Bà quỷ chúa ăn mày

*Đọc 9 phút*

Truyện PHÚC QUỲNH

Thuở xưa, thuở loài quỷ còn chung sống với loài người, có một ngôi chùa ở lưng chừng núi mây phủ sáng chiều, nơi có một sư ông an trú sau nhiều năm ôm bình hoằng pháp khắp chốn trần gian. Sư sống cô độc, ngày ngày tụng kinh, thiền quán hồi hướng cho chúng sanh, có chút đất quanh chùa sư trồng rau củ, được chút tịnh tài của bá tánh thì sư xuống chợ ở dưới thung lũng mua gạo, sống qua ngày, tĩnh lặng với cỏ cây, mây gió, sương nguyệt.

Một bữa nọ sư nghe có tiếng em bé khóc trong bụi cây trước cửa chùa. Không biết đứa bé từ đâu tới, được quấn trong tấm vải màu lam với bình sữa đã cạn nằm bên cạnh. Sư mang bé vào nuôi trong ngôi chùa, nơi chỉ có hình ảnh Đức Phật Thích Ca được sơn vẽ thô kệch trên tường, cái chuông, cái mỏ ở chân tường. Trong ngôi chùa đạm bạc ấy, sư chia cơm sẻ áo cho bé, hướng dẫn đứa trẻ thành một chú tiểu ngoan ngoãn, khỏe mạnh, biết đọc sách, tụng kinh. Nhờ Phật độ, thầy trò sống vậy cho đến một ngày kia chú tiểu phải va chạm với loài quỷ A Tu La.

Ban đầu chú tiểu chỉ biết theo thầy ôm bát xuống núi, nhận được chút tịnh tài thì dùng tiền để mua vải, tích dầu, trữ gạo. Một sớm kia khi nắng chưa lên, sư ông bảo chú tiểu hãy xuống núi đi bát một mình, vì thầy đã yếu, không thể vượt đèo leo dốc, cuốc bộ cả chục dặm đến chợ ở thị trấn biên thùy, rồi quay về chùa trên núi như trước.

Sư ông nói, “Con hãy làm như mọi lần thầy trò mình trì bình. Chỉ có một điều này thầy phải dặn con, và con phải nhớ cho kỹ, hãy làm cho đúng.”

“Dạ, con xin nghe,” chú tiểu đáp, lòng gợn chút vui mừng vì đã đến tuổi thích phiêu lưu, mạo hiểm, muốn tự tìm hiểu thế gian.

“Nếu nhận được tiền của bá tánh, khi vào quán mua gạo với tiền đó thì con hãy ráng nhớ cho thầy điều này.”

Một lần nữa chú tiểu lại thưa với thầy, “Dạ, con xin nghe.”

“Khi vào quán mua gạo, con trao tiền và nhận gạo họ đưa, đừng xin thêm. Đừng bao giờ xin thêm gạo. Đừng bao giờ. Con nhớ chứ?” thầy dặn, ánh mắt sáng lên, nhìn đứa con đạo duy nhất của mình, lòng đầy hy vọng con sẽ nghe lời, vì mạng sống của nó tùy thuộc vào lời dặn đó.

“Dạ, con xin nhớ, thầy đừng lo,” chú tiểu nói nhanh để kịp lên đường trước khi trời sáng. Thế là chú khởi hành với lời dặn dò của thầy. Với lòng háo thắng của một tâm hồn niên thiếu, chú phóng chân thật nhanh xuống núi, như muốn chạy đua với ánh sáng bình minh.

Mặt trời vừa ló dạng thì chú đã tới chân núi. Đường vào thôn làng quen thuộc, hôm nay chỉ có mình chú. Chú vừa vui, vừa lo ra khi thấy những người lạ quay lại nhìn chú một lần nữa, như muốn hỏi sư ông kia đâu, sao sáng nay chú đi bát một mình?

Chú cảm thấy mình lớn hẳn ra, không còn núp bóng thầy đi vào làng.

Một ông ăn mặc bảnh bao cúi đầu cúng dường, đặt vào bình mấy tờ tiền. Nghe chú đọc bài kệ chúc lành xong, ông tính bỏ đi nhưng rồi nghĩ sao quay lại, nói với chú điều này, “Chú còn nhỏ tuổi, chắc mới đi bát một mình lần đầu? Tôi chỉ có lời khuyên này dành cho chú. Hãy cẩn thận với tiền, đừng để mình bị lừa gạt. Dân buôn bán ở chợ là những người không thể tin tưởng. Tiền của chú mua được hơn hai cân gạo.” Nói xong ông bước đi ngược chiều với chú tiểu.

Chú nghĩ mình là người lớn, biết suy nghĩ, không còn là một đứa bé đi theo thầy như mấy năm qua, không ai lừa được chú. Thế là với chút tiền, chú bước vào quán gạo mà thầy vẫn thường ghé mỗi lần đi trì bình. Lần này chú không đứng ở ngoài, mà bước hẳn vào trong như thầy vẫn làm.

“Với tiền này, xin bà hãy bán gạo cho tôi,” chú nói với bà chủ quán.

Người phụ nữ trung niên nhận tiền, xong đong gạo cho chú tiểu. Bà đưa túi gạo, nói, “Tiền của chú chỉ mua được chừng này gạo, hai cân, không hơn.”

“Hai cân thôi ư?” chú thắc mắc, nhớ lời khuyên của ông ban nãy. “Xin bà hãy đong thêm gạo, tiền của tôi chắc được hơn hai cân.”

Bà chủ quán nhìn chú tiểu với vẻ dò xét, xong gật gù với điều gì đó trong lòng.

Chú sốt ruột, “Xin bà hãy đong thêm gạo cho đúng với số tiền.”

Không còn lưỡng lự, bà làm theo ý chú tiểu, với nụ cười tinh quái.

Chú rời chợ với lòng hân hoan, phóng chân chạy suốt mấy dặm trở về chùa như thể phi thân, bước đi như bay trên ngọn cỏ.

Về đến chùa chú liền khoe với thầy, “Bữa nay con mua được nhiều gạo lắm thầy ơi!” Thầy chưa kịp hỏi thì chú kể hết mọi chuyện xảy ra trong chuyến trì bình một mình lần đầu tiên.

Thế nhưng nghe xong sư ông tái mặt, “Thôi rồi con ơi! Con không nhớ lời ta dặn. Đừng bao giờ xin thêm gạo. Ta đã dặn mà con không nhớ, không làm theo.”

Chú tiểu ngẩn ra như chưa hiểu. Sư ông liền bảo chú tiểu đưa hai bàn tay cho sư xem. Nhìn lòng bàn tay của đệ tử, sư ông thốt lên, “Đây này! Con đã bị quỷ đánh dấu.”

Chú tiểu bắt đầu lo sợ, nhìn hai lòng bàn tay thì thấy mỗi bên đều có vết mờ màu tím đỏ, lớn bằng đồng tiền, hình dạng như ngôi sao.

Sư ông nói với giọng hốt hoảng, “Con đã bị đánh dấu, đêm nay là đêm ba mươi, chúng sẽ tìm con để ăn thịt.”

Đến lúc này thì chú tiểu thật sự lo lắng. “Con làm sao bây giờ, thưa thầy?”

Sư ông nhìn ra ngoài hướng về thung lũng bên dưới, rồi nói, “Chỉ còn cách này, may ra bà ấy sẽ cứu mạng con.”

Chú tiểu im lặng, run sợ trong lòng, mồ hôi bắt đầu toát ra.

“Con hãy xuống núi ngay bây giờ, trước khi trời chiều,” sư ông nói. “Hãy vào chợ tìm một bà lão ăn mày, xin bà cứu con. Đi ngay đi, mang những gì con được cúng dường trong bình bát và dâng hết cho bà lão. Đi ngay kẻo trễ, bằng không con sẽ chết. Chỉ có bà lão mới cứu được con.”

Nghe giọng khẩn khoản của sư ông, chú tiểu đành ôm bình chạy xuống núi, có lẽ còn nhanh hơn lúc ban sáng. Chợ chiều không còn đông người, nhưng tìm bà lão ăn mày cũng không dễ. Cuối cùng chú tiểu nhận ra một bà già tóc trắng nhớp nhúa ngồi trong một túp lều tồi tàn cạnh một quán bán thịt. Đúng là bà lão ăn mày.

Nghe chú thuật lại câu chuyện bị quỷ đánh dấu, bà lão không mấy chú ý, đưa mắt nhìn nơi khác, cố tình làm ngơ. Nhớ lời thầy dặn, chú tiểu mở bình bát và xin tặng hết cho bà những món ăn ở trong đó: xôi, bánh, trái cây, một gói nem.

Đợi chú tiểu lấy hết thức ăn bày ra trên một tấm vải, bà lão mới nói, “Hôm nay ta cảm thấy có chút lòng từ bi, nên sẽ giúp ngươi giữ mạng sống, nhưng với điều kiện.”

“Điều kiện gì, thưa bà?” chú hỏi.

“Ngươi hãy chui vào cái lu đó, ngồi yên trong đó cho đến khi ta bảo ra thì mới được ra,” bà chỉ tay vào một cái lu nước nhỏ bằng nửa thân hình của chú.

“Làm sao chui vô đó được, thưa bà?” chú thắc mắc.

“Ngươi hãy bước vô lu rồi sẽ thấy.”

Làm theo lời bà lão, chú tiểu thò một chân vào thì thấy lu bỗng như lớn ra. Cho hết hai chân vào rồi ngồi xuống thì cái lu dường như thu nhỏ lại, nhốt chú tiểu ở trong đó. Chú co chân ngồi yên trong lu, chật cứng. Lu có khoét hai lỗ nhỏ, đủ cho chú có thể nhìn ra ngoài. Bà lão đậy nắp lu, buộc dây cột nắp lại. Bà vòng dây chung quanh lu, xong thắt chín gút thật chặt. Bà dặn một lần chót, “Ngươi phải im lặng ở trong đó. Gây tiếng động thì sẽ chết, ta không cứu được đâu. Đêm nay là đêm của ngạ quỷ.”

Nghe vậy, chú tiểu càng lo sợ, cố gắng ngồi im thin thít. Đến nửa đêm, giữa bầu trời tối đen bỗng có nhiều tiếng động lớn. Có tiếng bay vùn vụt trên trời, tiếng lê lết trên mặt đất như chân bị đeo buộc xiềng xích, những tiếng gào thét trong sự đói khát. Chú tiểu liều lĩnh nhìn ra ngoài lỗ xem động tịnh. Nhiều nhân vật hình dạng kinh dị đang tụ tập trước túp lều của bà lão.

Khi ấy bà lão ngồi trên một tảng đá cao, oai nghi như một thủ lãnh giữa đám quái nhân.

“Đói quá. Chúng tôi đói quá,” đám ngạ quỷ nói lao xao. “Đói quá, đói quá! Thịt đâu?”

(Image: James Steakley/ Wikimedia Commons)

Chú tiểu đếm được trên hai mươi ngạ quỷ, quỷ nào trông cũng rất kinh sợ. Một ngạ quỷ râu tóc xồm xoàm, ống chân cong queo, bụng sình to, thân mình hôi thúi, ghẻ lở đầy mình. Một ngạ quỷ khác tóc dài chấm gót, đầu lớn hơn mình, mùi thúi tanh hôi, miệng đòi ăn mủ máu, tử thi. Một ngạ quỷ mắt sưng lòi ra ngoài, lửa cháy đầy mình. Một ngạ quỷ đầu to, cổ nhỏ xíu, thân mình ốm nhom, trong miệng có cái đuôi rất hôi thúi. Một ngạ quỷ đầy mình ghẻ lở, ruồi nhặng bu đầy, thịt sưng hôi thúi. Một ngạ quỷ mình rắn đầu người, thân mình mủ chảy tràn trề.

Đám ngạ quỷ bỗng ngưng gào thét khi thấy một quỷ nữ bay tới. Chú tiểu nhận ra quỷ nữ này chính là bà chủ quán gạo.

Thấy bà bán gạo, bà lão ăn mày bỗng hỏi lớn, “Đêm nay đến phiên ngươi mang thịt người đến cho chúng ta. Vậy thịt đâu?”

Thì ra bà lão ăn mày là một quỷ chúa, chú tiểu thầm nghĩ, càng run sợ.

Nghe bà lão hỏi, đám ngạ quỷ cùng gào lên, “Thịt đâu? Thịt đâu? Thịt tươi đâu?” Có tiếng giận dữ trong đám quỷ đói.

Bà bán gạo vội nói, “Các ngươi hãy đợi. Ta sẽ đi mang thịt về cho.” Bà bay đi một hồi rồi trở lại tay không, lộ vẻ lúng túng. “Ta đã tìm kiếm khắp nơi mà chưa thấy miếng thịt ta đã đánh dấu.” Nhìn về hướng lu nước, bà nói, “Còn cái lu này ta chưa xem. Ta sẽ hét chín tiếng để gỡ hết các gút dây, may ra có thịt ở bên trong.”

Bà quỷ chúa ăn mày vội lên tiếng như ra lệnh, “Ngươi hét tám tiếng là đủ, nếu không có là không có.”

Bà bán gạo làm theo lệnh của quỷ chúa. Mỗi tiếng hét của bà làm cho một cái gút được tháo mở. Sau tám tiếng thì còn một cái gút thứ chín giữ nắp đậy kín. Bà bán gạo quay đi nơi khác.

Thấy chưa có thịt người để ăn, đám ngạ quỷ lại gào thét, lần này với sự giận dữ cuồng nộ, “Thịt! Thịt! Đói quá!”

Bà bán gạo đáp lời, “Thôi được, ta sẽ đi và sẽ chóng trở về với thịt cho các người.”

Bà bay nhanh, trở lại cũng nhanh như lời hứa, trên hai tay bế xác một người đàn ông như đang ngủ say. “Thịt đây! Chúng bây ăn đi.”

Bà thảy xác vào đám quỷ. Chúng bâu lại, đứa lột da ăn, đứa róc thịt nhai, đứa uống máu tươi chảy hai bên mép, đứa thè lưỡi liếm máu, đứa móc hai mắt nhai ngấu nghiến, đứa gặm xương khoái trá. Phần ngon nhất của xác, tim và gan, được móc ra và dâng cho bà lão ăn mày, chúa của loài quỷ. Chú tiểu đã nhắm mắt, không muốn nhìn thêm nữa cảnh tượng ăn thịt người quá hãi hùng.

Ăn no nê, đám quỷ biến mất. Bà lão ăn mày mở nắp lu cho chú tiểu thoát ra ngoài. Chú chắp tay xá bà một xá để tạ ơn, xong vội chạy về chùa báo cho sư ông biết tin vui.

Chú về đến chùa thì mặt trời ló dạng, ngôi chùa vẫn tĩnh lặng giữa sương mù ban mai. Trong chánh điện đơn sơ, sư ông đang tụng kinh trước hình ảnh Đức Phật.

Nghe tiếng mở cửa sau lưng, sư ông ngưng tụng kinh, nói trong lúc ngước nhìn Đức Phật với ánh mắt biết ơn, “Ta đã tụng kinh cầu an cho con suốt đêm. Nay con đã về với mạng sống của con.”

Chú tiểu phấn khởi kể lại cho sư ông nghe chuyện trốn trong lu nước, chuyện mấy ngạ quỷ ăn thịt người đầy máu me. Nghe hết câu chuyện, sư ông không lộ vẻ vui mừng, mắt ưu tư nhìn xuống thung lũng.

Sư ông nói, “Con hãy xuống chợ, trở lại quán gạo xem sao.”

Nghe lời thầy, chú tiểu liền xuống núi một lần nữa, lần này đi chậm rãi, một phần vì mệt sau một ngày đầy biến cố, một phần vì linh cảm có chuyện chẳng lành.

Vào đến chợ, chú thấy nhiều người đang tụ tập bên ngoài quán gạo. Chú cũng chen chân ngó vào quán, chợt nghe tiếng bà bán gạo than khóc, “Mới hôm qua chồng tôi còn khỏe mạnh, tối trước khi ngủ còn nói sáng sẽ thức sớm giúp tôi bày hàng, mà bây giờ ông nằm ngay đơ, chết không biết từ hồi nào đêm qua. Ông ơi sao ông bỏ tôi đi sớm vậy!”

Chú tiểu quay đi, chợt hiểu mọi chuyện. Rời xa đám đông, chú cúi đầu khóc thầm, “Vì mạng sống của ta mà một chúng sanh khác đã mất mạng.”

Đường về chùa hôm đó là một quãng đường dài.

(Truyện phóng tác, lấy ý từ một truyện ma Tây Tạng được kể bởi tác giả Chokey Dolma ở Vancouver, Canada. Xin chân thành cám ơn Chokey Dolma.)

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *