Lễ Phật

*Đọc 11 phút*

Bài SƯ HIRIPAÑÑO TUỆ TÀM

Quý Phật tử đi đến chùa ngày thường hay ngày lễ, việc đầu tiên khi đến chùa là gì? Đó là việc lạy Phật. Mỗi người mỗi cách, lạy với năm vóc chạm đất hay đứng lên ngồi xuống, hay là nằm dài theo kiểu Tây Tạng, cách nào đi nữa thì tựu chung đều tỏ lòng thành kính hướng về đức Phật. Thế nhưng, theo truyền thống Phật giáo Theravāda, như quý vị biết đó, thì đức Phật thật sự thì đã Níp-bàn rồi, không còn hiện hữu trên thế gian nên không thể chứng giám cho lòng thành của mình được. Vậy tại sao mình phải tôn kính đảnh lễ hình tượng Phật và việc mình tôn kính đảnh lễ vậy mang lại ích lợi gì cho mình?

Trước hết, sư muốn bàn về việc tại sao mình phải tôn kính đảnh lễ đức Phật? Đơn giản thôi, vì Ngài là Bậc Thánh Arahaṃ cao thượng có thân khẩu ý hoàn toàn trong sạch và thanh tịnh, cho nên Ngài xứng đáng thọ nhận sự lễ bái cúng dường của chư thiên, phạm thiên và nhân loại.

Tại sao nói là Ngài là Bậc Thánh Arahaṃ và có thân khẩu ý hoàn toàn trong sạch và thanh tịnh? Gọi là bậc Thánh Arahaṃ có ý nghĩa gì?

Thứ nhất, Ngài là Bậc Thánh Arahaṃ vì Ngài đã xa lìa mọi phiền não và tiền khiên tật không bao giờ phát sinh với Ngài được nữa. Phiền não (kilesa) là những trạng thái tâm sở tác động xấu làm cho tâm mình trở nên nóng bức, khó chịu, làm cho tâm bị ô nhiễm, làm nguyên nhân thúc đẩy cho những hành động bất thiện. Tiền khiên tật (vāsanā) là những thói quen, hành vi, cử chỉ mà trong vô lượng kiếp quá khứ đã được mình tích lũy. Như vậy thì đức Phật Ngài hoàn toàn thánh thiện vì đã xa lìa những trạng thái xấu dẫn đến hành động xấu và xa lìa ngay cả những thói quen từ kiếp quá khứ.

Quý vị có biết tôn giả Sārīputta không? Ngài là một trong hai đại đệ tử của đức Phật. Thế nhưng oai lực của một vị Phật Thinh Văn vẫn không thể diệt trừ hết những thói quen xấu trong quá khứ. Bằng chứng là khi đi bát, gặp con suối hay vũng nước chắn ngang, Ngài có thói quen là nhảy qua thay vì bước qua. Đó là vì nhiều kiếp trước đó Ngài từng tái sanh làm loài khỉ cho nên bản chất linh động, nhảy tới nhảy lui vẫn còn. Duy chỉ có đức Phật Toàn Giác mới tiêu trừ hết những tiền khiên tật, những thói quen từ kiếp quá khứ.

Thứ hai, Ngài là Bậc Thánh Arahaṃ vì Ngài đã diệt tuyệt mọi kẻ thù là phiền não. Ngài diệt mất phiền não, vì Ngài xem nó như kẻ thù. Vì sao? Vì những trạng thái tâm xấu đó giống như kẻ thù. Kẻ thù của mình thì lúc nào họ cũng hay suy nghĩ tìm cách hãm hại mình, không bao giờ muốn cho mình được yên vui. Cũng y như vậy, những phiền não đó làm nguyên nhân dẫn đến hành động xấu để cho quả xấu. Rồi thì những quả xấu đó dày vò, làm cho mình đau khổ cả bên trong thân lẫn bên ngoài tâm. Như sư đã nói hồi nãy, phiền não làm cho tâm mình trở nên nóng bức, khó chịu, đó là khổ tâm; phiền não làm nhân cho nghiệp quả, nên nó tiếp tục dẫn mình đi loanh quanh trong vòng sanh tử luân hồi, còn có thân này nên mình phải chịu khổ.

Thứ ba, Ngài là Bậc Thánh Arahaṃ vì Ngài đã phá huỷ vòng luân hồi trong Tam Giới. Theo vòng nghiệp báo, khi mình có khởi lên tâm xấu, tâm xấu đó sẽ dẫn đến việc mình làm những hành động xấu, vì có những hành vi bất thiện thì dĩ nhiên sẽ cho quả xấu trong tương lai. Trong tương lai, vì những quả xấu trổ sanh, mình sẽ đau khổ, và rồi để cảm thấy bớt đau khổ dưới sự sai sử của phiền não, mình lại tiếp tục có những hành động xấu, rồi hành động đó lại tiếp tục cho quả xấu tương lai. Cứ thế, nó cứ đi một vòng triền miên bất tận, cái trước là nguyên nhân cho cái sau. Đó là cái cách mà bánh xe luân hồi xoay chuyển chúng ta loanh quanh trong ba giới bốn loài không bao giờ thoát ra được.

Đức Phật của chúng ta thấy được điều đó, cho nên Ngài mới tìm cách phá hủy cái vòng tròn sanh tử đó. Bằng cách nào? Bằng cách là diệt trừ những trạng thái tâm xấu, tức là những phiền não, nhổ tận gốc rễ vô minh và tham ái. Thế thì vì không có phiền não, không có tâm xấu xui khiến nên mình không có làm những hành động xấu, khi mình không có những hành động xấu thì sẽ không cách nào có quả xấu trổ sanh trong tương lai. Đó là cách duy nhất cắt đứt vòng quay sanh tử.

Thứ tư, Ngài là Bậc Thánh Arahaṃ vì Ngài không bao giờ làm điều ác ở nơi kín đáo. Những người giả vờ làm Thánh Nhân thì dẫu họ che đậy hay tới mức nào đi nữa thì họ cũng không dối gạt được chính bản thân họ. Ở những nơi kín đáo không ai thấy, không ai nghe, không ai nghi, họ sẽ bộc lộ bản chất của họ vì không thực sự là người xa lìa các tội lỗi. Nhưng đức Phật thì khác, thân hành động, miệng nói lời hay ý suy nghĩ của Ngài đều được thanh tịnh trọn vẹn. Cho nên dù ở chỗ đông hay nơi vắng người cho đến chỉ riêng mình Ngài, Ngài cũng không làm điều quấy ác. Đó là tư cách của bậc Thánh Nhân, không bao giờ làm điều xấu ở nơi khuất lấp dẫu cho không ai thấy, không ai nghe, không ai nghi.

Nói một cách đơn giản hơn, đức Phật của chúng ta là một bậc quân tử chính hiệu. Người quân tử thì làm sao nói vậy, nói sao làm vậy, không như kẻ ngụy quân tử, ngoài mặt thì giả đò thánh thiện nhưng sau lưng lại dẫy đầy ác tâm.

Thứ năm, Ngài là Bậc Thánh Arahaṃ vì Ngài xứng đáng thọ nhận sự lễ bái cúng dường. Quý vị thử nghĩ coi, đối với một vị mà hoàn mỹ về cả hành động, lời nói và suy nghĩ ngay cả những thói quen xấu quá khứ như vậy có xứng đáng cho mfinh lễ bái cúng dường không? Đối với một vị đã tận diệt mọi trạng thái tâm xấu, không còn những hành vi bất thiện, bẽ gãy xiềng gông của sanh tử luân hồi như vậy có xứng đáng cho mình lễ bái cúng dường không? Đối với một vị là một bậc chính nhân quân tử làm sao nói vậy, nói sao làm vậy, không có một chút xấu xa dẫu cho không ai thấy, không ai nghe, không ai nghi như vậy có xứng đáng cho mình lễ bái cúng dường không?

Trong vô lượng kiếp sanh tử trước khi thành quả vị Phật, Ngài đã trải qua bao cuộc thử thách để hoàn thành pháp độ pāramī. Hơn thế nữa, khi Ngài đã thoát khỏi khổ đau ấy, Ngài lại càng dày công đem Giáo Pháp, đem nguyên lý tu tập để thoát khổ đau ấy dạy lại cho chúng sanh. Biết bao nhiêu chúng sanh, dẫu là chư thiên hay nhân loại, và cả chúng ta ở đây, đã và đang đều được hưởng sự an lạc từ sự thực hành những điều đó. Vậy một người như vậy có xứng đáng cho mình lễ bái cúng dường không?

Như vậy bậc Thánh Arahaṃ có năm ý nghĩa: thứ nhất là mọi phiền não và tiền khiên tật không bao giờ phát sinh, thứ hai là mọi kẻ thù phiền não đã bị diệt tuyệt, thứ ba là vòng luân hồi trong Tam Giới bị phá huỷ, thứ tư là không bao giờ làm điều ác ở nơi kín đáo, và thứ năm là xứng đáng thọ nhận sự lễ bái cúng dường. Do đó cho nên mình nên lễ bái cúng dường một vĩ nhân tôn quý như đức Phật.

Không biết quý vị thì sao chứ với sư, mỗi lần đảnh lễ tôn tượng của Ngài, nhìn thấy nụ cười của Ngài là lòng thấy ấm áp kỳ lạ, giống như một sự an ủi, động viên. Nhìn Ngài, tự dưng trong lòng sư nghĩ là phiền não, thử thách làm mình đau khổ mới chút xíu mà đã khó chịu biết bao nhiêu rồi. Huống chi, biết bao nhiêu trăm triệu kiếp đức Phật khi còn thực hành pháp độ pāramī lăn lộn trong vòng sanh tử, Ngài phải chịu biết bao là chông gai còn dữ dội hơn nữa. Ngài chịu đựng không biết bao nhiêu khổ cực đó không chỉ để tự mình chứng ngộ mà còn để có thể chỉ dạy cho chúng sanh cùng chứng ngộ. Nghĩ tới đó thấy thương đức Phật mình biết bao nhiêu quý vị ơi!

Cho nên sư mới nghĩ là oai đức của đức Phật thực sự vô biên, chỉ nhìn hình tượng của Ngài cũng đủ cho tâm mình hoan hỷ, huống chi được gặp và đảnh lễ một đức Phật thực sự với 32 tướng tốt và 80 vẻ đẹp.

Nhắc đến đây, sư lại nhớ đến một câu chuyện về một vị tỳ-khưu say mê nhan sắc của đức Phật. Câu chuyện được chép lại trong Thánh Nhân Ký Sự (Appadāna) thuộc Tiểu Bộ Kinh bằng lời kể của chính vị tỳ-khưu này.

Chuyện kể vào thời đức Phật còn tại thế, có đứa bé tên gọi Vakkali sanh ra đời vốn yếu ớt, bệnh tật chịu nhiều khốn khổ. Cho nên cha mẹ nó mới đặt nó dưới chân đức Phật tác ý dâng lên Ngài với ước mong là đứa bé sẽ lớn lên bình an với oai lực của đức Phật. Quả vậy, dường như với đức độ của một vị Chánh Đẳng Giác thì đứa bé đã được lớn lên trong bình an, tránh xa những nghịch duyên oan trái.

Nhưng kể từ đó, đứa bé trở nên dính mắc với đức Phật, hễ thiếu Ngài là nó dường như không hài lòng. Cho nên lúc bảy tuổi, đứa bé vào chùa xuất gia dường như để có nhiều cơ hội gần với đức Phật hơn. Vakkali ngày càng lớn lên và ước ao có được thân sắc toàn mỹ của đức Phật, đắm chìm trong sự say mê đó.

Đức Phật biết rõ sự tình, Ngài bèn quở trách tỳ-khưu Vakkali rằng: “Này Vakkali, thôi đi. Sao ngươi lại hứng thú ở sắc thân là vật được vui thích bởi những kẻ ngu?”

“Yo hi passati saddhammaṃ
so maṃ passati paṇḍito,
apassamāno saddhammaṃ
maṃ passampi na passati.”

“Chỉ người nào nhìn thấy Chánh Pháp, người trí tuệ ấy nhìn thấy Ta. Trong khi không nhìn thấy Chánh Pháp, dầu đang nhìn Ta cũng vẫn không thấy được.” (Sư Chánh Thân)

Bị quở trách như vậy, Vakkali buồn rầu bèn trèo lên tham thiền ở cái hang nơi triền núi Gijjhakūta nhưng không thể chứng đắc được gì. Khi đó, đức Phật đã xuất hiện để khích lệ động viên cũng như sau đó thuyết pháp về sự sanh và diệt của các uẩn. Cuối cùng thì tôn giả Vakkali cũng được chứng Thánh quả A-la-hán. Tôn giả Vakkali được đức Phật tôn vinh là vị Thinh Văn đứng đầu trong số những vị có khuynh hướng đức tin. Và đó cũng là lời nguyện từ tiền kiếp xa xưa của vị này.

Qua câu chuyện này, mình rút ra được bài học gì? Đó là sự đảnh lễ cúng dường đức Phật không thôi vẫn chưa đủ. Vì người nào nhìn thấy Chánh Pháp, người đó mới nhìn thấy được đức Phật. Còn dù cho mình có nhìn thấy được đức Phật bằng xương bằng thịt cũng vô dụng nếu mình không chịu “nhìn thấy” Chánh Pháp. Huống chi là chúng ta bây giờ, chỉ nhìn thấy được hình vẽ hay tôn tượng của Ngài thôi thì còn xa xôi gấp bội lần. Vậy thì quý Phật tử ơi! Nếu mình có thiệt thương đức Phật thì dẫu là cư sĩ hay tu sĩ gì mình phải nhớ lấy lời Ngài mà thực hành, đó mới gọi là tôn kính Ngài một cách đúng đắn nhất.

Vậy thì lợi ích đầu tiên của việc tôn kính đảnh lễ đức Phật là một cách nhắc nhở mình về tấm gương của Ngài để từ đó thực hành theo và đem lại an lạc cho mình trong kiếp hiện tại cũng như là tương lai.

Nhân đây, sư cũng muốn đề cập về khía cạnh khác về lợi ích của việc tôn kính thông qua việc tưởng nhớ đến hình ảnh ân đức của Phật. Khi mình niệm tưởng đến ân đức của Ngài, đức tin trong sạch sẽ phát sanh, do đó thân tâm sẽ hân hoan hỷ lạc, và lòng tôn kính sẽ được tăng trưởng. Hơn thế nữa, tâm sẽ bình yên, dũng mãnh, tránh được những điều sợ hãi có thể xảy ra.

Tại sao sư lại nói là việc tưởng nhớ đến ân đức của Phật mà có thể xoa dịu được những điều sợ hãi? Vì đức Phật là chỗ nương nhờ vững chắc không lay chuyển. Đó là vì Ngài đã đoạn diệt, đã tránh xa xan tham, sân hận và si mê, vì Ngài không bao giờ hoảng sợ, hoảng hốt, kinh khiếp hay bỏ chạy.

Ví như trên cõi trời, khi xảy ra các cuộc chiến tranh, các vị chư thiên ít có oai đức khởi sanh cảm giác sợ hãi tột độ. Khi ấy các vị Thiên Vương, nhất là Thiên Chủ Sakka chính là chỗ nương nhờ tinh thần cho họ. Khi nhìn thấy đầu ngọn cờ của các vị này, những sợ hãi và hoảng hốt có thể được trấn an. Họ biết rằng các vị Thiên Vương hay Thiên Chủ Sakka là những vị có oai lực lớn xứng đáng là nơi nương nhờ. Nhưng nơi nương nhờ đó không chắc chắn. Vì sao? Vì những vị Thiên Vương, Thiên Chủ này chưa đoạn diệt xan tham, sân hận và si mê, vì họ còn hoảng sợ, hoảng hốt, kinh khiếp và có thể sẽ bỏ chạy.

Nhưng đức Phật thì khác, Ngài đã đoạn diệt tham, sân, si, Ngài không bao giờ hoảng sợ, hoảng hốt, kinh khiếp hay bỏ chạy.

Chính vì vậy trong bài kinh Dhajjagga (Đầu ngọn cờ) thuộc Tương Ưng Bộ Kinh, đức Phật dạy:

“evaṃ buddhaṃ sarantānaṃ,
dhammaṃ saṅghañca bhikkhavo.
bhayaṃ vā chambhitattaṃ vā,
lomahaṃso na hessati”.

“Này các Tỳ-khưu, tưởng nhớ đến ân đức Phật, ân đức Pháp và ân đức Tăng như vậy, sự sợ hãi hay kinh khiếp hay là sự sởn gai ốc sẽ không hiện hữu”.

Nói chỗ này, có thể rất khó tin, chứ sư từng có bị vô trạng thái đó cho nên sư mới cảm nhận được nó rõ ràng như thế nào. Cách đây khoảng ba tuần, khi mà tâm trí sư bị xúc động mạnh gần như một sự kinh khiếp làm cho thân thể mình tê cứng rất là khó chịu. Lúc đó, sư nhận biết được, cảm giác được là nó sắp quá mức chịu đựng của mình. Lúc đó, quý vị biết không, duyên phước làm sao, lúc đó trong đầu sư lại chợt nhớ đến hình ảnh từ hòa của đức Phật. Thì mầu nhiệm lắm quý vị ơi, lúc đó sư cảm nhận được là từ từ thân thể được thả lỏng ra dần dần trở lại trạng thái bình thường. Chắc quý vị khó tưởng tượng ra chứ là người trong cuộc sư cảm nhận nó rõ ràng lắm. Thật sự khi mà mình cảm nhận được chỗ này càng cảm thấy mình thương đức Phật biết mấy, cảm thấy oai đức của Ngài to lớn biết mấy.

Như vậy tóm lại, việc đảnh lễ tôn kính đức Phật mang lại cho mình nhiều ích lợi, ở đây sư chỉ xin đơn cử một vài sự lợi ích. Khi mình lấy đức Phật làm tấm gương cho mình noi theo mình có được sự an lạc với thiện pháp và tưởng nhớ đến ân đức của Ngài làm cho tâm mình bình lặng lại, không có sự hoảng sợ.

Mình tôn kính đảnh lễ đức Phật, không vì Ngài ban phước hay ban tội vì rằng đức Phật đâu còn hiện hữu trên thế gian nữa đâu với lại Ngài đâu phải thần linh tạo hóa. Với đức Phật, mọi kẻ thù phiền não và tiền khiên tật không bao giờ phát sinh, vòng luân hồi đã bị phá huỷ và Ngài không bao giờ làm điều ác ở nơi kín đáo, cho nên Ngài xứng đáng thọ nhận sự lễ bái cúng dường của chư thiên và nhân loại.

Mong là mỗi khi cúi lạy trước tôn tượng hay hình ảnh đức Phật, quý vị hãy tưởng nhớ đến những ân đức của đức Phật để nung đúc tinh thần, thực hành chăm chỉ theo lời dạy của Ngài để đem lại lợi ích cho chính mình. Hãy nhớ lấy lời Ngài: “Chỉ người nào nhìn thấy Chánh Pháp, người trí tuệ ấy nhìn thấy Ta. Trong khi không nhìn thấy Chánh Pháp, dầu đang nhìn Ta cũng vẫn không thấy được.”

Một bài pháp tại Chùa Siêu Lý Phú Định, Sài Gòn
14 tháng 3, 2014

Nguồn bài: hiripanno.wordpress.com
Hình minh họa: Chùa Wat Mai Suwannaphumaham tại Luang Prabang, Lào. (Photo: Basile Morin/ Wikimedia Commons)

Sư Hiripañño Tuệ Tàm giảng pháp tại Chùa Siêu Lý Phú Định, Sài Gòn ngày 13 tháng 9, 2020. (Damy Thanh / Youtube)

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *