Lắng nghe những dòng chữ

*Đọc 12 phút*

Bài NGUYÊN GIÁC

Tôi vốn mê đọc từ thuở còn rất nhỏ. Dĩ nhiên, mê bất cứ thứ gì cũng đều không tốt, vì nó sẽ hình thành một thứ nghiệp gì đó. Thêm nữa, chữ bao giờ cũng mơ hồ. Chữ là ký hiệu, là biểu tượng, là ngón tay chỉ trăng. Dù vậy, trong khi chữ là một hàng rào ngăn cách chúng ta với thực tại, chữ lại là một phương tiện để hiểu nhau, để cảm thông và để hoằng pháp.

Từ thuở còn rất nhỏ, đôi khi tôi áp tai vào trang giấy của một vài cuốn sách, rồi ngửi mùi giấy, và rồi thấy lòng mình trân trọng với thế giới này hơn. Từ những cuốn tiểu thuyết võ hiệp của Kim Dung, cho tới Kinh Phật… Từ những niềm vui của nghệ thuật văn chương, cho tới bè pháp để qua bờ… Tôi không nghĩ tới tác giả, vì chữ viết xong, kể như tác giả vắng mặt rồi, bấy giờ là thế giới của người đọc đang đối diện với chữ. Tuyệt vời là chữ. Và, khi lắng nghe những dòng chữ, cũng là lắng nghe sự tịch lặng, tự ngấm vào lòng mình âm vang của chữ và những tịch lặng của dấu phết, dấu chấm, dấu xuống hàng… Tất cả những âm thanh và tịch lặng đều có những sức mạnh riêng.

Thế rồi, khi đã trôi nổi ở dòng đời rất mực ồn ào, một trong những niềm vui của tôi là lắng nghe sự tịch lặng. Những buổi trưa nhiều thập niên trước, khi ngồi đối diện với Thầy Thường Chiếu ở một góc chùa đổ nát, nơi bây giờ là Chùa Huê Lâm ở vùng ngày xưa có tên là Đồng Ông Cộ, Gia Định, tôi lắng nghe sự tịch lặng của hai thầy trò, và lắng nghe cả bức tường gạch vữa loang lỗ sau lưng Thầy. Không có gì để nói. Thậm chí, có lúc, không bận tâm tới cả cử động. Như dường, lời nói và cử động có thể làm tan vỡ bầu không khí tịch lặng của những buổi trưa nắng đẹp như thủy tinh. Nhiều năm sau, vẫn không quên được. Và rồi sau đó, buổi sáng, buổi chiều, hay buổi tối, tôi vẫn thường lắng nghe sự tịch lặng. Cũng không phải nghi thức gì hết, cũng không cần tư thế gì. Để nhớ lại, đúng ra, từ những ngày rất thơ ấu, tôi vẫn thường ưa thích ngồi lặng lẽ, tới nổi má tôi nói là cái thằng nhóc này ngồi, ruồi bu mà nó đuổi ruồi không bay (cũng lạ, câu nói này tôi chưa bao giờ hiểu hết). Cho tới, khi vào nghề báo giữa nơi rất náo động ở Quận Cam, tôi lại càng ưa thích lắng nghe sự tịch lặng hơn, vì những khoảnh khắc này rất là hiếm.

Trước tiên, đó là niềm vui, khi bạn đang đi hay đang đứng giữa những nơi rất ồn ào như chợ, như phố mà vẫn lắng nghe lòng mình tịch lặng. Chỗ này không phải chuyện gì cao siêu. Hẳn là ai cũng có thể làm được, chỉ đơn giản là khi bạn tự thấy tâm buông hết tất cả những chữ nghĩa abc hay xyz, buông hết tất cả những hình vuông hay ảnh tròn, buông hết tất cả những nhận thức về xanh đỏ hay tím vàng, buông hết tất cả về đúng hay sai, về lành hay dữ… sẽ là những khoảnh khắc tịch lặng rất mực hạnh phúc. Nghĩa là, trong tâm không có gì hiện lên để đo lường nữa, chỉ còn cái lắng nghe đang hiẻn lộ, nơi đó không cả tham sân si, không cả ba cõi với sáu đường, cũng vắng mặt cả vô lượng thế giới trong quá khứ. Cũng như khi lắng nghe những dòng chữ trong Kinh Phật, đồng thời cũng là lắng nghe sự tịch lặng, lắng nghe hạnh phúc trên những dòng chữ và giữa những dòng chữ.

Để nói cho đúng, không phải tịch lặng nào cũng là sự tịch lặng nên có. Đức Phật đã từng rầy nhiều vị sư khi quý ngài giữ hạnh tịnh khẩu. Trong Kinh Pháp Cú, Đức Phật dạy trong bài kệ 268:

268. “Im lặng nhưng ngu si,
Đâu được gọi ẩn sĩ?
Như người cầm cán cân,
Bậc trí chọn điều lành.”
(Bản dịch của Thầy Minh Châu)

Nghĩa là, Đức Phật dạy rằng có sự tịch lặng của ngu si, và có sự tịch lặng của trí tuệ. Khi Đức Phật im lặng trước nhiều câu hỏi, hẳn nhiên là sự tịch lặng của trí tuệ rồi. Còn tôi thì, vẫn trọn đời vẫn là học theo, chứ không dám nói mình hay ho gì, và thường khi tôi tự nghĩ rằng mình nên “dựa cột mà nghe” – kể cả đối với những cuộc thảo luận (cả tiếng Việt, và tiếng Anh) mà tôi đã đọc rất nhiều, như chuyện Phật pháp, hay chuyện của cộng đồng mình, hay của cộng đồng gốc Á (phiền nhất là, trong những năm bầu cử). Có ai hỏi, thì tôi thường lặng lẽ cười.

Thực tế, tự lòng mình, hễ nghĩ ra gì hay, ra gì có lợi cho người đọc, thì đều viết ra cả rồi. Dĩ nhiên, rất nhiều cảm nghiệm không thể tìm ra đủ chữ để viết. Cũng vì chữ nghĩa là một công phu rất mực khó khăn. Điều nghịch lý dị thường, trong khi tôi say mê tịch lặng, lại rất mực ưa thắc mắc về chữ, kể cả dấu chấm câu (một thói quen khi học văn phạm tiếng Anh, bây giờ không bỏ nổi). Có phải, tịch lặng là khi chữ vắng mặt? Hay ngược lại, tịch lặng là những gì đã hiển lộ trong tiếng chim kêu, tiếng gió thổi, tiếng ca dao à ơi, và vân vân?

Nhưng thắc mắc nào cũng có vài hữu dụng. Thí dụ, cổ đức nói ngắn gọn về giới đầu tiên là giới sát. Nghĩa là, đừng sát sanh. Tóm tắt có cái hay là dễ nhớ, nhưng có vẻ không đủ nghĩa. Về sau, đọc Kinh Pháp Cú, tôi nghĩ là khi nói về giới sát lẽ ra nên nói là giới bất hại, tức là, không gây tổn thương, thì sẽ bao gồm hơn. Nhưng chẳng hề gì, tôi tự nhủ, càng kiệm lời, càng tốt, đâu có phải làm thơ hay viết văn đâu, mà cần dài dòng. Chỉ là tự mình ưa thắc mắc về chữ.

Nhiều thập niên sau, tôi khám phá ra có một lần, Đức Phật nói rất chi tiết, và rất là tuyệt vời. Thí dụ, riêng về giới sát. Trong Kinh AN 10.176, Đức Phật dạy cho Cunda, con của một người thợ rèn: “Ở đây, này Cunda, có người đoạn tận sát sanh, từ bỏ sát sanh, bỏ trượng, bỏ kiếm, biết tàm quý, có lòng từ, sống thương xót đến hạnh phúc tất cả chúng sanh, và loài hữu tình.”

Nghĩa là, kiệm lời, nói ít, sẽ không nêu được đầy đủ ý Đức Phật dạy. Tuy nhiên, bấy giờ tôi mới hiểu được cổ đức… khi dạy cho những người nông dân ít chữ, thì phải dạy cho rất ít chữ, vì nhiều người không thể nhớ nhiều được, thậm chí còn phải đặt thành thơ cho dễ nhớ. Lời dạy trên của Đức Phật không chỉ nói đoạn tận sát sanh, mà cũng nói là bàn tay của Phật tử (dù là tu sĩ hay cư sĩ, nơi đây người nghe là cư sĩ Cunda) cũng không có quyền chạm tới vũ khí.

Suy nghĩ cho kỹ, chỉ riêng giới thứ nhất thôi, là đủ để giải thoát rồi. Vì bỏ trượng, bỏ kiếm, nghĩa là không bao giờ để cho cả ba nghiệp của hành động (thân), lời nói (khẩu), tư tưởng (ý) biến thành trượng với kiếm. Không chỉ như thế, có phải “thương xót đến hạnh phúc tất cả chúng sanh” được hiểu là Tâm Từ, và rồi là Bồ đề tâm? Chỉ là nêu câu hỏi thôi, tôi không đọc nhiều đủ để trả lời.

Tuy nhiên, tôi nghiệm ra một điểm, rằng “Không làm bất cứ những gì gây ra tổn thương cho thế giới này” là đủ để giải thoát. Bởi vì chúng ta, nơi thân khẩu ý, sẽ làm mọi thứ rất là nhẹ nhàng, dịu dàng, và đó là vào sơ thiền (ly bất thiện pháp, ly dục, với tâm hướng về [tầm] và tâm dán vào [tứ] không gây ra bất kỳ tổn thương nào cho cõi này, dù với thân, khẩu hay ý). Nghĩa là, khi giới sát, trở thành giới “không gây tổn thương” cho bất kỳ những gì trong thế giới này, thì sẽ vào định. Đức Phật dạy rằng, thường trực trong sơ thiền sẽ đắc quả A la hán, nếu chưa, thì khi từ trần sẽ đắc quả Bất Lai rồi từ đây sẽ vào Niết Bàn. Nếu từ sơ thiền, mà hướng tâm vào vô thường là sẽ hoàn toàn giải thoát. Đức Phật nói như thế trong Kinh AN 11.16 và Kinh AN 9.36 (“Y chỉ vào sơ Thiền, các lậu hoặc được đoạn tận.”).

Đó là một thực tế, mà rất nhiều người có thể trải nghiệm: lắng nghe tịch lặng là một cách tiện lợi để vào sơ Thiền. Bởi vì trong sự tịch lặng của tâm, bạn sẽ dễ dàng thoát khỏi những gì là thường kiến hay đoạn kiến. Khi bạn tỉnh thức lắng nghe tịch lặng, đó cũng là khi bạn “tỉnh thức với tâm-không-biết” – mà chữ của cổ đức gọi là “tỉnh thức với vô-tâm” hay “tỉnh thức với vô-niệm.” Bạn sẽ lắng nghe bằng toàn thân, chứ không phải lắng nghe bằng lỗ tai. Lúc đó, cũng gọi là khán thoại đầu, tức là phía đầu của câu nói, hay là khi niệm chưa khởi lên. Nghĩa là, bạn gặp bất cứ thứ gì trong đòi, cứ nói là “không biết” – thế là đủ để giải thoát, vì trong cái “tâm kinh ngạc với không biết” đó, chính là đã lìa tham sân si rồi.

Phần nữa là, lắng nghe tịch lặng cũng giúp chúng ta tránh rơi vào bẫy của chữ. Nếu bạn để ý, gần như bất kỳ chữ nào, khi nói về một cái gì, dù là trong hay ngoài (tức là, sáu nội xứ, và sáu ngoại xứ) chúng ta đều dễ bị vướng vào khung của không gian, thời gian, hình dạng, sắc màu… Thí dụ, bạn nghĩ về một chiếc xe hơi, thì luôn luôn bạn nghĩ chiếc xe đó trong một không gian nào, hay trong một thời gian nào, màu gì… lại thắc mắc xe Camry hay Tesla. Nghĩa là, không thoát nổi sắc, thanh, hương, vị, xúc pháp. Khi tu học chưa vững, và khi rơi vào thế giới hình ảnh hay chữ nghĩa, sẽ thấy khó nhớ về lý duyên khởi (trừ phi, lúc đó bạn nhớ câu “sắc tức thị không” thì mới lìa cạm bẫy, tức là, có cái gì, mà không kịp thấy, thực sự là không có cái gì hết).

Nhất là khi suy nghĩ về những nan đề, lại dễ rơi vào hoặc thường kiến, hoặc đoạn kiến. Lúc đó, Đức Phật mới nói lên Lý duyên khởi. Thí dụ, Đức Phật nói trong Kinh SN 44.10 rằng với câu hỏi có tự ngã hay không có tự ngã, thì trả lời cách nào cũng rơi vào, hoặc thường kiến, hoặc đoạn kiến. Trong khi đó, trong Kinh SN 12.17, Đức Phật giải thích về người gây nghiệp và người thọ khổ từ nghiệp lực đó, rằng hễ nói “khổ do tự mình làm ra” có nghĩa là rơi vào thường kiến, còn nói “khổ do người khác làm ra” lại là rơi vào đoạn kiến. Từ khi đọc như thế, tôi lại càng ưa thích sự tịch lặng, vì tự thấy lòng mình không có gì để nói. Rồi khi phải lý luận, tôi ưa thích viết hơn là nói, vì khi viết thì chủ yếu là mượn lời của Kinh Phật. Bởi vì, tôi tin rằng, cứ núp dưới cái dù Kinh Phật, sẽ tránh được nghiệp của nói sai, viết trật.

Phần nữa, cũng bởi vì, tự thấy bản thân mình chưa thực sự an tịnh được thân, khẩu và ý. Thôi thì tịch lặng là an toàn. Thêm nữa, tịch lặng cũng là lắng nghe cội nguồn tâm, lắng nghe khi tâm chưa khởi lên ý gì, lắng nghe để thấy vận hành của tâm. Thì cứ lặng lẽ, cho tới khi ba nghiệp an tịnh, thì tự nhiên là có chỗ hữu dụng trong cõi này. Lúc đó, là khi, như Đức Phật nói trong Kinh Pháp Cú, bài kệ 96, bản dịch của Thầy Minh Châu:

96. “Người tâm ý an tịnh,
Lời an, nghiệp cũng an,
Chánh trí, chơn giải thoát,
Tịnh lạc là vị ấy.”

Kinh Thủy Sám có câu: “Kẻ phàm phu, mỗi khi động chân cất bước là đã có tội.” Đọc như thế, mới biết sợ. Mở miệng nói gì, khởi tâm làm gì, đưa tay làm gì cũng đều có thể có tội. Bởi vì hầu như bất kỳ khởi tâm muốn làm gì, hay khởi tâm không muốn làm gì, cũng đều hầu như rơi vào lựa chọn là “Tôi muốn làm gì” hay là “Tôi không muốn làm gì.” Có nghĩa là, chính “cái tôi” đó đã hiển lộ lên, để có một cái hành như thế. Bởi vậy, trong Kinh Nibbedhika Sutta, tức là Kinh AN 6.63, Đức Phật dạy rằng chính ý định (intention: chữ Pali là “cetana”) là nghiệp. Chúng ta gây ra nghiệp qua thân, khẩu, ý là vì “ý định.”

Thanissaro Bhikkhu dịch là: ““Intention, I tell you, is kamma. Intending, one does kamma by way of body, speech, and intellect.”

Sujato Bhikkhu dịch là: “It is intention that I call deeds. For after making a choice one acts by way of body, speech, and mind.”

Thầy Minh Châu dịch là: “Này các Tỷ-kheo, Ta tuyên bố rằng suy tư là nghiệp; sau khi suy tư, tạo nghiệp về thân, về lời, về ý.” Bởi vì, suy tư là lựa chọn, là cân nhắc, là ý định, là so sánh đúng/sai, lành/dữ…

Bởi vậy, tôi nghiệm ra chữ “ tình thức với vô-tâm” (như trong Kinh Pháp Bảo Đàn, khi Ngài Huệ Năng dạy Thượng Tọa Minh) hay là “tỉnh thức với tâm-không-biết” là sẽ xa lìa nghiệp.

Nhưng phải có một thước đo. Để biết rằng làm thế này là đúng, hay là sai. Không phải vấn đề chúng ta có mở miệng hay không mở miệng, có khởi tâm hay không khởi tâm, những chuyện đó không nhằm gì hết. Vấn đề nằm ở chỗ khác. Nên thấy rằng Đức Phật đã để lại một thước đo để người con Phật tự định vị được mình. Nghĩa là, một thước đo trong Kinh Phật ghi rõ để người Phật tử tự biết là đã an tâm đúng hay sai.

Lúc đó, Đức Phật giải thích thế nào là “thiết thực hiện tại, có kết quả tức thời, đến để mà thấy, có khả năng hướng thượng, được những người có trí tự mình giác hiểu” trong Kinh SN 35.70 và Kinh AN 3.53 rằng, khi thấy, khi nghe, khi ngửi, khi nếm, khi thân cảm xúc, khi ý nhận biết… mà không hề có tham, sân, si khởi lên. Ngay khi đó là Niết Bàn của “thiết thực hiện tại, có kết quả tức thời.”

Đọc lại sử Phật giáo, chúng ta thấy có ít nhất là một vị trưởng lão ưa dạy pháp bằng sự tịch lặng, chúng ta ưa gọi là vô ngôn. Đó là Trưởng lão Thera Revata dạy cư sĩ Atula và 500 cư sĩ tới hỏi pháp bằng thái độ vô ngôn tịch mặc, và ngài Revata được so sánh như một con sư tử lặng lẽ. Chuyện này được kể trong tích truyện Kinh Pháp Cú, khi Đức Phật tuyên thuyết các bài kệ 227-230. Trong Thiền sử Việt Nam cũng có ngài Vô Ngôn Thông, ưa dạy pháp bằng vô ngôn tịch lặng.

Hình ảnh tịch lặng vô ngôn còn được so sánh với khi mọi ngôn ngữ và mọi tư lường đã bị tước đoạt. Nếu có cái gì tước đoạt đều không đúng, chỉ nên nói chính xác rằng khi một học nhân nhận ra đã bị pháp ấn vô thường, pháp ấn vô ngã tước đoạt toàn bộ thân tâm, thì tham sân si sẽ biến mất.

Khoảnh khắc bị tước đoạt thân tâm có thể gọi cho đơn giản là giác ngộ. Và vị Thầy phải có khả năng tước đoạt tất cả những gì học trò nương tựa. Trong tuyển tập Bích Nham Lục Của Thiền Sư Phật Quả Viên Ngộ, nơi tắc số 3 có câu nói về nhiệm vụ của bậc thầy trong cửa thiền là: “Nếu là bổn phận Tông sư, đến trong đây phải có thủ đoạn, cướp trâu của người cày, đoạt cơm của người đói…”

Tương tự, trong sách Pháp Diễn Thiền Sư Ngữ Lục do Pháp Sư Tài Lương biên soạn, cũng ghi về thầy giỏi là phải biết tước đoạt: “Sư Thượng đường nêu: Cổ nhân nói: Phàm là thiện tri thức phải là cướp trâu của người cày đoạt lấy cơm của người đói. Đuổi trâu cày bừa làm cho lúa mạ của họ tốt tươi, đoạt cơm của người đói làm cho họ dứt được cơn đói.”

Không có nghĩa là có một Thiền sư tước đoạt trâu của người cày, tước đoạt cơm của người đói, tước đoạt thân tâm của một Thiền sinh… Không hề có cái gì là cái gì. Chỉ đơn giản là, vị Thầy giỏi đó, chỉ cho Thiền sinh thấy rằng thân tâm và thế giới này đang từng khoảnh khắc bị vô thường tước đoạt, và thực sự cũng không có cái gì bị tước đoạt bởi vì tất cả các pháp trong thế gian này chỉ là âm vang, là trăng hiện dưới nước, là ảnh chiếu trong gương, là ráng nắng ban chiều, là bọt sóng xô dạt trên sông, là làn gió lướt qua ban mai. Không có gì, thực sự là cái gì. Chỉ cho thấy như thế, là Thầy đã tước đoạt toàn bộ thế giới của trò. Đó là khi Tuệ Trung Thượng Sỹ làm bài thơ trâu bùn qua sông, toàn bộ thế giới của nghiệp trâu đã bị tước đoạt, đều biến mất trong sóng nước.

Trong Tứ liệu giản của dòng Lâm Tế, chỉ về bốn pháp giải thoát mà một vị Thầy có thể giúp chỉ cho học trò vượt qua dòng sông sinh tử.

Câu đầu là “Đoạt nhân, không đoạt cảnh.” Đó là khi học trò nhận ra sáu nội xứ (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý) hoàn toàn đã bị vô thường, vô ngã tước đoạt. Tất cả đều là Niết Bàn, bất kể sáu ngoại xứ (cái được thấy, được nghe, được ngửi, được nếm, được cảm xúc, được tư lường) có hiển lộ thế nào đi nữa.

Câu thứ nhì là “Đoạt cảnh, không đoạt nhân.” Đó là khi học trò nhận ra sáu ngoại xứ thường trực bị tước đoạt, như Đức Phật dạy về thế gian đang thường trực bị thiêu hủy trong lửa.

Câu thứ ba là “Nhân, cảnh đều đoạt.” Đó là khi học trò nhận ra sáu nội xứ và sáu ngoại xứ đều đã bị tước đoạt. Đức Phật trong Kinh thường bắt đầu dạy bằng câu hỏi “Mắt có vô thường không” và rồi tuần tự… Khi thân tâm và thế giới đều bị tước đoạt, Niết Bàn sẽ hiển lộ, và nơi đó không có “một ai” trong Niết Bàn đó, chỉ có niềm an lạc của pháp ấn hiển lộ.

Câu thứ tư là “Nhân, cảnh đều không đoạt.” Đó là nơi cả thân tâm và thế giới (sáu nội xứ và sáu ngoại xứ) đều tự bình an, đều tự tịch lặng, nơi không có nghiệp, nơi giới đầu tiên Đức Phật dạy là “không có gì làm tổn thương bất kỳ cái gì,” và đó là nơi Tuệ Trung Thượng Sỹ nói về hình ảnh trâu bùn hòa lẫn trong sông, “Mênh mang nước chảy, lăn quả cầu tròn” (Mang mang thuỷ cấp đả viên cầu) – nơi của trâu bùn qua sông, nơi thân tâm tự tước đoạt, tự biến mất và trở thành nơi của thực tướng vô tướng. Đó là khi Thiền sư Long Sơn nói: “Ta chỉ thấy hai con trâu bùn đánh nhau rồi chạy xuống bể. Từ bấy đến nay vẫn không tin tức gì.” Nơi đó, tất cả những gì của một, của hai, của mười, của trăm, của vô lượng đều biến mất.

Đó cũng là khi bạn lắng nghe những dòng chữ, và rồi chữ cũng đã tan biến.

(Pixabay/ Pexels)

Discover more from Tinh Tấn Magazine

Subscribe to get the latest posts sent to your email.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *