Sự lợi ích của tụng kinh niệm Phật

*Đọc 9 phút*

Bài THÍCH ĐỨC NIỆM

Hành giả đạo Phật là người đem trọn tâm chí hướng về quả vị giác ngộ Phật đà. Thế nên, người tu theo đạo Phật là người đích thực dụng công thực hành những điều lành thiện và tu sửa tâm tánh để được thanh tịnh, từ đó phát sanh trí huệ. Muốn được trí tuệ đạt đạo giác ngộ giải thoát, tức là thành Phật, thì phước đức và trí huệ phải vẹn toàn. Bởi thế nên cổ đức đã từng khuyến thị: “Phước huệ lưỡng toàn phương tác Phật.”

Đạo Phật có vô lượng pháp môn, tùy căn cơ hành giả chọn sao cho thích hợp với mình, rồi chuyên tâm tinh tiến tu hành để đạt đạo. Xét ra tụng kinh niệm Phật là pháp môn đã được phổ cập và thích hợp với đa số người tu học Phật xưa nay. Tụng kinh thì miệng đọc lời Phật dạy, tránh nói điều phàm tục thị phi. Niệm Phật trì chú thì tâm tưởng nhớ Phật, nhất tâm chánh niệm tránh được vọng tâm loạn tưởng. Tụng kinh niệm Phật trì chú là phương cách dễ dàng để cho thân tâm an trụ trong cảnh giới thanh tịnh, đưa đến nhất tâm bất loạn, tránh được ngữ ngôn hành động buông lung, tâm ý vọng tưởng, tổn thương căn lành. Thường tụng kinh trì chú niệm Phật thì thúc liễm được ba nghiệp thân miệng ý hằng thanh tịnh, từ đó phước huệ phát sanh.

Xưa nay hành giả đạo Phật không luận là tăng hay tục thường áp dụng phương pháp này. Tụng kinh niệm Phật vừa dễ thực hành, dễ thu nhiếp tam nghiệp thanh tịnh, dễ đưa đến chánh niệm, dễ phát sanh phước huệ. Do vậy mà các cổ đức tiên hiền miệng không rời câu niệm Phật, lời kinh. Phương pháp này không chỉ lợi ích cho riêng mình mà còn cảm hóa được tha nhân phát khởi Phật tâm nữa. Lục Tổ Huệ Năng [Huineng] do nghe tụng kinh Kim Cang mà hoát nhiên phát tâm tìm thầy học đạo. Ngài Thế Thân [Vasubandhu] nghe tổ Vô Trước [Asanga, cũng là anh của ngài Thế Thân] tụng kinh mà chuyển tâm từ tiểu thừa sang đại thừa. Bác Sĩ Cao Văn Trí giám đốc bệnh viện Chợ Rẩy [trước 1975 tại Sài Gòn] do nghe chư tăng tụng kinh mà phát tâm quy y Tam Bảo. Bác Sĩ Lê Văn Cầm giám đốc Sở Vệ Sinh Nam Việt nhờ nghe chư tăng chùa Ấn Quang tụng kinh mà phát tâm tin Phật Pháp. Biết bao người nghe tụng kinh niệm Phật mà phát tâm cải tà quy chánh hành thiện tin Phật.

Người tu học Phật mà chỉ tham cầu hiểu biết giáo lý để lý thuyết suông cho sướng miệng khoái tai, xem nhẹ phần hành trì tu niệm thúc liễm thân tâm, thì không cách nào vun bồi phước trí, có khác gì máy hát, kẻ làm công đếm bạc ngân hàng, người ở chăn cừu cho chủ. Muốn an lành hạnh phúc trong hiện đời và đạt đạo chứng quả ở đời sau, hành giả phải chánh tâm nhiếp niệm trì kinh niệm Phật. Đó là phương pháp căn bản cho những ai thật tâm tu hành thiết tha cầu đạo quả giải thoát. Những gì chư Phật chư tổ các bậc cổ đức tiên hiền đã thực hiện có hiệu quả và thiết tha khuyến thị, thì chúng ta nên y theo đó chuyên tâm hành trì nhất định sẽ có kết quả lợi ích. Nếu đem tâm ý hiếu kỳ thích tìm phương pháp mới lạ của kẻ phàm nhân bịa đặt ra rồi a dua theo đó cho vui, thì vô tình tự thiêu hủy thời gian và năng lực của mình, tự đánh bật ra khỏi chánh pháp chánh hạnh, đời đời kiếp kiếp không sao kiến tánh, hiển lộ Phật tâm.

Đời nay lắm kẻ học đạo thích vui, dong ruỗi tìm phương pháp tu mới lạ, xa lìa lời Phật huấn thị, không để ý đến lời chư tổ dạy khuyên, làm thiên lệch Phật tánh, dần dần đánh mất chơn tâm, không chịu định thần tư duy trau dồi tâm tánh, thúc liễn hành nghi, nghe ai xưng Phật thánh thì dong ruỗi mê theo, chỉ muốn thành đạo chứng quả liền! Có khi nào ngọc không mài dủa mà sáng, người không học mà thông bác làm quan?

Để giúp phương tiện cho những ai có thiện duyên Bồ Đề chánh tâm tu niệm, nay Phật Học Viện phát nguyện in kinh Nhựt Tụng này để đáp ứng nhu cầu chư Phật tử bốn phương đang cần phương tiện hành trì hầu tiến bước trên đường giác ngộ giải thoát.

Hoa Kỳ, Vu Lan Giáp Tuất, 1994
Thích Đức Niệm

(Bài viết của Hòa Thượng Thích Đức Niệm do Tinh Tấn đặt tựa, được trích nguyên văn từ bài ‘Thay Lời Tựa’ đăng trong cuốn Kinh Nhật Tụng do Phật Học Viện Quốc Tế (North Hills, California) xuất bản năm Phật Lịch 2540 – dương lịch 1997.)

Hòa Thượng Thích Đức Niệm
(1937-2003)

Tiểu sử của Hòa Thượng Thích Đức Niệm (1937-2003)
Do ban tổ chức tang lễ biên soạn

Thân Thế

Hòa Thượng họ Hồ, húy Đắc Kế, pháp danh Nguyên Công, pháp tự Đức Niệm, bút hiệu Thiền Đức, thuộc Thiền Phái Lâm Tế đời thứ 44, dòng kệ Liễu Quán; ngài sinh năm Đinh Sửu (1937) tại làng Thanh Lương, phủ Hòa Đa, tỉnh Bình Thuận, nay là xã Chí Công, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận.

Nhờ túc duyên tiền kiếp, nên mặc dù không ai khích lệ thúc đẩy, ngài vẫn một mình cố công tìm đường hướng về với đạo lý giác ngộ. Khởi đầu, ngài xin xuất gia với Hòa Thượng Thích Minh Đạo tại chùa Long Quang, Phan Rí năm 13 tuổi. Sau đó, trên đường tầm sư học đạo, ngài cầu học với các Hòa Thượng Trí Thắng, chùa Thiên Hưng và Hòa Thượng viện chủ chùa Trùng Khánh ở Phan Rang, Hòa Thượng Thiện Hòa ở chùa Ấn Quang, Sài Gòn, và Hòa Thượng Trí Thủ ở Phật Học Viện Hải Đức – Nha Trang.

Vào năm 1962, ngài tốt nghiệp Cao Đẳng Phật Giáo tại Phật Học Đường Nam Việt, chùa Ấn Quang, Sài Gòn. Song song với Phật học, ngài cũng chú tâm đến thế học. Sau khi tốt nghiệp cử nhân Văn Khoa Đại Học Vạn Hạnh năm 1966, ngài được học bổng du học Đài Loan năm 1969. Tại đây, ngài hoàn thành chương trình Cao Học năm 1972 và Tiến Sĩ Quốc Gia về Văn-Triết Học năm 1978.

Hoằng Pháp Lợi Sanh

Từ năm 1966 đến 1969 trước khi đi du học, thể theo lời mời của Giáo Hội, ngài đảm nhiệm:

– Hiệu trưởng Trường Trung học Bồ Đề, quận Chợ Mới, tỉnh Long Xuyên
– Chánh Đại diện Giáo hội Phật giáo tỉnh Gia Định
– Chánh Thư ký Phật học vụ, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất
– Giám đốc Trường Trung học Bồ Đề, tỉnh Bình Dương.

Năm 1979, đáp lời mời của Hòa Thượng Thích Thiên Ân, Viện Trưởng Viện Đại Học Đông Phương, ngài rời Đài Loan đến Los Angeles, Hoa Kỳ, đóng góp cho công cuộc truyền bá đạo pháp và văn hóa truyền thống của dân tộc trên đất mới này, với chức vụ Phó Viện Trưởng Viện Đại Học Đông Phương, kiêm Giám Đốc Phật Học Viện Quốc Tế. Tại đây và ngay trong thời gian đầu, ngài đã xúc tiến thành lập Ấn Quán Ananda để in kinh sách Phật Giáo, bắt đầu đi thuyết pháp và lập đạo tràng khắp nơi.

Tháng 6 năm 1981, ngài chính thức tạo lập cơ sở Phật Học Viện Quốc Tế để đào tạo tăng tài, truyền bá chánh pháp, bảo tồn và phát triển niềm tin vào truyền thống văn hóa dân tộc.

Năm 1983, quan tâm đặc biệt cho tương lai của Phật Giáo Việt Nam tại hải ngoại, trong đó giới luật là căn bản, ngài đã tổ chức lần đầu tiên ở hải ngoại Đại Giới Đàn Thiện Hòa với đúng như nghi thức truyền thống thiền môn.

Năm 1988, đáp ứng với tình hình Phật sự lúc bấy giờ, ngài đảm nhiệm chức vụ Chủ Tịch Điều Hành Cộng Đồng Phật Giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ.

Năm 1992, ngài đã cộng tác toàn tâm toàn lực với chư tôn đức Tăng Ni và cư sĩ để thành lập Cộng Đồng Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Hải Ngoại tại Hoa Kỳ và sau đó được cung thỉnh giữ chức vụ Chánh Văn Phòng Hội Đồng Đại Diện.

Một cách tổng quát, nhờ được phước duyên nhiều năm tháng gần gũi tu học với các bậc cao tăng thạc đức Việt Nam cũng như Trung Hoa, Hòa Thượng Đức Niệm lúc nào cũng chú trọng vấn đề tu học, hoằng pháp và đào tạo tăng tài. Bất cứ ai đến Phật Học Viện ít nhiều cũng đều cảm nhận sắc thái đạo phong tu học, lục hòa, thanh tịnh trong chốn thiền môn. Thuở khởi đầu, cảnh trí Phật Học Viện thật hoang sơ và xa cách cộng đồng người Việt. Nhưng ngài vẫn thản nhiên trấn an: “Giới luật còn là đạo pháp còn. Giới luật trang nghiêm là hoàn cảnh trang nghiêm. Giới đức có năng lực hoán cải hoàn cảnh.” Phật học viện vì thế đã phát triển tốt đẹp.

Góp phần bảo tồn nên văn học Phật Giáo Việt Nam tại hải ngoại

Tuy luôn luôn bận rộn với những công tác Phật sự của giáo hội, giảng dạy đồ chúng và thuyết pháp khắp nơi, Hòa Thượng vẫn luôn luôn quan tâm đặc biệt đến việc bảo tồn và phát triển nền văn hóa truyền thống của dân tộc ở xứ người, mà chính yếu là nền văn học Phật Giáo Việt Nam được chuyên chở qua kinh điển, sách báo Phật Giáo bằng chữ Việt. Do đó, ròng rã suốt 20 năm qua, ngài đã thực hiện các công tác ấn hành kinh sách, xuất bản các tập san định kỳ, dịch thuật và biên soạn Kinh, Luật, Luận.

– Ấn hành kinh sách

Đáp ứng với tình trạng thiếu kinh sách Việt ngữ để tu học một cách nghiêm trọng cho cộng đồng Phật tử khắp nơi ở hải ngoại, đặc biệt trong giai đoạn chưa có sự giao lưu giưa Việt Nam và thế giới bên ngoài, cơ sở ấn hành Phật Học Viện Quốc Tế đã kịp thời in và phát hành nhiều kinh sách Phật Giáo. Tính cho đến nay, đã có khoảng 235 kinh sách đủ loại đã được in và phát hành.

– Xuất bản các tập san định kỳ

Nhằm phổ biến tin tức và giáo lý đến các cộng đồng Phật tử Việt Nam sống rải rác khắp nơi trên thế giới, Hòa thượng đã liên tục cho xuất bản các tập san định kỳ mà danh xưng tùy hoàn cảnh tổ chức của sinh hoạt Giáo hội có khác, nhưng nội dung vẫn trước sau như một. Liên tục từ năm 1980 đến năm 2000, đã có những tập san như sau:

1/ Tập san Phật Học Viện Quốc tế (từ năm 1980 đến 1984)
2/ Tập san Phật Học (từ năm 1985 đến 1988)
3/ Tập san Phật Giáo Thống Nhất (từ năm 1988 đến 1993)
4/ Tập san Phật Giáo Hải Ngoại (từ năm 1994 đến 2000)

– Dịch thuật và biên soạn

Ngoài những bài viết đăng trên các tập san Phật giáo, Hòa thượng còn dịch thuật và biên soạn những Kinh, Luật, Luận để Tăng ni, Phật tử có tài liệu tu học và nghiên cứu, tham khảo:

– Phật Pháp Yếu Nghĩa (Biên soạn -1988)
– Câu Xá Luận Cương Yếu (Dịch – 1985)
– Kinh Bảo Tích Giảng Giải (Dịch và giải – 1986)
– Tại Gia Bồ Tát Giới (Soạn dịch – 1989)
– Lược Truyện Tiền Thân Đức Phật (Soạn dịch – 1988)
– Tịnh Độ Đại Thừa Tư Tưởng Luận (Soạn dịch – 1989)
– Kinh Thắng Man Giảng Giải (Dịch giải – 1990)
– Phương Pháp Cải Đổi Vận Mạng (Soạn dịch – 1991)
– Pháp Ngữ Lục (Biên soạn – 1991)
– Kinh A Nan Vấn Phật Cát Hung (Dịch giải – 1994)
– Kinh Kim Cang Bát Nhã Giảng luận (Dịch – 1997)
– Tâm Kinh Yếu Giải (Dịch – 1998)
– Thiện Tài Cầu Đạo (Dịch – 1998)
– Người Muôn Thuở (Sáng tác – 1996)
– Những Mùa Vu Lan (Sáng tác – 1996)
– Cho Trọn Mùa Xuân (Sáng tác – 1996)
– Nghi Thức Hồng Danh Sám Hối (Soạn 1990)…

Từ khi đến Hoa Kỳ suốt 20 năm qua, bên cạnh những hoạt động để phát huy cộng đồng Phật Giáo, Hòa Thượng đã kiên tâm trì chí thực hiện tâm nguyện: ấn hành kinh sách, xuất bản tập san, dạy dỗ tăng chúng, duy trì nếp sống thiền môn, trước tác, dịch thuật, hoằng pháp khắp nơi, tạo dựng đạo tràng, bảo truyền văn hóa dân tộc. Ngài đã tạo cho Phật Học Viện có một thư viện phong phú bao gồm Đại Tạng Kinh cùng nhiều loại kinh sách, báo chí bằng các ngôn ngữ: Anh, Hán và Việt ngữ.

Trong khi còn đi học ở trong nước cũng như sau khi hoàn tất chương trình học vấn ở hải ngoại, đời của ngài là một chuỗi dài hoạt động không ngừng cho đến khi lâm trọng bệnh không thể hoạt động được nữa.

Sau một thời gian lâm trọng bệnh, Hòa Thượng đã thuận thế vô thường, thâu thần viên tịch ngày 21 tháng 3, 2003, nhằm ngày Khánh Đản Đức Quán Thế Âm 19 tháng 2 Quý Mùi.

Xác thân tứ đại của Hòa Thượng theo luật vô thường đã không còn nữa, nhưng những xây dựng, đóng góp của ngài cho Phật Giáo Việt Nam tại hải ngoại, cho nền văn học Phật Giáo Việt Nam khi định cư xứ người sẽ tồn tại mãi mãi.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *