Tác Giả: Luật Sư Thư Ngọc đời Thanh
Dịch giả: Sa-môn Sakya Minh-Quang
Lời Người Dịch
“Lễ Phật Phát Nguyện Văn” của Thiền sư Liễu Nhiên đời Đường ở Di Sơn biên soạn. Cụ thể năm sinh và viên tịch của Thiền sư không rõ. Tuy nhiên, bài “Văn Lễ Phật Phát Nguyện” của Ngài đã trở thành một trong những tuyệt tác văn học được phổ biến rộng rãi nhất trong Thiền môn Phật giáo Đại Thừa Đông Á! Ở Việt Nam, “Lễ Phật Phát Nguyện Văn” được biết đến với tên là “Sám Quy Mạng.” Đây là vì người Phật tử Việt Nam thường lấy hai chữ đầu của nội dung sám văn làm tựa đề.
Sám Quy Mạng chẳng những hàm chứa Pháp nghĩa sâu sắc, mà còn có âm điệu tha thiết, ngữ khí hùng tráng, và từ ý đối ngẫu theo nhịp câu bốn sáu của văn biền ngẫu. Theo truyền thống, các chùa Việt Nam thường tụng bài “Sám Quy Mạng” trong thời công phu sáng. Tuy chỉ đọc phiên âm Hán Việt, chưa hiểu hết Pháp nghĩa trong đó, nhưng người đọc tụng vẫn cảm nhận được nguồn năng lượng tích cực, khơi dậy lý tưởng giải thoát, và tinh thần Bồ-tát đạo phụng sự cho đời!
Vì cố gắng bảo lưu ngữ khí hùng tráng, nét đẹp đối ngẫu của nguyên tác, hơn hai mươi năm trước bút giả đã dịch “Sám Quy Mạng” sang Việt Ngữ mà vẫn giữ nguyên số câu và số chữ đúng như bản Hán văn. Bản dịch này chẳng những trung thực và gần gũi với nguyên tác, mà còn giúp người hành trì dễ ghi nhớ và đọc tụng, nên được nhiều tăng ni và Phật tử đã đánh giá cao, yêu quý và sử dụng. Hòa thượng Phước Tịnh từng nhận xét bản dịch: “… văn phong chân xác, điển nhã và âm vận hài hòa xứng đáng được trì tụng trong các thời khóa sinh hoạt Già Lam của các Tự Viện.” [1]
Về phương diện Pháp nghĩa, bút giả cũng từng giới thiệu thâm nghĩa của “Sám Quy Mạng” trong các khóa an cư kiết hạ và Đạo tràng tu học nhiều nơi. Tuy nhiên, trước đây bút giả vẫn chưa tìm được bản chú giải nào của Cổ Đức để tham khảo. Vài năm trước, tình cờ bút giả đọc được Lễ Phật Phát Nguyện Văn Lược Thích hay Giải Thích Khái Lược về Bài Văn Lễ Phật Phát Nguyện của ngài Thư Ngọc trong Đại Tạng Kinh. Ngài Thư Ngọc là một bậc tông tượng, thạc đức có công lớn trong việc chấn hưng Luật Học Phật giáo đời Thanh. Vì vậy, bản chú giải của Ngài rất đáng để tham khảo và học hỏi.
Ví dụ, đối với câu: “không gặp tám nạn, không thiếu bốn duyên” trong “Sám Quy Mạng”, Ngài Thư Ngọc có kiến giải độc đáo riêng của mình. Theo Ngài, bốn duyên đó là (1) duyên thầy bạn, (2) duyên tịnh chứng, (3) duyên phước đức, (4) duyên trí tuệ. Bốn duyên này là tóm tắt nội dung cầu nguyện trước đó: “Kính nguyện: Thế Tôn cứu độ, bạn tốt dắt dìu (duyên thầy bạn); Ra khỏi phiền não sông mê, bước lên Bồ-đề bến giác (duyên tịnh chứng); Hiện đời bình an phước lạc, sở nguyện tựu thành (duyên phước đức); Kiếp sau mầm giác đơm hoa, Bồ đề kết quả (duyên trí tuệ). Như vậy, Ngài Thư Ngọc đã căn cứ vào nội dung bài sám văn để giải thích thuật ngữ Pháp số trong đó, mà không phải dựa vào nghĩa chung trong từ điển!
Nhận thấy lợi ích của bản chú giải đối với người sau, nên trong khóa tu xuất gia gieo duyên tại Tu Viện Thiện Tường năm 2021, bút giả đã phát tâm phiên dịch ra Việt ngữ để giới thiệu đến đại chúng. Trong lúc phiên dịch, bút giả cũng tùy hoàn cảnh mà thêm vào cước chú để người đọc dễ hiểu. Vì người Phật tử Việt Nam đã quen với tên “Sám Quy Mạng,” nên bút giả đã chọn tựa sách là Sám Quy Mạng Chú Giải.
Nhân duyên đầy đủ, nhờ sự giúp sức biên tập lại của các Phật tử thân cận, bút giả đã quyết định xuất bản và ấn tống để kết duyên lành cùng Phật tử trong và ngoài nước. Kính mong các bậc thức giả hoan hỷ phủ chính cho nếu có điều gì sai sót. Nguyện đem công đức phiên dịch và ấn tống này hồi hướng về chúng sinh trong pháp giới. Cầu nguyện thế giới không còn chiến tranh, dịch bệnh; mọi người tin sâu nhân quả, biết rõ tội phước, tôn kính Tam Bảo, phát Bồ-đề tâm, hộ Đạo giúp đời, cứu cánh viên thành Phật đạo.
Nam-mô Đại Hạnh Phổ Hiền Bồ-tát Ma-ha-tát.
Sakya Minh-Quang viết tại Tu Viện Thiện Tường
ngày 07 tháng 03, năm 2022
[1] Xem “Vài Cảm Nhận” của HT Thích Phước Tịnh, trong Tri Ân Lịch Đại Tổ Sư Kệ Tụng và Giảng Giải.
Website của Tu Viện Thiện Tường: https://www.thientuongtemple.com/
Discover more from Tinh Tấn Magazine
Subscribe to get the latest posts sent to your email.