Bài NGUYÊN GIÁC
Nam Mô Bổn sư Thích Ca Mâu Ni Phật
Kính đảnh lễ Giác Linh Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ
Kính bạch chư tôn đức.
Con xin phép thay mặt các cư sĩ trong GHPGVNTN/HK và nhiều cư sĩ khác để nói lên tấm lòng chúng con.
Bản thân chúng con rất cảm động có được cơ duyên nói chuyện trong buổi Lễ Tưởng Niệm Trưởng Lão Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ. Chủ đề chúng con nói chuyện hôm nay sẽ là “Thầy Tuệ Sỹ: Như Voi Giữa Trận Tiền.”
Hình ảnh trận tiền nơi đây là trận chiến đối nghịch với tham sân si, để kết thúc vô lượng chu kỳ sanh và tử mà chúng ta đã trải qua. Hình ảnh voi nơi đây là nói rằng Thầy đã xuất hiện trước mắt chúng con như một tấm gương khổng lồ, nơi đó vô lượng mũi tên, vô lượng gươm giáo của các bất thiện pháp không làm Thầy suy suyển. Giữa rừng già vô minh, Thầy Tuệ Sỹ đã hiện ra trước mắt chúng con như một con voi đầu đàn, với trí tuệ và định lực cực kỳ hy hữu, đã làm sáng thêm ngọn đèn Chánh Pháp cho mọi người cùng nhìn rõ lối đi, và Thầy đã băng băng bước tới, đã dọn lối vượt qua cánh rừng vô minh cho các thế hệ Phật tử đi sau.
Một hình ảnh trong Kinh Phật có thể cho một hình dung về Thầy Tuệ Sỹ: bậc long tượng, tức là con voi kiệt xuất nhất trong loài voi. Phẩm Bất tư nghị trong kinh Duy ma quyển trung nói: Ví như bước đi của long tượng, con lừa không thể kham được. Kinh Hoa nghiêm quyển 7 nói rằng, long tượng là dụ cho uy nghi của vị Bồ tát mạnh mẽ tốt đẹp không gì sánh bằng.
Chúng con không có đủ chữ để nói về công hạnh của Thầy Tuệ Sỹ. Bởi vì ngôn ngữ vốn đã bất toàn, vì không thể dùng lời nói về một thiện pháp vốn đã hoàn hảo từ chặng đầu, tới chặng cuối. Trong khi dân tộc mình và đa số trong tứ chúng đang ngập chìm trong giận dữ, hoang mang và lo sợ, Thầy Tuệ Sỹ đã hiện ra như con voi chúa để chúng con học theo Tâm Vô Úy và Tâm Từ Bi, và để học bước đi kiên định trong Chánh Pháp. Tất cả những chữ của thế gian đều vô nghĩa, không nói lên được một kiếp sống tượng vương của Thầy, mà chúng con có cơ duyên chứng kiến nhiều thập niên qua. Thầy không bận tâm với những chữ được chúng con đã dùng để ca ngợi thầy, như – thiên tài hy hữu, Tam tạng pháp sư, bậc đại thiền sư, nhà thơ vĩ đại, và tất cả những chữ khác mà chúng con có thể tìm được.
Thầy Tuệ Sỹ đã từng nhiều lần lui vào ẩn dật, sống lặng lẽ như voi trở về hang, ngồi dịch những ngàn trang lời Phật dạy, nhưng rồi lại bước ra trước mắt chúng con để làm sáng tỏ Chánh Pháp, để lấy hành hoạt thân giáo hiển lộ cho chúng con học và sống theo Chánh Pháp. Lời dạy xưa nói rằng, hãy y pháp, bất y nhân, và trước mắt chúng con, chính Thầy đã trở thành pháp: Thầy Tuệ Sỹ đã trở thành một tượng hình Chánh Pháp sinh động. Khi đã nhìn thấy hình ảnh Thầy ngồi Thiền trên giường bệnh nửa đêm, làm sao chúng con có thể làm biếng được nữa. Khi đã nhìn thấy Thầy nằm trên giường bệnh, và đưa tay ra gõ lên chiếc iPad để chú giải bản văn về Thành Duy Thức Luận của một môn đệ gửi tới, làm sao chúng con có thể tiếp tục nằm ngủ sớm và thức dậy trễ.
Hãy hình dung như thế này: sau khi Đức Phật tuyên thuyết Chánh Pháp, khắp các cõi đểu chấn động. Và rồi hơn hai ngàn năm sau, âm vang lời Đức Phật đã hội tụ về lại nơi mảnh đất Việt Nam đầy đau khổ, để trở thành một nhà sư có tên là Tuệ Sỹ. Một nhà sư đúng nghĩa trong Kinh Phật, một tỳ kheo sống với giới định huệ, và đó là hình ảnh đẹp nhất trong các cõi trời người. Tất cả các chữ khác của thế gian không nói được phần nào của cái đẹp này: một nhà sư, sống như một con voi chúa để dìu dắt đàn voi lội qua dòng sông sinh tử.
Những gì Thầy Tuệ Sỹ đã viết, đã làm đều đã trở thành một phần di sản văn hóa dân tộc. Thầy dịch các bộ A Hàm. Thầy là một học giả và là một luận sư thông cả nhiều truyền thống Phật học, từ Phật giáo sơ kỳ, cho tới Phật giáo bộ phái, và rồi Phật giáo thời hiện đại. Có những câu thơ của Thầy khi viết xuống đã trở thành một phần của văn học sử, như bốn câu thơ ngũ ngôn:
CÚNG DƯỜNG
Phụng từ ngục tù phạn
Cúng dường Tối Thắng Tôn
Thế gian trường huyết hận
Bỉnh bát lệ vô ngôn
Bản dịch của Tâm Huy Huỳnh Kim Quang kèm lời chú giải như sau:
“Hai tay dâng bát cơm tù
Cúng dường Tối Thắng Đại Từ Thế Tôn
Cõi trần máu hận trào tuôn
Tay bưng bình bát lặng thầm lệ rơi.
Tâm đại từ, đại bi của Thầy như vậy, nên khi thấy chúng sinh đau khổ, Thầy chịu nhận sự khổ đau thay cho chúng sinh mà không một lời oán hận.”
Có một điểm nổi bật nơi Thầy Tuệ Sỹ: Thầy là người đánh thức chúng con ra khỏi tháp ngà. Bởi vì nhiều người trong chúng con nghĩ rằng mỗi ngày có hai thời công phu là đủ, Thầy cho thấy là chưa đủ, vì từng khoảnh khắc trên giường bệnh, Thầy vẫn giữ tâm trong Thiền định, vẫn gõ chữ chú giải kinh luận cho hậu học không nhầm lẫn. Bởi vì nhiều người trong cư sĩ chúng con nghĩ rằng phải xây chùa, đắp tượng, dâng hương hoa cúng Phật là đủ cho phước đức nhiều đời, Thầy Tuệ Sỹ đánh thức chúng con bằng cách viết về Cư sĩ Úc già. Như trong Chương 1, sách Du Già Bồ Tát Giới, Thầy Tuệ Sỹ viết: “Bản kinh Úc-già Trưởng giả của Đại thừa, để xác nhận chí nguyện của ông Trưởng giả, đã gắn cho ông những lời thỉnh vấn Phật: “Những thiện nam tử, thiện nữ nhân, vì ích lợi của hết thảy chúng sinh, muốn đưa tất cả vào Niết-bàn an lạc cứu cánh, muốn duy trì Tam bảo tồn tại thế gian không gián đoạn… những vị ấy cần phải làm gì? Giới đức hành xử của Bồ-tát tại gia là thế nào? Làm thế nào mà tuy vẫn sống đời tại gia những vẫn tùy thuận tu hành những điều Như Lai giáo huấn mà không tổn hoại các bồ-đề phần?”
Thầy không muốn chúng con ngồi yên nơi tháp ngà. Thầy Tuệ Sỹ là một con voi dữ. Trong sách “Triết Học về Tánh Không,” Thầy Tuệ Sỹ đã viết về ngài Long Thọ, và có vẻ như đây là vận mệnh của chính Thầy: “Nàgàrjuna xuất hiện như một con voi dữ trong truyền thống Phật học và tư tưởng triết học Ấn Độ. Đương thời, đối với các nhà hiền triết Ấn Độ, Nàgàrjuna được xếp vào hàng những tư tưởng gia Phật học lỗi lạc bậc nhất. Nhưng ngay trong hàng ngũ này, Nàgàrjuna lại được kính trọng như một tên phá hoại đáng sợ.”
Điều khó cho tất cả những người đi sau Thầy Tuệ Sỹ là làm sao có thể đi cho vừa bước chân voi của Thầy. Không chỉ là vết chân voi quá lớn vì những hành hoạt của Thầy, mà những dịch phẩm và tác phẩm Thầy để lại đã làm cho chúng con đỡ mất thì giờ. Thầy Tuệ Sỹ đã đi đôi giày ngàn dặm, rút ngắn thì giờ cho công trình Đại Tạng Kinh, và nhiều lĩnh vực nghiên cứu khác.
Rất nhiều trăm năm về sau, Phật Giáo VN sẽ vẫn còn mang ơn Thẩy Tuệ Sỹ. Những người học Phật khi mở sách ra đọc, sẽ vẫn còn thấy hình bóng Thầy Tuệ Sỹ trên những dòng chữ. Có thể hình dung rằng, những người học Phật vẫn đang thọ dụng các công trình của Thầy, khi mở ra các trang Kinh A Hàm, khi đọc bản dịch Thiền Luận, khi đọc chú giái Kinh Duy Ma Cật Sở Thuyết và nhiều kinh luận khác. Và tương tự, sẽ có rất nhiều người sáng tác văn học, thí dụ, chính chúng con, vẫn còn chịu ảnh hưởng của Thầy Tuệ Sỹ khi làm thơ Thiền hay câu đối Thiền. Thầy Tuệ Sỹ đã bao phủ cả một bầu trời Phật học lớn như thế. Chúng con sẽ thấy những gì đời sau học, cũng có một phần xương tủy, máu thịt, tim óc của Thầy.
Trong truyện bản sanh Jataka số 30, kể về một con voi chúa, một tiền kiếp của Đức Phật Thích Ca, vì lòng từ bi, voi đã tự quyên sinh để lấy thân xác làm thức ăn cứu đói cho 700 người đi lạc trong rừng sắp chết đói. Thầy Tuệ Sỹ đã là một con voi chúa như thế.
Từ thập niên 1980s tới giờ, đã nhiều lần, khi đọc tin hay dịch tin về Thầy Tuệ Sỹ, tự nhiên nước mắt của chúng con rơi xuống, không cầm được. Nói ra thì có vẻ con nít, nhưng sự thật là như thế, chúng con đã từng khóc như con nít. Và bây giờ, khi viết những dòng chữ này, nước mắt cũng rưng rưng. Mất mát này quá lớn.
Nơi đây, để kết luận, chúng con xin đọc hai câu đối kính dâng Thầy Tuệ Sỹ:
Hiện trăng đáy nước, ngồi giữa sắc không, dịch Tam Tạng.
Mưa pháp lưng trời, bước qua thực huyễn, luận Nhất Thừa.
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.
Cư sĩ Nguyên Giác
(Thay mặt các cư sĩ trong GHPGVNTN/HK và nhiều cư sĩ khác)
Discover more from Tinh Tấn Magazine
Subscribe to get the latest posts sent to your email.