Học Phật: Nói, nghe, đọc, viết đúng pháp

*Đọc 8 phút*

Bài NGUYÊN GIÁC

Thời thơ ấu, chúng ta ưa thích đọc truyện Cô Ba Cháo Gà Địa Ngục Du Ký, rồi ưa nghe kể chuyện vong nhập, chuyện trừ tà… Bây giờ thì thôi đi, sau khi trở thành Phật tử, nghĩa là chỉ nên học theo lời Đức Phật dạy. Điều này khó vô cùng, vì chúng ta đã quen với những thói quen của chúng sinh. Trong hành động nói, cũng tương ưng là hành động viết, thói quen đời thường vẫn ưa dẫn chúng ta vào chỗ nói nhảm, và viết nhảm. Thậm chí, ngay như trong giới Phật tử trí thức, nhiều người cũng vẫn loay hoay trong mê lộ văn tự của chúng sinh, ưa nói và viết lời êm tai, nhưng không chắc là phù hợp với Chánh pháp; ưa sáng tác thơ và nhạc du dương, chứ không chắc là sáng tác chỉ vì muốn người đọc và người nghe chứng ngộ Thực tướng và để xa lìa tham sân si. Do vậy, trong kiếp này, đã có cơ may gặp Chánh pháp, Phật tử chúng ta hãy tinh tấn học theo Đức Phật, chớ để bỏ lỡ bất kỳ ngày nào, giờ nào.

Chúng ta bây giờ giao tiếp nhiều nhất là nơi mạng xã hội. Nơi đó, chúng ta đọc, chúng ta viết, chúng ta nghe các vị sư thuyết pháp. Hãy nên giữ hạnh của Đức Phật: không nói nhảm, không viết lời vô ích, không nghe các vị sư thuyết pháp sai lầm. Thời rất xưa, khi chưa có chữ viết, giao tiếp chỉ là nói và nghe. Bây giờ đã có thêm đọc và viết.

Đức Phật đã nhiều lần khuyến tấn rằng đừng nói những chuyện vô ích, chuyện tầm thường, về vua quan, về xe cộ, làng xóm, về đàn bà, đàn ông, về người đã chết (hiểu là: đừng nói về vong, về kiếp trước hay kiếp sau), và tránh nói cả chuyện thế giới này hiện hữu hay không hiện hữu. Nghĩa là, chỉ nên nói những gì giúp nhau nhận ra Chánh pháp và tu học giải thoát.

Trong Kinh DN 1, bản dịch của Thầy Minh Châu, trích lời Đức Phật dạy về hạnh đừng viết, đừng nói, đừng thuyết pháp kiểu gây trở ngại cho tu học, như sau:

Trong khi một số Sa-môn, Bà-la-môn, dầu đã dùng các món ăn do tín thí cúng dường, vẫn còn sống nói những câu chuyện vô ích, tầm thường như câu chuyện về vua chúa, câu chuyện về ăn trộm, câu chuyện về đại thần, câu chuyện về binh lính, các câu chuyện hãi hùng, câu chuyện về chiến tranh, câu chuyện về đồ ăn, câu chuyện về đồ uống, câu chuyện về vải mặc, câu chuyện về giường nằm, câu chuyện về vòng hoa, câu chuyện về hương liệu, câu chuyện về bà con, câu chuyện về xe cộ, câu chuyện về làng xóm, câu chuyện về thị tứ, câu chuyện về thành phố, câu chuyện về quốc độ, câu chuyện về đàn bà, câu chuyện về đàn ông, câu chuyện về vị anh hùng, câu chuyện bên lề đường, câu chuyện tại chỗ lấy nước, câu chuyện về người đã chết, các câu chuyện tạp thoại, câu chuyện về hiện trạng của thế giới, hiện trạng của đại dương, câu chuyện về sự hiện hữu và sự không hiện hữu. Còn Sa-môn Gotama từ bỏ không nói những câu chuyện vô ích, tầm thường kể trên.—Này các Tỷ-kheo, như vậy người phàm phu tán thán Như Lai.” (1)

Vậy thì, nên nói và nên viết những gì, nếu chúng ta học theo hạnh của Đức Phật? Chúng ta nên thấy cốt tủy Chánh pháp là con đường giải thoát tức khắc, nghĩa là ngay trong hiện tiền, ngay trong cái bây giờ và ở đây là phải thấy tâm mình xa lìa tham sân si. Chúng ta thường nghe rằng tu học là vô lượng kiếp, là phải tu trải qua ba a tăng kỳ kiếp. Thực ra, đó là chuyện của những Phật tử chưa đọc kỹ Kinh Phật.

Lời Đức Phật dạy là để giải thoát tức khắc. Thiền Tông thường dùng chữ là “đốn ngộ” là nêu lên đúng ý của lời Đức Phật dạy. Trong Kinh EA 24.5, Đức Phật trong những ngày đầu hoằng pháp, nghĩ tới hai vị A-la-lam và Uất-đầu-lam-phất, vì tin rằng hai vị này khi nghe pháp xong là sẽ tức thì giải thoát. Nghĩa là, không cần phải lui về góc rừng để thở ra, thở vào… mà là ngay khi nghe pháp là xong rồi. Kinh EA 24.5 qua bản dịch của hai Thầy Tuệ Sỹ và Đức Thắng trích như sau:

Rồi Thế Tôn lại nghĩ: “A-la-lam, với các căn đã thuần thục, đáng được độ trước. Vả lại, ông ấy đang trông đợi Ta có Pháp.” Vừa nghĩ như vậy, tức thì giữa hư không có vị trời bạch Thế Tôn rằng: “A-la-lam đã chết bảy ngày rồi.”

Bấy giờ, Thế Tôn lại nghĩ: “Khổ thay, sao người ấy chưa nghe được Pháp của Ta mà đã chết rồi! Giả sử người ấy nếu nghe được pháp của Ta, tức thì giải thoát.”

Bấy giờ Thế Tôn lại nghĩ: “Nay Ta nên thuyết pháp cho ai trước để người này được giải thoát? Uất-đầu-lam-phất đáng được độ trước. Hãy thuyết pháp cho ông ấy trước hết. Nghe ta thuyết pháp xong sẽ được giải thoát trước nhất.”

Khi Thế Tôn vừa nghĩ vậy, giữa hư không có vị trời nói rằng: “Ông ấy đã chết rồi, vào nửa đêm hôm qua.” Khi đó Thế Tôn lại nghĩ rằng: ‘Uất-đầu-lam-phất này, khổ thay, sao chưa nghe được pháp của Ta mà đã chết mất rồi! Giả sử người ấy nếu nghe được pháp của Ta, tức thì giải thoát.”…”(2)

Trong thời này, chúng ta thấy một phương tiện hoằng pháp quan trọng là video, hình ảnh và âm thanh trên YouTube, nơi các vị giảng sư thuyết pháp. Trong khi có, các trang web sử dụng phương tiện chữ viết, nơi chúng ta viết và đọc. Tất cả các hành vi thuyết pháp như nói, như viết, và lắng nghe thuyết pháp như nghe, như đọc đều là các cơ duyên dẫn tới giải thoát, vì nằm trong năm giải thoát xứ, theo các Kinh DN 33, Kinh DN 34, Kinh AN 5.26. Nhóm năm giải thoát xứ là: 1. Lắng nghe giảng sư thuyết pháp (hay, thời nay là, đọc bài viết); 2. Thuyết pháp (hay viết bài); 3. Tụng đọc Chánh pháp; 4. Tư duy ý nghĩa Chánh pháp; 5. Thiền tập.

Nơi đây, chúng ta trích phần giải thoát xứ thứ nhất, nhờ cơ duyên nghe thuyết pháp (hay đọc bài viết) mà suy tư, tín thọ nên được giải thoát. Kinh AN 5.26, bàn dịch của Thầy Minh Châu trích như sau:

Ở đây, này các Tỷ-kheo, bậc Ðạo Sư hay một vị đồng Phạm hạnh đóng vai trò vị Ðạo Sư thuyết pháp cho vị Tỷ-kheo. Tùy theo bậc Ðạo Sư, hay một vị đồng Phạm hạnh đóng vai trò vị Ðạo Sư thuyết pháp cho vị Tỷ-kheo như thế nào, như thế nào, tùy theo như vậy, như vậy, vị Tỷ-kheo tín thọ về nghĩa và tín thọ về pháp trong pháp ấy. Do vị ấy tín thọ về nghĩa, tín thọ về pháp, nên hân hoan sanh. Do hân hoan, nên hỷ sanh. Do ý hoan hỷ, thân được khinh an. Do thân được khinh an, vị ấy cảm giác lạc thọ. Do lạc thọ, tâm được định tĩnh. Ðây là giải thoát xứ thứ nhất; ở đấy, vị Tỷ-kheo sống không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần, thời tâm chưa giải thoát được giải thoát, hay các lậu hoặc chưa được đoạn diệt hoàn toàn, đi đến đoạn diệt hoàn toàn, hay vô thượng an ổn khỏi các khổ ách chưa đạt, được đạt tới.” (3)

Tới đây, chúng ta có thể nêu câu hỏi: Những Kinh nào có sức mạnh giải thoát tức thì? Nghĩa là, nghe kinh xong, là các trở ngại trong tâm sẽ biến mất gần hết? Có rất nhiều Kinh có sức mạnh như thế. Mỗi người nên tự đọc Kinh điển và nghiền ngẫm từng câu, từng dòng để nghiệm ra. Có rất nhiều Kinh cho thấy vị đương cơ sau khi nghe Kinh xong và chứng quả A La Hán, hay chứng quả Bất Lai. Nổi tiếng nhất là Kinh Bahiya, và nhóm 2 Chương cuối (Phẩm Tám, và Phẩm Qua Bờ Bên Kia) trong Kinh Tập. Trong Thiền Tông, các vị thầy khi thuyết pháp thường dùng Kinh Kim Cang, Kinh Pháp Bảo Đàn, Bát Nhã Tâm Kinh. Tất cả đều có sức mạnh vô cùng.

Đức Phật giải thích rằng các Kinh có sức mạnh như thế, là các kinh “thâm sâu, nghĩa lý thâm diệu, xuất thế gian, liên hệ đến không”… Nhóm chữ “liên hệ tới không” trong các bản tiếng Anh là “connected with emptiness”… tức là thuộc nhóm Kinh về sau này được phân loại là hệ Bát Nhã.

Giải thích về các Kinh này, Đức Phật nói trong Kinh SN 20.7, trích như sau: “Này các Tỷ-kheo, các Ông cần phải học tập như sau: “Những bài kinh nào do Như Lai thuyết giảng, thâm sâu, nghĩa lý thâm diệu, xuất thế gian, liên hệ đến không, chúng tôi sẽ nghe khi các kinh ấy được thuyết giảng; chúng tôi sẽ lóng tai; chúng tôi sẽ an trú chánh tri tâm. Và chúng tôi sẽ nghĩ rằng, các pháp ấy cần phải học thuộc lòng, cần phải học thấu đáo.”.” (4)

Khi giải thích chi tiết thêm khi nói về các Kinh “liên hệ đến không,” Đức Phật nói trong Kinh AN 2.42-51, trích: “…đối với các kinh điển do Như Lai tuyên thuyết, thâm sâu, ý nghĩa sâu kín, siêu thế, liên hệ đến không, khi các kinh điển ấy được thuyết giảng, họ khéo nghe, lóng tai, họ an trú tâm để hiểu biết chúng, họ nghĩ rằng các pháp ấy cần phải lãnh thọ, cần phải học thuộc lòng. Và sau khi học thuộc lòng các pháp ấy, họ hỏi đi hỏi lại cùng nhau, họ mở rộng ra để thảo luận với những câu hỏi như sau : “Cái này là gì? Thế nào là ý nghĩa của cái này?” Họ mở rộng những gì được che kín, họ phơi bày những gì không được phơi bày, họ giải nghi về các điểm nghi vấn trong Chánh pháp. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là hội chúng được huấn luyện trong chất vấn, không được huấn luyện trong khoa trương.” (5)

Có nghĩa là, đối với các Kinh như thế, nghe xong là hãy lãnh thọ, hãy học thuộc lòng, nếu có điểm nghi vấn nào thì hãy tìm giải nghi. Có nghĩa là, các Kinh đó đều chỉ vào tâm, nên cần an trú tâm, cần thấy cái “liên hệ đến Không” nghĩa là gì, là chỉ vào cái Không nào trong thân tâm, trong danh sắc, trong năm uẩn.

Có một bản kinh trong Hán Tạng thoạt đọc là thấy y hệt Bát Nhã Tâm Kinh, nhưng giải thích rất chi tiết. Đó là “Kinh Phật Nói Về 12 Hạnh Đầu Đà” (ĐCTT/ĐTK. Kinh tập bộ loại, T17, N0.763) do Thầy Thích Nguyên Hùng dịch Hán-Việt. Nơi đây, chúng ta trích như sau:

Phật bảo các Tỳ-kheo: – Các thầy nhớ buộc tâm lại một chỗ, chớ để nó tán loạn, công đức thiền định từ đó được sinh. Hết thảy chúng sinh phàm phu do vì điên đảo, bị trói buộc trong ý niệm ngã, nhân, chúng sinh, thọ mạng, chạy theo những thứ giả danh mà phát sinh những nhận thức sai lầm. Từ xưa đến nay, năm uẩn vốn thanh tịnh, chẳng phải ta, chẳng phải của ta, không sinh, không diệt, không ra, không vào, chẳng phải phàm phu, chẳng phải không phàm phu, chẳng phải Thánh nhân, chẳng phải không Thánh nhân, lìa mọi tên gọi, tuyệt đường ngôn ngữ, chư Phật không đi, không đến. Hôm nay các thầy ai nấy phải duyên vào bản chất thanh tịnh để quán sát thật kỹ thân tướng này.

Bấy giờ, các Tỳ-kheo nghe lời Phật dạy, tâm rất hoan hỷ, liền quán thân này, từ lớp da bên ngoài cho đến máu, thịt, mủ thối uế tạp, gân, xương, mạch, tủy, mỡ, mỡ nước, não, mô, nước mắt, nước mũi, nước miếng, gan, mật, lá lách, thận, tim, phổi, đờm, sinh tạng, thục tạng, ruột non, ruột già, đại tiểu tiện, lông, tóc, móng tay, răng, bào thai nhơ nhớp… Ba mươi sáu vật và chín lỗ bất tịnh, từ ngoài đến trong, từ trong ra ngoài, tìm kiếm tướng của ngã hoàn toàn không có. Tinh tấn không dừng, bèn thấy được sắc tâm niệm niệm sinh diệt như dòng nước chảy, như ánh đèn chao. Sinh không từ đâu đến, diệt không đi về đâu. Hiện tại không chỗ trụ, biết năm ấm này từ xưa đến nay là không, không có gì, diệt sạch các tướng, chứng trí như thật, thành A-la-hán. Các Bồ-tát… tư duy pháp xong, đắc Vô sinh nhẫn, đầy đủ mười Địa.”(6)

Kinh vừa dẫn là lời giải thích chắc chắn đã gỡ được rất nhiều điểm nghi vấn trong Chánh pháp. Kinh đó hiển nhiên cũng là lời giải thích cho Bát Nhã Tâm Kinh, một Kinh mà bản thân người viết chọn làm bản kinh liên hệ đến không của Như Lai, và thường đọc tắt trong tâm là: “Cái được thấy là không, cái được nghe là không, cái được ngửi là không, cái được nếm là không, cái được chạm xúc cảm thọ là không, cái được tư lường nhận biết là không. Tất cả các pháp đều là không tướng, bất sinh, bất diệt…”

GHI CHÚ:

(1) Kinh DN 1: https://suttacentral.net/dn1/vi/minh_chau
(2) Kinh EA 24.5: https://suttacentral.net/ea24.5/vi/tue_sy-thang
(3) Kinh AN 5.26: https://suttacentral.net/an5.26/vi/minh_chau
(4) Kinh SN 20.7: https://suttacentral.net/sn20.7/vi/minh_chau
(5) Kinh AN 2.42-51: https://suttacentral.net/an2.42-51/vi/minh_chau
(6) Kinh Phật Nói Về 12 Hạnh Đầu Đà: https://thuvienhoasen.org/a41334/kinh-phat-noi-ve-12-hanh-dau-da

Photo: Buddha Bless You / Facebook


Discover more from Tinh Tấn Magazine

Subscribe to get the latest posts to your email.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *