Thầy Thạnh, một hành giả cô độc trên đường tìm giải thoát

*Đọc 29 phút*

Bài HOÀNG MAI ĐẠT

Giữa trưa tháng Bảy, gần chục chiếc xe đậu rải rác ở bãi tráng xi-măng giữa hai nhà hàng một Mỹ một Việt, khách không đông cho một ngày cuối tuần so với trước thời đại dịch. Thực khách ngồi dưới các mái lều dựng tạm ngoài sân vì đang trong giai đoạn cao điểm của dịch bệnh coronavirus. Ở đầu đường cách đó chừng năm mươi thước là tiệm bán thức ăn nhanh In-and-Out. Tiệm burger này đang sinh hoạt gần như bình thường, bốc nồng mùi thịt nướng tỏa khắp góc phố tấp nập xe cộ, thu hút một dòng xe nối đuôi xếp hàng dài từ trong sân ra ngoài đường, gây nghẽn lưu thông trong lúc từng chiếc xe nhích dần đến máy đặt mua thức ăn. Bầu không khí càng ồn ào hơn giữa trưa hè vì cách đó không xa là xa lộ 22 Garden Grove Freeway với những luồng xe chạy liên tục như thác đổ. Ở bãi đậu xe ấy, giữa không gian huyên náo tất bật và đậm mùi nấu nướng của trần gian, tôi gặp một tăng sĩ Việt Nam tu theo Phật Giáo Tây Tạng. Có điều là lúc đó tôi không hề biết người đàn ông cao niên đó là một tu sĩ, vì ông vận y phục của người thường, áo sơ mi bỏ trong quần, khoác một lớp áo lạnh mỏng, mới vừa rời một nhà hàng Việt có tiếng trong vùng này.

Tôi gặp ông để trao tặng tờ Tinh Tấn Magazine số 4. Ông vừa liên lạc tôi qua điện thoại, nói giọng nhỏ nhẹ, đúng lúc tôi đang có mặt gần đó, nên tôi hỏi ông địa điểm chính xác để đến đưa báo tận tay. Gặp tôi tại bãi đậu xe ở ranh giới của hai thành phố Garden Grove và Westminster, bác lớn tuổi, thân hình đầy đặn tự giới thiệu là một cựu quân nhân Việt Nam Cộng Hòa, nghe nói tờ Tinh Tấn Magazine số 4 có bài viết về Sư Cô Trí Hải nên bác muốn nhận một tờ đọc cho biết. Bác từng gặp Sư Cô ở Sài Gòn nên rất muốn biết tờ báo đã viết gì về Cô. Vị Ni Sư lừng danh ấy là nhân duyên khởi đầu cho tôi được gặp bác Trầm Kim Thạnh – lúc đó tôi không hề biết ông là một tu sĩ tại gia, và cũng không dè mình sẽ vật vã suốt nhiều tháng trời cho một bài viết mà bình thường chỉ cần một cuối tuần là xong. Nhưng nếu có viết nhanh như vậy là bởi viết cho báo nhật trình, viết vì áp lực, vì thời hạn, vì việc kiếm sống. Còn đây thì…

Bác Trầm Kim Thạnh, hay đúng hơn là thầy Jangchup Tharchin – “thầy Thạnh” khi tôi thân với bác hơn, đã đến với tôi trong một thời buổi đang có những biến cố thời sự quá khủng khiếp cho một đời người. Một trận đại dịch mà trong một năm đã giết hơn 3 triệu người trên trái đất, đa số nạn nhân là người Mỹ trong đó có mấy chục ngàn người tại California đây. Một cuộc bầu cử tổng thống đưa đến sự chia rẽ trong cộng đồng, bạo động trong xã hội, mầm thù ghét hiển hiện ngang nhiên chưa từng có trong lịch sử đất nước Hoa Kỳ. Nạn thất nghiệp, sự sợ hãi khi vào đám đông, nỗi bất an trong cuộc sống gia đình. Đó là những hiện tượng diễn ra ở bên ngoài của cái thế giới mà tất cả chúng tôi đây đang gởi tạm mạng sống của mình. Còn trong nội tâm thì sao? Có hành giả nào bước vào con đường mà Phật đã chỉ hướng mà không còn bị dao động bởi những hiện tượng của thế gian? Liệu kẻ sơ cơ như tôi đây phải nương vịn vào đâu để đi tiếp?

Trở lại với buổi trưa hôm đó, ở bãi đậu xe mà bầu không khí có lúc ngộp mùi chúng sanh nấu nướng chúng sanh mà lắm kẻ ưa thích, sau khi cầm tờ báo từ tay tôi và trao lời cám ơn, bác lớn tuổi bỗng lục lọi trong xe một hồi và quay ra trao cho tôi một phong bì cũ màu trắng có ghi “Kính gởi Anh…” vừa được gạch tên trước khi đưa cho tôi. Cầm bao phong bì cồm cộm, tôi đoán bên trong là một xấp tài liệu chi đó, không chừng là một bài pháp mà bác muốn tôi đọc. Đạo hữu gặp nhau thường tặng nhau Phật pháp, còn gì quí hơn. Chào tạm biệt bác trước khi vào xe, tôi không nghĩ rằng sẽ có một ngày chúng tôi sẽ gặp lại nhau. Về nhà mở bao phong bì ra xem thì tôi thấy mình đoán cũng gần đúng. Phong bì chứa nhiều tài liệu, gồm các bài báo từng đăng mấy tháng trước viết về bác, một tu sĩ tu tại gia theo Phật Giáo Tây Tạng, cùng một vài hình ảnh của các vị tăng Tây Tạng kèm các chú thích về các vị tăng ấy.

Đọc mấy bài báo, tôi được biết bác Trầm Kim Thạnh là một cựu sĩ quan trong Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, từng có kinh nghiệm với tù binh cộng sản từ miền Bắc, sau năm 1975 vượt biển đến trại tỵ nạn Thái Lan nơi bác bắt đầu chuyển hướng tâm linh, gieo những hạt giống với niềm tin về Đức Quán Thế Âm Bồ Tát, để rồi một ngày kia trong những năm tháng sống ở Quận Cam, Nam California, bác bỗng nghe tiếng nhắc nhở của ngài Quán Thế Âm trên không trung ở một sân chùa, và thời gian sau được gặp Đức Đạt Lai Lạt Ma – người được xem là hiện thân của Đức Quán Thế Âm. Hạt giống nẩy mầm, duyên lành đến lúc chín muồi, bác xuất gia với các thầy Tây Tạng và được pháp hiệu Jangchup Tharchin.

Trong các buổi lễ Phật giáo của người Việt ở Quận Cam, mỗi khi có các phái đoàn bạn đến tham dự, tôi từng thấy có một thầy lớn tuổi, vóc dáng nhỏ nhắn, trông hơi yếu đứng lẫn giữa các thầy Tây Tạng trẻ và rắn chắc hơn. Có ngờ đâu thầy đó là người Việt Nam, tức thầy Jangchup Tharchin đây.

Thầy Jangchup Tharchin – Trầm Kim Thạnh, 80 tuổi, đang chuẩn bị tụng kinh tại nhà ở Fountain Valley tháng 11, 2020. (hmd)

Vì bận lo cho gia đình và công việc ở sở làm giữa lúc đại dịch lan tràn, tôi tạm quên thầy Thạnh trong mấy tháng trời. Từ đầu mùa hè đến hết mùa thu bao trùm trong không khí lo sợ bị nhiễm Covid, tôi đã tự giam mình trong nhà như hàng tỷ người trên trái đất, thỉnh thoảng mới lái xe vài bận trong tuần để đi ra ngoài mua thức ăn, mang về những nhu yếu phẩm cho người thân. Những tháng cấm túc ấy cũng trở thành thời gian “nhập thất” bất đắc dĩ vì không thể đến chùa, dự những buổi lễ hay buổi giảng cuối tuần, ngay cả chuyện đến chùa mua đồ chay cũng bị giới hạn. Ở nhà, ngoài giờ làm việc qua mạng mà thường chiếm hết cả ngày và cần thiết cho cuộc sống, trong thời gian hiếm quý được riêng tư, tôi đọc thêm sách đạo, suy ngẫm, và cố gắng thực hành những điều đã nghe qua các bài giảng. Từ đó tôi có vài thắc mắc trong vấn đề tu hành. Chẳng hạn tu sĩ có cần phải tu ở chùa? Có cần những hình thức bề ngoài để chuyển hóa nội tâm? Làm sao được gặp thiện tri thức khi mình bị bế tắc trên đường tu? Tìm đâu một hành giả đã đắc đạo để biết đường mình đi không sai?

Qua hơn một thập niên bước vào đường đạo, tôi đã may mắn được gặp nhiều vị thầy, được nghe nhiều bài giảng, được làm quen với các pháp môn tu khác nhau, và biết niềm tin của chính mình ở Phật rất vững chắc. Nhưng tu là sao? Phật nói Ngài là người chỉ đường, Ngài không thể tu cho mình. Mình phải tự tu, tự chứng đắc lấy chứ Ngài không thể chứng đắc cho mình. Ai ăn nấy no, ai tu nấy chứng, các thầy thường nhắc nhở các tín hữu như vậy. Nhưng tu làm sao đây? “Ăn” như thế nào để được “no” chứ?

Việc tụng kinh, niệm Phật thì tôi vẫn giữ theo thời khóa mỗi tuần, cho riêng mình, dù còn kém, rất kém. Ở chùa thì các vị xuất gia cũng tu như vậy thôi, không khác gì đâu, các thầy có nói, chỉ khác là họ chuyên cần hơn, tinh tấn hơn nhờ sống trong môi trường thuận duyên, gần gũi các vị đồng môn và thiện tri thức. Tôi nhận thấy một số thầy tuy tu ở chùa nhưng vẫn tất bật, bận bịu lo toan những việc của đời thường, dính mắc chuyện thế sự có khi hơn cả người thường. Vậy có phải hành trình tu tập để đắc đạo của mỗi người một khác, không ai giống ai, dù ở chùa hay ở chợ?

Vì có những thắc mắc (lẩm cẩm, vớ vẩn) như vậy, trong nhiều tháng quanh quẩn ở nhà, đôi lúc tôi cũng mạo hiểm bước ra ngoài để tìm hiểu đời tu của các vị xuất gia. Việc đến chùa để vấn đạo với các thầy xem không mấy khó. Khó hơn là tìm hiểu ở những vị không tu ở chùa, không tu theo qui ước thông thường, hoặc không xuất gia từ thuở niên thiếu. Trong vài vị thầy đang tu ngoài lề như vậy mà tôi được gặp, thăm hỏi giữa mùa dịch là thầy Thạnh, tức thầy Jangchup Tharchin, người mà hôm tiếp xúc ở bãi đậu xe giữa các quán ăn tôi không hề nghĩ sẽ gặp lại lần thứ nhì. Tôi cũng đâu ngờ phong thư thầy trao ở bãi đậu xe hồi tháng Bảy là phong thư đầu tiên trong hơn một chục lá thư thầy gởi cho tôi từ đó đến nay, tháng Tư của năm sau, vàng có, trắng có, chứa những tài liệu về Đức Đạt Lai Lạt Ma, về các thầy Tây Tạng mà bác Thạnh đã gieo duyên với, và một số bài pháp ngắn ghi chú cạnh mấy bức ảnh.

Có lẽ tôi đã quên thầy nếu thầy không nhắn gởi qua những lá thư trắng, vàng gởi đến thường xuyên. Vài bức thư cũng lẩm cẩm với những giòng chữ viết tay từ mặt giấy trước chạy tiếp qua mặt sau, một phần có lẽ vì thầy đã lớn tuổi, 80 chứ đâu có trẻ.

Ngài Kyabje Lati Rinpoche, bên phải, đang làm lễ xuống tóc cho cư sĩ Thạnh và quy y cho một phụ nữ Đại Hàn tại Ấn Độ năm 2010.

Thế nên vào một sáng thứ Bảy cuối tháng 11, tôi tìm đến chốn tu hành của thầy Thạnh. Nơi đó là một cư xá nằm kín trong những tòa nhà chung cư khang trang dành cho các cao niên ở đường Warner Avenue, thành phố Fountain Valley, cách nhà tôi chừng 20 phút lái xe. Khu gia cư có cổng khóa an toàn, tôi đến đúng lúc có một cánh cửa bên hông hé mở như có người chờ sẵn. Vào trong sân, tôi đi loanh quanh một hồi giữa những tòa nhà vắng lặng, thỉnh thoảng mới gặp một vài bác lớn tuổi, người Việt cũng như người Mỹ, mà các bác lại không dám đến gần vì sợ bị lây dịch. Cuối cùng tôi cũng tìm ra số phòng ở tòa nhà G. Phòng của thầy Thạnh nằm gần cuối hành lang. Thầy mở cửa, tiếp tôi trong bộ áo màu đỏ sậm của Phật giáo Tây Tạng.

Căn chung cư có hai phòng ngủ, một phòng khách cạnh phòng ăn, và một phòng vệ sinh. Thầy Thạnh cho một bác cao niên khác thuê lại một phòng ngủ, có lẽ để san sẻ bớt tiền nhà, phòng còn lại rộng hơn, được ngăn đôi với một bên rộng làm phòng thờ Phật, bên hẹp kê chiếc giường ngủ cho thầy. Ở phòng khách có màn ảnh truyền hình sát vách tường, bên kia có chiếc bàn với máy điện toán, máy in trong góc, chung quanh treo nhiều bức hình của thầy Thạnh khi còn là cư sĩ cũng như sau khi xuất gia, thêm mấy bức ảnh của con cháu, người thân. Đồ đạc ở góc bàn đó và toàn căn chung cư là sự pha trộn lẫn lộn giữa đời và đạo, không hoàn toàn là một nơi dành cho tâm linh, mà cũng không hẳn thuộc thế gian.

Chúng tôi ngồi nói chuyện ở bàn cạnh phòng ăn. Tôi hỏi thầy sơ qua về việc xuống tóc với thầy Kyabje Lati Rinpoche ở tu viện Gaden Shartse Monastery, Ấn Độ năm 2010, chính thức xuất gia năm 2013. Và từ đó câu chuyện đi ngược thời gian về nơi thầy đã lớn lên ở Việt Nam, về thời gian nhập ngũ trong Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, và chuyện đi tu ở Mỹ.

Đi lính Nhảy Dù

Bác Trầm Kim Thạnh sanh năm 1941 tại Takéo, Campuchia gần Châu Đốc, quê nội gần biên giới người Miên. “Lúc đó người Việt Nam ở bên Miên đông lắm,” thầy Thạnh kể. “Ông nội làm tri huyện ở Takéo cho chính phủ Đông Dương. Ba làm quan thuế. Ba học trường école đậu bằng Thành Chung, má học ở Sài Gòn trường Gia Long, hồi xưa kêu là trường áo tím, cũng đậu bằng Thành Chung, đi dạy cho con người Pháp. Năm 1950, Sihanouk đuổi người Việt Nam về, thì tôi về Sài Gòn, thi đậu vô học Petrus Ký sáu năm. Năm 1961 ra học luật được hai năm, có người anh làm tòa đại sứ Mỹ rủ vô rồi làm ở Trung Tâm Huấn Luyện Nông Thôn trại Chí Linh, Vũng Tàu khóa 25. Qua khóa 26 thì tình hình chiến sự sôi động nên không được miễn nhập ngũ nữa, phải đi Thủ Đức.

“Tôi nằm trong danh sách bất phục tùng, vì khi kêu khóa 25 không đi, nên chỉ được chọn một trong bốn binh chủng tác chiến thôi, thứ nhất là Thủy Quân Lục Chiến, thứ hai là Biệt Động Quân, thứ ba là Nhảy Dù, thứ bốn là Thiết Giáp. Không được chọn Tài Chánh, Quân Y, Quân Cụ.

“Nghĩ tới nghĩ lui, thôi chọn Nhảy Dù. Cũng thứ dữ. Ngày xưa còn thanh niên, còn nhiệt huyết, nên thôi kệ, Nhảy Dù, tánh thì cũng hơi ba gai, áo hoa dù đầu đội trời chân đạp đất. Đi học nhảy dù ba tuần. Xong họ đưa ra Chiến Đoàn 1 ở ngoài Phú Bài, Huế. Từ Phú Bài họ lại đưa tôi lên tuốt Ngoại Lộc là căn cứ xuất phát ở Quảng Trị.

“Một tuần sau họ cho tôi lập một toán để nhảy ra miền Bắc. Trong đội này không ai biết ai. Khi hành quân họ để cho tôi ở một khu riêng, không được tiếp xúc, liên lạc nói chuyện với ai hết vì tối mật. Mục tiêu là nhảy qua bên kia vĩ tuyến 17.”

Trầm Kim Thạnh và cựu Thiếu Tá Lê Minh nhân dịp hội ngộ của Nha Kỹ Thuật tại Nam California.

Thầy Thạnh đã gặp may, không bị “nhảy qua bên kia” để rồi lên bàn thờ. Thầy kể, “Có anh thượng sĩ truyền tin lại nói chuyện với tôi, nó nói, thấy thiếu úy mặt sữa, là thày giáo phải không? Em thấy thầy đi là rửa chân lên bàn thờ đó. Tại sao thiếu úy biết không? Thiếu úy người Nam, nó nghe cái giọng là nó biết, là thiếu úy không có ngày về.

“Rồi một cái lạ nữa là anh thượng sĩ nói, bây giờ em có sợi dây bùa đang đeo, em đưa cái bùa này cho thiếu úy đeo. Tôi nói thôi, thượng sĩ đeo đi, tui không sao đâu. Không, thiếu úy đeo đi, nhưng mà thiếu úy đừng có chửi thề, đừng chun qua hàng rào phơi quần, đi cầu tiêu thì phải tháo ra, không cho vô những chỗ dơ bẩn. Ra ngoài đó thì ai cũng chửi thề, lúc nào cũng đê-em-mờ. Tôi không biết bên trong cái bùa có gì. Ảnh nói, thiếu úy đeo đi, không sao đâu, rồi về trả lại cho em. Thì tôi đeo.

“Rồi một lát có một anh trung sĩ, nửa Việt Nam nửa Miên, tướng bự con dữ dằn lắm. Nó luồn cây kim vào da, đó thiếu úy thấy không, cái kim chạy nè, không bị gì hết đó. Nó luồn cây kim vô da mình, nói thiếu úy rờ đi, không đau. Em chun cây kim này vô nè. Em đi nhiều lần rồi, không sao hết.

“Đêm đó tôi ngủ, sáng sau thì đi, xuất phát. Họ phát đồ chiến binh của Cộng Sản Bắc Việt, cũng dép râu cũng áo vàng. Đưa AK 47 nữa. Sáng hôm đó sương mù dầy đặc, tới 10 giờ cũng chưa tan, mà đi như vậy thì trực thăng ở ngoài Đà Nẵng ra bốc tụi này đi. Hồi sau Đà Nẵng đánh điện nói hủy bỏ mục tiêu, cancel cái target này, lý do là sương mù quá, không thể bay được. Vậy là tôi thoát nạn. Trả cái bùa lại cho thượng sĩ truyền tin.”

Cứu anh tù binh cộng sản

Không lâu sau lần nhảy hụt, thầy Thạnh gặp một bạn học ở Petrus Ký nay là trung úy làm việc với quân đội Mỹ. Thầy kể, “Nó nhận ra tôi ở Ngoại Lộc, liền đến nói, bộ mày muốn chết sao mà ra đây? Tôi nói, tao đâu biết đâu, ở Phú Bài nó đưa tao ra. Anh bạn nói, thôi mày làm với tao, giống như là Phòng Nhì, tức là phòng phỏng vấn tụi tù binh bị bắt. Toán Nhảy Dù ở đây thường là đi bắt tù binh về mình khai thác, coi tụi nó đi đường mòn Hồ Chí Minh làm cái gì? nhiệm vụ như thế nào? đơn vị gì?

“Tình cờ họ bắt được một thằng tù binh về. Đầu tiên mấy người Mỹ khai thác trước. Trưởng Phòng Nhì bên Mỹ là một đại úy, còn trưởng căn cứ là thiếu tá. Còn bên lính Việt thì trưởng là trung úy Nguyễn Cao Vỹ, bạn mình. Tụi Mỹ khai thác anh tù binh không được. Mà thằng này còn trẻ lắm, khai thác không được thì họ bắn bỏ. Trung úy Vỹ nói, Thạnh, mày lại mày khai thác đi. Mấy thằng Mỹ không biết nói gì mà thằng kia không biết nghe cái gì nữa, thành ra nó đòi bắn bỏ.

“Thì tôi lại coi, giọng tôi nhỏ nhẹ, coi cái ba lô thấy có cuốn nhật ký với thuốc lào, trong cuốn nhật ký nó nói là chuyến này anh vào Nam, sau đó anh về anh cưới em. Mình bắt được cái đó, mới nói, giữa anh với tôi không có thù phải không. Anh không biết tôi, tại sao anh vô đây đánh tụi tôi. Nó nói, dạ em không đi thì nó cắt hộ khẩu, mẹ bị cắt hộ khẩu. Tôi mới nói, thôi bây giờ, giữa qua với em mình không có thù. Bây giờ bắt được em rồi, em thấy hồi nãy đó, thiếu tá Mỹ nó đòi bắn. Bây giờ em muốn sống về cưới vợ hay là em muốn chết ở đây, muốn bỏ xác ở đây, em suy nghĩ đi.

“Nó ngồi một hồi rồi mới nói, em muốn về cưới vợ. Em nói vậy thì qua bảo đảm là cứu em. Nó nói, làm sao mà cứu được. Tôi nói, bây giờ em cứ khai thật, anh lấy cái mạng sống anh bảo đảm là sẽ cứu em, cho em về. Thì nó khai đúng là Sư Đoàn Sao Vàng, vô Nam để đánh miền Nam đi theo đường mòn Hồ Chí Minh. Mình thấy nó ngây thơ mà thành thật, tội nghiệp, coi cuốn nhật ký mình mới thấy. Nó nói, dạ nhưng mà làm sao thiếu úy cứu em được.

“Tui nói, em khai rồi thì qua bảo đảm, lấy cái lời chân thật của lính VNCH, bảo đảm nói là phải làm, sẽ bảo vệ em, sẽ thả em đi. Thả làm sao? Chừng nào thả thì đưa em lên trực thăng, qua sẽ đi với em với pilot tới bên kia rừng, phía đồi núi đó rồi thả em xuống. Tới kỳ thả đó thì máy bay hạ thấp xuống, lau sậy cao quá đầu người. Thả em thì lấy cái bao bố ra, trùm em để không cho biết em ở đâu, chừng nói nhảy xuống thì sẽ đẩy em xuống. Trước khi đi thì cho một ít lương khô để em ăn.

“Thường thì Mỹ nó thấy thằng nào quan trọng thì nó giữ lại, bắt hết làm tù binh đưa về trung ương Bộ Chỉ Huy, còn đằng này khai rồi, Mỹ nó nói, mày hứa mày thả nó thì thả đi. Thằng này nó khai rồi, Sư Đoàn Sao Vàng này nọ, di chuyển trên đường mòn mà phía bên mình cũng đã thấy rồi, chụp hình thấy rồi. Mình làm vậy vì mình người miền Nam có nhân tính, có lòng thương người.”

Thiếu úy Thạnh làm nghĩa vụ ở đầu chiến tuyến hai năm. Đến năm 1970 khi cha qua đời, thầy bay về làm đám tang cho cha. Hơn một tháng sau thì thầy được phép chuyển về luôn ở Sài Gòn, vì thầy là anh cả trong gia đình, còn mười người em nhỏ, mẹ không thể nuôi nổi. Được làm ở gần nhà, thầy ghi danh đi học luật tiếp, nhưng dòng đời luôn có những khúc quanh bất ngờ.

Thầy Thạnh kể, “Rồi bữa kia vừa trực vừa đi học ở Quốc Gia Hành Chánh ở Chợ Lớn, đi xe đông quá. Tay cầm xe honda của tôi đụng xe tụi nó, tôi té xuống đường, thằng khác chạy tới cán lên ngay ngang mình, híp (hông) tôi bị gãy, ngồi đã rồi thôi, không kiện thưa gì hết, cho nó đi. Vô phòng trực, vừa tới cửa thì té cái rầm, họ chở vô nhà thương Cộng Hòa.” Bác sĩ chụp hình, nói thầy bị gãy xương đùi, phải mổ, băng bột. Thầy ở nhà thương sáu tháng, sau đó xin giải ngũ luôn.

Vượt biển tìm tự do

Thầy Thạnh kể, “Sau năm 75 tôi có đi trình diện, không hiểu sao, tụi Việt Cộng nói tôi không cần đi học tập, tôi xin tờ giấy chứng nhận thì nó nói, cách mạng không cần giấy tờ, có cách mạng lo. Tôi cãi, nói không được, tôi về đi làm đi đường bị bắt thì sao. Nghe vậy nó mới viết cho tên đó, ngày đó có trình diện ở phường mấy quận Phú Nhuận, không có nằm trong diện học tập. Rồi nó vô trong đóng cái mộc cho. Khi đi ra rồi tôi thấy lạ. Tại sao người ta đi trình diện bị đi học tập, mà tôi đi trình diện thì họ nói là tôi không nằm trong diện học tập. Tôi thắc mắc, để trong đầu cái chuyện đó, lạ lắm.”

Con đường thoát cộng sản tìm tự do của thầy cũng tiếp tục có những chuyện lạ.

Thầy kể, “Vượt biển năm 78 ở Vũng Tàu không được, 79 ra đến bến xe thì bị bể, 80 không được. Mỗi lần đi không được lại mất một số tiền, phải bán nhà. Năm 1980 thì hết tiền rồi, không đi được nữa, bán hết nhà cửa, đưa vợ con xuống quận Bình Thạnh, còn tôi về ở với má mà không có hộ khẩu, sáng đạp xe đi, tối mới về, né tụi phường. Tụi địa phương dòm ngó, theo dõi, nó nói sao sĩ quan Dù mà không đi học tập, nó nói nó sẽ bắt.”

Đến cuối năm 1981, thầy Thạnh thoát khỏi Việt Nam. Thầy kể, “Bữa đó có bà chị trong hội phụ nữ phường đón mình ở chỗ ngã ba, thấy mình đạp xe tới mới nói, anh Thạnh, anh Thạnh, hồi sáng tụi nó họp trong đó, nó quyết định bắt anh đó, anh phải trốn đi. Mình thấy hỡi ôi rồi, hết đường rồi. Vợ con thì ở bên Bà Chiểu. Tự nhiên tối đó vợ tôi đạp xe qua, chở ba đứa nhỏ, thằng nhỏ ngồi trước, băng sau lót miếng ván dài là hai đứa. Vợ nói, bây giờ có chuyến đi, bà con có tổ chức chuyến đi, anh đi đi. Lấy tiền đâu đi? Anh cứ đi đi, em lo. Rồi tui ra bến xe đi tuốt xuống Rạch Giá tới Năm Căn, Cà Mau. Chờ thuyền đi ở cửa sông ông Trang, Mũi Cà Mau. Bị bốn lần hải tặc, khi tới Songkhla tức là ở bên biên giới Mã Lai với Thái Lan.

“Tui nhớ hôm đó là 25 tháng 12, ngày Noel. Trong trại có ông cha tên Joe Devlin, ông giúp người tỵ nạn. Ông cho tụi tôi mỗi người một đôi dép, kem đánh răng, bàn chải với một bộ đồ mặc.”

Đầu năm sau, 1982, thầy được chuyển đến trại Sikiew, nơi mà lần đầu tiên thầy cảm nhận mạnh mẽ sự linh ứng của Đức Quán Thế Âm Bồ Tát. Thầy Thạnh kể lại câu chuyện này trong bài viết “Sự Nhiệm Màu Trên Biển Đông” đăng trong tuyển tập “Quán Âm Quảng Trần” được Ni Sư Thích Nữ Giới Hương, viện chủ chùa Hương Sen, Perris, Nam California phát hành.

Trại Sikiew có ngôi chùa nhỏ với tượng Quán Thế Âm lộ thiên. “Nơi đó đã trở thành chỗ quen thuộc mà hằng ngày tôi thường lui tới, để tìm những giây phút tĩnh lặng sau cơn giông tố cuộc đời. Tôi mang tâm trạng chán chường, mệt mỏi, tuyệt vọng của kẻ mất nước, cô đơn nơi xứ lạ quê người. Mẹ già, vợ con và các em giờ đây đã nghìn trùng xa cách.”

Hai lá bùa hộ thân

Thế rồi một hôm, bỗng có một thanh niên khoảng 16 tuổi đến nói với thầy, “Thưa chú, chiều nay chú mang nhang đèn đến gặp con ở building số 5, phòng số… con sẽ giúp chú.”

Tuy bán tín bán nghi, thầy vẫn tìm đến nơi hẹn. “Đó là một trong những phòng dùng để giam người phạm kỷ luật, chung quanh đầy những song sắt, tối tăm, chật hẹp,” thầy kể trong bài viết.

“Sau khi trao đổi vài lời, tôi thắp nhang đèn rồi khấn nguyện. Sau độ 5 phút yên lặng, toàn thân cậu chuyển động lạ lùng. Bỗng cậu nói bằng giọng một người nữ: ‘Ta là Quán Thế Âm tầm thinh cứu khổ cứu nạn ở Biển Đông. Thấy con thường đến Chùa thành tâm khấn nguyện; hằng ngày lại tham gia vào các công tác phước thiện ở trong trại nên ta mượn thân cậu nhỏ này mà đến đây giúp con. Nay ta cho con hai lá bùa để hộ thân. Hãy gởi về cho vợ con. Khi nào sum họp hãy mang nhang đèn đến cúng trước cửa nhà rồi đốt hai lá bùa ấy đi.’

“Nói xong, cậu ấy viết trên hai mảnh giấy những dòng chữ ngoằn ngoèo giống như chữ Thái rồi trao cho tôi, sau đó cậu rùng mình một cái rồi trở lại bình thường. Tôi hỏi về ý nghĩa những dòng chữ, nhưng cậu bảo thật tình cậu ta cũng chẳng hiểu và không nhớ những gì vừa xảy ra. Tôi vô cùng xúc động trước sự việc lạ lùng, không biết phải làm gì, vội vã chạy lên chùa thắp một nén hương để cảm tạ Đức Quán Thế Âm Bồ Tát đã ứng hiện.”

Thầy Thạnh đã gởi hai lá bùa hộ thân về cho gia đình, dù không biết vợ con lấy đâu ra tiền để vượt biển. Thầy kể, “Tháng Mười năm 1983, tôi được phái đoàn Mỹ nhận nên được chuyển trại qua trại Galang, Nam Dương để học Anh Văn. Khi ấy tôi cũng nhận được tin báo là vợ và ba đứa con của tôi đã đến đảo Pulau Bidong bình yên. Một năm sau, gia đình tôi đoàn tụ tại Nam California, lúc ấy vợ tôi mới kể lại từng chi tiết cuộc vượt biển cho tôi nghe.”

Chiếc ghe đã bị hải tặc cướp vàng bạc nữ trang, hãm hiếp. “Thoạt tiên là những cô gái trẻ, sau đó đến những người lớn tuổi hơn. Vợ tôi quá khiếp đảm, sực nhớ đến hai lá bùa hộ thân nên lấy ra để trước ngực. Một tên mặt mày dữ tợn, hung hăng xông đến túm áo vợ tôi nhưng nó đã khựng lại khi thấy hai lá bùa. Nó giật lấy và mang đến đưa cho một tên to lớn dữ dằn hơn, có lẽ là thuyền trưởng.

“Bọn chúng xem xong kéo đến chỗ vợ con tôi đang ngồi. Lúc đó vợ tôi nghĩ thầm ‘Hết hy vọng rồi, thôi đành nhắm mắt mà chịu thôi!’ Thật là ngoài sức tưởng tượng của mọi người, bọn chúng chẳng những không hành hung mà còn quỳ sụp lạy vợ tôi. Tên thuyền trưởng đó còn mang thuốc cho Hà, đứa con trai nhỏ của tôi, khi ấy đang bệnh. Chúng còn chỉ hướng cho tàu đi rồi tự động rút lui.”

Tháng Ba 2007, cư sĩ Trầm Kim Thạnh (bên phải, hàng đứng phía sau) đã có mặt trong nhóm hành hương đến Dharamsala, Ấn Độ thăm Đức Đạt Lai Lạt Ma (giữa). Đứng hai bên Đức Đạt Lai Lạt Ma là Sa Di Donald Phạm mà sau này là Thầy Konchog “Kusho” Osel và bà Nguyễn Lệ Huyền, mẹ của Donald. Trong nhóm còn có nhà văn Nhã Ca (thứ tư từ bên trái, hàng đứng phía sau) và nhà bình luận kinh tế Nguyễn Xuân Nghĩa (cạnh cư sĩ Thạnh).

Đến với Mật Tông ở Quận Cam

“Qua những gian truân khổ cực từ đời lính đến vượt biên, tôi thấy cuộc đời khổ quá rồi, tôi ngộ ra rằng con người không có gì hết, nó là vô thường, vô ngã mà nó khổ. Nó là Tam Pháp Ấn,” thầy Thạnh tâm sự sáng thứ Bảy hôm đó, nhắc tới kinh nghiệm cảm ứng Đức Quán Thế Ấm ở sân chùa.

“Tôi đi làm ở hãng electronics ở Irvine,” thầy kể. “Hôm đó, khoảng năm 85, 86, tôi đi thay nhớt xe, có ghé chùa Dược Sư tính mua mấy cuốn bì chay ngồi ăn trong xe uống nước lạnh. Hồi đó chùa chưa cất lớn như bây giờ, còn nhỏ lắm. Lễ Phật xong ra thấy trên bàn có bản in 12 lời đại nguyện của Quán Thế Âm Bồ Tát. Tôi lấy đọc thì thấy hai lời nguyện giống như hồi tôi ở trại Sikiew mà cậu bé được Phật Bà Quan Âm nhập vô nói chuyện. (Nam mô nhứt niệm tâm vô quái ngại Quán Âm Như Lai thường cư Nam Hải nguyện / Nam mô trụ ta bà u minh giới Quán Âm Như Lai tầm thinh cứu khổ nguyện.) Rồi bỗng nghe trên không trung có tiếng nói ‘Ráng tu nghe con’ nổi da gà luôn.”

Thế là mối liên kết giữa thầy Thạnh với ngài Quán Thế Âm Bồ Tát lại càng thân thiết hơn, chỉ chờ đợi đủ duyên để thầy không chỉ “ráng tu” mà còn bước hẳn vào con đường xuất gia. Mà con đường không thẳng tắp, đi vòng qua những khúc quanh không thể đoán trước.

Vào khoảng thời gian đó, cuốn “Hành Trình Về Phương Đông” do nhà văn Nguyên Phong phóng tác từ những bài viết của ông Baird T. Spalding trong bộ sách “Life and Teaching of the Masters of the Far East” đang bán rất chạy trong cộng đồng người Việt tại hải ngoại, có lẽ một phần vì sách chứa đựng những câu chuyện tâm linh huyền bí, một phần vì nó khơi dậy niềm hãnh diện về văn hóa phương Đông của những người Việt lưu vong đang phải hội nhập vào văn hóa phương Tây. Và tác phẩm đó đã góp phần vào việc đưa thầy Thạnh đến với Mật Tông.

Thầy kể, “Tôi có mua cuốn sách Hành Trình Về Phương Đông. Tiếp sau mua thêm mấy cuốn của Nguyên Phong nói về Phật Giáo Tây Tạng. Đọc say mê lắm. Có lẽ vì vậy mà tôi gieo chủng tử Tây Tạng trong đầu rồi. Mới nhớ hồi ở trại tỵ nạn được Phật Bà Quán Âm giúp. Rồi đọc sách  mới thấy Đức Đạt Lai Lạt Ma là hóa thân của Quán Thế Âm Bồ Tát. Tôi nghĩ làm sao có cơ duyên để gặp được ngài Đạt Lai Lạt Ma?”

Vào năm 2007 cư sĩ Trầm Kim Thạnh đã có cơ hội đi hành hương đến Dharamshala ở Ấn Độ để diện kiến ngài Đạt Lai Lạt Ma, được mãn nguyện sau nhiều năm ngưỡng mộ vị lãnh đạo tinh thần Tây Tạng mà hầu như ai trên thế giới cũng đều kính phục, ngoại trừ những kẻ đã chiếm mất quê hương của ngài. Nhân dịp đó, cư sĩ Thạnh đã thọ Bồ Tát Giới. Trong hơn một thập niên trước khi gặp ngài Đạt Lai Lạt Ma, cư sĩ Thạnh đã sinh hoạt với các chùa Tây Tạng trong vùng, mà khởi đầu từ một chuyến xe giúp đỡ người khác. Trong một lần đến nhà một bạn đạo có rước mấy vị sư Tây Tạng tới cầu kinh, cư sĩ Thạnh gặp một sư cô người Việt lớn tuổi mới tu theo Phật Giáo Tây Tạng.

Đại Sư Geshe Tsultim Gyeltsen, viện trưởng trung tâm Phật Giáo Tây Tạng Thubten Dhargye Ling ở Long Beach, đang ngồi trong bức hình chụp năm 2008, mấy tháng trước khi ngài mất năm 2009. (Photo: Đỗ Hoàng Duyệt)

Thầy Thạnh kể, “Bữa đó gặp sư cô Chân Phước. Cô nói, ‘Ông Thạnh, ông rảnh thì chở sư cô đến chùa Phật Giáo Tây Tạng ở Long Beach.’ Sư cô không lái xe được. Hồi đó có cô Phật tử người Mỹ chở sư cô đi, bây giờ cô Mỹ đó không đi nữa, nên sư cô muốn lên chùa Long Beach mà không có ai chở đi. Tôi mới nói, ‘Để con chở sư cô đi.’ Đó là năm 1997.”

Từ ngày chở sư cô đến chùa Long Beach, hay chính xác hơn là Trung Tâm Phật Giáo Tây Tạng Thubten Dhargye Ling, cư sĩ Thạnh đã bước hẳn vào Mật Tông. Năm 1997 cư sĩ Thạnh chính thức quy y Tam Bảo. Trong một bức thư viết tay gởi cho tôi giữa mùa dịch khó gặp nhau, thầy Thạnh viết, “Anh kính mến. Ngày 14 tháng Chín năm 1997 tôi được Venerable Geshe Tsultim Gyeltsen ban cho pháp danh Tenzin Trinley.”

Đọc đến đó tôi chợt nhớ ra mình cũng đã từng ghé ngôi chùa ấy vào năm 2008, được diện kiến Đại Sư Geshe Tsultim Gyeltsen và được ngài hướng dẫn đôi điều về Mandala mà chùa sắp thực hiện. Mấy tháng sau, vào tháng Hai năm 2009, ngài Geshe Tsultim Gyeltsen viên tịch sau hơn ba ngày trụ trong thiền định, thọ 85 tuổi. Vào buổi chiều ngài Geshe Tsultim Gyeltsen rời bỏ xác thân, bầu trời về hướng đông bắc của chùa đã xuất hiện một cầu vồng lớn trong một thời gian khá lâu.

Buổi ghé chùa Tây Tạng đó đã là một trong các duyên lành đưa đẩy tôi mạnh hơn vào còn đường mà Phật đã chỉ hướng. Nhưng lúc đó tôi chưa biết nhiều về đạo Phật, nói chi đến Mật Tông. Trong thư tâm sự về buổi quy y, thầy Thạnh giải thích, “Ở Tây Âu, Kim Cang Thừa (Mật Tông) được hiểu là con đưa đến sự giác ngộ một cách đột ngột, nhanh chóng. Kim Cang Thừa không thể tồn tại độc lập ngoài các tông phái Phật Giáo khác. Thực hành Kim Cang Thừa mà không thông suốt căn bản giáo lý Phật Đà là một việc làm đầy nguy hiểm. Tư tưởng của Kim Cang Thừa chính là tư tưởng của kiên cố bất hoại, của sự trở về với chính mình, với sự tỉnh thức của bản thể và sự nhận biết tự tánh Kim Cang của ta.”

Thầy Thạnh kể về những buổi tu học ở Long Beach, “Mỗi Chủ Nhật lên đó nghe pháp. Hồi đó có một vị dịch từ tiếng Tây Tạng sang tiếng Anh, ông bác sĩ Quách Hùng dịch từ tiếng Anh qua tiếng Việt cho các Phật tử Việt. Ông Quách Hùng có học Phật, hồi ở Việt Nam có đến chùa Bình Dương, là chùa của Phật giáo Tây Tạng. Ổng rất giỏi, dịch rất chính xác.”

Mười năm sau ngày đầu tiên đến chùa Long Beach, vào năm 2007, cư sĩ Thạnh được dịp theo một phái đoàn đến Dharamshala tu học ba tuần, và đó là dịp thầy gặp ngài Đạt Lai Lạt Ma, và được nghe về tiền kiếp của mình.

Lễ an vị Phật tại nhà của cư sĩ Trầm Kim Thạnh (đứng bên trái) ở Westminster năm 2003. Hai thầy ngồi, bên trái là ngài Kyabje Lati Rinpoche (1922-2010), cựu viện trưởng Tu Viện Gaden Shartse, Ấn Độ, bên phải là Đại Sư Geshe Tsultim Gyeltsen (1923-2009), viện trưởng trung tâm Phật Giáo Tây Tạng Thubten Dhargye Ling ở Long Beach. Đứng cạnh cư sĩ Thạnh là thầy Khen Rinpoche Jangchup Choeden, viện trưởng Tu Viện Gaden Shartse. Tượng Phật nay đã được cúng dường cho chùa Hương Sen, Perris.

Thầy kể, “Cuộc đời của tôi lạ lắm. Lúc qua Ấn Độ, tại trường đại học về tử vi, một vị sư Tây Tạng coi astrology nói kiếp trước tôi là một ‘Mahayana Buddhist practitioner’ (hành giả Phật Giáo Đại Thừa) bây giờ cuối đời được gặp các vị sư Mật Tông Tây Tạng.”

Có lẽ nhờ tiền kiếp như vậy, nên kiếp này thầy Thạnh được đủ duyên để đi tu dù đã lớn tuổi. Đầu năm 2010 cư sĩ Thạnh được Đại Sư Kyabje Lati Rinpoche làm lễ xuống tóc tại tu viện Gaden Shartse Monastery ở Ấn Độ. Đến tháng Tư cùng năm, ngài Kyabje Lati Rinpoche viên tịch, thọ 88 tuổi. Trong dịp trò chuyện với tôi, thầy Thạnh thường nhắc đến “Thầy Lati” với sự tôn kính, tiếc nuối lẫn với niềm hãnh diện được xuống tóc với một vị thầy như vậy.

Thầy Thạnh viết về “Thầy Lati” trong thư gởi cho tôi, “Ngài được chính thức công nhận là một vị Lạt Ma hóa thân. Sinh ra tại tỉnh  Kham của Tây Tạng. Đã đậu bằng Tiến Sĩ Phật Giáo và sau đó tu thêm tại đại học Mật Tông. Lưu vong khỏi Tây Tạng cùng với Đức Đạt Lai Lạt Ma năm 1959. Chuyên dạy cho các vị Lạt Ma tái sinh.

“Là cựu viện trưởng tu viện Gaden Shartse, Nam Ấn Độ. Ngài đã qua Mỹ hoằng pháp nhiều lần (1997, 1999, 2000, 2001…). Sau đó ngài trở về Dharamshala . Cuối đời ngài sống tại tu viện Namgyal, viên tịch tại đây ngày 12 tháng Tư, 2010. Sau đó Đức Đạt Lai Lạt Ma quyết định đưa nhục thân ngài về tu viện Gaden Shartse, làm lễ trà tỳ và hỏa táng. Ngài để lại nhiều xá lợi.”

Kèm với tấm ảnh chân dung ngài Kyabje Lati Rinpoche, thầy Thạnh đánh máy thêm mấy dòng chữ: “Thầy là Phật, thầy là Pháp, thầy là Tăng / Thầy là hiện thân trí huệ của tất cả chư Phật / Tâm thầy là Pháp thân bất biến / Ngữ thầy là Báo thân miên viễn / Thân thầy là lòng từ bi bao trùm tất cả của Hóa thân / Hãy cầu nguyện đến thầy, sự hiện diện tự nhiên của bốn thân giác ngộ hay Tứ thân Như Lai. Tứ Thân Như Lai là Bốn Thân giác ngộ: Pháp Thân (Dharmakaya, The Wisdom body), Báo Thân (Sambhogakaya, The Enjoyment body), Hóa Thân (Nirmanakaya, The Emanation body),  và Tự Thánh Thân (Svabhavakaya, The Essence body).”

Khi đến Long Beach, ngài Kyabje Lati Rinpoche có cho đệ tử lễ quán đảnh pháp môn tu tập “Vajra Yogini”(Kim Cang Thiền Nữ) và một lễ “Tsog Vajra Yogini.” Sau khi viên tịch, ngài  có để lại Xá Lợi được lưu giữ bên trong tượng Kim Cang Thiền Nữ.

Trong thời gian tu học và chuẩn bị để được phép xuất gia, cư sĩ Thạnh phải “học cả tháng ở Long Beach với thầy. Đang đi làm ở Irvine, tui phải xin nghỉ một tháng, sếp nói ‘bộ muốn quit job hả.’ Thế rồi tôi được phép đi làm nửa ngày, buổi sáng, trưa về đi học pháp đến tối.”

Trước khi được xuất gia, đệ tử phải được “thầy đánh giá dựa trên ba yếu tắc của đạo, cũng là ba pháp trụ của Tổ Je Tsongkhapa (Tông Khách Ba) được Đức Đạt Lai Lạt Ma ban truyền. Thứ nhất phải có cái Tâm Xả Bỏ, dứt khoát trừ tham dục trong biển đời. Thứ hai phải phát Bồ Đề Tâm, khởi tâm từ bi và lo cho chúng sanh, phải thọ Bồ Tát Giới. Thứ ba là phải hiểu rõ Lý Duyên Sinh, phải thấu hiểu Không Lý, nếu thấy được Tánh Không trong nhân quả thì sẽ không còn lầm lạc bởi tà kiến, cực đoan.”

Tháng Hai năm 2013, Đạo Sư Khen Rinpoche Jangchup Choeden, Viện Trưởng Gaden Shartse và Giảng Sư Geshe Phuntsok Gyaltsen đã làm lễ xuất gia cho cư sĩ Thạnh tại chùa Thubten Dhargye Ling ở Long Beach và cho pháp danh Jangchup Tharchin có nghĩa là “thành tựu trí tuệ viên mãn.”

Thầy giải thích, “Jangchup là thành tựu viên mãn, Bồ Đề giác ngộ, loại được mê mờ, liễu ngộ được thực tướng, rồi bỏ các ngã tướng, tẩy sạch, mở ra, phát triển trình độ của Phật quả.”

Vì lớn tuổi, thầy Jangchup Tharchin không bắt buộc phải qua Ấn Độ để tu học như các vị tăng trẻ. Thầy được tu tại gia ở Quận Cam. Thầy nói, “Muốn đi tu theo Mật Tông mà không đủ duyên thì đi không được. Khó lắm. Tôi rất may mắn.”

Cuối buổi thăm thầy Thạnh tại khu chung cư cho cao niên, tôi được thầy mời vào phòng riêng để xem nơi thầy thờ Phật và tụng kinh mỗi buổi sáng. Nơi chốn thiêng liêng đó rất khiêm tốn, chiếm hơn một nửa của một gian phòng mà bên còn lại là chiếc giường ngủ đơn giản. Ranh giới là một kệ sách bên trên chưng bày một bình phong nhỏ với sáu tấm xếp có hình vẽ các vị Phật hay Bồ Tát Tây Tạng. Bình phong này trông quen thuộc vì tôi cũng từng thỉnh về một cái như vậy nhân dịp có các thầy Tây Tạng đến Little Saigon để quyên góp tịnh tài dành cho một tu viện bên Ấn Độ.

Khi nghe tôi thắc mắc về việc lần đầu gặp thầy mặc thường phục ở bãi đậu xe mấy tháng trước, thầy Thạnh nói, “Tôi xuất gia nhưng tu tại gia. Quan trọng là phải giữ giới. Khi tôi xuất gia họ nói tôi già yếu, không thể vô monastery (tu viện) được, tu tại gia theo Kim Cang Thừa để đời sau tiếp tục tu, hãy ở nhà, giữ giới.”

Thầy Jangchup Tharchin tại Chùa Điều Ngự, Westminster đón tiếp Đức Đạt Lai Lạt Ma tháng Sáu 2016.

Vào mùa hè năm 2016, khi ngài Đạt Lai Lạt Ma đến Quận Cam, thầy Thạnh có đóng một vai trò trong chương trình đón tiếp ngài tại Quận Cam.

Thầy kể, “Có một chị bên Canada tu theo Mật Tông biết tôi tu theo Tây Tạng, muốn liên lạc để hỏi vì ban tổ chức muốn biết có chùa Việt Nam nào mà ngài Đạt Lai Lạt Ma có thể ghé được không. Cô ta gọi qua một cô bạn ở Boston, Massachusetts, người đó liên lạc với tôi. Tôi có đi mấy cái chùa như Huệ Quang, Bảo Quang, Bát Nhã (lúc đó xây chưa xong), chỉ quan sát thôi, chứ không nói với các thầy. Thế rồi tôi có đến chùa Điều Ngự, gặp thầy Viên Lý, cho số phone của vị lạt ma tổ chức.”

Đó là lần đầu tiên ngài Dalai Lama đến chùa Việt Nam tại California, một vinh dự lớn cho cộng đồng người Việt ở đây. Và thầy Thạnh đã cho tôi xem mấy bức ảnh chụp ở chùa Điều Ngự với niềm hãnh diện về mối quan hệ của thầy với các tăng Tây Tạng trong vùng.

Thầy cũng tạo những mối quan hệ khác. Vào năm 2002, sau một thời gian sinh hoạt thường xuyên ở chùa Tây Tạng Long Beach nhưng chưa xuống tóc, cư sĩ Thạnh có về Việt Nam, đến thăm Tịnh Thất của Ni Sư Trí Hải ở huyện Nhà Bè thuộc vùng phụ cận Sài Gòn. Khi biết cư sĩ Thạnh tu Mật Tông, Ni Sư Trí Hải đã tặng cuốn “Giải Thoát Trong Lòng Tay” mà Ni Sư đã dịch từ tác phẩm của ngài Kyabje Pabongka Rinpoche, bổn sư của hai vị giáo thọ của Thầy Đạt Lai Lạt Ma.

Việc tặng sách của Ni Sư Trí Hải chỉ là một hành động nhỏ nhưng lại là một thiện duyên cho thầy Jangchup Tharchin liên lạc với tôi, để rồi chúng tôi được gặp nhau lần đầu giữa bãi đậu xe của hai quán ăn. Từ đó đến nay đã hơn nửa năm. Nhiều sự việc đã xảy ra trong cuộc đời của hai chúng tôi, không vì đại dịch và cũng vì đại dịch. Những phiền não, hoan lạc, tiếc nuối rồi cũng trôi qua. Riêng trong tôi vẫn còn một niềm khắc khoải về việc hành trì một pháp môn ứng dụng vào cuộc đời của bản thân. Qua những kinh nghiệm mà chắc chắn còn thiếu sót, tôi đã thấy một phần cuộc sống của các vị tăng đang hành đạo ở chùa, của các cư sĩ đang tu tại gia, của các vị tưởng không tu mà có tu, và ngược lại. Mỗi người một kiểu cách tùy theo hoàn cảnh, thói quen, duyên phước, mà dẫu có khác nhau nhưng đều chung một niềm tin nguyện thiết ở Đức Phật.

Giữa lúc còn lấn cấn về chuyện tu hành của chính bản thân, của các hành giả mà mình đã may mắn được tiếp chuyện, một hình ảnh từ kỷ niệm với thầy Thạnh nhắc cho tôi nhớ tới lời Phật dạy. Và đó là tự mình tu cho chính mình chứ không ai tu được cho mình hết.

Hình ảnh đó hiển hiện vào phút chót của buổi gặp thầy Thạnh hồi cuối tháng 11 năm ngoái. Đó là khi tôi rời căn chung cư của thầy, lỉnh kỉnh trên tay máy ảnh, điện thoại, máy scan, một xấp giấy tờ, vừa khép cánh cửa lại và đi được vài bước trong hành lang thì chợt nghe tiếng thầy gọi tôi. Thầy mở cửa bước ra ngoài, cũng trong chiếc áo đỏ mà thầy đã mặc trong suốt buổi nói chuyện gần hai tiếng đồng hồ, đưa cho tôi một món đồ tôi đã quên không cầm theo. Ngay trong khoảnh khắc ấy, tôi bắt ngay vào trong đầu hình ảnh một vị tăng đang vội vã bước trong hành lang, không một bóng người nào khác ở chung quanh, vạt áo lướt tới trong khoảng không gian tưởng chừng sâu hun hút giữa hai vách tường.

Cầm món đồ và đợi cho thầy trở vào trong nhà, tôi đứng yên nhìn vào khoảng trống trong hành lang, vẫn không một ai khác xuất hiện mặc dầu đằng sau hàng chục cánh cửa san sát nhau có lẽ đang có hàng chục chúng sanh mang thân người. Tôi thấy lại ấn tượng của một hành giả trên con đường sâu hun hút, lần này còn sâu thẳm hơn. Một con đường cô độc, và cô đơn, nhưng là con đường duy nhất dẫn đến ánh sáng của trí tuệ viên mãn.

Thầy Jangchup Tharchin – Trầm Kim Thạnh trong hành lang của khu chung cư dành cho cao niên tại thành phố Fountain Valley, California. (hmd)

Thêm hình ảnh do Thầy Thạnh cung cấp:

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *