Chùa núi Big Bear

*Đọc 15 phút*

Bài PHÚC QUỲNH

Viết tại Westminster, California ngày 18 tháng 11, 2015

“Một khối khí lạnh sẽ tiến vào khu vực trong ngày hôm nay và thứ Hai, có gió thổi rất mạnh, mưa sẽ rơi ở vùng thấp và tuyết trên núi. Mưa sẽ đến từ lúc sớm trưa.”

Đọc xong mục tóm lược thời tiết trên báo Los Angeles Times để biết về tình trạng mưa gió trong ngày như thế nào, tôi chợt e ngại, không biết có nên xét lại chuyện lái xe lên núi San Bernardino vào sáng Chủ Nhật để thăm một tu viện mà chúng tôi chưa hề đặt chân đến bao giờ, không quen một ai ở trên đó, chỉ có một số điện thoại mà mấy tuần trước vợ tôi có gọi và được nghe một vị sư căn dặn, “Cô đừng lái xe lên đây một mình, phải có người đưa cô lên đây, đường lên núi vòng vèo, nguy hiểm lắm.” (Thầy đừng lo, vợ tôi lúc nào cũng có ông chồng “tình nguyện” làm tài xế lái xe đưa rước.)

Lần nói chuyện ấy xảy ra trong một ngày chớm thu, thời tiết còn ấm áp như mùa hè trên khắp Nam California, nên tôi còn lạc quan tếu, không mảy may quan tâm đến lời dặn dò của một vị tăng mà tôi chưa biết mặt, cũng không biết tu viện mới này có tên hay không. Vợ tôi từng nghe thầy Tâm Hạnh giảng một lần ở Thiền Đường Mây Từ tại Westminster mùa hè qua, được biết thầy đang tạo dựng một tu viện ở trên núi, nên rủ tôi “tình nguyện” lái xe đi cho biết. Không rủ tôi cũng đi. Núi rừng luôn có một sự thu hút, quyến rũ lạ kỳ, không thể giải thích đối với tôi, dù nơi chốn ấy có thể quá vắng vẻ, cô tịch, hoang sơ cho người vốn quen sống giữa chốn lao xao của đời thường.

Mấy ngày qua khí lạnh từ đông bắc Thái Bình Dương đã tràn đến khu phố Little Saigon, đẩy nhiệt độ vào ban đêm xuống mức lạnh như ở Canada. Vợ chồng chúng tôi có thể chịu lạnh trên đường đến chùa, nhưng nếu gặp bão tuyết, giông tố thì e không dám, không còn đủ ý chí liều mạng để lái xe trên những quãng đường chật hẹp, quanh co, trơn trượt đổ xuống dốc như thời trẻ. Sức khỏe và sự tinh nhạy của mấy chục năm trước nay đã không còn, chỉ có một chút quyết tâm muốn tầm đạo. Và có lẽ chính sự quyết tâm ấy đã thúc đẩy chúng tôi hãy mạnh mẽ khởi hành, hãy dứt khoát buông lại những tâm tình từng một thời níu kéo chúng tôi ở lại với lạc thú trần gian.

Thế nên tôi đành chịu lỗi với các bạn thân quen ngày hôm ấy, một ngày trong một cuối tuần có những cuộc hẹn lý thú mà lẽ ra vợ chồng tôi nên đến để chung vui: một buổi ra mắt thơ nhạc với sự góp mặt của một số nghệ sĩ danh tiếng, một chương trình hợp ca mà các bạn đã khổ công tập dượt suốt cả năm, một cuộc triển lãm tranh ảnh, một buổi qui tụ tiệc tùng ở một nhà hàng dưới phố Bolsa. Ấy là chưa kể những cuộc vui riêng tư khác mà tôi từng tìm đến mỗi cuối tuần: ra biển, dạo công viên, xem football. Úi chà! Nói đến thể thao thì lòng tôi còn “thổn thức” dữ lắm. Nhưng cũng đành đứt khoát để hết lại sau lưng. Tất cả những cuộc vui đó tôi đều đã nếm qua vô số lần, đã tận hưởng hết thảy những thế vị ngọt bùi đắng cay do những cảm xúc, ý tưởng mang đến, nhưng rồi chúng tôi thấy cuộc sống vẫn còn thiếu một chút gì đó, một chất vị mà hình như những cuộc vui ở đời không thể mang đến.

Cổ đức có câu “Quế hương bất viễn thư hương viễn / Thế vị vô như đạo vị trường.” Từ ngày đọc và hiểu được lời khuyên của một vị hiền triết thuở xưa được ghi lại trong một cuốn sách nào đó mà tôi đã góp nhặt được dọc theo con đường học đạo, tôi tự nhắc mình câu nói ấy hầu như mỗi ngày, để đừng quên tuốt luốt và rồi lầm đường trở lại những cuộc vui lạc thú của đời thường.

Có lẽ nhờ sự thôi thúc chan chứa đạo vị đó mà hai đứa chúng tôi đã ráng dậy sớm vào sáng Chủ Nhật hôm ấy, ngày 15 tháng 11, 2015. Đó cũng là ngày lễ Dâng Y, hay còn gọi là Kathina, được tổ chức ở các tu viện theo hệ phái Nguyên Thủy mà tôi được biết ở Quận Cam. Trong buổi lễ này, các Phật tử cúng dường y áo cho các tăng ni, theo đúng truyền thống đã có từ thời Đức Phật Thích Ca Mâu Ni.

Bản đồ trên Google Maps cho thấy cuộc đi lên núi Big Bear sẽ dài hơn hai tiếng đồng hồ. Được biết lễ Dâng Y bắt đầu lúc 10 giờ 30, chúng tôi cố gắng rời nhà trước 8 giờ sáng. Phải “cố gắng” vì có một số thủ tục, chuyện lặt vặt cá nhân cần phải giải quyết trước khi lên đường. Vả lại đêm thứ Bảy tôi thường đi làm về khuya, nên việc thức sớm sáng Chủ Nhật là điều khó khăn, phải chiến đấu dữ dằn lắm với tên giặc lười thì mới có thể chui thoát ra khỏi lớp chăn mền đầy ấm áp.

Từ Westminster, chúng tôi lái xe lên xa lộ 22, qua 55 rồi nhập vào 91 đi miết theo hướng đông bắc, vượt qua Riverside đến Redlands trong vùng San Bernardino, rồi men theo mấy con đường khác để bắt đầu leo lên núi cao. Ở đâu đó trên đường 18 chạy sát bên sườn núi, giông tố tràn đến, phủ kín đất trời, gió thổi mạnh như giông bão, mây ào tới che kín không trung trước mắt làm chúng tôi e ngại, vừa lái chậm vừa cầu mong xe không trượt xuống sườn núi. May thay càng gần đến thị trấn Big Bear, mây xám tan dần, mặt trời ló dạng và chiếu những tia nắng ấm áp xuống không gian đang lạnh buốt trong những cơn gió thổi rơi những chiếc lá từ các nhánh cây đã xơ xác.

Tới ngã rẽ vào Big Bear Lake, một nơi vui chơi mùa đông cũng như mùa hè của người dân từ chốn đô thị Los Angeles và từ Quận Cam, tôi bồi hồi nhớ lại những dịp đưa các con đến đây mười mấy năm trước, để chơi tuyết hay để tạm rời xa khu phố Bolsa đi tìm những giây phút hạnh phúc cho gia đình. Nay các con đã có những cuộc vui riêng, rời xa cha mẹ như trong bao lần hợp tan trong muôn vạn kiếp. Trước khi đi tiếp tới Big Bear và ngôi chùa mà chúng tôi đoán chỉ còn cách xa chừng mười-lăm phút, hai vợ chồng mặc thêm áo ấm, đội nón len để có thể chịu được khí lạnh đang kéo đến ồ ạt theo cơn giông tố đã được báo trước.

Tìm ra đường Fourth dẫn lên một chóp đồi cao, chúng tôi nhận ra ngôi chùa có treo Phật kỳ ngũ sắc nằm lẫn trong một khu gia cư thưa thớt và hẻo lánh, gần cuối một con đường chưa được tráng nhựa. Miền Big Bear này nằm cao hơn mặt biển trên hai-ngàn thước, mà chùa lại ở một nơi còn cao hơn những nhà cửa ở chung quanh. Khác với dự đoán của chúng tôi rằng chùa Big Bear là nơi hoang sơ, chùa là một ngôi nhà tương đối khang trang, ấm cúng, nằm trên một mảnh đất đã được giải tỏa những tảng đá và san bằng mặt đất.

Vợ chồng từng thoáng ngại việc đến một ngôi chùa ở nơi vắng vẻ như Big Bear, sẽ không gặp một ai ngoài các sư. Ở chùa dưới Quận Cam thì dễ hòa nhập vào đám đông vào mỗi dịp lễ, còn ở đây quá xa, mà nếu chỉ có hai vợ chồng thì e không biết “đàm đạo” như thế nào với các sư.

May sao, ngay lúc quẹo xe vào cổng với cánh cửa sắt được kéo mở rộng, chúng tôi thấy một khuôn mặt quen quen. Cô ấy đang bận cúi đầu tránh gió lạnh, tay cầm điện thoại nói chuyện với ai đó với nét mặt khẩn trương. Vợ tôi nhận ra cô ấy là Trúc Mai, một đạo hữu rất hoạt bát sinh hoạt tại chùa Văn Thù ở Riverside. Trúc Mai từng dạo đàn guitar hát ca khúc “Gặp Mẹ Trong Mơ” trong buổi thuyết pháp của thầy Pháp Hòa tại Văn Thù đầu tháng Bảy vừa qua.

Đêm hôm ấy là lần đầu tiên chúng tôi được nghe một ca khúc chắc đã thịnh hành cả mấy năm, rồi thỉnh thoảng có nghe tại chùa khác nhân mùa lễ Vu Lan. Đến mấy tuần trước, chúng tôi tình cờ tìm trên YouTube và rồi nghe đi nghe lại bài hát từ miền hoang dã Mông Cổ với sự thích thú lạ kỳ. Sáng Chủ Nhật gặp cô gái từng hát ca khúc đầy tình cảm ấy ngay trước cổng chùa, vợ chồng không vội nói ra nhưng đều nghĩ đến một sự dẫn dắt nào đó từ cõi vô hình.

Thế rồi trong một sân chùa với những tảng đá lớn, chúng tôi ngạc nhiên không kém khi thấy cả mấy chục đạo hữu từ chùa Văn Thù cùng một khuôn mặt rất thân quen và “dễ thương.” Đó là thầy Quảng Phú, người thường nói hai chữ “dễ thương” trong những buổi giảng pháp. Thì ra thầy đã hướng dẫn các đạo hữu từ Văn Thù đến đây để làm lễ Dâng Y cho hai vị tăng sống trong tu viện. Nếu không có nhóm Văn Thù, vợ chồng chúng tôi đã là kẻ duy nhất “bơ vơ” đến chùa sáng hôm ấy.

Không khác các Phật tử của chùa, thầy Quảng Phú cũng mặc hai, ba lớp áo ấm để chống lạnh, bên ngoài khoác chiếc y vàng khi làm lễ, nên trông thầy tròn mập hẳn ra. Như ở chùa Văn Thù, thầy Quảng Phú luôn chăm sóc các Phật tử với vẻ lo lắng, tất bật của một người mẹ giữa một đám con mà có lúc họ đứng ngồi xớ rớ, không biết phải làm gì. Và cũng nhờ sự chu đáo của thầy, kể cả việc thầy phải cầm loa nói to cho các vị ở xa nghe rõ, mà buổi lễ diễn ra có trật tự mặc dù trời rất lạnh.

Lễ bắt đầu với nghi thức Nhiễu Phật, khi mà các đạo hữu xếp hàng đi quanh sân chùa ba vòng. Giữa núi trời rét lạnh, từng người đội một túi trong đựng những tấm y mới tinh để dâng cho các sư. Họ đi chậm rãi trong sân chùa khá rộng. Người được tôi chú ý nhất trong đoàn người diễn hành trước ngôi chùa là một vị tăng trẻ người Mỹ. Cao hơn một người Mỹ bình thường, anh càng quá cao so với một người Việt trung bình. Thế nên vị sư trẻ không chỉ nổi bật trong đám đông mặc áo lam chúng tôi với chiếc y vàng đậm, mà còn vượt trội với chiều cao quá khổ này. Tôi chú ý đến vị sư trẻ vì sự oai nghi và nét trầm lặng của thầy.

Sư Tâm Đạo bưng tượng Phật trong nghi thức Nhiễu Phật.
Sư Tâm Đạo có thế danh là Eric, sống ở Texas và theo sư phụ Tâm Hạnh đến California.

Sau lễ Nhiễu Phật, chúng tôi vui mừng được vào bên trong một chánh điện nhỏ, vừa đủ chỗ cho khoảng bốn chục người ngồi chen chúc bên nhau. Vì lăng xăng lo chụp vài tấm hình lưu niệm, tôi đứng ở phần đuôi của hàng người bước vào bên trong, và nhờ vậy được chào hỏi thầy Quảng Phú, khi thầy lo nhiệm vụ “lùa” mọi người vào bên trong và nhận ra tôi. Thầy cười, xoa vai tôi một cách thân mật, không hỏi nhưng lộ vẻ vui ở giây phút hội ngộ bất ngờ.

Thầy Quảng Phú cầm cửa cho các Phật tử bước vào chánh điện.

Vợ chồng chúng tôi từng ghé chùa Văn Thù đôi ba lần kể từ năm 2011 đến nay. Giữa những kỷ niệm vui đầy đạo vị với chùa Văn Thù mà tôi từng kể trong một bài viết khác trước đây, quí nhất là kinh nghiệm được ăn chay ở Văn Thù. Thầy Quảng Phú nấu ăn rất khéo. Mặc dù từng ăn chay lai rai trước đó, tôi chưa thật sự quyết tâm dứt bỏ ăn mặn cho đến khi được “nếm mùi” chay ở Văn Thù. Tuy chỉ mới thưởng thức được mấy món như mắm và rau, bún sáo măng, tôi nhận ra ăn chay ở chùa không chỉ ngon mà còn vui, một niềm vui trong tâm rất khó tả vì nó hàm chứa một tình thương rất bao la. Từ khi nếm được niềm vui vô bờ bến đó, tôi đã đoạn tuyệt với món mặn mà lòng không một chút hối tiếc.

Thế nên buổi gặp thầy Quảng Phú tình cờ ở ngôi chùa trên núi, lòng tôi vui không ngờ. Quả thật có sự dẫn dắt từ một chốn xa nhưng lại rất gần, như tình thương của một người mẹ được diễn tả trong bài hát Mông Cổ “Gặp Mẹ Trong Mơ” từng được nghe ở Văn Thù.

Cũng vì lao nhao đi chụp hình, tôi thấy một tấm bảng nhỏ trong garage và mới biết chùa núi Big Bear có tên chính thức là Tu Viện Đạo Tâm. Trong buỗi lễ diễn ra trong chánh điện, chúng tôi được nghe sư Tâm Hạnh nói một bài pháp với giọng vui, gần gũi về ý nghĩa của lễ Dâng Y từ thời Đức Phật. Tôi được biết sư Tâm Hạnh cùng quê Nha Trang với tôi, từng dạy ở trường Vạn Hạnh tại Việt Nam. Thầy có nét mặt hồng hào, thân hình khỏe mạnh, khá rắn chắc đối với một người đã trên sáu mươi tuổi. Buổi lễ còn có một vị ni từ nơi khác đến là Sa Di Ni Diệu Thanh. Nhưng riêng đối với tôi, người được chú ý nhất vẫn là vị sư trẻ tuổi.

Sư Tâm Hạnh đang giảng về lễ Dâng Y Kathina theo Nguyên Thủy.
Buổi lễ có tụng kinh tiếng Pali cũng như tiếng Việt trong chánh điện Tu Viện Đạo Tâm sáng Chủ Nhật, 15 tháng 11, 2015.
Bảng địa chỉ đóng trong garage.
Tu viện nằm trên đồi, có gió thổi rét lạnh sáng hôm ấy.
Tượng Phật trước sân tu viện.
Sư Tâm Đạo và Ni Diệu Thanh đang mặc y mới trước đại chúng trong buổi lễ dâng y mới cho các sư và ni.

Nhà sư Mỹ trông lạc loài giữa đám người Việt Nam mà có lúc họ nói chuyện rất huyên náo. Tôi đoán sư chỉ biết tiếng Việt rất sơ sài mặc dù sư Tâm Hạnh là sư phụ của thầy. Thỉnh thoảng sư Tâm Hạnh nói vài câu tiếng Anh, để nhắc vị sư trẻ làm một việc gì đó, như tụng kinh tiếng Pali chẳng hạn. Ngoài những lúc tụng kinh hay trả lời nho nhỏ với sư phụ, sư Tâm Đạo hầu như không nói một lời nào mặc dù thỉnh thoảng nở một nụ cười rất thánh thiện với một ai đó đang quan sát mình. Thầy luôn nhìn thẳng với đôi mắt to, xanh, sâu thẳm như muốn rọi chiếu vào từng cảnh vật đang hiện ra trước mắt.

Các sư đang tụng kinh tiếng Pali.

Sau buổi lễ dài khoảng một tiếng và sau bữa ăn với các món (trứ danh) do chính chùa Văn Thù mang tới (gồm gỏi, miến xào, súp măng), tôi tìm đến vị sư trẻ để trò chuyện, một phần vì không thấy ai thăm hỏi thầy, một phần vì tính tò mò, muốn biết cơ duyên nào đã đưa một người trẻ như thầy vào đường đạo. Vả lại, tôi cần phải tranh thủ thời gian vì biết chúng tôi chỉ còn ít thời giờ trước khi bão tuyết tới, mọi người cần “xuống núi” sớm để không bị kẹt lại trên Big Bear.

Chụp hình lưu niệm trước khi rời tu viện vào buổi trưa trước khi bão tuyết phủ xuống.
Từ bên trái là Thầy Quảng Phú từ chùa Văn Thù, Sư Tâm Hạnh, và Sư Tâm Đạo trong chánh điện Tu Viện Đạo Tâm, Big Bear City, Nam California, ngày 15 tháng 11, 2015.

Thế là trong cuộc “phỏng vấn” ngắn trước khi chia tay, tôi được biết thầy có thế danh là Eric, quê ở Texas. Tôi từng gặp các thầy trẻ Việt Nam, nhưng một người Mỹ thì chưa bao giờ. Sự trầm lặng, đôi mắt sâu có lúc thoáng một chút ưu tư trên khuôn mặt hao hao nét Ấn Độ đã thu hút tôi đến gần sư Tâm Đạo. Trong suốt cuộc nói chuyện, vị sư trẻ không hỏi tôi một câu nào, chỉ từ tốn trả lời từng câu hỏi, như một người đang giữ chánh niệm và theo dõi từng lời nói, ý tưởng và hành động của mình.

Sư Eric kể cha mẹ thầy rất cởi mở nên họ không e ngại khi biết con muốn xuất gia để đi theo một ông sư Việt Nam có tên Mỹ là “Lee.” Sư Tâm Hạnh, tức thầy Lee, từng có một ngôi chùa ở Carrollton, Texas. Năm 16 tuổi, Eric sống trong vùng và ghé chùa để hỏi sư Lee về cách thiền. Sư Tâm Đạo, nay được 23 tuổi, kể rằng thầy đã tự tập thiền một mình được một thời gian, nên khi biết có một ngôi chùa gần nhà, thầy ghé để tìm hiểu thêm, và rồi vì một cơ duyên có lẽ từ đời trước, thầy quyết định xuất gia với Sư Tâm Hạnh.

Kể ra, hai thầy trò khác nhau không chỉ ở thể chất (thầy Eric gầy, cao, có cốt xương to của một người Mỹ thuộc hạng lớn). Trong khi Sư Tâm Hạnh hoạt bát, năng động, vui tính, nói nhiều, Sư Tâm Đạo lại rất trầm ngâm, suy tư, ít nói. Khi nghe tôi hỏi rằng ở tuổi 23, khi các bạn học năm xưa đang vui ở trường đại học, đang khởi đầu một sự nghiệp sáng lạn, hoặc đang có hạnh phúc gia đình, thì thầy có niềm vui gì? Vị sư trẻ nhanh tay chỉ cho tôi xem tầng cao nhất trong tủ sách nằm trong phòng tiếp khách cạnh chánh điện. Ở trên kệ cao đó, tôi thấy những bộ kinh Phật giáo được viết bằng tiếng Anh. Thầy mỉm cười rất hiền lành, nói rằng học kinh chính là niềm vui của thầy.

Sư Tâm Đạo cho biết thầy đi theo sư phụ Tâm Hạnh, nên nhờ đó đã đến nhiều nơi để học đạo, tiếp xúc với nhiều Phật tử, nên niềm vui của thầy là niềm vui của đạo. Trong một lần nghe sư Tâm Hạnh giảng ở Westminster, vợ tôi được biết sư Tâm Đạo rất thương thú vật, thương chúng như thương chính bản thân thầy. Sư Tâm Hạnh kể rằng khi mới đến tu viện trên núi Big Bear, có lúc sư cầm những viên đá nhỏ để ném mấy con sóc. Sư không cố tình ném trúng sóc, chỉ ném gần cho chúng bỏ đi. Vậy mà sư Tâm Đạo cũng đến ngăn tay sư phụ, nói rằng nếu sư phụ muốn ném đá mấy con sóc thì hãy ném con trước. Được gặp và nói chuyện với sư Tâm Đạo, tôi mới tin chắc vị sư trẻ này là người rất nhân từ, và cũng rất quả quyết với lòng nhân từ ấy.

Trước khi chia tay, tôi chụp hình lưu niệm với thầy Eric. Không chỉ cao hơn tôi từ vai lên đến đỉnh đầu, vị thầy trẻ này cũng “cao” hơn tôi trên đường tu. Tôi không dám nói là thầy đã tu từ kiếp trước, nhưng chắc chắn thầy đã biết đạo, đã sớm nhìn ra con đường mà mình phải đi trong một đời người rất hiếm quí này, không thể để cho nó uổng phí tan loãng giữa biển thế vị mê hồn.

Một chút kỷ niệm với nhà sư trẻ ‘Eric’ tại chùa Big Bear City.
Vị sư trẻ xuất gia với sư phụ Việt Nam tại Texas từ năm 16 tuổi, nay được 23 tuổi.

Sư Tâm Hạnh cho biết những ai muốn đến đây tu thì sẽ có phòng trọ miễn phí, nhưng không được nấu ăn vì hai sư sẽ lo chuyện đó cho khách. Địa chỉ của Tu Viện Đạo Tâm (Mindful Way Buddhist Meditation Society) là 45564 Fourth Street, P. O. Box 2864, Big Bear City, CA 92314. Phone (909) 585-6785.

Rời Tu Viện Đạo Tâm, chúng tôi cũng hối hả lái xe như các đạo hữu từ chùa Văn Thù, vì trận bão tuyết đã bắt đầu tràn tới với gió và mây đen thổi đến từ hướng tây bắc. Lúc ấy là sau 1 giờ trưa. Không lâu, trên con đường xuống núi, tôi phải lái xe thật chậm, rà thắng nhiều lần vì tuyết trắng bắt đầu bám mặt đường. Giữa không gian trắng xóa, mịt mù không thấy xa hơn vài thước trước mắt, tôi nghe tiếng vợ niệm Phật chậm rãi và trầm tĩnh. Chính tôi cũng thấy sáng suốt, bình tĩnh lạ thường, biết rõ tay mình đang cầm bánh lái, mắt không rời lằn sơn vàng dẫn đường ở trước mắt, tim vẫn đập đều đặn cho dù mưa tuyết đang trút xuống tới tấp, mỗi lúc một nhiều.

Hơn nửa tiếng sau, xe xuống đến chân núi, bắt đầu hòa vào những dòng xe huyên náo. Nơi đây không có mưa, cũng chẳng có tuyết, chỉ có một bầu không gian dầy đặc những âm thanh ầm ĩ từ những chiếc xe phóng vun vút trên xa lộ hướng về thành phố. Lúc ấy chuyến đi chùa núi sắp kết thúc, nhưng tôi biết cuộc hành trình vẫn tiếp tục với từng hơi thở, từng lời niệm Phật, và từng buổi gặp gỡ đầy đạo vị trên con đường dài, rất dài.

Bức hình cuối trước giờ chia tay chùa núi Big Bear.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *