Chỉ có con đường đó mà thôi

*Đọc 10 phút*

Bài TIỂU LỤC THẦN PHONG

Tiếng kèn réo rắt như xoáy vào tâm, thầy yoga ngồi xếp bằng nhập thần trong tiếng kèn, mắt nhắm nghiền, thân lắc lư, má phồng lên, bụng hóp lại vận hơi để thổi. Làn hơi thoát qua những cái lỗ kèn hóa thành những âm thanh ma mị đầy sức mê hoặc. Hai con rắn hổ mang từ trong hai cái nồi đất vươn mình lên cao, lắc lư, uốn éo theo điệu kèn, mang nó bạnh ra to bè, lưỡi thè thật dài, thở phì phò, khi thì lặng lẽ như hai sợi dây thừng. Tiếng kèn lên cao, tiết tấu nhanh thì thân nó cũng lượn nhanh, âm điệu trầm lắng khi thầy yoga nạp hơi thì nó hạ xuống thấp ngang miệng nồi. Không biết nó bị mê hoặc bởi tiếng kèn hay là nó đang thôi miên thầy yoga? Người xem cũng ngẩn ngơ chẳng biết là đang mơ hay mê?

Trong đền Parranajata hương xông, hương bột, hương xoa được các tín đồ dâng lên, các loại bột màu hồng, cam, vàng… rắc và xoa khắp nơi, những nhúm hoa vạn thọ xé tơi ra để quanh bên các bệ tượng thần Brahma. Nến cháy lung linh, thầy tư tế vừa dứt lời kinh thì nhã nhạc lập tức rộn rã réo rắt, tiếng trống paranưng vỗ tom tom, tiếng kèn da diết, tiếng đàn bay bổng như quấn lấy đôi chân và đôi tay nàng Kumaratunga. Nàng xoay tít múa, đôi chân trần quắn quít những bước như díu vào nhau, hai bàn tay bắt ấn với ngón tay cong điệu đà múa vô cùng ảo diệu, eo nàng tròn trịu và phin phín nhưng dẻo như sợi bún, điệu lắc eo nồng cháy, dải xà rông lất phất, sợi dây đeo mũi lắc theo nhịp điệu của nàng.

Đôi mắt nàng to tròn đen lay láy, nhìn vào mắt nàng như thấy cả ngàn năm Hindu. Thần Brahma đã lấy hai ngôi sao sáng trên bầu trời gắn vào hốc mắt cho nàng, khi nàng mới tượng hình trong bụng mẹ, xương cốt nàng thần lất đất nặn ra, thịt da và máu thần khuấy nước mà thành , sau đó thần lấy một tí gió thổi vào lá phổi của nàng. Thế rồi nàng từ bụng thần Brahma mà vào đời. Tiếng hát thánh thót như Ca Lăng Tần Già, trong veo như nước suối giữa rừng, lại da diết như tiếng kèn của thần yoga.

Nàng múa hát để cúng dường thần Brahma. Khi nàng dần tượng hình, mỗi sát na đi qua thì thần Shiva lại lấy đi chín trăm chín mươi chín tế bào từ thân nàng. Thần Brahma và thần Vishnu lại bồi vào một nghìn linh tám tế bào mới cho nàng. Thần Vishnu xoa bóp tạo hình cho đến ngày nàng chào đời. Lớn lên nàng có tiếng xinh đẹp, hát hay, múa giỏi ai cũng công nhận nàng là bông hoa rực rỡ nhất của thành Vidarasina

Khi nàng múa hát, bọn công tử vương tôn trong thành mê đắm, ngoài lễ vật dâng lên thần Brama. Bọn họ còn tranh nhau dâng những món quà tặng quý giá cho nàng, đó là những tấm xà ri đẹp nhất, những món vàng ngọc trang sức đặc biệt nhất. Trong đám công tử ấy, chàng Rajipbalanca là nổi trội hơn cả. Chàng rất tuấn tú đẹp trai, thân hình săn chắc, hai bắp tay đeo vòng vàng hình rắn thần Naga. Chàng luôn tặng cho nàng những món quà độc nhất và chàng chưa bỏ qua một cuộc múa hát nào của nàng. Trái tim chàng đã bị cầm tù bởi ánh mắt nàng. Linh hồn chàng bị trói buộc bởi nhan sắc và tiếng hát của nàng.

Thế rồi nàng ưng thuận làm vợ chàng, ngày cưới của hai người trở thành ngày hội của cả thành Vidarasina. Các thầy tư tế đọc kinh và cầu phúc suốt hai ngày đêm, sau đó là những ngày tiệc tùng muá hát cả mùa trăng. Hai người sống trong những tháng ngày hoan lạc tuyệt mỹ của kiếp người, hạnh phúc tưởng chừng như bất tận, tuổi trẻ sung mãn không hề biết mệt, cuả cải quá phủ phê để không phải bận tâm mưu sinh, danh vọng cao nhất thành… Cuộc đời họ ngập trong mật ngọt và hoa thơm.

Hai người quên mất, lúc họ hoan lạc và hạnh phúc như thế thì thần Shiva mỗi ngày âm thầm rút đi ba ngàn tế bào từ thân thể họ. Lúc bấy giờ thần Vishnu chỉ bồi đắp lại một nghìn linh tám tế bào mà thôi. Họ vẫn vui chơi, vẫn tháng ngày tiệc tùng thâu đêm suốt sáng mà không hề hay biết gì.

Một ngày hạ huyền của tháng Năm, mẹ nàng, bà Vaijarajita trút hơi thở cuối cùng. Thần Shiva đã hoàn tất công việc của mình, thần đã hủy diệt một sự sống, một tiểu phẩm mà thần Brahma tạo ra và thần Vishnu giữ gìn gia cố bấy lâu nay.

Nàng khóc lóc thảm thiết, tiếng khóc của nàng cũng da diết như tiếng hát, tiếng khóc làm bao người phải rơi lệ theo. Chàng Rajipbalanca tưởng chừng trái tim mình tan nát vì tiếng khóc của nàng. Chàng dùng bao nhiêu phương chước để an ủi nàng nhưng không làm sao cho nàng vơi sầu não.

Nàng lên đền dâng lễ vật và than khóc, “Hỡi thần Brama, Vishnu, Shiva! Hỡi các vị thần linh tối cao và thiêng liêng! Các thần đã tạo ra chúng con, cho chúng con sự sống, sao lại nỡ hủy diệt chúng con? Những tháng ngày hoan lạc của chúng con vội tàn lụi, để rồi chúng con phải chịu cảnh già nua, khổ đau, bệnh tật và chết chóc.”

Khóc than xong, nàng lấy bột màu cam xoa lên các pho tượng, các loại hương bột, hương xông, hương thiêu được nàng dâng lên, mùi thơm ngào ngạt trong đền.

Rajipbalanca nói, “Em đừng vì đau khổ mà nói lời bất kính các vị thần. Các vị thần chỉ làm trách vụ của mình, nếu thần Shiva không hủy diệt thì lấy đâu ra thần Brahma tạo ra và thần Vishnu duy trì? Chúng ta chết đi rồi lại tái sanh cũng từ đất, nước, gió, lửa cái vòng luân hồi này bất tận! Em đừng than khóc nữa, một ngày kia cũng sẽ đến lượt mình, càng than khóc càng khổ đau mà người chết cũng không thể sống lại, anh thì tan nát cõi lòng.”

Buổi sáng tháng Năm, thầy Krishinatanga đi khất thực qua cửa dinh nàng.

Nàng ra đặt bát và chắp tay cuối đầu chào thầy, “Bạch thầy Krishinatanga, thầy ít bệnh, ít thiểu não. Người ta đồn đại thầy có thần thông? Có thể nào giúp cho mẹ tôi sống lại chăng?”

Thầy Krishinatanga nói từ tốn, “Cảm ơn thí chủ đã cúng dường thực phẩm, cầu chúc thí chủ an lạc. Sa môn Krishinatang này không có thần thông, cũng không có thể làm cho người chết sống dậy, không có ai làm được điều đó cả! Ngay cả thần Brahma cũng chịu thôi!”

Nàng lại hỏi, “Tôi nghe Sa môn Cù Đàm có lục thông, các đồ đệ cũng chứng đắc thần thông, vậy mà không giúp người chết sống lại thì hóa ra thần thông không có thật ư?”

“Thần thông có thật, tuy thần thông không thể làm cho người chết sống lại được nhưng thần thông giúp cho người sống ít bệnh, ít khổ, ít thiểu não, nhiều an lạc, nhiều tỉnh giác, nhiều hoan hỷ. Thần thông của Sa môn Cù Đàm là giúp cho người sống biết làm thiện lành.”

“Thế nào là thiện lành?”

“Không giết hay vui với kẻ khác giết là thiện lành, không lấy những gì không phải của mình là thiện lành, không hành dâm với người ngoài giá thú là thiện lành, không nói sai sự thật là thiện lành, không uống rượu và chất gây nghiện là thiện lành.”

“Thế Sa môn Cù Đàm là ai?”

“Là người tỉnh thức, người đã đoạn sạch mọi lậu hoặc, không còn sanh tử nữa.”

“Sa môn Cù Đàm không còn sanh tử nữa, vậy có bằng thần Brahma không?”

“Thế Tôn Gotama không phải là thượng đế, càng không phải là thiên thần. Brahma thọ tám vạn đại kiếp, hết phước vẫn đọa như thường. Thế Tôn Gotama là thầy của trời và người.”

“Thế Tôn Gotama không còn sanh tử, thế sao không giúp cho người khác cũng hết sanh tử?”

“Có đấy! Vì vấn đề này mà Thế Tôn Gotama đã thị hiện đản sanh ở vườn Lumbini. Ngài lớn lên trong hoàng cung, rồi ngài buông bỏ tất cả để tu tập và tìm ra con đường thoát sinh tử luân hồi. Ai y cứ theo phương pháp ngài chỉ dạy thì cũng đắc được như ngài. Thế Tôn chỉ dạy phương pháp và con đường cho mọi người chứ không thể đi thay cho ai. Ai muốn thoát sanh tử luân hồi thì phải tự dấn thân, tự thắp đuốc lên mà đi!”

“Mẹ tôi mới mất gần đây, thầy là đồ đệ của Thế Tôn Gotama, thầy có thể cho tôi biết mẹ tôi sẽ tái sanh vào đâu?”

“Tôi không có ngũ nhãn, cũng chưa chứng đắc tam minh lục thông nên tôi không thể biết mẹ của thí chủ thác sanh về đâu. Tôi chỉ biết chắc mẹ của thí chủ thác sanh vào một cảnh giới tương ưng với những gì mà khi sống bà ấy vẫn thường làm.”

Nói xong, thầy Krishinatanga đọc bài kinh phước đức hồi hướng cho mẹ nàng và chúc phúc cho nàng. Thầy quay lưng và khoan thai từ tốn trở về vườn trúc bên ngoài thành Vidarasina.

Năm ấy, nàng Kumaratunga , bông hoa xinh đẹp, tiếng chim Ca Lăng Tần Già của thành Vidarasina bước vào tuổi ngũ tuần. Khuôn mặt xinh đẹp xuất hiện nếp xếp, quanh đôi mắt sáng ngày nào giờ nhiều vết chân chim, mái tóc óng ả đen tuyền như gỗ mun đã lốm đốm bạc dù nàng vẫn thường dùng củ nâu, vỏ sồi để nhuộm. Cơ thể nàng đẫy đà không còn nhanh nhẹn nữa, các khớp xương ít nhiều đau nhức, nếu lúc trước nàng có thể múa hát thâu đêm thì bây giờ chỉ chừng canh giờ là đuối.

Bấy giờ thần Shiva ngày ngày lấy đi tám vạn bốn ngàn tế bào từ thân thể và trí óc của nàng. Thần Vishnu chỉ có thể bồi lại tám ngàn bốn trăm tế bào mới mà thôi, cái già đang xồng xộc đến. Thần Shiva đang huỷ diệt, đang hiện diện trong mỗi sát na. Thân xác như thế, tinh thần nàng còn khổ hơn. Chàng Rajipbalanca không còn yêu nàng như thuở nào, chàng đã nạp thêm ba cô gái xuân thì, vị chi trong dinh nàng giờ có bốn vị phu nhân. Đã mấy năm nay chồng nàng say sưa với các cô gái trẻ đẹp, không còn đoái hoài gì đến nàng, thỉnh thoảng ghé thăm qua quýt mà thôi.

Một buổi sớm mai nàng ngồi soi bóng qua chiếc gương đồng, lòng nhiều phiền muộn thiểu não. Chợt nàng nhớ lại lời thầy Krishinatanga năm nào, nàng bèn gọi hai thị tỳ thân tín sửa soạn lễ vật để đi đến vườn trúc. Ở vườn trúc, mấy thầy sa môn cho biết thầy Krishinatanga đã đến vườn sa la, tìm đến vườn sa la thì thầy đã về rừng muỗn. Nàng vẫn không nản lòng, cất bước đến rừng muỗn thì gặp được thầy. Nàng mừng lắm, đảnh lễ và cúng dường vật thực đến các thầy ở đây. Sau khi các thầy thọ thực xong nàng mới giải bày nỗi niềm u uất.

Thầy Krishinatanga nói nhẹ nhàng chậm rãi, “Con người ta đến với nhau không ngoài bốn mối quan hệ, báo ân – báo oán, đòi nợ – trả nợ. Phu thê cũng không ngoài duyên và nợ, có duyên thì xa xôi cách mấy cũng gặp, không duyên thì có ở cạnh bên vẫn xa. Nợ hết mà duyên còn thì tốt đẹp biết bao, duyên hết mà nợ còn thì tội lắm. Trường hợp của thí chủ cũng không tệ lắm, chồng thí chủ mê ái dục, sắc dục cũng là lẽ thường tình, nhưng ông ấy chưa đến nỗi bạc đãi với thí chủ. Con người ta đến thế gian này rất cô độc, độc sanh, độc tử, độc khứ, độc lai, gặp nhau chung một quãng đường để làm cha me, vợ chồng, con cái, anh em… nhưng rồi cũng phải chia ly, đường ai nấy đi, nghiệp ai nấy chịu, phước ai nấy hưởng. Việc được lại thân người, gặp lại người cũ thì khó vô vàn. Thí chủ hãy lo cho thân mình, đừng hối tiếc chuyện ngày đã qua, đừng mong cầu chi chuyện ngày chưa đến, hãy sống với ngày hôm nay, hãy làm việc thiện lành. Một ngày nào đó thần Shiva hoàn thành việc hủy diệt thì thí chủ còn phước lành để tái sanh cõi an lành.”

Ngưng một lát, thầy hỏi, “Thí chủ thấy sức khoẻ và nhan sắc bây giờ so với mười lăm năm trước như thế nào?”

“Bạch tôn giả, đã suy giảm rất nhiều.”

Thầy Krishinatanga lại hỏi, “Thế mười lăm năm nữa thì ra sao?”

“Bạch tôn giả, sẽ rất tồi tệ và có thể không kịp nhận biết nó sẽ ra sao.”

“Thí chủ đã hiểu, đã thấy sức mạnh của thần Shiva rồi! Thần Brahma, thần Vishnu, thần Shiva có mặt trong mỗi sát na, ở trong mỗi con người và vạn vật. Năm xưa mẹ thí chủ qua đời, ấy là lúc thần Shiva hoàn tất nốt công đoạn cuối và thần Brahma lại bắt đầu công đoạn mới. Việc sanh tử cứ như thế không bao giờ dừng dứt. Chỉ có Thế Tôn Gotama đã chấm dứt sanh tử luân hồi, một số tôn giả lỗi lạc hành đúng pháp mà Thế Tôn chỉ dạy cũng vượt thoát sanh tử luân hồi. Tôi và các thầy ở đây ngày đêm nương náu và hành các pháp mà thế tôn chỉ dạy. Các thầy cũng đang trên đường vượt thoát sanh tử. Thí chủ và những người như thí chủ, tôi không dám khuyên gì hơn là hãy giữ gìn năm điều thiện lành mà tôi đã nói năm xưa. Năm điều thiện lành ấy là cơ sở để tái sanh lại cõi người, còn nếu thí chủ tinh tấn hơn thì làm mười điều thiện lành, sau khi thân hoại mệnh chung thì sanh cõi thiên.”

Nàng Kumaratunga nghe pháp mà lòng sanh hỷ lạc lạ thường, tâm thần nhẹ nhõm, bao nhiêu thiểu não phiền muộn tan như khói mây. Nàng quỳ hôn chân thầy Krishinatanga và chào từ biệt, trên đường trở lại thành Vidarasina nàng và thị tỳ đi qua làng Raja, lúc ấy có một gã đàn ông túm tóc đánh đập dã man một người phụ nữ gầy còm, có lẽ người ấy là vợ y, những đứa trẻ nheo nhóc đứng nhìn đầy sợ hãi.

Nàng tiến lại gần, gã đàn ông thấy người thuộc hàng Sát Đế Lợi thì vội vàng lẩn tránh, còn thiếu phụ thì sợ sệt không dám ngước mắt nhìn. Nàng đỡ bà ấy lên, thì bà ấy sợ tội nên quỳ sụp xuống. Nàng cố an ủi và bảo bà ấy đừng sợ, lúc ấy bà ta mới dám nhìn nàng. Đôi mắt bà ta đen mà khô ráo, có lẽ cái khổ của kiếp người, nỗi nhọc nhằn của người nữ bao năm nay đã vắt khô nước mắt và sức lực của bà ta. Nàng cho bà ta một ít tiền và an ủi thêm vài lần nữa trước khi về lại dinh.

“Đừng sợ, bà đừng sợ! Tôi cũng như bà thôi, tôi cũng có chồng và có nỗi khổ khác, không có cái khổ nào giống cái khổ nào, có điều cái khổ của tôi không thấm vào đâu so với cái khổ của bà. Thế Tôn Gotama đã nói, Không có giai cấp trong dòng nước mắt cùng mặn, giòng máu cùng đỏ. Tôi tuy sanh ra trong dòng Sát Đế Lợi nhưng rồi cũng chịu sanh tử như bà thôi, cuộc sanh tử này không bao giờ ngưng nghỉ, cái khổ còn đeo đuổi khi mà tử sanh chưa tận.

 Nàng Kuramatunga lại lên đường, lòng vẫn thắc mắc, “Thần Brahma tạo ra chúng con, sao nỡ để chúng con khổ như thế này?”

Nàng lại thì thầm, không biết là tự nói với lòng mình hay nói với hai thị tỳ, “Thế Tôn Gotama vượt thoát sanh tử, chỉ có con đường của ngài mới dẫn đến hết khổ mà thôi!”

(Ất lăng thành, 07/2020)

(Buddha Bless You)

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *