Sư quốc doanh ôm chùa giữ tháp, thu tiền bá tánh

*Đọc 5 phút*

Bài NGUYỄN NHƠN

Trong thư gửi các tăng sinh Thừa Thiên-Huế, Quảng Hương Già Lam ngày 28/10/2003, Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ viết: “Người xuất gia, khi cất bước ra đi, là hướng đến phương trời cao rộng; tâm tính và hình hài không theo thế tục, không buông mình chìu theo mọi giá trị hư dối của thế gian, không cúi đầu khuất phục trước mọi cường quyền bạo lực. Một chút phù danh, một chút thế lợi, một chút an nhàn tự tại, đấy chỉ là những giá trị nhỏ bé, tầm thường và giả ngụy mà ngay cả người đời nhiều kẻ còn vất bỏ không tiếc nuối để giữ tròn danh tiết. Chớ khoa trương bảo vệ Chánh Pháp, mà thực tế chỉ là ôm giữ chùa tháp làm chỗ ẩn nấp cho ma vương, làm nơi tụ hội cho cặn bã xã hội…”

Những dòng trích trong bức thư của Hòa Thượng, xin được gói tròn, cuộn chặt và ném thẳng vào […] không ít kẻ đang ngất nghểu ngồi trên ghế cao nắm giữ chức trọng trong giáo hội Phật Giáo Việt Nam.

Cũng ném thẳng vào những […] kẻ có chức quyền trong đời tục. Oái oăm một điều, bọn họ luôn tin chắc bản thân mình là người thành tâm hướng Phật.

Bọn họ bỏ tiền cúng dường để xây chùa to, đúc tượng lớn, ba ngày tết đi đủ 10 cảnh chùa. Nhưng “tâm hướng Phật” của họ thực chất luôn chia làm hai nửa trái ngược. Một nửa tin tưởng vô tri đến nỗi biến đạo thành mê tín dị đoan, nửa kia lại khinh bạc xem chùa, xem tăng, xem pháp như kẻ dưới, nhân viên của mình, luôn dùng tiền và quyền để vừa sai phái, vừa hối lộ, vừa mua chuộc.

Tôi từng nghe kể bà phó chủ kia mỗi năm chuyển ít nhất vài trăm triệu đồng [100 triệu đồng VN bằng hơn $4,100 mỹ kim] cho ngôi chùa nọ, đều đều và thành kính. Lâu lâu, bà báo về chùa: ngày ấy muốn hầu đồng một buổi. Trụ trì ruột lập tức đóng cửa chùa, chỉ để những người thân tín và các con nhang đệ tử đã được xác nhận của bà vào chùa hôm ấy để phiêu du cùng bà phó chủ trong khói hương và nhịp đàn mê mệt.

Trên khắp Việt Nam, ngày càng nhiều những ngôi chùa cực kỳ to lớn xa hoa, luôn tự giới thiệu về mình bằng những kỷ lục thuần thế tục.

Trùm cuối là quần thể chùa Bái Đính ở Ninh Bình. Quần thể chùa Bái Đính chiếm diện tích đất khủng khiếp đến 1,700 hecta, xây rất nhiều công trình to lớn. Chùa này khoe mình lớn nhất Việt Nam và là một trong những quần thể chùa lớn nhất ở cả khu vực châu Á, có hành lang La Hán dài nhất châu Á, có tượng Phật bằng đồng dát vàng lớn nhất châu Á, có tượng Di Lặc bằng đồng lớn nhất Đông Nam Á, có đại hồng chung nặng 36 tấn giữ kỷ lục đại hồng chung lớn nhất Việt Nam, có bảo tháp cao 100 cao nhất châu Á, có tượng Quán Thế âm bồ tát đúc bằng đồng nặng 80 tấn, tượng Phật Di Lặc nặng 80 tấn, cả hai đều lớn nhất Việt Nam, tượng Phật Thích Ca bằng đồng dát vàng nặng 100 tấn lớn nhất châu Á, vân vân. Đọc cái danh sách “nhất” châu Á “nhất” Việt Nam dài thườn thượt, cứ phải nghĩ không biết đây là chùa hay là sàn đấu của các nhà đầu tư!

Ấy là nói chùa Bái Đính mới, được xây dựng 20 năm nay, còn chùa cổ Bái Đính nhỏ và rất độc đáo, nằm cách điện Tam Thế của quần thể chùa mới khoảng 800 m thì gần như không còn được nhắc tới.

Ở Đồng Nai, Chùa Quốc Ân Khải Tường khoe có tượng Phật bằng ngọc bích lớn nhất thế giới, nặng đến hơn 32 tấn, cao hơn 3.6 mét.

Cũng tượng Phật bằng ngọc nhưng không nặng bằng tượng Phật ở Đồng Nai, chùa Quỳnh Lâm ở tỉnh Quảng Ninh khoe tượng mình bằng ngọc nguyên khối, cao gần 4.5 m, nặng 3.8 tấn.

Bỏ qua chất liệu làm tượng, chùa Khai Nguyên ở Sơn Tây, Hà Nội thẳng cánh khoe tượng Phật A Đi Đà cao đến 72 mét, đường kính bệ tượng đến 1,200 mét vuông, lớn nhất Đông Nam Á. À thì không có ngọc thì ta đúc tượng xi măng. Biện pháp này được cái rẻ hơn ngọc rất nhiều nên tha hồ làm to mấy cũng được, muốn nhất Đông Nam Á hay nhất toàn vũ trụ đều được cả.

Tất cả các ngôi chùa to nhất, đắt nhất như thế đều cực kỳ thu hút khách du lịch. Thời buổi giờ sướng lắm, chỉ cần vài triệu đồng có cái điện thoại thông minh. Mua bộ đồ lam mặc vào, trang điểm kỹ càng theo trường phái trong veo thật tự nhiên, xõa tóc tha thướt rồi chắp tay thật thành kính bên chân tượng Phật. Up [đưa] ảnh lên mạng, nghe thiên hạ bu vô khen ngợi cũng đủ hỉ hả râm ran trong dạ.

Chẳng mấy Phật tử tỉnh táo để nhìn, nghe xem các vị trụ trì đáng kính đã và đang làm gì để có những cảnh chùa xa hoa cho thiên hạ đến check-in.

Chùa Ba Vàng ngang nhiên tuyên truyền đủ mọi loại tin tức mê tín dị đoan, từ cái mụn ghẻ hình mặt người biết nói tiếng người, tố cáo các tội ác mà chủ nhân đã phạm trong… muôn lượng kiếp. Rồi la làng oan gia trái chủ báo oán, muốn giải thì phải cúng tiền cho chùa, càng cúng nhiều thì càng chứng tỏ thành kính, nhanh chóng đạt được kết quả.

Hay ngay giữa Hà Nội, chùa Phúc Khánh đằng đẵng thu tiền người muốn cúng sao giải hạn, đã nổi tiếng với việc một Phật tử vét mãi trong túi vẫn còn thiếu 50,000 đ [$2] đã không được chùa nhận cúng sao giải hạn giúp. Thậm chí chùa Một Cột gần như trở thành biểu tượng của kiến trúc chùa Việt Nam, cũng không thua chị kém em, thu tiền cúng sao giải hạn nốt.

Trụ trì chùa Phúc Khánh là thượng tọa Thích Thanh Quyết. Sư Quyết đồng thời là trụ trì cả chùa Yên Tử (Quảng Ninh), chùa Non Nước (Hà Nội), Ủy viên thường trực Hội đồng trị sự Trung ương giáo hội Phật giáo Việt Nam, Phó Trưởng ban thường trực Ban giáo dục tăng ni Trung ương giáo hội Phật giáo Việt Nam, Viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam, Trưởng ban Trị sự Phật giáo tỉnh Quảng Ninh, Hà Nam, Bắc Kạn, Trưởng Ban chỉ đạo xây dựng chùa Đồng và tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông; Ủy viên Uỷ ban Đối ngoại của Quốc hội.

(Nguồn: Báo Đất Việt)

(Hình: Thư Viện Phật Học)

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *