Tác giả: LIÊN TRÌ ĐẠI SƯ
Dịch và bình chú: SAKYA MINH-QUANG
(Trích từ bộ sách Trúc Song Tùy Bút)
Ma nói chung có hai loại: Một là thiên ma, hai là tâm ma. Thiên ma dễ biết hãy tạm không bàn, chỉ nói đến tâm ma. Người vướng tâm ma không nhất định phải điên cuồng đến mức không chút cố kỵ, khinh mạn các bậc trưởng thượng, hay mặt mày dơ bẩn, không mặc áo quần mà không sợ chê cười. Người tham tiền háo sắc, mê thơ thích rượu, ham sưu tầm thư pháp, hội họa… là đã vướng ma! Nhưng đâu phải chỉ có như vậy? Người vọng ý muốn công trùm một kiếp, danh lưu trăm đời cũng là ma! Nhưng đâu chỉ có vậy? Ngay cả tu các pháp lành mà vọng ý mong cầu thành Phật, đây cũng là ma! Thậm chí, ngay cả có người không vướng những thứ ma nói trên, nhưng bảo: “Chỉ có tôi là không vướng ma.” Đây cũng là ma! Việc ma vi tế thay, thật khó mà giác biết!
Lời bình
Ma nói tắt từ ma-la, dịch âm từ Phạn ngữ māra, Hoa dịch nghĩa: sát giả, đoạt mạng, chướng ngại. Về Pháp nghĩa, Đại Trí Độ Luận chép: “Hỏi: Vì sao gọi là ma?” Đáp: “Vì đoạt huệ mạng, phá gốc thiện, công đức, đạo pháp, nên gọi là ma.” Vì vậy, tất cả điều gì làm chướng ngại người tu, cướp mất căn lành, công đức, làm hại giới thân huệ mạng, khiến thoái thất đạo tâm đều gọi là ma! Người ta cho rằng ai tu mà trở nên cuồng ngạo, xem thường Phật Tổ, lập dị khác người, thậm chí điên khùng không biết hổ thẹn là “tẩu hỏa nhập ma”! Đó đương nhiên là ma. Nhưng Đại Sư Liên Trì nhắc nhở người vướng tâm ma rất vi tế, nếu không chánh niệm tỉnh giác, thường xuyên quán chiếu lại mình, thật khó giác biết. Đó là những người tu mà còn ham tiền tài, sắc dục, bia rượu, thi ca, hay đam mê sưu tầm đồ cổ, thư pháp, hội họa của cổ nhân… cũng là vướng ma! Ngay cả người xuất gia có vọng tưởng xây dựng công danh, lưu lại tiếng tăm cho hậu thế như người đời, đây cũng gọi là vướng ma!
Xét ra, sự nghiệp người xuất gia là sự nghiệp trí tuệ (duy tuệ thị nghiệp), lý tưởng người xuất gia là giác ngộ, giải thoát. Nếu đam mê những điều từ thô tục như tài sắc, đến thanh nhã như thi họa nói trên, đều có thể làm chướng ngại Đạo nghiệp! Ngay cả người vọng ý thành Phật, nghĩ mình sẽ thành Phật nay mai, khoe khoang khai ngộ, chứng đắc… cũng là vướng ma! Còn người tự cho thanh cao, bảo mình không có những tham chấp nói trên, nhưng vì còn có cái “ta” để tự hào, đó cũng là ma! Như vậy, phạm vi “tẩu hỏa nhập ma” bao gồm từ tục đến nhã, từ thô đến tế, chỉ những người chân thật tu hành, khiêm hạ lắng nghe, thường chánh niệm quán chiếu lại mình mới có thể tránh được, hay lỡ vướng rồi thì biết ăn năn sám hối, làm mới lại mình.
Có người hỏi thi ca, thư pháp, hội họa là biểu hiện của tâm linh, nét đẹp của văn hóa, sao lại cho là ma? Hơn nữa, các bậc Cổ Đức nhiều vị cũng giỏi thi ca, thư pháp, hội họa… lấy đó làm phương tiện độ sinh, vậy điều đó có lỗi gì? Xin thưa, thi ca, thư pháp, hội họa… không phải là ma, nhưng người xuất gia “đam mê” những thứ này liền thành ma, vì sự đam mê có thể khiến mình mất thời gian, loạn tâm ý, chấp sở hữu, ham tiếng khen… mà quên đi việc chính tu hành!
Người xưa không có ngồi cố ý “làm thơ” mà thơ đến một cách tự nhiên từ suối nguồn tâm linh sâu sắc. Nói khác đi, thiền thi, kệ tụng của người xưa là biểu hiện từ nội tâm giác ngộ mà không phải tạo tác từ vọng tưởng phân biệt. Ngày nay, người tu có thể làm thi kệ khi nội tâm thật sự có cảm nhận, khai phát, nhằm nhắc nhở cho mình, cảnh tỉnh cho người, nhưng phải luôn chánh niệm đừng để niệm danh lợi khởi lên, trở thành nghiệp ma. Còn người phát tâm Bồ-đề, hành Bồ-tát đạo có thể lưu trữ thư pháp, hội họa v.v… của cổ nhân để gìn giữ văn hóa, lịch sử…, làm lợi ích cho đời mà không có tâm sở hữu hay cầu danh thì đương nhiên là điều tốt đẹp, đáng tán thán. Chẳng qua, chỉ có mình mới biết mình rõ nhất. Lời khuyên sâu sắc của Đại Sư Liên Trì là tiếng chuông cảnh tỉnh cho tất cả người tu!
(Sakya Minh-Quang viết ngày 02 tháng 05, 2022 tại Tu Viện Thiện Tường, Illinois)
Discover more from Tinh Tấn Magazine
Subscribe to get the latest posts sent to your email.