Pháp tướng Quán Thế Âm Bồ Tát, kỷ niệm ngày vía Bồ Tát Quan Thế Âm (19 tháng 2 âm lịch)

*Đọc 4 phút*

(Ngày 19 tháng 2 âm lịch năm nay là thứ Tư, 31 tháng 3, 2021 dương lịch)

Ngày vía đức Bồ Tát Quán Thế Âm, Phật tử chúng ta hoan hỉ và kính cẩn đảnh lễ trước tôn tượng của Ngài, uy nghi, dịu dàng và hiền hậu:

“Nam mô đại từ đại bi tầm thanh cứu khổ cứu nạn Quán Thế Âm Bồ Tát Ma Ha Tát.”

Liễu Quán, Warner Springs, California (hmd)

Tay mặt Ngài cầm cành dương vừa dẻo vừa mềm tượng trưng cho đức nhẫn nhục, tay trái Ngài cầm bình thanh tịnh chứa nước cam lồ tượng trưng cho tâm từ bi. Nghe tiếng kêu thương của chúng sinh, Ngài hiện thân đến an ủi, Ngài là mẹ hiền của tất cả. Con cái bị lửa phiền não thiêu đốt, mẹ hiền chạy tới dập tắt và tưới nước cam lồ cho con được mát mẻ an lành. Từ bi là cứu khổ cho vui, nhẫn nhục để kiên tâm giáo hóa chúng sinh đang chìm đắm trong vô minh.

Tại sao mỗi năm có tới ba ngày vía đức Quán Thế Âm?

Hòa Thượng Huyền Tôn giảng rằng: “Trong Thiền môn Nhật tụng cổ xưa, có ghi chép: 19/2 là vía ngày đản sinh, 19/6 là vía ngày thành đạo, 19/9 là vía ngày xuất gia của Ngài.”

Trí Giả đại sư trên núi Thiên Thai đã viết: “…Tịnh thủy vuông tròn tùy theo bình chứa đựng, có hay không cũng tùy tiết tùy thời. Mùa xuân là loãng, mùa đông thì đặc.” Cũng là nước mà lúc là đá, khi là hơi, lúc khác lại lỏng. Khi thì êm ả như mặt hồ thu, lúc lại ầm ầm thác đổ từ trên cao xuống. Nước quả nhiên là diệu dụng. Bồ Tát Quán Thế Âm thị hiện mọi cách để cứu độ chúng sinh, đó là diệu dụng cứu khổ của Ngài.”

Ngài thị hiện thế nào khi có vô số chúng sinh cầu Ngài cứu khổ cùng một lúc?

Hòa Thượng Huyền Tôn giải thích như sau: “Ngài như ánh thái dương chiếu sáng khắp nơi. Mỗi chúng sinh như một chén nước trong. Nếu hướng đúng về thái dương thì có ánh sáng, sáng ngời trong tất cả mọi chén. Nếu che kín đi thì nhất định hình ảnh và ánh sáng không hiển hiện trong đó được. Cũng vậy, không tha thiết chí thành, trốn tránh thì làm sao mà gặp mẹ hiền được!”

Có cảm tất có ứng. Nhưng làm sao mà cảm? Tin cho chắc, nguyện cho thiết, hành cho siêng, ba nghiệp thân khẩu ý đều thanh tịnh. Con đường giản đơn như vậy, cái khó là cất bước và kiên nhẫn tiến lên.

Quán Âm đồng tử (Hình không rõ nguồn)

Ngài Quán Thế Âm không giáng sinh ở trái đất chúng ta. Người Việt Nam chúng ta thờ Ngài dưới nhiều hình tượng: một là Quán Âm đồng tử, hình Phật Bà bế đứa trẻ nhỏ, liên quan đến sự tích Thị Kính; hai là Quán Âm Nam hải, hình Phật Bà đứng trên bông sen ở biển Nam Hải, liên quan đến sự tích đức chúa Ba tu ở chùa Hương; thứ ba là Quán Âm thiên thủ thiên nhãn, có ý nói lên khả năng cứu độ vô biên của Ngài. Tại chùa Bút Tháp, phủ Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh, có tượng thiên thủ thiên nhãn rất đẹp, tạc từ năm 1656.

Một số bạn trẻ thắc mắc rằng tại sao niệm hồng danh Ngài Quán Thế Âm mà nhảy vào lửa, lửa không đốt cháy mình được?

Xin quý bạn hãy tìm hiểu huyền nghĩa chứ đừng theo nghĩa đen để rồi sinh lòng nghi ngờ.

Vắn tắt như sau: khi ta tiếp xúc với ngoại cảnh, ta có phản ứng, hoặc ưa, hoặc ghét, hoặc dửng dưng. Ưa thì muốn chiếm. Ghét thì muốn phá. Dửng dưng thì muốn cho qua. Lòng tham mà nổi lên thì chẳng khác gì ngọn lửa đốt cháy tâm can, cơn giận kéo tới thì dữ dội ngang bão tố. Chúng lôi cuốn ta nghĩ xằng làm bậy y như bị ma quỷ xúi dục, ta mất tự chủ, coi như bị trói buộc tù đầy. Nếu biết thành tâm, kiên trì niệm hồng danh đức Quán Thế Âm thì lòng tham lắng xuống, cơn giận lui đi. Tâm ta được an, ta tự chủ tự tại. Như vậy là: vào lửa mà lửa không đốt cháy được, gặp bão mà thuyền không chìm, bị gông cùm mà phá được gông cùm.

(Nguồn: Thích Tuệ Thành Facebook, 29 tháng 3, 2021)

Tượng Quán Âm Thiên Thủ Thiên Nhẫn tại Chùa Bút Tháp, tỉnh Bắc Ninh. (Vamvo.com)

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *