Ngày Thập Trai là ngày nào?

*Đọc 3 phút*

Ngày Thập Trai, theo Kinh Địa Tạng, là ngày mà các nghiệp tội của chúng sanh được kết nhóm lại để định là nặng hay nhẹ. Thập là mười, chữ Trai dịch từ Phạm âm có nghĩa là “Thanh Tịnh.” Như thế, ngày Thập Trai là 10 ngày con người nên giữ thân tâm thanh tịnh, theo lịch âm đó là các ngày mùng: 1, 8, 14, 15, 18, 23, 24, 28, 29 và 30. Nếu tháng thiếu không có ngày 30 âm thì Thập Trai là các ngày: 1, 8, 14, 15, 18, 23, 24, 27, 28 và 29.

Việc lựa chọn 10 ngày này để thực hiện trai giới đều có ý nghĩa riêng, cụ thể như:

Ngày mùng 1 âm lịch: ngày đạt Đạo của Định (hay Đính) Quang Phật (Nhiên Đăng Cổ Phật / Dipankara)

Ngày mùng 8 âm lịch: ngày đạt Đạo của Dược Sư Lưu Ly Quang Vương Phật.

Ngày 14 âm lịch: ngày đạt Đạo của Phổ Hiền Bồ Tát.

Ngày 15 âm lịch: ngày đạt Đạo của A Di Đà Như Lai.

Ngày 18 âm lịch: Ngày đạt Đạo của Quan Thế Âm Bồ Tát.

Ngày 23 âm lịch: ngày đạt Đạo của Đại Thế Chí Bồ Tát.

Ngày 24 âm lịch: ngày đạt Đạo của Địa Tạng Vương Bồ Tát.

Ngày 28 âm lịch: ngày đạt Đạo của Tỳ Lư Đà Na Phật.(Đại Nhựt Phật)

Ngày 29 âm lịch: ngày đạt Đạo của Dược Vương Bồ Tát.

Ngày 30 âm lịch: ngày đạt Đạo của Thích Ca Mâu Ni Phật.

Ý nghĩa của ăn chay một tháng 10 ngày

Theo Kinh Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện: “Mười ngày trai giới các tội nhóm họp định kỳ nặng nhẹ. Nếu trong 10 ngày này trai đối trước Phật Bồ tát, tượng của các bậc thần thánh đọc tụng kinh Địa Tạng Bồ Tát Bổn nguyện kinh không chỉ tự mình tiêu tan khỏi nạn mà bốn hướng Đông Tây Nam Bắc cách 100 do tuần (4000 dặm) không có các tai nạn.”

Ăn chay 10 ngày có tính cách dưỡng khí tương ứng với 10 ngày đạt đạo của 10 vị Phật về phần Đạo ta được thọ truyền Bửu Pháp. Về mặt đời (hữu vi), tập cho ta được tính từ bi, bác ái, nhẫn nhục, hỉ xả và lại ít sinh bệnh hoạn .

Ngày mùng 1, trai giới kết hợp niệm danh hiệu Phật Định Quang (Nhiên Đăng Cổ Phật) giúp tiêu trừ các tội nghiệp chướng.

Ngày mùng 8, ăn chay cùng với niệm danh hiệu Phật Dược Sư Lưu Ly Quang Vương Phật giúp tiêu trừ tội nghiệp chướng, tăng trưởng công đức.

Ngày 14, ăn chay trì tụng danh hiệu 1,000 vị Phật thì sẽ tiêu trừ các điều ác, phát sinh các điều thiện.

Ngày 15, ở cõi Trời Tứ Thiên Vương xuống trần đi tuần khắp cõi nhân gian, dò xét việc thiện ác của chúng sanh. Trai giới, niệm danh hiệu Phật A Di Đà trong ngày này sẽ được tiêu trừ sát sinh, điều xấu sinh trưởng trí tuệ, an vui.

Ngày 18, niệm danh hiệu Địa Tạng Bồ Tát cùng với ăn chay sẽ giúp tiêu trừ tội nghiệp chướng, tăng trưởng tuổi thọ.

Trai giới ngày 23, niệm danh hiệu Đại Thế Chí Bồ Tát thì được tiêu trừ tội nghiệp chướng, sát sinh.

Ngày 24, phật tử ăn chay kết hợp hồi hướng niệm danh hiệu Phật Tỳ Lô Giá Na thì được tiêu trừ tội nghiệp chướng, diệt trừ phiền não, tăng trưởng trí tuệ.

Ngày 29, phật tử ăn chay, niệm danh hiệu Dược Vương Bồ Tát thì được diệt trừ các tật bệnh, ác nghiệp, tăng trưởng thiện nghiệp.

Ngày 30, phật tử ăn chay hồi hướng niệm danh hiệu Phật Thích Ca Mâu Ni thì được tăng trưởng phước đức, thành tựu Bồ Đề.

Xin thường niệm Nam Mô A Di Đà Phật.

(Nguồn: Chùa Bồ Đề Phila Facebook)

Một chút về vị Phật quá khứ Dipankara: Bức điêu khắc trên đá chịu ảnh hưởng của nghệ thuật Hy Lạp từ thời đại Kushan (thế kỷ thứ 2 và 3 sau Công Nguyên) được tìm thấy trong vùng Gandhara nay thuộc Pakistan, được trưng trong một bảo tàng viện (không rõ ở đâu trong hình lấy từ Flickr). Các chuyên gia cho biết phần trên của điêu khắc mô tả Phật Thích Ca Mâu Ni (Shakyamuni) đang nhập định trong một hang đá ở Indrashala, phần dưới cho thấy ngài Sumedha, một vị Bà-la-môn (Bhramin) giàu có sau trở thành một đạo sĩ, đang dùng bộ tóc dài của mình để lót đường cho Nhiên Đăng Cổ Phật (Dipankara) bước trên bùn mà không bị dơ chân. Ngài Sumedha được Phật Dipankara thọ ký tái sanh thành Phật Thích Ca Mâu Ni ở đời sau.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *