Giòng hợp tấu bất tận

*Đọc 7 phút*

Thành kính bái vọng Giác Linh Ni Sư Thích nữ Trí Hải,
đóa Ưu Đàm vẫn ngào ngạt tỏa ngát thiên hương cho hậu thế.
(9/3/1938 – 7/12/2003)

TN Huệ Trân cẩn bái

Ni Sư Thích Nữ Trí Hải thời còn trẻ.

Người-làm-vườn chậm rãi quét lá.

Chớm đông, những cây phong – lá đổi mầu từ xanh tươi sang đỏ, vàng – đang rụng những lá cuối. Thời gian không âm thanh, không hình tướng mà lại hiện hữu rõ rệt ở mọi nơi, mọi vật qua những đổi thay, luân chuyển của đất trời. Hoa ấy rực rỡ đầu hè, đã úa tàn cuối thu; mầm ấy trồi xanh tháng lạnh, cành lá đã xum xê khi nắng ấm; quỳnh vừa nẩy nụ ngày xuân, đêm trăng rằm tháng hạ đã chợt ngạt ngào hương sắc…….

          Người- làm-vườn đã thong dong quét lá, nhặt hoa bao năm tháng. Không vui cũng chẳng buồn, không mong cũng chẳng đợi. Người ấy lẳng lặng và an nhiên.

          Khi lá đã gom, rác đã dọn, người ấy ngồi bên gốc, lắng nghe giòng nhựa ấm luân lưu trong thân cây.

Ồ, âm thanh đó thật là tuyệt diệu! Không phải âm thanh của suối, của biển mà là âm thanh của vòng tay ôm, của nguồn sữa mẹ.

          Có âm thanh từ vòng tay ôm, từ nguồn sữa mẹ ư? Có chứ, vì giòng nhựa đó chính là lá khi chưa thành, là hoa khi chưa nở, là nụ khi chưa đơm.

Thì ra, thấy bông mai nở trong mùa xuân nhưng chẳng phải chỉ mùa xuân mai mới đến, mà bông mai đó đã đến từ bao giờ, từ vô thỉ, từ ngay nơi giòng nhựa ấy.

Cũng thế, chiếc lá vàng vừa rụng chẳng phải từ đêm qua mới rụng mà nó thực đã rụng từ khi chưa sinh vì nó chính là chu kỳ của lá xanh, của trồi non, của nụ hé.

          Lá biết thế nên khi lìa cành mà vẫn lao xao ca hát cùng gió. Sương biết thế nên khi long lanh vẫn đùa vui với ánh mặt trời dù biết rằng mặt trời rực rỡ bao nhiêu thì nó sẽ tan nhanh bấy nhiêu.

           Đó chính là giá-trị-của-phút-giây-hiện-tại. Nếu sống trong hiện tại mà chỉ hoài tưởng quá khứ, mong ngóng tương lai thì kẻ ấy đang chưa-từng-sống!

          Khi quán tưởng sâu sắc hoa lá, cỏ cây, người-làm-vườn biết rằng chúng đã hiểu  rõ điều đó nên lá lìa cành mà vẫn hát, sương đang tan mà vẫn vui. Cỏ cây, vạn hữu tuy thầm lặng mà vẫn thể hiện được sự an nhiên dũng mãnh trước luật tuần hoàn.

Vậy mà, sao đôi lúc, con người, với trí tuệ vượt trội, lại chìm đắm trong bi thương với những toan tính vô thường chẳng trọn?      

          Người-làm-vườn cảm nhận được lý duyên sinh vô ngã, vô thường như thế nên bao năm qua, người ấy đã an nhiên tự tại mà quét lá, nhặt hoa trong Vườn-Bát-Nhã.

          Nhưng hôm nay, người-làm-vườn đang ngồi dưới gốc cây, ôm mặt khóc!!!

          Gã không còn nghe được tiếng thì thầm của cây, tiếng đùa vui của lá, tiếng xôn xao của gió mơn man trên vạt nắng lung linh. Gã không nghe thấy gì nữa bởi lòng gã chẳng còn tĩnh lặng! Gã đang phẫn nộ, đang uất ức! Lòng gã đang như biển lửa! Phải, đúng thế, nếu ngay lúc này mà trở thành biển lửa, gã sẽ không ngần ngại đốt cháy cả tam thiên đại thiên thế giới!

          “Sao thế, hỡi người bạn từng thầm lặng dọn vườn-tâm-thế-gian? Tôi là gốc thông già, tôi là hàng tre Mạnh Tông, tôi là bụi hồng Tiểu Muội, còn tôi là khóm Thủy Trúc góc hồ sen đây. Này người bạn thầm lặng nhu hòa, sao bạn ngồi đây mà khóc? Chẳng phải bạn đã thấu hiểu lẽ vô thường rồi ư? Mà khi vạn hữu đã vô thường thì do đâu còn phiền não?”

          Bỏ thế ngồi bó gối thảm não, gã khoanh chân, kiết già. Không buồn trả lời vườn cây, gã lặng lẽ thiền định. Nhưng, vọng lập tức nổi lên như sóng cồn!

Ta hiểu được lá vàng thì rụng, hoa héo thì rơi nên đã bỏ lòng thương tưởng lá xanh hoa đẹp. Nhưng, những Cây-Trí-Tuệ đang hiến dâng lợi ích cho đời, sao cuồng phong vô tình lại tràn qua, gẫy đổ?

           Những Cây-Trí-Tuệ xum xuê cành-lá-lợi-ích, đầy ắp nhựa Từ-Bi-Hỷ-Xả đã và đang hiến dâng nguồn nhựa ấm trong thân cho khắp chúng sanh; không phải chỉ “lợi mình lợi người” mà lấy “việc mình” làm “lợi người”.

           Ôi, đất Ta-Bà nào có thể vun trồng nên những Cây-Trí-Tuệ như thế, để cho trận cuồng phong tình cờ mà oan nghiệt nhường bao!?

          “Này người bạn thầm lặng nhu hòa, bạn đã từng biết, chẳng phải tiếng gió, chiếc lá, bông hoa chỉ mới hiện hữu khi tai nghe, mắt thấy mà thực ra chúng đã đến, đã đi từ vô thỉ, từ nguồn mạch vô hình luân lưu trong vạn hữu? Cây-Trí-Tuệ mà bạn đang nghẹn ngào thương tưởng, trận cuồng phong mà bạn đang phẫn uất rủa nguyền, có đi ra ngoài giòng luân lưu bất tận đó không? Giòng luân lưu đó có bao giờ đứt quãng, có bao giờ ngừng trôi không?”

           Ồ, không, gã đã biết là không. Vạn hữu trùng trùng duyên khởi, lý duyên sinh vô ngã, vô thường cũng trôi chảy trong Giòng-Hợp-Tấu bất tận đó. Sự có mặt của cái này nói lên sự hiện hữu của cái kia. Cái này được tiếp nối là từ cái kia đang ra đi. Không bao giờ, không nơi nào, sự hợp tấu kỳ diệu ấy mất đi.

          Lạ thay, vườn cây như thấu suốt từng niệm khởi trong gã, nên gã lại nghe những lời ân cần từ hàng tre, từ khóm trúc:

          “Trận cuồng phong vừa làm đổ gập Cây-Trí-Tuệ kia cũng chỉ là một chuyển hóa. Không có gì bắt đầu, không có gì chấm dứt. Cây-Trí-Tuệ vừa đổ gập nơi đây, chẳng phải là đang xanh tươi bát ngát ở nơi nào đó chăng? Và, với giòng-hợp-tấu bất tận, chẳng phải là nơi đó cũng đang hưởng bao lợi ích mà Cây-Trí-Tuệ tiếp tục hiến dâng trong tinh thần “lợi người” là “việc mình” đó chăng?”

          Gã-làm-vườn vụt đứng bật dậy.

          Biển lửa trong lòng gã hốt nhiên lặng tắt.

          Giữa không gian thơm ngát hương sen, gã quỳ xuống, đảnh lễ Cây-Trí-Tuệ vừa hóa thân.

Đó chính là vị Bồ Tát đã tùy duyên chuyển hóa – Ni-sư Thích Nữ Trí Hải –  người chỉ “Ra đời và sống vì lợi lạc chúng sanh” để lại bao thương tưởng trong lòng tứ chúng, dù biết rằng Người-Con-Gái-Dòng-Họ-Thích đó vẫn đang tận tụy hiến dâng hoa ngọt trái lành trong Giòng- Hợp- Tấu luân lưu bất tận.

          Xuất thân từ giòng dõi hoàng tộc với thế danh là Công Tằng Tôn Nữ Phùng Khánh, nhưng người con gái cành vàng lá ngọc đó đã không thụ hưởng đời sống vàng son, nhung lụa như bao thiếu nữ con nhà giầu sang khác, mà chủng tử Bồ Đề dường như đã sẵn từ muôn kiếp trước nên khi mới chỉ là bào thai 3 tháng vừa tượng hình trong bụng mẹ, Ni-sư đã được thân mẫu thỉnh cầu xin quy y Tam Bảo với Đức Tăng Thống thượng Tịnh hạ Khiết.

          Ngay từ thời thanh xuân, Ni-sư đã biểu lộ những tài năng vượt bực trong nhiều lãnh vực, đặc biệt là Văn Học Nghệ Thuật.

Với tư cách thanh tao, giòng dõi quý tộc. tài cao học rộng, thường là con đường danh lợi thênh thang đối với nhân gian; Nhưng người thiếu nữ đó đã vượt trên mọi lẽ thường mà “trước Như-Lai-Y, nhập Như-Lai-Thất” từ năm 26 tuổi.

          Từ đây, người thiếu nữ mang họ Thích đã cống hiến tất cả trí tuệ, tài năng, tâm huyết, tải đạo vào đời bằng bất cứ hình thức nào, bất cứ trạng huống nào, bất cứ hoàn cảnh nào, để ban vui cứu khổ, dù điều đó lớn như núi Tu Di hay nhỏ như hạt cát …

Suốt bao dặm đường ngược xuôi phụng sự đạo, cứu độ đời, Ni-sư chưa hề từ nan khi còn sức để đi, còn hơi để thở. Nhưng bất ngờ (hay chẳng phải tình cờ!) chuông báo dứt nghiệp cõi Ta-bà đã điểm vào một buổi chiều mùa đông, năm Quý Mùi. Đoàn xe chở ni-sư cùng hai thị giả đi cứu trợ, từ miền Trung về lại miền Nam đã gặp nạn.

Ni-sư và hai thị giả cùng xả bỏ báo thân, trong niềm bàng hoàng và kính tiếc, nhớ thương vô biên của Phật tử khắp năm châu!

Những những trung tâm an sinh xã hội mà ni-sư tạo dựng, đã và đang cứu giúp bao người khốn khó, còn đó.

Trên bục giảng tại các Thiền Viện Đại Học Vạn Hạnh, Học Viện Phật Giáo Việt Nam, tại cac chùa, tại các Trường Hạ trong mùa An Cư suốt dọc từ Trung vào tới miền Nam, đã thỉnh mời ni-sư thuyết giảng, đều còn lưu dấu vị giảng sư rất mực khiêm cung mà vô cùng uyên bác! 

Những trang cảo thơm từ tâm huyết ni-sư vẫn còn kia, và sẽ còn mãi nơi các thư viện, tự viện, tư gia , từ Âu sang Á với văn, thơ, dịch thuật, tra cứu tư tưởng đông, tây về Đạo Giác Ngộ …….

Những cơ sở đó, những dấu tích đó, những hàng châu ngọc đó là gia tài vô giá cho hàng hậu học, là sự hiện hữu mầu nhiệm cùa ni-sư, như Giòng Hợp-Tấu bất tận của vạn hữu trong không gian …. Vì gió có bao giờ ngừng bay, mưa có bao giờ ngừng rơi, nắng có bao giờ ngừng tắt ….. mà chỉ là tạm ẩn nơi này để đang hiện nơi kia….

          Gã-làm-vườn đã quỳ bao lâu trong khu vườn thân quen, gã không biết, và cũng không cân biết. Gã chỉ cảm thấy thân tâm mát rượi dưới cơn mưa đang rạt rào ca múa quanh vườn, quanh gã, và gã nghe rõ, tiếng mưa đang rơi cũng là âm thanh đang hòa vào giòng hợp tấu nhiệm mầu, bất tận mà vạn hữu vừa giúp gã quán chiếu được….

          Cứ thế, người-làm-vườn quỳ dưới mưa, và cùng mưa ca hát … 

Tháng ngày lặng lẽ qua
Giòng sông xưa vẫn chảy
Thuyền dẫu tách bến xa
Cảo thơm còn lưu lại

(Tào-Khê Tịnh Thất – TN Huệ Trân cẩn bái)


Discover more from Tinh Tấn Magazine

Subscribe to get the latest posts sent to your email.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *