Thuyền từ lướt sóng: Từ ‘Lời Phật Dạy’ tới ‘A Di Đà Kinh’

*Đọc 12 phút*
Bức tranh cổ mô tả cảnh giới Diệu Hỷ ở Đông Phương Thế Giới nơi Đức Phật A Súc Bệ hay Bất Động Như Lai màu xanh ở giữa đương thuyết pháp. (pbworks.com)

Bài ĐỒNG PHÚC

Con đường học đạo của tôi hiện đang dừng chân ở pháp môn Tịnh Độ, một phương pháp tu tập mà một số người thân quen của tôi đã và đang thực hành, và dường như đã đạt được một phần nào đó sự an lạc, thảnh thơi trong cuộc sống dung dị mà tôi hằng ao ước có được cho chính mình. Tôi cũng nhận thấy họ rất tinh cần với nỗ lực triệt để; quyết tâm, quyết chí, không buông lơi chuyện niệm Phật, đêm ngày hành trì tu tập sao cho vững chắc, như thể biết rằng thời hạn sống ở cõi Sa Bà này đang ngắn dần, phải biết quý trọng từng hơi thở đang có để dành hầu hết cho câu “A Di Đà Phật.” Chính tôi cũng niệm Phật, tuy chưa nhiều nhưng đã có lúc nếm được chút đạo vị trong một niềm an lạc bất ngờ.

Với mớ kiến thức Phật học kém cỏi và luôn mong được thu thập thêm để khi bước chân vào chùa hoặc đi nghe giảng pháp mà không bị ngỡ ngàng, tôi đã tìm hiểu về Tịnh Độ. Và ngay bước đầu tôi đã va chạm một bức tường đá, khiến có lúc tôi bị thối chí, tự thấy có lẽ mình chưa đủ duyên để lãnh hội trọn vẹn những tinh túy của pháp môn tuy dễ mà khó này.

Tôi nói vậy là vì tôi đã gặp quý thầy cũng như các đạo hữu trình bày về Tịnh Độ với đức tin cao độ, hết lòng xiển dương pháp môn mà chẳng hề có một chút nghi vấn nào. Tôi cũng từng nghe – và đọc – những vị thầy, các đạo hữu khác bày tỏ ý kiến không mấy tin tưởng ở pháp môn niệm Phật, nếu không nói là xem pháp môn ấy như một “ngoại đạo.” Giữa hai thái cực là một khoảng trống mà tôi từng bị rơi vào, loay hoay tìm một cách nối kết giữa hai quan điểm.

 Lẽ đương nhiên là tôi đã không bỏ cuộc, buông tay dù có hoang mang, thối chí, vì biết rằng đằng sau những thử thách, cản trở ở phía ngoài cánh cửa sẽ là một con đường thênh thang mở rộng để cho tôi được nhìn thấy, được cảm nhận sự mầu nhiệm của pháp môn niệm Phật mà biết bao thế hệ Phật tử đã hành trì, tương tự như khi tôi quỳ lễ Phật lần đầu thì bỗng dưng cổng chùa mở rộng mời đón tôi vào một cõi bao la, giúp tôi tự chọn cho mình một lối sống thanh thoát bên trên một trần thế u trệ mà tôi đã vướng vào.

Và sau suốt mấy tháng trời vật vã với những tài liệu mà, vì cuộc sống tôi chỉ có dịp được học hỏi, nghiên cứu vào những ngày nghỉ hiếm hoi, tôi nghiệm ra một đôi điều, nay xin được kể lại với bạn, từ quan điểm của một kẻ sơ cơ, chân ướt chân ráo mới bước vào cửa chùa, hiểu rằng trước tôi cũng đã có hàng nghìn vạn đạo hữu từng thấy ra những điều mà tôi sắp viết xuống dưới đây. Chắc không có gì mới lạ đối với biết bao người từng đi trước tôi. Có khác chăng là kinh nghiệm của riêng tôi, mong được chia sẻ cùng những ai gặp phải hoàn cảnh tương tự, lấn cấn giữa niềm tin và lý trí.

Tượng đồng Phật Akshobhya ngồi trên ba voi đội vương miện, niên kỷ 800 – 899, trưng tại bảo tàng viện The Metropolitan Museum of Art, New York.

Kinh A Súc Bệ Phật

Một trong những điều từng khiến tôi từng thối chí khi bắt đầu tu tập theo pháp môn Tịnh Độ là một nhận xét của không ít đạo hữu, kể cả của những vị tăng, rằng cách tu tập này là do người Trung Hoa “chế ra,” không phải lời Phật dạy. Rồi khi đọc một số tài liệu, nhất là từ những vị tu theo Phật Giáo Nguyên Thủy (Theravada), và Thiền, tôi bị chao đảo, nhận thấy rằng A Di Đà Kinh (Shukavativyuha) – nền tảng của Tịnh Độ – truyền đạt những ý tưởng xem ra thì thật quá xa lời Phật dạy trong Kinh Pháp Cú.

Kinh Pháp Cú (Dhammapada), hay Lời Phật Dạy, là kinh giản lược từ Bộ Kinh A Hàm (Agama), trích dẫn những lời Phật Thích Ca Mâu Ni (Sakyamuni) nói khi còn hiện tiền. Những lời khuyên bảo của Phật Thích Ca được ghi chép lại trong Dhammapada thường rất cô đọng, có tính chiêm nghiệm, khô khan, và là kinh gối đầu cho người tu hành theo trường phái Nguyên Thủy.

Trong khi ấy, Kinh Shukavativyuha của trường phái Phật Giáo Phát Triển (Mahayana) có hai tập kinh, gồm đại bản là Phật Thuyết Vô Lượng Thọ Kinh, và tiểu bản là Phật Thuyết A Di Đà Kinh, và thêm tập thứ ba là Quán Vô Lượng Thọ Kinh. Ba kinh này đều nhắc tới Phật A Di Đà và cõi Cực Lạc của ngài, nên được gom chung vào bộ Kinh Shukavativyuha.

Khác với những lời răn dạy cô đọng trong Kinh Pháp Cú, tiểu bản Phật Thuyết A Di Đà Kinh thường được tụng trong lễ cầu siêu ở chùa đã mô tả một thế giới lung linh, huyền ảo nơi mà “trên thềm đường có lầu gác cũng đều nghiêm sức bằng vàng, bạc, lưu ly, pha lê, xa cừ, xích châu, mã não,” và “Cõi đó thường có những giống chim mầu sắc xinh đẹp lạ thường, nào chim Bạch Hạc, Khổng Tước, Anh Võ, Xá Lợi, Ca Lăng Tần Già, Cộng Mạng; những giống chim đó ngày đêm sáu thời kêu tiếng hòa nhã.”

Có lẽ vì sự chuyển hướng quá xa từ tinh thần tự lực, tự tu trong Kinh Lời Phật Dạy đến sự nương tựa tha lực trong Kinh A Di Đà, nên một số người cho rằng pháp môn Tịnh Độ là một phương pháp tu lấy ý từ ngoại đạo. Trong thập niên 1920, tức là gần một thế kỷ trước đây, sử gia người Anh Sir Charles Eliot chuyên nghiên cứu về Tịnh Độ ở Nhật Bản đã gợi ý rằng pháp môn này không đúng với tinh thần Phật Giáo.

Đây là một sự tranh cãi đã có từ gần hai ngàn năm qua, khi mà pháp môn Tịnh Độ từ xứ Ấn được truyền lên Tây Bắc Ấn Độ, qua các xứ mà ngày nay là Pakistan, Iran, và Afghanistan, và từ đó đến Trung Hoa.

Tôi được biết pháp môn Tịnh Độ xuất xứ từ Ấn Độ qua những bài nghiên cứu của bà Jan Nattier, một học giả Mỹ chuyên nghiên cứu về Phật Giáo Phát Triển. Vào năm 2000, tạp chí Phật Học The Journal of the International Association đã đăng bài Cõi Phật A Súc Bệ: Phần Thất Lạc Trong Lịch Sử của Tịnh Độ (The Realm of Aksobhya: A Missing Piece in the History of Pure Land Budhhism).

Bà Jan Nattier giảng tại Chương Trình Tiến Sĩ Phật Học của trường Mahidol University, Thái Lan tháng Hai, 2018. (Facebook)

Qua một bài viết dày 32 trang, bà Jan Nattier đã trình bày sự nối kết giữa những bộ kinh của Phật Giáo Nguyên Thủy từ Ấn Độ, tiêu biểu là Kinh Pháp Cú, với bộ kinh A Di Đà được phổ biến rộng rãi từ Trung Hoa đến Nhật Bản, Đại Hàn, và Việt Nam. Nhờ bài viết của bà Jan Nattier mà tôi tìm hiểu thêm về Kinh A Súc Bệ Phật (Aksobhyavyuha) và được biết rằng kinh này đã được Hòa Thượng Thích Trí Tịnh dịch sang tiếng Việt từ bản Hán văn gọi là Pháp Hội Bất Động Như Lai. Phật A Súc Bệ chính là Bất Động Như Lai.

Điều mà bà Jan Nattier muốn chứng minh là Kinh A Di Đà không lấy ý từ ngoại đạo, mà đã có sẵn trong nguồn gốc từ Phật Giáo Ấn Độ được khai triển qua Kinh A Súc Bệ đến Kinh A Di Đà. Trong cõi Phật A Súc Bệ ở phương Đông có thế giới Diệu Hỷ (Abhirati) tương đương với thế giới Cực Lạc trong cõi Phật A Di Đà (Amitabha) ở phương Tây. Bà Nattier nói rằng từ bấy lâu nay các học giả ở Tây Phương cũng như ở Á Châu đã nghiên cứu rất nhiều về Phật A Di Đà nhưng lại không mấy chú trọng đến Phật A Súc Bệ. Thế nên nỗ lực nghiên cứu về “phần thất lạc” cõi giới của Phật A Súc Bệ của bà là nhằm đóng góp thêm cho sự hiểu biết về cõi giới của Phật A Di Đà.

Nghiên cứu của bà Nattier cho thấy hầu hết những chi tiết trong cảnh giới Cực Lạc đều được gián tiếp nhắc tới trong Diệu Hỷ. Qua Kinh A Di Đà thì những chi tiết này được nhấn mạnh, và đặc biệt là yếu tố “vô lượng quang.” Kinh A Súc Bệ nói nhiều về nỗ lực hy sinh, hiến thân của ngài Bồ Tát A Súc Bệ để thành Phật, và yếu tố ánh sáng không thấy nói tới trong thế giới Diệu Hỷ khi ngài thành Phật. Kinh A Súc Bệ cũng không nói đến sự việc Phật trợ giúp các chúng sanh tu Bồ Tát Giới trong Đông Phương Diệu Hỷ. Trong khi đó, Kinh A Di Đà đã được chuyển hướng và nhấn mạnh đến yếu tố trợ lực của Phật A Di Đà dành cho những ai thành tâm niệm danh hiệu ngài.

Bà Nattier nhận xét sự trợ lực này chính là yếu tố giúp Kinh A Di Đà được phổ biến mạnh và rộng rãi đến các quốc gia trong hơn ngàn năm qua, trong khi Kinh A Súc Bệ đã lùi dần vào quá khứ đến độ quên lãng trong kinh điển Phật Giáo Phát Triển. Bà cũng nhận thấy Tịnh Độ, hay Pure Land, là danh từ Trung Hoa không có gốc dịch từ tiếng Phạn. Trong khi Diệu Hỷ có gốc tiếng Phạn là Abhirati.

Trở lại với toàn bộ kinh A Di Đà gồm ba tập. Tập đại bản Phật Thuyết Vô Lượng Thọ Kinh có tới 12 bản dịch mà nay chỉ còn năm bản dịch của các ngài Chi Lâu Ca Sấm (Lokaksema), Chi Khiêm (Chih Ch’ien), Trúc Pháp Hộ, Khang Tăng Khải (Samghavarman), Bồ Đề Lưu Chí (Bodhiruci), và Pháp Hiền (Dharmadeva) từ năm 147 đến 713 sau Công Nguyên.

 Tiểu bản Phật Thuyết Kinh A Di Đà do ngài Cưu Ma La Thập (Kumarajiva, 343-413) dịch từ tiếng Phạn sang tiếng Trung Hoa vào khoảng năm 402.  Ngài Huyền Trang (Hsuan Tsang) cũng dịch kinh này vào năm 650.

Về Quán Vô Lượng Thọ Kinh tiếng Hán, các sử gia chưa tìm ra bản tiếng Phạn. Kinh này nói về nguồn gốc của Tịnh Độ do Đức Phật Thích Ca thuyết cho bà Hoàng Hậu Vaidehi (Vi Đề Hi) nghe về các quốc độ tốt đẹp hơn thế giới mà bà đang sống. Lúc ấy hoàng hậu đang đau khổ vì Vua Bimbisara (Tần Bà Sa La) đang bị giam và cuối cùng bị giết bởi Thái Tử Ajatashatru (A Xà Thế). Chính bản thân hoàng hậu cũng suýt bị con giết, nên bà tìm đến Phật Thích Ca. Bà nghe Phật nói về các quốc độ tốt đẹp hơn, và bà chọn quốc độ của Phật A Di Đà để vãng sanh.

Tượng ngài Cưu Ma La Thập (Kumarajiva) ở cố vương quốc Kucha nay thuộc về Tân Cương, Trung Quốc. (buddha followcn.com)

Niềm tin và trí tuệ

Đến đây tôi đã có được một phần nào kiến thức về Kinh A Di Đà, về mối liên hệ giữa Phật A Di Đà với Phật A Súc Bệ, và hiểu được nguyên nhân đưa đến sự phát triển cần thiết của pháp môn Tịnh Độ trong giai đoạn Phật Giáo cần chuyển hóa để tồn tại trước sự xâm hại của ngoại lực, không thể tiếp tục giữ chặt lấy những giáo lý nguyên thủy làm phương tiện giải thoát cho một thiểu số, mà cần mở rộng đạo pháp hầu cứu giúp đa số chúng sanh trong nhiều thế hệ nối tiếp được thoát vòng sinh tử luân hồi.

Mà hành trình tu tập để được giải thoát và thành Phật quả là quá khó khăn, đòi hỏi sự hy sinh tột cùng của một hành giả nguyện tu theo Bồ Tát Giới trong nhiều đời nhiều kiếp. Ở cõi giới có Phật thì sự tu hành sẽ mau đạt đạo hơn, như ở thế giới Diệu Hỷ của Phật A Súc Bệ, thế giới Cực Lạc của Phật A Di Đà, và ở vô lượng thế giới có Phật trong mười phương. Nhưng muốn về được những cõi ấy thì một hành giả phải đặt hết niềm tin ở Đức Phật và cần sự trợ lực của Ngài.

Sanh ra ở cõi Sa Bà này, với nghiệp chướng sâu dày, lại ở cõi giới không có Phật và phải đợi đến muôn triệu năm nữa Phật Di Lặc mới xuất hiện, một hành giả khó có thể tự mình đạt được ước nguyện thành Phật nếu không có sự trợ lực để được vãng sanh về một nơi có Phật.

Tại Nhật Bản, ngài Kiyozawa Manshi (1863-1901), một tăng sĩ Phật Giáo thông suốt những triết lý Tây Phương khi nước Nhật mở cửa sau gần ba thế kỷ bế quan tỏa cảng để đón tiếp nền văn hóa Âu Châu, đã ẩn tu một thời gian đến mức độ chỉ ăn trái thông trong rừng để sống còn, cuối cùng phải kết luận rằng một hành giả mà nếu chỉ tin vào tự lực thì sẽ đi đến sự bất lực trước một bản ngã muốn tự giải thoát, và hành giả cần buông bỏ cái tôi để có thể nương tựa vào sự trợ lực của một đấng toàn năng hầu được thoát vòng sinh tử luân hồi. Sau cuộc thực nghiệm ẩn tu này, ngài Kiyozawa đã đề cao pháp môn Tịnh Độ với các Phật tử Nhật.

Tranh vẽ Phật A Di Đà cùng 25 vị Bồ Tát tiếp dẫn chúng sanh tại chùa Nhật Bản Komyo-ji, Kamakura. (Jodo Shu Research Institute)

Trong cuốn Niệm Phật Thập Yếu, Hòa Thượng Thích Thiền Tâm (1925-1992), một vị tăng có công xiển dương pháp môn Tịnh Độ tại Việt Nam, có đưa nhận xét như sau: “Tịnh Độ với Thiền Tông thật ra chẳng thấp cao hơn kém. Nhưng luận về căn cơ thì Thiền Tông duy bậc thượng căn mới có thể được lợi ích; còn môn Tịnh Độ thì gồm nhiếp cả ba căn, hạng nào nếu tu cũng đều dễ thành kết quả. Luận về thời tiết thì thời mạt pháp này, người trung, hạ căn nhiều, bậc thượng căn rất ít nếu muốn đi đến thành quả giải thoát một cách chắc chắn, tất phải chú tâm về Tịnh Độ pháp môn. Đây do bởi lòng đại bi của Phật, Tổ, vì quán thấy rõ thời cơ, muốn cho chúng sanh sớm thoát nỗi khổ luân hồi, nên trong các kinh luận đã nhiều phen nhắc nhở.”

Ngài Thiền Tâm cũng nêu ra nhiều trường hợp những bậc cao tăng trong Thiền Tông như các ngài Liên Trì, Triệt Ngộ, Ngẫu Ích, và Kiên Mật ở bên Trung Hoa trở thành các vị Tổ Tịnh Độ cũng vì các ngài đã có “lòng đại bi” với chúng sanh ở thời mạt pháp.

Tại Nhật Bản, vị tăng khai sáng pháp môn Tịnh Độ là ngài Genku Honen (1133-1212), Việt dịch là Pháp Nhiên Thượng Nhân. Trước khi xiển dương pháp môn Tịnh Độ, ngài Pháp Nhiên Thượng Nhân đã tu học với các bậc cao tăng môn Thiền, thông thạo hết các Kinh Phật Giáo đến mức thuộc làu và được mệnh danh là “Đệ Nhất Trí Tuệ” Phật học trong thời của ngài. Vậy mà trong gần 40 năm còn lại của cuộc đời, ngài Pháp Nhiên Thượng Nhân chỉ khuyên các Phật tử hãy thuộc nằm lòng câu “Namu Amida Butsu,” tức là sáu chữ “Nam mô A Di Đà Phật.”

Ngài Ấn Quang Đại Sư (1860-1940), vị tổ thứ 13 pháp môn Tịnh Độ tại Trung Hoa, đã khẳng định về Tịnh Độ như sau, “Thuốc không có quí tiện, hễ trị lành bệnh là thuốc quí. Phật pháp không có ưu liệt, hay dở, phàm ứng hợp với căn cơ tự nhiên sẽ phát sanh diệu dụng, tức thuộc diệu pháp.

“Ngày xưa, căn tính con người thù thắng, nhiều tri thức, do đó, bất cứ tu theo pháp môn nào cũng có thể thành đạo chứng quả. Đời nay, căn tính con người ngày càng lậu liệt, tri thức thưa thớt, vì thế, nếu không có pháp môn Tịnh Độ thì không sao giải thoát được.”

Duy Tuệ Thị Nghiệp. Một lời khuyên mà hầu như ai cũng thấy khi bước vào cổng chùa. Tuệ đây từng được tôi nghĩ một cách thô thiển là những kiến thức thâu thập được từ những pho kinh, những quyển sách, những buổi thuyết pháp về giáo lý đạo Phật, tức là phần lý luận mà một người Phật tử cần nên biết. Thế nhưng qua những trải nghiệm tâm linh dù còn rất sơ cơ của tôi trên đường tu tập ở chùa cũng như tại nhà, như ngồi thiền, tụng kinh, và niệm Phật, dần dần tôi nghiệm ra “cái phần lý luận” kia chỉ là những gì mà một người nghiên cứu Phật học trung bình nào cũng có thể thu thập, trong khi Tuệ thật sự là phần Trí Tuệ mà hành giả chỉ có thể có được qua sự tu tập của chính mình. Tuệ đó mới chính là sự sâu mầu “bất khả tư nghì” mà một cá nhân có thể thực chứng khi thực hành một pháp môn hợp với căn cơ của mình.

Và, chính nhờ cái Tuệ đó mà tôi nhận chân được pháp môn niệm Phật đang trở thành một “diệu pháp” cho một chúng sanh thuộc loại “hạ căn” như tôi.

Bài viết này, theo một cách nói, chỉ làm công việc mở một cách cửa đã mở sẵn. Mượn ý và lời của Nguyễn Du tiên sinh “Lời quê chấp nhặt dông dài,” tôi chỉ mong sao những trình bày thô thiển bên trên của tôi sẽ được các bạn tu đồng cảnh đón nhận với lòng thông cảm để cùng nhau tiến tu. Thế thôi. A Di Đà Phật.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *