Mời xem phim ‘Zen’ về cuộc đời của Thiền Sư Dogen

*Đọc 5 phút*

Phim nói tiếng Nhật, phụ đề tiếng Anh, được chiếu trên Youtube qua nhiều kênh khác nhau với phẩm chất hình ảnh không được rõ nét, nhưng cũng đủ để thưởng thức, mà khá nhất là trên kênh của Worran Best được giới thiệu ở cuối bài viết này.

Phim có tựa đề tiếng Anh ‘Zen’ trình chiếu năm 2009, được thêm câu ‘The Life of Zen Master Dogen’ (Cuộc Đời Của Thiền Sư Dogen) cho nội dung được rõ nghĩa hơn. Phim dài 2 tiếng 7 phút, được đạo diễn và viết kịch bản bởi Banmei Takahashi dựa theo cuốn tiểu thuyết của Tetsuo Ōtani. Tài tử đóng vai chính là Nakamura Kantarō II trong vai thiền sư, và Yuki Uchida trong vai người phụ nữ tên Orin. Phim được biên tập bởi Junichi Kikuchi, viết nhạc Ryudo Uzaki, sản xuất Kadokawa Pictures.

Đây là một phim truyện, không phải phim tài liệu về Thiền Sư Dogen Zenji (1200-1253), người còn được gọi là Dogen Kigen, Eihei Dogen, Koso Joyo Daishi, hoặc Bussho Dento Kokushi, theo Wikipedia, nên nội dung có lồng thêm vài câu chuyện bên lề không hề có trong tiểu sử của Thiền Sư Dogen. Ngài là vị tổ của tông phái thiền Tào Động tại Nhật Bản.

Ngài Dogen được gọi bằng tên Việt là Đạo Nguyên Hy huyền. Trên trang Thư Viện Hoa Sen, tác giả Tâm Thái đã viết khá đầy đủ về cuộc đời của ngài Đạo Nguyên Hy Huyền, quí vị có thể bấm vào tựa có link (đường dẫn) này để tham khảo thêm chi tiết, “Thiền Sư Dogen, Sơ Tổ Tông Tào Động Nhật Bản.”

Phim Zen dựng lại cuộc đời của Thiền Sư Dogen, người đã khôi phục, chấn chỉnh đạo Phật tại xứ Nhật vào thế kỷ thứ 13 với tông phái Tào Động (Soto Zen) mà ngài đã lãnh hội từ một vị thầy ở Trung Hoa.

Truyện phim bắt đầu với Dogen chứng kiến mẹ qua đời thời thơ ấu, đưa đến việc ngài quyết định đi tu để tìm giải đáp cho những thắc mắc về sự sống, chết, ý nghĩa của cuộc đời. (Cha ngài là một vị quan trong triều đình, mất khi ngài mới 2 tuổi; mẹ mất lúc ngài 7 tuổi.) Phim cho thấy đạo Phật ở thế kỷ thứ 13 đã băng hoại tại Nhật Bản, nơi mà tăng đoàn cũng vướng vào con đường lợi dưỡng bằng dục lạc như giới phàm phu, cũng uống rượu, đĩ điếm, tham quyền.

Bấm vào hình để xem phim

Vì những thắc mắc không được giải đáp bởi các vị thầy ở Nhật, ngài Dogen quyết định du hành đến Trung Hoa để tầm sư học đạo. Sau những cuộc gặp gỡ với các thiền sư, cuối cùng vị tăng từ xứ Nhật được tu thiền với ngài Ju Ching (Thiên Đồng Như Tịnh, Tendo Nyojo), một vị tổ của phái Tào Động tại núi T’ien T’ung (Thiên Đồng). Tuy là người ngoại quốc, Dogen được ngài Ju Ching ấn chứng để mang truyền thống thiền Tào Động về nước Nhật.

Phim kể thêm rằng vị Trưởng Bếp già nua tại Chùa Ayu-wan-shan kuang-li đã để lại ấn tượng lớn đối với Dogen, nên khi về quê hương thì một trong những sách tu học được thầy Dogen biên soạn là cuốn Tenzō Kyōkun (Điển Tọa Giáo Huấn / giáo huấn cho người nấu ăn).

Sau khi trở về Nhật năm 1227, Thiền Sư Dogen tạo tiếng vang và lập được một tăng đoàn với pháp môn “buông xả thân và tâm” để đạt giác ngộ qua hình thức tọa thiền (Zazen), nhưng sự ganh tỵ từ các giáo phái đương thời đưa đến mối đe dọa, hành động đốt phá khiến ngài cuối cùng phải rời Tây Kinh (Kyoto) để bảo toàn tính mạng và tái dựng chùa trong vùng hẻo lánh trên núi Echizen với sự giúp đỡ của một vị võ quan của triều đình. Thời đó cũng như những thời sau, tôn giáo luôn bị thâu tóm thành công cụ của giới chính trị.

Truyện phim được thêm thắt với câu chuyện về Orin, một cô gái từng được thầy tu Dogen cứu mạng thời thơ ấu. Nhân vật Orin lớn lên, ở với người chồng bị tật nguyền nên phải làm điếm để sinh sống. Khi con sơ sinh của Orin lâm bệnh và chết, Orin tìm đến Dogen với hy vọng thầy sẽ cứu mạng đứa bé, nhưng thiền sư đã khuyên cô hãy đi tìm một gia đình nào trong làng không có thân nhân qua đời thì lấy một hạt đậu từ nhà đó để cứu em bé. Đây là chuyện kể từ thời Đức Phật Thích Ca Mâu Ni nhưng không được trích dẫn nguồn gốc trong phim. Nhân vật Orin được đưa vào truyện phim xen kẽ từ đầu đến cuối, tạo phần kịch tính của phim, như đoạn một vị tăng trẻ phải quyết định hoàn tục vì lỡ yêu Orin, và như sau cùng Orin được cho xuất gia, nối gót sư phụ Dogen.

Tuy có những đoạn phim đậm chất đời, Zen vẫn giữ được nhiều chi tiết đúng với cuộc đời đạo hạnh của Thiền Sư Dogen, như khi ngài phải rời chùa trên núi trở về Kamakura để cứu một vị lãnh chúa đang bị ám ảnh bởi các oan hồn mà ông từng giết trong những trận chiến. Ban đầu lãnh chúa suýt giết vị thiền sư mà ông cho là “vớ vẩn,” nhưng rồi ông lãnh hội được Phật pháp qua những lời giảng từ tốn, kiên nhẫn, can đảm của Dogen, “Thiền là thấy được nước trong đại dương.”

Có lẽ do đạo diễn Banmei Takahashi xuất thân từ một người làm phim tình dục, nên phim Zen có những đoạn rất gợi cảm. Tuy nhiên, đạo diễn cũng bước theo con đường của ngài Dogen là quay lưng bỏ đi trước những cám dỗ của cuộc đời, trở về với chánh pháp của đạo. Tài tử Nakamura đã thể hiện được hình ảnh một vị thầy tu tuy nghiêm khắc, kỷ luật bề ngoài nhưng vẫn xúc động, cảm thương nỗi khổ của chúng sanh qua đôi mắt ươn ướt, cố dằn lại giọt lệ sắp lăn xuống má trước những cảnh đau thương của cuộc đời, như khi Orin bị mất con, khi vị tăng trẻ bị ma vương tình dục chiếm đoạt tâm hồn, khi nói lời tiễn biệt người bạn đồng tu đã theo ngài từ Trung Quốc đến Nhật Bản.

Một trong những cảnh xúc động nhất trong phim Zen là giây phút biệt ly của Dogen ở tuổi 54. Ngài ra đi trong lúc đang tọa thiền giữa tăng đoàn. Giữ đúng lời giáo huấn của Dogen, các vị tăng vẫn tiếp tục ngồi thiền mặc dù trong lòng họ đang khởi lên nỗi niềm thương tiếc mãnh liệt dành cho sư phụ. Tới đây, đạo diễn dùng hình ảnh hàng hàng lớp lớp các vị tăng đi thiền hành trong tang lễ để nói lên ý nghĩa sự giáo huấn của ngài Dogen đã được lan truyền đến các thế hệ mai sau như sóng biển.

Mặc dù là một phim kịch với những đoạn đối thoại “thiền” khó hiểu, Zen vẫn chất chứa đầy đủ tài liệu về cuộc đời của Thiền Sư Dogen và pháp môn Zazen của ngài, và cũng có thể được xem như một bài pháp ngắn (phim dài hơn 2 tiếng) cho người học đạo.

Bấm vào hình để xem phim trên Youtube

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *