Nhà sư Nepal xin lỗi nữ tài tử dù bị tát oan, hành hạnh nhẫn nhục giữa đám đông

*Đọc 10 phút*

Vào cuối tháng Năm, đầu tháng Sáu vừa qua, dư luận tại Nepal và trong cộng đồng Phật Giáo tại xứ này cũng như tại Việt Nam, đã xôn xao về tin một vị tăng trẻ “vô danh tiểu tốt” bị một nữ tài tử lừng danh xứ Nepal tát vào mặt giữa nơi công cộng. Cô tài tử cho rằng nhà sư đã lợi dụng đám đông để sờ tay vào cơ thể của cô. Nhà sư đã xin lỗi, bị nhục mạ trước những con mắt (mà chắc chắn có sự khinh bỉ) của hàng trăm người, rồi còn bị bắt về ty cảnh sát, phải đóng tiền thế chân sau khi công khai xin lỗi nữ tài tử một lần nữa rồi mới được cho về chùa.

Cuối cùng, nhờ có người xem video và khám phá nhà sư đã bị hàm oan, và rồi một lần nữa mạng xã hội lại lan truyền những ý kiến chê khen. Cộng đồng Phật giáo kêu gọi tẩy chay phim mới của nữ tài tử.

(Photo: Reaction Vietnam Youtube)
(Video từ trang Tinn.vn và Từ Bi Facebook)

Giữa tiếng thị phi của thế gian, vị sư trẻ với nét mặt chất phác đã thực hành hạnh nhẫn nhục, còn phát tâm vị tha với mọi người. Vị sư này là thầy Phurba Sherpa Tamang, 24 tuổi. Nữ tài tử đã tát, mắng mỏ sư giữa đám đông là cô Miruna Magar, 28 tuổi.

Theo báo chí địa phương, vào ngày 30 tháng Năm, Miruna Magar đã đến trung tâm Civil Palace ở thủ đô Katmandu để quảng bá phim mới “Kabaddi 4.” Chung quanh cô là người thân và cận vệ. Giữa đám đông hỗn loạn, bỗng có người cố ý đụng chạm vào cơ thể nữ diễn viên. Ban đầu trên mạng xã hội có người nói cô bị sờ vào mông, nhưng thực tế chỉ bị sờ vào tay thôi. Khi lên truyền hình kể lại câu chuyện, Miruna Magar nói rằng cô không giận nếu bị đụng chạm một cách vô tình, nhưng đằng này cô cảm thấy có người nhéo tay thật mạnh vào da thịt cô.

Đúng lúc cô bị nhéo hay sờ gì đó thì vị sư trẻ đi ngang qua lẫn lộn trong dòng người đông nghẹt chung quanh nữ tài tử. Thế là Miruna tố cao chính sư Phurba đã sàm sỡ cô. Không chỉ tát sư, nữ diễn viên còn bóp miệng nhà sư, mắng mỏ, khiến sư Phurba phải lên tiếng xin lỗi theo phong tục của người địa phương là đưa hai tay lên tai trước khi cúi đầu nói lời xin lỗi.

Nói xong sư Pherba mau chóng bỏ đi, nhưng Miruna chưa hết giận, bám theo sư để mắng mỏ, nhục mạ rằng một người tu hành như sư thì càng không được có hành động thô tục với phụ nữ, với một người đáng vai chị của sư. Sư Pherba bị giữ lại trong khu thương xá cho đến khi có nhân viên công lực đến bắt sư về sở cảnh sát.

Sư Phurba Sherpa Tamang bị cảnh sát bắt trong trung tâm thương xá Civil Palace, Kathmandu, Nepal ngày 30 tháng 5, 2022. (Nepal Press)

Hôm sau, nữ tài tử đã đến sở cảnh sát để nghe sư chính thức xin lỗi. Sư phải làm vậy thì mới được đóng tiền thế chân và về chùa, đồng thời giúp cho sự việc không bị khuấy động thêm nữa.

Nhật báo Nepali Post đã tường trình ngắn gọn về buổi xin lỗi chính thức ngày 31 tháng Năm từ thủ đô Kathmandu như sau:

“Nữ tài tử Miruna Magar và Phurba Sherpa Tamang đã đồng ý không làm cho vấn đề này gây thêm tranh cãi. Trước những người thuộc nhóm thực hiện phim ‘Kabaddi 4: Trận Chiến Cuối Cùng,’ Phurba Tamang, thường trú tại Mugu, đã xin lỗi Magar và xin lỗi như một người em trai.

“Nữ diễn viên Magar cũng xin lỗi về hậu quả gây ra cho cộng đồng Phật Giáo, cho các tăng bởi sự kiện này, cho các giáo phái, mặc dù cô không làm gì gây hại cho tôn giáo hay cho các giai cấp trong xã hội.

“Sau khi đôi bên thỏa thuận với nhau, một văn bản được công bố và viết như sau: ‘Chúng tôi, cha mẹ của cả hai bên, rất đồng lòng kêu gọi mọi phía quan tâm, mọi tổ chức tôn giáo và sắc tộc không tranh luận thêm nữa về vấn đề này trong những ngày sắp tới, không đưa ra những ý kiến không cần thiết đối với nhau và không truyền bá sự thù ghét trong cộng đồng.’ Chúng tôi cùng ký tên vào văn bản này.”

Sư Phurba Sherba Tamang xin lỗi nữ tài tử Miruna Magar tại đồn cảnh sát ngày 31 tháng 5, 2022. (The Nepali Post)

Tuy nhiên ngay sau đó, một video clip được đăng tải chứng minh cô Miruna Magar đã vu oan cho nhà sư. Trong đoạn video, một người đàn ông khác đã cố tình lợi dụng đám đông để sàm sỡ Miruna. Vì nhà sư đang đi gần đó nên vô tình bị nữ diễn viên hiểu lầm.

Một số nhà sư tại Sikkim, Ấn Độ đã họp báo, lên tiếng đòi công lý cho nhà sư và yêu cầu tẩy chay cũng như ngừng chiếu phim ‘Kabaddi 4’ do nữ diễn viên đóng vai chính cùng các nam tài tử rất nổi tiếng ở Nepal.

Cùng lúc, sư Pherba trả lời trong một video clip, nói rằng không có ai đúng, ai sai, mà chỉ có tình thương là trên hết.

Sự việc tuy đã trôi qua, nhưng ý kiến bình phẩm, nhận xét về hành động của vị sư trẻ vẫn còn lan truyền trên mạng xã hội, xin được trích đăng dưới đây.

Nguyễn Văn Tài

Viết ngày 9 tháng Sáu: Qua câu chuyện này tôi cảm thấy nhà sư kia thực sự là một bậc chân tu, một vị Bồ Tát thực sự. Mặc dù bị nghi ngờ, bị vu khống, bị hàm oan nhưng nhà sư đã không chống cự lại bằng hành động hay lời nói mà đã nói lời xin lỗi nữ diễn viên kia, trong khi biết mình không làm.

Có lẽ, vị sư kia đã nghĩ rằng đó là nghiệp của mình phải trải qua trong bước đường tu hành của mình. Sư đã bình tĩnh đối diện với nghiệp của mình với một thái độ rất bình thản, không chống cự lại nó bằng hành động hay lời nói.

Câu chuyện này khiến tôi lại nhớ đến một câu chuyện khác ở thuở Đức Phật Thích Ca Mâu ni còn tại thế, ngài từng bị nàng Chiến-già cố tình vu khống Người sàm sỡ dẫn đến việc nàng có thai (tất nhiên đó là giả). Tuy nhiên, Đức Phật đã im lặng không nói gì và nói “việc này chỉ có con và ta biết sự thật.” Cuối cùng, nàng bị nghiệp, chết trong một vụ lở đất.

Còn nàng Tôn-đà-lỵ cũng được một toán người xấu trả tiền để vu khống nàng qua đêm với Đức Phật, còn vu khống Đức Phật giết nàng Tôn-đà-lỵ nhưng Người cũng đã im lặng không nói gì, không chống cự lại bằng lời nói hay hành động và cuối cùng người ta cũng biết Đức Phật là người không phải như vậy. Rồi Đức Phật kể lại các nghiệp xấu trong tiền kiếp mình cũng từng vu khống họ nên bây giờ nghiệp xấu nảy nở và họ vu khống lại mình.

Qua câu chuyện trên, chúng ta có thể thấy rằng trong cuộc sống thì chúng ta thường khi nghe ai đó vu khống, hoặc chưa nói gì là vu khống nhưng nếu giả sử một người nào đó chỉ nói những lời khiến ta cảm thấy không vui thì cũng đã giãy đành đạch lên rồi, trong khi những bậc chân tu họ có cách ứng xử rất khác những người sân si như chúng ta.

Đừng nói rằng chúng ta là người bình thường, bởi vì trong cuộc sống này hầu như chẳng có ai là người bình thường cả. Phải nói rằng chúng ta là người sân si và vô minh mới đúng.

Sư Phurba Sherpa Tamang đang khuyên mọi người hãy nhớ đến tình thương và tha thứ là trên hết. (Youtube)

Ngay cả tôi cũng không ngoại lệ, tôi cũng sẽ giãy đành đạch lên trước những lời nói không đúng, trước những lời vu khống về tôi; bởi vì tôi vẫn là người sân si và vô minh.

Nhưng với nhà sư trẻ kia, đó là một bậc chân tu đã thấu hiểu về nghiệp của con người.

Phạm Thị Thu Hiền

Viết ngày 13 tháng Sáu: Mới đây cư dân mạng cũng lan truyền video clip thầy sư Nepal lên tiếng sau sự việc: “Tôi không nghĩ mọi chuyện lại được lan truyền nhanh đến vậy, chỉ mong mọi người ngừng nóng giận lại, đừng chấp nữa rồi mọi thứ sẽ ổn thôi. Đúng sai bây giờ không quan trọng nữa. Quan trọng là chúng ta hãy yêu thương nhau và tha thứ.”

Nhìn thương sư thầy quá trời. Mấy người đàn ông là thủ phạm […] như vậy.

Nhà thơ Thái Hạo

Viết ngày 14 tháng Sáu trong bài nhan đề ‘Nhẫn Nhục và Tranh Đấu’ đăng báo Nông Nghiệp tại Việt Nam:

Gần như cùng một thời điểm, trên thế giới đã xảy ra hai sự kiện gây chú ý đặc biệt, đó là vụ kiện triệu đô của ngôi sao điện ảnh Johnny Depp đối với vợ cũ là diễn viên Amber Heard, và vụ một nhà sư Nepal tên Phurba Tamang bị nữ diễn viên nổi tiếng Miruna Maga tát vào mặt giữa đám đông vì cho rằng vị này đã sàm sỡ cô.

Sau ít nhất ba năm theo đuổi công lý từ khi khởi kiện, cuối cùng, vào ngày 2/6/2022, Johnny Depp đã chiến thắng, rửa được nỗi oan ức kéo dài và đòi lại được công bằng cùng với $15 triệu đô tiền bồi thường.

Đáng chú ý, ở một phương trời khác, Đông phương, một vị Lạt-ma đã không những im lặng sau khi bị “tố” là sàm sỡ, mà còn nhiều lần cúi đầu nhận lỗi. Nhà sư bị cảnh sát bắt. Trong đồn, một lần nữa ông ta đã chính thức xin lỗi người phụ nữ này. Nhưng bất ngờ, một video được tung lên, nhà sư không hề là thủ phạm của sự quấy rối kia, mà là một người đàn ông khác. Một làn sóng dữ dội trong dư luận nổi lên, phản đối cô diễn viên và đòi công bằng cho nhà sư.

Hai sự kiện ấy có thể tiêu biểu cho hai lối hành xử của con người trước những oan ức, bất công mà họ phải gánh chịu: một là tranh đấu công khai để đòi lại công bằng, hai là nhẫn chịu tất cả.

Một trong những bích chương quảng cáo phim tình cảm xã hội ‘Kabaddi 4: Trận Chiến Cuối Cùng’ của Miruna Magar

Sinh thời, triết gia lừng lẫy của Đức F. Nietszche rất căm ghét cách hành xử thứ hai. Ông công khai đả kích và thể hiện sự khinh bỉ của mình đối với Phật giáo, và gọi đó là đạo đức của nô lệ, đạo đức của bầy lũ.

Tôi là một người Phật giáo, tôi không giận Nietszche, thậm chí tôi yêu mến ông. Không phải vì ông đã phỉ báng, mà vì ông rất gần Phật giáo. Chỉ là ông hiểu lầm.

Cái con người mà Nietszch muốn xây dựng mà ông gọi là “người hùng” là “siêu nhân” chính là con người tự do siêu việt. Đó cũng chính là lý tưởng của Phật giáo. Đạp đổ những tín điều, vượt lên trên thiện ác, và lừng lững đi tới.

Nhưng Nietszche chỉ nhìn thấy hình tướng mà không nhận diện được bản chất của sự nhẫn nhục của Phật giáo. Đó hoàn toàn không phải là sự chịu đựng hay hèn yếu bạc nhược. Hành xử của những người Phật giáo là đứng trên một nền tảng khác, một nhân sinh quan khác. Vì thế, họ chủ động sự kham nhẫn, bình thản đón nhận như một liệu pháp để đạt tới sự tĩnh lặng. Khi sự tĩnh lặng hiện hữu thì trí tuệ phát sinh, con người đạt tới tự do viên mãn.

Cùng là lý tưởng xây dựng con người tự do nhưng con đường khác nhau. Cũng giống Tây Phương, Phật giáo không chấp nhận bất công và sự sa đọa. Họ muốn cải tạo xã hội nhưng là khởi động từ chính mình. Trong cái nhìn của nhà Phật, thế giới là nhất thể và liên đới không thể tách rời. Nghĩa là họ hiểu rằng, mỗi sự thành tựu của chính mình cũng là thành tựu của thế giới. Trong Phật giáo, phương tiện và mục đích không thể tách rời, mà hợp thành một thể.

Những sự nhẫn chịu như của nhà sư trên kia thường rất dễ bị lợi dụng hoặc diễn dịch sai. Nguy hiểm nhất là bị biến thành sự cam chịu và hay bị các tập đoàn cai trị xuyên tạc rồi nâng lên thành một thứ đạo đức đúng như cách Nietszche đã hiểu. Đáng buồn là ngày nay xu hướng này không những đang thắng thế mà còn thống trị đầu óc dân chúng. Tệ hơn, không ít người đã tự đầu độc mình bằng cách dùng nó để ngụy tín nhằm che đậy sự hèn nhát và bạc nhược của bản thân.

Vậy, làm thế nào để không sa vào những “ma đạo” ấy? Trung thực. Con người phải trung thực với chính mình. Khi nhẫn chịu, anh phải tự nhìn thấu tâm can mình, xem mình thật sự đang chấp nhận oan trái vì lý do gì, để tránh phiền phức, để che giấu sự sợ hãi, hay bình thản bao dung và thấu suốt lý nhân quả…

Nếu không có được chiếc chìa khóa là sự trung thực này, thì không những con đường giáo dục Phật giáo tất yếu thất bại, mà ngay cả lối tranh đấu kiểu Tây Phương cũng mất đi nền tảng nhân văn của nó.

Trong hoàn cảnh xã hội Việt Nam, cá nhân tôi không khuyến khích cách hành xử như của nhà sư, không phải vì nó không tốt, mà vì nó dễ bị lợi dụng; thậm chí bị chính chủ thể của nó xuyên tạc để che đậy và dung túng cho sự hèn kém của bản thân. Hành động ấy là một lựa chọn cá nhân và không nên được cổ xúy như một quy tắc ứng xử phổ quát. Vì để làm được việc đó, con người phải có một trí tuệ lớn, một lòng uy dũng vô song và một đức khoan dung rộng lớn – bằng không đó sẽ luôn có nguy cơ trở thành một cú lừa dối.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *