Good morning, có người vừa từ giã cõi đời!

*Đọc 8 phút*

Bài HOÀNG MAI ĐẠT

Sáng nay nghe nhẹ nhẹ trong lòng với chút nôn nao khó tả. Lẽ đương nhiên đây là những cảm xúc khác với các cảm nhận theo lẽ thường khi hay tin có người mới mất. Lẽ ra mình phải sửng sốt, buồn, xót xa, ngẩn ngơ, thẫn thờ, tiếc nuối khi được biết có người vừa mới lìa trần. Mà người này không ai xa lạ, từng quen với tôi từ mấy chục năm trước. Chị là một bạn văn.

Nói nhẹ nhẹ là nói vậy thôi. Tôi cũng bị chấn động, nặng trĩu lòng từ chiều hôm trước, khi thật sự biết chị không còn hiện hữu bằng xương bằng thịt trên thế gian này nữa. Lúc niệm Phật sáng nay theo thông lệ, tôi bị lạc số đếm vài lần, phải quay về với âm thanh “A Di Đà Phật” liên tục cho đến khi tự lần lại số để tâm không còn dao động thêm nữa.

Thế rồi hết thời niệm Phật, niệm chú, tôi thấy nhẹ nhõm trong lòng, ban đầu không hiểu tại sao. Ra sân trước nhặt mấy chiếc lá mới rơi đêm qua, ngó quanh mấy bụi bông, nghe lòng nôn nao khôn tả như đang chờ đợi một điều gì đó sắp được sáng tỏ. Thấy có cô gốc Á Đông chạy bộ băng qua, tôi vẫy tay chào “Good morning.” Cô chào lại như mọi lần, nhưng lần này hình như cô hơi giật mình vì tôi nói lớn quá, đang lui cui nhặt lá bỗng đứng bật dậy la lên lời chào buổi sáng thì làm sao người ta không giật mình.

Vài phút sau thì có ông lão người Mỹ, trạc tuổi tôi, dắt hai con chó đi ngược lại, tôi cũng bật người lên để chào ông và hai “cục cưng” đang ngoắc đuôi của ông, làm ông cũng trố mắt nhìn lại tôi với nụ cười thân quen. Chúng tôi biết nhau từ khoảng năm, sáu năm trước, khi con chó Kiwi của tôi xông ra ngoài đường để sủa hai con chó nhỏ của ông. Hai ông già đứng cản đám chó, rồi thân quen từ đó mặc dù không bao giờ hỏi tên hỏi tuổi nhau. Chị Kiwi nhà tôi đã về trời lâu rồi, còn hai anh chó của ông bạn cũng đi chậm hơn trước, dù vẫn ngoắc đuôi, mắt vui khi thấy tôi chào.

Rồi ông hàng xóm gốc Trung Đông cũng bị tôi la lên “Good morning!” Ông đang đón cháu nội đến nhà để được chăm sóc trong lúc cha mẹ bé bận đi làm. Ông vừa dắt tay bé gái đang lẫm đẫm tập đi, vừa la lại “Good morning, how are you!” Ông với tôi có khả năng nói tiếng Anh như nhau, nên mỗi lần ông qua sân tôi để hỏi mượn đồ nghề sửa nhà, chúng tôi vừa nói vừa quơ hai tay như múa võ.

Kể sơ mấy mẩu chuyện xảy ra sáng nay như vậy trong lúc cố gắng mô tả những nỗi niềm đang khởi lên trong tôi, sau một đêm nghĩ về sự ra đi của chị bạn văn. Từ nhiều ngày trước, tôi đã nghe tin chị bất ngờ lâm bệnh ngặt nghèo, được đưa vô một nhà thương nào đó trong cái Quận Cam rộng lớn này. Là một nhân vật nổi tiếng trong giới truyền thông tại phố Bolsa đây, nói chuyện thường xuyên trên mấy show truyền thanh, truyền hình, rồi lại còn viết báo, viết văn khá nhiều, nên chị không tránh khỏi sự chiếu cố có lúc thiếu tế nhị của giới truyền thông, kể cả của mấy “nhà báo” trên Facebook, khi họ loan tin chị đã mất nhưng thật ra chị còn đang được bác sĩ tìm cách cứu chữa trong bệnh viện.

Nhưng đến hôm qua thì chị đã thật sự ra đi vĩnh viễn. Đã lâu tôi không liên lạc với chị, hay với bất cứ ai trong văn giới, tránh tiếp xúc với các nghệ sĩ vì đã bước vào một hướng đi mới mà có lẽ ngược với con đường văn chương. Càng ngày khoảng cách càng xa hơn. Bởi luật nhân quả, vì tôi đã tự cắt sợi dây với các bạn văn, nên khi hay tin chị lâm bệnh và đang hôn mê, tôi không tìm được một ai có thể nói cho tôi biết thêm về tình trạng sức khỏe của chị. Những số điện thoại quen trước đây đều không có người hồi đáp, nên cuối cùng tôi cũng nghe tin chị ra đi qua truyền thông đại chúng như hầu hết thần dân ở chốn Bolsa này.

Nhà văn Bùi Bích Hà (1938-2021). (Hình của Viet Stories / UCI Libraries)

Lần cuối cùng chúng tôi được nói chuyện với nhau khá lâu là khoảng hai-mươi năm trước, khi tôi ra mắt tác phẩm thứ nhì. Chị phỏng vấn tôi trên đài phát thanh Little Saigon Radio cả nửa tiếng. Tuy sinh ở Huế, chị nói tiếng Bắc rất “thuần Bắc,” rõ ràng, chính xác và sắc bén, như trong các tác phẩm của chị. Chị nhìn đời và người đối diện cũng với ánh mắt sắc sảo như vậy, nên phải nói thật tình là mỗi lần gặp chị tôi thường lúng túng trước những câu hỏi quá nhanh và quyết đoán của chị. Tuy tính tình không hợp nhau (thứ nhất là tôi ít nói, chị nói nhiều), chị vẫn thường tìm đến tôi để “phỏng vấn” mỗi khi “phát hiện” tôi đang có mặt đâu đó trong những buổi sinh hoạt mà phần lớn là tại nhật báo Người Việt.

Tôi nói dở, nên chỉ cười tủm tỉm cho qua “cơn bão” mỗi khi bị chị dí với mấy câu hỏi hoặc với nhận xét sắc cạnh của chị, về đời sống, về nghề nghiệp, về chuyện sáng tác. Có một người tôi biết có thể “trị” được chị là một ông bạn văn rất gàn, nhưng cũng rất thông minh, khôi hài, có kiến thức. Những tưởng hai người sẽ trở thành cặp đôi hợp ý, nhưng rồi họ cũng ở xa nhau. Anh ấy đã mất mấy năm trước, tôi đoán chị cũng rất buồn khi hay tin anh đã ra đi. Tôi từng được gặp con gái của chị từ hôn nhân đầu tiên, và cũng dự tiệc cưới nho nhỏ của chị với một người từ phương xa trong hôn nhân cuối cùng. Nhưng rồi họ cũng chia tay sau mấy tháng. Đời chị cũng đơn chiếc như tựa của các tác phẩm của chị, “Buổi Sáng Một Mình,” “Phương Trời Khác,” “Lẻ Bóng,” và gần nhất là “Đèn Khuya.”

Viết đến đây thì tôi phải giải thích tại sao mình đã cảm thấy khinh an sáng nay, mặc dù đêm qua không thể không nghĩ đến khuôn mặt gầy, đôi mắt sáng của chị mà nay đã không còn. Sau buổi phỏng vấn trên đài của chị hai thập niên trước, đời văn chương của tôi cũng trải qua những chuyện thường tình như ra mắt sách, đi đến phương xa để được các bạn giới thiệu tác phẩm, được người này, người kia viết bài “khen” hoặc quảng cáo giùm cho, cũng được cho là một nhà văn “nổi cộm” một thời ở chốn Little Saigon.

Thế nhưng qua những hân hoan, vinh dự dành cho người viết, tôi vẫn chưa tìm ra câu trả lời cho những thắc mắc thời niên thiếu. Hơn bốn-mươi năm trước, ngồi trong căn phòng nhỏ trên tòa nhà chung cư nghèo ở phố lao động ảm đạm West Homestead, nhìn qua khung cửa sổ mùa thu để quan sát những xưởng thép đậm màu sét rỉ đang đóng dần ở thành phố Pittsburgh, Pennsylvania tôi không biết cuộc đời mình sẽ ra sao. Chiến tranh tại Việt Nam đã giết cha tôi tại miền Trung, ba mẹ con lưu lạc ở xứ người, tôi sẽ tốt nghiệp trung học, sẽ vào đại học, sẽ lấy cái bằng kỹ sư, lập gia đình, sinh con,… Rồi sao nữa? Cuộc đời không lẽ chỉ có vậy thôi?

Tôi đã tìm câu trả lời trong âm nhạc, nghệ thuật, nhưng sau nhiều năm vẫn thấy bế tắc như bị nghiện ma túy, cứ muốn phê đi phê lại để có ảo giác. Tôi đã tìm niềm vui trong du lịch, ngắm cảnh thiên nhiên, nhiếp ảnh, rồi cũng bị câu hỏi “Rồi sao nữa?” vật té lăn cù. Thế rồi tôi bước vào thế giới văn phương, đọc nhiều tác phẩm từ tiếng Việt đến tiếng Anh, thích quá, những tưởng đã tìm ra câu trả lời như bao vị đàn anh đàn chị đã đi trước, nhưng cuối cùng cũng không, không luôn. Có cái ông nhà văn lừng danh khắp thế giới kia, mà cuối đời phải tìm tới giải pháp tự sát. Không lẽ ông đã hết vui với cuộc đời? Còn ở Bolsa đây, thiếu gì mấy vị nghệ sĩ sống vất vưởng, bị mê hoặc bởi cái danh ảo, bị nó vật đến khổ sở suốt đời mà vẫn thấy thích, thấy sướng. Tại sao?

Thế nên tôi đã giã từ cuộc chơi văn chương, tránh gặp các bạn, và chị, khi đã tìm ra con đường đạo. Lẽ đương nhiên con đường này khá gập ghềnh, quanh co, lúc ẩn lúc hiện, nhiều ma chướng, chưa kể dọc hai bên đường rải rác những xác xương, nhắc nhở sự chông gai của cuộc sống quay về bên trong nội tâm thay vì hướng ngoại. Nhưng càng đi càng thấy vui, không thể giải thích được. Bạn đi thì bạn sẽ biết thôi. Khó chia sẻ được chuyện này, nha.

Viết mấy lời trên đây không phải để giảng đạo cho bạn nghe đâu. Bạn là người thông minh, biết hết mọi thứ, cần nghe chi mấy câu cliché, sáo ngữ từ một kẻ viết lách không tới đâu, học hành cũng lưng chừng, bằng cấp kém, tiền bạc, chức danh chẳng có gì đáng nói, tuổi tác thì thôi… cũng đang già khú rồi.

Không giải thích được, nên xin mượn lời của một vị thầy Tây Tạng để nói giùm cho:

“Tại sao người có đời sống tâm linh lại đặt giá trị của cái chết cao hơn sự sanh ra đời? Chào đời là một biến cố mà chúng ta hoàn toàn không thể nào kiểm soát. Chúng ta nhảy ra từ bụng mẹ mà không được cố vấn trước về bất cứ điều gì. Chúng ta không thể chọn nơi sanh, không thể chọn cha mẹ, ngày sanh hay giờ sanh, hoặc được quyết định có nên sanh ra ở thế gian này hay không. Mọi thứ đều ngoài tầm tay của chúng ta.

“Trong suốt cuộc đời thì kiến thức về sự chào đời không thật sự hữu dụng, thế nhưng biết mình trước sau gì cũng phải chết sẽ giúp chúng ta biết quý những gì chúng ta đang có ngay trong lúc này. Biết mình sẽ chết giúp mình sống hầu hết cuộc đời một cách hữu ích hơn. Chúng ta có thể yêu thương và sáng suốt vì biết cái chết là điều chắc chắn. Nó cũng giúp chúng ta tránh bị vô tâm và không chạy theo cái vui của thế gian. Đời sống dễ khiến hầu hết chúng ta bị say mê, và nghĩ đến cái chết là điều giúp chúng ta được tỉnh táo.”

Giữa lúc đại dịch đang giảm dần ở nơi này, người ta lại lao vào những cuộc vui của thế gian từng bị hạn chế trong một năm bị cách ly: ăn tiệc, đi du lịch, ca hát, nhảy nhót tưng bừng; hoặc dịch đang bùng lên ở nơi kia, người ta lo sợ, mong sao sớm hết sạch virus để được trở về với cuộc sống bình thường.

Thế nên sau một đêm nghĩ đến sự ra đi của chị, và của biết bao người khác đang xảy ra từng ngày, lòng tôi dâng lên sự biết ơn. Chính những sự ra đi này đã giúp tôi cảm thấy khinh an, biết trân quý sự sống đang có của chính mình, dù không hoàn hảo. Thân thể đang có bệnh, tâm còn bị vướng bận bởi những bổn phận, trách nhiệm, nhưng vui vì còn có thể chào người, tặng người một nụ cười với tâm từ bi, còn biết dùng mạng sống để giúp người khác bớt khổ, trước khi bản thân nghe tiếng gõ cửa của cái chết, của sự ra đi có thể là bất ngờ trên một hành trình mới mà mình có quyền chọn ngay từ bây giờ.

Hoa lily thường thấy ở Pennsylvania (Paolo Duranletto / Pexels)

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *