Mae Nak Phra Khanong, một hồn ma nổi tiếng nhất Thái Lan

*Đọc 7 phút*

Bài ĐỒNG PHÚC

Mae Nak Phra Khanong (แม่นาคพระโขนง), tên của một phụ nữ đã có chồng, và cũng là tên của một trong những chuyện ma nổi tiếng nhất ở Thái Lan, được kể đi kể lại nhiều lần qua nhiều phương tiện truyền thông khác nhau. Truyền thuyết về Mae Nak Phra Khanong từ Thái Lan đã gây thương cảm trong lòng mọi người ở mọi nơi trên thế giới về tình yêu đã mất, về sự đau khổ đưa đến hận thù, và ở khía cạnh tâm linh, câu chuyện của người phụ nữ này nói lên tâm trạng bám víu vào thế gian mà hầu hết chúng ta, những người tin ở Phật, thường vướng mắc.

Câu chuyện về nàng Mae Nak Phra Khanong được lược thuật dưới đây dựa theo một bài viết đăng trên trang Thailand Foundation, một tổ chức chuyên phổ biến văn hóa Thái Lan, khuyến khích trao đổi giáo dục, ngôn ngữ giữa nước này với các quốc gia khác.

Truyền thuyết về Mae Nak Phra Khanong – hay Mae Nak ở Phra Khanong – đã có từ thế kỷ thứ 18 tại Vương Quốc Rattanakosin (1782-1932), tức Thái Lan ngày nay. Thời đó chữ “Mae” được dùng để gọi một phụ nữ trẻ là “Cô.” Cô Nak sống ở gần chùa Wat Mahabut dọc theo một kênh nước. Ngày nay khu vực đó chính là Soi Sukhumvit 77 ở quận Phra Khanong thuộc thủ đô Bangkok, nơi có đền thờ của Cô.

Đền Mae Nak Phra Khanong phía nhìn ra kênh nước trong hình chụp năm 2009. (Xufanc/ Wikimedia Commons)

Theo truyền thuyết, chồng của Nak là anh Mak bị bắt đi lính và bị đưa ra chiến trường khi cô đang mang thai. Không may, Nak qua đời khi sanh con. Dân gian Thái Lan gọi những thiếu phụ chết khi sanh con là “Pee tai tang klom” (nghĩa là hồn ma của người phụ nữ chết khi sanh con với đứa bé vẫn còn trong bụng). Người mẹ và bào thai được an táng tại chùa Wat Mahabut.

Vì tình yêu quá mãnh liệt, Nak đã không thể siêu thoát, bị ràng buộc với kiếp người ở cõi ta bà này. Cô hiện hình là một phụ nữ đảm đương công việc nội trợ trong nhà, ngày ngày chờ chồng về từ chiến trường. Thế nhưng sự tái hiện của bóng ma Nak đã khiến dân làng sống dọc theo bờ kênh đều khiếp sợ, không ai dám chèo thuyền lai vãng đến gần nhà. Họ mời các nhà sư và thầy trừ tà đến gọi hồn Nak rời ngôi nhà, nhưng Nak nhất định bám víu vào cõi trần gian để chờ chồng về.

Trong khi ấy, sau khi được chữa trị vết thương từ chiến cuộc, chàng Mak trở về mái nhà xưa ở Phra Khanong. Mak không hề biết về việc vợ đã mất với đứa con trong bụng. Về đến nhà, anh được chào đón bởi người vợ yêu thương tay bế một đứa con mới sanh. Mak tưởng từ nay anh sẽ sống hạnh phúc mãi mãi với vợ và con.

Không lâu, dân làng tiết lộ sự thật cho anh Mak biết. Họ nói rằng cô Nak đã chết với đứa con chưa sanh, và nhân vật nữ mà anh thấy trong nhà chính là hồn ma của Nak. Anh Mak rất tức giận, tưởng dân làng đồn đãi tin thất thiệt để quá phá anh. Một ngày nọ, khi đang nấu ăn, cô Nak vô tình làm rơi một quả chanh từ trên hiên nhà xuống tầng dưới. Với tay lấy trái chanh, cô duỗi cánh tay ma dài từ ban công trên tầng hai xuống sân bên dưới. Đúng lúc đó, Mak đi làm về và chứng kiến ​​cảnh tượng kinh dị. Anh sợ hãi đến mức phải chạy đến ngôi chùa gần đó để tá túc. Trước sự bỏ đi của chồng, đồng thời tức giận vì sự tiết lộ của dân làng, Mae Nak bắt đầu cuộc trả thù, khủng bố mọi người trong làng, hầu như không ai dám lai vãng gần ngôi nhà ma khi bóng chiều buông xuống.

Kênh Phra Khanong nhìn từ chùa Wat Mahabut trong hình chụp năm 2000. (Ananda/ Wikimedia Commons)

Cuối cùng, nhà sư đáng kính Somdej Phra Buddhacarya, còn được gọi là Sư Somdej Toh, đã đến trợ giúp người dân. Sư tiếp xúc với hương linh Nak với sự điềm tĩnh và lòng từ bi thanh tịnh. Qua sự hướng dẫn, giảng pháp của Sư Somdej Toh, Nak mới hiểu rằng kiếp người của cô đã chấm dứt, cô cần phải buông bỏ cõi ta bà này và tái sanh theo nghiệp của mình. Vị sư đáng kính đã hỏa táng hài cốt của Nak và cắt một mảnh xương trán của cô để giữ làm bùa hộ mệnh. Phần xương đó đã trở thành một kho báu bị thất lạc, một huyền thoại trong giới sưu tầm bùa hộ mệnh ở Thái Lan trong hơn trăm năm qua.

Ngày nay, nhiều người Thái Lan thuộc mọi tầng lớp xã hội thường đến đền thờ Mae Nak ở Wat Mahabut để tỏ lòng tôn kính và mong được cô phù hộ, đặc biệt những người cầu mong không bị chọn đi nghĩa vụ quân sự theo sự bốc thăm của chính quyền.

Mae Nak Phra Khanong là một câu chuyện nói lên tình yêu vợ chồng rất cảm động với các nhân vật đầy nghị lực, chan chứa những cảm xúc mạnh mẽ trong một bối cảnh bi thảm giữa cõi dương và cõi âm. Chuyện ma Thái Lan này nổi bật so với những câu chuyện kinh dị khác, không có máu me ghê rợn, không có những chi tiết cố tình kích thích người như phim Hollywood trong mùa Halloween.

Mae Nak là một chuyện tình buồn và đau lòng, cho thấy tình yêu có thể mang lại sự hạnh phúc lớn lao như thế nào và sự kết thúc của tình yêu cũng sẽ đưa những nỗi buồn lớn không kém. Tình yêu và sự chí tình của Nak rất mạnh mẽ, giúp cô sống lại từ cõi chết. Tuy nhiên, khi sự thật được tiết lộ, sức mạnh tình yêu của cô đã chuyển thành sức mạnh hủy diệt.

Những bức tranh minh họa chân dung của Mae Nak Phra Khanong tại đền thờ của Cô, chụp năm 2009. (Xufanc/ Wikimedia Commons)

Câu chuyện của Mae Nak cũng minh họa thuyết luân hồi Samsara với sinh, lão, bệnh, tử không ai tránh khỏi, và sự thật Tam Pháp Ấn – anicca (vô thường), dukkha (khổ) và anatta (vô ngã). Cuối cùng, không gì có thể chiến thắng được sự thật, kể cả tình yêu.

Câu chuyện về Mae Nak chiếm một vị trí đặc biệt trong xã hội Thái Lan. Hồn ma Mae Nak đã trường tồn qua cách kể chuyện, ca dao và văn chương nghệ thuật xứ Thái. Ngày nay nhiều người vẫn tin hồn ma Mae Nak là truyền thuyết có thật, và đó là lý do vì sao nhiều người vẫn đổ về chùa Wat Mahabut để bày tỏ lòng tôn kính, đồng thời cầu xin sự phù hộ.

Điều không ngạc nhiên là câu chuyện về Mae Nak Phra Khanong được kể lại qua văn thơ, dựng thành nhiều phim điện ảnh, phim truyền hình, nhạc kịch sân khấu trong suốt thế kỷ qua. Dân chúng Thái Lan say mê xem những tác phẩm về Mae Nak được trình bày qua các khía cạnh khác nhau, từ phim ma, phim tình yêu, đến phim hài. Mới nhất là Pee Mak được chiếu năm 2013, là một phim hài ma được kể qua cái nhìn của anh Mak. Phim này đã tạo kỷ lục phim thâu được nhiều tiền nhất – $33 triệu mỹ kim – trong tất cả các phim về hồn ma Mae Nak.

Đâu là sự thật?

Trước đây hơn một thế kỷ, vào ngày 10 tháng 3, 1899, nguyệt san Siam Praphet có đăng một bài viết của người viết sử Thái Lan có uy tín, là ông KSR Kularb. Ông tin rằng câu chuyện về Mae Nak được dựa trên cuộc đời có thật của của bà Amdaeng Nak (“Amdaeng” có nghĩa là “Bà”), con gái của một vị lãnh đạo cộng đồng ở Phra Khanong tên là Khun Si. Bà Amdaeng Nak qua đời khi đang mang thai. Con trai bà lo lắng rằng cha mình có thể tái hôn và khiến anh mất một phần tài sản thừa kế, nên anh đã bịa ra chuyện ma hiện hồn. Cũng theo ông KSR Kularb, anh ta mặc quần áo phụ nữ và ném đá vào những chiếc thuyền đi qua để khiến mọi người nghĩ rằng đó là hồn ma Nak. Từ đó những phụ nữ nào có định cầu hôn với cha anh phải quay đi vì sợ hãi. Ông Kularb cũng viết rằng chồng của Nak tên là Chum chứ không phải Mak, và sự việc xảy ra dưới thời Vua Rama III (1824-1851). Nếu câu chuyện xảy ra đúng như ông KSR Kularb trình bày, thì Mae Nak là một con người có thật nhưng bóng ma thì không.

Trang nguyệt san Siam Praphet đăng một bài viết về sự việc có người thấy bóng ma Mae Nak vào năm 1898. Bài viết được biên tập bởi ông KSR Kularb, một người viết sử có uy tín thời đó tại Thái Lan. (Wikimedia Commons)

Dẫu sao chăng nữa, câu chuyện Mae Nak Phra Khanong đã trở thành một truyền thuyết mà hầu như người Thái Lan nào cũng thích nghe, và kể lại, với lòng thương cảm cho một kiếp người bất hạnh.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *