bố khổ lắm vì ruộng trâu đã bị hợp tác xã hết rồi, và con cũng chợt hiểu tàn dư của cuộc chiến là sự mất mát chia ly.

Oklahoma, May 5, 2021

*

(Thượng Tọa Thích Nguyên Nguyện là thầy trụ trì tại Chùa Viên Giác, Oklahoma City, tiểu bang Oklahoma. Bài viết này được thầy đăng trên trang “Thầy Nguyên Nguyệnpy Facebook.”)

Di ảnh cha của Thầy Nguyên Nguyện được đăng trên Facebook kèm với bài viết này.
Hình Thầy Nguyên Nguyện ở đâu đó tại nước Mỹ, đăng trên Facebook tháng 12, 2020.

Đọc thêm:

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *