Bài THẦY THÍCH THANH THẮNG
Ít tuần trước, có một bạn bên Công giáo nói, “Con có quen một chú Phật tử rất có tâm, chú muốn cúng dường thầy 7 sào đất trên Đắk Nông. Con cho số điện thoại để thầy với chú trao đổi nhé.”
Nghe xong tôi từ chối ngay, vì nhận thấy nhu cầu tự cấp tự túc ở vườn đã đủ. Tôi nói, “Vô công bất thọ lộc. Không làm mà hưởng, phúc ở đấy nhưng họa cũng ở đấy.”
Nhân chuyện kia, hôm nay xin nói về nợ. Nợ của ông thầy tu là nợ đàn na tín thí. Bố thí là cho đi một cách có điều kiện hoặc vô điều kiện. Tín thí là từ niềm tin mà cho đi.
Ở đời, vì tín thí nên trong mọi mối quan hệ người ta củng cố và xây dựng lòng tin lẫn nhau. Nhưng cũng chính điều này mà rất dễ đi đến “cả tin”. Có bao nhiêu vụ lừa đảo là do từ lòng tin mê muội mà ra, rồi thầy trò, tín đồ tố cáo lẫn nhau.
Cho nên tin là phải hiểu, hiểu ông thầy tu kia đang cần cái gì thiết thực cho lợi ích số đông để tạo phước. Nhận cúng dường vừa đủ để nuôi thân đôi khi còn phải cân nhắc xem việc cho nhận có hoan hỉ thanh tịnh hay không chứ không chỉ vì niềm tin với đạo của họ với mình, vì uy tín của mình.
Tuyệt đối thầy tu không nên đi vay, kể cả vay tiền để xây chùa. Vay là nợ, nợ chưa trả xong thì ông thầy tu thành “con nợ”. Con nợ thì cứ tìm cách để có tiền trả nợ. Thử hỏi trong đầu suốt ngày chỉ nghĩ cách xoay tiền trả nợ thì tu thế nào.
Người ta thành tâm cúng dường mình vốn đã là nợ khó trả rồi, huống chi đi vay. Thanh tịnh thí, thanh tịnh nhận khó lắm. Bởi có nhiều đại gia cúng dường xây chùa to lớn, giảng giải đủ thứ triết lý kinh doanh, nhưng bỗng một ngày rơi vào vòng lao lý bởi làm ăn phi pháp. Vậy tiền xây chùa kia là nghiệp chướng của họ, ông thầy tu nhận thì lo tu mà trả nợ không thì cũng chìm đắm theo họ mà thôi.
Mấy hôm trước nghe tin nợ công của Việt Nam lên đến 3.5 triệu tỷ ($152.7 tỷ Mỹ kim). Nếu tính theo dân số hiện tại thì mỗi người dân phải gánh gần 40 triệu đồng tiền nợ ($1,750).
Cứ vay nợ mới trả nợ cũ. Nghe thì cũng không khác lắm với mấy bà chủ hụi vỡ nợ vì vay của người này trả cho người kia. Do lợi dụng lòng tin để vay tiền ăn tiêu mua sắm, tiền không quay vòng để sinh ra tiền nên đổ nợ.
Nợ chính phủ, nợ địa phương cũng vậy. Khi một quốc gia bị hạ mức uy tín thì rủi ro vỡ nợ rất cao.
Uy tín quốc gia cũng như đường lối tu hành vậy. Nếu vay tiền mà đầu tư công kém hiệu quả, doanh nghiệp nhà nước làm ăn thua lỗ, các công trình trọng điểm đội vốn, tham nhũng tràn lan, trả lương cho bộ máy cồng kềnh…, thì dù dự trữ ngoại tệ có lên đến $100 tỷ đô la, cũng chẳng lấy làm mừng vì nó chỉ ở mức gọi là “an toàn”. Nếu bất ngờ xảy ra chiến tranh, thiên tai, dịch họa, số dự trữ kia cũng không thấm tháp gì.
So sánh với các nước phát triển họ cũng vay nợ cao đến 50-70 GDP quốc gia, nhưng có ai hiểu người dân quốc gia ấy gánh nợ nhưng sự thụ hưởng bởi nợ cũng rất cao do chính phủ ấy biết cách vay và biết cách làm đầy ngân khố quốc gia.
Nhìn vào gánh nợ và mức thụ hưởng của người dân Việt Nam nhìn vào dự trữ ngoại tệ ở mức “vẫn an toàn” là nhìn ra cái bẫy trung bình. Rất khó có đột phá phát triển khi tham nhũng, thất thoát, lãng phí, đội vốn vay quá lớn…
Nhìn sang quốc gia vừa vỡ nợ Tích Lan (Sri Lanka) là thấy cái vòng vay mới trả cũ. Vay mà không kịp trả thì đó là nghiệp chướng đói nghèo quốc gia, đời cha ăn mặn đời con khát nước.
Sri Lanka phải đi vay trong thế cạnh tranh chiến lược giữa Ấn – Trung và phương Tây. Người ta gọi vỡ nợ đó là vỡ nợ chủ quyền. Trung Quốc là chủ nợ mới nổi của Sri Lanka nhưng nằm trong chính sách vành đai con đường nên đương nhiên Sri Lanka vỡ nợ càng là thời cơ để Trung Quốc gây ảnh hưởng.
Việc cho phép hoán đổi đồng nhân dân tệ nhằm tăng dự trữ ngoại hối cho Sri Lanka cũng không cứu được sự vỡ nợ của quốc gia này. Nhìn khách quan thì thấy Sri Lanka tham nhũng, quản lý yếu kém, Trung Quốc hào hiệp. Nhưng các dự án đầu tư công không hiệu quả dẫn đến hệ lụy lệ thuộc vốn vay của gã hào hiệp kia. Và đương nhiên không ai cho không ai cái gì, phải đánh đổi chủ quyền, bán hoặc cho thuê các vị trí chiến lược trong lãnh thổ mình. Trung Quốc thừa tiền cho Sri Lanka vay, Sri Lanka có đủ bản lĩnh để tái cơ cấu nợ hay tiếp tục lún sâu và lệ thuộc nguồn vay của Trung Quốc để tham nhũng, ăn tiêu và trả nợ hay không, xem ra vẫn rất khó dự đoán.
Nhìn vào các chủ nợ đa phương và song phương của Việt Nam ít thấy bàn tay Trung Quốc cũng là một điều mừng. Trong chiến lược vành đai con đường kia chẳng có con đường hoành tráng nào xuyên thẳng kết nối Việt Nam với bên ngoài.
Nhưng chỉ cần nhìn vào công trình Cát Linh và sự đội vốn, thao túng nguồn vốn vay là rõ các điều kiện đánh đổi nếu lệ thuộc.
Tôn giáo là đạo đức xã hội, ông thầy tu vay nợ càng nhiều thì bảo sao xã hội không quay cuồng vì nợ. Quốc chủ quần thần vay nợ mà để dân è cổ gánh nợ mặc tham nhũng thất thoát lãng phí, nếu Trung Quốc phát động chiến tranh thì số dự trữ ngoại hối kia còn bao nhiêu để trả nợ? Ai giúp mình xóa nợ, trả nợ và tái thiết, nếu mình thờ ơ vô cảm với chiến tranh mà dân tộc khác đang gánh chịu?
Nợ của ông thầy tu là nợ đàn na tín thí. Nợ quốc gia là nợ xương máu đồng bào. Hai món nợ kia tương quan mật thiết lắm. Trả bằng việc lo nước thương dân đó mới là đạo lý quốc gia tôn giáo vậy.
A Di Đà Phật
(Nguồn Thich Thanh Thang Facebook, 18 tháng 4, 2022)
Discover more from Tinh Tấn Magazine
Subscribe to get the latest posts sent to your email.