Người học trò đần nhất của Phật

*Đọc 3 phút*

Bài BHIKKHUNI TỊNH QUANG

Người học trò này đến nghe hết thảy các buổi giảng, nhưng trong những lần trình pháp cá nhân, ông ấy không cho thấy một chút tiến bộ nào. Thế nhưng Phật không bao giờ thiếu kiên nhẫn với ông. Là một vị thầy, Phật có bổn phận dùng mọi phương tiện để dạy cho ông hiểu. Tuy vậy, người học trò này quả là một thử thách lớn cho Phật.

Hầu hết các thầy giáo sẽ nản chí và buông tay trước người học trò “đần độn” này. Có lợi ích gì khi phải giản lược những bài học xuống cấp thấp nhất, dễ hiểu nhất để cho người học trò này thấu rõ, khi mà ông ta quả thật không có đủ trí khôn để hiểu biết gì cả?

Như mọi thứ khác trong đạo Phật, những gì được thấy ở bên ngoài lại thường không đúng với sự thật!

Sau những lần dùng nhiều cách để giảng dạy, cuối cùng Phật Thích Ca Mâu Ni phải nói với người học trò “đần độn nhất” của ngài rằng ông hãy ngưng đến nghe giảng pháp, mà hãy cầm chổi đi quét sân chùa. Nghe vậy, tăng sĩ liền đáp, “Con có thể làm việc đó!” Từ hôm ấy, mỗi ngày vị tăng “chậm hiểu nhất” đã chăm chỉ và cẩn thận quét ngoài sân chùa, trong khi các vị tăng “thông minh” được nghe thầy giảng ở bên trong.

Đến điểm đây, chúng ta nên suy nghĩ rằng câu chuyện này có một thông điệp gì đó giữa thầy và trò!

Trước tiên, vị tăng “ngu đần” không bao giờ bỏ cuộc và trở nên chán ghét. Đó là một điểm rất quan trọng! Kế đến, người học trò đã có niềm tin vững chắc ở vị thầy. Thầy nói quét sân thì ông quét sân. Ngày nay, liệu chúng ta có đủ niềm tin như vậy ở các vị thầy? Liệu chúng ta có cảm thấy bị sỉ nhục khi nghe thầy khuyên đừng đến nghe giảng pháp? Tệ hơn nữa, chúng ta phải làm công việc vệ sinh và giữ cho ngôi chùa được sạch sẽ?

Sau hết, hãy nghĩ đến những vị thầy ngày nay. Liệu họ có dám sáng tạo những phương cách mới và thử nghiệm những ý tưởng bên ngoài truyền thống để giúp một người học trò “khác thường” không? Làm sao chúng ta có thể dạy những gì không thể dạy hoặc thậm chí không thể diễn tả bằng lời nói?

Thế rồi chuyện gì đã xảy ra? Một ngày kia người học trò “chậm hiểu” bỗng nhận ra rằng không còn bụi ở chùa để quét! Đùng một cái! Giác ngộ ngay tại chỗ – với cái chổi còn cầm trong tay? Tại sao? Chuyện gì đã xảy ra? Đây là thiền – là tất cả trong một khoảng khắc? Quét bụi ở nơi không có bụi. Lau sạch chén khi mà chén đã sạch. Gương mặt của mình trước khi chào đời! Kẻ đần độn nhất trong lớp học nhận ra điều đó trong khi tất cả các “nhà thông thái” trong giảng đường vẫn tiếp tục đọc sách và vẫn nghe giảng pháp, nhưng chẳng đi đến đâu!

Với câu chuyện về vị tăng “chậm hiểu,” chúng ta cần phải hiểu là sự giác ngộ không thể đạt được bằng kiến thức hay sự học hỏi, mà phải được “tái khám phá” và tự kinh nghiệm lấy cho chính mình. Ngay cả Đức Thích Ca Mâu Ni cũng chỉ có thể chỉ đường cho chúng ta đến sự giác ngộ mà thôi, chứ ngài không thể dạy sự giác ngộ.

Đó là lý do tại sao thiền nhấn mạnh đến thời gian ngồi trên bồ đoàn và sống trong từng giây phút. Đúng vậy! Sự giác ngộ có thể đến qua những sinh hoạt thường ngày. Đức Phật hiểu điều này nên ngài mới nói với vị tăng với tình thương rằng ông hãy đi quét chùa – ngài hiểu rằng sách vở, giảng pháp là phương tiện giải trí. Đó là thông điệp mà chúng ta cần nghe hôm nay và nhớ rằng sự giác ngộ không phải là chức năng của sự hiểu biết – giác ngộ là chức năng của sự tỉnh thức.

Tất cả chúng ta đều có khả năng để giác ngộ vì tất cả chúng ta đều là con người, là chúng sinh. Chỉ cần tập trung, siêng năng, và có niềm tin.

(Nguồn: Câu chuyện trên được trích đoạn từ một bài viết được đăng trên trang facebook của Ni Sư Bhikkhuni Tịnh Quang. Người học trò trong câu chuyện là ngài Cūlapanthaka – Châu Lợi Bàn Đà Già – một đại đệ tử của Đức Phật. Đồng Phúc chuyển ngữ.)

Các chú tiểu đang quét sân chùa tại Thái Lan. (Kochphon (Honey) Onshawee/ Wikimedia Commons)

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *