Đại Tạng Kinh Việt Nam giai đoạn 1 được ra mắt ở Little Saigon

*Đọc 7 phút*

Bài KIỀU MỸ DUYÊN / Viễn Đông News

Lúc 4:27 chiều thứ Ba, 21 tháng 3, 2023, tôi gọi về thăm thầy Lê Mạnh Thát, tức là Giáo Sư Trí Siêu Lê Mạnh Thát.

– Kính chào thầy, thưa thầy khỏe không? Thầy có gặp thầy Tuệ Sỹ không?

Thầy trả lời:

– Tôi khỏe. Tôi mới thăm thầy Tuệ Sỹ, thầy cũng khỏe.

Khi thầy Tuệ Sỹ sang chữa bệnh ở Nhật, tôi cũng thường email hỏi thăm thầy. Chữa bệnh một thời gian ở Nhật, thầy Tuệ Sỹ được bác sĩ Nhật cho về Việt Nam và nói thấy chỉ còn hiện hữu thêm 6 tháng, nên về Việt Nam. Thế nhưng đến hôm nay hơn một năm thầy Tuệ Sỹ vẫn còn khỏe mạnh và vẫn làm việc, thầy dịch Kinh Đại Tạng.

Chúng tôi về thăm thầy ba lần: năm 2001, năm 2005 và năm 2015, thầy Tuệ Sỹ vẫn miệt mài làm việc, làm việc không ngừng nghỉ. Đồng hương khắp nơi trên thế giới về thăm thầy ở chùa Già Lam, Gò Vấp, tỉnh Gia Định. Thầy rất gầy nhưng đôi mắt thầy sáng quắc, buổi chiều mặt trời đi ngủ, hai con mắt thầy là hai ngọn đèn. Phòng của thầy ở trên lầu, dưới là mồ mã không biết của ai.

Phái đoàn YMCA của chúng tôi đến thăm thầy, thầy rất thân thiện với mọi người. Thầy nói thông thạo nhiều ngôn ngữ khác nhau. Trưởng phái đoàn YMCA là ông Art, người Mỹ gốc Đức, nói tiếng Đức thông thạo. Tôi nói với ông Art nên nói tiếng Đức với thầy Tuệ Sỹ, ông Art nói tiếng Đức, thầy Tuệ Sỹ trả lời tiếng Đức, những người khác nói tiếng Anh, thầy trả lời bằng tiếng Anh. Thầy rất gầy, chừng 36-37 ký lô. Thầy lắng nghe nhiều hơn nói, thầy thường im lặng và mỉm cười. Thầy dạy Đại Học Vạn Hạnh, dạy Phật học, có nhiều sinh viên đến từ khắp nơi trên thế giới trong chương trình trao đổi văn hóa thế giới, nên họ nói nhiều ngôn ngữ khác nhau. Thầy sinh ở Lào, nên thầy cũng thông thạo tiếng Lào.

Tôi còn nhớ khi còn sinh tiền, thầy Mãn Giác thường nói với chúng tôi:

– Thầy Tuệ Sỹ và thầy Trí Siêu là hai viên ngọc kim cương của Phật Giáo Việt Nam.

Hòa Thượng Thích Tâm Châu, Chủ Tịch Phật Giáo Việt Nam Trên Thế Giới, mỗi lần gặp chúng tôi, thầy thường hỏi:

– Có liên lạc với thầy Tuệ Sỹ không?

Hôm thứ Ba tôi gọi về thăm thầy Trí Siêu để tường trình với thầy về việc ra mắt Thanh Văn Tạng trong bộ Đại Tạng Kinh Việt Nam ở thành phố Garden Grove, Chủ Nhật ngày 19/3/2023 với sự hiện diện của Hòa Thượng Như Điển và phái đoàn đến từ Đức Quốc, thầy Trí Tuệ từ Hoa Thịnh Đốn, Hòa Thượng Pháp Tánh, Hòa Thượng Minh Tuyên, Hòa Thượng Minh Hồi, Hòa Thượng Nguyên Trí đến từ San Diego, Hòa Thượng Thái Hòa từ Việt Nam và nhiều ni sư, sư cô đến từ nhiều nơi khác nhau. Có những cư sĩ tham dự như Đỗ Quý Toàn, Nguyên Giác Phan Tấn Hải, Huỳnh Kim Quang, Hoàng Mai Đạt, Vĩnh Hảo, Huỳnh Tấn Lê, Doãn Hưng. Giới truyền thông thì nhiều lắm trong đó có các ký giả như Thanh Phong, Thanh Huy, Đoàn Trọng, Văn Lan, Phan Đại Nam.

Tôi thưa với thầy Trí Siêu rằng Thanh Văn Tạng được để trên bàn có 29 cuốn. Sau khi nói chuyện với thầy Trí Siêu, chúng tôi gọi thị giả của thầy Tuệ Sỹ, vì sau khi thầy bệnh thầy không dùng điện thoại riêng, phải qua người thị giả của thầy là thầy Quảng Ngộ, thầy Quảng Ngộ trả lời điện thoại ngay:

– Thầy Tuệ Sỹ không khỏe, vừa uống thuốc xong và đã ngủ rồi.

Thầy Quảng Ngộ cho biết thầy Tuệ Sỹ có khi khỏe có khi không, khi không khỏe thì uống thuốc và ngủ.

Tôi thưa với thầy Quảng Ngộ rằng trong buổi ra mắt Thanh Văn Tạng có chiếu thầy Tuệ Sỹ nói chuyện trên Zoom, giọng nói của thầy mạnh lắm, và thầy nói cũng khá lâu. Thầy vẫn gầy như khi chúng tôi thăm thầy và giọng nói vẫn còn nội lực thâm hậu.

Thầy Quảng Ngộ nói:

– Nên về thăm thầy một chuyến đi.

Tôi dạ, dạ, dạ. Ai cũng muốn về thăm thầy. Tôi còn nhớ cách đây không lâu tiến sĩ Hải Nguyễn ở Đại Học Harvard, Boston, cũng nói với chúng tôi nhiều lần rằng phái đoàn gồm có các khoa trưởng và các giáo sư của trường đại học nổi tiếng này sẽ về Việt Nam nghiên cứu chiến tranh Việt Nam, viết sách để lại trong thư viện của trường, để làm tài liệu để cho sinh viên đại học Harvard nghiên cứu và học hỏi về chiến tranh Việt Nam và hành trình người Việt Nam tị nạn khắp nơi trên thế giới.

Thầy Quảng Ngộ nói với chúng tôi thầy Tuệ Sỹ là người giàu tình thương, rộng lượng, kiến thức uyên bác. Ở gần thầy Tuệ Sỹ, thầy Quảng Ngộ học được rất nhiều ở sư phụ của thầy:

– Tôi là người dốt, khó dạy nhất nhưng sống gần thầy Tuệ Sỹ, tôi học ở thầy nhiều lắm.

Học trò của thầy Tuệ Sỹ hiện diện khắp nơi trên thế giới, một thị giả của thầy là thầy Quảng Long, thầy Tuệ Sỹ cho du học ở Đài Loan, sau này sang Hoa Kỳ ở với thầy Nguyên Siêu ở San Diego, bây giờ là thầy trụ trì ở một ngôi chùa ở Las Vegas, và nhiều người nữa.

Đại Tạng Kinh Việt Nam là một tập hợp các bản dịch Việt Đại Tạng Kinh Phật Giáo, chủ yếu căn cứ trên Đại Chánh Đại Tạng Kinh Nhật Bản (truyền từ bản Hán văn), có tham cứu các truyền bản tiếng Phạn, Pali và Tây Tạng. Đề án phiên dịch được đề xuất bởi Hội Đồng Phiên Dịch Tam Tạng 1973 y cứ trên ấn bản Đại Chánh tân tu Đại Tạng Kinh. Phần chính của Đại Chánh gồm 85 tập, mỗi tập trên dưới 1000 trang, trong đó, 32 tập đầu bao gồm các bản dịch Phạn-Hán bắt đầu trước sau thế kỷ thứ II Tây lịch, trải dài trên dưới một nghìn năm, qua nhiều lần được tập đại thành và khắc bản.

Hội Đồng phiên dịch Tam Tạng 1973 gồm 18 vị pháp sư mà nay chỉ còn hai vị còn sống là Hòa Thượng Trưởng Lão Thích Thanh Từ và Hòa Thượng Trưởng Lão Thích Tuệ Sỹ.

Hội Đồng phiên dịch Tam Tạng lâm thời 2021 gồm có Cố vấn: Giáo Sư Trí Siêu Lê Mạnh Thát (Việt Nam), Chủ Tịch: Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ, Chánh Thư Ký: Hòa Thượng Thích Như Điển (Đức quốc), Phó Thư Ký Quốc Nội: Hòa thượng Thích Thái Hòa (Việt Nam), Phó Thư Ký Hải Ngoại: Hòa Thượng Thích Nguyên Siêu (Hoa Kỳ)

Kế thừa sự nghiệp phiên dịch Đại Tạng Kinh Việt Nam, Hòa Thượng Tuệ Sỹ tiếp tục thực hiện công trình phiên dịch dang dở của Hội Đồng và với sự quán thông Tam Tạng Thánh Điển quả các truyền bản Phạn, Hán, Tây Tạng, đã nêu một tiêu chí chuẩn mực nhất có thể để thực hiện một Đại Tạng Kinh Việt Nam với tiếng Việt trong sáng. Đại Tạng Kinh Việt Nam bao gồm tất cả Thánh Điển Phật giáo được dịch sang tiếng Việt qua các thời kỳ lịch sử.

Hội Đồng thỉnh cầu các chư tôn Thiền Đức Tăng Ni và Phật tử khắp nơi vì tâm nguyện cúng đường Chánh Pháp, vì nguyện vọng được chứng kiến trong đời một bộ Đại Tạng Kinh tiếng Việt chuẩn mực, mang tầm vóc quốc tế, xứng đáng với chiều dài 2000 năm Phật giáo trên quê hương Việt Nam, hãy đóng góp trí lực và tài lực cho công trình lâu dài này. Hy vọng kinh này sẽ đến tay bạn đọc khắp nơi trên thế giới.

Orange County, 3/2023

Xem bài gốc trên báo Viễn Đông News


Discover more from Tinh Tấn Magazine

Subscribe to get the latest posts sent to your email.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *