Bài MAI CÔNG LẬP
Thời gian rồi có một số bạn bè cư sĩ tranh cãi xung quanh chuyện giới báo chí sử dụng thuật ngữ “xá lợi” cho phần tro cốt sau khi thiêu của thiền sư Nhất Hạnh. Mình xin giải thích đôi điều.
Xá Lợi (Sarira – 舍利) dịch theo nghĩa đen là “thân thể, xác thân,” được dùng trong truyền thống y học Ưu Dưỡng Sinh (Ayurvedic) của Ấn Độ Giáo. Trong Phật giáo, xá lợi được chia ra làm ba loại khác nhau:
* Pháp thân xá lợi (Dharma body sariras): bao gồm những kinh sách còn lưu truyền của đức Phật.
_Theo Phật Học Đại Từ Điển (佛學大辭典) của Đinh Phúc Bảo (Din Fu Bao;丁福保).
* Toàn thân xá lợi hay nhục thân xá lợi (Corporal and full body sariras): Xá lợi toàn thân của một bậc thánh tăng. Thuật ngữ này cũng được dùng để chỉ tóc, móng tay, răng… của đức Phật hay các bậc cao tăng. Ví như xá lợi tóc Phật, hay trái tim của ngài Thích Quảng Đức (điều này đến nay vẫn còn tranh cãi) …
_Theo Religion wiki: https://religion.fandom.com/wiki/Sarira
* Toái thân xá lợi (Broken body sariras): Tức phần tro cốt còn sót lại sau khi hỏa táng của đức Phật hay các bậc thánh tăng.
_Từ Điển Phật học: https://phatgiao.org.vn/…/toai-than-xa-loi-k44963.html
…
Sarira hay Ringsel, nếu hiểu nôm na, không qua thẩm định, là thuật ngữ thông dụng để chỉ các viên ngọc được kết tinh sau khi hoả táng.
Theo mình, việc để lại “xá lợi” – theo cách hiểu thông dụng – hay không cũng không quan trọng, và bảo chứng giá trị nhất của thầy Nhất Hạnh là Pháp thân xá lợi (tức những cuốn sách, lời thuyết giảng, cuộc đời của thầy…). Thầy không mong mỏi ai đó sẽ ngừng phỉ báng và kết tội thầy chỉ vì nhìn thấy những viên “xá lợi,” điều thầy mong mỏi là những vị đó có cơ hội được đọc hiểu, ứng dụng những lời dạy của thầy vào cuộc sống hằng ngày để bớt đi đau khổ mà thôi.
Lại bàn thêm:
Việc sử dụng thuật ngữ “xá lợi” trong những bài báo ở VN như một sự bày tỏ lòng kính trọng của giới báo chí dành cho thầy Nhất Hạnh (ví như không sử dụng từ “chết” mà lại sử dụng các thuật ngữ “thị tịch, nhập diệt” dành cho các bậc cao tăng), nó không hề có ý chứng tỏ thầy Nhất Hạnh là một bậc thánh tăng. Có “xá lợi” hay không, có được ấn chứng hay không cũng không nhất thiết chứng tỏ vị đó là thánh tăng, vì có những vị không có ai phong thánh (hay ấn chứng) vẫn để lại “xá lợi,” và có những vị không để lại “xá lợi” dù được phong thánh (hay được ấn chứng), và khái niệm “xá lợi” không chỉ có riêng trong thế giới Phật giáo mà còn có mặt trong các tôn giáo khác.
Mình không quan tâm lắm đến việc một bậc đạo sư có “xá lợi” hay không, có được ấn chứng hay không, có được phong thánh hay không, vì có những vị được thầy tổ ấn chứng nhưng có một số tư tưởng mà chính bản thân mình không đồng tình (như trường hợp của hòa thượng Tuyên Hóa). Mình nghĩ chính cuộc đời phụng sự, tư tưởng, phẩm hạnh… của vị đó mới là minh chứng quan trọng nhất của việc người ấy có phải là một thánh (cao) tăng hay không.
(Nguồn: Mai Cong Lap Facebook)
Discover more from Tinh Tấn Magazine
Subscribe to get the latest posts sent to your email.