Tiễn Ngài Tinh Vân Đại Sư – Một Ngôi Sao Sáng Vừa Kết Thúc Cuộc Hành Trình Trong Bầu Trời Phật Pháp

*Đọc 6 phút*

Đại Sư Tinh Vân -Venerable Master Hsing Yun (1927-2023)

Bài SAKYA MINH-QUANG

Tưởng niệm Tinh Vân Đại Sư, Tông chủ Phật Quang Sơn Đài Loan, người cống hiến một đời để hiện thật hóa “Nhân Gian Phật Giáo,” tân viên tịch ngày Rằm tháng Giêng năm Quý Mão (ngày 5 tháng 2, 2023), trụ thế 97 tuổi. Ngài sinh năm Đinh Mão (ngày 22 tháng 7, 1927).

Tâm nguyện cứu người biển khổ sâu
Thân con thuyền Pháp mặc dãi dầu
Hỏi tôi một đời cầu chi đó?
Bình an, hạnh phúc khắp năm châu!

(Tinh Vân Đại Sư-Sakya Minh-Quang dịch)

Nguyên văn:

Tâm hoài độ chúng từ bi nguyện
心懷度眾慈悲願,
Thân tợ Pháp hải bất hệ chu
身似法海不繫舟;
Vấn ngã nhất sinh hà sở cầu?
問我一生何所求,
Bình an hạnh phúc chiếu ngũ châu.
平安幸福照五洲。

Bài kệ trên phản ánh đúng cuộc đời của Đại Sư Tinh Vân (1927-2023), người đã có cống hiến vĩ đại cho Phật giáo đương đại. Đại sư quan tâm hầu hết mọi khía cạnh của nhân sinh, nên đã hết lòng thúc đẩy sự phát triển đa phương diện của Phật giáo như giáo dục, hoằng Pháp, văn hóa, nghệ thuật, truyền thông, âm nhạc, từ thiện xã hội v.v.. Đây là vì Đại Sư Tinh Vân một đời không ngừng nỗ lực hiện thật hóa “Phật giáo nhân gian,” một Phật giáo thật tế, chú trọng đem lại bình an, hạnh phúc cho nhân sinh, lấy “Bồ-tát con người” (nhân Bồ-tát) phụng sự chúng sinh làm lý tưởng, mà Thái Hư Đại Sư và Ấn Thuận Đạo Sư đã đề xướng trước đó.

Lập cước trên nền tảng “Phật giáo nhân gian” này, Đại Sư thành lập Phật Quang Sơn với bốn đại tông chỉ:

1. Dùng văn hóa để hoằng dương Phật Pháp,
2. dùng giáo dục để bồi dưỡng Tăng tài,
3. dùng cọng tu để tịnh hóa lòng người,
4. dùng từ thiện để phúc lợi xã hội.”
(以文化弘揚佛法、以教育培養人才、以共修淨化人心、以慈善福利社會).

Chưa nói đến những phương diện khác, chỉ bàn về việc giáo dục, Tinh Vân Đại Sư đã có cống hiến vô cùng vĩ đại mang tầm vóc quốc tế. Ngoài các cơ sở Phật Học Viện và Đại Học Phật Giáo trong nước, Ngài còn có công thành lập trường University of the West (1990) ở miền Nam California, Hoa Kỳ. Đây là trường đại học của Phật Giáo được Hoa Kỳ công nhận (accredited institution). Nhiều thầy Việt Nam tốt nghiệp tiến sĩ Phật học nơi đó, trong đó có Hòa Thượng Thích Viên Lý, Viện Chủ Tu Viện Điều Ngự, California hiện nay.

Phật giáo Việt Nam có duyên và được Pháp ích rất nhiều từ sự nghiệp giáo dục và hoằng Pháp của Đại Sư Tinh Vân. Tác phẩm Ngọc Lâm Quốc Sư Truyện của Đại Sư, được biết đến với tên Thoát Vòng Tục Lụy qua bản dịch (1962) của Hòa Thượng Thích Quảng Độ (1928-2020), một thời làm say mê biết bao tâm hồn người con Phật Việt Nam, trong đó có bút giả! Đây là một tác phẩm “best-seller” không chính thức của Phật Giáo Việt Nam vào thập niên 70, 80. Ngoài lần xuất bản chính thức năm 1962, sau năm 1975 không biết có bao nhiêu bản in ronéo, bản in lụa, bản copy, thậm chí chép tay… được phổ biến “phi chính thức” trong thời khó khăn của Phật Giáo Việt Nam.

Ngoài Thoát Vòng Tục Lụy, Phật Giáo Việt Nam còn biết đến Đại Sư Tinh Vân qua những tác phẩm khác của Ngài như Thập Đại Đệ Tử Truyện, hay gần đây là Tất Cả Đều Là Lẽ Đương Nhiên. Ngoài những sách phổ thông nêu trên, Phật Giáo Việt Nam còn biết đến Tinh Vân Đại Sư qua bộ Phật Quang Đại Từ Điển mà Ngài giám chế. Đây là một bộ từ điển Phật Giáo vô cùng hữu dụng, được phiên dịch và biên soạn công phu từ bộ Vọng Nguyệt Đại Từ Điển của Nhật Bản. Hiện nay bộ Huệ Quang Đại Từ Điển của Việt Nam cũng phiên dịch và biên soạn từ bộ Phật Quang Đại Từ Điển.

Ở trên chỉ đề cập một phần rất nhỏ kinh sách của Đại Sư Tinh Vân, nếu kể chi tiết hơn, còn có Thích-ca Mâu-ni Phật Truyện, Vãng Sự Bách Ngữ, Phật Quang Giáo Khoa Thư, Đương Đại Nhân Tâm Tư Trào, Nhân Gian Phật Giáo Luận Văn Tập, Tăng Sự Bách Giảng, Bách Niên Phật Duyên, Bần Tăng Hữu Thoại Yếu Thuyết, Nhân Gian Phật Giáo Phật Đà Bản Hoài, và Tinh Vân Đại Sư Toàn Tập.《釋迦牟尼佛傳》、《往事百語》、《佛光教科書》、《當代人心思潮》、《人間佛教論文集》、《僧事百講》、《百年佛緣》、《貧僧有話要說》、《人間佛教佛陀本懷》及《星雲大師全集》等。

(Tu Viện Thiện Tường Facebook)

Riêng bản thân bút giả, lần đầu tiên được biết đến Đại Sư là vào năm 1992. Trước đó tuy từng đọc Thoát Vòng Tục Lụy, nhưng bút giả không biết tác giả là Đại Sư Tinh Vân mà cứ nghĩ là của Hòa Thượng Quảng Độ. Năm 1992, bút giảng nhận lời thỉnh giảng, làm giáo thọ cho khóa an cư kiết hạ ba tháng tại Chùa Bửu Liên, quận Bình Thạnh và Chùa Kiều Đàm, quận Nhà Bè (nay là quận 7), Sài Gòn. Bút giả phụ trách dạy Kinh Bát Đại Nhân Giác. Trong lúc loay hoay tìm tài liệu tham khảo, tình cờ trong tủ sách của Hòa Thượng Thiện Bình (1950-2015), Chùa Bửu Liên, bút giả phát hiện quyển Bát Đại Nhân Giác Kinh Thập Giảng nguyên văn chữ Hán của Đại Sư Tinh Vân. Do đó bút giả liền mượn đọc, thấy nội dung Phật Pháp sâu chắc, cách hành văn mạch lạc và dễ hiểu, nên đã phát tâm phiên dịch, lấy tên là Mười Bài Giảng Kinh Bát Đại Nhân Giác. Sau đó, bút giả cho in ronéo để cúng dường học chúng làm tài liệu tham khảo. Sau này, bút giả phụ thêm vào phần dịch thơ (song thất lục bát) Kinh Bát Đại Nhân Giác để xuất bản chính thức ở Việt Nam. Thời kỳ đó, kinh sách Việt ngữ còn rất hạn chế, vì vậy bản dịch Mười Bài Giảng Kinh Bát Đại Nhân Giác của bút giả trở thành tài liệu học Phật quý giá, được nhiều vị giáo thọ dạy trường cơ bản hay trung cấp Phật học tham khảo để biên soạn giáo trình giảng dạy bộ môn này của mình.

Vào thập cuối thập niên 90 của thế kỷ trước, khi còn du học ở Đại Loan, bút giả đã hướng dẫn và làm phiên dịch cho phái đoàn Phật Giáo Việt Nam như Hòa Thượng Minh Châu, Hòa Thượng Thiện Siêu, Ni Sư Trí Hải v.v. đến thăm Phật Quang Sơn. Những bậc tôn túc của Phật Giáo Việt Nam ngày đó đã lần lượt ra đi, Hòa Thượng Thiện Siêu (1921-2001), Ni Sư Trí Hải (1938-2003), Hòa Thượng Thích Minh Châu (1918-2012), và hôm nay bút giả lại đưa tiễn Đại Sư ra đi! Không biết bao giờ sẽ đến phiên mình?

Trong di chúc của mình, Đại Sư bảo: “Mong đại chúng hãy ghi nhớ cẩn thận và thật hiện những lời tôi như: ‘Sáng tạo trên tinh thần tập thể, lãnh đạo theo chế độ tòng lâm, không làm trái Phật, chỉ dựa nơi Pháp (集體創作、制度領導、非佛不作、唯法所依), và bài kệ truyền Pháp: ‘Hạt Bồ-đề Phật Quang, gieo khắp cả năm châu, lúc nở hoa kết trái, tỏa sáng khắp hoàn cầu.’ (佛光菩提種,遍灑五大洲,開花結果時,光照寰宇周」,希望大家都能謹記、實踐。) Ngày nay Phật Quang Sơn có mặt ở tất cả các châu lục trên thế giới, ngay cả Phi Châu. Một số người bản địa da màu cũng xuất gia theo truyền thống Phật Quang Sơn. Như vậy, tâm nguyện vĩ đại của Đại sư:

“Hỏi tôi một đời cầu chi đó?
Bình an hạnh phúc khắp năm châu”

đã một phần được thật hiện!

Là hàng hậu học, ngưỡng mộ tâm nguyện và đảm lượng rộng lớn, tri ân sự nghiệp hoằng hóa hoằng vĩ của Đại Sư, bút giả xin ghi lại đôi nét về cuộc đời và đạo nghiệp của Đại Sư khi hay tin Ngài vừa viên tịch. Xin thành kính tiễn đưa Đại Sư, một ngôi sao sáng trên bầu trời Phật Pháp vừa kết thúc cuộc hành trình của mình. Kính nguyện Đại Sư sớm thừa nguyện tái lai, tiếp tục tâm nguyện hoằng vĩ của Ngài.

Nam-mô Bổn Sư Thích-ca Mâu-ni Phật

Viết ngày 11 tháng 2, 2023 tại San Diego, California

Thầy Sakya Minh-Quang ở Illinois (Tu Viện Thiện Tường Facebook)

(Bấm vào link này để đọc bài gốc trên trang Facebook của Tu Viện Thiện Tường.)

(Bấm vào link đây để đọc thêm về cuộc đời hoằng pháp của Đại Sư Tinh Vân trên trang Quảng Đức.)

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *