Vì đâu sanh làm người hay làm thú?

*Đọc 6 phút*

Bài SƯ GIÁC LỘC

Kính thưa Sư, con có một thắc mắc mà từ lâu chưa ai có thể giải tỏa sự thắc mắc này cho con. Đó là thời đại bây giờ là thời đại nguyên tử, vệ tinh phóng lên không gian và người ta đã biết rằng trên đó không có thiên đàng, còn đào sâu xuống lòng đất thì chỉ có đá và đất chứ không có địa ngục, như vậy thì sự thuyết giảng Phật pháp cũng nên giảng theo tinh thần khoa học mới có thể đem đến cho Phật tử sự lợi ích, còn nếu giảng theo cách căn bản quá thấp thì con nghĩ rằng rất khó thu phục lòng Phật tử, trong đó có con.

Đức Phật đã từng dạy rằng: Không tin tưởng điều gì, dù ngươi đọc nó ở đâu, hay ai đã nói, dù nếu ta đã nói, ngoại trừ điều đó ngươi thấy đúng với chính ngươi và giác quan của ngươi.

Kính thưa Sư, nhiều lần con nghe Chư Tăng giảng pháp có nói phải làm việc thiện, chẳng hạn như cúng dường, bố thí, hộ pháp; còn nếu không làm những việc thiện thì kiếp sau sẽ sanh thành thú vật, loại bàng sanh và Chư Tăng đã đưa ra một câu chuyện của con heo cái chân có năm ngón giống ngón chân người thay vì ba móng như móng chân heo và Chư Tăng kết luận rằng con heo cái này kiếp trước có thể là một Sư cô rồi giận hờn chuyện gì đó nên kiếp này thành con heo cái.

Kính thưa Sư, con nghe bài thuyết giảng này con thấy rất là sơ đẳng, với bằng chứng gì mà có thể xác định rằng con heo đó kiếp trước đã là người Sư Cô rồi vì giận hờn nên kiếp này thành con heo cái. Chư Tăng có thần thông như Đức Phật để thấy được tiền kiếp của con heo cái đó chăng? Rồi bây giờ con xin hỏi là làm thế nào để loài thú trở thành người. Loài thú đâu biết nghe pháp để mà nghe Chư Tăng khuyên là phải làm thiện sự, phải cúng dường, phải làm v.v. và v.v.. Vậy thì làm sao loài thú sau khi chết được thành người.

Con rất là thắc mắc về điểm này và câu hỏi này con đã đưa ra rất nhiều lần, nhưng chưa ai trả lời cho con được cảm thấy đúng trên tinh thần khoa học, dù lý thuyết PG rất khoa học. Con kính xin Sư giảng cho con được sáng tỏ.

ĐÁP
Niềm tin theo khoa học và niềm tin Phật giáo giống nhau ở một điểm là trước khi tin phải trắc nghiệm, loại bỏ những giả thuyết và chỉ chấp nhận sau khi đã xác định điều đó là đúng. Nhưng niềm tin khoa học là khám phá cái thế giới vật lý dựa vào trí thức, còn niềm tin trong Phật giáo là khám phá nội tâm dựa vào trí tuệ. Căn bản Phật giáo là hiểu biết chính mình.

Mặc dù khoa học tiến bộ rất nhanh và đem lại những thành quả phi thường như đưa con người lên cung trăng, làm việc trên không gian hoặc dưới đáy biển, khoa học xác nhận rằng không có thần tiên nào ở những nơi đó. Sự xác nhận này dựa vào những dụng cụ tối tân và phải có mắt để thấy, tai để nghe… nhưng nói chung là cũng phải dựa vào các giác quan.

Một nhà bác học bị mù không thể sử dụng viễn vọng kính để quan sát các tinh tú dù dụng cụ đó rất hiện đại. Có nhiều phát minh ra đời như radio, tivi, điện thoại, computer … để tăng cường khả năng nghe nhìn.

Nhưng những phát minh này không thể giúp con người thấy thế giới ma quỷ, thần tiên. Không có giác quan nào nơi, mắt, tai, mũi, lưỡi, thân biết được thế giới của hạng phi nhân. Muốn biết được phải qua Thắng trí (còn gọi là năng lực siêu nhân, thần thông), chẳng hạn muốn thấy loại phi nhân như chư thiên phải có thiên nhãn, muốn nghe tiếng của họ phải có thiên nhĩ…

Những điều phi thường này không thể đạt được bằng trí thông minh của khoa học mà phải đi qua con đường chứng nghiệm Thiền. Năng lực Thiền sẽ cho kết quả thấy, nghe phi thường hơn tất cả phương tiện khoa học hiện đại.

Mặc dù Phật giáo xác nhận có những hạng hóa sanh nhưng không tin mù quáng theo lời đồn đãi trong dân gian hoặc trong những chuyện cổ tích. Người Phật tử tin những vấn đề đó dựa vào lý nhân quả. Có lần ngài Mục kiền Liên lần đầu tiên thấy những loại ngạ quỷ hình thù quái dị và trình với Đức Phật về việc này.

Giữa chư tỳ kheo, Đức Phật cho biết: “Xưa kia, này các Tỷ-kheo, Ta đã thấy chúng sanh ấy nhưng Ta không có nói. Nếu Ta có nói, các người khác cũng không tin Ta. Và những ai không tin Ta, những người ấy sẽ bị bất hạnh, đau khổ lâu dài.” – (Tương Ưng Bộ Kinh tập II, chương 8).

Khi đã có người làm chứng Đức Phật kể về các loại ngạ quỷ do nhân nào tạo ra như vậy. Qua câu chuyện này chúng ta cũng thấy, ngay cả Đức Phật cũng cẩn thận trong những trường hợp trên. Khi trình bày Phật pháp phải nghiên cứu thật chu đáo và lúc nào cũng phải rút ra từ nguồn kinh điển.

Trong việc trích dẫn phải hiểu cả nghĩa lẫn lý, không nên lẫn lộn giữa hai phần này. Nếu giải theo ý của mình thì sẽ phạm về mặt luận lý và trong vài trường hợp bị phản bác từ cả hai phía người theo Phật giáo và người không theo Phật giáo.

Người làm thiện để đủ điều kiện sanh nhàn cảnh có nhiều mức độ. Có người không cúng dường, bố thí nhưng sống chân thật, nhẫn nại, chăm sóc gia đình chu đáo thì đó cũng là thiện nghiệp và cũng đủ sanh nhàn cảnh. Vấn đề sai khác là khi sanh nhàn cảnh có vài quả phước không sánh bằng người có cúng dường, bố thí. Sanh làm thú là do ác nghiệp quá nặng.

Có trường hợp chúng sanh bị đọa lạc lâu dài nơi địa ngục và khi nghiệp ác còn dư sót sanh làm loài thú. Có trường hợp từ loài người sanh vào loài thú. Chỉ những người bị chi phối bởi tham sân si quá mạnh trong giờ lâm chung mới sanh làm loài thú.

Nghiệp ác phát sanh trong giờ lâm chung là kết quả của một đời sống sa đọa trong hiện tại và cũng có trường hợp phát sanh do ảnh hưởng quá khứ dù hiện tại sống rất đạo đức. Tùy theo năng lực của ác nghiệp, chúng sanh sẽ rơi vào một trong bốn cõi khổ – địa ngục, thú, ngạ quỷ và A tu la.

(Tranh không rõ nguồn)

Làm thế nào loài thú trở thành người?

Khi chúng sanh bị đọa làm thú, (dùng từ chúng sanh vì không phải chỉ có loài người, bởi vì từ cõi khác như địa ngục, ngạ quỷ, A tu la và ngay cả chư thiên cũng có khả năng sanh làm thú), thiện nghiệp để một loài thú sanh làm người không phải nhất thiết tạo ra ngay đời sống làm thú. Có loại như rồng dù là thú vẫn biết tạo thiện nghiệp.

Những loại không tạo thiện nghiệp ngay đời sống làm thú khi tác dụng của ác nghiệp đã hết, giống như trường hợp mãn hạn tù được tự do, những thiện nghiệp của đời sống trước xuất hiện trong giờ lâm chung và giúp cho loại thú này sanh lại làm người hoặc chư thiên.

Nghiệp và quả rất thâm sâu không thể hiểu hết. Thiện và ác của nhiều đời sống sẽ tái hiện thành quả khi đúng thời trổ quả trong hiện tại. Do đó, việc sanh làm thú và từ thú sanh lại làm người cũng do ảnh hưởng ác nghiệp và thiện nghiệp.

Điểm chính yếu của vấn đề tái sanh làm thú là việc tạo ác nghiệp. Có trường hợp là do con người tạo ra trong đời sống này, có trường hợp do ác nghiệp quá khứ xuất hiện trong giờ lâm chung; trường hợp này dễ tạo ra tà kiến cho những người nhớ lại vài kiếp sống. Họ tuyên bố không có thiện nghiệp và ác nghiệp vì chính họ biết được bằng năng lực siêu nhân. Có người làm thiện lại sanh làm thú, còn người làm ác lại sanh làm người hoặc chư thiên.

Khi từ thú sanh lại làm người là năng lực của ác nghiệp đã hết, lúc đó những thiện nghiệp mà trước khi làm thú, qua nhiều đời sống, người này đã tạo ra bằng sự tu tập, phục vụ tha nhân xuất hiện trong tâm thức của loài thú và chính nhân duyên này giúp cho thú sanh lại làm người.

(Nguồn: Minh Hạnh / New Dharma Readers Facebook)

Đại Đức Thích Giác Lộc đang được Hòa Thượng Thích Thiện Tâm trao quyết định trụ trì Tịnh Xá Trúc Lâm, xã Xuân Thới Đông, huyện Hóc Môn ngày 20 tháng 7, 2019. Tịnh xá do TT Thích Trí Minh sáng lập vào năm 1989 và đến năm 2016 Thượng Tọa viên tịch. Từ đó đến nay chùa do ĐĐThích Giác Lộc trông coi. (Photo: Giác Ngộ Online)

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *