Khấn nguyện ngài Địa Tạng Bồ Tát

*Đọc 13 phút*

Bài DOJIN SARAH EMERSON

(Tác giả là một giáo sĩ Mỹ tu hành theo Phật Giáo Nhật Soto Zen. Bài viết “Calling on Jizo” của bà được đăng trên tạp chí Buddhadharma năm 2018, đăng lại trên Lion’s Roar năm 2019. Kinh nghiệm và tâm tình được bà chia sẻ về nghi thức Jizo cầu siêu cho trẻ em của người Nhật liên quan tới ngài Jizo, tức Địa Tạng Bồ Tát, gợi nhắc nghi thức cầu siêu cho người quá cố ở chùa Phật Giáo Việt Nam. Có những điểm tương đồng, có những khác biệt về nghi thức, nhưng chiều sâu về tâm lý là điều ít thấy ở các bài viết bằng tiếng Anh cũng như tiếng Việt. Đó là lý do tại sao Tinh Tấn Magazine đã mạn phép chuyển ngữ, đăng lại bài “Calling on Jizo” ở đây, mong rằng nó sẽ đóng góp một phần nào cho hành trang tâm linh thực tiễn của quý độc giả.)

Có một nghi lễ mà tôi thường tham gia trong nhiều năm qua. Đó là lễ Jizo, hay “Lễ Dành Cho Những Đứa Trẻ Đã Qua Đời.” Ở Nhật Bản, lễ Jizo được gọi là Mizuko Kuyo. Tôi tham gia nghi lễ này trong ba tư cách: một là tu sĩ Soto Zen, một là chuyên viên cố vấn người đau buồn, và một là người mẹ có con đã qua đời.

Tôi đã sống và tu tập trong cộng đồng Trung Tâm Thiền San Francisco khoảng chín năm trước khi chính thức thụ phong giáo sĩ. Đứa con gái đầu lòng của chúng tôi được sinh ra ở Tassajara [tên của Trung Tâm Thiền]. Đến bốn năm sau, vào khoảng thời gian xuất gia, tôi mang thai đứa con thứ hai. Cô con gái này, Sati, đã ở bên tôi từ ngày đầu tôi mới là một giáo sĩ cho đến ngày nay. Sati sinh non vài tuần, và ngoài sự hy vọng của mọi người cũng như sự can thiệp của ngành y tế cao cấp, Sati đã qua đời một ngày sau khi được sinh ra, một đứa bé có khuôn mặt Phật sáng như Mặt trăng. Để đáp lại sự yêu thương trước cái chết của Sati, nhiều tượng Jizo đã tuôn chảy đến nhà chúng tôi, do bạn bè gửi tới. Cho đến ngày nay, một số tượng Jizo vẫn chiếm giữ trên bàn thờ của chúng tôi, và chúng đi cùng tôi đến các buổi lễ Jizo trong cộng đồng rộng lớn hơn.

Giáo sĩ Dojin Sarah Emerson năm 2014 (Unknown source)

Trong những ngày sau cái chết của con gái, theo bản năng tự nhiên của một người mẹ, tôi mặc quần áo cho con, chăm sóc và nuôi nấng con – để bằng cách nào đó truyền cho con bé tình yêu và sự bảo vệ của chúng tôi. Tôi đã may một bộ rakusus – những chiếc yếm choàng nhỏ – một chiếc để đi cùng với cơ thể của con khi nó biến thành tro bụi, và một chiếc khác để lại ở cõi này, với chúng tôi, với ngài Jizo trên bàn thờ của chúng tôi. Thật khó để diễn tả sự hài lòng của tôi từ công việc đó. Mỗi một cân lượng của những gì tôi mong đợi là sự cống hiến cả đời đã được chắt lọc vào những bộ quần áo nhỏ này, một cử chỉ này. Làm một cái gì đó cho con bé, với hết bản năng của tôi và nhu cầu quan tâm đến nó, là một chỗ dựa cho tôi trong những ngày đầu tiên đắm chìm trong đau buồn và sửng sốt. Và phó thác con cho ngài Jizo trên bàn thờ của chúng tôi, khấn nguyện đến ngài trước khi tôi thực sự biết về nghi lễ Jizo. Nghi lễ đó là khởi đầu cho thời gian buồn bã của tôi và cuối cùng là sự chữa lành.

Ngài Bồ Tát Jizo thường được minh họa là một nhà sư ăn mặc giản dị, cạo đầu, mặc áo choàng đơn giản, tay cầm tích trượng với khuôn mặt hiền lành. Ngay cả những nét vẽ rất đơn giản thường mô tả vị bồ tát này cũng truyền đạt những đặc tính mâu thuẫn của Jizo: một kiểu thơ ngây dễ thương cùng với sự bình an và quyết tâm bảo vệ mãnh liệt. (Trong lịch sử, Địa Tạng Bồ Tát thường được mô tả là một nam tu sĩ, nhưng để tôn vinh các khía cạnh nữ tính và nam tính của ngài này, tôi sẽ dùng cả hai đại từ nam và nữ một cách tôn kính.) Người ta nói rằng từ lâu, khi chứng kiến ​​sự đau khổ của chúng sinh trong cõi địa ngục, ngài Jizo đã thệ nguyện giúp đỡ mọi chúng sinh, trong mọi cõi, vượt ra khỏi khổ đau. Quyết tâm của Jizo tuyệt vời đến nỗi ngài không bị cản trở bởi lằn ranh của sáu cõi – ngài không sợ hãi bước qua những ranh giới này đến bất cứ nơi nào cần đến sự can thiệp để cứu chúng sinh.

Truyền thuyết về Jizo bắt nguồn từ Ấn Độ với câu chuyện về Bodhisattva Ksitigarbha, tức là Địa Tạng Vương Bồ Tát. Ở Trung Hoa, ngài trở thành Địa Tạng (Ti Tsang), và ở Nhật Bản là Jizo, cả hai đều có nghĩa là “Lòng Đất” hay “Kho Chứa Trái Đất.” Tại Nhật Bản, Jizo đã thị hiện qua nhiều hình thức để giải quyết sự đau khổ của con người. Một thị hiện phổ biến trong thời nay là “Jizo Của Em Bé Trong Trứng Nước,” hay Mizuko Jizo, người bảo vệ trẻ em nói chung nhưng đặc biệt là những đứa bé đã chết trước hoặc ngay sau khi chúng được sinh ra, những đứa trẻ sống phần lớn hiện thân của chúng trong cõi nước, trong bụng mẹ của chúng.

Nghi Lễ Dành Cho Những Đứa Trẻ Đã Qua Đời (The Ceremony for Children Who Have Died), được gọi như vậy ở Bắc Mỹ, diễn ra khá đơn giản. Mọi người lặng lẽ quây quần bên nhau, đôi khi thắp một ngọn nến cho người mà họ đang ôm ấp trong lòng. Người hành lễ sẽ mô tả ngắn gọn về ngài Jizo, buổi lễ và ý nghĩa của việc khấn nguyện đến sự can thiệp của ngài: sự dũng cảm tuyệt vời của Jizo cho phép ngài bước qua những khoảng cách mà chúng ta có thể cảm thấy là không thể vượt qua, như khoảng cách nhận thức giữa người sống và người chết, và làm thế nào để mỗi khi chúng ta khấn nguyện đến tinh thần vô úy của ngài, chúng ta nhất thiết phải kêu gọi sự dũng cảm của chính mình.

Tiếp theo là phần giải thích về việc cúng dường: cúng nón đội hoặc áo choàng theo truyền thống Nhật, cùng những gói quà nho nhỏ, những thứ gì đó mến thương cho đứa trẻ hoặc người thân yêu, thứ gì đó được chúng ta làm cho người thân yêu, để giữ họ trong đáy lòng và tâm trí. Vật liệu được cung cấp có thể là vải vụn, kim và chỉ, giấy, cây viết đánh dấu, keo dán, dây và sợi, đôi khi còn có cả kim tuyến và nhãn dán. Cũng có thể có hoa tươi: hoa lưu ly, hoặc hương thảo để tưởng nhớ. Công việc này được nhắc nhở là nên diễn ra trong sự im lặng.

Một tượng Jizo ở Chùa Kamakura Hasedera (Fg2/ Wikimedia Commons)

Thường thì một số người tham dự sẽ lo lắng về việc không khéo tay, không biết phải làm như thế nào. Tôi đã từng lo lắng như thế. Nhưng tôi đã chứng kiến ​​nghi lễ này nhiều lần và đến nay thấy ai cũng tìm được lối vào. Đôi khi họ xông vào ngay, đôi khi phải mất một thời gian, nhưng tôi chưa bao giờ thấy ai không tìm được cách thức để thực hiện lễ vật mà họ cần làm cho người thân quá cố. Đối với nhiều người, có một điều gì đó bẩm sinh mong muốn được thể hiện chiều sâu cảm xúc của họ bằng việc làm của đôi tay.

Sau khi các lễ vật được làm xong, mọi người tập trung quanh bàn thờ, nơi có thể đặt một hoặc nhiều tượng Jizo. Một lời thỉnh cầu được thực hiện, kêu gọi ngài Jizo và tất cả chư thiên có trí tuệ và lòng trắc ẩn có mặt để nhận sự cúng dường của chúng ta, và những lời pháp được nói ra, sau đó mọi người tiến tới, từng người một hoặc cả gia đình. Họ nói một đôi điều với con cái hoặc người thân của mình, trong sự im lặng hoặc ra tiếng, sau đó dâng những gì họ đã làm cho một trong những nhân vật trên bàn thờ (hoặc sau đó là trong khu vườn Jizo bên ngoài). Họ cúi chào và trở lại vòng tròn, nhường chỗ cho người kế tiếp. Nghi thức tiếp theo là tụng Chú: Chú Jizo hoặc Bát Nhã Tâm Kinh, hoặc một Chú gì đó. Sau khi cúng xong, mọi người được mời mang đồ cúng về nhà hoặc để lại chùa hay đạo tràng.

Theo sự hiểu biết và rèn luyện của tôi, tất cả các nghi lễ trong Thiền (Zen Nhật) được diễn ra trong bối cảnh bất nhị. Ví dụ, tọa thiền (Zazen), nghi lễ cơ bản của thực hành Thiền, vừa là sự ngồi thiền của một cá nhân vừa là sự chứng ngộ của Đức Phật. Trong ý nghĩa đầy đủ của nó, không là cái này hay cái kia hay cả hai, mà là giao điểm bất nhị của tất cả. Nghi lễ Jizo cũng vậy, khi được tổ chức trong bối cảnh Thiền, dựa trên tính bất nhị của những người tham dự buổi lễ và bản thân ngài Jizo. Những đặc tính mà ngài Jizo thể hiện – không sợ hãi, bảo vệ và yêu thương mãnh liệt – là những gì mà chúng ta khấn nguyện ở ngài Jizo trong buổi lễ; đó cũng là những đặc tính mà chúng ta kêu gọi trong chính mình bất cứ khi nào chúng ta hoàn toàn hướng về nỗi đau đầy phức tạp của bản thân.

Nghi lễ Jizo, trong số những nghi thức khác, chỉ đơn giản là thời gian được tạo ra trong cuộc sống bận rộn để dành cho sự đau buồn. Khi đối diện trước sự mất mát, chỉ cần đến dự buổi lễ không thôi cũng đòi hỏi sự can đảm trước thử thách xuất phát từ nền văn hóa tránh né cái chết của chúng ta. Để làm được điều này trong một căn phòng gồm những người cũng đã chọn có mặt, hình thành một loại dũng khí tập thể được phản chiếu, truyền tải và củng cố bởi sự hiện diện và sự dũng cảm của ngài Jizo.

Trong những ngày, những tuần, những tháng sau cái chết của con gái, và cho đến tận bây giờ, mỗi năm vào ngày giỗ của con, tượng Jizo mặc chiếc yếm rakusu song sinh của con vẫn kiên nhẫn đứng trên bàn thờ gia đình của chúng tôi, được nghe chúng tôi tụng kinh, dâng hương và những lời cầu nguyện bảo vệ của chúng tôi dành cho con. Lòng tôi được xoa dịu khi biết mình vẫn có thể làm điều gì đó lợi ích cho con, và cũng để thỏa mãn nhu cầu tôi vẫn phải quan tâm đến đứa bé ấy, dù chỉ làm được như vậy.

Nhiều nếp văn hóa ở Hoa Kỳ không thực hành các nghi thức đau buồn tập thể. Có những đám tang đánh dấu cái chết của một người và những lễ tưởng nhớ để nhắc về cuộc đời của họ, nhưng chúng có khuynh hướng tập trung vào người đã chết chứ không phải xoay quanh trải nghiệm của những người thương tiếc. Nghi thức hướng tới và xử lý nỗi đau khổ của người còn sống trong tập thể thường rất khó tìm.

Vì lễ Jizo hầu như diễn ra trong im lặng, nên chi tiết cụ thể về những mất mát của mọi người không được chia sẻ. Nhưng đôi khi, qua những cuộc trò chuyện trước đây, tôi biết ai đang ngồi trong phòng: một cặp vợ chồng có đứa con lâm bồn chết cách đây ba tuần, bụng mẹ còn mềm trong tình trạng hậu sinh; một phụ nữ có con đã chết cách đây 50 năm; một gia đình mất một đứa trẻ trưởng thành do tự tử hoặc vô tình dùng thuốc quá liều; một cặp vợ chồng muốn tưởng nhớ một bào thai đã bị phá; gia đình đau buồn về một đứa trẻ sáu tuổi chết vì ung thư. Một số người tham dự là những hành giả Phật giáo, nhưng những người khác thì không. Mỗi mất mát đều khác biệt, nhưng tôi đã thấy buổi lễ này tạo được tiếng vang và là nơi chữa lành vết thương cho những người phải trải qua những mất mát lớn trong đời và cả những người khác. Buổi lễ Jizo cung cấp, cho tất cả họ, một sự thể hiện và trải nghiệm về sự đau buồn trước sự chứng kiến ​​​​của cộng đồng.

Buổi lễ này cũng là không gian để xử lý sự đau buồn không lời, điều thường bị đánh giá thấp và khó đạt được. Nhiều trải nghiệm của chúng ta trong khi đau buồn rất khó diễn đạt thành lời, và ngay cả khi chúng ta có thể nói được, lời nói lại thường giản lược và không thể tả hết sự phức tạp cũng như sự hiện diện của những điều không thể nói ra.

Những cảm xúc trong đau buồn rất đa dạng. Thường thì có sự hiện diện của nỗi buồn, được nhiều người công nhận và chấp nhận (miễn là nó không quá ồn ào hoặc kéo dài quá lâu). Nhưng có rất nhiều thứ cảm xúc khác có thể và chắc chắn nảy sinh trong thời gian tang tóc: bối rối, giận dữ, tội lỗi, thất vọng, sợ hãi và thậm chí cả niềm vui, sự phấn khởi, nhẹ nhõm, cảm giác hài hước, cảm giác yêu thương. Thật khó để tính toán đủ loại cảm xúc xuất hiện ngay cả trong sự riêng tư của trái tim chúng ta, chứ đừng nói đến việc bày tỏ chúng để người khác có thể phán xét và hiểu sai.

Rồi nữa, những cảm giác này không chỉ xuất hiện trong vài tháng rồi biến mất. Đối với những mất mát lớn trong cuộc sống, phạm vi trải nghiệm cảm xúc mở rộng này sẽ ở bên chúng ta, theo kiểu lên xuống thất thường, trong suốt phần đời còn lại. Buổi lễ này tạo không gian cho tất cả sự phức tạp này được thể hiện, truyền tải và gói gọn trong các lễ vật mà chúng ta thực hiện, những lễ vật có thể được chứng kiến ​​và tổ chức chung, ngay cả khi các chi tiết cụ thể vẫn có thể được tổ chức riêng tư.

Và sự ban hành của chính lễ vật, cho phép những khối phức tạp ấy được công nhận trên thế giới này nhưng sau đó được bàn giao, giao phó cho ngài Jizo và giải phóng. Với khả năng to tát, một tấm lòng lớn như lòng đất, ngài Jizo đủ vĩ đại để chứa đựng nỗi đau bao la của chúng ta.

Khi dự lễ lần đầu tiên, tôi thường trải qua cảm giác đau buồn của chính mình khi bị đánh thức bởi nỗi đau của những người xung quanh, và điều đó thật nặng nề. Tôi đã kiệt sức, chân tay như trĩu xuống, đầu óc mơ hồ. Nhưng theo thời gian, tôi nhận ra rằng hình thức và ý nghĩa của buổi lễ có thể chứa đựng nỗi đau đến mức nào, và tôi bắt đầu tin tưởng vào điều đó. Tôi không phải tự nắm giữ tất cả. Tôi vẫn cảm thấy thật nặng nề khi dấn thân vào những buổi lễ Jizo. Nhưng tôi cũng cảm thấy một niềm vui và một sự trọn vẹn tinh tế, sâu sắc.

Theo kinh nghiệm của tôi trong nhiều lãnh vực – xã hội, tôn giáo, tâm lý, thậm chí trong  cộng đồng nhân viên chăm sóc cuối đời – người ta lúng túng khi nghe về việc mất con. Không có nhiều nơi để chia sẻ về mối quan hệ với một đứa trẻ, hoặc một người thân yêu ở mọi lứa tuổi, đã qua đời, chứ đừng nói gì đến việc tôn vinh hoặc coi chuyện đó là chủ yếu.

Nhưng trong lễ Jizo, người ta có thể cảm thấy nhẹ nhõm khi nắm bắt được những sự thật về cuộc sống của chúng ta. Đối với tôi, sự thật là tôi có một đứa con giữa, một bé gái và tôi yêu thương, trân trọng nó. Bé ấy có một vị trí trong cuộc sống của tôi. Tôi phải làm một cái gì đó cho nó, ở thế giới vật chất nơi tôi đang sống. Với bàn tay và tấm lòng, tôi có thể dâng món lễ vật đó để được chuyển hóa qua tình thương của tôi và sự chuyển tải của ngài Jizo thành một món quà cho đứa bé, để mang lại sự lợi ích cho bé dù nó đang ở đâu và như thế nào.

Trong nhiều năm, với tư cách là một giáo sĩ, tôi đã nhiều lần được đề nghị điều chỉnh nghi lễ Jizo dành cho những cái chết đau thương khác, gồm cả chết do tự tử. Khi làm như vậy, tôi đã tìm thấy một số nguyên tắc của buổi lễ này là cần thiết, cho dù chúng ta đang đối diện trước cái chết của một đứa trẻ hay một sự mất mát khác. Đó là: người tham gia khấn nguyện đến Jizo và những đặc tính của ngài; rằng nội dung của buổi lễ đủ rộng để chứa đựng sự bao la và phức tạp của sự mất mát; và việc thể hiện sự đau buồn của chúng ta thông qua việc tạo ra một thứ gì đó, sau đó dâng hiến nó, giao phó và giải phóng nó như một biểu tượng được chứng kiến ​​và thực hiện, là một phần của tiến trình chữa lành.

Nghi lễ Địa Tạng mà tôi thực hành là sự chuyển thể của một nghi lễ có nền tảng văn hóa và lịch sử riêng, và tôi biết rằng điều đó mang theo sự phức tạp của riêng nó. Tôi là một giáo sĩ trong một truyền thống tôn giáo vốn xuất phát từ một quốc gia khác, từ một nền văn hóa khác. Thật dễ dàng, và cũng chính xác, để nói rằng đây là điều Phật giáo đã làm trong lịch sử: truyền qua các quốc gia và các nền văn hóa và được người dân ở đó đón nhận, sau đó được thay đổi và tạo hình dạng riêng bởi lịch sử và ảnh hưởng văn hóa của họ.

Nhưng điều này không có nghĩa là tôi không khỏi thắc mắc mỗi ngày, với những câu hỏi về ý nghĩa của sự tham gia cụ thể của tôi với những đặc quyền, địa vị và đặc thù mà tôi mang theo, trong nền văn hóa nơi tôi sống và thực hành. Tôi dâng lễ Jizo này có được không? Có ổn không khi phải thích nghi và thay đổi hình thức để đáp ứng nhu cầu của những người xung quanh tôi? Tôi không cảm thấy mình có quyền cung cấp buổi lễ này. Nhưng đồng thời, chứng kiến ​​tiềm năng chuyển hóa của nó trước nỗi đau khổ của sự mất mát, tôi cảm thấy mình có nhiệm vụ khiêm tốn là tìm cách cống hiến nó, tôn vinh hình thức và nghi lễ để giúp chữa lành những đau khổ mà hiếm khi được giải quyết.

Sự đau buồn, khi nó có thể được cảm thông, tôn vinh và bày tỏ, là một con đường chữa lành. Chúng ta cần tạo không gian trong cộng đồng để tất cả các loại đau buồn và mất mát được trải nghiệm và chia sẻ. Vì vậy, tôi giữ tất cả những điều này với sự thắc mắc. Tôi tự hỏi về những giao điểm trong cuộc đời tôi được quy tụ trong buổi lễ này, ngay từ khi sự thụ thai của con gái trùng hợp với việc thụ phong của tôi, có thể không có ý nghĩa gì hết, nhưng theo những cách khác, nó định hình sâu đậm cuộc đời tôi, kể cả cuộc đời của một giáo sĩ. Tôi cảm thấy được hỗ trợ bởi ngài Địa Tạng Bồ Tát, trong tấm gương dũng cảm hướng tới những gì khó khăn và đau khổ, để luôn mở rộng, đón nhận hết thảy sự phức tạp của tất cả.

Những tượng Jizo nằm dọc đường Kanmanga Fuchi_ở Nikko, Nhật Bản. Theo văn hóa Nhật, màu đỏ có tác dụng bảo vệ trước yêu ma. (Adam Jones/ Wikimedia Commons)

(Đồng Phúc thông dịch)


Discover more from Tinh Tấn Magazine

Subscribe to get the latest posts sent to your email.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *