Thiền Viện Chân Nguyên lập Trai Đàn Chẩn Tế cho các oan hồn giữa mùa dịch

*Đọc 12 phút*

Bài HOÀNG MAI ĐẠT

Lễ Độc Lập năm 2020 của nước Mỹ đã diễn ra trong bầu không khí bất an, không tưng bừng như mọi năm giữa trận đại dịch Covid-19. Có lẽ đây là lần đầu tiên trong lịch sử ngày lễ Fourth of July bị mất đi cái sinh khí náo nhiệt, mất đi niềm vui, thiếu tiếng reo hò, vắng tiếng cười ở những nơi mà người dân thường tụ tập để vui chơi trong một ngày hè nắng nóng. Tất cả chỉ vì mối lo âu trước sự lây lan của dịch bệnh. Trên toàn Hoa Kỳ, mà đặc biệt là tại California, chính quyền đã khuyên người dân không nên tụ tập ở nơi đông người, tránh đến những nơi công cộng, ngay các bãi biển nổi tiếng tại Nam California cũng bị đóng cửa, để tránh truyền nhiễm coronavirus. Riêng ở một nơi giữa vùng sa mạc của Nam California, một sự quy tụ khác đã diễn ra, hay nói đúng hơn là sự quy tụ của những hương linh theo sự cầu nguyện, kêu gọi những chúng sanh vô hình hãy về đây để được hưởng một sự bình an của tâm linh.

Vào hôm thứ Bảy vừa qua, đúng ngày Lễ Độc Lập Bốn Tháng Bảy, Thiền Viện Chân Nguyên ở thị trấn sa mạc Adelanto đã lập Trai Đàn Chẩn Tế để cầu nguyện cho hơn nửa triệu người vừa mới qua đời vì đại dịch coronavirus, cho tất cả những nạn nhân chết bất đắc kỳ tử vì tai nạn, xung đột, chiến tranh, “chết mà không biết mình đã chết” theo lời của Sư Ông Viện Chủ Thiền Viện Chân Nguyên, Hòa Thượng Thích Đăng Pháp. Tính đến ngày hôm đó thì thế giới đã có hơn 535,000 người chết vì Covid-19, trong số này hơn 130,000 nạn nhân là người Hoa Kỳ. Riêng tại California thì số tử vong đã hơn 6,000 người.

Đặc biệt trong buổi lễ được tổ chức trong hai ngày thứ Sáu và thứ Bảy, chư tăng Chân Nguyên cũng tụng kinh cầu siêu cho các quân nhân Việt Nam Cộng Hòa đã tử trận trong cuộc chiến bảo vệ miền Nam hơn bốn thập niên trước, cho năm vị tướng oai hùng đã tự sát khi cuộc chiến chấm dứt, và cho 81 vị lính Nhảy Dù đã tử thương trong một tai nạn phi cơ tại miền Nam Việt Nam mà mới đây được an táng tại California và hầu hết chưa được biết danh tính.

Từ bên trái là thầy Linh Quang, thầy Đăng Pháp, và thầy Hạnh Đắc sáng thứ Sáu, 3 tháng 7, 2020. (hmd)

Chương trình Trai Đàn Chẩn Tế đặc biệt này bắt đầu từ 9 giờ sáng thứ Sáu với hàng giờ tụng kinh từ sáng đến chiều để cứu độ những oan hồn uổng tử, kết thúc vào chiều thứ Bảy với nghi thức mở cửa địa ngục để giải thoát những vong linh bị vướng nơi khổ ải. Bên trong ngôi chánh điện rộng lớn thường được mát mẻ với những luồng gió thổi qua những khung cửa mở rộng cho dù ngoài trời nắng nóng hơn 100 độ F, một dãy bàn thờ Phật, Bồ Tát được các Phật tử dựng lên dành riêng cho buổi lễ trên lối đi vào giữa chánh điện. Ở hai bên tường là hai bàn thờ dành cho các hương linh cần được cầu siêu. Ở cửa ra vào là một bàn lớn với thức ăn mà phần lớn là những hộp bánh, gói kẹo, bịch chip do các thân nhân mang đến cho các vong linh. Bên ngoài sân cũng có những bàn thức ăn tương tự đặt ở các tượng Phật A Di Đà, Phật Di Lặc, và Quán Thế Âm Bồ Tát.

Gần nơi thờ Phật trong chánh điện là một bàn trải khăn vàng dành cho năm vị tăng trong ban tụng sám, với Sư Ông Chân Nguyên là chủ sám cùng tụng với Hòa Thượng Thích Hạnh Đắc, Hòa Thượng Thích Linh Quang, Thầy Thích Nguyên Toàn, và Thầy Thích Nguyên Hiếu. Mặc dù đã 79 tuổi, Hòa Thượng Thích Đăng Pháp, người được các Phật tử của chùa gọi một cách tôn kính là “Ôn” hay “Ôn trụ trì,” vẫn giữ được giọng khỏe để tụng kinh theo Nhã Nhạc Cung Đình Huế trong suốt hai ngày.

Thiền Viện Chân Nguyên thứ Bảy, 4 tháng 7, 2020. (hmd)

Giữa giờ giải lao ngày thứ Sáu, Ôn giải thích với ký giả về mục đích của buổi lễ Trai Đàn Chẩn Tế dành cho các oan hồn uổng tử, “Như Lai Đức Phật dạy chúng ta phải lấy lòng bi mẫn để thương cho những người ra đi không nói lời từ giã với gia đình, người thân thuộc. Ra đi như vậy thì họ không có sự bình an, mà không có sự bình an thì không về được cõi an lạc. 

“Trước cơn đại dịch hiện nay thì thiền viện, các chư tăng và Phật tử có nhã ý lập lễ Trai Đàn Chẩn Tế để cầu nguyện cho những oan hồn uổng tử không có nơi nương tựa, không có lời từ biệt ra đi lần cuối, cho tất cả những người chết vì dịch corona, và cho năm vị tướng tuẫn tiết tại miền Nam Việt Nam và 81 vị biệt kích chết bất đắc kỳ tử. Cũng có một số Phật tử đóng góp cúng dường cho tất cả các hương linh đó và cầu nguyện cho hương linh chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa, cũng như những nạn nhân vượt biên, vượt biển, những người hy sinh cho quốc gia, cho một nền độc lập tự do cho miền Nam Việt Nam.”

Thầy Đăng Pháp ngưng vài giây như xúc động khi nhắc đến các chiến sĩ từng chiến đấu cho miền Nam Việt Nam, rồi nói tiếp, “Làm Trai Đàn Chẩn Tế để tưởng nhớ công ơn của họ, để thấy sự ra đi của họ xứng đáng cho những người còn lại, và biết ơn và tôn sùng họ. Cho nên chúng tôi làm Trai Đàn Chẩn Tế hôm nay.”

Ôn trụ trì trong buổi lễ sáng thứ Sáu, 3 tháng 7, 2020. (hmd)

Về nghi thức làm lễ theo nhạc cung đình đã có từ thời Vua Tự Đức vào thế kỷ thứ 19, Ôn trụ trì nói, “Thầy cũng là người Huế cho nên ít nhiều chi cũng thâm nhập vào cái nếp sống biết ơn của người Huế, cho nên thầy làm cái trai đàn chẩn tế này theo lễ nhạc cung đình. Thầy đã chuẩn bị hai tháng, tập cho tất cả các chư tăng ở đây chơi theo lối nhạc của cung đình và tụng kinh theo lối của Huế.”

Nhắc tới Huế, hầu như những ai từng sống ở cố đô này hơn nửa thế kỷ trước đều không thể nào quên cuộc thảm sát Tết Mậu Thân năm 1968. Mùa xuân năm đó quân Cộng Sản, hay Việt Cộng, đã tràn vào chiếm cố đô và giết hơn 4,000 thường dân. Theo Bách Khoa Wikipedia, số tử vong có thể lên tới 6,000 người với rất nhiều nạn nhân được tìm thấy hài cốt trong những hố chôn tập thể.

Đi ngược lại thời gian xa hơn nữa, trở về một ngày trong năm 1885. Ngày đó, ngày Kinh Đô Huế thất thủ, được nhắc tới là ngày 23 tháng 5 Ất Dậu (tức là đêm mồng 4 rạng sáng mồng 5 tháng 7 dương lịch), Huế đã chứng kiến một cuộc thảm sát đẫm máu tương tự như Tết Mậu Thân gần 80 năm sau, với hàng ngàn thường dân và binh lính của triều đình đã bị quân Pháp giết hoặc đạp nhau chết lúc tản cư trong hoảng loạn.

Người chết vì giặc ngoại xâm hay giặc theo chủ thuyết ngoại lai đều đã để lại một cố đô Huế với quá nhiều vong hồn vất vưởng ở mọi nẻo đường, góc phố. Thế nên mỗi năm vào ngày 23 tháng 5 âm lịch, mặc dù không nói ra, người dân ở đây vẫn thường bày biện mâm cúng oan hồn uổng tử, tưởng nhớ đến những người đã chết oan trong biến cố 1885 và 1968. Họ cúng cho vong linh được được ấm áp ở cõi âm, được siêu thoát ra khỏi cõi dương này.

Thế nên Hòa Thượng Đăng Pháp đã không quên cái nếp sống ấy của người Huế. Lối nhạc và cách tụng kinh ngân nga, bi ai của Huế đã được Ôn trụ trì xướng lên trong bài ‘Văn Tế Chiến Sĩ Trận Vong, Lương Dân Tử Nạn’ tụng trong ngày thứ Bảy: “Hôm nay 4 tháng 7 năm 2020, ngày tốt giờ lành Mỹ Quốc, California tiểu bang, Adelanto thành phố, Thiền Viện Chân Nguyên tăng đoàn cùng Phật tử, đồng tâm thành kính hòa hợp nơi đây. Trộm nghĩ rằng sống được an vui, ở được bình ổn, cơm no áo ấm, thạnh vượng mạnh lành, nhờ sự hy sinh của các đấng anh linh đã xả thân che chở. Hôm nay tạm dùng trà nến, quả thực, hương trai, gọi là đền ơn cao nghĩa cả, để tỏ lòng mến tiếc kính yêu.

“Kính dâng lên liệt vị quân dân cán chính Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, Hải Lục Không Quân cùng năm liệt vị Tướng sĩ nêu gương tuẫn tiết; Lê Văn Hưng, Nguyễn Khoa Nam, Lê Nguyên Vỹ, Trần Văn Hai, Phạm Văn Phú, cùng 81 Biệt Kích Dù vị quốc vong thân, tôn linh vị tiền…”

Sáng thứ Sáu, 3 tháng 7, 2020. (hmd)

Lời tụng đầy thương xót đã vang lên trong chánh điện, giữa lúc các Phật tử mà hầu hết đều mang khẩu trang đã ngồi lắng lòng nghe. Vì đang giữa mùa dịch cộng với lời khuyên tránh tụ tập từ Thống Đốc Gavin Newsom của California, buổi Trai Đàn Chẩn Tế chỉ được thông báo trong nội bộ các Phật tử của chùa Chân Nguyên, không phổ biến đến đại chúng ở Quận Cam như trong các buổi lễ lớn khác trong năm. Tuy vậy, số Phật tử đến dự trong cả hai ngày cũng lên tới khoảng bốn-mươi người. Họ ngồi yên lặng lắng nghe các thầy tụng kinh, hồi hướng công đức đến các vong linh đang vất vưởng chưa biết siêu sinh về đâu.

Sư Ông Chân Nguyên, bên phải, và HT Hạnh Đắc tại bàn tụng sám. thứ Sáu, 3 tháng 7, 2020. (hmd)

“Họ là oan hồn uổng tử, vất vưởng, khổ lắm, tội nghiệp họ lắm,” bác Phổ Nghĩa Võ Thiện Hiếu nói. Bác là một trong các vị cư sĩ đã hỗ trợ cho Thầy Đăng Pháp từ ngày thiền viện còn là một mảnh đất trống chưa có hàng rào, chỉ có một chiếc mobile home vừa là nhà ở cho thầy trụ trì vừa là chánh điện vào khoảng năm 2000.

“Tui gắn bó với thầy từ lúc mới mua miếng đất tới giờ,” bác Phổ Nghĩa nói trong giờ nghỉ trưa trong căn thất của bác nằm ở phía sau chùa. Có lẽ vì sự gắn bó, thân thiết như vậy, biết rõ các nghi thức nên bác được giữ vai trò đại diện đại chúng trong buổi lễ Trai Đàn Chẩn Tế. Bác lễ lạy mỗi khi nghe các thầy xướng đến phần khấn vái của đại chúng.

Bác giải thích về những vong linh, “Họ là những oan hồn uổng tử, thành ra lang thang dữ lắm. Cốt ý mình làm cái trai đàn chẩn tế này để quy tụ họ trở về cái nơi chốn mà họ trú. Điều quan trọng là họ có thể về đây mà trú được. Mình tạo điều kiện cho họ được an ổn tinh thần để họ có được một cuộc sống về sau tươi sáng hơn.”

Bác Phổ Nghĩa Võ Thiện Hiếu đang được anh phó nhóm của Thiền Viện Chân Nguyên thâu hình thứ Bảy, 4 tháng 7, 2020. (hmd)

Tuy đã lớn tuổi, trên bảy mươi chứ không ít, bác Phổ Nghĩa vẫn còn đủ sức khỏe để giữ vai trò còng lưng quỳ gối, dùng đầu và lưng của mình làm nhịp cầu trong nghi thức cuối cùng của buổi lễ chiều thứ Bảy. Đó cũng là lúc không khí trong chánh điện bỗng trở nên sống động khi các tăng ni và Phật tử cùng bước theo Thầy Đăng Pháp đi nhiễu hành quanh các bàn thờ Phật, thờ Bồ Tát và hai bàn hương linh.

Bác Phổ Nghĩa đang quỳ dưới cầu vải, trong lúc Thầy đang làm nghi thức đưa vong thoát ngục tù để đến cảnh giới an lac hơn. (hmd)

Lúc ấy Sư Ông đầu đội mão, tay cầm tích trượng cột miếng vải đỏ làm nghi thức mở cửa địa ngục cho các vong linh được ra ngoài và bước lên một chiếc cầu làm bằng vải trắng để đến cõi an lạc hơn. Bác Phổ Nghĩa phải đội đầu làm nhịp đỡ cho chiếc cầu giải thoát ấy. Là một sư huynh chuyên dạy Thể Dục Dưỡng Sinh Hồng Gia trong mấy chục năm, nên bác đã có thân hình rắn chắc của một võ sĩ, đủ sức khỏe để “đội” chiếc cầu, trong khi các Phật tử cầm các bài vị với tên tuổi của hương linh viết bên trên đưa lên cầu. Sau đó các bài vị được đốt ở bên ngoài chánh điện, tượng trưng cho sự siêu thoát, không còn vất vưởng, lang thang trong cõi ta bà của sự khổ đau.

Nghi thức đốt các bài vị viết tên hương linh tại Thiền Viện Chân Nguyên chiều thứ Bảy, 4 tháng 7, 2020. Bác Phổ Nghĩa đang quỳ. Các tăng đứng từ bên trái là thầy Nguyên Toàn, thầy Linh Quang, thầy viện chủ Đăng Pháp, thầy Nguyên Hiếu, và thầy Hạnh Đắc. (hmd)

Trong những người không còn vất vưởng ấy có lẽ có 81 vị Biệt Kích Dù từng mất mạng trong một chiếc vận tải cơ của quân đội Hoa Kỳ lâm nạn trên miền núi tại Tuy Hòa năm 1965. Hài cốt của họ đã trộn lẫn vào nhau khi được người Mỹ tìm thấy và mang đến Hawaii. Sau hơn ba thập niên ở phòng thí nghiệm Hawaii, hài cốt của 81 tử sĩ thuộc Đại Đội 72, Tiểu Đoàn 7 Nhảy Dù đã được an táng trong một nghi lễ trang nghiêm và trịnh trọng tại Westminster vào tháng 10, 2019.

Bác Phổ Nghĩa từng đi tìm danh sách của 81 vị biệt kích này để viết bài vị cho họ nhưng không tìm ra, dù đã liên lạc với Hội Gia Đình Mũ Đỏ. “Thực sự không ai có danh sách chính xác, chỉ có tổng quát thôi. Chỉ có vài thân nhân biết. Họ có đến đây hôm nay,” bác nói. “Chỉ có chùa này làm Trai Đàn Chẩn Tế cho 81 vị Biệt Kích Dù nhân dịp cầu nguyện cho các nạn nhân dịch Covid-19.”

Ngẫm nghĩ về cơn đại dịch còn đang hoành hành khủng khiếp trên trái đất, bác Phổ Nghĩa nói, “Trong buổi lễ này các thầy đã luôn luôn chú nguyện cho toàn thể các nạn nhân dịch Covid trên khắp thế giới, không chỉ cho các nạn nhân Việt Nam. Mình làm lễ để mở đường cho họ, mong sao cho họ được qua cầu, không còn lang thang ở đầu ghềnh cuối bãi, và được siêu thoát.”

Thêm hình ảnh trong hai ngày lễ:

Thầy Nguyên Toàn đang đội mão cho Ôn trụ trì, chuẩn bị cho buổi tụng kinh chiều thứ Bảy, 4 tháng 7, 2020. (hmd)
Bàn cúng vong tại chân tượng Quán Thế Âm Bồ Tát trưa thứ Sáu, 3 tháng 7, 2020. (hmd)
Bàn cúng vong thứ Sáu, 3 tháng 7, 2020. (hmd)
Thức ăn cho vong linh ở tượng Phật A Di Đà trưa thứ Sáu, 3 tháng 7, 2020 tại Thiền Viện Chân Nguyên. (hmd)
Các Phật tử bày thêm thức ăn chiều thứ Bảy, 4 tháng 7, 2020. (hmd)
Một số Phật tử đến tham dự buổi lễ Trai Đàn Chẩn Tế sáng thứ Sáu, 3 tháng 7, 2020. (hmd)
Một ni đang đứng chờ phụ giúp trong buổi lễ sáng thứ Sáu, 3 tháng 7, 2020. (hmd)
Sáng thứ Sáu, 3 tháng 7, 2020. (hmd)
Sáng thứ Sáu, 3 tháng 7, 2020. (hmd)
Đạo hữu Chân Tịnh trầm ngâm suy tư cạnh bàn cúng vong trong chánh điện thứ Bảy, 4 tháng 7, 2020. Chữ Thiền Viện Chân Nguyên được viết bằng những gói bánh nhiều màu. (hmd)
HT Thích Đăng Pháp, giữa đội mão cầm tích trượng, đang làm lễ mở cửa ngục cho các vong linh tại Thiền Viện Chân Nguyên thứ Bảy, 4 tháng 7, 2020. Từ trái là một ni không rõ tên, thầy Nguyên Toàn, HT Thích Hạnh Đắc, HT Đăng Pháp, HT Thích Linh Quang, và thầy Nguyên Hiếu. (hmd)
Mỗi khi có gió thổi vào, chánh điện được mát dù ngoài trời sa mạc đang nóng trên 100 độ F tại Thiền Viện Chân Nguyên thứ Bảy, 4 tháng 7, 2020. (hmd)
Thức ăn được mang đến bàn cúng vong trong chánh điện Thiền Viện Chân Nguyên thứ Bảy, 4 tháng 7, 2020. (hmd)
Thiền Viện Chân Nguyên chiều thứ Bảy, 4 tháng 7, 2020. (hmd)
Thiền Viện Chân Nguyên thứ Bảy, 4 tháng 7, 2020. (hmd)
Thiền Viện Chân Nguyên thứ Bảy, 4 tháng 7, 2020. (hmd)
Một số Phật tử chụp hình lưu niệm với các thầy trước khi buổi lễ chấm dứt chiều thứ Bảy, 4 tháng 7, 2020. (hmd)

Discover more from Tinh Tấn Magazine

Subscribe to get the latest posts sent to your email.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *