Ngày xưa có vị tỳ kheo
Cất am sườn núi cheo leo non ngàn
Lánh xa bụi bặm trần gian
Một lòng thiền định, đạo vàng chuyên tu
Nơi đây thanh tịnh bốn mùa
Trăng soi suối ngọc, gió lùa cửa không.
Dưới chân núi có con sông
Có đò đưa khách bềnh bồng sang ngang.
Mỗi lần có dịp hạ san
Để đi hóa độ xóm làng đó đây
Thời sư phải đáp đò này
Con đò độc nhất ngày ngày lại qua,
Lái đò là một lão bà
Tay chèo còn khỏe, tuy già vẫn vui.
*
Một hôm hành khách tới nơi
Ngạc nhiên nào thấy tăm hơi bà già
Thay vào là một dáng hoa
Một cô thiếu nữ mặn mà xinh tươi
Duyên nét mặt, đẹp nụ cười
Hỏi ra mới biết là người phương xa
Tới đây xin với lão bà
Trước là ở trọ, sau là tiếp tay
Giúp bà đưa khách sông này
Bà nhìn người đẹp nhận ngay chẳng từ.
*
Thế rồi trên bến sông xưa
Khách sang đò bỗng sớm trưa rộn ràng
Thăm sư, lễ Phật, viếng am
Ngắm phong cảnh đẹp thênh thang hữu tình
Ngắm thêm cô lái đò xinh
Dáng người yểu điệu, thân hình thướt tha
Khiến cá lặn, khiến chim sa,
Êm đềm tiếng ngọc, mặn mà lời hoa,
Mái chèo theo cánh tay ngà
Lướt trên mặt nước loang ra sóng vàng,
Sóng đưa hành khách sang ngang
Một vùng sông nước mơ màng thăng hoa.
*
Sáng nay sư phải đi xa
Khi sư xuống núi cũng qua đò này,
Tiền đò hành khách nơi đây
Sang sông chỉ phải trao tay một đồng,
Riêng sư khi trả tiền công
Cô đòi sư những hai đồng! Lạ thay!
Ngạc nhiên sư hỏi cô ngay:
“Sao tôi phải trả tiền này gấp đôi?”
Mỉm cười cô khẽ trả lời:
“Sang sông khách đáp đò tôi hàng ngày
Kẻ qua, người lại chốn đây
Nào đâu lạ lẫm như thầy hôm nay,
Thầy vừa đáp chuyến đò này
Lại luôn nhìn ngắm tôi ngay từ đầu
Nên thầy phải trả trước sau
Gấp đôi người khác cũng đâu lạ gì!”
Sợ lôi thôi, cãi làm chi
Sư đành vội trả phứt đi hai đồng.
Chiều về am, phải qua sông
Sư nào dám ngó bóng hồng xinh tươi
Xuống đò ngồi khuất xa rồi
Gầm đầu, cúi mặt xuống nơi lòng đò.
Đò trôi qua bến êm ru
Kỳ này chắc mẩm thầy tu hết phiền.
Nào ngờ khi khách trả tiền
Nhận xong cô lái đò liền cám ơn,
Riêng sư cô khẽ nói thầm:
“Xin thầy trả gấp bốn lần người ta!”
*
Ngạc nhiên sư hỏi cho ra:
“Tại sao buổi sáng tôi qua đò rồi
Cô đòi tôi trả gấp đôi
Nói rằng tôi lỗi vì ngồi ngắm cô,
Chiều nay suốt lúc qua đò
Tôi đâu liếc mắt nhìn cô chút nào
Lòng đò tôi cứ trông vào
Cô đòi gấp bốn! Tại sao lạ đời?”
Nghiêm trang cô lái trả lời:
“Sáng nay thầy chỉ nhìn nơi phía ngoài
Nhìn bằng cặp mắt thường thôi,
Chiều nay thầy lại nhìn tôi toàn phần
Không bằng mắt, mà bằng Tâm
Tâm nhìn khắp cả châu thân trong ngoài
Cớ sao thầy lại kêu nài
Lời tôi nói vậy có sai đâu nào!”
*
Sóng vàng chợt vỗ dạt dào
Sư nghe vừa dứt bỗng đâu bật cười
Hình như đã ngộ thêm rồi
Ngước trông sóng nước êm trôi dập dình
Quay nhìn cô lái đò xinh
Cô đà biến mất bóng hình còn đâu!
Kể từ ngày đó về sau
Chỉ còn bà lão bạc đầu mà thôi
Mái chèo bà lão ngược xuôi,
Con đò lờ lững đưa người sang sông.
*
Tâm Minh Ngô Tằng Giao
(thi hóa phỏng theo bản văn xuôi trong
Truyện Cổ Phật Giáo)
Photo: Quang Nguyen Vinh / Pexels
BÀI MỚI
- Lời cầu nguyện của Tôn Sư Garchen Rinpoche cho nạn cháy lịch sử Los Angeles“Hãy thử nghĩ ta sẽ đau khổ ra sao nếu nhà của ta bị thiêu rụi. Với suy nghĩ ấy, hãy phát khởi tình thương, đây là một điều lợi lạc.”
- Xin chào tử thần, chào từ biệt cõi đờiVISUDDHACARA. Ðúng, chúng ta có thể mỉm cười, ngay cả lúc đau đớn. Chúng ta có thể nói: “Này đau đớn, mi thật tình muốn ta chết phải không? Người khác có thể gục ngã với mi nhưng với ta thì không. Ta đã được huấn luyện và sắt đá với mi.
- Tinh tấn ơiHẠNH HIỀN. Này tinh tấn ngủ quên đâu đó? / Trốn góc nào, sao chẳng thấy tăm hơi? / Ở ngoài kia dòng đời tấp nập / Ly cà phê lở dở, đã đi rồi.
- Tu Viện ‘sư cô múa võ’ Druk Amitabha mở cửa lại sau 5 nămTheo truyền thống Phật Giáo Tây Tạng trước đây, các sư cô thường phải nấu ăn và dọn dẹp, không được phép luyện tập võ thuật như tu sĩ nam. Ngài Gyalwang Drukpa đã quyết định cho các sư cô tập võ để họ được khỏe mạnh cả thể xác lẫn tinh thần.
- Cô lái đòTÂM MINH. Chiều về am, phải qua sông / Sư nào dám ngó bóng hồng xinh tươi / Xuống đò ngồi khuất xa rồi / Gầm đầu, cúi mặt xuống nơi lòng đò. / Đò trôi qua bến êm ru / Kỳ này chắc mẩm thầy tu hết phiền / Nào ngờ khi khách trả tiền…
Discover more from Tinh Tấn Magazine
Subscribe to get the latest posts sent to your email.