Kỷ niệm về cố Hòa Thượng Huyền Vi

*Đọc 11 phút*

Bài NGUYỄN PHƯỚC THỊ LIÊN

*
Lời giới thiệu của ông Trần Văn Mãnh ngày 23 tháng 10, 2021 từ  Paris, Pháp đăng trên trang blog cá nhân Trung Học Hà Tiên Xưa (bấm vào link ở cuối bài), nơi bài viết này được trích dẫn dành cho quý độc giả của Tinh Tấn Magazine:

Thầy cô và các bạn thân mến, cô Nguyễn Phước Thị Liên ngoài việc dạy học, hoạt động về ngành giáo dục, cô cũng thường viết văn, viết tùy bút. Mãi đến hiện nay mình mới khám phá ra được là cô đã cho đăng rất nhiều những bài truyện ngắn, tùy bút, suy nghĩ trên các tạp chí như, Văn Hóa Phật Giáo, các trang Web “Trang nhà Quảng Đức,” “Gia đình Phật Tử Kiên Giang,”…Đặc biệt là trên tạp chí và các trang Web nầy đều có đăng một bài ký sự kể lại ký ức của một người cựu học sinh trường Trung Học Hà Tiên ngày xưa và các hoạt động trong Gia Đình Phật Tử Chùa Tam Bảo Hà Tiên.

“Chuyện kể từ những năm rất xa xưa (1957…), lúc mà mình chỉ vừa mới được 6 tuổi, có lẽ mới bắt đầu vào lớp “chót” (lớp 5 hay theo hiện nay là lớp 1). Bài viết mang tựa là “Kỷ niệm về cố Hòa Thượng Huyền Vi,” lần đầu tiên được đăng trên tạp chí Văn Hóa Phật Giáo số 148 ra ngày 01/03/2012.

“Sau đó bài lại được đăng trên trang Web “Trang nhà Quảng Đức” ngày 29/03/2013 và khi quyển ký và truyện mang tên “Đường Về” được xuất bản vào năm 2018 của tác giả Nguyễn Phước Thị Liên, bài viết “Kỷ niệm về cố Hòa Thượng Huyền Vi” được xếp vào thứ ba trong số 27 bài của quyển sách nầy. Vào năm 2018, một lần nữa bài cũng được đăng trên trang Web “Gia Đình Phật Tử Kiên Giang.”

“Bản thân mình không được biết thầy Thích Huyền Vi và thầy Thích Thanh Từ, vì câu chuyện do Phật Tử Chân An Tịnh kể lại xảy ra vào năm 1957, như trên đã nói, mình còn quá nhỏ tuổi…Tuy nhiên vì nhà có truyền thống Đạo Phật nên mình được thấm nhuần trong một nền giáo dục gia đình chịu ảnh hưởng rất nhiều về Đạo Phật. Bà ngoại mình năm nào cũng vậy, đầu tiên là khoảng mùng chín tháng giêng thì đi chùa Phật Đường để cúng sao. Lúc đi chùa bà ngoại dẫn hết ba anh em mình đi theo, mình rất thích đi như vậy, vì sau khi cúng sẽ có chè và xôi ăn rất ngon.

“Rồi tiếp theo đó một ngày khác bà ngoại cũng thuê một chiếc xe lôi và dẫn ba anh em mình cùng đi, lần nầy là đi một vòng lớn rất nhiều chùa, đầu tiên là năm nào cũng đi chùa Bà Cửu Thiên trước (chùa Bà Cửu Thiên ở bên trái đường Phương Thành, khoảng hướng ra phía Ấp Chiến Lược hồi xưa, ngày nay chùa đã bị phá hủy, mình dùng chữ “chùa” vì từ xưa đến giờ người Hà Tiên không phân biệt chùa hay miếu, nên nói đúng phải là Miếu Bà Cửu Thiên).

“Tiếp theo đó là chùa Phù Dung, chùa Lò Gạch, chùa Tam Bảo, ở mỗi chùa nào bà ngoại cũng kêu tụi mình vô phía sau nơi quý bà cô ở để chào hỏi và chúc Tết. Mấy bà cô giữ chùa đó rất cao tuổi, và rất thương con nít, lần nào quý bà cũng vò đầu tụi mình và khen ngoan…

“Tuy nhiên ngay từ nhỏ mình cũng không có gia nhập Gia Đình Phật Tử ở chùa Tam Bảo, thường đi các chùa chiền theo các bạn chơi và để được ăn cơm chay nhưng không có chánh thức hoạt động đạo pháp theo một tổ chức hẳn hoi. Nếu mình nhớ không lầm thì trong gia đình có người anh bạn dì, vai anh Hai, tên là anh Lê Quang Chỉnh (tên thân mật ở nhà là anh Hiển), và gia đình bên chị Hai (vợ của anh Chỉnh tên là chị Mùi nhà ở phía trên đường Lam Sơn, qua khỏi nhà bạn Lý Cui và gần đối diện với nhà của anh Đỗ Thành Tâm), là có tham gia Gia Đình Phật Tử ở chùa Tam Bảo rất thường xuyên.

“Mình còn nhớ trong những năm 1960, còn có anh Minh Thế, anh của người bạn tên Nhựt, con của Bác Ba Góp, có tiệm buôn bán ở góc đường Lam Sơn – Tuần Phủ Đạt), anh Minh Thế lúc đó là Chánh Thơ Ký của Giáo Hội Phật Giáo Thống Nhất Hà Tiên, có văn phòng ở chùa Tam Bảo Hà Tiên.

“Để kết luận phần giới thiệu này, mình cũng xin mượn lời và ý của tác giả cô Nguyễn Phước Thị Liên, “Trong nỗi mong cầu được thoát khỏi nghiệp chướng” (mà có thể hay chắc chắn là mình cũng đã có ít nhiều gây ra…, nếu không phải là tội ác quá đáng thì cũng có thể là những món nợ tình cảm mà mình đã vô tình hay cố ý đã vướng vấp phải…) mình phải tự biết rèn chí tu luyện bản thân, để rồi một ngày vô thường sẽ đến, theo tuổi già e rằng không kịp…..

“Xin được tự nguyện đăng bài viết của Phật tử Diệu Hạnh – Chân An Hoa, bài viết kể lại một khoảng thời gian của một cô học trò mới tròn 15 đang học lớp Đệ Lục, đã được duyên lành tiếp xúc với hai vị thầy đầy đức độ, được rèn luyện tinh thần và tâm linh để rồi trong suốt cuộc sống được ảnh hưởng tốt đẹp, mong quý độc giả kiên nhẫn đọc hết phần giới thiệu nầy và hãy bắt đầu vào câu chuyện kể sau đây, trân trọng cám ơn.”
*

Chùa Tam Bảo, Hà Tiên trong những năm 1950 – 1960. (Hình: Kim Lý)

Thuở ấy ở Hà Tiên còn chân quê lắm. Chợ chồm hổm nhóm ngay giữa lộ, từ 4 giờ sáng đến 10, 11giờ trưa là tan. Ban đêm, ông nhà đèn cho sáng từ 6 giờ chiều đến 9 giờ tối. Sáng hôm sau chỉ lóe lên một, hai tiếng rồi tắt. Trường học chỉ mở đến lớp đệ lục (tương đương lớp bảy ngày nay), được gọi là “Lớp Trung Học Hà Tiên.” Trường trung học chưa được cất. Ngoài giờ học, bọn trẻ tha hồ đi rong chơi. Khi lên núi Lăng, khi lên Thạch Động, lúc ra biển Mũi Nai. Mấy đứa con trai rắn mắt, thích cảm giác mạnh thì rủ nhau hái trộm xoài, đặt bẫy, bắn chim hoặc xuống mé biển dưới chân hòn Kim Dự, chờ nước rút, bắt nghêu sò. Con gái hiền lành hơn, thường theo cô dì hay ông bà vô chùa Tam Bảo. Ở đây có sân rộng, bảy, tám đứa mặc sức chơi rượt bắt, nhảy dây, lò cò, có khi cùng nhau hát nghêu ngao. Chơi mệt, chúng vào nhà khói “nhõng nhẽo” để được người lớn đưa hết mấy mâm quả đã cúng xong.

Tôi nhớ rất rõ, lúc ấy là năm 1957, tôi mới 15 tuổi, học lớp đệ lục là lớp học lớn nhất của Hà Tiên lúc bấy giờ. Lớp tôi có 10 nữ sinh. Ngoài giờ học, nhóm chúng tôi không đứa nào phải bận tâm làm việc nhà giúp cha mẹ, có lẽ cha mẹ ưu tiên dành thời gian cho con gái ăn học, vì thế chúng tôi cứ rủ nhau vô chùa chơi nhởi. Tôi cũng nhớ lúc này có nhiều cô chú và các thầy giáo dạy chúng tôi vô chùa làm Phật sự.

Một hôm, tự nhiên chúng tôi thấy không khí trong chùa khác hẳn mọi ngày, ai nấy vô ra có vẻ nghiêm trọng, lại còn bàn tán xôn xao… Chuyện của người lớn, bọn trẻ nào dám nghĩ suy.

Thế rồi hôm sau, có hai ông sư nào lạ hoắc đang ở trong chùa làm chúng tôi cứ đứng thập thò nơi bậu cửa. Một bà Phật tử bước ra, nói, “Mấy đứa vô chào thầy đi con.”

Tôi đang còn rụt cổ thì một sư đến xoa đầu từng đứa, hỏi, “Mấy con có thường vô chùa không? Ngày mai vô chùa nữa không?… Vô nữa hả, vậy tốt quá ha….”

Trước khi chúng tôi chào sư ra về, sư còn nói thêm, “Mấy con có thích múa hát không? Vô chùa hát, vui lắm nhen.” Chúng tôi nói với nhau, “Ngày mai tụi mình vô sớm sớm, coi chừng ổng cho tụi mình hát.”

Từ trái, Hòa Thượng Thích Thanh Từ và Hòa Thượng Thích Huyền Vi. (Hình: PT Chân An Tịnh, 1957)

Từ đó chúng tôi biết tên hai vị sư này là thầy Thích Thanh Từ và thầy Thích Huyền Vi. Thầy Huyền Vi nói chuyện cởi mở, vui vẻ, không lộ vẻ nghiêm trang như thầy Thanh Từ. Và cũng từ đó, chúng tôi “nhí nhảnh” hơn, biết múa hát nhiều bài của Phật giáo như bài Dòng A-Nô-Ma, bài Sen Trắng, bài Trầm Hương Đốt. Đặc biệt khi múa bài Mừng Thầy Đến, thầy cho chúng tôi cầm bông.

Thầy Huyền Vi dạy hát mà không có đàn. Thầy hát câu đầu, chúng tôi hát theo, chừng thấy đúng nhịp điệu, Thầy hát câu tiếp, cứ thế cho đến hết bài. Còn múa thì cũng vậy, chúng tôi là con nít nhà quê, cả đời không biết múa ca những bài hát Phật mà bây giờ… thích quá nên múa đại, múa theo thầy. Thầy đứng chính giữa, hình dạng mập tròn, chúng tôi cầm tay nhau đứng xung quanh thầy như cái bánh có cục nhưn. Tôi nghĩ vậy mà cười. Và khi tập, cố làm theo thầy. Thầy đưa tay lên, mình đưa. Thầy chuyển mình đưa tay xuống hoặc đưa chân đá một cái, mình đá… Bảy tám đứa đều làm y chang như vậy cho đến hết bài và thuộc bài.

Có nhiều đứa mình mẩy cứng khừ, thầy sửa hoài không được nhưng thầy không chê mà cứ khen giỏi. Và cũng có đứa cà nanh. Khi nào cũng vậy hễ múa xong là thầy phát kẹo, phát bánh… Vui ơi là vui. Lại có lần thầy đưa chúng tôi đi tham quan quanh chợ Hà Tiên, khi đến chỗ cây dừa ba ngọn*, vừa lúc mặt trời xế bóng, chúng tôi không nhìn cây lạ mà vội túm lấy áo thầy, chỉ trỏ cái nhà xác trong khu bệnh viện gần đó, thầy cười, nói, “Có thầy ở đây, làm sao có ma được.”

Lúc đó thầy Huyền Vi dạy múa hát; còn thầy Thanh Từ dạy giáo lý là kể chuyện sự tích Đức Phật và những mẩu chuyện về đạo Phật, hai thầy thay nhau dạy dỗ chúng tôi từng li từng tí. Vào ngày rằm, mồng một, có khi ban tối, thầy giảng Pháp cho người lớn. Hai thầy lưu lại Hà Tiên có đến ba tháng. Bữa hai thầy từ giã chúng tôi, đứa nào cũng khóc. Vô chùa không thấy thầy cũng khóc rồi biên thơ thăm thầy, gửi “Nhà Dây Thép.” Thầy trả lời cho từng đứa, đều đặn, động viên chúng tôi đi chùa, chăm ngoan và tinh tấn. Thầy hứa sẽ trở lại, chúng tôi mừng quá, đếm từng ngày một. Càng chờ càng thấy lâu và để bớt nhớ thầy, chúng tôi cứ đến chùa múa hát những bài thầy đã dạy, nhuần nhuyễn lúc nào không hay. Khi trở lại, thầy xem mà ngạc nhiên và rất vui, liền cho chúng tôi một đêm trình diễn văn nghệ trong dịp lễ Phật đản, phục vụ bà con cô bác Phật tử Hà Tiên. Chúng tôi được người lớn hoan nghênh nhiệt liệt.

Lần này hai thầy chỉ lưu lại Hà Tiên một tháng nhưng số Phật tử nhóc con đến chùa đông gấp bội, có cả các em học lớp năm và lớp đệ thất (tương đương lớp 6 bây giờ). Lúc hai thầy chưa sửa soạn ra về mà chúng tôi đã buồn rồi. Đứa nào đứa nấy tranh nhau đưa “lưu bút ngày xanh” cho hai thầy viết mà không biết điều đó là vô phép. Vì rằng thầy là sư, là người xuất gia, là bậc cao minh, mình là con nít, sao dám đưa thầy viết chung một quyển có bài của mấy nhóc tì cóc cắn!! Nhưng cảm động quá chừng, hai thầy vẫn thản nhiên, vui vẻ viết vào. Ngày nay quyển lưu bút này và nhiều hình ảnh khác của hai thầy đã không còn mặc dù tôi quý nó lắm, đã cất riêng trong tủ. Chẳng qua vì bị giặc Pôn Pốt, tôi cũng như bao người dân Hà Tiên phải chạy sơ tán. Ôi, tiếc làm sao!

Trần Văn Mãnh viết: Chị Trịnh Thị Phương Khanh đã chia sẻ một bức ảnh chụp quý thầy và quý anh chị học sinh Trường Trung Học Hà Tiên vào năm 1956. Hình chụp trước căn phòng của quý thầy, bên cạnh hòn non bộ trong khuôn viên chùa Tam Bảo. Sau đây là một vài vị trong hình được nhận dạng ra tên họ: 1/ Anh Trinh Thanh Quang, 2/ Thầy Trương Minh Đạt, 3/ Anh Đường Minh Phương, 4/ Anh Trịnh Thanh Tùng, 5/ Chị Trịnh Thị Phương Khanh, 6/ Thầy Thích Huyền Vi, 7/ Thầy Thích Thanh Từ, 8/ Chị Lý Thị Lắc, 9/ Anh Thu, 10/ Chị Xé Lúi, 11/ Thầy Trần Văn Bân. Quý thầy cô và quý anh chị nhận dạng tên họ thêm trong hình xin góp ý nhé, rất cám ơn. (Hình: Trịnh Thị Phương Khanh)

Nhiều người nói thầy Thanh Từ có trí nhớ tuyệt vời, gặp lại ai sau mấy mươi năm đổi dời xa cách, thầy vẫn nhớ, hỏi thăm chuyện cũ, chuyện xưa như chuyện mới hôm qua. Thầy Huyền Vi cũng có trí nhớ siêu đẳng và nắm bắt tình hình nhanh nhạy. Lần đầu tiên gặp thầy chỉ một lần, thầy hỏi tên từng đứa chúng tôi vậy mà nhiều năm sau khi gặp lại, thầy nhìn mặt gọi tên không sai còn nhớ cả hoàn cảnh của ai ra sao hoặc ai là con cháu của ai trong chùa, sợ nhất, khi tập múa, dầu thầy không đưa mắt nhìn, thầy cũng biết có đứa đang “sơ sẩy,” gọi đúng tên đứa đó. Bởi vậy, để không “bị quê,” chúng tôi phải hết sức cố gắng.

Tuổi 15, 16 là tuổi đẹp nhất của đời người, cái tuổi bản lề giữa trẻ con – người lớn, chúng tôi được duyên lành tiếp xúc hai vị thầy đức độ Thanh Từ và Huyền Vi, tuy chỉ ba bốn tháng nhưng đã tạo ảnh hưởng rất lớn đến tâm hồn, tâm linh và đời sống của chúng tôi. Nhìn lại đến nay, hầu hết đứa nào cũng sống tốt, gia đình ổn định, con cháu hiếu thảo chăm ngoan.

Trong nhóm có bạn Đường Minh Phương nay là Đại Đức Thích Kiến Nguyệt, một vị sư rất có uy tín trong việc xây dựng các thiền viện trong nước, đó là Trúc Lâm Đà Lạt, Trúc Lâm Yên Tử ở Quảng Ninh, Trúc Lâm Tây Thiên ở Vĩnh Phúc, Thiền Viện Hàm Rồng ở Thanh Hóa…

Ngày nay thầy Huyền Vi đã liễu đạo nơi chốn trời Tây. Nhớ về Hòa Thượng quá cố, chúng tôi không thể không nhớ người thầy “biên đạo múa” của “Đội Ca Múa Trẻ” dưới mái gia đình Phật Tử Tam Bảo Hà Tiên, một ấn tượng sâu sắc để sau này mỗi lần nghe lại những bài hát Phật, tôi xúc động như ngày còn nhỏ.

Từ trái, Hòa thượng Thích Thanh Từ (1924 – ), thuộc trường phái Thiền Tông Trúc Lâm Yên Tử; Hòa thượng Thích Huyền Vi (1926 – 2005), thuộc trường phái Lâm Tế Chánh Tông.

Hình ảnh những đứa học trò chân quê vô chùa đón thầy trở lại, vui đến rơi nước mắt, đó là kỷ niệm suốt đời tôi không thể nào quên. Tôi xin gửi vào đây bức ảnh chân dung hai thầy thời đó cùng di bút của thầy Huyền Vi để tri ân và chia sẻ với quý Phật tử gần xa niềm vinh dự của Hà Tiên thuở ban đầu xây dựng Gia Đình Phật Tử, có hai thầy chăm lo, vun quén vườn ươm.

(Tác giả, Cô Nguyễn Phước Thị Liên, viết theo lời kể lại của một Phật Tử pháp danh Chân An Tịnh, cũng là một người học sinh Trung Học Hà Tiên xưa.)

Trần Văn Mãnh viết: Thầy Thích Kiến Nguyệt (ngày xưa là học sinh, thầy giáo và giáo sư Đường Minh Phương), hình chụp năm 2017 nhân dịp anh Trịnh Thanh Tùng đi thăm thầy tại Thiền Viện Trúc Lâm Tây Thiên, tỉnh Vĩnh Phúc. (Hình: Chị Trịnh Thị Phương Khanh)

Chú thích:

* Ở Hà Tiên từ xưa, lần lượt có cây dừa ba ngọn, bảy ngọn, bốn ngọn. Cây dừa ba ngọn bị gãy và chết vào năm 1971, tiếp đến vào năm 1987 cây dừa bảy ngọn cũng chết, sau đó Hà Tiên lại có cây dừa bốn ngọn, cũng sống được vài chục năm rồi bị chết đi.

(Nguồn: Trung Học Hà Tiên Xưa)

One thought on “Kỷ niệm về cố Hòa Thượng Huyền Vi

  1. Xin cảm tạ báo “Tinh Tấn Magazine” đã đăng lại bài viết nầy của nhà văn, nhà giáo Nguyễn Phước Thị Liên (1940 – 2024), viết theo lời kể của Phật tử Chân An Tình, Hà Tiên. (Patrice Trần Văn Mãnh)

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *