Mẹ hiền Quan Thế Âm ở hai ngôi chùa Riverside

*Đọc 9 phút*

Quán Thế Âm tại chùa Văn Thù, Riverside (Hình: Nguyễn Thị Thêm)

Bài Tâm Hạnh NGUYỄN THỊ THÊM

Vùng tôi ở có hai ngôi chùa. Ở cả hai nơi, chùa miền quê chúng tôi không giàu, không đồ sộ nhưng rất là đúng với câu” Mái chùa che chở hồn dân tộc..” Thầy và các Phật tử đùm bọc gắn bó, tạo cho chùa có một sức sống đầy yêu thương và niềm vui an lành trong Đạo Pháp.

Ngôi chùa thứ nhất là chùa Văn Thù do thầy Quảng Phú trụ trì. Thầy còn trẻ nhưng uyên bác. Giọng tụng kinh rõ ràng, âm điệu lên xuống đều đặn. Thầy có nhiều bài giảng rất hay. Những ngày Tết đi lễ chùa, gặp thầy nơi chánh điện thế nào thầy cũng đích thân thỉnh chuông để Phật Tử lạy Phật đầu năm. Sau đó là thầy mời ngồi và tặng cho một bài Pháp về Xuân.

Sau rất nhiều khó khăn và trắc trở, ngôi chùa Văn Thù mới có được cơ ngơi như ngày nay. Thật ra, cũng chẳng có cơ ngơi gì lớn. Chỉ một nhà nhỏ để thầy cư ngụ, một hội trường chánh điện để lễ Phật và nghe Pháp. Đàng sau chánh điện là nhà tổ và thờ vong. Nhà bếp và dãy nhà ăn nối liền bên hông chánh điện. Chừng đó thôi, nhưng ấm cúng và tràn ngập niềm an lạc.

Cái nổi bật của chùa Văn Thù và tôn tượng Đức Quán Thế Âm Bồ Tát. Tượng được Phật Tử trong vùng đóng góp cúng dường với tất cả lòng thành kính. Đích thân thầy Quảng Phú chọn mẫu và về Việt Nam theo dõi công trình.

Tượng cao và uy nghi. Dung mạo Quan Âm thật đẹp, từ bi và sống động. Tượng được đặt ở cuối sân chùa, một nơi khá yên tịnh và trang trọng. Khuôn viên đó được trồng hoa, cây kiểng mỹ thuật để Phật tử đến chiêm bái và thưởng ngoạn. Tượng được đặt trên một bệ cao xây chắc chắn. Phía trước tượng một gốc cây thật to được tạo thành bàn để lư hương, đèn hoa cúng Phật. Nền tráng xi măng sạch sẽ. Một tấm thảm được trải sẵn để Phật Tử đến đốt hương lễ bái. Ai đến chùa Văn Thù lạy Phật trong chánh điện xong cũng đều đến lễ Quán Âm.

Câu chuyện ngày an vị Quán Âm đã là một câu chuyện về những hiện tượng lạ được lan truyền khắp trong vùng. Ngày đó tượng đem về được bọc bằng một lớp vải dầy để bảo vệ tượng khỏi bị bụi hay mưa ướt. Khi cần cẩu nâng tượng đặt lên trên bệ, trời không được trong lắm. Nhưng đúng lúc tấm vải vừa được kéo xuống khỏi thân tượng, mặt trời chói lòa, nắng lên chói chang. Tượng tỏa hào quang sáng ngời, lấp lánh rực rỡ. Mọi người đứng đó đều bất ngờ sửng sốt. Hiện tượng kéo dài một hồi rồi hết. Phật tử vui mừng trước sự linh ứng kêu nhau ra xem và chấp tay niệm danh hiệu Quán Thế Âm liên tục.

Những gia đình người Mỹ ở xung quanh chùa trước kia rất khó chịu mỗi khi lễ lớn. Họ thường phàn nàn khi thấy nhiều người Á Châu tới lui, nhiều xe đến đậu đầy nghẹt cả hai bên đường, phá tan không gian yên tĩnh của khu vực. Thế nhưng từ hôm chùa An Vị tượng Quán Âm, những người dân xung quanh thấy hiện tượng lạ linh hiển, họ vô cùng ngạc nhiên và trở nên dễ dãi thân thiện hơn. Những rắc rối chỗ đậu xe không còn là vấn đề lớn. Thầy trụ trì cũng nhẹ được một gánh nặng và nỗi lo âu mỗi lần có đại lễ.

Tượng Quán Âm an vị xong ngôi chùa như có thêm sức sống. Những sinh hoạt gia đình Phật Tử hay lớp học Việt Ngữ cũng đông vui và khởi sắc hơn. Phật tử quanh vùng thường đến chiêm ngưỡng và lễ bái. Khung cảnh trang nghiêm, không gian tĩnh lặng, mọi người an lạc khi chấp tay niệm danh hiệu Ngài.

Theo nhiều người kể lại, mỗi khi gia đình hay bản thân họ có những điều không giải quyết được, họ đến chiêm bái và cầu xin Quán Thế Âm Bồ Tát phò hộ được tai qua nạn khỏi. Khi hỏi họ kết quả ra sao? Họ đều nói nhờ Quán Âm linh ứng, những việc khó khăn đều được qua một cách suông sẻ, bình an.

Ngoài ngôi chùa Văn Thù, vùng tôi ở còn có thêm một ngôi chùa nghèo nữa: Chùa Phật Tuệ.

Sân Chùa Phật Tuệ (NTT)

Chùa Phật Tuệ thấm thoát đã qua gần 10 năm nếu tôi nhớ không lầm. Thầy Quảng Trí là sư trụ trì ngôi chùa này. Thầy là một nhà Sư xuất gia khi tuổi còn rất trẻ. Thầy được qua Ấn Độ tu học một thời gian khá dài. Khi về lại Mỹ thầy muốn tìm một nơi thanh tịnh để hoằng dương Phật Pháp.

Nhờ phước duyên của Phật Tử nơi này, miếng đất rộng thênh thang, đầy cỏ dại đã hợp ý thầy Quảng Trí. Thế đất ở đây rất đẹp, có thấp có cao tiềm năng rất tốt để lập chùa. Có lẽ vì đất hoang vu nên người chủ đã bán với giá rẻ. Em gái thầy đứng ra mua để thầy gieo duyên với Phật tử theo ý nguyện.

Thầy đến đây không quen biết ai, gia đình đều ở trên Los Angeles. Một mình thầy vật lộn với khu đất um tùm đầy cỏ dại và ngổn ngang bao nhiêu thứ phế thải. Tiếng lành đồn xa, những người có tâm tìm đến làm công quả, giúp thầy khi rảnh rỗi hay cuối tuần.

Phải có một chánh điện để thờ Phật. Thế là căn nhà kho trên đồi được khởi công sửa sang đầu tiên. Chùa nghèo, Phật tử cũng nghèo nên khi mới thành lập, chánh điện chỉ có một ông Phật thật hiền đứng ở trên bệ thờ. Mỗi thứ Bảy và Chủ Nhật những người thanh niên, trung niên, lão niên hì hục cuốc đất, đào hố, trộn hồ, khuân đá… làm việc cật lực. Các chị đến nấu nướng phục vụ ăn uống và làm việc nhẹ. Thầy với bộ đồ vàng bạc màu, cái nón rơm lụp xụp lúc nào cũng hì hục ngoài vườn. Ngày qua ngày, mảnh đất thành khoảnh, cây trồng bén rễ, hoa lá đơm bông, những công trình lớn nhỏ từng bước thành hình.

Nhà kho nằm trên đồi cao bây giờ là chánh điện khang trang để Phật Tử đến lạy Phật mỗi ngày. Tượng Phật được thỉnh về to hơn, sự bài trí mỹ thuật đậm nét thiền nhàn. Xung quanh chùa đã được trồng cây cảnh và 18 vị La Hán đã được an vị với những thế đứng, ngồi đặc biệt.

Kho chứa phân hôi hám ngày nào bây giờ là hội trường khang trang, rộng rãi, đầy đủ tiện nghi. Đây cũng là nơi có bàn ghế để các cháu học Việt Ngữ hàng tuần.

Nhờ sự gia hộ của Phật, sự bảo vệ của các vị Hộ Pháp, chùa mỗi ngày lớn mạnh. Các Phật Tử đóng góp tịnh tài và thầy đặt làm một pho tượng Quan Âm và 18 vị La Hán.

Thầy Quảng Trí về Việt Nam mang một nhiệm vụ rất lớn mà tất cả Phật Tử hướng về Thầy. Thầy lăn lội đi nhiều nơi, nhiều chỗ, chọn mẫu đẹp nhất và đắc ý nhất để đặt thợ làm.

Chùa nghèo, Phật Tử cũng không giàu có. Đặt làm tượng tại VN, chuyển lên tàu về Mỹ và an vị không phải là việc dễ dàng nhất là vấn về kinh phí. Nhiều việc nảy sinh khó khăn tưởng chừng không thể nào thực hiện được. Nhưng nhờ Phật độ trì, sự quyết tâm và lòng tin vô đối của Phật Tử, tất cả đều được giải quyết tốt đẹp không ngờ. Ngôi chùa Phật Tuệ đã có một tượng Phật Quan Âm uy nghi đứng giữa sân chùa phía trước hội trường. Mười-tám vị La Hán được an vị rải rác quanh khuôn viên chùa. Những bài chú, những câu kinh viết theo kiểu thư pháp thật đẹp khắc trên đá của sư cô Hòa.

Những ngày Lễ Trung Thu hay Tất niên thường được Thầy và các sư cô tổ chức vào buổi chiều. Phật tử và con em cùng về quây quần dưới chân tượng Quán Thế Âm Bồ Tát. Cùng nhau đốt lửa sưởi ấm, nướng bắp, xay nước mía, làm đá bào, kẹo bông gòn và rất nhiều thức ăn chay. Sư cô và các phụ huynh hướng dẫn các cháu rước đèn, ca hát, kể chuyện thật vui và hào hứng. Dưới ánh lửa bập bùng, tượng Quán Âm uy nghi được chiếu rọi bởi ánh trăng tròn vành vạnh. Cảnh đẹp tuyệt vời và ấm cúng biết bao nhiêu. Tôi có ý nghĩ mẹ hiền Quán Âm đang nhìn chúng tôi với một nụ cười vị tha, bao dung và che chở.

Sân chùa có bức tượng Quan Âm như trong nhà có mẹ hiền luôn yêu thương, săn sóc và bảo vệ con cái. Ngài đem ánh mắt, nụ cười và trái tim từ bi, rải nước Cam Lồ đến cứu vớt mọi chúng sinh. Nét bình an và thanh tịnh của Ngài đã đem lại sự an lành và phước báo cho ngôi chùa Phật Tuệ.

Trong số chúng sinh từng được trái tim từ bi của ngài cứu vớt chắc chắn có tôi.

Sau 30/ 4/1975, trôi dạt về quê chồng ở Quảng Trị, tôi bị chánh quyền mới không cho dạy học và bắt làm lao động hợp tác xã nông nghiệp.

Chồng tôi đã khăn gói đi tù CS. Mẹ chồng đau bệnh nằm một chỗ. Đứa con gái lớn ho và ói liên tục, người xanh xao tưởng chừng không qua khỏi. Con bé em lên ban trắng sốt nằm li bì, không ăn, không bú mẹ. Tôi lâm vào bước đường cùng, cô đơn không biết xoay sở ra sao khi mình đang làm dâu xứ lạ.

Một đêm, tôi ra giữa sân quỳ xuống vái tứ phương. Tôi xin Phật Tổ Như Lai, Quán Thế Âm Bồ Tát chỉ cho tôi một con đường sống. Tôi khẩn cầu nếu hai đứa con gái đang bệnh nằm trong nhà, đứa nào tới số xin rước đi sớm để tôi chuyên tâm lo cho đứa còn lại.

Sáng sớm tôi ra vườn, hái đủ loại rau có thể ăn được kể cả dây tơ hồng, cây mắc cỡ, dây nhãn lồng, cỏ vườn chầu… Tôi đem vào phơi hơi héo, rang thủy thổ rồi nấu nước cho ba người bệnh cùng uống. Tôi nhủ thầm “Bước đường cùng, hên xui, may rủi, phó thác cho trời. Chứ uống xuyên tâm liên hoài cũng vậy mà thôi.” Thật là mầu nhiệm, con gái lớn tôi hết ói, giảm ho. Bé nhỏ bớt sốt và mẹ chồng tôi cũng bắt đầu ăn cháo ngon miệng. Tôi không cắt nghĩa được lý do ở đâu, loại cây lá gì đã đẩy lui cơn bệnh. Tôi chỉ tạ ơn Trời Phật đã gia ơn, ban phước cho mình.

Tôi nhớ một lần tôi bị đụng xe. Trong cái sát na bất ngờ đó tôi ngất đi một chút. Lúc tôi định hồn thì xe cảnh sát đã đến, họ dìu tôi xuống xe. Tôi lo lắng nhìn con, cháu và rối rít hỏi chúng có sao không?

Nhân viên cấp cứu không cho tôi động đậy, họ bắt tôi nằm im và dùng kéo cắt y phục tôi để cấp cứu. Họ nói với tôi mọi người đều OK, đừng lo lắng nhiều. Hình như đầu tôi bị chảy máu nên họ không cho tôi nhúc nhích. Họ đặt tôi lên băng ca và chở vào bệnh viện.

Trong đầu tôi nghĩ, con và cháu không sao là được rồi. Mọi con người đều có số mạng, cái gì tới sẽ tới. Tôi nhắm mắt lại, tâm niệm Phật A Di Đà và Quán Thế Âm Bồ Tát theo nhịp thở hít vào, thở ra. Tôi cố gắng tránh mọi suy nghĩ viển vông, chỉ nhất tâm niệm Phật để ổn định nhịp đập tim mình. Khi vào phòng cấp cứu và suốt quá trình gần một tuần lễ Bác Sĩ theo dõi, chụp hình, CAT scan đầu… tôi đã tai qua nạn khỏi. Tuy đau đớn vì vết thương ở ngực do dây belt siết mạnh, nhưng tôi không lo sợ hay hoảng loạn nhiều. Tôi nghĩ khi mình hướng về một điều tốt lành, tâm không rối loạn, bớt những tạp niệm thì sẽ an lạc bình tĩnh hơn.

Trong lúc chúng ta gặp biến cố hay đau khổ cùng cực. Ta cần có một điểm tựa, một niềm tin để hướng tới. Tự khắc không cần ai ai nhắc chúng ta cũng niệm danh hiệu Quán Thế Âm Bồ Tát với tất cả lòng thành. Danh hiệu Ngài, hình ảnh Ngài luôn hiện lên trong tâm mỗi người Phật Tử. Chúng ta không ỷ lại, không tham lam xin xỏ. Không phải lúc cần thiết mới réo gọi để Ngài gánh vác mọi khó khăn cho ta. Mà ngài như là người Mẹ hiền mà ta muốn nương tựa, gửi gắm tâm sự. Ta hết mực kính yêu, chiêm bái và cố gắng làm tốt bản thân mình.

Quán Thế Âm Bồ Tát là mẹ hiền của tất cả chúng ta. Bất cứ ai cần tới Ngài là bằng cách này hay cách khác Ngài hóa thân giúp đỡ. Biết bao con thuyền vượt biên, biết bao con người gặp cảnh khốn cùng đã thoát khỏi tai ương nhờ niệm danh hiệu Ngài. Với 12 đại nguyện, ngài đã có 33 hóa thân để giúp chúng sinh vượt qua mọi hiểm nguy, biến cố.

Ngài là Mẹ Hiền. Ngài là Đấng Đại Từ, Đại Lực, Đại Từ Bi.

Nam Mô Cứu Khổ Cứu Nạn Quán Thế Âm Bồ Tát.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *