Đi tìm tác giả ‘Trang Tôn Kinh Huyền Hoặc’

*Đọc 36 phút*

Bài HOÀNG MAI ĐẠT

Đêm hôm đó, một đêm cuối tuần ở khu phố Little Saigon đây, cụ tặng tôi một nụ cười với ánh mắt thân thiện, có phần trìu mến mà tôi cho là một cái nhìn cảm thông dành cho một bạn viết trẻ. Lúc ấy cụ cùng các bác lớn tuổi đang đứng ở sân cỏ, chuẩn bị bước vào một chiếc xe SUV để được chở về nhà sau khi tiệc tàn. Đó là lần đầu tiên và cũng là lần cuối cùng tôi gặp cụ Nghiêm Xuân Hồng. Chúng tôi đứng cách nhau không tới một thước. Trong nhiều năm sau, tôi vẫn còn tiếc nuối vì mình không có những dịp khác để được trò chuyện với cụ. Cái biết của tôi về nhà văn Nghiêm Xuân Hồng, hay cư sĩ Tịnh Liên Nghiêm Xuân Hồng, đã đến quá trễ. Giờ thì nghìn trùng xa cách, vạn kiếp nan tao ngộ.

Đêm hôm đó nhà văn Nguyễn Mộng Giác đã tổ chức tiệc tại nhà ở góc đường Strait Street. Nhà anh Giác là địa điểm tụ tập quen thuộc đối với hầu hết các văn sĩ, thi sĩ, ký giả sống chung quanh đây. Anh thường tạo dịp cho những người trong giới viết lách được gặp gỡ vào cuối tuần, viện cớ giới thiệu một người viết ở xa mới đến thăm Quận Cam, một tác phẩm mới in xong, hay chỉ đến để gặp nhau, bàn luận những chuyện đang xảy ra trong lãnh vực văn chương. Nhìn lại, chưa có một ai khác đã làm được như anh Giác trong suốt mấy chục năm, mở rộng cửa nhà và biến nó thành một cái quán văn mời đón anh em trong văn giới đến hàn huyên.

Đêm hôm đó, một đêm cuối xuân năm 2000, tôi vừa mới in xong cuốn Giữa Hai Miền Mưa Nắng. Biết nhà anh Giác đang có một buổi tiệc khá đông đủ, nên tôi đến với mấy chục cuốn, hy vọng được tặng sách cho mọi người. Tôi đến trễ, tiệc sắp tàn, nên hàn huyên chưa được lâu thì liền phóng ra xe để lấy sách mang vào biếu. Thấy các bác lớn tuổi đang đứng tụm ở sân trước, tôi vội bước đến với mấy cuốn trên tay. Tôi chỉ nhận ra bác Võ Phiến lúc đó vợ chồng bác ở Los Angeles chưa dọn xuống Santa Ana. Tôi chào bác và được bác giới thiệu với cụ Nghiêm Xuân Hồng. Khi đó nhà văn Phùng Nguyễn đang thúc hối các bác lên xe để anh chở về nhà. Cụ Hồng cầm sách trên tay, nhìn thoáng qua rồi tặng tôi một nụ cười hiền lành. Tôi kính cẩn chào cụ, rồi tiễn cụ bước vào ghế sau xe. Cụ nhìn tôi một lần chót, vẫn với tia nhìn dịu dàng, có lẽ thương hại một anh nhà văn trẻ đang lăng xăng đưa mình vào thế giới văn chương. Ánh đèn từ trên cao tỏa xuống sân cỏ và lề đường, chiếu sáng gương mặt cụ Hồng với nếp da nâu nhăn giữa đêm khuya, và để lại gương mặt đó trong trí nhớ của tôi cho đến ngày nay.

Vài tuần sau đêm hôm ấy, đài Little Saigon Radio tổ chức buổi ra mắt sách lần đầu tiên của đài, và tôi hân hạnh được là tác giả đầu tiên ấy. Nhờ tấm bảng còn giữ lại làm kỷ niệm dưới garage suốt mấy năm, tôi không quên hôm ra mắt sách là thứ Bảy, ngày 6 tháng 5, 2000. Ngày đó cũng là ngày cụ Nghiêm Xuân Hồng cảm thấy mệt mỏi, khó thở và rồi trút hơi thở cuối cùng vào sáng sớm Chủ Nhật hôm sau, ngày 7 tháng 5, 2000. Trong nhiều năm kế tiếp, nhà văn Nguyễn Mộng Giác đã vật vã với trọng bệnh, cuối cùng đành buông tay từ giã thế gian vào đầu tháng Bảy năm 2012. Rồi bác Võ Phiến ra đi vĩnh viễn vì tuổi già vào cuối tháng Chín năm 2015. Nhà văn Phùng Nguyễn đã bay từ xa về Quận Cam để dự đám tang của bác Võ Phiến, và rồi anh cũng đột ngột ra đi vĩnh viễn giữa tháng 11 năm 2015, chưa đầy hai tháng sau ngày thắp nén hương cho bác.

Sau đêm gặp cụ Nghiêm Xuân Hồng, tôi còn in thêm một cuốn sách, cuốn thứ ba, và rồi đi đến một cái chết ở trong tôi. Đó là cái chết của niềm đam mê văn chương. Từ quá khứ buồn thảm trong cuộc chiến Việt Nam huynh đệ tương tàn, đến cuộc đời tỵ nạn chật vật cho sự sinh tồn, và cho dù tương đối thành công trên xứ người, tôi vẫn tìm đến nghệ thuật, văn chương với ước mong tìm ra một ý nghĩa cao thượng hơn bên trên cuộc sống chuộng vật chất, ham hưởng khoái lạc của đời thường. Nhưng rồi tôi cũng thất vọng ở chốn nghệ thuật đó dù rằng có những lúc nó rất đẹp. Đời sống của những người trong văn giới thường diễn ra và kết thúc trong bế tắc, tuyệt vọng. Trong các bạn văn ở Little Saigon đây, người thì lang thang với chai rượu sầu đời giắt trong túi áo, kẻ thì tự tử, những người khác tụ tập chỉ để hý luận, thiên tài hay không cũng vậy. Ngay cả đại văn hào Mỹ Ernest Hemingway, với sự thành công rực rỡ đáng ngưỡng phục khắp thế giới, được giải Nobel Văn Chương năm 1954, vậy mà ông đã kết thúc đời mình bằng một phát súng bắn vào đầu tại Idaho, có lẽ vì không chịu nổi sự hành hạ của bệnh tật và không muốn làm phiền người thân thêm nữa, khi mới gần 62 tuổi, trạc tuổi tôi bây giờ. Có còn tấm gương nào hay hơn cho tôi có lý do chính đáng để tiếp tục nghiệp viết văn? Lại nữa, hầu hết văn sĩ, thi sĩ mà tôi biết, kể cả tôi, thường chỉ thích viết về mình, cho mình, chứ không phải viết vì người. Họ yêu chính họ hơn mọi thứ khác trên thế gian.

Bìa tập 1 do Xuân Thu tái bản năm 1992.

Thế nên tôi đành chia tay với niềm đam mê chữ nghĩa, giã từ thơ văn. Tôi đã chất vào thùng hàng trăm cuốn sách, kể cả những tựa sách quý hiếm mà tôi từng ôm theo mỗi khi dọn nhà từ năm 1975, và vô số sách từ một cửa tiệm mà vợ chồng từng làm chủ, tặng phần lớn chúng cho Thư Viện Việt Nam, và phần còn lại cho một nhà sách ở đường Bolsa đây. Những sách tiếng Anh thì tôi cho vào thùng rác vì không ai muốn nhận. Sách của tôi cũng vậy, cũng chung số phận trong thùng rác, chỉ giữ lại một số ít để tự nhắc mình về một thời viết văn không mấy đáng nhớ. Vậy mà tôi vẫn còn hơn trăm cuốn sách trên kệ, hầu hết là sách đạo, trong đó có bộ sách bốn cuốn “Trang Tôn Kinh Huyền Hoặc” của cụ Nghiêm Xuân Hồng.

Gần 10 năm sau ngày cụ Hồng mất, tôi tình cờ lấy xuống bộ “Trang Tôn Kinh Huyền Hoặc” và lần giở từng trang đầu tiên với sự tò mò, và rồi được cụ nắm tay dẫn vào một thế giới huyền ảo với sức thu hút mãnh liệt qua các nhân vật Thạch Sanh, Long Cuồng Huệ, Càn Thát Bà, Phi Ly, Công Chúa Mỵ Ê trong một cuộc hành trình tầm đạo ly kỳ như trong tác phẩm Tây Du Ký. Không ngờ cụ đã dùng tài hoa của một kịch tác gia từng được thể hiện trong tác phẩm “Người Viễn Khách Thứ Mười” hồi đầu thập niên 1960 để sáng tạo một ảo giới biến chuyển không ngừng, hấp dẫn đầy thi vị và đạo vị trong bộ sách “Trang Tôn Kinh Huyền Hoặc” gần 30 năm sau vào lúc cuối đời. Tôi không có thói quen đọc sách trên giường, nhất là vào buổi tối sau một ngày làm việc, vì rất dễ rơi vào giấc ngủ. Vậy mà từng đêm tôi đã cố gắng thức thêm một, hai tiếng để đọc cho hết bộ sách của cụ.

Thế nên từ đó, mỗi lần ghé chùa và thấy có sách “donate” mang tên Nghiêm Xuân Hồng, tôi đều cầm về và cất lên kệ, biết rằng một ngày nào đó khi xong việc “chinh chiến” kiếm sống thì tôi sẽ thăm cụ. Nhờ cụ mà niềm vui với văn chương trong tôi được sống lại, nhưng chữ nghĩa giờ đây không để phô trương hay khai phá, sáng tạo, mà sẽ là phương tiện để giúp tha nhân được bớt khổ, được vui trong niềm vui vô biên, vô ngôn của đạo.

Sau hơn hai thập niên từ đêm gặp gỡ lần đầu và lần cuối ấy, đến tháng 11, 2021 này tôi mới khởi sự một công việc muốn làm từ lâu. Đó là truy tìm những tài liệu, những người thân từng biết nhiều về cụ Nghiêm Xuân Hồng. Tôi khám phá số tài liệu viết về cụ không nhiều, những người thân với cụ thì một số đã qua đời, các bạn văn còn lại chỉ biết sơ về cụ lúc gặp ở phố, ở bữa ăn đó đây. Hình ảnh thì càng hiếm, chỉ có một vài tấm ảnh được phổ biến. Tuy vậy, tôi cũng tìm đủ chất liệu để nhận ra một con người đáng quý như tôi đã biết, một cư sĩ thâm hậu Phật học đã có được niềm vui ở đạo từ thuở thơ ấu, tăng triển kiến thức đạo vài năm trước năm 1975 và nở rộ sau năm 1975 tại hải ngoại, tự nhận là người “viết một ít sách” nhưng được tới 20 tác phẩm. Thế mà đến cuối đời nhà văn Nghiêm Xuân Hồng đã có những giây phút đáng buồn như trường hợp của Ernest Hemingway.

Suy nghiệm của Trí Không

Khởi hành trên con đường đi tìm tác giả “Trang Tôn Kinh Huyền Hoặc,” tôi gặp trên mạng một người viết blog ở Việt Nam lấy tên là Trí Không, có lẽ sống ở thành phố Vinh, Nghệ An. Người ấy viết trên trang Suy Nghiệm những đoạn được trích dẫn dưới đây:

Tịnh Liên Nghiêm Xuân Hồng (1920-2000)

“Hai kỳ trước, tớ đã giới thiệu hai tác giả phương Tây, một của Đức, một của Na Uy. Cả hai đều có những ngôn ngữ và phong cách riêng của mình trong lộ trình tìm kiếm và khám phá chân lý. Việt Nam ta thì sao?

“Hôm nay, tớ muốn gửi đến các bạn một đại tác gia khác – người Việt Nam – cũng có phong thái rất riêng, mà theo tớ, không thua kém bất kỳ tác gia nào khác trên thế giới, trong việc khám phá kho tàng ẩn mật của chân tâm huyền diệu. Đó chính là luật sư, học giả, nhà thơ, cư sĩ Tịnh Liên – Nghiêm Xuân Hồng, qua tiểu thuyết Trang Tôn Kinh Huyền Hoặc. […]

“Hầu hết những tác phẩm của ông là sách nghiên cứu, biên khảo. Ngoài ra, ông còn sáng tác kịch, thơ, viết báo… Trang Tôn Kinh Huyền Hoặc là tiểu thuyết, gồm bốn tập, được xuất bản từ năm 1988 đến năm 1991 tại hải ngoại. Ở Việt Nam, thật đáng tiếc, chúng chỉ được lưu hành nội bộ, nếu không muốn nói là sách in lậu. Tớ may mắn được tiếp cận với tác phẩm này vào năm 2002, trong một lần lang thang phố xá và bắt gặp chúng bày bán ở vỉa hè… Sau 10 năm, lục lọi tủ sách tìm về tác phẩm, cảm giác xao xuyến nâng nâng cứ như vừa mới hôm qua…

 “Trang Tôn Kinh Huyền Hoặc là tiểu thuyết diễn bày về quá trình tìm kiếm Chân Kinh của anh chàng Thạch Sanh – một nhân vật trong truyện cổ tích Việt Nam. Bối cảnh câu chuyện là thời Âu Lạc, vì thế trong tác phẩm, ông cũng sử dụng đến nhiều nhân vật và địa danh đậm chất Việt Nam khác như Mỵ Ê, Phong Châu, vua Âu Lạc… Ngoài những nhân vật đậm chất Việt Nam ra, còn một tuyến nhân vật khác, là danh hiệu của các vị Bồ Tát, thiên thần trong Phật giáo như Thiện Tài Đồng Tử, Văn Thù Bồ Tát, Long Thọ Bồ Tát, Long Cuồng Huệ (chỉ loài rồng), Càn Thát Bà (chỉ cõi trời), A Tu La (chỉ loài ma)… Cảm hứng cho sự ra đời của Trang Tôn Kinh Huyền Hoặc, như có lần ông trả lời trong một bài phỏng vấn, chính là tác phẩm Tây Du Ký của Ngô Thừa Ân.

“Tư tưởng chính trong tiểu thuyết được ông triển khai, chủ yếu nằm trong ba bộ kinh lớn của Phật giáo Đại Thừa là Kinh Hoa Nghiêm, Kinh Lăng Nghiêm và Kinh Lăng Già.

“Kinh Hoa Nghiêm diễn bày bản thể hoa tạng của pháp giới trong sự dung thông vô ngại, đồng thời nói về lộ trình học đạo qua 53 vị Bồ Tát của Thiện Tài đồng tử.

“Kinh Lăng Nghiêm triển khai về thế giới tâm thức, các cảnh giới tu chứng trong thiền định và những ảo ảnh do 50 hiện tượng ấm ma chi phối làm mờ mất bản tâm thanh tịnh của mỗi chúng ta.

“Kinh Lăng Già là sự kết hợp giữa tư tưởng A Lại Gia và Như Lai Tạng. Kinh, một mặt y cứ nghĩa nhiễm ô của A Lại Da thức mà trình bày thế giới hiện tượng vật lý, tâm lý hữu lậu, rồi hội quy chúng về tự tâm thanh tịnh; một mặt y cứ vào nghĩa thanh tịnh mà đề cập đến cảnh giới thanh tịnh, giác ngộ, giải thoát, thành Phật hay cảnh giới bất tư nghì, tự giác Tánh trí của chân tâm.

“Trong Kinh Hoa Nghiêm, khởi sự cho lộ trình tìm đạo của Thiện Tài đồng tử là hội Phổ Chiếu Pháp giới ở chùa Đại Tháp, do Ngài Văn Thù Bồ tát – biểu tượng trí tuệ của Phật giáo – giảng thuyết. Sau buổi giảng, khởi lên trong tâm thức hành giả Thiện Tài những suy tư lớn lao về chân lý của tồn tại. Dưới ánh trăng lung linh của đêm rằm, Thiện Tài quyết định từ giã cha mẹ, xuất gia học đạo.

“Trong Trang Tôn Kinh Huyền Hoặc, cũng dưới ánh trăng vàng lung linh chiếu tỏa, chàng Thạch Sanh của nước Việt thân yêu cũng đã khởi sự cho mình một lộ trình tìm đạo như chàng Thiện Tài năm nào của pháp hội Phổ Chiếu. Lộ trình của Thạch Sanh, không hẳn là lộ trình tìm kiếm chân kinh hay tìm một vị minh sư uyên bác ở thế giới bên ngoài, mà đúng hơn, đó chính là lộ trình phản tỉnh vào chính nội tâm của mình. Quá trình tìm đạo của Thạch Sanh chính là quá trình gỡ bỏ dần dần những ảo tưởng bị sai sử bởi các ấm ma. Mỗi nhân vật, mỗi suy tư, mỗi hoạt cảnh, mỗi diễn biến được mô tả trong truyện mà Thạch Sanh phải đối diện chính là sự phóng chiếu của tâm thức mê mờ điên đảo, là sự vây bủa của khát ái cuồng si…”

Thư Viện Hoa Sen

Về tiểu sử, trang Thư Viện Hoa Sen đã tóm lược đầy đủ về cụ Tịnh Liên Nghiêm Xuân Hồng:

Cư sĩ Tịnh Liên Nghiêm Xuân Hồng sinh năm 1920 tại Hà Đông, Bắc Việt. Năm 1953, hành nghề Luật Sư. Năm 1954, đất nước chia đôi, di cư vào Nam. Nguyên Luật Sư Tòa Thượng Thẩm Sài Gòn, Cựu Bộ Trưởng Phủ Thủ Tướng năm 1965, thời Nguyễn Khánh. Sáng lập viên nhóm Quan Điểm.

Năm 1975, miền Nam Việt Nam mất, di cư sang Hoa Kỳ. Trước năm 1975, viết sách về Chính Trị, Triết Học và Văn Chương. Sau năm 1975, chuyên đọc Kinh Đại Thừa, tịnh tu, viết sách Phật và giảng dạy Phật Pháp tại chùa Trúc Lâm Yên Tử, Santa Ana và chùa Liên Hoa, Garden Grove, tiểu bang California. […]

Tinh thành trong lịch sử chuyển mình của quốc gia, cư sĩ Tịnh Liên Nghiêm Xuân Hồng, ngoài “Một nhà văn luôn luôn thiết tha với đất nước. Một nhà tư tưởng luôn luôn thiết tha với đại thể. Một hồn thơ luôn luôn thiết tha với cái “Mỹ” và cái “Hảo,” ông còn là “một thiền gia luôn luôn thiết tha với thế nhân.” Cư sĩ quả là bậc tiền bối hữu công sáng chói, ông đã “khước từ những quyền uy, những hạnh phúc, những danh vọng, những phú qúy, những sang giàu” để tựu thành đạo nghiệp cao quý cho hàng hậu tấn ngưỡng vọng.

Mười-một tác phẩm xuất bản ở Việt Nam: Đi Tìm Một Căn Bản Tư Tưởng, 1957. Lịch Trình Diễn Tiến Của Phong Trào Quốc Gia Việt Nam, 1959. Xây Dựng Nhân Sinh Quan, 1960. Luyến Ái Quan Qua Triết Thuyết và Tình Sử, 1961. Cách Mạng và Hành Động, 1962. Người Viễn Khách Thứ Mười, Kịch, 1963. Từ Binh Pháp Tôn Ngô Đến Chiến Lược Nguyên Tử, 1965. Việt Nam, Nơi Chiến Trường Trắc Nghiệm, 1966. Biện Chứng Giải Thoát trong Tư Tưởng Ấn Độ, 1966. Biện Chứng Giải Thoát trong Giáo Lý Trung Hoa, 1967. Nguyên Tử Hiện Sinh và Hư Vô, 1969.

Chín tác phẩm xuất bản ở Hoa Kỳ: Lăng Kính Đại Thừa, 1982. Tánh Không và Kinh Kim Cang, 1983. Lăng Nghiêm Ảnh Hiện, 1983. Nguồn Thiền Như Huyễn, 1984. Mật Tông và Kinh Đại Thừa, 1986. Trang Tôn Kinh Huyền Hoặc 1, 1988. Trang Tôn Kinh Huyền Hoặc 2, 1989. Trang Tôn Kinh Huyền Hoặc 3, 1991. Trang Tôn Kinh Huyền Hoặc 4, 1992. Ma Tâm và Ma Sự Của Người Tu (hay Ma Chướng Trên Đường Tu), 2001.

Phỏng vấn của Giao Điểm

Trong số ra ngày 15 tháng 7, 1992, cụ Tịnh Liên Nghiêm Xuân Hồng đã có những lời tâm sự với báo Giao Điểm như sau:

Tịnh Liên Nghiêm Xuân Hồng (1920-2000)

“Tôi sinh ở Hà Nội, khoảng 1920. Khoảng 1939, vào trường Luật Khoa. Lúc đó, tình hình chính trị trong nước bắt đầu chuyển mình sôi động. Thấy chán nản lối học khoa cử, năm 1941, tôi bỏ học lang thang theo những phong trào chính trị quốc gia mới xuất hiện. Tuy cũng bị ám ảnh ít nhiều bởi trào lưu ý thức hệ Mác Xít, nhưng không hiểu sao, mỗi khi gần gũi, tôi không hề thấy một chút cảm tình gì với những người thuộc Mặt Trận Việt Minh. Năm 1953, làm Luật Sư. Năm 1954, di cư vào Nam. Năm 1975, di cư sang Mỹ. Tôi có viết một ít sách về chính trị, triết học, văn chương. Từ khi sang Mỹ nằm dài đọc kinh Phật.

“Về cơ duyên đến với đạo Phật, tôi nghĩ mỗi người là một loài hoa. Có những thứ hoa nở sớm, lồ lộ, lộng lẫy. Có thứ hoa nở muộn. Có lẽ tôi thuộc loại hoa nở muộn. Thuở nhỏ đi học cũng lười biếng, khờ khạo, thích đánh bi đánh đáo hơn là học. Lớn lên, chơi với những người bạn văn nghệ như Vũ Khắc Khoan, bỗng nghĩ đến chuyện viết lách, thì trong nhiều năm cũng chỉ nói mồm mà chẳng viết được quyển nào. Cho tới khi bắt tay vào viết, tôi nghĩ rằng giỏi lắm cũng chỉ viết được một vài cuốn là cùng, cho ra vẻ mà thôi; không ngờ về sau cứ viết dài dài. Cho nên dần dần tôi mới hiểu ra rằng: Mọi sự ở đời, trong cuộc sống của mình, đều chỉ là sự nở ra của những chủng tử nằm sâu trong vô thức của mình. Và mỗi khi nở ra, chúng thường chiêu cảm sự dẫn dắt đưa đẩy của các vị quỷ thần và thần linh, và lần lần, tôi cũng hiểu ra rằng, trên trái đất này cũng như trên vô lượng hành tinh khác, loài người chỉ có ba bốn tỷ, nhưng quỷ thần và thần linh cùng các loài chúng sinh phi nhân khác thì vô lượng. Có lẽ cục nghiệp khắc khoải siêu hình cứ lần lần nở ra trong tôi. Đọc sách luật thì thấy chán phèo, nhưng đọc những mộng những tưởng kỳ ảo thì thấy rất khoái trá.

“Hồi đó tôi có một người bạn cùng một xu hướng: đó là ông anh ruột tôi tên là Nghiêm Xuân Cẩn, nay là Thượng Tọa Thích Tâm Cẩn, trụ trì chùa Một Cột ở Hà Nội. Hai anh em cứ bỏ học đi thăm chơi các chùa và tuy chẳng hiểu Phật pháp gì bao nhiêu nhưng cứ vấn nạn lung tung các vị tăng. Hồi đó chúng tôi hay bàn cãi sôi nổi về vấn đề: “Vũ Trụ là Tận hay Vô Tận?” mà chẳng biết quyết nghị ra sao. Sau này đọc Kinh Đại Thừa mới biết đó là một trong 14 câu hỏi khó trả lời. Và tôi mới thấy rằng lời kinh xưa đã trả lời vừa bình dị vừa sâu sắc rằng: khi tâm một chúng sinh còn động niệm, thì vũ trụ vẫn còn hiện lên bời bời chẳng tận, nhưng khi chúng sinh đó biết bặt niệm, thì vũ trụ cũng nhòe đi và tắt luôn.

“Nhưng thực ra, tôi còn một cơ duyên khác để đi vào giáo lý Phật đà. Cơ duyên này thích thú hơn, có vẻ lãng tử hơn. Đó là mấy cuốn tiểu thuyết mà tôi say mê. Hồi chín, mười tuổi tôi say mê Tây Du Ký, nhất là nhân vật Tề Thiên Đại Thánh. Nghĩ rằng nếu mình có được 72 phép thần thông biến hóa thì mới thực là sướng. Lớn lên chút nữa, say mê cuốn Lục Giả Tiên Tung với những nhân vật như Lãnh Vu Băng và Kim Bất Hoán.

“Mơ màng tu tiên và luyện đơn trường sanh bất tử. Lớn lên chút nữa, mê Liễu Trai Chí Dị. Giật mình nghĩ rằng thế giới này có nhiều thứ chúng sinh phi nhân mà mắt thịt không nhìn nổi. Thấy có nhiều thứ hồ ly quỷ mị và các thứ tình chướng giăng mắc.

“Lớn lên ít nữa, đọc Nam Hoa Kinh. Thấy nói: nằm ngủ mơ màng hóa thành bướm, nhởn nhơ bay lượn….Lấy làm thích thú, nhưng hồi ấy vẫn hoang mang không chắc ý. Không chắc rằng cái vụ biến hóa đó có thể thực hay chỉ là một giấc mơ thôi.

“Tới gần 50 tuổi, mới đọc kinh Đại Thừa. Tôi bàng hoàng nhận thấy rằng: trong các kinh, chư Phật nhiều như cát sông Hằng, khác miệng nhưng đồng lời, đều khẳng định rằng: “Các cõi, các thế gian đều chỉ là Biến Hóa, các chúng sinh chỉ là Biến Hóa. Biến Hóa của cái Tự Tâm ấy. Dệt nên bởi những quang minh của Thần Lực cùng Nguyện Lực của chư Phật cùng Đại Bồ Tát, cũng như được dệt nên bằng quang minh Nghiệp Lực của chúng sinh. Những quang minh của Nghiệp này, xoay vần miên viễn từ vô thủy, lần lần bị nặng nề bởi vọng tưởng vọng tình, nên xoay tròn hữu nhiễu, kết lại thành những hình hài chúng sinh cùng những cảnh giới y báo.

“Cho nên tất cả thế gian này chỉ là một trường biến hiện của Thức Tâm, một trường nhân duyên trùng trùng khởi lên, một trường ảo ảnh… chẳng phải hư, nhưng cũng chẳng phải thực.

“Những điều đó thường được giảng dạy trong các kinh, nhất là Kinh Hoa Nghiêm. Tôi bàng hoàng vì lời kinh xưa không ngờ rằng lại rốt ráo xác nhận cái khả năng Biến Hóa Không Cùng của Tâm Thức; vì đó chính là giấc mơ thuở nhỏ của tôi. Từ đó tôi say mê Kinh Đại Thừa và chính chân lý ấy làm tôi sống. Đôi khi tôi trộm nghĩ rằng: một người chỉ cần có một niềm Tín Giải sâu sắc vào chân lý Duy Tâm sở hiện, thì có thể đi qua các cõi, các kiếp một cách thong dong yên ổn, tùy duyên kiếp ứng…Vì sao? Vì đó là giáo lý tối thượng về Đạo Lý vận hành của pháp giới này và các vị Quỷ thần vương đều phải kính trọng.”

Nguyên Giác: Những mẩu chuyện về cụ Hồng

Cư sĩ nhà văn Nguyên Giác Phan Tấn Hải sinh năm 1952 tại Sài Gòn, hiện sống tại Wesminster, California. Ông đã viết hoặc dịch trên một chục cuốn sách liên quan đến thiền và Phật Giáo Việt Nam. (Hình Facebook)

Lượm lặt đó đây trên mạng, tôi có được những mẩu chuyện về cụ Nghiêm Xuân Hồng, nhặt được vài cái tên và manh mối để đi tiếp trong cuộc tìm kiếm cụ, người mà tôi không được dịp nói chuyện 21 năm trước.

Trên tờ Việt Báo, cư sĩ Nguyên Giác Phan Tấn Hải cung cấp một chút thông tin về cụ:

“Trong những năm gần đây cụ Nghiêm Xuân Hồng vẫn thường sáng tác thơ và dành thời giờ ở các chùa. Cụ có pháp danh là Tịnh Liên. Tuy có sức khỏe yếu kém, vào mỗi cuối tuần cụ vẫn ghé đến tư gia của nhà văn Nguyễn Mộng Giác, chủ bút tờ Văn Học, để hàn huyên tâm sự chuyện văn chương và tìm hiểu về những người viết trẻ. […]

“Theo lời con trai cụ Hồng, ông Nghiêm Xuân Quan, nói với Việt Báo rằng cụ Hồng đã tiên đoán trước là sắp từ trần; từ bốn tuần lễ trước, cụ Hồng nói với ông Quan là, “Tao thấy yếu rồi, có thể đi trong tháng 5 hay trễ là tháng 6.”

“Ông Quan cũng nói, vào chiều thứ Bảy 6 tháng 5, cụ Hồng thấy mệt, nên ông Quan chở vào bệnh viện phòng cấp cứu, được 1 giờ đồng hồ, cụ Hồng đòi về, bảo là không thích không khí bệnh viện. Khi ông Quan chở cụ Hồng về, trên đường cụ Hồng nhìn lên trời và nói “Bầu trời đổi sắc rồi.” Tới 1 giờ khuya, rạng sáng Chủ Nhật thì cụ từ trần. […]

“Khi đến Hoa Kỳ, với kiến thức uyên thâm, cụ đã nghiên cứu Phật học và giảng dạy Kinh Phật tại chùa Trúc Lâm Yên Tử, Santa Ana, chùa Liên Hoa, Garden Grove. Khi cụ đang phụ trách giảng dạy bộ kinh Niết Bàn thì bị bệnh và qua đời.”

Anh Nguyên Giác viết tiếp, “Tôi còn nhớ như in hình ảnh cụ Hồng. Người tầm thước, lúc nào cũng có nụ cười trên môi. Đôi mắt lộ ra thông minh, nhưng tia nhìn rất hiền lành. Đi đứng lúc nào cũng chậm rãi, thư thả. Và luôn luôn mặc trang phục chỉnh tề, đơn giản nhưng không luộm thuộm bao giờ. Tôi có một số kỷ niệm với cụ Hồng. Bây giờ mỗi khi nghĩ tới, thì lòng lúc nào cũng dịu xuống.

“Khoảng 12 năm trước, tôi là người phương xa vừa tới Quận Cam. Anh Vũ Huy Quang, một nhà văn thuộc loại bướng bỉnh kiểu dissident trong cộng đồng cầm bút hải ngoại, một hôm chở cụ Hồng tới rủ tôi đi ăn trưa. Cụ hỏi thăm về đời sống của tôi, rồi nói về những chuyện linh tinh. Không hề có chuyện gì trầm trọng kiểu như cứu đạo, cứu đời cả. Khi nói chuyện, tôi gọi cụ Hồng bằng “cụ,” và xưng bằng “cháu.” Một cách tự nhiên, vì hai thế hệ phải là như thế. Cụ Hồng đều gọi anh Quang và tôi là “anh.” Các ngôi thứ ba cũng được cụ gọi là “anh.” Khi nói chuyện, nụ cười và nét mặt của cụ lúc nào cũng vui. Lúc đó cụ Hồng đã in nhiều sách về Phật Học rồi. Còn tôi chỉ có một số bài về Thiền in trên các báo, và đang làm việc cho tạp chí Giao Điểm của Phật Giáo.

Nhà văn Vũ Huy Quang sinh năm 1942 tại Hải Phòng, mất tại Pacifica, California năm 2017. Ông viết dưới các bút hiệu Diệu Phong, Tam Trương, Thăng Long Văn Sĩ, để lại các tác phẩm Nơi Trại Trừng Giới (dịch, 1988), Đường Lên Trời (dịch, 1989), Nhục Bồ Đoàn (dịch, 1990), Mười Tân Truyện Liêu Trai (1991), Câu Chuyện Triết Lý (1992), Chín Truyện Ngắn (1992).

“Một tháng sau, anh Quang lại chở cụ Hồng tới bảo tôi đi ăn cơm. Lần này đi một tiệm ăn khác. Cụ Hồng bảo anh Quang là tìm một tiệm nào có món mắm và rau đi. Chúng tôi lúc đó không ai ăn chay. Cũng chỉ nói chuyện loanh quanh. Không có gì nghiêm trọng. Và vài lần nữa, cứ mỗi tháng một lần. Nhưng không kéo dài tới một năm, có lẽ vì anh Quang đã tìm ra việc làm, nên bận rộn hơn. Cũng nên kể rằng anh Quang rất thường khi thất nghiệp, thuộc loại kinh niên; có lẽ đó cũng là cái giá phải trả của một nhà văn viết truyện ngắn thuộc loại hay nhất hải ngoại.

“Sau này anh Quang kể lại, lúc đó mỗi lần cụ Hồng lãnh check tiền già, thì cụ lại bảo anh Quang tới rủ Hải đi ăn tiệm, bảo là để cho biết các tiệm Quận Cam. Tôi cảm động, nghĩ tới hình ảnh cụ Nghiêm Xuân Hồng – một cựu luật gia, một cựu chính khách, một nhà văn, và một nhà nghiên cứu Phật Học – chỉ thích thân cận những người vụng về và có vẻ như dường là bị gạt ra bên lề xã hội. Anh Quang và tôi thật sự không có vẻ gì phù hợp với xã hội chung quanh, kể cả với cộng đồng những người cầm bút. Gần đây, anh Quang lại kể rằng có lần cụ Hồng từng nhét một phong bì, bên trong có ít tiền, vào túi anh Quang, bảo là cầm về mà xài. Cụ Hồng thì lãnh tiền già, đâu có bao nhiêu mà vẫn cứ rộng rãi thế. Nhưng đó mới là Đạo Phật, là Lục Độ Ba La Mật, là dốc sạch túi cho chúng sinh. Và cụ luôn luôn tìm đến những người yếu thế trên trần gian này.

“Cụ không nói gì về Đạo Phật, cũng không bàn gì về văn thơ, khi nói chuyện với anh Quang và tôi. Nhưng từng cách xử thế trong đời sống, trong cách giao tiếp, tất cả đều lộ ra phong thái nhà Phật. Cả cách cười, cách nói, cách đi đứng. Thật sự, tôi chưa đọc sách cụ một cách nghiêm túc, chỉ trừ một số bài thơ ngắn của cụ. Cũng chưa bao giờ vào chùa nghe cụ giảng kinh. Một phần vì không có nhiều thì giờ, và phần nữa vì tôi đã được may mắn thân cận với cụ, một người mà đời sống còn hay hơn chữ nghĩa nhiều.

“Phần nữa, cụ Hồng viết và nói theo kiểu của cụ, để trình bày Đạo Phật trong các phương tiện thiện xảo của cụ. Về Hoa Nghiêm, về Thủ Lăng Nghiêm, về Kim Cang, về Đại Bát Niết Bàn, vân vân. Và về Thiền và Tịnh Độ nữa. Cụ tìm cách mở quá nhiều cánh cửa cho quá nhiều người. Cụ là một Pháp Sư uyên bác. Còn tôi chỉ là người đứng bên cửa chùa chắp tay lạy.

“Điều hay nhất nơi cụ Hồng chính là việc cụ chuẩn bị cho cái chết. Ít người làm được như vậy. Cụ đã sống với cái Nguồn Thiền Như Huyễn và Hoa Nghiêm Tạng Pháp Giới nhiều hơn một thập niên cuối đời – trong các cảnh giới đó, cái chết và cái sống đã hòa lẫn vào nhau, tương nhập tương tức. […]

“Hình ảnh cụ Nghiêm Xuân Hồng lúc nào cũng thanh thản, kể cả khi rũ áo lìa đời. Những điều cần phải làm, cụ đã làm cả. Và làm rất tận lực. Một thời thơ trẻ, cụ cũng liều thân cứu nước, cố gắng suy nghĩ cho ra một lý thuyết về giai cấp tiểu tư sản để tìm phương hướng đấu tranh và xây dựng đất nước. Rồi cụ tham chính, giữ cả chức bộ trưởng. Và rồi cụ bỗng nhiên thấy mình xa lạ với đủ thứ trò quỷ quái chính trị, nên trở về với Kinh Phật, tìm nghĩa cứu cánh, tận lực thăm dò cho ra thật tánh để chữa tận căn gốc muôn bệnh của chúng sinh. Từ đó, cư sĩ Tịnh Liên Nghiêm Xuân Hồng đã trở thành nơi nương tựa cho biết bao nhiêu người con Phật.”

Qua câu chuyện của cư sĩ Nguyên Giác, tôi nhớ tới anh Vũ Huy Quang, một nhà văn đúng là “bướng bỉnh” và gàn không thể tả. Anh Quang thường gọi tôi vào những giờ giấc bất thường và rủ đến nhà nhậu, kể cả giữa giờ làm việc của tôi ở đài phát thanh. Anh làm gì có nhà, chỉ sống tạm mỗi nơi được vài tháng. Chúng tôi không còn liên lạc từ khi anh lên San Jose. Thật tiếc là anh Quang đã mất vào tháng Giêng 2017, nên tôi không thể tìm hiểu thêm về cụ Hồng qua anh, người từng lái xe đưa cụ đi đó đây và chắc biết về gia đình cụ, điều mà tôi đã thắc mắc trong cuộc tìm về cụ Hồng.

Một cái tên khác cũng được anh Nguyên Giác nhắc tới là ông Nghiêm Xuân Quan, con cụ Hồng. Tôi từng mừng thầm, nghĩ rằng mình có thể truy ra ông Quan để hỏi ông về những ngày cuối đời của cụ Hồng. Thế nhưng cuộc tìm kiếm ông Quan đã kết thúc mau chóng khi tôi truy ra một phân ưu thông báo về sự lìa trần của ông do Hội Nghiêm Xuân Tương Tế Hải Ngoại đăng trên báo Người Việt. Ông Quan đã mất hồi tháng 10, 2017, cùng năm với Vũ Huy Quang, hưởng thọ 73 tuổi. Ông là con trưởng của cụ Hồng. Tôi dò không ra Hội Nghiêm Xuân Tương Tế Hải Ngoại, nên đành chấm dứt cuộc điều tra theo hướng gia đình cụ Hồng.

Bác Mật Nghiêm và cụ Hồng

Cư sĩ Mật Nghiêm Đặng Nguyên Phả sinh năm 1932 tại Kiến An, Hải Phòng, trước năm 1975 giữ chức Trung Tá Chỉ Huy Trưởng kiêm Tham Mưu Trưởng Sư Đoàn 23 Bộ Binh trong Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa đóng tại Ban Mê Thuột. Bác sáng lập Hội Phật Học Đuốc Tuệ tại California, đã xuất bản hai cuốn sách Mật Tông Vấn Đáp, Sen Nở Trời Âu Mỹ, chủ bút tuần báo Saigon Post. Hình chụp tại nhà ở Santa Ana ngày 9 tháng 11, 2021.

Một người khác cũng tin rằng cụ Nghiêm Xuân Hồng đã “rũ áo lìa trần, ra đi trong sự thanh thản” là bác Mật Nghiêm Đặng Nguyên Phả. Năm nay bác Mật Nghiêm đã 89 tuổi, là Hội Trưởng Hội Phật Học Đuốc Tuệ, một hội đã mời được nhiều danh tăng đến Quận Cam thuyết pháp trong hai thập niên. Cũng nhờ hội này mà tôi được nghe nhiều bài pháp hữu ích, đúng lúc tôi cần chuyển hướng từ niềm đam mê văn chương qua một con đường khác. Bác Mật Nghiệm quê ở Kiến An, Hải Phòng, giữ chức vụ cuối cùng trong Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa là Trung Tá Chỉ Huy Trưởng kiêm Tham Mưu Trưởng Sư Đoàn 23 Bộ Binh. Sau năm 1975, bác bị cộng sản bắt đi tù cải tạo 10 năm; bác định cư tại Nam California từ năm 1992. Vào năm 1993 bác đến Dharamsala, Ấn Độ và gặp Đức Đạt Lai Lạt Ma với ý định xuất gia, nhưng rồi bác trở về Hoa Kỳ và tìm một con đường khác để phục vụ đạo pháp. Hội Phật Học Đuốc Tuệ ra đời từ đó.

Mối liên hệ giữa bác Mật Nghiêm Đặng Nguyên Phả và cụ Tịnh Liên Nghiêm Xuân Hồng được khởi đầu với một người tên là Tam. Ngày tôi đến thăm bác Phả để hỏi về cụ Hồng thì trí nhớ của bác không còn như xưa, như thời bác có thể sáng tác một bài thơ ngay tại chỗ để tặng quý Tăng, Ni đến giảng pháp tại Hội Phật Học Đuốc Tuệ. Bác lập lại nhiều lần, “Ông Tam gì ấy, tôi quên tên rồi, ông Tam đã đưa tôi đến gặp ông Nghiêm Xuân Hồng. Giờ thì ông Tam cũng chết rồi, lâu rồi. Ông ấy là con của một luật sư bạn của ông Hồng.”

Rồi bác Phả cười khi kể tiếp, “Ông Hồng thường rủ tôi đi ăn. Tôi đến đón ông ấy rồi đi ăn ở một nhà hàng Tàu. Nhà hàng gì nhỉ? Tôi quên tên rồi. Chúng tôi thường đến đó ăn để có dịp nói chuyện.”

Một trong những lần gặp nhau như vậy, cụ Hồng đã đề nghị bác Phả thay cụ dạy lớp giáo lý tại Chùa Liên Hoa, vì vấn đề sức khỏe của cụ. Có lẽ mối tương thân giữa hai vị cư sĩ thâm niên đã đẩy đưa tôi đến bài viết này về cụ Hồng. Vào năm 2018, vợ chồng chúng tôi đến thăm bác Phả, nhân tiện tặng bác tờ Tinh Tấn Magazine số đầu tiên. Trong những câu chuyện trao đổi trong hơn một tiếng đồng hồ, có lúc tôi nghe bác Phả nhắc đến những ngày tháng “khổ lắm” lúc cuối đời của cụ Hồng. Tôi không còn nhớ gì khác về buổi thăm bác năm đó, ngoại trừ hai chữ “khổ lắm.”

Lần này khi tôi trở lại thăm bác Phả thì tình trạng đời sống của bác có thay đổi. Bác không còn khỏe như trước, cô đơn hơn, nhưng cũng chí tâm hơn về việc tu hành và tụng kinh mỗi ngày trước bàn thờ Phật. Hỏi về cụ Nghiêm Xuân Hồng, bác Phả chỉ nhớ là “ông ấy ra đi thanh thản lắm, ở nhà thương về thì đêm hôm ấy ông đi, không quấy rầy ai. Đi nhẹ nhàng, nhờ có tu đấy.”

Nhìn quanh căn phòng rộng, trang nghiêm với bàn thờ Phật, có cửa ra sân sau nhà, có giường nằm, hình ảnh bác Phả với Đức Đạt Lai Lạt Ma treo trên tường, tôi đoán bác Phả cũng mong được ra đi thanh thản, “đi nhẹ nhàng, nhờ có tu đấy.”

Nghe bác Phả nhắc tới vợ cụ Hồng đã mất trước cụ, tôi hỏi bác có biết người vợ ấy đã mất ở Việt Nam hay ở Hoa Kỳ, trước hay sau năm 1975? Cụ Hồng có bao nhiêu người con? Bác Phả nói, “Ông ấy từng kể với tôi rằng sau ngày vợ mất ông tìm thấy kinh sách ở bàn thờ Phật của vợ, từ đó ông mới đi sâu hơn vào đạo Phật.”

Hình như giữa sự “khổ lắm” và “ra đi thanh thản” có điều gì đó mà tôi thấy chưa rõ, không ổn. Vài ngày sau bác gọi và cho tôi vài số điện thoại để tìm hiểu về gia đình cụ Hồng. Những số điện thoại này đã cũ, không liên lạc được với ai.

Cụ Hồng và bố anh Đỗ Khiêm

Nhà văn Đỗ Khiêm, bút hiệu Đỗ Kh, sinh năm 1955 tại Hải Phòng, sống ở Pháp, Hoa Kỳ, du lịch nhiều nơi trên thế giới, đã lưu trú tại Thổ Nhĩ Kỳ từ khi đại dịch lan tràn đầu năm 2020. Ông viết các tác phẩm Cây Gậy Làm Mưa (1989), Thơ Đỗ Kh (1989), Có Những Bực Mình Tức Không Thể Nói (1990), Ký Sự Ði Tây (1991), Không Khí Thời Chưa Chiến (1993), Gừng Đi Bỏ Phiếu (2007), và Saigon, Samedi (Sài Gòn Thứ Bảy, tiểu thuyết viết tiếng Pháp, 2014). Hình chụp tại Antalya, Thổ Nhĩ Kỳ, đăng Facebook ngày 5 tháng 11, 2021.

Cư sĩ Nguyên Giác cũng trả lời email rằng anh không biết cụ có mấy người con, vợ cụ đã ra đi năm nào, ở đâu. Cũng lạ! Cụ Nghiêm Xuân Hồng xem có vẻ giao du với nhiều người, mà sao không ai biết về gia đình cụ. Phải chăng có điều gì đó làm cụ không muốn nhắc tới gia đình với các văn hữu?

Người mà tôi tìm tới kế tiếp là anh bạn văn Đỗ Khiêm. Anh và cậu con trai đang ở đâu đó tại Thổ Nhĩ Kỳ, thường xuyên đăng những bài viết trên Facebook, cho thấy anh có kiến thức rộng về lịch sử và xã hội, và có óc khôi hài. Tôi từng nghe anh nhắc tới cụ Hồng là bạn của thân phụ của anh, nên tôi liên lạc để hỏi về gia đình của cụ Hồng. Anh Khiêm trả lời qua messenger, “Mình không biết vợ con bác ra sao. Chỉ có vài kỷ niệm lúc bác đến nhà lúc nhỏ 1965 và về sau ở Mỹ tại nhà mình khi bác đến chơi với bố.”

Thân phụ của Đỗ Khiêm là bác Đỗ Năng An. Anh từng viết trên Facebook, “Cuối 1980-đầu 1990 bố ở Đông Á, bác Hồng hay sang chơi, rủ bố đi Nepal, Ấn Độ hành hương. Bác Hồng là bạn đồng chí Đại Việt Cách Mạng với bác Phúc mình từ thời sinh viên, bác học luật trước bố hai năm cùng đời với bác Phúc tuy bác Phúc học Y. [Bác Đỗ Ngọc Phúc mất trong chiến tranh năm 1948].

“Có bận mình gặp bác, bố bảo, sách toa cho moa có bao giờ đọc đâu, thằng này nó đọc hết. Quả vậy, mình còn nhớ bác đến nhà năm 1965 cho sách và mình có đọc cẩn thận “Từ Binh Pháp Tôn Ngô Đến Chiến Lược Nguyên Tử.” Năm đó bác làm Bộ Trưởng Phủ Thủ Tướng của Nguyễn Khánh, lúc sinh viên đả đảo độc tài và Nguyễn Khánh cũng leo lên xe đứng đả đảo độc tài luôn, rất là vui!”

Đỗ Khiêm cho biết trong thời gian cha anh làm việc khoảng bảy, tám năm tại các trại tỵ nạn Đông Nam Á, trong những kỳ nghỉ hay đổi việc thì ông “vẩn vơ đi chơi trong khu vực với các bạn. Bác Nghiêm Xuân Hồng những mấy bận sang thăm, hai ông lê la chùa Tây Tạng với đền Nepal dù bố mình thuộc thành phần vô tín và dễ tính.”

Một món quà bất ngờ mà anh Đỗ Khiêm đã tặng tôi là một bức ảnh tuy không rõ nét nhưng cho thấy cụ Nghiêm Xuân Hồng đang đứng trên phà, có thể là ở Hồng Kông, không rõ thời gian do cha anh chụp. Bác Đỗ Năng An cũng đã mất từ lâu.

Chân dung cụ Hồng qua nhà văn Viên Linh

Nhà thơ Viên Linh tên thật là Nguyễn Nam, sinh năm 1938 tại Hà Nam, di cư vào Sài Gòn năm 1954, định cư tại Mỹ năm 1975. Ông sống bằng nghề cầm bút từ 1962, là Tổng Thư Ký Tòa Soạn nhiều tuần báo chuyên về văn học nghệ thuật như Kịch Ảnh, Nghệ Thuật, Khởi Hành, Hồng, Thời Tập, đã xuất bản hơn 20 cuốn sách trước 1975, được giải nhất Giải Văn chương Toàn Quốc VNCH năm 1974 với tác phẩm Gió Thấp. Ông tiếp tục chủ trương nguyệt san Khởi Hành tại hải ngoại sau 1975, là Chủ Tịch Văn Bút Hải Ngoại 1993-1999.

Đến đây thì cuộc tìm kiếm của tôi gặp bài viết “Nghiêm Xuân Hồng, Người Viễn Khách Đã Xa” của nhà văn Viên Linh đăng năm 2017 trong cuốn “Lịch Sách Chân Dung Nhà Văn Việt Nam.” Nhà văn Viên Linh đã cung cấp thêm chi tiết về một quãng đời của cụ Nghiêm Xuân Hồng, đồng thời khiến tôi càng thêm thắc mắc về các thân nhân của cụ.

Nhà văn Viên Linh viết, “Trong những năm cuối đời tại hải ngoại, Nghiêm Xuân Hồng dành hầu hết thì giờ vào việc đọc kinh Phật, và giảng kinh Phật tại các chùa tại miền Nam California. Ông thường tán tụng Kinh Hoa Nghiêm, hay nói về bộ kinh này. Pháp danh của ông là Tịnh Liên (bông sen thầm lặng). Ngay khi đặt chân lên trại tị nạn cộng sản ở Hoa Kỳ, ông đã viết những bài đầu tiên về đạo Phật, một trong những bài đó có nhan đề “Tìm bóng Phật trên đất khách,” đăng trong tạp chí Đuốc Tuệ số 1, xuất bản vào tháng 5, 1976, báo của Cộng Đồng Phật Giáo Việt Nam tại vùng thủ đô  Washington, D.C., tác giả Viên Linh là Thư Ký Tòa Soạn.

“Trong thời gian ở trại chuyển tiếp Indiantown Gap, thuộc tiểu bang Pennsylvania, tháng 7 năm 1975, Nghiêm Xuân Hồng, Thanh Nam, Viên Linh mỗi buổi sáng đi từ lều này qua lều khác để tìm nhau. Cả ba, dưới trời sương buổi sáng khá lạnh, tuy là vào mùa Xuân đất khách, vẫn đi dạo trên những đồi cỏ, và thường thường hỏi nhau: “Bây giờ ta đi đâu?” Hỏi thì hỏi thế thôi, chứ khi ra khỏi căn trại gỗ, người nào cũng nghĩ: đi uống cà phê đi!

“Trong những lần gặp ấy, vì còn trong thời gian chờ đợi đi định cư, chưa biết sẽ được đi đâu, chúng tôi thường hay dặn dò nhau, nhớ liên lạc lại ngay một khi ra khỏi trại, đang còn có thể gặp lại nhau.

“Khi nói, họ Nghiêm không hùng biện, dù là một luật sư tốt nghiệp ở Hà Nội từ trước 1954, mà cách nói như một triết gia – người viết nghĩ thế – vì nghe ông nói, người nghe phải chú tâm lắm lắm mà chỉ hiểu mơ màng. Vả chăng, khuôn mặt ông lúc ấy như có một đám mây mờ bay qua, hay như một mảng khói xám tỏa xuống. Nên người nghe chỉ biết ghi nhận, được bao nhiêu hay bấy nhiêu, vì nghĩ rằng hỏi lại, hay gặng hỏi, là điều không nên, và không thể được. Người nghe cố bắt lấy tâm điểm của lời kể, hình ảnh của chuyện kể, và tự mình hiểu được đến đâu thì hiểu. Chẳng hạn, hình ảnh là một chiếc giầy phụ nữ, và chiếc giầy đó là của vợ ông. Chiếc giầy nằm giữa lối đi. Và ông mới mở đầu câu chuyện: một vụ hỏa hoạn, “sau một vụ hỏa hoạn,” nhận thức của ông về cuộc đời thay đổi hoàn toàn. Người nghe không dám hỏi thêm. Nhưng hẳn nhiên, vụ hỏa hoạn làm cho nhận thức một đời người thay đổi, thì vụ hỏa hoạn ấy là một thảm kịch. Có một điều gì đó, nối kết đến đâu, người viết cũng không thể hiểu. Chỉ biết thế.

“Một vụ hỏa hoạn, Nghiêm Xuân Hồng nhớ lại, sau một quãng và nhớ ra trên lối đi có thấy một chiếc giầy mà không kịp nghĩ gì. Sau mới biết chiếc giầy ấy của vợ mình… Ông kể với tôi chuyện này thật chi tiết – như mô tả của một bức tranh đã thành hình trong trí tưởng – tại trụ sở Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại đường Bolsa, phía sau phòng mạch của nha sĩ Phạm Đình Tuân, vào khoảng vài năm trước khi ông ra đi. […]

“Những dòng sau đây, viết từ năm 1975, 1976, cho thấy rõ một Nghiêm Xuân Hồng thay đổi nhận thức như thế nào từ khi rời bỏ quê hương:

“Hồi mới lớn, đi học, tôi hay vào trường Bác Cổ Hà Nội đọc mấy cuốn sách của người Pháp viết về Đạo Phật, tuy tôi chẳng hiểu được mấy. Tôi cũng hay đi bộ lang bang thăm mấy cảnh chùa ở vùng Bắc Ninh, Yên Tử… Sau đó, căn duyên hơi đứt đoạn, tôi mải mê chạy theo cuộc đời… Tới năm bốn mươi tuổi, tôi ngồi mấy năm đọc lại sách Phật, nhận thấy nhãn quan của mình nhìn đạo đã đổi khác… Rồi tôi lại bỏ bẵng đi mất bảy, tám năm… Đến ba, bốn năm gần đây, tôi trở lại nghiền ngẫm kinh sách, và lần này, tôi có cảm tưởng hình như không dứt được nữa… Ngồi ngẫm lại, thấy các cuốn Kinh có điểm thật lạ lùng là Kinh như hạt châu quý, mỗi người đọc tùy theo căn duyên của mình lại nhìn thấy một mầu khác nhau, mỗi tuổi đọc lại một khác. Mới đọc, khi căn duyên chưa nở và nghiệp chướng còn đầy ắp, thấy mình như đập đầu vào vách, nhưng đọc lâu thấy trong Kinh có một thế giới trang nghiêm và huyền diệu lạ thường, hình như không phải thế giới người mà vẫn bao gồm cõi nhân thế…

“Hồi di cư, tôi có để lại Sài Gòn mấy giá Kinh và nhiều hình Phật treo la liệt trên tường. Tôi không mang đi, một phần vì quá vội, nhưng cũng có một phần ẩn ý muốn cho những người Việt Cộng nhìn thấy những bức hình đó. Tuy mang nặng nghiệp sát và nghiệp quyền lực, nhưng họ nhìn những hình đó, tôi nghĩ họ cũng tiêu được một chút nghiệp chướng. Dù họ có mang xé đi, thì họ cũng gây một nghiệp nghịch với Phật, và những kẻ gây nghiệp nghịch, trong cuộc hành trình mênh mang của các kiếp, cũng sẽ trở về con đường Phật chỉ… (NXH, Tìm bóng Phật trên Đất Khách, Đuốc Tuệ, 5.1976)”

Những câu hỏi của Nguyễn Mộng Giác

Đến đây, hành trình của tôi đã quay về với nhà văn Nguyễn Mộng Giác, người có thể biết nhiều nhất về thân thế của cụ Nghiêm Xuân Hồng. Trong bài phê bình “Đọc Con Nữ – Tập Truyện Của Đỗ Quỳnh Giao,” có những đoạn nhắc tới cụ Hồng.

Nhà văn Nguyễn Mộng Giác sanh năm 1940 tại tỉnh Bình Định, mất năm 2012 tại California. Ông bắt đầu viết văn từ năm 1971, xuất bản Bão Rớt (1973), Tiếng Chim Vườn Cũ (1973), Qua Cầu Gió Bay (1974), Đường Một Chiều (giải thưởng Trung Tâm Văn Bút Việt Nam, 1974). Sau khi vượt biển và định cư tại California, ông xuất bản Xuôi Dòng (1987), bộ tiểu thuyết 5 tập Mùa Biển Động (1982-1989), bộ tiểu thuyết 4 tập Sông Côn Mùa Lũ (1990,1991). Chủ bút tạp chí Văn Học (1986-2004).

“Trước 1975, là một nhà giáo tỉnh lẻ, tôi ít có cơ may quen thân với hai nhà văn đàn anh Mai Thảo và Nghiêm Xuân Hồng. Sang Mỹ, Little Saigon là một khu tập trung đông đảo nhất những khuôn mặt văn nghệ Sài Gòn cũ trong một diện tích gần bốn dặm vuông, tất cả đều trở thành láng giềng gần gũi. Nhờ thế, tôi được nhiều dịp tiếp đón cả hai nhà văn ở nhà, những dịp cuối tuần. Cả hai vị đều trải qua tuổi già trong cảnh độc thân. Mai Thảo suốt đời không lập gia đình, về già sống một mình trong một căn chung cư ngay trên phố Bolsa. Nghiêm Xuân Hồng sống với vợ chồng con trai, nhưng các con bận việc làm ăn, ông phải tự lo lấy mọi việc. Những buổi chiều cuối tuần ở căn nhà đường Strait của chúng tôi là dịp hai vị được ăn một bữa cơm nóng, chuyện vãn với bạn bè lớp trẻ trong không khí ấm cúng gia đình, để những ngày còn lại sống tiếp cuộc sống cô đơn.

“Dĩ nhiên cả hai vị đều tuổi già sức yếu, bệnh hoạn thường xuyên. […]

“Trước cảnh tượng phải vào nhà thương, chịu giải phẫu và sau đó bị cột chặt vào giường bệnh cho đến lúc trút hơi thở cuối cùng của Mai Thảo, nhà văn Nghiêm Xuân Hồng thường tâm sự là ông sẽ không dại dột như Mai Thảo. Ông không để cho “bọn đồ tể” trong y giới làm tình làm tội thân thể ông. Ông nhất định không đi nhà thương dù thú nhận rằng mỗi sáng thức dậy, ông có cảm giác như đang sống trong địa ngục. Hình như có hàng vạn con trùng đang gặm nhấm khắp cơ thể ông, máu trong người ông như lên cơn sôi. Phải nằm im cả buổi sáng, đến trưa ông mới cảm thấy bình thường, và buổi chiều tìm cách đi thăm người này người nọ để bớt thấy cô đơn. Về già, Nghiêm Xuân Hồng càng mê đạo Phật. Ông viết sách về Phật giáo, lâu lâu đi giảng kinh Phật ở các chùa. […]

“Rồi đến lượt nhà văn Nghiêm Xuân Hồng ra đi. Khác với Mai Thảo, ông ra đi đột ngột, có thể nói là chủ động ra đi một cách nhẹ nhàng. Buổi sáng thứ Bảy hôm đó, người bạn thường chở Nghiêm Xuân Hồng đến nhà chúng tôi mỗi chiều cuối tuần điện thoại cho chúng tôi, giọng hối hả, báo tin nhà văn đang mệt nặng. Ông vừa thều thào điện thoại cho anh, bảo phải đến gấp vì ông khó thở. Nhưng anh ấy không có xe, nên nhờ chúng tôi đến nhà xem tình hình sức khoẻ cụ Hồng ra sao. Chúng tôi đến, và thấy Nghiêm Xuân Hồng nằm một mình trong cái buồng con bề bộn đồ đạc của ông, dáng vô cùng mệt nhọc. Ông cho biết lúc nãy gần như không thở được, bây giờ đã khá hơn. Chúng tôi đề nghị gọi xe cấp cứu đưa ông đi nhà thương. Ông ngần ngừ, nhưng cuối cùng chấp thuận cho chúng tôi gọi 911. Một người bạn đồng thời cũng điện thoại báo tin cho con trai ông. Trong khi chờ đợi, ông bảo chúng tôi cất giùm khẩu súng ông để ở hộc bàn viết. Biết chúng tôi thắc mắc, ông giải thích lúc nãy mệt quá, định với tay lấy súng chấm dứt cuộc đời mình cho nó xong đi, nhưng sức quá yếu, không với tay mở hộc bàn được. Rồi người con trai về, và xe cấp cứu đến. Bác sĩ bảo mạch tim ông quá thấp, phải ở lại nhà thương để theo dõi và chữa trị. Ông nhất quyết đòi về. Nhà thương đành để ông về sau khi làm một số thủ tục để tránh trách nhiệm bất cẩn nếu bệnh nhân có mệnh hệ gì. Nghiêm Xuân Hồng trở về căn phòng mình, có vẻ đỡ hơn, bảo con đi mua cháo. Người con mua cháo về, ông bảo để đó, ông nằm nghỉ một chốc đỡ mệt sẽ ăn. Mọi sự có vẻ bình thường. Sáng hôm sau, gia đình khám phá ông đã qua đời trong đêm. […]

“Cái chết của hai nhà văn đàn anh để lại một ấn tượng sâu sắc trong tôi. Để lại rất nhiều câu hỏi. Trong suốt một năm dài nằm dính vào giường bệnh, thân thể bất động nhưng thần trí vẫn tỉnh táo sáng suốt, nhà văn Mai Thảo đã nghĩ gì? Nếu ông nói được hay viết được những suy nghĩ của ông trong thời gian đó, ông có “gối tay lên bệnh nằm thanh thản” được không? Tại sao nhà văn Nghiêm Xuân Hồng đã có lúc nghĩ tới chuyện dùng súng quyên sinh để thoát bệnh? Quyết định không thành ấy là sáng suốt hay do một phút yếu lòng? Ông đã cảm gì, nghĩ gì trong đêm thứ Bảy [sáng Chủ Nhật?] lặng lẽ từ biệt cõi đời?”

Nhà văn Nguyễn Mộng Giác viết bài trên vào năm 2003. Rồi trong mấy năm sau chính anh cũng phải đương đầu với những câu hỏi mà anh đã nêu ra cho hai vị đàn anh, khi anh nằm giường chịu đựng bệnh ung thư trước khi vĩnh biệt cõi đời năm 2012.

Trở về nhà anh Giác

Xuân Thu xuất bản tập 3 lần đầu tiên năm 1991 với hình bìa của họa sĩ Hồ Thành Đức.

Người cuối cùng tôi tìm đến trước khi quyết định kết thúc chuyến đi tìm tác giả “Trang Tôn Kinh Huyền Hoặc” mà tôi ngưỡng mộ là Chị Diệu Chi, vợ anh Giác. Tôi đến nhà vào sáng thứ Sáu, sau hai lần gọi số điện thoại và đoán chị đã đổi số nhà. Với giọng Huế líu lo, chị mở cửa và reo mừng khi nhận ra tôi sau miếng mặt nạ che miệng của thời đại dịch. Tôi cũng vui khi biết chị vẫn còn đó, vẫn đón khách với tiếng cười rộn ràng, niềm nở.

Bước vào trong nhà tôi thấy bàn ghế còn được bày biện như xưa, không thay đổi so với thời ngôi nhà là nơi tụ tập của anh em văn giới vào mỗi cuối tuần. Nhưng từ ngày anh Giác mất, nơi đây không còn tưng bừng với tiếng cười nói của các văn nghệ sĩ. Chị Diệu Chi sống với con trai và một người thuê phòng, mà con chị thì đi làm từ sáng đến tối, người thuê phòng chỉ ra ngoài để vào bếp nấu ăn.

Buổi sáng hôm đó tôi cảm thấy bùi ngùi khi nhìn chị Diệu Chi ngồi một mình trên chiếc ghế sofa màu nâu đậm, trên các kệ chung quanh có nhiều sách vở, hình ảnh của anh Giác. Trên cao giữa phòng là tượng Phật và tượng Quán Thế Âm Bồ Tát, bên dưới là hũ tro cốt của anh. Căn phòng chỉ có mình chị với quá nhiều kỷ niệm văn học ở chung quanh. Nhiều năm đã trôi qua trong tĩnh lặng ở căn phòng này.

Nghe tôi hỏi về cụ Nghiêm Xuân Hồng, chị vừa nói lớn vừa cười, chỉ ngay vào tôi, “Ổng ngồi ngay chỗ em ngồi đó, lần nào cũng vậy, hễ đến đây ăn cơm với anh chị là ổng ngồi chỗ đó, chỗ Đạt đang ngồi đó. Còn anh Giác thì ngồi ở đây. [Chị chỉ nơi chị đang ngồi]. Còn chị thì ở trong bếp, cho hai ông ấy nói chuyện với nhau.”

Qua chị Diệu Chi, tôi được biết vợ cụ Hồng mất sau năm 1975 tại California, vì bệnh ung thư. Chị chỉ biết vợ chồng cụ có ba người con nhưng chưa bao giờ gặp họ. Ngoài ông Nghiêm Xuân Quan, tôi đoán một trong ba người con còn lại là trai. Có lúc chị Diệu Chi nói cụ ở với vợ chồng con trai nhưng không phải là ông Quan. Cụ Hồng sống ở khu gia cư đối diện cổng chính của Nghĩa Trang Westminster trên đường Bolsa. Nghĩa trang này có nhiều ngôi mộ của các văn thi sĩ, kể cả của Mai Thảo, Nguyên Sa, Nguyễn Tất Nhiên.

Chị Diệu Chi kể chị từng đi với anh Giác đến nhà cụ Hồng khi hay tin cụ yếu sức, khó thở. Chị nói thêm một chi tiết mà tôi phải hỏi lại cho rõ là cụ Hồng đã để súng ở dưới gối, nhờ anh Giác lấy nó ra và cất trong hộc tủ khóa lại, vì cụ không muốn các nhân viên cứu thương thấy súng và thắc mắc, gây phiền cho những người trong nhà.

Từ giã chị Diệu Chi, tôi hứa sẽ đến thăm chị thường hơn. Suốt nhiều năm chị phải chăm sóc bệnh cho anh Giác, “chị khổ với anh lắm, Đạt ơi!”, giờ chị sống hầu như một mình trong ngôi nhà mà nhìn đâu cũng thấy kỷ niệm với anh. Đứng ở sân trước, tôi nán lại vài phút để nhớ lại buổi gặp cụ Hồng đêm hôm đó. Nơi cụ từng bước lên xe là nơi tôi đang đậu xe. Tôi không ngờ đằng sau ánh mắt hiền từ, nụ cười nhân hậu của cụ Nghiêm Xuân Hồng lại là một cuộc phấn đấu chống chõi ác liệt với bệnh tật, với hoàn cảnh hẩm hiu, cô đơn của cuộc đời ở tuổi già.

Giữa ánh sáng của một ngày đang lên, tôi chợt nghĩ có lẽ “Trang Tôn Kinh Huyền Hoặc” là nơi cư sĩ Tịnh Liên Nghiêm Xuân Hồng đã ẩn trú trong cuộc tỷ thí đạo lực triền miên trước các ma vương trong cuộc hành trình đi tìm Chân Kinh. Kết cục của cuộc chiến đó như thế nào thì chỉ có cụ biết. Còn tôi, tại sao tôi đã cất công đi tìm vị cư sĩ có pháp danh “đóa sen thanh tịnh” mà có lúc tôi chấp nhận bỏ hết mọi công việc ở chung quanh, kể cả việc kiếm sống, để hoàn toàn tập trung vào một hình bóng mờ ảo từ hơn hai mươi năm trước? Phải chăng đó chỉ là cái cớ để tôi nhìn ra một cuộc chiến trong nội tâm của chính mình, nơi mà tôi phải trực diện với ma vương, phấn đấu trước nỗi khổ đau không thể tránh khỏi của kiếp người, trên con đường trở về với sự thanh tịnh của chân tâm giữa vũ trụ mênh mông và huyền ảo này?

Vào năm 1987, bác Đỗ Năng An, thân phụ nhà văn Đỗ Khiêm, làm việc tại trại tỵ nạn Hỉ Linh Châu, Hồng Kông và ở trên đảo Bình Châu. Cụ Nghiêm Xuân Hồng có sang thăm một ngày, và bác An đã bấm tấm ảnh này trên phà, chắc là từ Bình Châu đi sang Cửu Long. (Hình Đỗ Khiêm cung cấp)

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *