Mời xem phim tài liệu ‘Tibet, the Path to Wisdom’

*Đọc 6 phút*

Bài ĐỒNG PHÚC

Phim ‘Tibet, the Path to Wisdom’ (Tây Tạng, Con Đường Trí Tuệ) với hình ảnh hùng vĩ tuyệt đẹp dài gần 52 phút do nhóm SLICE thực hiện năm 2017, được đạo diễn bởi ông Hamid Sardar, sản xuất bởi Dream Catcher Motion Productions dành cho đài truyền hình Pháp, nói tiếng Tây Tạng với lời thuyết minh bằng tiếng Anh, được chiếu trên Youtube từ cuối tháng Năm 2022.

Nhân vật chính trong phim tài liệu này là Ni Sư Ani Rigsang trên 50 tuổi. Một ngày kia ni sư quyết định rời tu viện ở Lhasa, thành phố lớn nhất Tây Tạng, để tìm tự do bên ngoài những nghi thức trong tu viện, cũng như thoát khỏi sự theo dõi thường xuyên của công an của nhà cầm quyền Trung Cộng.

Mục đích của cuộc hành trình dài hàng ngàn dặm trên quê hương đang bị ngoại xâm là đi tìm một pháp môn huyền bí theo truyền thống Phật Giáo Tây Tạng nay đã thất lạc. Pháp môn đó là chuyển hóa cơ thể thành cầu vồng, biến tâm thức thành ánh sáng khi hành giả viên tịch. Ni Sư Ani Rigsang được biết hành giả cần phải đạt giác ngộ, tu hành miên mật thì mới đạt được mức độ thượng thừa đó để được giải thoát hoàn toàn. Thế nhưng ai biết pháp môn đó? vị thầy nào có thể truyền đạt pháp môn hóa thân thành cầu vồng? vị thầy ấy đang ở đâu?

Được biết ni sư sắp thực hiện một chuyến đi đầy gian nan và thử thách, nếu không nói là bất khả thi – đi bộ, hành trang không có gì ngoài một túi đeo trên vai với dăm ba món cần thiết, chấp nhận một cuộc sống du hành không nhà không cửa trên quê hương nằm chót vót trên dãy núi Hy Mã Lạp Sơn nơi có thời tiết lạnh băng giá, khắc nghiệt – một nhà làm phim đã xin đi theo để thâu hình, tìm hiểu về quyết tâm của vị nữ tu.

Mặc dù nhà làm phim này chỉ đi theo ni sư chỉ có vài tháng, không đi hết cuộc hành trình, nhưng người xem cũng học hỏi được nhiều về truyền thống, tập quán của người Tây Tạng để biết tại sao chuyến đi không chỉ nhằm tầm đạo, mà còn tìm về nguồn gốc của văn hóa Tây Tạng đang bị tẩy xóa dưới sự cai trị của cộng sản Bắc Kinh, và nhất là nghe được những lời minh triết từ những vị thầy có nhiều kinh nghiệm tu hành ở chốn hẻo lánh, kể cả một đạo sĩ được dân làng gọi là “vị thánh điên” và một ni trưởng ở gần cuối phim luyện lửa tam muội để giữ cơ thể được ấm giữa miền núi tuyết lạnh băng giá dưới 0 độ.

Phim bắt đầu một ngày nọ khi Ni Sư Ani Rigsang rời tu viện Lhasa, chọn cuộc sống của một người vô gia cư. Hành trình của ni sư đã dựa trên một truyền thuyết lâu đời về phong thủy là địa lý cao nguyên xứ Tây Tạng có hình dạng của một Ma Nữ nằm ngửa, phơi thây, rất ác độc chuyên ăn thịt người. Nhằm trấn yếm hay ngăn chặn thần lực của Ma Nữ La Sát tung tràn lên thế gian, người Tây Tạng đã xây các tu viện Phật Giáo tại những điểm yếu huyệt. Hành trình tầm sư học đạo của Ni Sư Ani Rigsang khởi hành từ Lhasa nhắm đến các tu viện “yếu huyệt” ở miền đông.

Ni Sư Ani Rigsang trong phim ‘Tibet, the Path to Wisdom’

Điều được gợi ý là thủ đô “yếu huyệt” Lhasa nay đã bị mất bùa yếm từng được đặt từ ngàn xưa, nên Ma Nữ La Sát đã tung hoành ở đây, và trên khắp đất nước Tây Tạng. Ở tu viện tại Lhasa, ni sư than phiền là không thể tu học vì quy chế mới bắt buộc các tu sinh phải học tiếng Trung Hoa, mà ni sư thì đã lớn tuổi, khó học ngoại ngữ như những người trẻ.

Càng đi xa hơn trong cuộc hành trình, Ni Sư Ani Rigsang càng nếm được hương vị tự do, tránh được những ràng buộc, quy luật, thành kiến. Cũng bất ngờ là tại một tu viện kia, chính các Phật tử thuần thành Trung Hoa đã tài trợ để giúp tu viện của người Tây Tạng không bị phá hủy dưới chế độ cộng sản.

Tại một tu viện khác, Đại Lão Hòa Thượng Paima Dre Rinpoche đã khuyên ni sư không nên lang thang thêm nữa, hãy tìm tự do trong chính tâm của mình. Hòa Thượng nói tu viện có một hang đá mà ni sư có thể vào tu thiền trong đó, không cần phải đi tìm một vị Du Già (Yogi) nào khác, nếu ni sư không muốn trở lại Lhasa. Có lúc ni sư tâm sự muốn học cách chữa bệnh cho dân gian như một cách hoằng pháp. Phim đưa khán giả đến một địa điểm còn duy trì phong tục điểu táng, nơi xác người được thảy cho chim đà điểu rỉa thịt.

Thế rồi hành trình tầm đạo tiếp tục đưa ni sư đến một nơi càng hẻo lánh hơn nữa trên núi tuyết, nơi ni sư được tiếp chuyện với một đạo sĩ Du Già râu tóc tua tủa mà dân làng gọi là “vị thánh điên.” Cuộc đối thoại về đạo của hai người đã nhắc tới mối liên hệ giữa cảnh giới trong tâm và phong cảnh bên ngoài. Ni sư nói rằng cuộc hành trình là để kết nối nội tâm của mình với đất nước quê hương, đạo sĩ nói hãy đi tìm cảnh giới trong nội tâm, đừng lang thang ở bên ngoài làm chi. Ven bờ hồ được tạo bởi tuyết tan từ trên núi cạnh ngôi cốc trong núi của vị đạo sĩ kỳ quặc này, ngài đã lượm từng viên gạch chất lên cao một cách kính cẩn, nói rằng mỗi viên gạch là một viên kim cương mà một người tuy không có tiền những vẫn có thể cúng dường chư Phật, và chung quanh hồ là vô số kim cương đã được ngài cúng dường.

Sau cuộc gặp gỡ, vị Du Già bắt đầu một cuộc hành hương ngược hướng với Ni Sư Ani Rigsang, vừa cười vừa nói rằng ngài muốn đến huyệt quỷ Lhasa của Ma Nữ La Sát. Theo truyền thống độc đáo tam bộ-ngũ thể-nhập địa của Tây Tạng, vị đạo sĩ cứ đi ba bước lại bái lạy một lần sát mặt đất bằng toàn thân, và sẽ bái lạy như thế suốt hàng ngàn cây số đến Lhasa. Đạo sĩ đã không nhận tiền cúng dường của dân làng lúc khởi hành.

Lên cao hơn trên miền núi ở miền đông Tây Tạng, Ni Sư Ani Rigsang gặp các vị ni hành trì tu thiền trong những hang đá, giữ cơ thể ấm áp giữa khí lạnh băng giá bằng lửa tam muội. Ở tu viện trên núi tuyết này, một tu sinh cần phải biết phương pháp luyện lửa tam muội để được nhận vào tu học. Đây cũng là nơi mà ni sư được nghe về pháp môn hóa thân thành cầu vồng, được thấy những nhà tu nữ hành thiền suốt đêm và chỉ ngủ ngồi, ban ngày vác giỏ thu gom phân trâu Yak dùng cho nhiên liệu nấu ăn. Tuy được nghe những lời giáo pháp hữu ích ở tu viện trên núi đá – cho bất cứ một hành giả nào muốn học Phật – ni sư vẫn tiếp tục cuộc hành trình đến các tu viện khác được xây trên các yếu huyệt của Ma Nữ, và từ đây nhà làm phim chia tay với ni sư.

Chuyến đi của ni sư được mô tả như một hình thức phản kháng trước những sự việc đang diễn ra ở chung quanh, như việc ni sư chọn để tóc dài thay vì cạo đầu trọc theo nghi thức, để tìm về nguồn của một nền văn hóa, tín ngưỡng Tây Tạng đang mất dần trước những thay đổi trong xã hội, một hành trình tâm linh tuy cô độc nhưng không vô vọng trên một quê hương theo đạo Phật, nơi khởi nguồn của những dòng sông lớn của thế giới.

Từ khi được phát hành, ‘Tibet, the Path to Wisdom’ thường được nhắc tới trong Ngày Phụ Nữ Quốc Tế vào mỗi tháng Ba. Nhờ phim chiếu trên Youtube, nên người xem có thể bấm phần CC để xem phụ đề tiếng Anh, và dừng phim ở bất cứ lúc nào để tiện việc theo dõi câu chuyện đang diễn ra.

Bấm vào đây hoặc vào hình để xem phim:

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *