Lễ giới thiệu Thanh Văn Tạng trong Đại Tạng Kinh Việt Nam

*Đọc 6 phút*

Bài THANH PHONG / Viễn Đông News

Vào lúc 4 giờ chiều Chủ Nhật, ngày 19 tháng 3, 2023 một buổi lễ giới thiệu Thanh Văn Tạng Trong Đại Tạng Kinh Việt Nam đã được tổ chức trang trọng tại nhà hàng Brodard Chateau, 9100 Trask Ave, Garden Grove, CA 92844.

Trong diễn văn khai mạc, Hòa Thượng Thích Nguyên Siêu, Hội Trưởng Hội Ấn Hành Đại Tạng Kinh Việt Nam kiêm Trưởng Ban Tổ Chức nói, “Đại Tạng Kinh Việt Nam mà chúng ta có được ngày hôm nay, phải nói rằng nhờ hồng ân Tam Bảo gia hộ, nhờ chư vị lịch đại Tổ Sư độ trì và nhờ sự tiếp tay của quý Phật tử thập phương, bá tánh phát tâm hộ pháp để có được phương tiện hoàn thành công trình phiên dịch ngàn đời trên dòng lịch sử Phật giáo Việt Nam.”

Văn sĩ Chân Văn Đỗ Quý Toàn tức bình luận gia Ngô Nhân Dụng cũng đã nói, ‘Đây là một bước khởi đầu mà Phật tử Việt Nam đã đợi từ ngàn năm.”

Đúng như lời hai vị trên vừa nói, công trình phiên dịch và ấn hành Đại Tạng Kinh Việt Nam thật vô cùng quan trọng, cho cả giới tu sĩ và hàng Phật tử, vì thật sự mà nói, người Phật tử chỉ hiểu Phật qua những lời thuyết pháp hoặc những cuốn sách nói về Phật giáo, mà “sự thuyết pháp của Đức Phật đã để lại cho đời một kho tàng kinh Luật đồ sộ. Kinh luật này là kim chỉ nam, là con đường hướng dẫn chư thiên và nhân loại, hướng thân lập mệnh trên tiến trình tu chứng.” Nhưng bộ kinh luật đó được viết hoặc chỉ dịch ra một số ngôn ngữ khác nhau như tiếng Phạn, Pali và Tây Tạng và dưới triều Đại Chánh Taisho thứ 11 Đại Tạng Kinh bằng Hán văn được khởi sự biên tập. Dù đã đạt được thành quả như vậy nhưng làm sao Phật tử Việt Nam có thể hiểu và thấm nhuần được Đại Tạng Kinh nếu không được dịch sang Việt ngữ?

Người Phật tử chắc chắn cũng sẽ vui mừng như vậy với bộ Đại Tạng Kinh Việt Nam vừa được phiên dịch và ấn hành, tuy chưa trọn vẹn, vì bộ Kinh đồ sộ ước chừng 200 tập và có thể kéo dài nhiều năm nữa mới hoàn tất trọn vẹn. Vậy Bộ Đại Tạng Kinh Việt Nam gồm những gì?

Trong bức Tâm Thư đề ngày 1 tháng 6 năm 2022, Hòa Thượng Thích Nguyên Siêu viết “Kế thừa sự nghiệp phiên dịch Đại Tạng Kinh Việt Nam (ĐTKVN), Hòa Thượng Tuệ Sỹ – một trong 18 thành viên của Hội Đồng Phiên Dịch Tam Tạng (do Viện Tăng Thống GHPGVNTN chỉ định thành lập năm 1973), tiếp tục thực hiện công trình phiên dịch dang dở của Hội Đồng; và với sự quan thông Tam Tạng Thánh Điển qua các truyền bản Phạn, Hán, Tây Tạng, đã nêu một tiêu chí chuẩn mực nhất có thể để thực hiện một Đại Tạng Kinh Việt Nam với tiếng Việt trong sáng, hàn lâm, góp phần phát triển phương tiện tu học cho tứ chúng đệ tử Phật, đồng thời làm phong phú thêm cho kho tàng ngôn ngữ Việt. ĐTKVN bao gồm tất cả Thánh Điển Phật Giáo được dịch sang tiếng Việt qua các thời kỳ lịch sử, bởi chư vị dịch giả các triều đại quá khứ, cùng với các dịch giả cận đại, hiện tại và tương lai; Do vậy, theo dự án của Hội Đồng Phiên Dịch Tam Tạng Lâm Thời (HDPDTTLT) do Hòa Thượng Tuệ Sỹ chủ xướng thành lập vào ngày 03 tháng 12 năm 2021, sẽ là một bộ Kinh đồ sộ ước chừng 200 tập khổ 6.5×9.5 inches (16.5z 24.5 cm).

Với tầm quan trọng và là một niềm vui lớn cho Phật Giáo Việt Nam như thế nên buổi lễ Giới Thiệu Thanh Văn Tạng Trong Đại Tạng Kinh Việt Nam được sự quang lâm tham dự của quý Trưởng Lão Hòa Thượng Thích Thắng Hoan đến từ Bắc California, HT. Thích Như Điển từ Đức Quốc, HT.Thích Thái Hòa từ Việt Nam, HT. Thích Bổn Đạt từ Canada, HT. Thích Chơn Thành từ Garden Grove, HT.Thích Nguyên Siêu từ San Diego, HT.Thích Minh Tuyên từ Santa Ana, HT.Thích Tuệ Uy từ Big Bear City, quý Thượng Tọa, Đại Đức, Ni Sư, Sư Cô cùng một số cư sĩ Phật Giáo và các cơ quan truyền thông.

Trong buổi Lễ Giới Thiệu Thanh Văn Tạng, ngoài lời chào mừng của Hòa Thượng Thích Nguyên Siêu, Trưởng Ban Tổ Chức còn có lời phát biểu của Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ từ Việt Nam giới thiệu công trình phiên dịch Đại Tạng Kinh Việt Nam, lời phát biểu của Hòa Thượng Thích Thắng Hoan, Hòa Thượng Thích Như Điển, HT. Thích Bổn Đạt. Chư tôn đức trên đều có lời giải thích rõ ràng về sự cần thiết phiên dịch và ấn hành Bộ Đại Tạng Kinh Việt Nam, tán thán công đức của chư vị trong Ban Phiên Dịch và kêu gọi Phật tử khắp nơi góp sức hoàn thành bộ Đại Tạng Kinh Việt Nam.

Ngoài ra, Phật tử Vĩnh Hảo cho biết, ông không phải chủ nhà hàng Brodard Chateau nhưng có liên hệ với nhà hàng nên ông nói qua về lý do tại sao buổi lễ giới thiệu Thanh Văn Tạng Trong Đại Tạng Kinh Việt Nam lại chọn địa điểm này để tổ chức một sự kiện quan trọng như vậy? Ông cho biết, chủ nhân nhà hàng là Phật tử Quảng Nguyện, một người rất khiêm tốn, bà làm nhiều việc thiện nhưng không bao giờ ra mặt, không muốn ai biết đến việc mình đã làm, nên dù đang có mặt tại đây, Phật tử Quảng Nguyện cũng xin phép quý Thầy trước cho bà không phải phát biểu lời nào.

Tuy nhiên, trong bài phát biểu khai mạc, Hòa Thượng Thích Nguyên Siêu đã tán thán công đức của các Phật tử có lòng phát tâm cúng dường cho việc in ấn, phát hành bộ Đại Tạng Kinh Việt Nam. Hòa Thượng nói, “Là đệ tử Phật ngày đêm luôn ghi nhớ, hãy thừa tự Phật Pháp mà không thừa tự tài vật. Chính vì vâng lời Phật dạy mà các tự viện, chư Tôn Đức Tăng Ni đã chân thành đóng góp theo khả năng của mình, cũng như Phật tử không nệ hà, kẻ nhiều người ít đã hoan hỷ phát tâm. Trong sự phát tâm đáng kể và thành tâm này có gia đình đạo hữu Quảng Nguyện phát tâm trong sự vui mừng là mình có được nhân duyên tốt để mình phát tâm. Phát tâm trong tinh thần hộ Pháp không phân biệt, không tính toán, phát tâm cúng dường bình đẳng mà gia đình đạo hữu Quảng Nguyện đã hiểu được rằng cúng dường Pháp là cúng dường tối thượng. Tất cả tấm lòng vàng này xin được tán thán công đức đồng hồi hướng Phật Pháp được trường tồn, thế giới được thanh bình và chúng sanh được an lạc.”

Ngoài Lễ Ra Mắt tại nhà hàng Brodard Chateau Nam Cali, tại New York và Canada cùng ngày 19.3.2023 còn hai buổi ra mắt tại Úc Châu (Melbourne) và Âu Châu vào cùng ngày 20.3.2023.

Chi phiếu cúng dường ấn hành xin đề: “Vietnam Great Tripitaka Foundation” và gửi về địa chỉ: Vietnam Great Tripitaka Foundation 4333, 30th St, San Diego, CA 92104. USA. Chi phiếu xin ghi nơi phần Memo: ĐTKVN

Quý vị ở Hoa Kỳ có thể chuyển tiền vào tài khoản Bank of American của Hội Ấn Hành ĐTKVN bằng cách: -ZELLE vào địa chỉ email:daitangkinhvietnam@yahoo.com. Hội sẽ gửi Phiếu Công Đức (Donation Receip) đến quý vị nếu được cung cấp địa chỉ, và các khoản cúng dường này đều có thể được khấu trừ thuế theo luật định của chính phủ Hoa Kỳ.

Xem bài gốc trên báo Viễn Đông News

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *