Nghi thức Cúng Quá Đường (ăn cơm trong chánh niệm)

*Đọc 7 phút*

Bài TỲ-KHEO NGUYÊN TẠNG

Sau đây là nghi thức Cúng Quá Đường trong thiền môn, được xem là nghi thức dùng cơm trong chánh niệm, áp dụng cho tất cả các bữa ăn khác, hành giả cần phải phải thuộc lòng các bài kệ chú để áp dụng trong bữa ăn để giúp mình giữ gìn chánh niệm, không tạp tưởng, mơ màng trong lúc ăn là mục đích chính.

Sau khi hành giả vào trong trai đường, nghe thầy Chứng Minh nhịp ba tiếng chuông, chấp tay xá một xá và ngồi xuống, khi nghe một tiếng khánh, mở nắp bình bát ra, cắm chiếc muỗng quay ra phía ngoài vào cơm trong bình bát, sau đó nghe chuông hành giả tay trái nâng bát đưa lên ngang trán, tay phải kiết ấn cam lồ ngang miệng bình bát hay bát cơm để tụng bài cúng dường:

Cúng dường Thanh Tịnh Pháp Thân Tì Lô Giá Na Phật,
Viên Mãn Báo Thân Lô Xá Na Phật,
Thiên Bá Ức Hóa Thân Thích Ca Mâu Ni Phật,
Đương Lai Hạ Sanh Di Lặc Tôn Phật,
Cực Lạc Thế Giới A Di Đà Phật,
Thập Phương Tam Thế Nhất Thiết Chư Phật,
Đại Trí Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát,
Đại Hạnh Phổ Hiền Bồ Tát,
Đại Bi Quán Thế Âm Bồ Tát,
Chư Tôn Bồ Tát Ma Ha Tát,
Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật.

Tam đức lục vị, cúng Phật cập Tăng, pháp giới hữu tình, phổ đồng cúng dường, nhược phạn thực thời, đương nguyện chúng sanh, Thiền duyệt vi thực, pháp hỷ sung mãn.

Dâng cơm lên trán và bắt ấn cúng dường để biểu tỏ lòng tôn kính ba ngôi Tam Bảo. Cúng dường xong để bát xuống, liền xoay hướng muỗng vào bên trong, với ý nghĩa, phần cơm dành cho mình, còn trước khi cúng, quay muỗng ra ngoài là để dâng cúng mười phương Tam Bảo.

Thiền Viện Chân Nguyên (hmd)

Tay phải kiết ấn cam lồ biểu trưng cho lòng từ bi, như hình ảnh của Bồ Tát Quán Thế Âm, tay cầm bình cam lồ, tay bắt ấn để ban rải lòng từ bi để cứu khổ chúng sanh. Tay trái kết ấn Tam Sơn biểu trưng cho Giới Định Tuệ, là ba môn vô lậu học, một môn học có thể đưa hành giả đi vào đường giác ngộ.

Ta thấy trong nghi cách dâng bát cơm cúng dường này đã gói gọn ý nghĩa từ bi và trí tuệ, là hai yếu tố quyết định quan trọng trong đời mình, hạnh phúc hay đau khổ cũng chính từ đây mà có. Từ bi là lòng thương không có điều kiện, và trí tuệ là trí hiểu biết không nhiễm ô, đây là mục đích tối hậu của mọi hành giả, ai thành tựu được pháp hành này, người ấy luôn sống an lạc tự tại dung thông ngay trong hiện tại và mai sau, tất nhiên, con đường dẫn đến giải thoát sinh tử luân hồi đã ngắn dần ở phía trước.

Tiếp đó, thầy Chứng Minh để một cái chung nhỏ trong lòng bàn tay trái, tay mặt gắp 7 hạt cơm để vào chung, kiết ấn cam lồ và mặc niệm:

Pháp lực bất tư nghì.
Từ bi vô chướng ngại.
Thất liệp biến thập phương.
Phổ thí châu sa giới.
Án độ lợi ích tá ha (3 lần)

Sau đó đại chúng đồng tụng bài biến thực biến thủy chơn ngôn:

– Nẳng mồ tát phạ đát tha, nga đa phạ lồ chỉ đế. Án tam bạt ra tam bạt ra hồng (3 lần).

– Nẳng mồ tô rô bà da, đát tha nga đa da, đát điệt tha. Án tô rô, tô rô, bát ra tô rô, bát ra tô rô ta bà ha. (3 lần).

– Án Nga nga nẵng Tam Bà Phạ Phiệt Nhựt Ra Hồng (3 lần).

Thầy Chứng Minh thầm nguyện:

Nhữ đẳng quỉ thần chúng.
Ngã kim thí nhữ cúng.
Thử thực biến thập phương.
Nhất thiết quỉ thần cộng.
Án mục lăng tá bà ha. (3 lần).

Theo sau là Thị Giả tống thực, đem chung nhỏ ra trước bàn ngoài sân để cúng Đại Bàng bằng cách hô to:

Chim đại bằng cánh vàng, chúng quỉ thần nơi đồng rộng, mẹ con quỉ la sát, cam lồ được no đủ. Án mục đế tóa ha. (7 lần)

Tiếp theo, Thầy Chứng Minh xướng Tăng Bạt:

Phật dạy đại chúng, ăn xét năm điều, nghĩ sai nói chuyện, tín thí khó tiêu, đại chúng nghe tiếng khánh, cùng giữ chánh niệm. Nam Mô A Di Đà Phật !

Tiếp đó, tất cả đại chúng hai tay bưng bát cơm đưa lên trán và thầm đọc:

Tay bưng bát cơm, nguyện cho chúng sanh, Pháp thí thành tựu, nhận của trời người cúng. Án chỉ rị chỉ rị phạ nhật ra hồng phấn tra (3 lần)

Nhận của trời người cúng ở đây là xứng đáng nhận sự cúng dường của người và trời, chỉ cho bậc A La Hán, người đã đoạn tận tam độc tham, sân, si và vô minh phiền não. Trong khi Cúng Quá Đường ý niệm này khởi lên, mong cho chính bản thân mình và hết thảy chúng sinh sớm chứng đắc A La Hán và thoát ly sinh tử luân hồi khổ đau.

Nghe tiếng khánh để bát cơm xuống và múc ít cơm ra chén để lưu phạn. Nghe chuông, bưng chén cơm để trước ngực và thầm đọc:

Nay đem phước đã tu, ban cho tất cả quỉ, ăn rồi hết đau khổ, xả thân về cõi tịnh, hưởng phước của Bồ Tát, rộng lớn như hư không, quả tốt như vậy đó, tiếp tục lớn thêm mãi. Án độ lợi ích tá ha. (3 lần)

Lưu phạn là san sẻ phần cơm của mình cho chúng quỉ thần và cho người ăn sau mình; ý nghĩa bố thí, mở rộng tình thương của mình dành cho người bất hạnh, không đủ cơm ăn áo mặc, ý tưởng này giúp cho hành giả nuôi dưỡng từ tâm ngay trong lúc mình ăn.

Lưu phạn xong, nghe hai tiếng chuông đại chúng bắt đầu dùng cơm, trước khi ăn, hành giả phải khởi niệm Tam Đề và Ngũ Quán, đây là một nghi cách đẹp và có ý nghĩa của nhà Phật mà hành giả không phải chỉ áp dụng trong khi Cúng Quá Đường mà có thể áp dụng trong tất cả các bữa ăn khác của mình trong đời sống.

Tam Đề là ăn ba muỗng cơm lạt đầu tiên, muỗng thứ nhất: thầm đọc, nguyện chấm dứt tất cả những điều ác; muỗng thứ hai: nguyện làm tất cả những việc lành; muỗng thứ ba: nguyện giúp đỡ tất cả chúng sanh.

Ý nghĩa Tam Đề này là nói rõ mục đích tối hậu của hành giả tự độ mình là dứt ác, làm lành, đạt đến giải thoát và thực thi hạnh độ tha là giúp đỡ người khác rõ biết đường đi lối về của nhân quả nghiệp báo, ra khỏi tà kiến để chấm dứt đau khổ trong đời sống để rồi cuối cùng cũng đạt đến giác ngộ giải thoát như bản thân mình.

Tiếp đến bắt đầu ăn cơm phải tưởng Ngũ Quán:

– Thứ nhứt. Con xin biết ơn người đã phát tâm cúng dường, sửa soạn những thức ăn này;

– Thứ hai. Con nguyện nổ lực tu học, trau dồi giới hạnh để xứng đáng thọ dụng những thức ăn này;

– Thứ ba: Trong khi ăn, con nguyện từ bỏ lòng tham dục, tham ăn;

– Thứ tư: Con quán chiếu những thức ăn này như những vị thuốc, để cho thân thể con khỏi bệnh tật;

– Thứ năm: Con nuôi dưỡng chánh niệm, chỉ vì để thành tựu đạo nghiệp giải thoát giác ngộ mà con xin thọ dụng những thức ăn này.

Trong suốt thời gian dùng cơm, hành giả luôn luôn giữ chánh niệm với năm phép quán trên.

Ăn cơm xong, lấy tăm xỉa răng và thầm nguyện:

Nhấm tăm dương chi, nên nguyện chúng sinh, tâm tính thuần hóa, cắn nát phiền não. Án a mộ dà, di ma lệ, nhĩ phạ ca ra, tăng thâu đà nễ, bát đầu ma, câu ma ra, nhĩ phạ tăng thâu đà da, đà ra đà ra, tố di ma lê, sa phạ ha (3 lần),

Ngày xưa tăm dùng trong chùa thường được làm bằng cành dương nhỏ, nên gọi là tăm dương. Ăn xong xỉa răng là thời điểm sau cùng của bữa ăn; thân vừa no đủ và tâm tư thư thái, hoan hỷ, không có chút lo lắng phiền não, nên cũng mong cho người khác cũng giống như chính mình.

Sau đó Thầy Chứng Minh nhịp một tiếng chuông, đại chúng cùng uống nước, hai tay bưng bát nước cung kính trước ngực và thầm nguyện:

Phật nhìn một bát nước, có tám vạn tư vi trùng, nếu không trì chú này, như ăn thịt chúng sanh. Án phạ tất ba ra ma ni sa ha (3 lần).

Qua Phật nhãn, Đức Thế Tôn thấy rõ có vô số vi trùng trong một bát nước, một cái thấy mà mãi đến hơn 2,000 năm sau mới có người phát hiện, đó là vào hậu bán thế kỷ 19, nhà sinh vật học người Pháp Louis Pasteur (1822-1895) khám ra những vi khuẩn gây bệnh qua kính hiển vi. Cũng chính vì bài kệ chú uống nước có tính siêu khoa học này mà nhà bác học vĩ đại nhất của thế kỷ thứ 20, ông Albert Einstein (1879-1955) đã không ngần ngại khi tuyên bố “Nếu có một tôn giáo nào đương đầu với các nhu cầu của khoa học hiện đại thì đó là Phật giáo. Phật giáo không cần xét lại quan điểm của mình để cập nhật hóa với những khám phá mới của khoa học. Phật giáo không cần phải từ bỏ quan điểm của mình để xu hướng theo khoa học, vì Phật giáo bao hàm cả khoa học cũng như vượt qua khoa học.”

Uống nước xong, nghe chuông, đại chúng cùng tụng bài Kiết Trai:

Nam mô tát đa nẫm, tam miệu tam bồ đề, cu chi nẫm, đát điệt tha. Án chiếc lệ chủ lệ chuẩn đề ta bà ha (7 lần).

Gọi là bố thí, tất được ích lợi; vui thích bố thí, sau được an vui. Thọ thực hoàn tất, nên nguyện chúng sanh, việc làm hoàn mãn, đầy đủ Phật pháp.

Theo sau là nghi thức niệm Phật và Kinh Hành, đi từ trai đường lên Chánh Điện, hành giả chấp tay nghiêm trang và từng bước chân kinh hành, miệng niệm Phật trong chánh niệm, vào điện Phật, lễ Tứ Thánh, quỳ xuống tụng bài Sám Nguyện và hồi hướng công đức, đó là hoàn mãn thời Cúng Quá Đường!

(Quangduc.com)

(Bài này đã được đăng trên trang Facebook của Duyên Giác Ngộ ngày 10 tháng 7, 2020)


Discover more from Tinh Tấn Magazine

Subscribe to get the latest posts to your email.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *