Dịch và bình thơ Đầm Lặc Đàm của Tể Tướng Bùi Hưu (791-846)

*Đọc 3 phút*

Lặc Đàm danh thắng là đây
Uy nghiêm tháp Tổ bên mây bạn cùng
Kiếp dài có khởi có chung
Đạo phong chân thật mãi cùng thời gian
Tuổi già, không có người già
Ai tri âm đó để mà hiểu nhau?
Đến đây lòng nhẹ trần lao
Công danh bỗng tự rơi vào lãng quên!

(Bùi Hưu-Đề Thơ Đầm Lặc Đàm; Sakya Minh-Quang dịch)

Nguyên văn:

Đề Lặc Đàm
題泐潭

Lặc đàm hình thắng địa
泐潭形勝地
Tổ tháp tại vân mi
祖塔在雲湄
Hạo kiếp hữu cùng nhật
浩劫有窮日
Chân phong vô trụy thì
真風無墜時
Niên hoa không tự lão
歲華空自老
Tiêu tức cánh thùy tri
消息竟誰知
Đáo thử khinh trần lự
到此輕塵慮
Công danh tự khả di
功名自可遺

Bùi Hưu(裴休791-846 )là vị danh tướng đời Đường. Ông không chỉ giỏi văn chương, thư pháp, mà còn tinh thông Phật Pháp, thấu rõ ý chỉ Thiền Tông, là học trò của Thiền sư Hoàng Bích Hy Vận (?-850). Vì vậy, thơ văn của Bùi Hưu không những ngôn từ xác đáng, hình tượng sinh động, mà còn có chiều sâu tâm linh và sức mạnh tỉnh thức. Chúng ta thử thể nghiệm điều này qua phân tích nội dung của bài thơ trên.

Lặc Đàm danh thắng là đây
Uy nghiêm tháp Tổ bên mây bạn cùng.

Hai câu thơ đầu tả thực. Tháp Tổ cao sừng sững bên cạnh đầm Lặc Đàm. Cả hai không những khiến nơi này trở nên cảnh đẹp nổi tiếng, mà còn là chốn thiêng liêng, đem lại cho người cảm giác bình yên thoát tục.

Kiếp dài có khởi có chung
Đạo phong chân thật mãi cùng thời gian.

Một kiếp là thời gian rất dài, một quá trình thành, trụ, hoại, không của thế giới. Nhưng một kiếp dù dài bao lâu thì cũng có lúc kết thúc. Đây là vì tất cả pháp hữu vi đã có sinh phải có diệt.  Đạo phong chân thật của Tổ sư không phải là pháp hữu vi, như chùa to, đạo tràng nhiều, đệ tử đông, danh tiếng lớn. Đạo phong chân thật của Tổ sư chính là ngộ được lý vô sinh, chứng được chỗ bất diệt. Cho nên nói: “Đạo phong chân thật mãi cùng thời gian”.

Nhưng mấy ai nhận ra được chỗ này? Hay chỉ chạy theo thanh âm, sắc tướng để cầu Phật tìm Tổ?

Tuổi già, không có người già
Ai tri âm đó để mà hiểu nhau?

Có hiện tượng tuổi già mà thực sự không có người già, vì cứu cánh vô ngã tánh không. Đây là chỗ không sinh diệt ngay nơi sinh diệt, dù sinh diệt vẫn không ngại vô sinh. Ai là kẻ tri âm mới nghe hiểu khúc nhạc vô sinh này phát ra từ ống sáo không lỗ của người xưa. Cốt tủy của Phật Pháp và yếu chỉ của Thiền tông đều nằm ở nơi đây! Hai câu thơ kết:

Đến đây lòng nhẹ trần lao
Công danh bỗng tự rơi vào lãng quên!

Không biết có ai đã đến Lặc Đàm chưa? Nhưng chỉ cần đọc đến đây, mình đã có cảm giác thoát tục hiện tiền, thân tâm bình yên đến lạ! Đây là sức mạnh của ngôn ngữ, năng lượng chuyển hóa của thi kệ có chiều sâu tâm linh. Nhưng đó cũng chỉ là năng lượng nhất thời. Để trần lao trong lòng mình thực sự rơi rụng, mình phải “đến đây”, tức thực sự đặt chân lên đất vô sinh của Phật Tổ!

+++

Sáng nay thức dậy uống trà. Ngồi đọc kinh sách, tình cờ gặp được một bài thơ hay, có ý vị thâm trường như hậu ngọt của hớp trà ngon. Linh cảm đến, nên dịch ra một cách trôi chảy tự nhiên! Xin chia sẻ cùng đại chúng thưởng thức.

Sakya Minh-Quang ghi tại Tu Viện Thiện Tường
Buổi sáng ngày 11/01/2021
Facebook của tác giả: Tu Viện Thiện Tường


Discover more from Tinh Tấn Magazine

Subscribe to get the latest posts sent to your email.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *