Tiểu trấn Thanh Châu Sa

*Đọc 7 phút*

Bài TIỂU LỤC THẦN PHONG

Miền Tây đầy nắng gió, những rặng núi đá Bazan đỏ rực một màu. Sa mạc cát trải dài ngút mắt, suốt ngày gió rông rỡ thổi không ngừng nghỉ, chúng đùa cợt với cát, di dời những đụn cát lúc thì tạo thành những triền đồi, lúc thì như những gợn sóng kéo dài đến vô tận. Cái nắng như thiêu đốt, hầu như không loài vật hay cây nào chịu nổi, chỉ có những loài xương rồng và những con kỳ đà sa mạc là nhởn nhơ như thách thức tạo hóa vậy!

 Cách đó chừng vài mươi dặn về hướng Nam lại có một ốc đảo xanh tươi đến lạ lùng, những cây chà là trĩu quả, nước ngọt thanh khiết như thể từ tuyết sơn vậy. Ở đấy có một trấn nhỏ không biết có tự bao giờ, những ngôi nhà kiến trúc thời thuộc địa vẫn còn đó chen lẫn vào là những ngôi nhà kiểu thổ dân bản địa.

Trấn có tên là Thanh Châu Sa, có lẽ khi những người đầu tiên đến đây lập trấn họ thấy toàn cát và núi đỏ nên gọi vậy chăng?

Cư dân trong trấn tuy hiền hòa nhưng khá cục bộ và ít muốn mở rộng giao tiếp. Họ có vẻ mãn nguyện với cuộc sống ở đây. Họ chẳng cần quan tâm đến thế giới ngoài kia đang biến đổi như thế nào. Toàn trấn có chừng vài trăm cư dân gốc Việt, những cư dân này đến đây cũng đã mấy mươi năm. Trông họ có vẻ điềm đạn, an hòa hơn những người đồng hương ở các thành đô lớn và các vùng khác của xứ sở này!

 Thầy có lần ghé qua trấn theo lời mời của một gia đình Phật tử vốn quen biết từ mấy mươi năm trước. Thầy chợt cảm thấy có cái gì đó hứng khởi và thích thú với vùng đất này, dường như tâm thầy cảm nhận được làn sóng vô hình của trời đất nơi đây, nói theo kiểu nhà Phật là cơ duyên đã chín muồi. Thầy bèn trụ tích, chọn nơi đây làm điểm dừng chân trên con đường hoằng pháp.

Khi nghe thầy quyết định ở đây, nhiều huynh đệ khuyên, “Vùng sa mạc hoang vu, người không có bao nhiêu, trụ ở đây thì lợi ích gì?”

 Còn những đồng hương Phật tử xa gần khi nghe thầy về Thanh Châu Sa trấn thì ái ngại, “Ở đây ít người Việt, khí hậu khắc nghiệt, dân địa phương ít thân thiện…Thầy ở đây chắc không thuận tiện đâu!”

Thầy cảm ơn tất cả nhưng ý thầy đã quyết thì không thể nào lung lay được, người ngoài làm sao biết được cái cảm xúc khi mà tâm thầy giao thoa với làn sóng điện vô hình của mảnh đất này.

Thầy cũng tự nhủ, “Mình đi tu không phải để hưởng thụ, tìm nơi sướng…Đi tu là nối tiếp bước Thế Tôn, đem giáo pháp đến mọi nơi, vả lại đây là vùng biên địa chưa tiếp xúc Phật pháp bao giờ thì laị càng cần thiết biết bao.”

 Thầy dành dụm tiền cúng dường, tiền ủng hộ của các đồng tham đạo hữu, mua trả góp một căn nhà nhỏ và sửa sang thành một đạo tràng nho nhỏ, xinh xinh, tuy đơn sơ nhưng rất thanh tịnh. Ngay khởi đầu đã khá thuận lợi, vì vùng này xa xôi nên tiền nhà đất cũng rẻ thật nhiều so với những vùng khác. Thầy lấy tên trấn làm tên đạo tràng luôn thể, tự tay thầy khắc vào tấm gỗ thông bốn chữ: Thanh Châu Sa Tự và treo tước hiên nhà.

Ngày mở cửa thầy mời những người Việt trong trấn và cả những người bản địa láng giềng. Buổi sáng hôm ấy trời trong xanh và gió mát dịu lắm. Thầy làm lễ sái tịnh, khai môn và an vị luôn, rất đơn giản, không rườm rà và cầu kỳ như những buổi lễ mà ta thường thấy. Sau đó thầy khoản đãi trà và bánh ngọt. Mọi người vui vẻ và trao đổi khá thoải mái.

Ông James, một người da trắng sống gần bên chỉ tượng đức Bổn Sư hỏi, “Phật, ông ấy là thượng đế hay thần?”

 Thầy giải thích, “Oh không, đơn giản chỉ là một người giác ngộ và chỉ đường mà thôi!”

 Ông ta laị thắc mắc, “Giác ngộ cái gì và chỉ đường đi đâu?”

 Thầy bảo, “Phật là bậc giác ngộ, giác ngộ lẽ thật của cuộc đời này là vô thường. Con người, vạn vật và thế giới vốn vô thường, luôn thay đổi, sanh – diệt trong từng phút giây. Giác ngộ đời là khổ, mọi người sống trong sự ràng buộc lẫn nhau. Giác ngộ nguồn gốc của khổ đau và chỉ ra con đường thoát khổ, chỉ cách giải thoát mình và giúp người cùng giải thoát.”

 Ông James lại nói, “Sao ông Phật không mang chúng ta ra khỏi ràng buộc khổ đau? Sao không ban cho chúng ta sự hạnh phúc an lạc?”

 Thầy từ bi cười, “Bệnh nhân là người có bệnh, bác sĩ cho thuốc và hướng dẫn điều trị, muốn hết bệnh thì người bệnh phải uống thuốc và hành theo chỉ dẫn. Giả sử bác sĩ uống thuốc giùm cho người bệnh thì người bệnh đâu có hết bệnh được!”

 Tiếng vỗ tay tán thưởng rào rào, vợ chồng ông Boyce thì thầm trao đổi gì đấy rồi hỏi thầy, “Ông Phật không phải thượng đế cũng không phải thánh thần, vậy đây có phải là một tôn giáo không?”

 Thầy laị gần hai người và cười từ ái, “Nếu hiểu là một tôn giáo cũng được mà nói là một sự giáo dục của Phật cũng không sai, thậm chí cho là một hệ thống triết học hay nhân sinh quan…cũng đúng cả! Phật giáo gồm thâu cả, cái nhãn mác không quan trọng, cái chính là thực hiện những chỉ dẫn!”

 Bà Barbara giơ tay xin nêu lên vấn đề, “Vậy muốn theo Phật thì phải làm sao?”

 Thầy trả lời vắn tắt, “Muốn theo Phật để thành tu sĩ thì khó, cần nhiều điền kiện và giới luật, phép tắc. Còn chỉ là người tại gia thì rất đơn giản. Chỉ cần tin Phật, chịu quy y quay về nương tựa Phật và cần giữ gìn năm điều không nên làm sau: sát sanh, trộm cắp, tà dâm, nói dối, uống rượu.”

 Bà Barbara bảo, “Năm điều ấy là đạo đức căn bản, không cứ gì theo Phật mới phải giữ gìn năm giới này. Tôi nghĩ mọi người trên thế gian này ai cũng nên giữ gìn, điều này sẽ đem lại an vui, hạnh phúc cho chính họ và những người xung quanh họ. Nếu ai ai cũng giữ gìn năm giới này thì xã hội bớt loạn động, phạm phá, gia đình không xào xáo.”

 Thầy rất vui khi nghe bà Barbara nói thế nên tán thán, “Bà thật dễ thương, nhìn nhận vấn đề thông thoáng và chính xác. Làm người ai cũng nên giữ gìn năm điều ấy, không cần chi cái nhãn mác là tín đồ của đạo nào.”

 Anh Thanh Việt, một cư dân ở đây trên hai mươi năm. Hôm nay là lần đầu tiên được gặp thầy và vui vì thấy ngôi chùa Phật đầu tiên. Anh xúc động như thấy cả quê hương được tái hiện qua hình ảnh ngôi chùa. Anh lên tiếng, “Các chùa trong nước cũng như hải ngoại đều có xin xăm, bói quẻ, coi phong thủy, ngày giờ tốt xấu… Vậy thầy có làm không?

 Thầy ngưng vài giây rồi khẳng định, “Thật ra thì chỉ có các chùa Bắc tông mới làm thế! Phật giáo Bắc truyền chịu ảnh hưởng nặng nề của Tàu. Người Tàu thêm thoắt nhiều thứ tà vào trong Phật giáo, những thứ mà anh vừa nói đều là sản phẩm Tàu cả. Thầy dung hòa giữa hai trường phái mà thực hành. Thầy cũng sẽ không làm những việc ấy vì nó vô ích, không giúp gì được cho việc phát triển trí huệ và giải thoát; thậm chí nó còn làm cho người ta thêm lạc lối vì mê!”

 Anh Thanh Việt lại hỏi, “Thầy có thể giải thích pháp danh của thầy cho chúng con hiểu?”

 Thầy cười thoải mái nhưng vẫn giữ đúng lễ, “Sư phụ của thầy ban cho thầy là Thanh Đồng Giáo, hy vọng là thầy đem lời dạy của Phật đi hướng dẫn, chỉ dạy cho mọi người cùng tu học để phát triển trí huệ và giải thoát. Pháp danh thường căn cứ theo tên cha mẹ đặt cho cộng với phẩm tính mà vị thầy nhìn thấy hay kỳ vọng nơi mình và cộng thêm vào đó là những chữ nối tiếp dòng truyền thừa.”

 Buổi trà đàm thật thân mật, thoải mái nhưng vẫn đúng lễ. Ai nấy đều hoan hỷ và hài lòng! Cuối buổi, nhiều người xin phát tâm quy y theo Phật. Thầy làm lễ cho họ thệ nguyện quy y, giữ gìn năm giới.

Thầy chọn cho mỗi người một pháp danh và giải thích rõ ràng, “Chúng ta vốn có nhiều nhân duyên sâu xa xưa kia chứ không thể một sớm một chiều mà gặp nhau được! Hôm nay quả đã thành, sen đã nở. Mọi người đến đây cùng quay về nương tựa Phật. Chúng ta đều là con Phật, mong mọi người hãy mở lòng ra yêu thương và giúp đỡ lẫn nhau, cũng giữ gìn năm điều căn bản trên cho cuộc sống hoà bình, an lạc.

“Ông Jame sẽ có pháp danh là Thanh Đồng Tân, một người mới quy y, một cận sự mới, một người mới bắt đầu bước trên con đường giải thoát. Bà Barbara sẽ có pháp danh là: Thanh Đồng Huệ, huệ là loài hoa thơm thanh khiết, huệ còn là trí huệ. Bà là một cận sự nữ mới, hy vọng hương đức hạnh và trí huệ của bà ngày một phát triển. Chồng bà Barbara có pháp danh là Thanh Đồng Phước, một cận sự nam mới, ông cùng với vợ đều là người mới tìm về ngôi nhà Phật Pháp, học Phật cần cả huệ lẫn phước. Anh Thanh Việt có pháp danh là Thanh Đồng Hương, một cận sự nam, một vị con Phật vốn đồng hương với thầy.”

 Mọi người vui vẻ và thích thú với pháp danh của mình. Ông James vợ chồng bà Barbara và tất cả đồng hương cùng chắp tay niệm danh hiệu đức Bổn sư và tạ ơn thầy.

 Bầu trời sa mạc xanh ngắt không một gợn mây, nắng chói chang như đổ lửa, cát và gió cuộn vào nhau bay bốn phương trời. Ấy vậy mà Thanh Châu Sa vẫn xanh tươi, mát mẻ lạ thường. Cây bồ đề con mà pháp lữ tặng, thầy trồng trước sân đã bắt đầu trổ lá non, trông cây rất khoẻ mạnh và tràn đầy nhựa sống. Hôm nay cây còn nhỏ nhưng mai này Thanh Châu Sa sẽ có thêm một cội bồ đề góp phần che mát và làm trong lành thêm cho tiểu trấn này.

(Ất Lăng thành, tháng 6, 2019)

(Mike/ Pexels)

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *