Ký ức về Thầy Giác Thanh

*Đọc 9 phút*

Bài TÂM NHUẬN PHÚC DOÃN HƯNG

Tình cờ có người báo vào ngày 24 tháng 10, 2021 tu viện Lộc Uyển, Nam California sẽ tổ chức kỷ niệm 20 năm ngày mất của Thầy Giác Thanh. Dù bận bịu, tôi cũng kịp sắp xếp lên Lộc Uyển để nghe Thầy Phước Tịnh kể chuyện về Thầy Giác Thanh. Có ba vị Thầy ảnh hưởng trực tiếp đến hành trình học và hành Phật Pháp của tôi nhiều nhất, đó là Thầy Nhất Hạnh, Thầy Giác Thanh, và Thầy Phước Tịnh. Tôi bắt đầu quan tâm đến việc thực hành Chánh Niệm ở độ tuổi đôi mươi sau khi đọc nhiều lần cuốn Phép Lạ Của Sự Tỉnh Thức của Thầy Nhất Hạnh. Người làm lễ qui y và đặt pháp danh cho tôi ở độ tuổi 50 là Thầy Phước Tịnh. Với Thầy Giác Thanh, dù thời gian tiếp xúc với Thầy không nhiều, nhưng hình ảnh của Thầy luôn luôn nằm đâu đó trong tiềm thức của tôi, dù là rất nhẹ nhàng, không hề có một ấn tượng nào mạnh mẽ.

Tôi gặp Thầy Giác Thanh lần đầu tiên là vào khoảng năm 1992. Lần đó Thầy trở về Việt Nam lần đầu, với tư cách đại diện cho tổ chức từ thiện Partage của Pháp, theo sự sắp xếp của Sư Cô Chân Không. Partage là một tổ chức chuyên giúp đỡ trẻ em trên toàn thế giới, được sáng lập bởi Pierre Marchand, là một đệ tử Tiếp Hiện người Pháp của Thầy Nhất Hạnh. Nghe kể rằng Pierre là con nhà triệu phú. Từ trước 1975, khi nghe Thầy Nhất Hạnh nói chuyện về Việt Nam, Pierre đã bỏ hết sự nghiệp, thành lập tổ chức này để giúp đỡ trẻ em mồ côi Việt Nam trong chiến tranh. Sau 1975, Việt Nam đóng cửa với thế giới tự do, Partage chuyển hướng sang giúp đỡ trẻ em trên toàn thế giới. Trong những năm cuối thập niên1970 đầu thập niên 1980, Thầy Nhất Hạnh và Sư Cô Chân Không đã nhờ Partage giúp đỡ nhiều văn nghệ sĩ Miền Nam đang bị tù đầy, bằng cách gởi quà cho con em của họ. Trong số những người được giúp có gia đình bố tôi (Doãn Quốc Sỹ), nhà văn Nhã Ca, nhà báo Hiếu Chân, nhà báo Thanh Thương Hoàng… Đến đầu thập niên 1990, Việt Nam mở cửa trở lại, Partage đã xin được hoạt động chính thức tại đây. Lúc đó, tôi là một trong những thành viên của nhóm Partage Việt Nam, bao gồm một số đệ tử Tiếp Hiện của Thầy Nhất Hạnh từ trước 1975: cô Uyên, cô Thân, chú Phước, cô Trà Mi.

Thầy Giác Thanh (1947-2001)

Thật ra, Thầy Giác Thanh không phải là người của Partage. Thầy về theo danh nghĩa Partage chỉ là một cái cớ để thực hiện một sứ mạng khác của Sư Cô Chân Không: gieo những hạt giống thực hành Chánh Niệm theo phương pháp Làng Mai đầu tiên tại Việt Nam. Lúc đó, Partage bắt đầu giúp đỡ khoảng 5, 6 nhóm từ thiện giúp đỡ trẻ em ở Sài Gòn, Miền Tây và Huế. Thầy Giác Thanh đem tiền về để tài trợ cho các dự án của những nhóm này, rồi kèm theo với các hướng dẫn Chánh Niệm một cách nhẹ nhàng, kín đáo. Ngày nay, khái niệm về “Chánh Niệm” không còn xa lạ với nhiều người dân Việt Nam, khi Thầy Nhất Hạnh cùng tăng đoàn Làng Mai đã chính thức về lại quê hương. Nhưng ít có người biết rằng Thầy Giác Thanh là người đã đặt những viên đá nền tảng đầu tiên từ ba thập niên trước.

Tôi nhớ hình ảnh Thầy Giác Thanh trong ngày đón từ phi trường về ở nhà cô Uyên, ngay sát bên chùa Pháp Vân ở Quận 11, cũng là Trường Thanh Niên Phụng Sự Xã Hội của Thầy Nhất Hạnh ngày xưa. Thầy có dáng người cao, gầy gò, trông “thư sinh” và không khỏe mạnh. Mọi hành động của Thầy lúc nào cũng chậm rãi. Điều làm tôi nhớ nhất là nụ cười của Thầy, một nụ cười hiền hòa, nhân hậu, thanh thản. Gương mặt của Thầy hình như lúc nào cũng đi đôi với nụ cười tĩnh lặng, ngay cả những lúc Thầy bị căn bệnh ung thư hành hạ sau này. Giống như nụ cười của Bụt.

Một ấn tượng khác cũng khó quên trong lần đó, là Thầy đem về Việt Nam đến mấy chục ngàn Đô La Mỹ bằng tiền mặt! Không hiểu tại sao số tiền lớn như thế mà qua mắt được hải quan Việt Nam?!? Hồi đó, tôi đi làm cho một công ty Việt Nam với mức lương chưa đến $100 đô một tháng. Còn một người làm cho công ty nước ngoài có lương tháng khoảng $300 đô là to lắm rồi! Ấy vậy mà một ông thầy tu hiền hòa dám bỏ vài chục ngàn đô trong túi xách mang về Việt Nam. Lần đầu tiên trong đời tôi mới được thấy tận mắt một lượng tiền khổng lồ như thế, mà chỉ để làm từ thiện! Thầy trò sau đó đã đem tiền đến giao cho các nơi, trong đó Viện Dưỡng Lão & Mồ Côi Long Xuyên của anh Ba Đô nhận nhiều nhất, đến $7,000 đô để mua máy cày. Tiền cũng giao cho chùa Liên Trì của Thầy Không Tánh ở Thủ Thiêm, nơi nuôi khoảng 30 trẻ em mồ côi, trẻ em thuộc các gia đình quá nghèo khó trong vùng phải gởi con vào chùa để được ăn học. Ngôi chùa Liên Trì cách đây vài năm đã bị chính quyền thành Hồ phá hủy để làm dự án khu đô thị mới Thủ Thiêm, tạo ra một làn sóng phẫn nộ ở cộng đồng người Việt hải ngoại.

Sau khi hoàn tất công việc từ thiện của Partage, Thầy Giác Thanh tổ chức Ngày Chánh Niệm đầu tiên ở Việt Nam tại chùa Pháp Vân, theo đúng khuôn mẫu của Làng Mai. Trước đó, Phật tử ở Việt Nam chỉ biết đến ngày bát quan trai giới ở một số ngôi chùa. Dù đã biết về khái niệm “Ngày Chánh Niệm” qua sách của Thầy Nhất Hạnh, nhưng đó là lần đầu tiên tôi mới có một ngày thực tập thật sự: tập ngồi thiền, tập đi thiền hành, tập ăn cơm trong chánh niệm, tập nghe chuông trở về hơi thở… Lần đầu tiên – và có lẽ cũng là lần duy nhất – tôi được nghe Thầy Giác Thanh giảng Pháp. Lần đầu tiên tôi được một vị thầy sửa tư thế khi ngồi thiền; chỉ cách dở bàn chân lên, đặt bàn chân xuống đất chậm rãi khi đi thiền hành. Những gì còn lại trong trí nhớ của chúng tôi về ngày hôm ấy: thực tập im lặng, thực tập chú tâm làm mọi thứ chậm lại với một tốc độ chưa bao giờ từng làm. Đó cũng là lần đầu tiên tôi có được cảm giác an lạc nhờ vào thực tập chánh niệm. Nhiều người sau khi tham dự Ngày Chánh Niệm đó nói rằng khi trở lại nhịp sống bình thường, họ nhận ra là mình đã sống vội vàng, thiếu chánh niệm từ lâu mà không hay. Cũng nhờ đó, về sau này tôi không bị bỡ ngỡ khi có dịp đi ra nước ngoài, gặp gỡ và sinh hoạt với các nhóm Phật tử theo pháp môn Làng Mai tại Úc, Pháp, Hoa Kỳ. Những nền tảng chánh niệm đầu tiên mà Thầy Giác Thanh đã gieo ở VIệt Nam là như vậy đó…

Thầy Giác Thanh (1947-2001)

Lần đó Thầy Giác Thanh có nhờ đưa đến nhà để gặp bố tôi. Thầy biết bố Sỹ thuở đi dạy ở Đại Học Vạn Hạnh, viết cuốn Vào Thiền. Hai người – một thiền sư, một cư sĩ – ngồi uống trà, đàm đạo khoảng một tiếng đồng hồ. Tôi không nhớ rõ hai người đã nói với nhau chuyện gì. Hình như là một số câu chuyện về Thầy Nhất Hạnh, về khoảng thời gian bố tôi dạy ở Vạn Hạnh, đi ở tù, một số chi tiết trong cuốn Vào Thiền… Chắc chắn là hai người không bàn nhiều về tư tưởng, hay ý nghĩa kinh sách Phật Giáo, những chủ đề mà tôi không được nghe Thầy Giác Thanh nhắc đến. Tôi chỉ nhớ đó là một buổi chiều thật bình yên với hai con người cả đời gắn bó với Phật Giáo, một trong chốn thiền môn, một ở ngoài đời thường. Họ có thể không nói gì, mà những người có mặt vẫn cảm nhận được sự bình an trong tĩnh lặng.

Lần thứ hai tôi gặp Thầy Giác Thanh là vào khoảng năm 1998, ở Làng Mai bên Pháp. Lần đầu tiên được đi Pháp, tôi háo hức được đến Làng Mai để lần đầu tiên được gặp Thầy Nhất Hạnh, Sư Cô Chân Không, và được gặp lại Thầy Giác Thanh. Buổi chiều thứ Hai, sau những ngày cuối tuần thực hành Chánh Niệm, tôi đi bộ đến cốc nơi Thầy Giác Thanh ở.

Gặp Thầy ở trước cửa, tôi hỏi, “Thầy còn nhớ con không?”

Thầy nhìn, rồi vẫn với nụ cười hiền hòa cố hữu, Thầy trả lời, “Anh là ai mà tôi phải nhớ? Thôi, vô đây uống với tôi một chung trà.”

Rồi khi pha trà, Thầy chậm rãi hỏi thăm về nhóm Partage Việt Nam, về các nhóm từ thiện ở Việt Nam đã từng gặp. Thầy còn hỏi dạo này có thực tập Chánh Niệm như Thầy đã hướng dẫn hay không? Tôi thú thực là vì công việc bận rộn nên rất ít thực tập. Hai thầy trò uống trà, nói chuyện thong thả trong một buổi chiều thật đẹp. Lúc đó Thầy đã bị căn bệnh ung thư hoành hành, trông Thầy không khỏe, gầy hơn. Nhưng chỉ trừ nụ cười bình an là không thay đổi. Rồi khi tôi đứng lên chào để đi về, Thầy nắm tay tôi nói rằng, “Hưng có thể móc nghéo hứa với thầy một điều không?”

Tôi nói, “Dạ được!”

Thầy nói tiếp, “Trở về Việt Nam, hứa với Thầy là mỗi ngày ráng ngồi thiền 20 phút nghe!”

Tôi về Việt Nam trong đầu vẫn nhớ lời dặn dò đó. Trong vài tuần đầu, tôi làm đúng theo lời hứa với Thầy, ngày nào cũng ngồi thiền. Nhưng rồi thì cũng thưa dần vì đủ mọi lý do. Chung quy chỉ vì năng lực tu chưa đủ lớn, không thể tự mình thực tập mà không cần ai nhắc nhở.

Đến năm 2001, tôi được đi Mỹ lần đầu. Tôi đến Lộc Uyển với hy vọng thăm Thầy một lần nữa. Nhưng lần này không gặp, mà chỉ kịp thắp cho Thầy một nén nhang trước di ảnh…

Như đã nói, thời gian tôi được gần Thầy Giác Thanh không nhiều. Tôi đọc nhiều sách của Thầy Nhất Hạnh, nghe nhiều băng cassette Thầy giảng về Chánh Niệm trước khi được gặp Thầy. Tôi đã theo Thầy Phước Tịnh thực tập thắp sáng Sự Nhận Biết, Thiền-Tịnh song tu vài năm trước khi qui y với Thầy. Tôi tự hỏi tại sao mình vẫn xem Thầy Giác Thanh như là vị thầy thứ ba của bản thân?

Tác giả tại Tháp Phù Vân, Tu Viện Lộc Uyển cuối tháng 10, 2021.

Tôi chỉ được nghe Thầy Giác Thanh giảng Pháp có một lần, nhưng cũng không nhớ nội dung. Chỉ nhớ Thầy hay dùng thiên nhiên để liên tưởng với những câu chuyện về đạo pháp. Mới đây tôi sang Miền Đông Hoa Kỳ, đi rong ruổi trên nhiều tiểu bang để quyết ngắm cho được mùa thu phương bắc, cái đẹp đầy thi vị của mùa thu mà Thầy Giác Thanh đã có lần kể. Nhớ Thầy nói nhìn toàn cảnh rừng núi thay lá, nhuộm sắc đỏ, cam, vàng khi vào thu, Thầy cảm thấy thiên nhiên đẹp quá, đứng nhảy múa một mình ở trên đồi như một người điên. Tâm hồn của Thầy có cả tính chất của một tu sĩ và một thi sĩ.

Cái tôi nhớ về Thầy nhất vẫn là nụ cười hiền hòa, an lạc. Mọi động tác của Thầy đều chậm rãi, khoan thai một cách tự nhiên, bình thản. Hình như đối với Thầy không có chuyện gì là quan trọng. Nhớ những câu trả lời mang tính chất bông đùa dí dỏm của Thầy, mỗi khi có ai hỏi những điều phức tạp trong Phật Pháp.

Về sau này, tôi biết về Thầy Giác Thanh nhiều hơn qua những câu chuyện kể của Thầy Phước Tịnh, người huynh đệ thân thiết nhất của Thầy. Thầy đã từng là một đệ tử lớn của Thầy Thanh Từ trước khi về với Làng Mai. Nhưng khi tiếp xúc với Thầy, tôi không thấy Thầy thuộc về một tông môn pháp phái nào. Cuộc đời của Thầy có nhiều thăng trầm, rồi Thầy chọn con đường của một du tăng, xem một kiếp tử sinh nhẹ như một áng mây trôi. Cốc của Thầy ở Làng Mai có tên là Phù Vân Cốc. Tháp của Thầy ở Lộc Uyển là Tháp Phù Vân. Tôi nhìn thấy ở Thầy biểu hiện của Vô Sự, của Hỉ và Xả trong tứ vô lượng tâm. Thầy Giác Thanh có lẽ không cần giảng pháp, bởi vì chính Thầy là một bài Pháp sống động nhất. Có khi chỉ cần ngồi uống trà với Thầy, ngắm mây trôi, hoa nở thôi cũng đã thấy an lạc.

Chẳng có gì nhẹ nhàng và phù du hơn những áng mây trôi. Nhưng có những áng mây làm mát rượi cả bầu trời, làm cây cối xanh hơn, hoa cỏ tươi hơn…

Nhân kỷ niệm 20 năm ngày giỗ của Thầy Giác Thanh, tôi lục lọi mãi trong đống hình cũ, mới tìm ra được một tấm ảnh hai thầy trò ngồi uống trà ở Cốc Phù Vân.

Nhân kỷ niệm 20 năm ngày giỗ của Thầy Giác Thanh, tôi lên Tháp Phù Vân, để trong một lần “selfie” hiếm hoi, tự chụp hình với di ảnh của Thầy.

Có những buổi sáng thức dậy làm biếng, tôi nhớ lại lời dặn dò của Thầy Giác Thanh để buộc mình ra trước bàn thờ Phật ngồi thiền. Nhiều khi ngắm những cụm mây trắng trôi trên bầu trời, tôi nhớ về Thầy Giác Thanh mà lòng tự nhiên cảm thấy bình an, vô sự…

Tác giả và Thầy Giác Thanh ở Làng Mai, Pháp.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *