Lãnh địa của Tam Bảo

*Đọc 8 phút*

Nguồn New Dharma Readers Facebook

(Nhân sự kiện Chùa Tam Chúc ở miền bắc Việt Nam“vỡ trận” vì 50 ngàn du khách đổ về, xin mời quí vị đọc bài này, để biết nơi nào thật sự là “lãnh địa của Tam Bảo” mà tìm về. Một ngôi chùa để người Phật tử tìm đến thì ít nhất nơi ấy là nơi trang nghiêm, nơi ấy nhắc nhở gợi nhớ cho chúng ta những ân đức Tam Bảo (Phật, Pháp, Tăng), nơi ấy ta được nghe thuyết pháp, được gặt hái chút gì đó cho đời sống tâm linh của mình.)

‘Tự’ (Chùa) trong tiếng Pali có hai chữ: Vihara và Arama. Khi nói đến hai chữ này chúng ta phải biết phân biệt.

Arama là một cái pagoda/temple. Nhưng Vihara phải là một cái monastery.

Vihara là nơi tu tập, hay tu viện, gồm có hai cái chánh điện. Còn Arama chỉ có một chánh điện mà thôi.

Vihara chia làm hai chánh điện:

(1) Sima Hall, thánh điện, làm chỗ kiết giới

(2) Sala Pali, giảng đường, giảng dạy

Sima hall dành cho tăng (Sangha). Sala Pali dành cho cư sĩ (Upasika/Upasiko). Người Phật tử phải biết điều đó.

Khi người ta nói Vihara thì trong tự viện đó phải có hai chánh điện.

Chánh điện Sima Hall dành cho tăng, dành để hành tăng sự (Sangha Kamma): lễ giới đàn, truyền giới, bố tát Uposatha, phát lồ. Phật tử ít có dịp, khó được lên Sima Hall.

Trong giới luật nói rõ, ngay cả Đức Phật và chư tăng không được phép mang dép vào trong Sima Hall. Do đó nơi đây bảo mật lắm, cẩn thận lắm. Thường thường có những cục đá để báo ranh giới sima mà Tăng chỉ định sau khi kiết giới. Khuôn viên đó trở thành Thánh Địa Tam Bảo (Tiratana bhumi).

Ngôi chùa mà chưa Kiết giới Sima, không có Sima Hall, thì chưa được gọi là Tiratana bhumi (Lãnh địa, khu vực của Tam Bảo).

Sala Pali là nơi dành cho cư sĩ tới tụng kinh, cúng dường, hay xin giới, ngồi thiền. Người ta gọi là nơi giảng đường, giảng dạy, nơi tu học dành cho cư sĩ. Chư tăng cử tới giảng dạy cho người cư sĩ ở nơi đó học về Tam học (giới, định, tuệ). Do đó, nơi gọi là Vihara đòi hỏi cần phải có hai điều kiện không thể thiếu được.

Quí Phật tử qua bên Thái Lan thấy dễ dàng lắm. Giống như chùa Mahathat, chùa Mahachulalongkorn, hay Wat Arun là có hai chánh điện. Qua thiền viện Mahasi, chỗ trên lầu, kế đằng trước nhà của ngài Jatila đó là Sima Hall, mà xuống đằng sau có cái nhà hai tầng to cao đó là Sala Pali. Cái nhà lát đá cẩm thạch, cửa kiếng, vô lên lầu có một cái nữa đó là Sala Pali. Sima Hall thì khi nào có người xuất gia thì có ông Phật tử lên dọn dẹp bật đèn bật quạt lên. Còn xuống đằng sau có nhiều tòa nhà thật to đó là Sala Pali, nơi đó không kiết giới Sima.

Trong một ngôi chùa chỉ kiết giới một ngôi nhà Sima thôi chứ không được kiết giới tùm lum. Vì đó là phạm luật. Do đó, vô thiền viện Mahasi thấy có hai chánh điện là như vậy đó. Cái chánh điện mà ở giữa lên lầu đó là Sima để cho chư tăng xài Sangha Kamma (tăng sự). Còn ngoài ra không có phận sự, không có việc làm thì có người quản lý khóa cửa lại. Sợ những người không hiểu không biết về Luật bước vô đó mang giày mang dép thì quả báo khổ đến cho người đó rất là nặng.

Sima từ khi kiết giới xong thì phía trên 16 yojana (do tuần) không có chư thiên nào đi qua được. Ở dưới từ 16 yojana trở xuống dưới không có địa ngục. Nếu có thì phải dời đi chứ không được ở đó. Cho nên quí Phật tử phải nhớ nơi nào có Sima hall thì nơi đó có Thánh Địa Tam Bảo (Tiratana Bhumi), nơi đó hết sức là phước báu, hết sức là oai lực.

Khi Đức Phật ngồi trong khuôn viên Tiratana Bhumi này, Ngài ngồi ở giữa, chư tăng ngồi dọc hai hàng hai bên, thì chư thiên bay ngang phải né dạt qua hai bên, chứ không bay xuyên ngang phía trên được. Khi đang làm lễ tăng sự, chư thiên phải bay né sang hai bên như vậy, chứ nếu bay ngang phía trên đầu thì Tứ Đại Thiên Vương đánh rớt xuống sa địa ngục. Khi có tăng sự thì phải bay né ra hai bên như vậy. Đó là Luật, không được bay trên đất của Tiratana bhumi khi có tăng sự (Sangha Kamma). Còn khi đóng cửa khóa lại thì bay qua bay lại không sao.

Chỗ Tiratana bhumi nếu là chiều dài lớn thì người ta có đặt những cột trụ để báo cho biết nơi đó có ranh giới Sima. Thường là 4 hay 6 hay 9 trụ, tùy theo khuôn viên lớn hay nhỏ. Khi Kiết giới Sima thì trên mái nhà này không có mái nhà nào cao hơn che lấp qua. Do đó những lần như vậy thì chư tăng lựa chỗ nào khoảng trống rộng lớn không có cái gì chọt vô cái mái nhà kiết giới. Cây phải cắt hết những tán lá phía trên, không tán lá nào nằm trong khuôn viên kiết giới Sima. Cho nên, không có ai làm kiết giới Sima nào nằm trong chỗ của cây hết. Để khỏi phải cưa. Nhiều khi cưa đụng phải Rukkhadevata (Thần cây) cũng ngại.

(New Dharma Readers Facebook)

Còn Arama (pagoda/temple) thì là “chùa làng,” chùa nhỏ ở những thôn làng mà người dân đi ra đi vô, giống như cái miểu cái đình thôi.

Trong đời Đức Phật có ba ngôi chùa rất to lớn:

1. Jetavana Vihara (Kỳ Viên Tự)

2. Veluvana Vihara (Trúc Lâm Tự)

3. Pubbarama (Đông Phương Tự), đây là khu vực do bà Visakha làm. Bà tốn 90 triệu đồng tiền vàng do bán đấu giá cái áo mà ngày lễ cưới bà mà người cha bỏ tiền công ra mướn người ta kết hột xoàn trong đó. Khi người giúp việc của bà Visakha bỏ quên cái áo trên chánh điện của Jetavana, khi trở lại thì đại đức Ananda đã dọn rồi, bà không dám đụng vô. Qua ngày hôm sau bà xin Đức Phật chỉ dạy. Ngài nói lấy ra đem bán đấu giá, người nào mua được cho người ta thỉnh mua thì không phạm tội; thứ hai là lấy cái tiền bán đấu giá đó làm việc nên làm. Thế là bà xin cúng dường một ngôi chùa, đây là Đông Phương Tự.

Jetavana là do trưởng giả Cấp Cô Độc cúng dường.

Veluvana là do vua Bình Sa Vương (Bimbisara /Tần Bà Sa La) cha của vua A-Xà-Thế cúng dường cho Ngài. Trên con đường đi tìm đạo, Đức Phật có hứa với vua Bình Sa Vương là Ngài sẽ trở lại độ cho Vua. Sau khi đắc đạo quả xong Ngài quay trở lại độ cho vua Bình Sa đắc được Sơ đạo, Sơ quả. Xong rồi vua phát tâm cúng dường ngôi chùa cho Đức Phật.

Sau đó Đức Phật lại tiếp tục đi trở về Kapilavatthu để độ hoàng thân quốc thích theo lời thỉnh cầu của Vua cha. Ngài về đó ở lại độ cho hoàng thân quốc thích của Ngài đắc đạo quả xong Ngài ra đi. Khi ra đi được một thời gian thì Pubbarama hình thành vì lúc đó Đức Phật trở về làng của bà Visakha để độ những người thân bằng quyến thuộc ở đó. Lúc đó bà Visakha cúng dường Đức Phật Pubbarama. Pubbarama chỉ có một chánh điện thôi. Còn Kỳ Viên và Trúc Lâm đều có hai chánh điện cả. Mang tên là Vihara đều phải thực hiện hai ngôi chánh điện nơi tu viện, thiền viện đó.

Sima Hall hay Sangha Kamma hay Tiratana Bhumi – lãnh địa của Tam Bảo, Thánh Địa Tam Bảo.

Sala Pali dành cho Upasika những cận sự nam, cận sự nữ tới tu Tam học tại nơi đó.

Khi quí Phật tử là người cư sĩ thì chỉ đến Sala Pali mà thôi chứ không được tới Sima Hall nơi Tiratana Bhumi (Thánh Địa của Tam Bảo). Thường thường nơi đó dành cho chư tăng.

Nơi Sala Pali này thì quí Phật tử có thể cúng giỗ, cầu siêu cha mẹ ông bà; cúng dường, để bát, dâng quê, cúng vật thực cho chư tăng. Nơi đây sau khi cúng dường xong, chiều đó học Phật pháp Đức Phật dạy, hay chư tăng tới giảng dạy.

Trên đường quí Phật tử đi các nơi ở Thái, Miến thấy ghi chữ Vihara là biết hai chánh điện, đi vô Arama là thấy có một chánh điện. Quý Phật tử hỏi chỗ nào là Sala Pali thì quí Phật tử đi tới. Chỗ nào là Sima Hall thì quý Phật tử đừng đi tới. Vô đó là đụng với chư tăng. Nhiều khi quí Phật tử đi tới thấy người ta đang ngủ, quần áo chưa chỉnh tề, kỳ lắm. Sima Hall – Tiratana Bhumi đừng tới, để không phạm luật, để không có những lỗi lầm bất ngờ mà không ai chỉ dạy mình. Sống trên đời phải biết để phòng hộ cho mình được an toàn. Nên nhớ chỗ Sima là chỗ cho chư tăng, chỗ Sala là chỗ cho cư sĩ. Vô mà thấy là Vihara là phải hỏi liền chỗ nào Sima, chỗ nào Sala. Còn Arama thì chỉ có một, đó là nơi kiết giới Sima đó!!!! Cho nên quí Phật tử phải cẩn thận đó. Chỗ đó có một thôi thì vô phải tháo dép ra.

Do đó phải nhớ, Arama thì tới vô đảnh lễ, vô kiếm Phật cũng được, nhưng mà phải tháo dép ra. Tháo dép ra là ngoài cái hàng rào mốc của Sima; chớ không phải đem vô trong. Nhiều Phật tử còn đem vô trong để góc tường, bỏ bọc ny-lon nữa. Bây giờ thì người ta có ghi rồi. Đều có những trụ mốc ghi chữ ‘SIMA’ hết. Một cái bia có chữ SIMA, hoa văn xung quanh.

Khi kiết giới Sima thì không một người quyết định được. Viện chủ đi nữa, cũng không được quyền. Phải trình với Tăng. Tăng cử tám người tới, theo Luật. Bắt đầu mới chỉ:

– Cái nơi này không có gò mối

– Cái nơi này không có phải nơi nguy hiểm

– Cái nơi này là nơi an toàn.

Rồi các vị Luật sư chỉ định, rồi mới bắt đầu kiết giới Sima lên. Chứ không phải một cá nhân.

Sima rất là quan trọng. Từ nơi đó quý Phật tử nhìn thấy cái gì đó rất cao quý.

Bên Miến Điện, nơi ngài Kundala, cứ mỗi một tháng hai kỳ Uposatha là phát lồ của chư tăng, lên tụ hội tụng giới bổn Paṭimokkha. Paṭimokkha có hai cách tụng. Nếu như tụng vắn tắt thì tụng Paṭimokkha những cái matika những cái tựa đề của phần Paṭimokkha, hay là tụng luôn đủ 227 giới của phần Paṭimokkha, “Suṇatu me…, Suṇatu me…, Suṇatu me…,” (như vầy tôi được nghe, như vầy tôi được nghe…) bắt đầu là kể lại các điều luật, từ 4 Bất Cộng Trụ (Parajika), xuống 13 cái Tăng Tàn (Sanghadisesa), hai cái Bất Định (aniyata) xong xuôi là Ưng Phát Lồ hay Ưng Xả Đối Trị bắt đầu kể ra hết… Đọc Matika là khi thì giờ eo hẹp, hoặc có người bịnh là phải kết thúc nhanh. Nếu điều kiện cho phép, và có người thuộc lòng Paṭimokkha thì người đó sẽ đọc hết nguyên bài đủ 227 giới.

Mỗi lần Uposatha xong, sau khi chư tăng tụng kinh xong thì đảnh lễ Phật đảnh lễ ngài Kundala rồi ra về. Ngài Kundala là người ở lại. Trong chỗ Kiết giới Sima của thiền viện Mahasi, có một cái phòng. Ngài Kundala vô đây nghỉ lại một đêm, ở lại với Đức Phật. Hết sức là cao quý, hết sức là thanh tịnh. Sáng hôm sau ngài mới về phòng của ngài. Chỗ Sima không có restroom được, phải trong sạch mới được. Do đó, người nào muốn xin ở lại với Đức Phật thì người đó phải “bụng tốt,” bụng không hư mới được. Sima là nơi rất thánh, rất linh thiêng. Quý Phật tử muốn cầu nguyện xin chi cũng linh thiêng. Nhưng Phật tử không được tới Sima.

(New Dharma Readers Facebook)

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *