Mỗi ngày tìm một đối tượng để thương yêu

*Đọc 5 phút*

Bài PHÚC QUỲNH

Rải tâm từ là một trong những phương pháp giúp tăng trưởng lòng từ bi. Không chỉ mang lại hạnh phúc cho người tu tập phương pháp này, mà còn giúp lan truyền tình thương đến mọi người ở chung quanh.

Trường hợp của bà Jen Kramer dưới đây cho thấy sự lợi lạc đã đến cho bà cũng như cho mọi người qua sự phát triển từ tâm. Vào ngày thứ Hai, 7 tháng Giêng, 2019 vừa qua, nhật báo Chicago Tribune đã đăng bài viết của nữ ký giả Heidi Stevens về một dự án của bà Jen Kramer mà có lẽ chúng ta cũng nên bắt chước, hay ít ra để ngưỡng phục bà Jen.

Bà Jen Kramer, 48 tuổi, là chủ nhân của một nhà hàng nhỏ. Vào đầu năm 2018, bà bỗng nghĩ đến một ước nguyện khác thường.

“Tôi không phải là loại người mà vào ngày đầu năm tự cam kết với chính mình làm một điều gì đó trong suốt năm,” bà kể với báo Tribune. “Thế nhưng tôi có đọc một bài viết về tình thương trong năm trước đó, nên tôi nghĩ rằng tôi phải thực hiện một cái gì đó có ý nghĩa sâu đậm hơn với cuộc sống của chính mình.”

Bà nghĩ đến sự biết ơn sẽ là tâm điểm cho bất cứ lời hứa nào mà bà muốn thực hiện.

“Sự biết ơn sẽ giúp tôi biết nghĩ đến việc nâng đỡ người khác,” bà nói. “Tôi cảm thấy hạnh phúc mỗi khi tôi nâng đỡ người chung quanh.”

Thế rồi trong những ngày cuối cùng của năm 2017, bà bắt đầu viết trên Facebook về một người dì ruột sắp được giải phẫu khuôn mặt. Những lời khích lệ tinh thần cho người dì đã trở thành bài viết đầu tiên cho dự án “một năm thương yêu” của bà Jen.

Trong suốt 365 ngày, mỗi ngày bà Jen Kramer đều tìm một người để vinh danh, tuyên dương, để bày tỏ tình thương với người ấy. Bất cứ ai bà gặp trong ngày đều trở thành đối tượng của lòng thương yêu, muốn nâng đỡ của bà. Một số người là thân nhân, bạn hữu; một số người là kẻ lạ gặp ở ngoài đường hay trong quán ăn của bà.

Chẳng hạn như một ông đứng tuổi có tên viết tắt là V. Ông này phục vụ cà phê cho bà tại tiệm Dunkin Donuts và luôn luôn mời bà mua ăn chiếc bánh bagel. Hay một thanh niên tên là Xavier làm việc tại quày tính tiền ở tiệm Mariano’s, người có nét mặt thân thiện và điềm tỉnh. Bà cũng nhắc tới một phụ nữ tên là Norma, người chuyên lau dọn vệ sinh trong tòa nhà có văn phòng của bà Jen Kramer.

“Tôi không có một phương pháp chọn lựa nào hết hay tại sao tôi lại chọn người như vậy,” bà Jen giải thích. “Phần lớn họ là những người làm cho tôi cảm kích bất chợt vào lúc bấy giờ.”

Bà Jen Kramer (E. Jason Wambsgans/Chicago Tribune)

Thường thì vào cuối ngày, bà ngồi xuống để viết một đoạn ngắn đăng trên Facebook nói về một người nào đó, hay một biến cố nào trên thế giới khiến bà động lòng thương cảm.

“Anh bạn trai của tôi thường hỏi, ‘Sao hôm nay em tính thả trái bom tình thương trúng ai đây?’” bà cho biết.

Một hôm kia thì “bom” yêu thương rơi trúng cô Mica, một tiếp viên tại quán White Palace Grill của bà Jen Kramer. Mica đã giúp bà học tiếng Tây Ban Nha. Bà viết trên Facebook, “Hôm ấy Mica vừa làm xong một ca làm việc dài 12 tiếng đồng hồ, rồi trở về nhà để học bài và nấu ăn cho gia đình. Tôi đã nói với cô ấy rằng tôi hãnh diện được biết một người như Mica.”

Một ngày kia thì bà bà tỏ lòng thương dành cho bạn thân Robbie, một người đang phấn đấu cho mạng sống trong giai đoạn chót của một chứng bệnh nan y. “Cuộc sống của bạn là một bài học lớn vô cùng cho thế gian này,” bà Jen viết. “Tôi trân trọng bạn và muốn nâng đỡ bạn vào bất cứ lúc nào mà tôi có thể làm được.”

Trong tháng Hai, khi thành phố Chicago mất đi một chỉ huy trưởng cảnh sát tên là Paul Bauer, bà Jen cũng viết mấy đoạn về ông. Paul là bạn của một người bạn của bà.

“Tôi tự hỏi mình rằng làm sao một thành phố có thể được chữa lành sau một mất mát lớn như thế này?” bà viết. “Sự thương tích sâu đậm để lại cho những người đã làm việc bên cạnh ông, những người sống trên cùng con đường với ông, quen biết ông qua trường học của Grace (con gái ông Paul). Rồi những người không quen biết ông nhưng rất kính trọng ông khi hay tin. Làm sao chúng ta san đầy nỗi mất mát đây?

“Tôi không biết câu trả lời nào cho rõ ràng. Thế nhưng tôi biết chắc rằng chúng ta phải luôn luôn đặt tình thương lên trên hết. Chúng ta hãy thương yêu mọi người, hãy ban tặng tình thương với hết tấm lòng của mình, bất kể sự thiệt thòi nào có thể xảy ra. Sự thật là tất cả không có gì quan trọng bằng tình thương.”

Bà Jen Kramer nhận thấy rằng dự án ban phát tình thương trong suốt một năm của bà có thể đã bắt nguồn từ thân phụ của bà. Ông mất vì bị đột quỵ tim khi bà mới có 21 tuổi, đang ở đại học.

“Có lẽ vậy. Có lẽ tôi đã không được dịp nói cho cha tôi biết những gì tôi muốn nói với ông trước khi ông ra đi vĩnh viễn,” bà kể.

“Nếu hôm nay là ngày cuối cùng của đời tôi trên Trái Đất này, thì tôi muốn nói gì với một người tôi đang đứng trước mặt,” bà tự hỏi. “Tại sao chúng ta không nói những lời thương yêu ấy trong lúc họ còn có mặt ở đây.”

“Có lẽ đây là một bài học cho tôi và cho một số người,” bà nói tiếp. “Làm người tử tế không khó, dễ lắm. Thật dễ để nói cho người khác biết bạn thương yêu họ như thế nào.

“Dự án này là một cuộc thí nghiệm hoàn toàn thay đổi đời tôi, và cách tôi sống trong cuộc đời còn lại. Nó không tốn một đồng nào hết.

“Ở đâu tôi cũng thấy có tình thương. Tôi mang nó đi mọi nơi. Tôi tìm nó ở mọi nơi. Bạn chỉ cần nhìn là thấy.”

(Photo by E. Jason Wambsgans/Chicago Tribune)


Discover more from Tinh Tấn Magazine

Subscribe to get the latest posts sent to your email.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *