Kinh A Di Đà theo Đệ Nhất Nghĩa Tất Đàn

*Đọc 15 phút*

Bài THẦY PASANNO PHỔ KIÊN

Từ trước đến nay khi học về Pháp Môn Tịnh Độ chúng ta được biết rằng:

– Đức Phật A Di Đà là vị Phật hiện ở Tây Phương Cực Lạc.

– Cõi Tịnh Độ hay là cõi nước Cực Lạc của Đức Phật A Di Đà cũng ở Phương Tây, cách đây đến mười muôn ức cõi Phật.

Niềm tin đó của Phật Tử không sai vì đã được nói trong Kinh A Di Đà và đã được Tổ Tổ tương truyền từ đời trước đến đời sau. Tuy nhiên hiểu Kinh A Di Đà như thế là hiểu theo Phổ Vị Thế Giới Tất Đàn.

Khi học Kinh Đại Thừa chúng ta phải nắm vững hai phương pháp “Tất Đàn.” Chữ Tất Đàn có nghĩa là Thành Tựu. Hai phương pháp thành tựu đó là Phổ Vị Thế Giới Tất Đàn và Đệ Nhất Nghĩa Tất Đàn.

Phổ Vị Thế Giới Tất Đàn

Là một phương pháp giảng kinh mà Đức Phật dùng phương tiện để nói cho đại chúng dễ nghe, dễ hiểu. Nói một cách khác cách giảng kinh như vậy còn gọi là Kinh Bất Liễu Nghĩa.

Thí dụ Kinh Địa Tạng có câu:

Trong tay có sẵn gậy vàng
Dộng tan cửa ngục cứu ngàn sinh linh

Nghĩa là trong tay Ngài Bồ Tát Địa Tạng có cầm cây Tích Trượng bằng vàng. Ngài xuống địa ngục cầm cây tích trượng đó dộng tan cửa địa ngục cứu ngàn sinh linh đang bị nhốt trong đó. Thật ra Bồ Tát Địa Tạng có làm việc đó không? Nếu Ngài làm như vậy là Ngài phá Luật Nhân Quả của Đạo Phật rồi.

Đệ Nhất Nghĩa Tất Đàn

Cũng là câu kinh đó nhưng nếu được hiểu theo Liễu Nghĩa hay còn gọi là Đệ Nhất Nghĩa Tất Đàn thì rất hợp lý:       

– Địa ngục không phải là cái ngục trong lòng đất để nhốt tội nhân.

– Địa ngục là cái ngục trong tâm chúng sanh.

– Dộng tan cửa ngục là dùng cây tích trượng để phá tan cái ngục trong tâm chúng sanh.

Bài này sẽ nghiên cứu Kinh A Di Đà theo Đệ Nhất Nghĩa Tất Đàn

Đức Phật A Di Đà ở khắp 10 phương pháp giới

Đức Phật A Di Đà ở khắp cả Mười Phương Pháp Giới chớ không riêng gì ở Phương Tây. Kinh A Di Đà dạy rằng Đức Phật A Di Đà hiệu là Vô Lượng Quang và Vô Lượng Thọ:

“Xá Lợi Phất! Ý ông nghĩ sao? Đức Phật đó vì sao hiệu là A Di Đà?

“Xá Lợi Phất! Đức Phật đó hào quang sáng chói vô lượng, soi sáng các nước trong mười phương không bị chướng ngại, vì thế nên hiệu là A Di Đà.

“Xá Lợi Phất ! Đức Phật đó và nhân dân của Ngài sống lâu vô lượng vô biên a tăng kỳ kiếp nên hiệu là A Di Đà.”

Về phương diện không gian Đức Phật A Di Đà là một Đức Phật có Vô Lượng Quang nghĩa là ánh sáng của Ngài chiếu khắp cả Mười Phương trong không gian. Như vậy chứng tỏ Ngài có mặt khắp cả Mười Phương chứ không riêng về ở phương Tây.

Về phương diện thời gian Đức Phật A Di Đà sống lâu vô lượng vô biên a tăng kỳ kiếp nghĩa là Ngài có mặt trong cả ba thời: quá khứ, hiện tại và vị lai.

    Một Đức Phật ở trùm khắp trong không gian và thời gian là Pháp Thân Phật (Dharmakaya). Để hiểu rõ hơn về Pháp Thân Phật ta hãy nghiên cứu về giáo lý Tam Thân Phật.

Tam Thân Phật

Nhắc lại khái niệm về Tam Thân Phật. Mỗi vị Phật đều có ba thân:

Ứng Thân Phật: còn gọi là (Hóa Thân Phật): là một vị Phật Lịch Sử, Ngài ứng hiện ra ở một quốc độ nào để hóa độ chúng sanh trong quốc độ đó. Thí dụ Đức Phật Thích Ca Mâu Ni ứng hiện ở cõi Ta Bà để dạy chúng sinh trong cõi nước đó.

Báo Thân Phật: do công đức tu hành nhiều kiếp Ngài có một Báo Thân trang nghiêm đẹp đẻ. Thí dụ Báo Thân của Đức Bổn Sư Thích Ca có 32 tướng tốt.

 Pháp Thân Phật: Pháp Thân Phật có mặt từ vô thủy vô chung. Pháp Thân không hình không tướng nên không sanh không diệt.

Ở đây cần mở ngoặc để nói thêm chúng sanh cũng có ba thân.

Ứng thân của chúng sanh: có sanh có diệt.

Báo Thân: có nam, có nữ, có xấu có đẹp.

Pháp Thân: Kinh A Di Đà nói rõ, Đức Phật đó và nhân dân của Ngài sống lâu vô lượng vô biên a tăng kỳ kiếp.

Nhân dân của Ngài là ai? Nhân dân của Ngài là tất cả Phật Tử.

Rõ ràng Đức Phật A Di Đà là Pháp Thân Phật và Ngài ở trùm khắp cả Mười Phương Pháp Giới chứ không riêng gì ở phương Tây.

Trong quyển Kinh Pháp Hoa do Phật Học Viện Quốc Tế xuất bản năm 2002 có phần Nghi Thức Sám Hối trước khi tụng Kinh Pháp Hoa, khi tụng những câu kinh sau đây chúng ta thấy rõ Đức Phật A Di Đà ở cùng khắp Pháp Giới:

Chí Tâm đảnh Lễ
Thường tịch quang Tịnh Độ!
A Di Đà Như Lai
Pháp Thân mầu thanh tịnh
Khắp Pháp giới chư Phật.

Chí Tâm đảnh Lễ
Thật báo trang nghiêm độ
A Di Đà Như Lai,
Thân tướng hải vi trần
Khắp pháp giới chư Phật.

Chí Tâm đảnh Lễ
Phương tiện thánh cư độ,
A Di Đà Như Lai
Thân trang nghiêm giải thoát
Khắp pháp giới chư Phật.

Ngay trong kinh A Di Đà Đức Phật cũng đã giới thiệu các Pháp Thân Phật ở cùng khắp Pháp Giới. Ngài dùng phương tiện mà đặt những danh hiệu Phật khác nhau nhưng cũng cùng chung Pháp Thân A Di Đà Phật. Chúng ta hãy đọc:

“Xá Lợi Phất! Như ta hôm nay ngợi khen công đức không thể nghĩ bàn của Đức Phật A Di Đà:

“Phương Đông cũng có A Súc Bệ Phật…

“Phương Nam có Nhật Nguyệt Đăng Phật…

“Phương Tây có Vô Lượng Thọ Phật…

“Phương Bắc có Diệm Kiên Phật…

“Phương Dưới có Sư Tử Phật…

“Phương Trên có Phạm Âm Phật…

Ngang đây người học Phật cần hiểu rằng khi Đức Phật phương tiện phân chia Mười Phương thế giới, mỗi phương có một vị Phật khác nhau nhưng đó cũng chỉ là do “Công Đức không thể nghĩ bàn của Đức Phật A Di Đà.” Tất cả đều là Pháp Thân Phật. Tất cả đều là Đức Phật A Di Đà hóa hiện ra mà thôi.

Để dễ hiểu chúng ta hãy quán sát các dòng sông ở ba miền của đất nước Việt Nam. Khi một dòng sông còn ở trong đất liền thì ta còn phân biệt:

Miền Bắc có sông Hồng Hà, nên nước con sông nầy được gọi là nước của sông Hồng Hà.

Miền Trung có sông Hương, nên nước con sông nầy được gọi là nước của sông Hương.

Miền Nam có sông Cửu Long, nên nước con sông nầy được gọi là nước của sông Cửu Long.

Nhưng khi nước của ba con sông đó đổ về biển cả rồi thì không còn phân biệt nước nào là nước của sông Cửu Long, nước nào là nước của sông Hương, nước nào là nước của sông Hồng Hà. Tất cả đều là nước biển Thái Bình Dương.

Tóm lại, theo Đệ Nhất Nghĩa Tất Đàn, Đức Phật A Di Đà là Pháp Thân Phật, Ngài ở khắp tất cả Mười Phương chớ không riêng gì ở Phương Tây.

Quan niệm về Tịnh Độ của các tổ thiền phái Trúc Lâm Yên Tử đời nhà Trần

Vua Trần Nhân Tôn người sáng lập ra thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, thế kỷ thứ 13, trong bài Cư Trần Lạc Đạo phú Ngài viết:

“Tịnh độ là lòng trong sạch,
Chớ còn ngờ hỏi đến Tây Phương;
Di Đà là tính sáng soi,
Mựa phải nhọc tìm về Cực lạc.”

Tuệ Trung Thượng Sĩ, thầy của vua Trần Nhân Tôn và là anh của Đại Tướng Trần Hưng Đạo, đã từng nói:

“Di Đà vốn thật Pháp Thân Ta,
Nam Bắc Đông Tây khắp chói lòa,
Trăng thu ngự giữa trời cao rộng,
Đêm lặng trùng dương rạng chiếu xa.”

Cái hay của bài thơ nầy, Tuệ Trung Thượng Sĩ xác nhận Đức Phật A Di Đà là Pháp Thân Phật mà cũng chính là Pháp Thân Ta. Vì sao? Vì Đức Phật đã từng nói trong Kinh A Di Đà:

“Đức Phật đó và nhân dân của Ngài sống lâu vô lượng vô biên a tăng kỳ kiếp.”

Nhân dân của Ngài là ai nếu không phải là các Phật Tử. Vậy thì các Phật Tử cũng đều có Pháp Thân Phật trong Tâm mình.      

Trong Pháp Môn Tịnh Độ có câu: “Tự Tánh Di Đà, Duy Tâm Tịnh Độ.”

Như vậy Đức Phật A Di Đà ở đâu nếu chẳng phải là ở trong Tự Tánh của mỗi người chúng ta. Cảnh Giới Tịnh Độ ở đâu nếu không phải là ở trong Tâm của tất cả chúng sanh.

Chùa Quán Sứ ở Hà Nội có hai câu đối:

Phật hiệu Di Đà pháp giới tàng thân tùy xứ hiện,
Quốc danh Cực Lạc tịch quang chơn cảnh cá trung huyền.

Đức Phật danh hiệu là A Di Đà Ngài ẩn tàng trong mười pháp giới, và chỉ hiện ra tùy xứ, xứ nào Thanh Tịnh thì Ngài hiện ra. (Tự Tánh Di Đà)

Nước của Ngài tên là Cực Lạc chỉ hiện ra ở nơi nào có ánh sáng Tịch Tĩnh. Mà cảnh đó có ở đâu? Ở trong sự huyền nhiệm của Tâm chúng sanh. (Duy Tâm Tịnh Độ)

Hai cảnh giới Cực Lạc

Tây Phương Cực Lạc

Trong Kinh A Di Đà Đức Phật có giới thiệu cảnh Cực Lạc ở Tây Phương:

“Bấy giờ Đức Phật bảo Ngài Trưởng Lão Xá Lợi Phất: Từ đây qua phương Tây quá mười muôn ức cõi Phật có thế giới tên là Cực Lạc. Trong thế giới đó có Đức Phật hiệu là A Di Đà hiện nay đang thuyết pháp.”

Cảnh Tây Phương Cực Lạc được Đức Phật mô tả như sau:

“Xá Lợi Phất! Cõi đó vì sao tên là Cực Lạc? Vì chúng sanh trong cõi đó không bị những sự khổ, chỉ hưởng những điều vui nên nước đó tên là Cực Lạc.”

Tóm lại cõi Tây Phương Cực Lạc là:

Cõi Cực Lạc ở rất xa. “Từ đây qua Phương Tây quá mười muôn ức cõi Phật có thế giới tên là Cực Lạc.”

Cõi Cực Lạc chỉ đạt được sau khi ta chết đi.

Cõi Cực Lạc chỉ đạt được khi ta niệm “từ một đến mười niệm” lúc lâm chung thì sẽ có Đức Phật A Di Đà cùng hàng Thánh Chúng hiện thân đến rước.

Hiện Pháp Lạc Trú: cực lạc ngay bây giờ và ở đây

Tuy nhiên nếu đọc Kinh A Di Đà với nhãn quan Đệ Nhất Nghĩa Tất Đàn ta sẽ thấy Đức Phật chỉ ra một cõi Cực Lạc ngay tại Ta Bà, ngay bây giờ và ở đây. Đó là Hiện Pháp Lạc Trú.

Giáo Pháp sống An Lạc trong giờ phút hiện tại gọi là Hiện Pháp Lạc Trú. Hiện Pháp Lạc Trú tiếng Phạn là Ditthadhamma sukhavihari.

Hiện Pháp Lạc Trú là Giáo Pháp căn bản mà Đức Phật đã truyền dạy cho Tăng Đoàn thời Nguyên Thủy. Trong Kinh nhật tụng của Phật Tử Phật Giáo Nguyên Thủy các Phật tử luôn nhắc đến “Bảy Đặc Tính của Ân Đức Pháp Bảo” (Dhamma Guna). Một trong bảy đặc tính đó là Akaliko. Akaliko là pháp độ cho đắc quả không chờ ngày giờ, là khi nào đắc đạo thì đắc quả không chậm trễ. Akaliko là phi thời gian hay độc lập với khái niệm thời gian. Đó là cái Đang Là, cái Bây Giờ, không phải là cái Đã Là hay Sẽ Là, hay là cái cầu nguyện van vái trong tương lai sẽ đến sau khi mình đã chết.

Hiện Pháp Lạc Trú là Hạnh Phúc Ngay Bây Giờ Và Ở Đây. Khi ngồi thiền, hành giả đừng để Tâm chạy về quá khứ hay giong ruỗi tới tương lai, hãy để Tâm an trú trong giờ phút hiện tại.

Trong Kinh Người Biết Sống Một Mình, Đức Phật dạy ta phải biết sống trong Chánh Niệm, nghĩa là phải luôn luôn an trú trong hiện tại Ngay Bây Giờ và Ở Đây, đừng tìm về quá khứ, cũng đừng tưởng tới tương lai. Kinh văn:

“Đừng tìm về quá khứ
Đừng tưởng tới tương lai
Quá khứ đã không còn
Tương lai thì chưa tới
Hãy quán chiếu sự sống
Trong giờ phút hiện tại

Chúng ta còn tìm thấy Giáo Pháp Hiện Pháp Lạc Trú trong Các Kinh Bộ (Nikaya) của Phật Giáo Nguyên Thủy và ngay cả trong Kinh A Hàm của Phật Giáo phát triển.

Các Phật tử Phật Giáo Nguyên Thủy nào cũng biết đến ba bài Kinh Đức Phật dạy Hiện Pháp Lạc Trú. Hiện Pháp là những gì xảy ra ngay bây giờ và ở đây; Lạc là hạnh phúc; Trú là ở, là An Trú, là Sống. Đó là các bài Kinh sau đây do Trưởng Lão Thích Minh Châu, Viện Trưởng Viện Đại Học Vạn Hạnh, dịch Việt:

1) Kinh Tương Ưng Bộ tập 1, Phẩm Cây Lau, Kinh Rừng Núi số 10:

Không tham việc đã qua,
Không mong việc sắp tới.
Sống ngay với hiện tại.
Do vậy sắc thù diệu.
Do mong việc sắp tới,
Do than việc đã qua,
Nên kẻ ngu héo mòn,
Như lau xanh lìa cành.

2) Kinh Trung Bộ tập 3, Kinh Nhất Dạ Hiền Giả

Quá khứ không truy tìm,
Tương lai không ước vọng,
Quá khứ đã đoạn tận,
Tương lai lại chưa đến,
Chỉ có pháp hiện tại,
Tuệ quán chính là đây,
Không động không rung chuyển
Biết vậy nên tu tập,
Hôm nay nhiệt tâm làm,
Ai biết chết ngày mai?
Không ai điều đình được,
Với đại quân thần chết.
Trú như vầy nhiệt tâm,
Đêm ngày không mệt mỏi
Xứng gọi nhứt dạ hiền,
Bậc an tịnh trầm lặng.

3) Kinh Người biết sống một mình, thuộc Trung Bộ Kinh:

Đừng tìm về quá khứ,
Đừng tưởng tới tương lai,
Quá khứ đã không còn,
Tương lai thì chưa tới,
Hãy quán chiếu sự sống,
Trong giờ phút hiện tại,
Kẻ thức giả an trú,
Vững chải và thảnh thơi.
Phải tinh tiến hôm nay,
Kẻo ngày mai không kịp,
Cái chết đến bất ngờ,
Không thể nào mặc cả.
Người nào biết an trú
Đêm ngày trong chánh niệm,
Thì Mâu Ni gọi là,
Người biết sống một mình.

Cảnh giới Cực Lạc Đức Phật mô tả trong Kinh A Di Đà cũng tương tự như cảnh giới hiện có ở cõi Ta Bà:

“Xá Lợi Phất!

“Lại trong cõi Cực Lạc có bảy từng bao lơn, bảy từng mành lưới, bảy từng hàng cây… có ao bằng bảy chất báu, trong ao có hoa sen…

“Lại trong cõi nước của Đức Phật đó thường trổi nhạc trời…

“Chúng sanh trong cõi đó sáng sớm thường mang hoa tốt cúng dường mười muôn ức Đức Phật ở phương khác, đến giờ ăn liền trở về bổn quốc, ăn cơm xong đi kinh hành…”

Phàm thánh đồng cư độ

Kinh A Di Đà Đức Phật nói:

“Xá Lợi Phất! Chúng sanh nào nghe những điều lợi ích trên đây nên phát nguyện sanh về cõi nước đó. Vì sao? Vì được câu hội một chỗ với các bậc thượng thiện nhơn.”

Các bậc thượng thiện nhơn là các bậc Thánh . Thánh là người làm chủ được Tai và Miệng của mình. Tai không nghe dâm thanh, miệng không nói dối, không nói lưỡi hai chiều không nói lời ác khẩu.

Qua những điều diễn tả trên rõ ràng ta có thể tạo dựng cảnh Cực Lạc ngay trong cõi Ta Bà.

Đức Phật hiện Tịnh Độ ngay trong cõi Ta Bà

Đức Phật đã từng dạy Bồ Tát Bảo Tích trong Kinh Duy Ma Cật, Phẩm Phật Quốc:

“Bồ Tát nếu muốn được cõi Phật thanh tịnh, nên làm cho tâm thanh tịnh; tùy chỗ Tâm thanh tịnh mà cõi Phật được thanh tịnh.

“Lúc ấy, ông Xá Lợi Phất nương oai thần của Phật mà nghĩ rằng, Nếu tâm Bồ Tát thanh tịnh chắc cõi Phật phải được thanh tịnh, vậy Thế Tôn ta khi trước làm Bồ Tát tâm ý lẽ nào không thanh tịnh, sao cõi Phật này không thanh tịnh như thế?

“Phật biết ông suy nghĩ vậy liền bảo rằng :

“Ý ông nghĩ sao? Mặt trời, mặt trăng há không thanh tịnh sáng suốt ư, sao người mù không thấy ?

“Bạch Thế Tôn ! Chẳng phải thế. Đó là tại người mù, không phảỉ lỗi ở mặt trời và mặt trăng.

“Xá Lợí Phất ! Cũng thế, bởi chúng sanh do tội chướng nên không thấy được cõi nước của Như Lai thanh tịnh trang nghiêm, chớ không phải lỗi ở Như Lai.

“Này Xá Lợi Phất! Cõi nước của ta đây vẫn thanh tịnh mà tại ông không thấy đó thôi.

“Bấy giờ ông Loa Kế Phạm Vương thưa với ông Xá Lợi Phất rằng, Ngài chớ nghĩ như thế, mà cho cõi Phật đây là không thanh tịnh. Vì sao ? Vì tôi thấy cõi nước của Phật Thích Ca Mâu Ni thanh tịnh, ví như cung trời Tự Tại.

“Ông Xá Lợi Phất nói, Sao tôi thấy cõi này toàn gò nỗng, hầm hố, chông gai, sỏi sạn, đất đá, núi non, nhơ nhớp dẫy đầy như thế?

“Ông Loa Kế Phạm Vương thưa rằng, Đấy là do tâm của Ngài có cao thấp không nương theo trí tuệ của Phật nên thấy cõi này không thanh tịnh đó thôi. Thưa Ngài Xá Lợi Phất! Bồ Tát đối với tất cả chúng sanh thảy đều bình đẳng, thâm tâm thanh tịnh y theo trí tuệ của Phật thì mới thấy được cõi Phật này thanh tịnh.

“Khi ấy Phật lấy ngón chơn nhấn xuống đất, tức thì cõi Tam thiên đại thiên thế giới liền hiện ra bao nhiêu trăm nghìn thứ trân bảo trang nghiêm rực rỡ, như cõi Vô Lượng Công Đức Bảo Trang Nghiêm của Phật Bảo Trang Nghiêm. Tất cả Đại chúng ngợi khen chưa từng có và đều thấy mình ngồi trên tòa sen báu.

“Phật bảo Xá Lợi Phất, Ông hãy xem cõi Phật, đây trang nghiêm thanh tịnh.

“Ông Xá Lợi Phất thưa, Dạ, bạch Thế Tôn ! Từ trước dến giờ con chưa từng thấy, chưa từng nghe. Nay cõi nước của Phật đều hiện rõ trang nghiêm thanh tịnh.

“Phật bảo, Này Xá Lợi Phất! Cõi nước của ta thường thanh tịnh như thế ! Nhưng vì muốn độ những kẻ căn cơ hạ liệt nên thị hiện ra cõi đầy nhơ nhớp xấu xa bất tịnh đó thôi. Ví như Chư Thiên đồng dùng một thứ bát bằng ngọc báu để ăn, nhưng tùy phước đức của mỗi vị mà sắc cơm có khác. Như thế, Xá Lợi Phất ! Nếu tâm người thanh tịnh, sẽ thấy cõi này công đức trang nghiêm.

“Trong khi Phật hiện ra cõi nước trang nghiêm thanh tịnh, 500 vị Trưởng giả tử do ông Bảo Tích dắt đến đều chứng được vô sanh Pháp nhẫn, tám vạn bốn nghìn người phát tâm Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác.

“Bấy giờ Phật thâu nhiếp thần túc lại, cõi nước trở thành như xưa. Ba vạn hai nghìn người và Trời cầu Thanh văn thừa đều nhận rõ các Pháp hữu vi là vô thường, xa lìa trần cấu đặng pháp nhãn thanh tịnh, tám nghìn vị Tỳ kheo không còn chấp thọ các pháp, kiết lậu đã hết, tâm ý được giải thoát.”

Trong đoạn Kinh Duy Ma Cật trên đây Đức Phật dùng thần thông biến cõi Ta Bà thành cõi Tịnh Độ. Nói là dùng thần thông (Đức Phật dùng chân ấn xuống đất) nhưng thật ra Đức Phật ấn Tâm của chúng sanh hay nói cách khác là Đức Phật truyền Tâm Ấn. Đất đây là đất Tâm. Đức Phật có dạy bài Kinh Tâm Địa Quán như sau:

“Thiện nam, trong ba cõi lấy Tâm làm chủ. Người quán được tâm, thì được giải thoát rốt ráo; người không quán được tâm, thì ở mãi trong nẻo trói buộc chìm đắm. Tâm của chúng sinh cũng như đại địa. Mọi thứ thóc lúa hoa quả đều từ đại địa sinh ra. Như vậy tâm pháp sinh ra thiện ác thế gian và xuất thế gian năm cõi, các bậc Hữu học, bậc Vô học, bậc Độc giác, bậc Bồ tát, cũng như đối với chư Như Lai. Do nhân duyên ấy, nên ba cõi do tâm, Tâm được gọi là Địa. Tất cả phàm phu thân cận bạn lành, nghe pháp tâm địa, như lý quán sát, theo như lời nói tu hành, hoặc tự mình làm, hoặc dạy người làm, khen ngợi khuyên gắng, đón mừng, an ủi, những người như thế, sẽ dứt được ba chướng, mau trọn muôn hạnh và chóng được đạo quả Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.”

 Như vậy Tâm làm chủ tất cả do đó có câu “Vạn pháp do Tâm tạo.” Tâm tạo Thiên Đàng, Tâm tạo địa ngục. Tâm tạo Ngạ quỷ, súc sanh. Tâm tạo Thanh văn, duyên giác Bồ Tát và Phật.

Vì vậy cảnh giới Cực Lạc cũng ngay trong cõi Ta Bà này sanh ra. Đức Phật dạy rõ ràng:

“ Tùy kỳ Tâm tịnh tắc Phật độ Tịnh, Dục tịnh Phật độ tiên tịnh kỳ Tâm”.

Như vậy chúng ta có thể tạo dựng Tịnh Độ ngay trong cõi Ta Bà nầy, kinh Phật gọi là Hiện Pháp Lạc Trú. Tịnh Độ ngay bây giờ và ở đây. Chúng ta có thể tạo dựng Cõi Cực Lạc và đi vào Cõi Cực Lạc ngay lúc ta còn sống. Đức Phật dạy chỉ có người sống mới tạo dựng cõi Cực Lạc được chứ chết rồi làm sao tạo dựng cõi Cực Lạc!

Tóm lại khi học Pháp Môn Tịnh Độ, hay bất cứ một pháp môn Đại Thừa nào chúng ta cũng phải nắm vững hai phương pháp Tất Đàn, đó là Phổ Vị Thế Giới Tất Đàn và Đệ Nhất Nghĩa Tất Đàn.

Kinh Tịnh Độ hiểu theo Phổ Vị Thế Giới Tất Đàn:

Đức Phật A Di Đà là vị Phật hiện ở Tây Phương Cực Lạc.

Cõi Tịnh Độ hay là cõi nước Cực Lạc của Đức Phật A Di Đà cũng ở Phương Tây, cách đây đến mười muôn ức cõi Phật.

Theo Đệ Nhất Nghĩa Tất Đàn:

Đức Phật A Di Đà là Pháp Thân Phật (Dharmakaya).

Hiện pháp lạc trú: Ta có thể tạo dựng Cõi Cực Lạc ngay bây giờ và tại đây.

Cõi Cực Lạc ở khắp 10 phương Pháp Giới chứ không riêng gì ở Phương Tây.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *