Quán Thế Âm Bồ Tát qua kinh điển và nhân văn

*Đọc 41 phút*
Bài HUYỀN TRÍ
BỒ TÁT, BẬC GIÁC HỮU TÌNH

“Bồ tát” là âm từ tiếng Phạn, đầy đủ là “Bồ đề Tát đỏa” [Bodhisattva]. Bồ đề [Bodhi] dịch là “giác”, tát đỏa [sattva] là “hữu tình”. Tức là “giác hữu tình”, còn gọi là “hữu tình giác”.

“Giác hữu tình” là dùng đạo lý pháp môn do mình tu tập và giác ngộ, để giác ngộ mười phương tất cả chúng sanh, khiến cho tất cả chúng sanh đều đắc được sự giác ngộ. Ðây là tư tưởng tự giác giác tha của Bồ tát. “Hữu tình giác” nói lên Bồ tát vốn cũng là chúng sanh, vì tu lục độ vạn hạnh, cho nên thành Bồ tát, đó là một bậc giác ngộ trong hữu tình. Chẳng những Bồ tát là chúng sanh, mà chư Phật cũng do chúng sanh giác ngộ mà thành Phật.

Chúng sanh nói chung vật hữu tình, tức có tri giác, có khí huyết, vốn do chúng duyên hòa hợp mà sinh. Phật Bồ tát trong quá khứ, đều giống như mọi chúng sanh, điểm khác là Phật Bồ tát chuyên tu trì lục độ vạn hạnh, dũng mãnh tinh tấn, cho nên thành Phật thành Bồ tát; còn chúng sanh biếng nhác, chẳng chịu tu hành, cho nên vẫn là chúng sanh.

Bồ tát còn gọi là Ðại Sĩ, là Đại Trượng phu; còn gọi là Khai Sĩ, tức là chẳng có ích kỷ, tướng ta, thấy cái ta, chẳng đố kỵ người khác, cũng chẳng chướng ngại người khác. Bồ tát xa lìa hết thảy vọng tưởng của chúng sanh. Những gì chúng sanh nghĩ, đều là vì mình mà tính toán, để làm thế nào mình được lợi ích. Mọi ý nguyện của Bồ tát, đều chỉ muốn lợi ích cho tất cả chúng sanh, muốn giáo hóa tất cả chúng sanh, ta muốn cứu độ tất cả chúng sanh, đó là đại lực của Bồ tát thí xả mình vì người. Tư tưởng của Bồ tát trái ngược hướng với tư tưởng của chúng sanh. Chúng sanh nghĩ ích kỷ, Bồ tát nghĩ lợi tha.

Kinh Đại thừa phân biệt Bồ tát có Thập địa hay Thập Bồ tát địa [Dasabhũmi – Ten fields], tức Mười trình tự phát triển của Bồ tát tu theo Đại thừa Bồ tát đạo. Thập Bồ tát địa là:

1. Hoan hỉ địa [Pramuditã], trình tự hoan hỷ;

2. Ly cấu địa [Uimala], trình tự ly cấu;

3. Phát quang địa [Prabhãkari], trình tự phát quang;

4. Diệm huệ địa [Arcismati], trình tự đốt bỏ và sáng tỏ;

5. Nan thắng địa [Sudurjayã], trình tự khó thắng;

6. Hiện tiền địa [Abhimukhi], trình tự trực diện cùng Thực tại;

7. Viễn hành địa [Dũrangamã], trình tự lãnh hội kiến thức giải thoát;

8. Bất động địa [Acalã], trình tự Vô sinh nhẫn pháp [Anutpattika-dharma-ksãnti];

9. Thiện tuệ địa [Sãdhumati], trình tự chứng nhất thiết trí;

10. Pháp vân địa [Dharmameghã], trình tự chứng nhất thiết chủng trí. Đến đây, Bồ tát đã thành Phật.

Bồ tát còn phân biệt là Bồ tát Hiện trụ, tức Bồ tát đang trụ trên trái đất. Hạng thứ nhì là Bồ tát Siêu việt [Transcendental Bodhisattva]. Bồ tát Hiện trụ tương tự như các A la hán, đắc Thánh đạo nhờ tu Bồ tát Hạnh nguyện [Pranidhãna]. Con đường tu học phải qua Thập địa [Dasabhũmi]. Và Bồ tát Siêu việt là vị đắc Phật quả nhưng nguyện không nhập Niết bàn để cứu độ chúng sinh.

Bậc chân chánh tu hành đạo Bồ tát, thành tựu quả Bồ đề cực kỳ hiếm hoi. Những vị đắc đạo trong kiếp này là những vị đã tu vô số kiếp. Những vị Bồ tát được nhắc đến trong kinh sách, và được tôn vinh thờ phụng, là các vị vô lượng kiếp đến nay tu lục độ vạn hạnh.  Các vị đều là bậc Thập địa Bồ tát. Có những vị đắc quả Phật rồi hay sắp đắc quả Phật lại phát đại nguyện quay trở lại độ sanh, tức là Bồ tát Siêu việt.

Sáu vị Đại Bồ tát Siêu việt chủ yếu trong Phật giáo Đại thừa là: Địa Tạng Vương Bồ tát, Quán Thế Âm Bồ tátĐại Thế Chí Bồ tátVăn Thù Sư Lợi Bồ tátPhổ Hiền Bồ tát và Di Lặc Bồ tát.

Chân Nguyên Thiền Viện (hmd)

QUÁN THẾ ÂM BỒ TÁT QUA KINH SÁCH

Bồ tát Quán Thế Âm là vị Đại Bồ tát biểu tượng cho Từ Bi, được kính ngưỡng, tôn thờ, và gần gũi, kêu cầu nhiều nhất, trên thế gian. Ngài thường hiện thân trong dạng nữ, và toàn bộ kinh pháp, chân ngôn ngài ban cho chúng sanh đều mang tính cách cứu khổ cứu nạn trực tiếp, và pháp bảo đắc trí tuệ giải thoát. Quán Thế Âm được tôn thờ trong hầu hết các truyền thống Phật giáo Đại thừa [Mahayana], Kim Cang thừa [Vajrayana], Nguyên Thủy [Theravada], và bao gồm cả trong Lão giáo [Taoism], và các tín ngưỡng địa phương như Trung quốc, Nhật bản và Việt nam

I. Ý nghĩa hồng danh Bồ tát Quán Thế Âm

Ngài có rất nhiều tôn hiệu khác nhau, được ghi nhận qua kinh điển Đại thừa của nhiều nền văn hóa địa phương hay tôn giáo quốc gia khác nhau.

– Tên nguyên ngữ tiếng Phạn trong kinh điển của ngài là Avalokitesvara. Avalokitesvara kết hợp chữ ava: một động từ có nghĩa là xuống, hạ phàm; cùng chữ lokita, một động từ khác có nghĩa là quán sát, quán chiếu; chữ esvara có nghĩa là đấng, chủ tể, trị vì. Kết hợp lại, Avalokitesvara là “Đấng chủ tể quán chiếu nhìn xuống thế gian (để cứu khổ).

– Tại Ấn độ, quốc gia xuất xứ, ngoài tên tiếng Phạn Avalokiteśvara, ngài còn có tên là Padmapāṇi (Liên Hoa Hộ hay Đấng thủ hộ hoa sen) hay còn là Lokesvara (Thế gian Vương hay Chủ tể của Thế gian, trong Chú Đại bi có nhắc đến).

– Chuyển ngữ đầu tiên danh hiệu của Bồ tát sang tiếng Trung quốc là Quán Tự Tại [Guānzìzài]do đại dịch giả Trần Huyền Trang thực hiện vào thế kỷ 5. Tiếp theo, các dịch giả Trung hoa chuyển sang là Quán Thế Âm [Guanyin], có nghĩa là “đấng lắng nghe tiếng kêu cầu cứu khổ”, thích hợp với sự mong cầu của chúng sanh hơn. Hình tướng ngài là nam nhân trong Phật giáo Ấn độ; do tùy duyên hóa độ nên trong Phật giáo Trung quốc ngài thường mang tướng nữ, kể từ đời nhà Đường. Cũng vào đời nhà Đường, Vua Lý Thế Dân để tránh tên lót nhà Vua, nên người Trung quốc đã kiêng chữ “thế” gọi ngài là Bồ tát Quán Âm hay Bồ tát Quan Âm [Kwan-yin].

– Tại Tây tạng, ngài có tên là Chenrezig, hoặc Spyan ras gzigs..
ngài còn mang hình ảnh của Độ Mẫu Đa La Tara, hay Chuẩn Đề Quán Âm Cundi.

– Tại Nhật bản, ngài mang danh hiệu Kanjizai Bosatsu, Kanzeon Bosatsu, Kannon Bosatsu.

– Tại Hàn quốc, ngài là Gwanseeum Bosal.

– Tại Khmer, ngài là Avloketesvar, Avalokitesvarak, Avalokesvarak, Lokesvarak.

– Tại Thái lan, ngài là Phra Avalokitesuan, còn được gọi là Kwan-yin, trong cộng đồng Hoa kiều.

– Tại Diến Điện, ngài là Lokanat.

– Tại Nepal, ngài tên: Karunamaya, Jana Baha Dyah, Seto Machindranath.

– Tại Âu châuMỹ châu, ngài được nhắc đến trong kinh sách theo Phạn ngữ là Avalokitesvara, hay Lokesvara, hay Compassion Buddha.

– Tại Việt nam, qua kinh sách, nghi thức, và dân gian, ngài được nhắc đến qua mười danh hiệu: 1. Quan Thế Âm Bồ tát. 2. Quán Tự Tại Bồ tát. 3. Quan Thế Tự Tại Bồ tát. 4. Quan Thế Âm Tự Tại Bồ tát. 5. Hiện Âm Thanh Bồ tát. 6. Quan Âm Bồ tát. 7. Cứu Thế Bồ tát. 8. Quan Âm Đại Sĩ. 9. Phật Bà. 10. Mẹ Độ, Mẹ Hiền

Tượng Bồ Tát Quán Thế Âm ở Chùa Phổ Đà, Santa Ana, California ngày 26 tháng 7, 2020. (Đồng Phúc)

II. Kinh điển diễn bày về Quán Thế Âm

Những kinh điển Đại thừa chủ yếu, cùng các kinh thuộc Thiền tông và Kim cang thừa có đề cập đến xuất xứ, đặc điểm, vị trí và những năng lực hạnh độ của Quán Thế Âm Bồ tát có thể ghi là:

Trong rất nhiều Kinh của đức Phật lịch sử Thích Ca Mâu Ni thuyết giảng, có nhắc đến hồng danh, trú xứ, đạo hạnh, nguyện lực, độ lực, hành trạng… của Quán Thế Âm. Có thể xem đây là sự chứng minh về xuất xứ của ngài. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất trong tín ngưỡng chính là sự thọ nhận ân đức từ bi của ngài ban cho các tín đồ. Chính điều đó đã tạo nên một sự tín ngưỡng sâu xa và phổ truyền dành cho đức Quán Thế Âm Bồ tát ở mọi nơi.

1. Theo kinh Pháp Hoa, phẩm Phổ Môn thì ngài có 33 Hóa thân, từ thân Phật, Độc giác… đến thân đồng nam, đồng nữ. Ngài thường vận dụng 14 năng lực vô úy để cứu vớt chúng sanh thoát khỏi ách nạn, hoặc đáp ứng những yêu cầu chính đáng khi nào chúng sanh thành tâm niệm đến danh hiệu của ngài.

2. Theo kinh Đại A Di Đà thì ngài là Đại Sĩ bên trái, còn Bồ tát Đại Thế Chí là Đại Sĩ bên phải của đức Phật A Di Đà lo việc cứu độ chúng sanh trong thế giới Ta bà. Cả ba vị được gọi chung là Tây phương Tam Thánh. Trú xứ chính thức của các ngài là cõi Tây phương Tịnh độ. Phàm khi chúng sanh gặp tai nạn mà chí thành niệm danh hiệu Quan Âm Bồ tát, thì lập tức ngài đến nơi cứu giúp. Do thế mà ngài được đức hiệu là Quan Thế Âm Bồ tát.

3. Theo kinh Hoa Nghiêm ghi nhận đạo tràng của Quán Thế Âm ở núi Phổ Đà Sơn trên biển Nam Hải.

4. Theo kinh Thủ Lăng Nghiêm thì pháp môn tu của vị Bồ tát nầy là Nhĩ Căn Viên Thông, nghĩa là tai ngài có thể được sử dụng như năm căn khác. Ngài phát tâm tu hành nơi pháp hội của đức Phật Quan Thế Âm, và đức Phật nầy đã thọ ký cho ngài khi thành Phật sẽ có Phật hiệu giống như mình. Do đó mà ngài có hiệu là Quan Thế Âm. Đồng thời vị Bồ tát nầy cũng có 32 ứng thân giống như kinh Pháp Hoa đã mô tả. Chỗ khác biệt là kinh Pháp Hoa liệt kê 33 ứng thân, còn kinh Lăng Nghiêm thì kể đến 32 ứng thân. Ngoài ra, hai kinh nầy còn giống nhau một điểm nữa là cùng mô tả về 14 đức vô úy của vị Bồ tát nầy. Số lượng và nội dung của các đức vô úy nầy gần y hệt như sau.

5. Theo kinh Thiên Thủ Thiên Nhãn Đại Bi Tâm Đà-la-ni thì ngài đã thành Phật từ đời quá khứ cách nay vô lượng kiếp, hiệu là Chánh Pháp Minh Như Lai, nhưng vì nguyện lực Đại bi, muốn làm lợi ích cho chúng sanh nên ngài hiện thân Bồ tát để dễ dàng hoàn thành đại nguyện. Thế nên, ngoài danh hiệu Bồ tát Quan Âm như chúng ta thường nghe, có đôi chỗ còn gọi là Phật Quan Âm.

5. Trong kinh Bi Hoa, đức Phật Bổn sư Thích ca Mâu ni có dạy rằng:

Về thời quá khứ lâu xa về trước, đức Quán Thế Âm làm thái tử con của vua Vô Tránh Niệm. Thời bấy giờ có đức Phật hiệu là Bảo Tạng Như Lai hiểu được đạo lý vô thượng, Vua và Thái tử phát tâm Bồ đề rộng lớn, nguyện tu các hạnh Bồ tát, mong thành Phật quả để phổ độ chúng sanh. Khởi đầu đức Vua và Thái tử làm người thí chủ chân thành cúng dường các thứ y phục, thuốc men, vật thực, mùng mền và tất cả các món cần dùng lên đức Bảo Tạng Như Lai và chúng tăng trong suốt ba tháng. Nhờ nhất niệm tinh chuyên, tinh tấn không ngừng, vua Vô Tránh Niệm chứng thành quả Phật và phát 48 lời thệ nguyện rộng lớn để tế độ khắp cả chúng sanh, ngài liền thành Phật hiệu là A-di-Đà, giáo chủ cõi Tây Phương Cực lạc. Thái tử công hạnh cũng tròn đầy viên mãn cũng về cõi Cực Lạc thành bậc đại Bồ tát hiệu là Quán Thế Âm cùng với Phật A Di Đà tiếp dẫn chúng sanh về cõi Cực lạc.

6. Theo kinh Nhất Thiết Công Đức Trang Nghiêm Vương thì ngài là một vị Đại Sĩ bên cạnh đức Phật Thích Ca.

7. Theo kinh Chuẩn Đề Đại Minh Đà-la-ni thì vì để hóa độ chúng sanh mà đức Quan Âm ứng Hóa thân vào trong lục đạo. Ngài ngự trị ở Biến Tri Viện thuộc Hiện đồ Thai tạng giới Mạn Trà.

8. Trong kinh Mật Hạnh Diễn Giải, truyền thống Kim cang thừa, ngài được xem là một vị Cổ Phật [Adi-Buddha] tức là “Phật Đầu Tiên” hay “Đức Phật Nguyên Thủy.” Cổ Phật là Adi-Buddha là vị Phật tự hiện hữu không do đâu sinh ra. Và sau đó vị Phật này  thị hiện trong đời làm một bậc Đại Bồ tát để trợ duyên cho chư Phật Thế tôn trong việc giáo hóa chúng sanh, và gần gũi chúng sanh để tế độ giải thoát khỏi cảnh đau khổ. Đức Quan Thế Âm có diệu quả Nhĩ căn viên thông nên quán xét và nghe, thấy, biết cùng tột tiếng kêu đau khổ khắp cõi thế gian, hiện ngay nơi đó để cứu độ chúng sanh được vượt thoát tất cả những hiểm nguy.

9. Tông Thai Mật ở Nhật bản xếp ngài vào địa vị Phật, xem là Phật Mẫu, có nghĩa là Mẹ sinh các Phật vì trao cho các pháp tu hành để thành Phật.

10. Tông Đông Mật ở Nhật bản thừa nhận Chuẩn Đề là một trong sáu danh hiệu Quan Âm, thuộc Liên Hoa bộ. Sáu danh hiệu nầy là: 1/. Thiên Thủ Quan Âm; 2/. Thánh Quan Âm; 3/. Mã Đầu Quan Âm; 4/. Thập Nhất Diện Quan Âm; 5/. Chuẩn Đề Quan Âm; 6/. Như Ý Luân Quan Âm.

11. Đại sư dịch giả Trung hoa Pháp Hiển [Faxian] (337 – khoảng 422) là một trong những dịch giả đầu tiên của Phật giáo Trung quốc, đi bộ từ Trung quốc đến Ấn độ, thăm nhiều địa điểm Phật giáo thiêng liêng ở Tân Cương, Pakistan, Ấn độ, Nepal, Bangladesh và Sri Lanka từ 399-412 để sưu tầm các bản kinh Phật giáo. Cuộc hành trình của Sư được ghi lại trong “Phật quốc ký”. Khi Sư đến Mathura ở Ấn độ khoảng năm 400 CE, có tham dự lễ cúng dường Quán Thế Âm của các Sư Ấn độ tại đây.

 12. Đại sư dịch giả Trung hoa Huyền Trang [Xuanzang] (602-664), thời nhà Đường, đã đi bộ qua sa mạc đến Ấn độ thọ học tại Đại tu viện Nalanda, sau đó viếng nhiều nơi cổ tự Phật giáo (giờ là các nước Pakistan, Ấn độ, Nepal, và Bangladesh. Sư chứng kiến nhiều tượng Quán Thế Âm được tôn thờ bởi các tín đồ đến từ đủ thành phần: vua chúa, tăng sĩ, và thường dân. Có thuyết cho biết Sư được đức Quán Thế Âm cứu độ khi suýt chết nhiều lần trong cuộc hành trình gian khổ. Và còn được Bồ tát đích thân truyền dạy Bát Nhã Tâm Kinh mà sau đó Sư đã dịch thuật và phổ biến tại Trung quốc trước tiên.

13. Đại sư Đạo Nguyên Hi Huyền [Dōgen Kigen] (12001253) Tổ Sư khai sáng Tào Động tông [Sōtō] tại Nhật bản, một trong những Thiền sư quan trọng nhất của Phật giáo Nhật bản. Sư được Phật tử của tất cả các tông phái Phật giáo tại Nhật bản thờ phụng như một Đại Bồ Tát. Khi Sư sang Trung quốc tầm Đạo bằng thuyền nhỏ. Khi thuyền lênh đênh trên biển, một cơn bão nổi lên. Mọi hành khách và thủy thủ đều lo sợ sẽ bị chìm thuyền. Khi đó Sư tĩnh tọa và trì tụng phẩm Phổ Môn. Ít lâu sau Sư thấy đức Quán Thế Âm hóa hiện trên con sóng dữ, và kỳ diệu thay sóng yên gió lặng ngay. Sư đã khắc vào thuyền hình đức Quán Thế Âm mà Sư đã trông thấy. Khi thuyền cặp bến tại Kyushu, có vị tăng địa phương đã thỉnh bức họa đó về chùa phụng thờ.

Tượng Quán Âm Bồ Tát ở sân Chùa Linh Ứng (Hình: Văn Thành Đinh)

III. Hình tướng Quán Thế Âm qua kinh sách

sao Quán Thế Âm mang hình tướng nữ thân trong khi các vị Phật và Bồ tát đều mang thân nam giới?

Trong Phật giáo Đại thừa có phân biệt Tam Thân [Trikāya] của một vị Phật. Đây là

biểu hiện của Chân như, hay Tuyệt đối của Phật. Ngài hiện thân thành nhiều hình tướng khác nhau chỉ vì lợi ích của chúng sanh, phương tiện cho việc hoằng hóa. Tam thân gồm:

1. Pháp thân [Dharmakāya], là thể tính thật sự của Phật, đồng nghĩa với Chân như, là thể của vũ trụ. Pháp thân là thể mà Phật và chúng sanh đều có chung. Pháp thân cũng chính là Pháp [Dharma], là quy luật vận hành trong vũ trụ, là giáo pháp do đức Phật truyền dạy. Phật xuất hiện trên cõi Ta bà với nhân thân nhằm mục đích cứu độ con người.

2. Báo thân [Saṃbhogakāya], là thân do thiện nghiệp và sự giác ngộ của các Bồ tát mà hóa hiện cho thấy. Báo thân Phật xuất hiện trong các Tịnh độ. Báo thân thường mang Ba mươi hai tướng tốt [dvātriṃśadvara-lakṣaṇa] và tám mươi vẻ đẹp của một vị Phật, và chỉ Bồ Tát Thập Địa mới thấy được hảo tướng Phật lúc thiền định và lúc giảng pháp.

3. Ứng thân [Nirmāṇakāya], cũng được gọi là Ứng Hóa thân hoặc Hóa thân, là thân Phật và Bồ Tát hiện diện trên trái đất. Ứng thân do Báo thân chiếu hiện, dựa trên lòng từ bi và có mục đích giáo hóa chúng sanh. Như thân người, Ứng thân chịu mọi đau khổ của già chết bệnh tật, nhưng Ứng thân có thần thông như thiên nhãn thông và thiên nhĩ thông. Sau khi chết, Ứng thân tự tiêu diệt.

Theo kinh Mật Tạng Diễn Giải, mặt trăng và mặt trời sinh ra từ đôi mắt của đức Quán Thế Âm Avalokiteśvara, Phạm thiên Thấp Bà [Shiva] từ chân mày ngài, Đại Phạm thiên Brahma từ đôi vai, Phạm thiên Vi Nữu [Visna hay Narayana] từ trái tim, Nữ thần nghệ thuật Sarasvati từ răng, gió từ miệng, quả đất dưới chân, bầu trời trong bụng ngài. Kinh này cho thấy Quán Thế Âm là một vị Cổ Phật, và Pháp thân của ngài mang vũ trụ tướng.

Cũng trong kinh này và nhiều kinh điển khác, như kinh A Di Đà, hay kinh Diệu Pháp Liên Hoa, Quán Thế Âm là Đại sĩ phò trợ cho đức Phật A Di Đà.

Chư Phật thường không thị hiện nữ thân. Trong kinh Pháp Hoa phẩm Phổ Môn có câu: “Cần thích hợp một Phật thân để tế độ, Bồ tát Quán Thế Âm liền hiện Phật thân để nói Pháp và tế độ”. Như thế, nếu đức Quan Thế Âm chỉ là Bồ tát, ngài làm sao thể hiện được Phật thân? Trong kinh Đại Nhật và kinh Bi Hoa, đức Bổn Sư Thích ca đã từng dạy rằng, đức Quan Thế Âm Bồ tát đời quá khứ đã thành Phật hiệu là Chánh Pháp Như Lai vào thuở lâu xa vô lượng kiếp về trước. Vì bi nguyện độ sanh mà ngài thị hiện làm thân Bồ tát. Cũng trong kinh Bi Hoa, đức Phật luôn luôn gọi Quan Thế Âm Bồ tát là “Thiện nam tử”! Đó là lúc báo thân thị hiện, và đức Quan Thế Âm không mang hình tướng nữ nhân.

Trong Phật giáo, chư Phật Thánh không phân biệt, nam hay nữ tướng đều bình đẳng, vì chỉ là sự thị hiện pháp thân. Chư vị chỉ mượn sự tướng của thế đạo để dẫn dắt nhân gian hướng thượng quay về chánh đạo. Đức Quán Thế Âm được tôn kính là một vị Bồ tát cứu khổ cứu nạn cho khắp tất cả chúng sanh, chứ không do hình tướng nam hay nữ.

Người thế gian cũng không thể biết thật tướng của ngài, chỉ biết bằng sự cảm ứng với thiêng liêng. Thiện nguyện và linh quang Quán Thế Âm là cứu độ chúng sanh cõi Ta bà, tâm từ bi của ngài khiến chúng sanh liên tưởng đến hình ảnh nhẹ nhàng hiền hòa của người nữ, của bà mẹ. Vì vậy mà ở Á Đông Quán Thế Âm được tôn thờ nhiều hơn qua hình tướng nữ.

Một số huyền sử và giai thoại về Quán Thế Âm thường được nhắc đến. Như Quan Âm Diệu Thiện về đời vua Trang vương. Quán âm xách giỏ cá đời vua Huyền Tôn nhà Đường, Quán âm Thị kính đời nhà Minh, Quán Âm linh ứng đời nhà Nguyễn… Căn cứ theo lịch sử về tôn giáo, nhân gian dật sử, Linh ứng truyện ký và các lịch sử (tính chất sự tích) Trung hoa từ sau nhà Châu vua Chiêu Vương đến cận đại và Việt nam từ đầu thế kỷ thứ ba đến cận kim thì đức Quan Thế Âm Bồ tát đã từng hóa hiện vào các thế gia và cả bần gia để ứng cơ hóa độ chúng sanh. Thị hiện người nữ nhằm để chuyển hóa tâm xấu ác và cải thiện những xa hoa trụy lạc, đó là mục tiêu tùy duyên hóa độ của Quan Thế Âm Bồ tát, và cũng từ đó mà tượng, ảnh của ngài mang nữ tướng trong một số quốc gia châu Á.

Điều căn bản cần ghi nhận, các hình tướng nếu thấy được cũng chỉ là vọng tướng thị hiện, không nên chấp là Phật Thân của ngài. Các trường phái Phật giáo cũng tôn thờ ngài qua hình tướng khác nhau.

Nam tướng: Phật giáo Tây tạng thờ Bồ tát Quan Âm theo hình thức Nam tính, liên hệ đến Mật tông. Tuy nhiên, Tây tạng có một dạng nữ liên hệ với ngài là Độ Mẫu Đa La [Tara]. Đồng thời tương truyền từ đời Đường trở về trước các nước Phật giáo khác tại Châu Á cũng tạc tượng ngài theo hình thức Nam tính.

Nữ tướng: Theo sách Trang Nhạc Ủy Đàm thì từ đời Đường trở về sau, các nước chịu ảnh hưởng Phật giáo Trung Hoa, khi tạc tượng ngài đều dùng hình thức Nữ tính.

Ngoài ra, ba chi phần khác là đầu, mắt, và tay của Bồ tát Quán Thế Âm thông thường được minh họa trong kinh sách và ảnh tượng như sau:

Đầu: Từ 1 đầu, 3 đầu, 5 đầu, nghìn đầu, cho đến 84.000 đầu.

Mắt: Từ 2 mắt, 3 mắt, cho đến 84.000 mắt.

Tay: Từ 2 tay, 4 tay, cho đến 84.000 tay.

 33 Hiện thân hay Hóa thân của Bồ tát Quan Âm được ghi nhận trong kinh Pháp Hoa như sau:

1. Thân Phật. 2. Thân Độc Giác. 3. Thân Duyên Giác. 4. Thân Thanh Văn. 5. Thân Phạm Vương. 6. Thân Đế-Thích. 7. Thân Tự Tại Thiên. 8. Thân Đại Tự Tại Thiên. 9. Thân Thiên Đại Tướng quân. 10. Thân Tứ Thiên Vương. 11. Thân Thái tử của Tứ Thiên Vương. 12. Thân Nhân Vương. 13. Thân Trưởng Giả. 14. Thân Cư Sĩ. 15. Thân Tể Quan. 16. Thân Bà-la-môn. 17. Thân Tỷ-kheo. 18. Thân Tỷ-kheo-ni. 19. Thân Ưu-bà-tắc. 20. Thân Ưu-bà-di. 21. Thân Nữ Chúa. 22. Thân Đồng Nam. 23. Thân Đồng Nữ. 24. Thân Trời. 25. Thân Rồng. 26. Thân Dược-xoa. 27. Thân Càn-thát-bà. 28. Thân A-tu-la. 29. Thân Khẩn-na-la. 30. Thân Ma-hầu-la-già. 31. Thân Người. 32. Thân Phi Nhân. 33. Thân Thần Cầm Kim Cương.

Quán Thế Âm Bồ Tát ở Tổ Đình Tịnh Xá Giác Lý, 11262 Lampson Ave, Garden Grove. (Hmd)

IV. Uy lực diệu dụng của Quán Thế Âm trong kinh điển

Về sức uy thần diệu dụng của vị Bồ tát nầy theo kinh Pháp Hoa gồm có:

1. 14 năng lực Vô úy

Các năng lực của ngài phát sinh diệu dụng khi nào chúng sanh thành tâm niệm danh hiệu của ngài. Trong kinh Pháp Hoa cũng như kinh Lăng Nghiêm đã mô tả như sau:

1. Chúng sanh khổ não trong mười phương thành kính niệm danh hiệu ngài, liền được giải thoát.

2, Chúng sanh gặp lửa dữ thành kính niệm danh hiệu ngài, lửa không thể thiêu đốt.

3. Chúng sanh bị nước cuốn trôi thành kính niệm danh hiệu ngài, nước không thể nhận chìm.

4. Chúng sanh vào xứ ác quỷ thành kính niệm danh hiệu ngài, ác quỷ không thể làm hại.

5. Chúng sanh gặp đao trượng thành kính niệm danh hiệu ngài, đao trượng liền gãy.

6. Chúng sanh gặp ác quỷ, ác thần thành kính niệm danh hiệu ngài, thì chúng không trông thấy.

7. Chúng sanh bị gông cùm, xiềng xích thành kính niệm danh hiệu ngài, thì xiềng xích được tháo ra.

8. Chúng sanh khi vào đường nguy hiểm thành kính niệm danh hiệu ngài, giặc cướp không thể cướp đoạt.

9. Chúng sanh tham dục thành kính niệm danh hiệu ngài, liền dứt khỏi tham dục.

10. Chúng sanh nóng giận thành kính niệm danh hiệu ngài, liền dứt hết nóng giận.

11. Chúng sanh mê ám thành kính niệm danh hiệu ngài, liền dứt hết mê ám.

12. Chúng sanh muốn cầu con trai thành kính niệm danh hiệu ngài, liền được con trai.

13. Chúng sanh muốn cầu con gái thành kính niệm danh hiệu ngài, liền được con gái.

14. Chúng sanh niệm danh hiệu Quan Âm thì được lợi ích bằng niệm tất cả các danh hiệu khác.

Đó là 14 diệu dụng phương tiện mà đức Bồ tát dùng để hóa giải ách nạn, ban phát ân huệ cho những chúng sanh nào thật tâm tín ngưỡng ngài.

2. 12 Đại nguyện

Đức Quán Thế Âm đã phát 12 Đại nguyện xuống cõi Ta bà cứu giúp chúng sanh có ghi trong kinh Pháp Hoa. 12 đại nguyện này được chạm khắc gỗ vào đời Bắc Tống, khoảng năm 1025, như sau:

Nguyện thứ nhất: Phật Viên Thông Thánh Tự Tại, Quán Âm Như Lai rộng phát hoằng thệ nguyện.

Nguyện thứ hai: Quyết một lòng không sợ khó, Quán Âm Như Lai thường vào Biển phía Đông (tức Nam Hải) nguyện.

Nguyện thứ ba: Ở Ta bà, vào Địa phủ, Quán Âm Như Lai cứu với chúng sanh nguyện.

Nguyện thứ tư: Diệt tà ma trừ yêu quái, Quán Âm Như Lai dứt trừ nguy hiểm nguyện.

Nguyện thứ năm: Tay cầm tịnh bình, tay cầm nhành dương liễu, Quán Âm Như Lai ban nước cam lồ nguyện.

Nguyện thứ sáu: Đại Từ bi, Đại Hỷ xả, Quán Âm Như Lai oán thân bình đẳng nguyện.

Nguyện thứ bảy: Suốt ngày đêm luôn quán sát, Quán Âm Như Lai diệt trừ đường ác nguyện.

Nguyện thứ tám: Phổ Đà Sơn thường lễ bái, Quán Âm Như Lai gông cùm đứt rã nguyện.

Nguyện thứ chín: Tạo pháp thuyền vào biển khổ, Quán Âm Như Lai độ tận chúng sanh nguyện.

Nguyện thứ mười: Tiền Tràng phan, hậu Bảo cái, Quán Âm Như Lai tiếp dẫn Tây phương nguyện.

Nguyện thứ mười một: Vô Lượng Thọ cảnh giới, Quán Âm Như Lai Di Đà thọ ký nguyện.

Nguyện thứ mười hai: Thân trang nghiêm, tâm sáng suốt, Quán Âm Như Lai tròn đủ mười hai nguyện.

3.  Trú xứ

Tất nhiên, do sức thần thông diệu dụng và do bản hoài cứu khổ chúng sanh nên vị Bồ tát nầy luôn luôn có mặt ở khắp mọi nơi mỗi khi có người thành tâm cầu nguyện, nghĩa là có cảm thì có ứng. Nhưng theo lẽ thông thường, chúng ta thấy các kinh ký tải về nơi cư trú của ngài như sau:

Ở Tây phương Tịnh độ: theo kinh A Di Đà.

Ở núi Bồ-đà-lạc trên biển Nam Hải: theo kinh sớ Hoa Nghiêm sớ

Ở núi Phổ Đà, tỉnh Chiết Giang, Trung quốc: theo kinh Quan Thế Âm Bồ tát cứu khổ.

Dù thân trụ thế giới Tây phương Cực lạc của Phật A Di Đà, nhưng Bồ tát Quan Âm có sự liên hệ mật thiết với chúng sanh thế gian không rời được. Đó chính là nguyên nhân Bồ tát Quan Âm thường xuất hiện cõi Ta bà. Trong tình huống nào, hành giả cảm được Quan Âm, ngài liền hiện tới cứu.

Chẳng những Quan Âm nghe được tất cả âm thanh trong loài người, tánh nghe này đặc biệt thấu suốt mười phương Phật, cho đến tất cả những ức niệm nhỏ nhất của chúng sanh khởi từ Phật tánh, ngài đều nghe được. Kinh Lăng Nghiêm gọi ngài là Viên thông Giáo chủ. Quan Âm trong Lăng Nghiêm thuộc phần tu nhân, nhưng ở Pháp Hoa là quả của ngài. Ngài đã thành Phật và từ Phật cảnh giới, ngài đi xuống chúng sanh giới độ hóa.

Bồ Tát Quán Âm ở Chùa Văn Thù, Riverside (hmd)

TÍN NGƯỠNG PHỔ MÔN QUÁN THẾ ÂM

Theo kinh Pháp Hoa, phẩm Phổ môn, khi muốn cứu vớt hoặc giác ngộ cho chúng sinh, Quan Âm có thể hóa thành 32 sắc tướng như Phật, Bồ Tát, Càn thát bà, thiện nam, tín nữ, vân vân, tùy theo đối tượng để cứu giúp chúng sanh. Trên lập trường Phổ môn, tín ngưỡng của dân gian vô cùng phong phú, biến thiên, và tuyệt mỹ qua các hình tướng của Quán Thế Âm cùng các hạnh khác nhau của ngài ghi trong các kinh, tập hợp được một Quan Âm thực sự trong lòng người. Mỗi người cảm nhận về ngài khác nhau, tùy theo căn cơ và duyên khởi.

I. Tín ngưỡng phụng thờ Quán Thế Âm

1. Kinh điển chủ yếu

Tín ngưỡng nầy phát xuất từ Ấn độ sau đó nhờ công tác phiên dịch kinh điển mà nó được truyền sang Trung quốc, Tây tạng, Nhật bản, Hàn quốc, Việt nam, vân vân… Bản kinh có đề cập đến Bồ tát Quan Âm là kinh Pháp Hoa Tam Muội, gồm 6 quyển, do Chi Cương Lương Tiếp dịch vào năm Ngũ phụng thứ 2 (255) triều đại nhà Ngô thời Tam Quốc. Đây là bộ kinh được dịch sớm nhất là loại nầy. Sau đó, Trúc Pháp Hộ dịch Chánh Pháp Hoa Kinh Quan Thế Âm Phổ Môn phẩm vào năm Thái Khang thứ 7 (286). Rồi Cưu Ma La Thập dịch Diệu Pháp Liên Hoa Kinh Quan Thế Âm Bồ tát Phổ Môn phẩm vào năm Hoằng Thỉ thứ 8 (406) đời Diêu Tần.

Bắt nguồn từ các kinh được phiên dịch ra chữ Hán kể trên mà sự tín ngưỡng Quan Âm dần dần phát triển mạnh. Tại Tây tạng, nền tín ngưỡng nầy rất thịnh hành. Lạt-ma giáo cho rằng đức Đạt la Lạt ma được tái sinh nhiều đời chính là hình ảnh Hóa thân của Bồ tát Quan Âm. Ngoài ra, các nước khác tại Châu Á, chịu ảnh hưởng của Phật giáo Bắc truyền thì hình ảnh Bồ tát Quan Âm tượng trưng cho mẹ hiền cứu khổ, được nhiều người thành kính tin tưởng và rất mực tôn sùng.

2. Tự viện, điện thờ, tôn tượng:

Quả đức của Quan Âm là ở cõi Ta bà. Vì vậy, Quan Âm liên hệ mật thiết với chúng sanh nhân loài một cách không nghĩ bàn được. Từ Tây tạng, Trung quốc, Nhật bản, Ấn độ đến Việt nam, ở đâu cũng thờ hình tượng Quán Thế Âm bên trong tự viện hoặc lộ thiên. Thấy tôn tượng ngài, chúng ta cảm được công hạnh của Bồ tát Quan Âm đối với loài người chúng ta như thế nào.

Vào cuối thế kỷ IX, một vài biểu tượng của Quan Thế Âm được tìm thấy ở Ajanta, Ấn Độ, trên các bức bích họa và trong điêu khắc, trên một ngôi đền ở Bhuvaneshvar và nhiều nơi khác nữa.

Ở Đông Nam Á, những bức tượng giả đồng tại JavaSumatra và những tác phẩm điêu khắc ở Angkor, những bức phù điêu trên các tháp thờ ở Borobudur, Java là những báo trước về tượng bốn mặt khổng lồ của Lokesvara (Quán Thế Âm, theo tiếng Khmer). Ở Campuchia, nhiều bức tượng Lokesvara cũng được tìm thấy với toàn thân được bao bọc bằng hàng trăm hình tượng nhỏ về các vị “phát quang Phật” [radiating Buddha]. Ở Sri Lanka cũng có các hình tượng về Quan Thế Âm có niên đại từ thế kỷ VIII đến thế kỷ IX. Ở Việt nam, người ta cũng tìm thấy các cổ tượng này như: tượng bán thân Avalokitesvara ở Mỹ ĐứcQuảng Nam (thế kỷ IX-X); đầu tượng Avalokitesvara (thế kỷ VII-VIII); tượng Avalokitesvara Padmapani bằng đồng (thế kỷ VII-VIII), cao 31 cm… Những cổ vật này của Việt nam hiện nay đang được lưu giữ ở Viện bảo tàng DTH LindenStuttgartĐức.

Ở Trung quốc thường thờ ngài dưới hình thức Quan Âm Nam Hải hay Từ Hàng Đại sĩ. Vì người ta thường thấy ngài hiện ra người chèo thuyền cứu vớt kẻ bị tai nạn. Ở Hàn quốc thờ ngài dưới hình tượng ba đầu sáu tay. Ở Nhật bản thờ 10.000 tượng Quan Âm trong tam thập tam gian đường. 33 gian nhà thờ này tiêu biểu cho 33 loại thân hình của Quan Âm giáo hóa chúng sanh. Tuy nhiên, các kiểu thờ Quan Âm dưới đây thông dụng hơn cả:

– Thiên thủ thiên nhãn tiêu biểu cho quyền năng và sự quan sát của Quan Âm, việc nào ngài cũng làm được. Ngài quán 1.000 trường hợp và làm việc dưới 1.000 dạng thức khác nhau. Con số 1.000 chỉ là số tượng trưng, vì thực sự Bồ tát Quan Âm ở trong tư thế thiên biến vạn hóa.

– Mã Đầu Quan Âm hay Đại Lực Trì Minh nương và Tiêu Diện Đại sĩ tiêu biểu cho lòng từ bi của Quan Âm nâng lên độ cao và ngài sử dụng lòng từ dưới dạng sân, tức nghịch duyên hóa độ.

– Thập nhất diện Quan Thế Âm Bồ tát. Thập nhất diện là 11 phía, 11 bình diện khác nhau tiêu biểu cho Quan Âm dưới dạng thể đại từ bi, mọi mặt nhìn về ngài đều thấy dễ thương. Ta nghĩ thế nào sẽ thấy ngài như vậy.

– Chuẩn Đề Quan Âm phát xuất từ Ấn độ. Quan Âm hiện dưới dạng 700 vị nữ thần đặt dưới sự thống lãnh của Long Nữ.

– Như Ý Luân Quan Âm: Quan Âm đeo chuỗi anh lạc được thờ nhiều nhất. Vòng chuỗi như ý tiêu biểu cho Như ý luân tam muội, nghĩa là tất cả mọi việc mong cầu của chúng sanh đều được Bồ tát Quan Âm thỏa mãn theo ý muốn.

Riêng người Việt nam, hiểu và tin Đức Quan Âm một cách sâu sắc, thể hiện qua hành động của các vua quan đời Lý-Trần. Tượng Phật lộ thiên của đức Quán Thế Âm xuất hiện khắp nơi trên miền đất nước, từ các tự viện chùa chiền cho đến trước nhà, trong nhà Phật tử. Bên trong chánh điện của các chùa đều có thờ Quán Thế Âm, thường là ở riêng một bên chánh điện, vì Phật tử hay đến cầu nguyện xin được gia ân.

Phật giáo Việt nam khi hội nhập vào xã hội đã thể hiện thấu đáo về sự ứng hiện thân của Quan Âm; cần hiện Thiên tướng hiện Thiên tướng, cần phụ nữ thân hiện phụ nữ thân. Đối với kẻ nghịch, bà dứt khoát trừng trị, nhưng hàng phục được chúng rồi, bà lại rất hiền hòa. Có thể nói thái độ của Phật giáo Việt nam ứng xử theo tinh thần 33 hiện thân của Bồ tát Quan Âm. Để trấn áp loài hung dữ cô hồn ngạ quỷ, Bồ tát Quán Âm phải hiện thân Tiêu Diện Đại sĩ. Đối với người hiền lương, Bồ tát Quan Âm là bà mẹ hiền ban vui cứu khổ.

Phật tử Việt nam có khuynh hướng gọi Bồ tát một cách thân yêu là “Mẹ Hiền” hay “Mẹ Độ”, “Mẹ Quan Âm”. Đó là điểm độc đáo hiếm có trong tín ngưỡng.

3. Nghi thức Cầu nguyện và Văn hóa dân gian

Đức Phật khuyên chúng ta niệm Quan Âm là thể hiện hạnh Quan Âm, đến đâu đáp ứng yêu cầu lợi lạc nơi đó. Được như vậy, Phật giáo hiện hữu tốt đẹp và phát triển bền vững.

Nơi các chùa chiền tự viện, ngày ngày trong các buổi lễ cầu nguyện lớn nhỏ của Tăng Ni và Phật tử đều có niệm hồng danh và đọc các kinh chú chủ yếu của Quán Thế Âm: Lục tự Đại Minh, Bát Nhã Tâm Kinh và Chú Đại Bi.

Các ngày kỷ niệm Quán Thế Âm đều là những buổi trọng lễ được mọi tự viện tổ chức lớn và long trọng.

Đặc biệt Bồ tát Quán Thế Âm hằng năm có đến 3 ngày kỷ niệm (còn gọi là ngày vía), đó là kỷ niệm các ngày sinh nhật, xuất gia và thành đạo của ngài:

Ngày khánh đản: nhằm ngày 19-2 ÂL.

Ngày xuất gia: nhằm ngày 19-9 ÂL.

Ngày thành đạo: nhằm ngày 19-6 ÂL.

Quan Âm trong Văn hóa dân gian Việt nam

Các nền văn hóa khác nhau, các truyền thống tu hành khác nhau đều có các lối thờ phụng và cầu nguyện khác nhau, và các cá nhân cũng thế. Chẳng hạn tại Trung Hoa, các ngư dân thường cầu nguyện Quan Âm để được bình an trong các chuyến đi đánh cá. Vì thế có Quan Âm cũng có biệt hiệu “Quan Âm Nam/Đông Hải”. Theo niềm tín của mỗi cá nhân thì Quan Âm hiện thân trong mọi hình dạng để cứu độ chúng sinh, nhất là trong các nạn lửa, nước, quỷ dữ và đao kiếm. Phụ nữ không con cũng hay cầu Quan Âm.

Văn hóa dân gian Việt nam cho thấy lòng yêu quý đấng thiêng liêng này vượt ngoài tưởng tượng. Đâu đâu cũng tràn đầy hình ảnh đẹp đẽ hiền từ của đức Quán Thế Âm. Trong kinh sách nhà Phật (phẩm Phổ môn. Bạch Y thần chú, Vảng sanh Tịnh độ, Từ Bi Thủy sám… ), qua, văn học bác học, văn học dân gian, hay trong thần thoại, thi ca, truyện tích… thì Quán Thế Âm Bồ Tát được xem là vị Bồ Tát có thần lực nhất, chỉ sau đức Phật Tổ và Phật Di Đà. Điều này có thể là do Quan Âm là vị Bồ Tát cứu độ chúng sanh và là Bồ Tát đặc trưng cho tinh thần của Phật giáo Đại thừa – giác tha, có nghĩa là cứu vớt và giác ngộ người khác – cho nên ngài được tôn vinh như vậy.

Trong mọi ngôi chùa, thường thì chính giữa là tượng đức Phật Tổ, hai bên là tượng Quán Thế Âm Bồ Tát và Đại Thế Chí Bồ Tát, tuy nhiên ở ngoài khuôn viên chùa hầu hết đều có tượng đức Phật Tổ hay Quán Thế Âm mà không thấy hoặc ít thấy tôn tượng của các vị Phật hay Bồ Tát khác.

Một sự tích được phổ biến tại Việt Nam là Quan Âm Thị Kính, kể rằng ngài đã đầu thai và tu hành 9 kiếp. Trong kiếp thứ 10, ngài được đầu thai làm một con gái trong một gia đình hiền lành, và được đặt tên là Thị Kính. Bà có chồng là Thiện Sĩ, và sau đó bị bỏ rơi vì hiểu lầm. Bà giả trai vào chùa tu trở thành chú tiểu Kính Tâm. Không may gặp phải gái hư Thị Mầu cứ theo đuổi chú tiểu xinh đẹp. Sau đó thất vọng, Thị Mầu dan díu cùng đầy tớ và sanh ra đứa con. Thị Mầu mang con đến chùa gieo họa cho Kính Tâm. Chú tiểu cắn răng chịu tiếng xấu nuôi nấng đứa trẻ nên người. Đến khi Kính Tâm lâm trọng bệnh viết thơ cho biết sự thật, rồi từ trần. Chừng đó mọi người mới biết Kính Tâm là gái giả trai. Thị Mầu xấu hổ tự tử. Thiện Sĩ ăn năn đi tu, sau này biến thành một con chim. Thị Kính biến thành Quan Âm Bồ Tát, đứa con nuôi (con của Thị Mầu) được độ về Nam Hải thành thị giả. Từ truyện tích đó, người Việt hay họa hình Quán Thế Âm Bồ Tát đội mũ ni xanh, mặc áo tràng trắng, ngự trên tòa sen, bên tay mặt có con chim mỏ ngậm xâu chuỗi bồ đề, bên dưới có đứa trẻ bận khôi giáp chắp tay đứng hầu. Sự tích Quan Âm này phổ biến trong văn học và văn hóa dân gian Việt Nam, qua hình tượng, thơ văn, tuồng cổ, kịch nghệ, âm nhạc.

Người Việt cũng hay nhắc đến truyền thuyết Quan Âm Diệu Thiện, được truyền miệng trong dân gian Việt Nam qua lối truyện thơ. Bài thơ viết theo thể lục bát nói về một vị công chúa đã xuất gia ở Việt Nam để độ hóa cho vua cha có nhiều tội ác. Sự tích này cũng có một dị bản lưu hành ở Trung Hoa. Vị công chúa này, nguyên ở nước Hùng Lâm thuộc Ấn độ, là người con gái thứ ba của một vị vua. Vua cha đã có hai con gái nên cầu xin một hoàng tử, sau cùng vẫn có con gái nên không ưa thích cô này. Công chúa Diệu Thiện lớn lên chỉ say mê kinh kệ và có lòng quy y Phật. Vì cự tuyệt việc lấy chồng nên cô bị giam hãm phía sau hoàng cung. Sau đó đến tu ở chùa Bạch Tước. Giận con, vua ra lệnh đốt chùa nhưng trời bỗng có mưa dập tắt lửa. Vua lại hạ lệnh xử chém, thì trời bỗng giông tố, tạo ra sét đánh văng búa của đao phủ thủ. Vua tức giận ra lệnh xử giảo công chúa nhưng ngay lúc đó xuất hiện một con cọp trắng xông ra cõng công chúa mang đến chùa Hương. Diệu Thiện tu hành ở đó và cảm hóa được muông thú. Vua đột nhiên bị chứng bệnh hủi không chữa được, dần dần hai bàn tay bị rơi rụng và mắt trở nên mù. Công chúa tu đã đến kỳ đắc đạo trở về thăm cha và đã hy sinh hai mắt cùng hai tay để cho cha. Sau đó công chúa nhập Niết Bàn và cứu độ cha mẹ và hai chị. Trong truyện đã đề cao hai đặc tính của Bồ tát, đó là nhân và hiếu. Với trí huệ và giới hạnh thì hiếu có thể độ giúp cứu thoát được cha mẹ mình, cùng như nhân có thể độ giúp nhiều người thoát vòng mê lầm trở về với trí huệ.

(Vi Vu / Facebook)

II. 33 Ứng Hóa thân của Quan Thế Âm trong dân gian

Kinh Phổ Môn, cho ta thấy được những hạnh nguyện hóa nhiều thân của Bồ tát Quán Thế Âm vốn là phương tùy duyên hóa độ. Hình tướng đó đã ra đời do nhu cầu tín ngưỡng của quần chúng. Đối với người có nghiên cứu tu tập, Quán Thế Âm là một Bồ tát, đồng thời cũng là tự tánh chính của mọi người.

Sự thị hiện của Đức Quan Âm trong sắc tướng Đại Bồ tát cứu khổ thường được ghi nhận qua hình tướng 33 thể Quan Âm. Trong số này có một số hình tướng không được ghi nhận trong Kinh điển mà được đưa vào theo sự tích cảm ứng gia trì cứu khổ cứu nạn của ngài được lưu truyền ở dân gian.

1. Dương Liễu Quan Âm: Quan Âm Bồ tát vì lợi ích và thuận theo nguyện vọng của chúng sanh mà thị hiện, cũng giống như cành Dương Liễu thuận theo gió bay phất phới. Trong Pháp tướng này, ngài an tọa trên mỏm núi đá, tay phải cầm cành Dương liễu, lòng bàn tay trái mở ra để ở trước ngực hoặc là tay trái cầm cái Tịnh bình. Tôn này được xem tương đương với thân Dược Vương Quan Âm.

2. Long Đầu Quan Âm: Biểu hiện tư thế đứng thẳng hoặc tọa trong mây cưỡi đầu Rồng. Được cho là Hóa thân Trời, Rồng, Dạ Xoa trong 32 thân của Quan Âm để giáo hóa hàng Trời, Rồng. Bởi loài Rồng là Vua trong các loài thú, được ví như uy thần của Quan Âm.

3. Trì Kinh Quan Âm: An tọa trên tảng đá ghồ ghề, tay phải cầm quyển Kinh, tay trái để trên đầu gối. Được cho là tương ứng với thân Thanh Văn Quan Âm trong 32 ứng thân Quan Âm, Thanh Văn là nghe âm tiếng do đức Phật dạy bảo mà khai ngộ xuất gia. Trong phẩm Phổ Môn nói: “Cần phải dùng thân Thanh Văn để hóa độ liền hiện thân Thanh Văn mà giảng pháp”. Bàn tay phải cầm quyển Kinh là Pháp tướng đặc trưng của ngài.

4. Viên Quang Quan Âm: Trong ánh sáng lửa rực của hào quang chiếu khắp Pháp giới xuất hiện Sắc thân Quan Âm, hai tay chắp lại, an tọa trên mỏm núi đá. Trong phẩm Phổ Môn có một đoạn Kinh văn nói về biểu tượng này.

5. Du Hý Quan Âm: Tư thế du hý tự tại, không trì trệ, không trở ngại cho nên gọi thế. Ngài an tọa trên mây ngũ sắc, tay trái để ở trên bụng, tác tướng du hý tự tại trong Pháp giới vô ngại. thể Quan Âm này biểu thị cho đoạn Kinh văn trong phẩm Phổ Môn, nói về chúng sanh bị tai nạn rớt xuống núi được sự cứu giúp của Bồ tát.

6. Bạch Y Quan Âm: ngài khoác y áo mềm mại sắc trắng thanh tịnh, kiết già tĩnh tọa trên đám cỏ nơi tảng đá, tay kết ấn thiền định. Hình tượng này được xem tương đương với thân Tỳ Kheo, Tỳ Kheo Ni trong 32 ứng thân Quan Âm. 

7. Ngọa Liên Quan Âm: An tọa trên tòa sen báu, tư thế chắp tay lại. đây là thân Tiểu Vương trong 32 ứng thân Quan Âm, ví như thân tôn quý của Tiểu Vương tọa, nằm trên hoa sen.

8. Long Kiến Quan Âm: Còn gọi là Phi Bộc Quan Âm, tư thế dựa vào vách núi gãy, quán thác nước đổ. Cũng có ý kiến cho rằng Tôn này tượng trưng cho ý nghĩa của đoạn văn trong phẩm Phổ Môn: “Nếu có chúng sanh nào bị xô vào hầm lửa lớn, xưng niệm tên Quan Âm, Bồ tát liền ứng theo âm thanh đó mà cứu, khiến cho thành lửa biến thành ao”.

9. Thi Lạc Quan Âm: An tọa bên bờ ao, chăm chú nhìn hoa sen, tay phải chống má tựa trên đầu gối, hoặc có người cho rằng Tôn này tượng trưng cho một đoạn kinh văn trong phẩm Phổ Môn.

10. Ngư Lam Quan Âm: Chuyên trừ bỏ chướng ngại của La Sát, Rồng độc, Quỷ ác… Pháp tướng ấy cưỡi con cá lớn, hoặc là tay xách giỏ có con cá lớn. Tôn này tượng trưng cho một đoạn kinh văn trong phẩm Phổ Môn.

11. Đức Vương Quan Âm: An tọa trên tảng đá, tay trái để ở trên, tay phải cầm lá xanh hoặc một cành Dương liễu. Tôn này được xem tương đương với Hóa thân Phạm Vương của Bồ tát Quan Âm.   

12. Thủy Nguyệt Quan Âm: Đứng trên một cánh Sen tựa như chiếc thuyền dưới ánh trăng, nổi trên biển quán tưởng mặt trăng trong nước yên tĩnh. Tôn này được xem tương đương với Hóa thân Bích Chi Phật của Bồ tát Quan Âm.

13. Nhất Diệp Quan Âm: Ngự trên cánh sen, nhàn nhã trôi trên mặt nước, còn được gọi là Liên Diệp Quan Âm, Nam Minh Quan Âm. Tương truyền vị tăng Đạo Nguyên đi thuyền sang Trung quốc gặp sóng to phải gió lớn định lánh vào đảo Nam Minh. Sư ở trên thuyền khấn thầm bỗng nhiên thấy Đại Bi Tôn ngự một cánh sen nổi trên biển, tức thời sóng gió liền lặng. Lên bờ xong, Sư tự khắc tượng Quan Âm đã nhìn thấy và an trí phụng thờ trong chùa Nam Minh Quan Âm. Từ đây Tôn này có hiệu là “Nam Minh Quan Âm”.

14. Thanh Cảnh Quan Âm (hay Thanh Đầu Quan Âm): An tọa trên sườn dốc gãy, gối phải dựng đứng, tay phải để trên đầu gối, tay trái vịn vách núi. Tôn này được xem tương đương với Hóa thân Phật Đà của Bồ tát Quan Âm.

15. Uy Đức Quan Âm: Tay phải chạm đất, tay trái cầm hoa sen, tư thế đứng ở trên mỏm núi quán nhìn nước. đây là thân Thiên Đại Tướng Quân trong 32 ứng thân Quan Âm. Vì Thiên Đại Tướng Quân có đầy đủ cả uy đức, cho nên có tên là Uy Đức Quan Âm. Quan Âm có đủ cả Uy của điều phục và Đức của nhiếp Pháp để hộ trì chúng sanh.

16. Diên Mệnh Quan Âm: Tựa vào mỏm núi, nhàn nhã thưởng thức cảnh vật trên mặt nước. Tôn này tượng trưng cho đoạn văn trong phẩm Phổ Môn về việc Quan Âm dùng nhóm khí vật hay trừ các độc hại thọ mạng để được sống lâu, cho nên tên là Diên Mệnh Quan Âm. Hình tượng là trên đỉnh đầu đội Bảo quan, tướng tốt từ bi nhu hòa, hào quang tròn, trụ khắp vành trăng trong hoa sen, thân đeo anh lạc, vòng hoa mầu nhiệm và thiên y trang nghiêm, hai cánh tay là đặc trưng của Pháp tướng này, biểu sự tiếp dẫn cứu giúp chúng sanh”.  

17. Chúng Bảo Quan Âm: Tay phải chạm đất, chân phải duỗi thẳng, tay trái để ở trên đầu gối, hiện tướng an bình. Tôn này được xem tương đương với thân Trưởng giả trong 32 ứng thân Quan Âm. Tôn này tượng trưng cho đoạn văn sau trong phẩm Phổ Môn: “Nếu có trăm ngàn vạn ức chúng sanh vì cầu vàng, bạc, lưu ly, xa cừ, mã não, san hô, các thứ trân châu báu vật vào trong biển lớn đều được giải thoát nạn Quỷ La Sát”.

18. Nham Hộ Quan Âm: An tọa trang nghiêm trong hang động nham thạch, tự tại thưởng thức mặt nước. Tôn này tượng trưng cho đoạn văn sau trong phẩm Phổ Môn về đức Quan Âm an tọa trong hang động đầy nguy hiểm này để cứu giúp chúng sanh niệm danh hiệu ngài khỏi các loại trùng độc và tiêu tan độc khí ấy. Khi vẽ tượng Quan Âm này, đại đa số chọn tư thế an tọa ngay ngắn trong hang động.  

19. Năng Tĩnh Quan Âm: Đứng lặng hồi lâu trên mỏm núi bên cạnh biển, tác tướng yên tịnh, hoặc có người cho rằng Tôn này tượng trưng cho đoạn văn sau trong phẩm Phổ Môn: “Giả sử chiếc thuyền bị gió lớn thổi tấp vào nước Quỷ La Sát, nếu trong đó có một người xưng tụng danh hiệu Quan Âm Bồ tát thì các người kia đều được giải thoát nạn Quỷ La Sát”.

20. A Nậu Quan Âm: A Nậu tức là A Nậu Đạt Trì, lại gọi là A Nậu Đại Tuyền, dịch là Vô Nhiệt Trì (ao không có sự nóng bức). Pháp tướng Bồ tát này an tọa trên tảng đá, gối trái dựng thẳng bắt chéo nhau, hai tay giao nhau trên mặt biển. Tôn này tượng trưng cho đoạn văn sau trong phẩm Phổ Môn: “Nếu có người trên biển gặp phải Rồng, cá, quỷ, nạn lớn, nương sức niệm Quan Âm sẽ có thể miễn trừ hiểm họa của sóng gió”.   

21. A Ma Đề Quan Âm: Tức là Vô Úy Quan Âm. Trong Pháp tướng này, Đức Quan Âm thường có sắc thân trắng, ba mắt và bốn tay, cưỡi Sư tử trắng, toàn thân tràn đầy lửa rực, vận thiên y, anh lạc… nêu biểu cho sự trang nghiêm; diện mạo từ bi, chăm chú nhìn về bên trái. Tôn này được xem tương đương với Hóa thân Tỳ Sa Môn của Bồ tát Quan Âm.

22. Diệp Y Quan Âm: An tọa ở đám cỏ trên tảng đá, có người cho rằng Tôn này được xem tương đương với Hóa thân Đế Thích của Bồ tát Quan Âm.

23. Lưu Ly Quan Âm: Biệt danh là Cao Vương Quan Âm. Ngự nơi một cánh Sen nổi trên mặt nước, hai tay nâng chiếc bình Lưu ly. Tôn này được xem tương đương với Hóa thân Tự Tại Thiên của Bồ tát Quan Âm.  

24. Đa La Tôn Quan Âm: Còn gọi là Cứu Độ Mẫu Quan Âm, tư thế toàn thân đứng thẳng cưỡi trên mây. Tôn này tượng trưng cho đoạn văn cứu độ trong phẩm Phổ Môn.

25. Cáp Lợi Quan Âm: Có nghĩa là Bồ tát ngồi trong con sò. Tín ngưỡng này bắt nguồn từ triều đại nhà Đường (Trung quốc) trở về sau. Trong Phật Tổ Thống Ký trong đời Đường Văn Tông năm Khai Thành Nguyên ghi chép chuyện vua Đường Văn Tông ăn con sò, dùng tay tách mà không mở được, nên đốt hương khấn cầu, bỗng nhiên con sò biến hiện thành hình tượng Bồ tát. Vua hỏi Duy Chính Thiền Sư về nguyên nhân việc này và sau đó chiếu cáo cho chùa chiền trong thiên hạ lập tượng Quan Âm”. Tín ngưỡng Cáp Lợi Quan Âm vì thế rất phổ biến với những ngư dân.  

26. Lục Thời Quan Âm: Lấy ý Đại bi thâm sâu, ngày đêm sáu thời thường thương xót hộ niệm chúng sanh, cho nên gọi là “Lục Thời Quan Âm”. Hình tượng thông hành ở thế gian là tay ngài cầm cái rương kinh Phạn chứa Lục Tự Chương Cú Đà La Ni. Chúng sanh tụng Đà La Ni này được thoát khỏi quả khổ của sáu nẻo, được sáu diệu môn, chứng sáu căn tương ứng. Tôn này được xem tương đương với Hóa thân Cư sĩ của Bồ tát Quan Âm. 

27. Phổ Bi Quan Âm: Tay cầm Pháp y rủ xuống trước, đứng trên núi cao nêu biểu lòng từ bi của Đức Quan Âm rộng khắp ba ngàn Đại thiên thế giới, thương xót phổ độ hết thảy chúng sanh. Tôn này được xem tương đương với Hóa thân Đại Tự Tại Thiên của Bồ tát Quan Âm. Đại Tự Tại Thiên là vị thần tối cao của ba cõi, phối hợp với từ bi phổ biến bình đẳng của Quan Âm cho nên gọi là Phổ Bi Quan Âm.  

28. Mã Lang Phụ Quan Âm: Tương truyền vào triều đại nhà Đường, Bồ tát Hóa thân làm một cô gái rất xinh đẹp. Vì muốn đại chúng phát tâm siêng năng học Phật, nên dùng phương tiện rằng người nào tụng kinh nhiều sẽ làm vợ của người ấy. Sau đó y theo lời ước hẹn nhận lời làm vợ của một thanh niên họ Mã, nên mới có tên gọi như vậy. Tôn này được xem tương đương với Hóa thân Phụ nữ của Bồ tát Quan Âm. 

29. Hợp Chưởng Quan Âm: Đứng trên đài sen, hai tay chắp trước ngực, hai bàn tay chấp lại ở giữa rỗng cho nên có tên gọi như vậy. Tôn này được xem tương đương với Hóa thân Bà La Môn của Bồ tát Quan Âm. 

30. Nhất Như Quan Âm: An tọa trên đài sen ở trên mây, dựng đứng gối trái làm tư thế giáng phục lôi điện. Tôn này tượng trưng cho một đoạn văn trong phẩm Phổ Môn.     

31. Bất Nhị Quan Âm: Pháp tướng này có hai tay bắt chéo nhau, đứng trên một chiếc lá sen nổi trên mặt nước. Tôn này được xem tương đương với Hóa thân Thần Chấp Kim Cương của Bồ tát Quan Âm. Thần Chấp Kim Cương là vị thần thủ hộ của đức Phật.

32. Trì Liên Quan Âm: ngài ngự trên chiếc lá sen, hai tay cầm cọng sen. Hoặc cho rằng Tôn này được xem tương đương với Hóa thân Đồng Nam, Đồng Nữ của Bồ tát Quan Âm.

33. Sái Thủy Quan Âm: Tay phải cầm Sái Trượng hoặc cành dương liễu, tay trái cầm bình, tác tướng tưới nước Cam lộ. Tôn này tượng trưng cho câu văn sau trong phẩm Phổ Môn: “Nếu có người bị nước lớn cuốn trôi, hễ xưng niệm danh hiệu ngài liền gặp chỗ cạn”.

Tu Viện Thượng Hạnh, Texas (thuonghanh.org)

Các Hóa thân đặc biệt: Diện Nhiên Đại Sĩ – Chuẩn Đề Quan Âm – Độ Mẫu Đa La

Đây là ba Hóa thân đặc biệt vì xuất hiện rất nhiều trong Phật giáo Đại thừa và Kim cang thừa mà lại ít được biết hoặc hiểu rõ.

  1.  Quán Âm Hóa thân Diện Nhiên Đại Sĩ

Diện Nhiên Đại Sĩ là hình tượng quỷ mặt lửa (Tiêu Diện), thường thấy trong các trai đàn chuẩn tế bạt độ cô hồn, ngạ quỷ, khá phổ biến trong Phật giáo đại thừa. Đây là hình tượng Bồ tát Quán Âm Hóa thân quỷ Diện Nhiên thống lãnh cô hồn. Tuy hình tượng Diện Nhiên đại sĩ được nhiều người biết đến vì các chùa Đại thừa đều có thờ, nhất là truyền thống Trung hoa, nhưng dân gian thường gọi ngài là ông Tiêu Diện, không phải ai cũng hiểu đó là Hóa thân của Quan Âm.

  • Chuẩn Đề Quan Âm

Chuẩn Đề là từ phiên âm của chữ Phạn Cundi; chữ nầy còn được phiên âm là Chuẩn Chi, Chuẩn Nê, có nghĩa là thanh tịnh; nói cho đủ là Chuẩn Đề Quan Âm, Chuẩn Đề Phật Mẫu, Phật Mẫu Chuẩn Đề hay Thất Cu Chi Phật Mẫu. Như vậy, Chuẩn Đề hay Chuẩn Đề Quan Âm chính là một trong những danh hiệu của Quan Âm Bồ tát.

Theo Thất Cu Chi Phật Mẫu Chuẩn Đề Đà la ni kinh thì Thân vị Bồ tát nầy có màu vàng trắng, ngồi kiết già trên đài sen, có hào quang tỏa sáng xung quanh, mình mặc thiên y, trên đầu trang điểm ngọc anh lạc, có 18 tay đều đeo vòng xuyến, gồm có 3 mắt. Vị Bồ tát nầy chuyên hộ trì Phật pháp và bảo hộ những chúng sanh có mạng sống ngắn ngủi được thọ mạng lâu dài. Pháp môn tu hành của vị Bồ tát nầy là trì tụng bài chú: “Nam mô tát đa nẫm, tam miệu tam bồ đà Câu chi nẫm, đát điệt tha: án, chiết lệ chủ lệ chuẩn đề ta bà ha”. Nếu ai chí thành trì tụng bài chú trên thì sẽ tiêu trừ tai họa, dứt hết bệnh tật, đạt được trí tuệ, nhận được một luồng hào quang chiếu đến làm tiêu tan tội chướng, thọ mạng lâu dài, tăng trưởng phước đức: đồng thời được chư Phật, Bồ tát gia bị, đời đời kiếp kiếp xa lìa ác thú, mau chóng chứng đắc Vô thượng Bồ đề.

Ở Nhật bản, tông Thai Mật cho rằng đức Chuẩn Đề là Phật mẫu, tông Đông Mật lại bảo đức Chuẩn Đề là một trong sáu danh hiệu của Bồ tát Quán Thế Âm. Sáu danh hiệu này là: Thiên thủ Quán Thế Âm, Thánh Quán Thế Âm, Mã đầu Quán Thế Âm, Thập nhất diện Quán Thế Âm, Chuẩn Đề Quán Thế Âm và Như ý Quán Thế Âm.
Các tông phái Thiền, Tịnh, Mật, Luật, Giáo…, một nền tảng Phật giáo tổng hợp đã hình thành, và hình tượng Bồ tát Chuẩn Đề đã phụng thờ ở nhiều chùa. Phật giáo đại thừa và thần chú Chuẩn Đề được Phật tử xưng tụng và tu tập.

 3. Hóa thân Bồ tát Đa La của Quán Thế Âm

Tārā hay Đa La Bồ tát là tên dịch âm Hán-Việt từ tiếng Phạn Tārā, là tên của một vị nữ Bồ tát thường gặp trong Phật giáo Tây tạng. Tên này dịch ý là Độ Mẫu, Cứu Độ Mẫu, là “người mẹ cứu độ chúng sanh”.

Theo truyền thuyết ngàn năm trước, trong rừng sâu ở Ấn độ có những nữ tu, tu luyện theo phương pháp bí truyền. Họ được gọi là Yogini, mạnh mẽ, độc lập và nghiêm khắc. Các Yogini đã đạt được trạng thái tâm không mong cầu. Người Tây tạng gọi họ là những nữ thần Tara. Tara còn có nghĩa là “ngôi sao”, là ngôi sao Bắc Đẩu, là ánh sáng soi đường cho những người bị lạc đường, là hiện thân của năng lượng ánh sáng. Thần Tara là người mẹ giàu lòng thương yêu và cũng là người bảo vệ mạnh mẽ, kiên cường, chinh phục những khó khăn.

Về hình tướng, thần Tara thực sự là một vị thần trẻ đẹp, có khả năng Hóa thân. Thần có thể hiện ra trong màu xanh, màu trắng, đỏ, hay màu của vàng. Mỗi màu đều có ý nghĩa riêng của nó. Phía sau đầu của thần Tara là ánh sáng của trăng tròn, là biểu tượng của ánh sáng soi sáng trái đất, đem lại sự mát lành, xóa tan đau khổ của vòng luân hồi.
Thần ngồi trên một tòa sen nở và một chiếc đĩa tròn. Vòng quanh thần là một vòng lửa màu vàng, mà lời kinh cầu nguyện số 21 nói rằng: “như lửa cháy ở cuối thời đại này”.
Trên mỗi bàn tay, thần Tara cầm một cành hoa Utpala dài màu xanh trắng, một loại hoa có mùi hương thơm ngọt giống như hoa sen,

Đa La là những vị Hóa thân của Đức Quan Thế Âm, nhưng Đa La hầu như chỉ được đề cập tới trong Mật Tông mà thôi. Theo kinh điển Đa La được hóa sanh từ giọt nước mắt của ngài Quán Thế Âm, những giọt lệ của xót thương chúng sanh trong biển khổ. Đa La màu trắng an vị bên Trái, Đa La màu lục bên phải… Theo truyền thuyết Phật giáo Tây tạng, đức Quán Thế Âm Bồ tát vì xót thương chúng sanh đã rơi lệ. Giọt lệ của ngài đã hóa thành 21 vị Độ Mẫu. Hai vị quan trọng nhất là:

Đa La Trắng [Do-dkar – White Tara]: Tôn tượng an vị trên đài sen với tư thế thiền định, tay trái cầm nhánh sen, tay phải cầm ấn Varada. Bồ tát với bảy con mắt, ở giữa trán, hai lòng bàn tay, hai lòng bàn chân, những con mắt này biểu hiện sự quán triệt, thấu thị cho mỗi tác động…

 Đa La Lục [Dol-jang – Green Tara]: Tôn tượng ngồi với tư thế nghỉ ngơi trên đóa sen, chân trái co lại, tay trái cầm một nhánh sen, tay phải với ấn Varada: Từ bi Ðộ lượng. Trên đỉnh đầu của ngài có hình Vô Lượng Thọ Phật.

Chùa Viên Quang, San Marcos, Nam California. (hmđ)

III. Kinh Chú chủ yếu do Quán Thế Âm truyền dạy

Đức Quán Thế Âm truyền dạy nhiều kinh chú, chân ngôn và pháp môn tu tập qua kinh điển liên hệ về ngài.

Thông dụng nhất trong Tịnh Độ tông là niệm hồng danh ngài: “Nam Mô Quán Thế Âm Bồ Tát (Ma ha tát). Khi hành thiền có nhiều hành giả cũng niệm hồng danh ngài. Trong các lễ Sám hối Phật tử thường niệm và lạy 33 (cho đến 108) hồng danh Quán Thế Âm.

Tuy nhiên, ba Chân ngôn và Kinh chú sau đây được xem như phổ biến nhất và linh nghiệm nhất. Ở đây xin liệt kê vài nét về ba kinh chú này, phần khảo luận từng bản kinh siêu diệu này sẽ được trình bày thành ba đề mục tiếp theo.

  1. Lục tự Đại Minh: Om Mani Padme Hūm

Đây là một câu Chân ngôn tiếng Phạn, được xem là chân ngôn cầu Quán Thế Âm Bồ Tát và là chân ngôn quan trọng và lâu đời nhất của Phật giáo Tây Tạng. Nó còn được mệnh danh là “Lục Tự Đại Minh Chân Ngôn” tức là “Chân ngôn sáng rõ bao gồm sáu chữ”.

Có thể dịch câu này là Om, ngọc quý trong hoa sen, Hūm. Theo âm Hán-Việt, câu này được đọc là Úm ma ni bát ni hồng, hoặc Án ma ni bát mê hồng.

Thông thường người ta không giảng nghĩa Chân ngôn, nhưng ở đây cần nói thêm là: “ngọc quý” biểu hiện cho Bồ đề tâm [bodhicitta], “hoa sen” chỉ tâm thức con người, ý nghĩa là tâm Bồ đề nở trong lòng người. Tuy nhiên Chân ngôn có những âm thanh riêng biệt và những tác dụng bí ẩn theo cách trình bày của Kim cương thừa. Đối với Phật giáo Tây tạng thì Oṃ Maṇi Padme Hūṃ là lòng từ bi rộng lớn, muốn đạt Niết bàn vì lợi ích của chúng sanh. Vì vậy sáu âm tiết của thần chú này cũng được xem là tương ưng với sáu cõi tái sinh của dục giới.

  • Bát Nhã Tâm Kinh hay Bát nhã ba la mật đa tâm kinh

Nguyên âm từ Phạn ngữMaha Prajñā Pāramitā Hridaya Sūtra, Prajna -paramitahridaya Sutra. Anh ngữHeart of Perfect Wisdom Sutra. Âm Hán Việt: Bát nhã ba la mật đa tâm kinh,  còn được gọi là Bát-nhã tâm kinh, hay Tâm Kinh. Đây là kinh ngắn nhất chỉ có khoảng 260 chữ của Phật giáo Đại thừa và Thiền tông. Nó cũng là kinh tinh yếu của bộ kinh Đại Bát Nhã gồm 600 cuốn.

Sự xuất hiện của kinh này không được các tác giả thống nhất. Thời điểm ra đời của nó có thể là từ năm 100 TCN đến thế kỷ thứ 2 và một số tác giả cho rằng bài kinh này do bồ tát Long Thọ [Nàgàrjuna] viết. Tuy nhiên, lời thoại của trong Kinh này vẫn là lời thoại chúng thời Phật tại thế. Vì vậy những tác giả cho rằng “Kinh có sau thời Đức Phật” đó vẫn là giả thuyết mơ hồ.

Bản kinh phổ biến nhất ở Việt nam là bản của Đại sư Trần Huyền Trang sau khi thỉnh kinh về đã dịch lại vào năm 649. Trước đó đã có nhiều sư dịch từ tiếng Phạn ra Hán ngữ trong đó có Cưu Ma La Thập (402412), Nghĩa HuyềnPháp Nguyệt, Bát Nhã và Lợi NgônTrí Tuệ LuậnPháp Thành, và Thi Hộ.

Kinh cũng đã được sự chú giải của rất nhiều sư từ nhiều quốc gia. Riêng ở Việt Nam, người chú giải kinh này đầu tiên là thiền sư Đạo Tuân Minh Chánh thời vua Minh Mạng.

Kinh này được hầu hết các Phật tử tại Việt nam, Hàn quốc, Nhật bảnTây tạng, và Trung quốc biết đến và rất thường dùng trong việc đọc tụng.

  • Chú Đại Bi hay Đại Bi Tâm Đà La Ni

Tiếng Phạn là Maha Karunika citta Dharani, là bài chú căn bản minh họa công đức nội chứng của Đức Quán Tự Tại Bồ Tát. Bài chú này còn có các tên gọi là: Thiên Thủ Thiên Nhãn Quán Thế Âm Đại Bi Tâm Đà La Ni, Quảng Đại Viên Mãn Vô Ngại Đại Bi Tâm Đà La Ni, Thiên Thủ Thiên Nhãn Quán Tự Tại Bồ Tát Quảng Đại Viên Mãn Vô Ngại Đại Bi Tâm Đà La Ni, Thanh Cảnh Đà La Ni…

Theo kinh Đại Bi Tâm Đà La Ni, bài chú này được Bồ tát Quán Thế Âm đọc trước một cuộc Hội kiến của các Phật, Bồ tát, các Thần và Vương. Đại Bi chú là chân ngôn phổ biến cùng với Quán Thế Âm ở Đông Á, bài chú này thường được dùng để bảo vệ hoặc để làm thanh tịnh.

Chân ngôn này được trích từ Thiên Thủ Thiên Nhãn Quán Thế Âm Bồ Tát Quảng Ðại Viên Mãn Vô Ngại Ðại Bi Tâm Ðà La Ni Kinh. Trong kinh ngài Quán Thế Âm Bồ Tát bạch Phật rằng: “Bạch đức Thế Tôn, con có chú Đại Bi tâm đà ra ni, nay xin nói ra, vì muốn cho chúng sanh được an vui, được trừ tất cả bịnh, được sống lâu, được giàu có, được diệt tất cả nghiệp ác tội nặng, được xa lìa chướng nạn, được thành tựu tất cả thiện căn, được tiêu tan tất cả sự sợ hãi, được mau đầy đủ tất cả những chỗ mong cầu. Cúi xin Thế Tôn từ bi doãn hứa“, rồi sau đó đọc Chú Đại Bi.

“Bồ tát thuyết chú xong, cõi đất sáu phen biến động, trời mưa hoa báu rơi xuống rải rác, mười phương chư Phật thảy đều vui mừng, thiên ma ngoại đạo sợ dựng lông tóc. Tất cả chúng hội đều được quả chứng.”

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *