Lời khuyên của Đại Sư Châu Hoằng Liên Trì dành cho người niệm Phật

*Đọc 7 phút*

Bài ĐỒNG PHÚC

Niệm Phật (reciting the name of Amitabha Buddha) là một pháp môn tưởng chừng đơn giản mà lại rất thâm sâu, vừa dễ thực hành cho hầu hết mọi người ở mọi nơi trong mọi hoàn cảnh, mà cũng rất khó, nhất là đối với người tuy dày kiến thức, đời cũng như đạo, nhưng lại mỏng niềm tin.

Để giúp cho người hành trì mau tiến trong pháp môn này, Đại Sư Châu Hoằng Liên Trì (Zhu Hong Lian-Chi, 1535-1615), vị tổ thứ tám của pháp môn Tịnh Độ (Pure Land), đã có những lời khuyên xin được trích dẫn dưới đây.

Nhưng trước hết là mấy dòng giới thiệu về ngài Liên Trì của Hòa Thượng Thích Thiền Tâm (1924-1992), một vị đại sư của pháp môn Tịnh Độ của Việt Nam:

“Châu Hoằng đại sư, tự Phật Huệ, hiệu Liên Trì, người đời Minh, con nhà họ Trầm, ở xứ Nhân Hòa tại Hàng Châu. Năm mười bảy tuổi ngài đã được bổ làm giáo thọ, nổi tiếng là người học hạnh kiêm toàn.

“Láng giềng có bà lão, mỗi ngày niệm Phật vài ngàn câu, lấy làm thường khóa. Nhân lúc rỗi rảnh sang chơi, ngài hỏi duyên cớ, bà đáp, ‘Ông nhà tôi lúc sanh tiền chuyên lo niệm Phật, đến khi chết, không đau bịnh chi, vui vẻ vòng tay cáo từ mọi người mà qua đời. Do đó, tôi biết công đức niệm Phật không thể nghĩ bàn!’

“Ngài nghe nói cảm động, từ đó hằng để ý đến pháp môn Tịnh Độ. Lại viết bốn chữ ‘Sống Chết Việc Lớn’ dán nơi vách đầu bàn để tự răn nhắc.

“Năm ba mươi hai tuổi, ngài xuất gia, rồi đi tham phỏng các bậc danh đức. Sau cùng đến học đạo với Tiếu Nham Nguyệt Tâm thiền sư, tham câu ‘Niệm Phật là ai?’ […]

“Niên hiệu Long Khánh thứ năm, Đại sư đi khất thực ngang qua đỉnh Vân Thê, thấy cảnh nước non cực kỳ u nhã, quyết ý cất am ở tu. Trong núi ấy có nhiều cọp, ngài hành phép Du Già thí thực, từ đó các loài thú dữ không còn khuấy hại nữa. Mấy năm sau, gặp lúc nắng hạn lâu, cư dân quanh vùng đến am cầu xin đảo võ. Ngài đáp, Tôi chỉ biết niệm Phật, không có tài chi khác! Mọi người vẫn nài nỉ cố thỉnh. Đại sư cảm lòng thành của dân chúng, ra thảo am gõ mõ đi dọc theo bờ ruộng mà niệm Phật. Bước chân của ngài đi đến đâu, mưa lớn rơi theo đến đó. Nhân dân vui mừng kính đức, cùng nhau hiệp xây cất điện chùa. Tăng chúng các nơi lần lượt nương về, không bao lâu chỗ ấy thành cảnh đại tòng lâm trang nghiêm thanh tịnh.

“Đại sư tuy đã tỏ thiền cơ, nhưng xét thấy căn lực người thời mạt pháp kém yếu, kẻ nói lý thì nhiều song ngộ lý thật rất ít. Vì muốn lợi mình và người, nên ngài chủ trương Tịnh Độ, cực lực bác bỏ cuồng thiền. […]

“Năm Vạn Lịch thứ bốn mươi, cuối tháng Sáu, Đại sư vào thành từ biệt các đệ tử và những người cố cựu, nói, ‘Tôi sắp đi nơi khác!’ Rồi ngài trở về chùa thiết tiệc trà từ giã đại chúng. Mọi người không hiểu là duyên cớ gì. Đến chiều mùng một tháng Bảy, ngài vào Tăng đường bảo, ‘Mai này tôi sẽ đi.’

“Qua chiều hôm sau, đại sư kêu mệt rồi vào tư thất ngồi kiết già nhắm mắt. Chư Tăng, các đệ tử tại gia và những người cố cựu trong thành đều hội đến. Ngài mở mắt ra nhìn mọi người nói, ‘Các vị nên chân thật niệm Phật, đừng làm điều chi khác lạ, và chớ phá hoại quy củ của tôi.’ Nói xong, hướng về Tây chắp tay niệm Phật mà qua đời. Thọ được tám mươi mốt tuổi.”

Lời khuyên của ngài Liên Trì

(Trích yếu sách Vân Thê Pháp Vựng của đại sư Liên Trì Chu Hoằng đời Minh)

Bảy mươi tuổi từ xưa đã hiếm, sống trăm năm có được mấy người!

Đại Sư Châu Hoằng Liên Trì (Zhu Hong Lian-Chi, 1535-1615), vị tổ thứ tám của pháp môn Tịnh Độ (Pure Land). (Image: Unknown source)

Nay trong lúc tuổi xế chiều đây chính là lúc buông bỏ hoài bão, thấy rõ thế gian hệt như một trường hý kịch, chẳng hề chơn thật. Chỉ còn một câu A Di Đà Phật để đắp đổi tháng ngày, chỉ lấy Tây Phương Cực Lạc thế giới làm quê nhà mình: nay ta niệm Phật, mai sau sanh về Tây phương. Còn gì hay hơn, hãy nên vui mừng lớn lao, đừng sanh phiền não!

Giả sử gặp phải chuyện chẳng như ý hãy liền xoay chuyển ý niệm, gấp rút đề cao câu niệm Phật này, hồi quang phản chiếu: ta là người sống trong thế giới của Phật A Di Ðà lẽ nào còn thấy biết như người trong thế gian mà nóng giận, vui vẻ; chỉ nhất tâm niệm Phật.

Ðấy chính là pháp môn đại an lạc, đại giải thoát của những người trí huệ.

Nguyên do của bịnh tật phần nhiều là do sát sanh; bởi thế, ta nên thiên trọng phóng sanh. Bên ngoài càng thêm sám, trong tâm tự hối, công đức rất nhiều.

Xin hãy để tâm trống trải, quét sạch hết thảy các duyên. Trong cái tâm rỗng rang đó chỉ niệm một câu A Di Ðà Phật.

Nói niệm Phật đó thì bất tất phải nhếch mép, động lưỡi; chỉ lặng lẽ dùng tâm nhãn phản chiếu từng chữ phân minh, từng câu tiếp nối từ sáng đến tối, từ tối đến sáng, tâm tâm chẳng hề gián đoạn.

Nếu có đau khổ thì cứ nhẫn nại, nhất tâm nghĩ đến câu niệm. Kinh dạy: “Chí tâm niệm Phật một tiếng diệt được trọng tội trong tám mươi ức kiếp sanh tử.” Bởi thế, công đức niệm Phật rất lớn lao vậy.

Kẻ học Phật chẳng cần phải trang nghiêm hình dáng, chỉ quý tu hành chơn thật.

Hàng tại gia cư sĩ chẳng cần phải áo sồng, khăn đạo.

Người còn để tóc có thể mặc thường phục niệm Phật, chẳng nhất thiết phải gõ mõ, đánh trống.

Người thích yên tịnh có thể tự lặng lẽ niệm Phật, chẳng nhất thiết phải quây quần lập hội.

Người ngại việc cứ tự đóng cửa niệm Phật, chẳng cần phải vào chùa nghe kinh.

Người biết chữ có thể tự tuân theo giáo pháp niệm Phật.

Ngàn dặm thiêu hương chẳng bằng ngồi yên trong nhà niệm Phật.

Cung phụng thầy tà chẳng bằng hiếu thuận mẹ cha niệm Phật.

Giao du rộng rãi với bè bạn ma chẳng bằng một thân thanh tịnh niệm Phật.

Gởi tiền kho kiếp sau chẳng bằng hiện đời làm phước niệm Phật.

Van vái, cầu đảo chẳng bằng hối lỗi sửa mình niệm Phật.

Tu học theo kinh sách ngoại đạo chẳng bằng một chữ không biết nhưng niệm Phật.

Vô tri bàn xằng lẽ Thiền chẳng bằng ròng chắc, già dặn trì giới, niệm Phật.

Mong cầu yêu mỵ linh ứng chẳng bằng chánh tín nhân quả niệm Phật.

Nói tóm lại, đoan chánh tấm lòng, diệt ác thì người niệm Phật như thế gọi là thiện nhân. Nhiếp tâm trừ bỏ tán loạn thì người niệm Phật như thế gọi là hiền nhân. Ngộ tâm đoạn hoặc thì người niệm Phật như thế gọi là thánh nhân.

Khuyên người cực nhàn hạ hãy niệm Phật: cưới gả đã xong, con cháu đã yên bề gia thất, an nhàn vô sự; đây đúng là lúc nên tận tâm, tận lực mỗi ngày niệm mấy ngàn câu cho đến cả vạn câu.

Khuyên người lúc bận lúc rảnh hãy niệm Phật: xong việc một nửa hay chưa xong, dù bận hay rảnh, tuy chưa cực nhàn, vẫn có thể lúc bận thì lo lắng công việc, lúc rảnh bèn niệm Phật. Mỗi ngày niệm mấy trăm câu, cho đến mấy ngàn câu.

Khuyên người bận rộn cùng cực hãy niệm Phật: siêng lo việc nước, bôn ba gia nghiệp, dẫu chẳng có lúc thảnh thơi, nhưng cần phải dành lấy rảnh rang trong khi bận rộn để niệm Phật. Mỗi ngày sáng sớm hành Thập Niệm cho đến niệm mấy trăm câu trong cả ngày.

Pháp môn Niệm Phật bất luận nam, nữ, Tăng, tục, quý, hèn, hiền, ngu, không có một ai là chẳng niệm Phật được!

Nếu là người phú quý, của cải dư dả thì đúng là phải niệm Phật.

Nếu là kẻ bần cùng, nhà hẹp, của ít thì càng phải nên niệm Phật.

Nếu là người có con cháu, việc cúng bái tổ tiên đã có chỗ nhờ cậy thì rất nên niệm Phật.

Nếu là người không con, trơ trọi một thân tự do thì càng phải nên niệm Phật.

Nếu ai có con hiếu thuận, yên hưởng con cái phụng dưỡng thì rất nên niệm Phật.

Nếu ai có con ngỗ nghịch, chẳng sanh lòng yêu thương thì thật đúng là phải niệm Phật.

Nếu ai vô bịnh, thân thể khỏe mạnh thì càng phải nên niệm Phật.

Nếu ai có bịnh, rất gần cơn vô thường thì càng phải nên niệm Phật.

Nếu ai già cả, tháng ngày chẳng còn mấy thì càng phải nên niệm Phật.

Nếu ai tuổi trẻ tinh thần sáng suốt thì thật là rất tốt để niệm Phật.

Nếu ai an nhàn, tâm không bị sự gì khuấy động thì thật đúng là nên niệm Phật.

Nếu là người bận rộn, được đôi lúc nhàn giữa khi bận rộn thì càng phải nên niệm Phật.

Nếu là người xuất gia, tiêu dao ngoài cõi đời thì càng phải nên niệm Phật.

Nếu là kẻ tại gia biết cõi đời đúng là nhà lửa thì càng phải nên niệm Phật.

Nếu ai thông minh, thông hiểu Tịnh Ðộ thì rất nên niệm Phật.

Nếu là kẻ ngu si, thô lỗ, không làm gì khác nổi thì thật đúng là nên niệm Phật.

Nếu ai trì luật mà Luật lại do Phật chế ra; vì thế, rất nên niệm Phật.

Nếu ai đọc kinh thì kinh là do Phật dạy, càng phải nên niệm Phật.

Nếu ai tham thiền, do Thiền là tâm Phật nên càng phải nên niệm Phật.

Nếu ai ngộ đạo thì ngộ cần phải được Phật chứng cho nên càng phải niệm Phật.

Khuyên khắp mọi người hãy cấp bách niệm Phật. Chín phẩm vãng sanh, hoa nở thấy Phật, gặp Phật nghe Pháp, rốt ráo thành Phật mới biết rằng tâm vốn dĩ là Phật.

Chỉ cần niệm Phật, tôn xưng đã thành quy kính. Sáu chữ, bốn chữ thật chẳng sai khác gì. Có điều là do pháp truyền lâu ngày hóa tệ, biến thành lê thê: khua chiêng, thúc trống, như xướng, như ca, thổn thức, rên siết như gào, như quát; thiên nhĩ nghe thấy chẳng buồn bã hay sao?

Nhưng dù là xưng danh một cách hoan hỷ hay nóng nảy cũng vẫn gieo trồng nhân lành, quả báo tương lai chẳng thể nghĩ bàn. Kẻ phàm tình mê muội chứ người trí thì biết rõ!

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *