Bài HUỆ ANH
Chắc hẳn là ai trong chúng ta cũng biết đến biển cả. Đó là một món quà quý giá mà thiên nhiên đã ban tặng cho cuộc sống. Biển cũng là nơi chứa nước, giống như ao, hồ, sông, suối, là nơi quy tụ của tất cả các dòng sông, nhưng nó còn mang trong nó những bản tính đặt biệt mà chỉ bản thân nó mới có thể có.
“Non và biển giúp ta thêm bài học
Non muốn cao lên non đứng một mình
Biển bao la nhưng biển thật hữu tình
Đã thu góp vào lòng bao sông sạch.”
Thật vậy! Biển rộng lớn mênh mông, không có giới hạn, thật đầy hữu tình, có biết bao điều thú vị. Đứng ở mép nước nơi thủy triều lên xuống, nhìn ra phía xa xa tôi cứ nghĩ nơi cuối cùng ở cuối biển kia dường như đã hợp nhất với chân trời cao xa. Tôi nghĩ rằng: Nếu cứ theo những con sóng nhấp nhô, lăn tăn kia đi mãi thì tôi có thể chạm được đến chân trời. Vũ trụ bao la như đang hòa quyện vào nhau, tôi – một người phàm trần nhỏ bé đang hợp nhất vào đó. Đứng trước biển cả mênh mông bao la của vũ trụ tôi cứ thấy mình dường như chỉ là một dấu chấm bé nhỏ giữa thế giới rộng lớn ấy, bị sóng biển đánh tan thành vô số hạt cát trắng trên bãi bờ. Bình minh trên biển cả như một hạt huyết châu rực rỡ, mặt trời lên soi rọi cho biển cả, toàn bộ sắc nước cảnh vật đều hiện rõ trong ánh sáng chói lọi của mặt trời như ánh trí tuệ của Phật có thể thắp sáng chiếu soi cho những chúng sanh đang chìm trong giấc ngủ đang say giấc trong những nơi u minh, tăm tối, những đọa lạc của cuộc đời của nghiệp áo xấu ác. Rồi khi màn đêm buông xuống, giữa màn đêm âm u ấy lại có điểm xuyết những ánh sao lấp lánh trên bầu trời, vài ánh sáng lóe lên từ những con tàu phía xa xa trên mặt biển.
Biển rộng lớn bao la trong lòng đại dương chứa đựng biết bao điều huyền bí và thích thú. Biển cả dung nạp mọi thứ từ thực vật cho đến động vật, từ những loài to lớn hình thù quái dị đến những loài nhuyễn thể, những loài có kích cỡ nhỏ bé xinh xắn. Giống như biển Phật Pháp, dung nạp tất cả chúng sanh tùy theo căn tánh của mỗi loài. Xem tất cả chúng sanh đều đồng một thể tánh bình đẳng đó là Phật Tánh
Biển rộng bao la được ví như tình cảm thiêng liêng cao cả của cha mẹ. Ca dao Việt Nam có câu:
“Biển đông có lúc vơi đầy
Chứ lòng cha mẹ biển trời nào dâng.”
Thật vậy! Làm sao kể hết công ơn của mẹ, làm sao có thể tính đến công đức sinh thành dưỡng dục của cha, làm sao đo lường được tình cảm yêu thương mà cha mẹ đã dành cho chúng con, làm sao báo đáp được những hy sinh, những mất mát mà cha mẹ đã vì chúng con. Những lúc tuyệt vọng, khổ đau nhất trong đời, những khi tất cả mọi người, mọi thứ trong cuộc sống đều quay lưng lại với con, con sẽ không nản lòng, sẽ đến bên bờ biển, ngồi lắng nghe tiếng sóng biển vỗ bờ rì rào. Từng cơn sóng biển lăn tăn đua nhau ập vào bờ, trườn bò lên bãi cát, tiếng sóng biển hòa cùng tiếng gió vi vu. Nhắm mắt lại, lắng tâm nghe và hít một hơi thật sâu con thấy dường như mọi ưu phiền trong con đều tan biến, mọi ghánh nặng trong tâm hồn như nhẹ nhõm, lắng nghe được tiếng lòng của bản thân. Hoặc con sẽ khóc, cứ khóc để nỗi buồn cùng sự tuyệt vọng được vơi đi. Nước mắt mặn như nước biển, phải chăng khi con khóc, lòng mẹ hiền cũng đau như cắt, nước mắt mẹ rơi xuống đồng cảm cùng với nỗi khổ của con. Con sẽ áp mặt xuống biển để cảm nhận được vòng tay mẹ đang ôm con vào lòng, để thấy được đôi tay ấm áp của mẹ vuốt ve má con, lau những dòng nước mắt trên đôi gò má ấy. Biển cả ôm lấy con như tay mẹ âu yếm, vỗ về khi còn bé, con biết: “Dẫu con có đi xa, con có vấp ngã bao lần trên đường đời, khi trở về với mẹ, mẹ vẫn luôn dang rộng vòng tay ôm ấp con, sẽ không ghét bỏ con, sẽ luôn xem con là đứa con bé nhỏ thuở nào của mẹ! Lòng đại từ đại bi của chư Phật, Bồ Tát đối với muôn loài chúng sanh không những như vậy mà còn hơn thế nữa.Trong Kinh Lương Hoàng Sám có dạy: “Các Đức Phật thương sót chúng sanh còn hơn cha mẹ thương con. Cha mẹ thương con chỉ trong một đời, Phật thương chúng sanh tâm không cùng tận.” Lòng đại từ bi của chư Phật và Bồ Tát đối với tất cả chúng sanh rộng lớn vô biên, không ngằn mé, không phân biệt bất kể một chúng sanh nào như biển cả bao la dung nạp hết thảy chúng sanh.
Tất cả chúng sanh dược biển lớn dung nạp đều mang trong mình cộng nghiệp nên sống chung với nhau nơi biển cả, nhưng mỗi loài mỗi cá thể đều có những nghiệp riêng của mình đó là biệt nghiệp. Chính vì biệt nghiệp nên mỗi loài đều có những tập tính sinh hoạt riêng, phù hợp với từng loại thức ăn khác nhau, có loài ăn thực vật, có loài ăn động vật, sống theo phân tầng của đại dương, chẳng hạn loài sống phụ thuộc vào dòng chảy đại dương, loài thích nghi ở dưới đáy đại dương. Tùy theo từng loài mà biệt nghiệp mang lại cho chúng những điều tốt lành hay khổ đau cũng như cách thoát khỏi khổ đau. Chúng sanh trong chốn hồng trần này cũng thế, có người giàu sang hạnh phúc, lại cũng có người giàu có của cải đầy nhà nhưng mặt luôn nhuộm đầy nước mắt trái lại còn có nhiều hoàn cảnh không một chức quyền, địa vị cũng không có của cải dư thừa nhưng họ có thể ngày ngày mỉm cười, hạnh phúc ấm áp bên những người mà họ yêu thương, cũng có những mảnh đời bất hạnh khiến họ không còn thấy ý nghĩa cuộc đời mà sống. Với mỗi trường hợp trên ta phải dùng phương pháp khác nhau hướng dẫn họ để họ tu tập, tùy theo căn cơ mỗi chúng sanh dẫn dắt họ đến với mỗi pháp môn khác nhau. Đức Phật của chúng ta là bậc lương y giỏi tùy bệnh mà cho thuốc, dùng pháp mà đối trị với nghiệp lực, căn tánh của chúng sanh. Tám muôn bốn ngàn pháp môn giải thoát chính là những thang thuốc mà Phật đã kê đơn để đối trị tám muôn bốn ngàn trần lao phiền não.
Đặt biệt biển cả còn mang trong mình vị mặn đặc trưng:
Bao la biển cả trắng xóa
Xa xa bọt biển hay là?
Kìa các diêm dân vui cười
Từng ruộng muối chói lóa
Giọt lệ mặn rơi xuống
Hay tình người đậm đà.
Nước biển mặn từ bao giờ? Hay vì sao nước biển lại mặn. Câu hỏi có lẽ chúng ta chẳng bao giờ trả lời được. Trong Kinh Phật dạy: “Nếu gom tất cả xương của chúng ta trong vô lượng kiếp luân hồi chất đống thì không núi nào cao bằng; nước mắt mà chúng ta đã khóc than trong vô số kiếp nhiều hơn bốn biển.” Nước mắt khi chúng sanh đau khổ tuôn rơi trong vô lượng vô số kiếp rơi xuống, đọng lại hóa nên biển mặn. Sự luân hồi đau khổ cùng những nghiệp báo, những u mê mà chúng ta gây ra ắt có quả báo tự ta phải lãnh đủ. Khi ấy chúng ta kêu khóc cũng không ai giúp, chỉ có Pháp Phật là con thuyền lớn đưa chúng sanh từ bờ mê đến bến giác. Còn theo khoa học thì nước biển mặn do hiện tượng bốc hơi, các hợp chất lâu ngày khô cạn thành muối. Biển cả đã tặng cho con người một dưỡng chất thiết yếu, một thứ gia vị không thể thiếu trong bữa ăn, bạn thử nghĩ xem nếu không có muối để nêm nếm, bữa ăn của chúng ta sẽ trở nên nhạt nhẽo; không có muối cơ thể chúng ta sẽ mắc nhiều bệnh.
“Biển ơi biển thẳm sâu
Dạt dào mà không nói
Biển ơi cho ta hỏi
Biển mặn từ bao giờ?”
Trăm sông đổ về biển, mỗi con sông có sắc nước hương vị khác nhau có con sông lại tinh khiết, trong vắt nhưng khi đổ về biển tất cả đều mang vị mặn của biển cả. Giống như Phật tánh trong mỗi chúng sanh là bình đẳng dù mỗi người mang trong mình chủng tộc khác nhau, nghiệp chướng khác nhau nhưng khi đã vào biển Phật Pháp thì không còn phân biệt gì cả. Đức Thế Tôn ai cũng xưng Ngài là đấng Từ Phụ, là Đấng Bình Đẳng, là cha lành của khắp muôn loài. Ngài dùng tâm từ bi thương xót mọi loài không thiên vị một ai, thấy chúng sanh nơi nào đau khổ Phật luôn dang rộng bàn tay về phía ấy. Biển cả cũng thế, khi trăm sông đổ về biển cả như mẹ hiền yêu thương dang rộng vòng tay đón tất cả những đứa con quay về, tất cả đều chung vị mặn.
Biển là nơi có thể nói là nước trong sạch ai cũng muốn được một lần xuống tắm. Nước biển còn có thể trị bệnh, có thể làm muối là thức ăn cho con người, nó còn có bờ cát thoai thoải để ta có thể dễ dàng xuống nước mà không sợ. Vậy nên trong một vùng biển hay bất cứ nơi nào có dòng nước là sông, hồ, ao, đập, suối,… chúng ta muốn xuống đó tắm thì phải lội từ trên xuống dưới là từ cạn dần xuống sâu nơi có nhiều nước thì mới tắm được. Và trong Giáo Pháp của Đức Phật cũng vậy, để dạy chúng sanh hiểu được những gì Ngài muốn nói để biết cái nào nên làm cái nào không nên làm, biết được con đường giải thoát cho chính mình và cho tất cả chúng sanh. Thì Đức Thế Tôn Người đã chỉ dạy tùy theo căn cơ trình độ,cấp bậc của chúng sanh, giải thoát chuyển hóa dần dần giúp cho họ từ khổ đau đến an vui, hạnh phúc với vô lượng pháp môn tu học giải thoát để chúng sanh cảm thấy dễ dàng vượt qua những khổ đau của chính mình.
Biển mênh mông bao la bát ngát
Nước biếc xanh bờ cát nắng ngời
Một vị mặn thấm nhuần muôn nơi
Giáo Pháp Phật vị giải thoát sáng ngời!
Nói về biển thì chúng ta nên biết sông đã đón nhận biết bao dòng nước đổ về, có thể nói rằng nó không những nhận nước từ trăm sông đổ về mà còn nhận không biết bao nhiêu rác rưởi, bùn sình, thậm chí là cả tử thi nó cũng đón nhận, nước dơ của các nhà máy, nước của con người thải ra,…nhưng không có gì có thể làm nó dơ được, đều trở thành nước biển và thuần khiết một vị mặn. Bởi vì dòng nước biển luôn chảy nó có thể đưa nhũng thứ ấy trôi dạt khắp nơi, có thể là nhận chìm và đánh trôi vào bờ. Biển không bao giờ vơi cũng không bao giờ đầy được bởi lúc nào dù ban đêm hay ban ngày cũng có trăm sông đổ về liên tục. Trong Giáo Pháp của Đức Phật, từ khi Đức Thế Tôn của chúng ta thành tựu đạo giải thoát giác ngộ, Ngài đã thực hiện cuộc cách mạng xã hội, không còn phân biệt giai cấp, giới tính đầy đủ mọi tầng cấp xã hội trong hàng ngũ tăng đoàn, dù cao sang quyền quý hay bần cùng nghèo khổ, dù thông minh nhanh nhẹn hay ngu muội dốt nát, dù là nam hay nữ, tất cả đều được đón nhận hương vị pháp lạc bình đẳng như nhau, đều là Sa Môn Thích Tử và đều có thể chứng quả quả vị giải thoát. Phật Tánh trong mỗi người đều như nhau nhưng chỉ khác nhau là do tâm giác ngộ của mỗi người có bị vô minh phiền não che lấp không.
Biển cả là nơi có thể dung chứa vô số các loài động vật quý hiếm như san hô, xa cừ, ngọc trai quý hiếm. Dưới đáy đại dương còn chứa vô số các loại của quý như vàng, kim cương, pha lê, hỗ phách, ngọc châu, và là nơi thoải mái cho hàng triệu loài sinh vật từ nhỏ bé cho đến to lớn. Biển có lúc dịu hiền nhưng cũng có những lúc cồn cào sóng dữ. Những loài quý hiếm mà biển có ví như trong Giáo Pháp của Đức Phật cũng có rất nhiều bậc Thánh Hiền, minh sư, là những bậc tỉnh thức giác ngộ được cuộc đời này, có cả những vị là phàm phu nhưng có duyên tu Phật, học Phật và thực hành Giáo Pháp của Ngài thì cũng sẽ nhận được pháp lạc trong đời sống, ánh sáng trí tuệ sẽ soi sáng tâm ta, tâm Bồ Đề của chúng ta sẽ rộng mở thì lúc đó chúng ta cũng là những bậc giải thoát giác ngộ vậy!
“Học đạo tiến tu hằng ngày vơi đi niềm tục
Rèn tâm nuôi đức kiếp kiếp thoát khỏi bến mê.”
Có lần được học Phật Pháp của Ni Sư Như Dung, sư có từng dạy về những đặt thù của biển:
“Trong Kinh A-Hàm có nói về tám đặc thù của biển trong cuộc nói chuyện giữa đức Phật và một vị Bà La Môn, có thể nói đó là những đặt tính tiêu biểu của đạo Phật, đó là:
Bãi biển không hề có vực thẳm.
Biển rộng bao la.
Biển không bao giờ dung chứa một tử thi.
Biển đón nhận tất cả các dòng nước.
Biển không đầy không vơi.
Nước biển thuần một vị mặn.
Biển nuôi dưỡng các loài thủy tộc.
Biển chứa đựng nhiều loại của quý.”
Có thể nói đó là những đặc thù mà tuy con chưa hiểu được sâu sắc nhưng đó là những đặc điểm mà con người chúng ta cần nên học tập, nó còn tiêu biểu cho những đặt thù của đạo Phật. Bởi bản chất thực trong mỗi người chúng ta luôn có Phật Tánh.
Biển cả rộng lớn bao la, mênh mông trải dài vô tận, sâu thẳm huyền bí, có biết bao điều ta chưa hiểu hết. Biển cả là nguồn cảm hứng, là kho tàng vô tận. Muôn loài sinh vật đều có thể tìm được chỗ dung thân nơi biển cả. Phải chăng đó là nơi cất dấu bao kho báu của nhân loại; phải chăng là nơi trai ngọc phải chịu biết bao đau đớn cùng sự nhẫn nại, kiên trì để có được thứ ngọc lấp lánh, quý giá; là nơi muôn loài chung sống bên nhau; là món quà vô giá mà mẹ hiền thiên nhiên đã ban tặng cho con người. Con người chúng ta hãy hòa thuận, đối xử tốt với biển cả, bảo vệ nó không để bị ô nhiễm, không để cho những kẻ nhẫn tâm đánh bắt, sát hại quá nhiều loài nơi đáy đại dương,…. Nếu chúng ta đối xử với biển cả như vậy, không lý nào chúng ta lại phải đối mặt với những hiện tượng “thiên nhiên gào thét” hay “mẹ thiên nhiên phẫn nộ.” Tin tôi đi, trên đời này luật nhân quả luôn đúng, ta đối xử với ai tốt thì họ cũng đối tốt lại với ta, hữu tình hay vô tình cũng vậy. Có thể chúng ta không nghe được tiếng gào thét ấy của thiên nhiên đất trời nhưng chúng ta hãy suy nghĩ lại những hậu quả mà bấy lâu nay chúng ta đã nhận nào là thiên tai bão lũ, nào là hạn hán khô khan,rồi nạn dịch bệnh lan tràn khắp đất nước,… Có bao giờ bạn tự hỏi đó là do nguyên nhân gì chưa? Tất cả đều do con người tàn hại mà ra nên phải do chính con người mới có thể hóa giải. Bằng cách đối xử với nhau từ tâm yêu thương không ích kỷ. Nên phát lời khấn nguyện:
“Xin cho con mãi mãi
Lòng thương yêu không cùng
Trải thế giới tam thiên
Đến chúng sanh vô tận
Xin cho khắp muôn loài
Sống yên lành bên nhau
Không ghanh ghét oán thù
Không chiến tranh chết chóc.”
Trong đạo Phật từ góc nhìn của biển chúng ta nên hiểu hình ảnh biển cả rộng lớn, thâm sâu mà huyền bí ấy để biết rằng biển chính là tâm của chúng ta phải rộng lớn như biển cả ôm ấp tất cả. Là Phật tánh sẵn có trong tâm của mỗi người biết nhận biết, tu tập hành trì mỗi ngày, biết nhân quả rõ ràng, tâm chúng ta sẽ khai mở ánh sáng trí tuệ của mình sẽ chiếu soi tất cả những tăm tối u minh của bản tâm mình bị che lấp. Phải luôn sống chánh niệm tỉnh giác để chúng ta không trở thành những tử thi trôi dạt trên biển cả mênh mông ấy còn bị đắm chìm trong sanh tử. Biển là Giáo Pháp của Đức Thế Tôn đón nhận tất cả mọi hạng người dù sang hèn, nam nữ, đen trắng, quý tộc hay nô lệ, kẻ ngu người trí,… Nếu đã có duyên gặp Phật thì chúng ta nên tinh cần, sống đời chánh niệm tỉnh giác. Lắng nghe để thấu hiểu có khả năng chế ngự phiền não và chuyển hóa khổ đau, sẽ nhận được sự thảnh thơi nhẹ nhàng, an lạc trong từng phút giây hay trong giây phút hiện tại. Biết yêu thương giúp đỡ mọi người khi có thể, mở rộng lòng đến với nhân loại thông cảm, sẻ chia, đồng cảm với họ. Thực hành Giáo Pháp của Đức Phật trong đời sống tu tập, từ từ chúng ta sẽ cảm nhận được hương vị ngọt ngào của giải thoát.
“Đời cho ta biết ghét biết thương
Đạo cho ta biết vô thừơng mà tu
Đời cho ta biết cay biết đắng
Đạo cho ta biết trầm luân là gì?”
(Truyện dự thi Phật Pháp Ứng Dụng do Chùa Hương Sen, Perris, California tổ chức năm 2022. Tác giả Huệ Anh gởi bài dự thi khi vừa tốt nghiệp trường Trung Học Phổ Thông Phú Mỹ, tu hành tại Chùa Bửu Tích, thị xã Phú Mỹ,tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.)
Discover more from Tinh Tấn Magazine
Subscribe to get the latest posts sent to your email.