Rau trai xào tỏi, đậu phụng muối

*Đọc 6 phút*

Bài TOM

Những năm 1980 thế kỉ trước, đặc biệt những năm đầu thập thập niên 1990, đèo Hải Vân còn hoang sơ, chẳng mấy ai nghĩ tới chuyện đi phượt hay đi du lịch gì đó, đất nước nghèo khổ, khó khăn, họa hoằng lắm mới có một vài quan chức có chiếc xe hơi gọi là xe Huê Kỳ là nghe sang hết hạng rồi. Ăn uống của thời đó, tưởng cũng không nhắc thêm làm gì. Thế nhưng có một món ăn ở thung lũng Hải Vân, trong chùa Hải Vân Sơn Tự khiến tôi nhớ mãi, một món ăn ngon, bổ mà tình cờ sáng nay, tôi mới gặp lại và tức thì hái vào, chế biến đãi bà xã. Nàng người Huế, khéo nấu ăn, nhưng cũng phải ngạc nhiên vì món này – rau trai xào tỏi ăn với đậu phụng rang muối.

Hồi đó, tôi là một cậu học trò cấp ba, tức trung học phổ thông bây giờ, thời thôn quê mới có điện, tuổi trẻ chẳng có gì nếu không muốn nói là quá nhàm chán nếu có sở nguyện tìm kiếm tri thức hay cái gì đó na ná như vậy. Ti vi thì 7 giờ tối bắt đầu có chương trình, trước đó mở toàn hột mè, đến 11 giờ khuya thì lại chỉ có hột mè, mọi thứ quanh quẩn, may ra trong xóm có ai là giáo viên, kha khá một chút thì mới có báo cũ để sang mượn mà đọc, khá hơn nữa thì có cuốn Kiến Thức Ngày Nay để đọc, mấy chuyện trong đó giờ chỉ cần gõ vài dòng trên mạng đã có hàng chục chuyện na ná nhau… Hồi đó, mỗi khi buồn quá, tôi bắt xe buýt ra Đà Nẵng, mua vé tàu chợ Đà Nẵng – Huế và đến đèo Hải Vân, khi tàu đến hầm thứ tư, tức hầm số 4 từ Đà Nẵng thì nhảy tàu (thường tàu qua hầm chạy rất chậm, chừng 30km/h, có khi thấp hơn). Nhảy tàu xong thì xuôi theo một con dốc, men theo rừng thông mà xuống thung lũng, giữa thung lũng là Hải Vân Sơn Tự.

Trụ trì của Hải Vân Sơn Tự là một đại tá quân đội Cộng Sản, ông này bỏ mọi quân hàm, bỏ ngang công việc, bỏ mọi thứ, xuống tóc đi tu, vào tận trong thung lũng Hải Vân để tìm chỗ làm am, tình cờ ông phát hiện một đồn trú bỏ hoang thời nhà Nguyễn, tường dày cả mét, vậy là quét dọn đồn trú này để biến thành chùa, ông tu được hơn mười năm thì bắt đầu có đệ tử, đệ tử của ông gắn cái bản Hải Vân Sơn Tự giữa đèo, nơi có con dốc từ đường bộ đi xuống, xa và hiểm trở hơn đường tàu hỏa đi qua, thường các đệ tử và người học đạo chọn nhảy tàu là chính. Tôi không học đạo nhưng vì là bạn thân của đệ tử ruột của sư trụ trì, vị này bỏ học hồi lớp 9 để đi tu, không biết duyên khế hợp kiểu gì, ông lại xuống tận thung lũng Hải Vân để tầm sư.

Thường thì đi từ ngoài vào, gặp cái cổng Vô Môn Quan, tức cổng mà không có cửa, cũng chẳng có rào, nhưng hầu hết người ta chui qua cổng trước khi vào khuôn viên chùa, qua khỏi Vô Môn Quan gặp tượng ngài Quán Thế Âm và một vườn hoa, một vườn đá, sau đó đến chùa, chùa nhỏ nhưng ấm cúng, mỗi khi thầy trò gióng chuông trì kinh thì cứ nghe tiếng chuông dội vào núi, len lõi khắp thung lũng, cho một cảm giác rất lạ. Ở đây, thầy trò tự cung tự cấp, hấu hết là “lười nhát” nên cũng chẳng trồng trọt chi nhiều, chủ yếu gạo, tương, chao, và hái rau rừng mà ăn, khi hoa chuối rừng, khi rau má, khi lá các loài cây có thể ăn được và đặc biệt là rau trai, một thứ rau mọc khá dày bên bờ suối và thường được mấy chị mấy mẹ ở quê hái cho heo ăn.

Thầy trò họ cứ suốt ngày đàm đạo, học đạo, ngồi thiền rồi đến giờ thì quơ củi nấu cơm, ra suối bứt rau trai vào luộc chấm tương, hoặc xào tỏi. Tôi lấy làm lạ vì người tu hành không ăn tỏi, thế nhưng sư trụ trì và các đệ tử ăn tỏi rất bạo. Sau này tôi có hỏi, sư trụ trì nói tỏi chẳng có gì là chất cấm trong tu hành mà nó gây kích dục gì đó, ông đã ăn bao nhiêu năm nay và kết luận rằng nó chỉ gây kích dục cho những kẻ lăn tăn, chỉ cần tu và đừng lăn tăn thì có ăn mặn cũng như chay, các sư Theravada vẫn ăn mặn đó, nhưng đạo hạnh của họ lại rất tốt…

Rau trai, một thứ rau mọc khá dày bên bờ suối và thường được mấy chị mấy mẹ ở quê hái cho… heo ăn. (Tom/ Viễn Đông)

Vậy là tôi cũng thử tập ngồi thiền và cuốn sách thiền đầu tiên thầy tặng tôi là Cốt Tủy Của Đạo Phật, một cuốn sách do D.Suzuki viết. Hình như ngồi thiền khiến cho năng lượng điều hòa và ăn rất ngon miệng, món cơm chay gồm cơm trắng và rau trai xào tỏi, đậu phụng rang muối của chùa trở nên thần thánh với tôi.

Thế rồi bẵng đi mấy mươi năm, tôi lao vào đại học, rồi đi làm tứ xứ, chùa thì bị nhà nước giải tỏa vì nằm trên đất quốc phòng, mọi chuyện trở nên xa vời, quá vãng, các sư người vào Nam kẻ ra Bắc, sư trụ trì qua đời trong một căn phòng trọ chật hẹp bởi sư không được chùa nào dung dưỡng, sư không thuộc Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam, không có bằng Phật Học, đại khái là vậy. Chỉ có các đệ tử của ngài thì người nào cũng ôm một chân trụ trì một ngôi chùa lớn ở các nơi, bởi bản thân họ vốn xuất sắc, cộng thêm cái thức thời, họ được ngài khai tâm nhưng họ lanh và khôn khéo, không giống ngài.

Tự dưng sáng nay, tôi nhớ ngài, nhớ đến những đêm trăng giữa thung lũng Hải Vân lạnh lẽo và huyền hoặc, tôi cố lục tìm một hình ảnh nào đó, cây rau trai hiện ra trước mắt, vậy là tôi mang rổ ra vườn, hái một rổ đọt rau trai, mang vào rửa sạch, phi dầu hành tỏi và xào, bỏ một chút muối. Bà xã tôi nhìn thấy tôi làm vậy, hơi ngạc nhiên bởi nàng chưa bao giờ thấy ai ăn món này, nó chỉ dành cho heo ăn. Tôi xào lớn lửa, đảo liên tục và từ chảo rau xào, mùi lá nghệ non pha với lá chuối non, một chút ngồng hành thoáng bay ra, nàng cứ nghĩ tôi cho những thứ ấy vào chảo xào, kỳ thực tôi chỉ xào đọt rau trai với tỏi, và đọt rau trai lại mang mùi vị của ba loại lá vừa nói trên, nên khi xào, mùi thơm sẽ giống ba loại lá này trộn lẫn nhau, và khi ăn, lại càng giống.

Xào xong chảo rau, tôi cho một chút xíu dầu phụng vào chảo, phi chút tỏi và cho đậu phụng sống vào mà chiên, đến khi đậu phụng có tiếng nổ lép bép thì cho nước mắm (thay vì nhà chùa dùng nước muối) vào và tiếp tục khuấy, đảo cho đậu vừa chín thì tắt bếp, tắt bếp xong vẫn tiếp tục khuấy, đảo một chút nữa, cho đậu phụng này lên trên dĩa rau trai xào tỏi. Nó giống như rau dớn miền núi xào tỏi, nhưng ngọt và có vị hơi cay của lá nghệ non, vị hơi chát của lá chuối non và vị ngọt hăng của những bông hành. Cộng với mùi thơm của đậu phụng rang nước mắm (hoặc muối) nữa thì có lẽ, nàng chỉ biết gật gù khen và ngạc nhiên bởi chẳng ai ngờ lại có món rau sạch, ngon ngay trong vườn và chẳng phải trồng trọt gì, nó tự mọc theo mùa. Thế mới biết cỏ dại đôi khi là thuốc quí, là thức ăn ngon.

Bởi rau trai có tác dụng lọc máu, chống khô nhầy, chống nhức mỏi và đặc biệt là giúp ổn định huyết áp…

Cây rau trai là loại dễ kiếm nhất, nó hầu như có mặt ở mọi nơi vào mùa xuân, ở một số nơi điều kiện khí hậu tốt, rau trai phát triển cả bốn mùa. Và để có một dĩa rau trai xào tỏi rải đậu phụng rang muối không phải là khó, cũng chẳng gây tốn kém gì. Mùa hè sắp đến, đây là loại rau rất ưa mùa nắng, mời quí vị thử dùng món này!

Cầu chúc quý vị có một bữa cơm ngon miệng với món rau trai xào tỏi rải đậu phụng rang muối (hoặc nước mắm). Một bữa ăn nhắc nhớ những gì xưa cũ và thanh đạm nhưng rất ngon và ý vị!

(Tom/ Viễn Đông)

Bấm vào link này để đọc bài gốc trên trang Viễn Đông News

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *