Lời BHIKKHU REVATA
(Bài viết này được trích đoạn từ một bài pháp thoại khá dài của thiền sư Revata, một trong những vị đại đệ tử của Ngài Pa Auk, được thuyết vào ngày Chủ Nhật, 18 tháng 12, 2005 tại Rừng Thiền Pa-Auk, Miến Điện. Không rõ ai đã dịch bản tiếng Việt được đăng trên trang New Dharma Readers. Tỳ kheo Revata sanh năm 1971 tại Mawlamyiner. Trước khi xuất gia với Trưởng Lão Pa Auk Sayadaw, sư Revata đã tốt nghiệp Cử Nhân tại Đại Học Yangon năm 1994 và dạy môn điện toán 5 năm. Sư Reveta đã nghiên cứu kinh điển Pāli, biết nói tiếng Miến Điện, Anh, và Thái Lan.)
Tối nay, tôi sẽ nói về chủ đề chết. Bất cứ khi nào chúng ta nói về chết, ta cũng phải nói về sanh. Nhưng trước khi tôi bắt đầu nói về thiền đề mục chết, tôi muốn chỉ ra rằng thái độ của con người khi đối mặt với sanh và chết, thực ra là rất kỳ lạ. Tại sao? Vào lúc sanh, khi một đứa bé mới sanh ra khóc, mọi người cười. Gương mặt họ sáng ngời với biểu hiện rất vui mừng hạnh phúc. Nhưng vào lúc chết, khi giờ phút cuối cùng của một ai đó đến, mọi người khóc. Gương mặt của họ biểu hiện nỗi buồn và lòng tiếc thương. Hai thái độ rất kỳ quặc này đập vào tâm tôi. Khi ai đó khóc lúc mới được sanh ra thì mọi người cười, nhưng khi ai đó đang chờ đợi giây phút cuối cùng thì mọi người khóc.
Thực ra, thay vì chỉ hạnh phúc và tươi cười lúc em bé mới được sanh ra, chúng ta cũng phải cân nhắc cẩn thận cái gì đang chờ đợi đứa bé đó. Tại sao? Bởi vì bước vào một thế gian vốn là một đống khổ đau – nó cũng sẽ phải chịu khổ đau. Giống như tất cả mọi người, đứa bé mới sanh bị buộc chặt bởi khổ đau, không phải là sung sướng. Giống như họ, đứa bé cũng sẽ là nhân của nhiều khổ đau cho cả chính nó và những người khác.
Đứa bé nhỏ xíu đó cũng sẽ phải trải qua nhiều loại khổ đau khác nhau mà chính chúng ta đã trải qua trong cuộc sống. Nó được sanh ra và vì vậy nó phải chịu bệnh tật. Vì nó được sanh ra, nó phải chịu già đi. Bởi vì nó được sanh ra, nó phải chịu lo âu. Bởi vì nó được sanh ra, nó phải chịu buồn phiền. Bởi vì nó được sanh ra, nó phải chịu sầu khổ. Bởi vì nó được sanh ra, nó phải chịu sợ hãi. Bởi vì nó được sanh ra, nó không thoát khỏi cái chết. Đây là những thân phận đáng thương.
Hơn nữa, do bởi vô minh, nó có thể liên tục tích lũy ngày càng nhiều nghiệp bất thiện trong suốt quãng đời của nó. Hầu hết mọi người đều chất chứa một kho dự trữ nghiệp bất thiện trong quá trình sống cả cuộc đời. Nếu nó cũng vậy, nó có thể rơi vào một trong bốn cõi dữ khi chết đi. Như vậy, có thể nói một cách thuyết phục rằng “chính sự sanh kiềm giữ người ta trong cảnh bó buộc.”
Qua quan sát suy xét ta thấy rằng sự sanh mang theo với nó nhiều khổ não và đau đớn. Nhưng nhiều người không thừa nhận điều này. Cha mẹ dành phần đời của mình để lo cho hạnh phúc của con cái. Họ làm kiệt sức mình vì con cái. Từng ngày trôi qua, thân thể họ trở nên ngày một già cỗi, ngày càng yếu dần. Cuối cùng, một ngày nào đó họ chết đi. Sanh dẫn đến chết. Đây là điều không thể trốn thoát được. Kết cục của chúng ta được bảo đảm bằng sự khởi đầu của chính mình. Không ai thoát khỏi cái chết.
Đây là cái Khổ (Dukkha) đi theo sau cái sanh. Đây là Khổ (Dukkha) sanh bởi sự sanh. Một cách tự nhiên mọi người hài lòng với sự ra đời của một em bé. Tuy nhiên, sanh là khả hỷ với phần đông chỉ vì họ không nhìn thấy hay không công nhận sự gắn liền của cái Khổ (Dukkha) cố hữu trong nó.
Mặc dù, ai cũng biết rằng con người là phải chết, nhưng họ không muốn trải nghiệm cái chết của chính mình. Thậm chí vài người cho rằng chỉ riêng việc thấy một xác chết thôi thì đã là bất hạnh, do vậy họ cố tránh các dịp như vậy. Tôi có một số đệ tử chưa từng trông thấy một xác chết nào trong cuộc đời mình. Khi tôi dạy họ hành thiền niệm sự chết, tôi gặp phải khó khăn. Tại sao? Bởi vì để thực hành niệm sự chết, họ cần phải lấy một xác chết làm đề mục thiền của mình.
Khi tôi chỉ dẫn cho họ, họ nói như thế nào? “Trong đời con, con chưa bao giờ trông thấy một xác chết.”
Một số thì nói, “Ở đất nước của con, trông thấy một xác chết được xem là điềm gở.”
Nên mặc dù cái chết là một phần của cuộc đời cũng như sự sanh vậy, nhưng họ lại không có kinh nghiệm trực tiếp thấy một xác chết bao giờ. Do đó, khi tôi dạy họ “Thiền Niệm Sự Chết,” tôi phải tìm kiếm các tấm hình về xác chết cho họ xem. Chỉ với lúc đó họ mới có thể lấy một xác chết làm đề mục thiền của mình.
Ngược lại, bất kỳ khi nào tôi thấy một xác chết, tôi xem đó là một dịp may mắn. Tại sao? Nó cho tôi động lực để quán xét về cái chết của chính mình. Khi nhìn một xác chết tôi cảm thấy rằng mình đang thấy một sự thật không thể chối bỏ. Nó cho tôi một cơ hội để nghĩ về bản chất thật của thân xác. Đây đã là kinh nghiệm của tôi từ khi tôi còn là một cậu bé. Bất kỳ khi nào tôi thấy một xác chết, nó đều làm tôi phải suy nghĩ. Bất kỳ khi nào tôi đặt mắt vào bộ da ghê tởm xấu xí của xác chết, tôi cũng nhìn bộ da của chính mình và cảm thấy như thể nó biến đổi. Tôi biết đời tôi sẽ chấm dứt, và tôi cũng sẽ chết. Thậm chí lúc đó, lúc còn nhỏ, tôi cảm thấy rằng cuộc sống là phù du. Một ý thức cấp bách thúc ép khởi sinh trong tôi. Nhưng bởi vì tôi còn quá nhỏ, tôi đã không biết phải làm gì với các cảm giác mâu thuẫn về sự phù du và cấp bách. Khi tôi lớn hơn, chúng trở thành một phần quan trọng trong pháp hành của tôi.
Như vậy, chúng ta có thể nói rằng việc thấy một xác chết thật sự là một dịp may. Thực tế, nó là cơ hội để quán xét sâu sắc dành cho những ai có như lý tác ý (tác ý khôn khéo), nhưng lại bị bỏ lỡ với những ai không có như lý tác ý. Việc thấy một xác chết là một cơ hội cho sự giải thoát. Trong thời Đức Phật, Ngài có nhiều đệ tử nhờ việc thấy xác chết và thiền trên sự chết nên đã có thể đoạn tận khổ đau.
Do vậy, thấy một xác chết là một cơ hội thật sự cho sự giải thoát của chúng ta.
Tôi muốn chia sẻ kinh nghiệm của mình với tất cả quý vị. Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến sự xuất gia của tôi là thấy một xác chết. Thời gian đó một trong những học trò của tôi có người mẹ bị bệnh lâu ngày. Tôi là một trong những người chăm sóc bác ấy. Trong khi bác dường như đang khỏe lên từng ngày và nó có vẻ như sẽ hồi phục, nhưng sau một thời gian tình trạng bác lại suy sụp và cuối cùng bác ấy chết. Trước lúc đó, tôi đã không nghĩ gì đến cái chết của chính mình. Tôi hoàn toàn tập trung vào việc cố gắng xây dựng cuộc đời tôi. Tôi làm việc để kiếm tiền. Tôi làm việc để tích lũy của cải. Thật là dễ để chẳng nghĩ đến cái chết của mình khi tôi chăm chỉ làm việc thu gom “các thứ” để tự mãn và cải thiện đời sống tôi. Nhưng khi bác ấy chết, đó là một cú gọi đánh thức tôi tỉnh dậy. Một ý thức cấp bách khởi sinh trong tôi.
Chúng tôi đã chăm sóc bác ấy rất tốt, cung cấp cho bác các thứ thuốc thượng hạng, đồ ăn tốt, chỗ nghỉ tốt. Nhưng không có thứ gì có thể cứu được bác. Khi thời điểm chín muồi, bác ấy chết. Mặc dù chúng tôi đã cho bác dùng các thứ thuốc tốt nhất, đắt tiền nhất và bác ấy trông có vẻ khỏe lên, nhưng cuối cùng tình trạng của bác ấy biến chuyển một cách không mong đợi và bác ấy chết. Bác vẫn còn trẻ. Cái chết của bác ấy thình lình xảy ra làm tôi sửng sốt và làm khởi lên một ý thức cấp bách trong tôi.
Lúc đó, tôi hiểu rằng một ngày nào đó, mạng sống tôi cũng sẽ chấm dứt. Cũng vậy, tôi sẽ chết. Nhưng dĩ nhiên, tôi không biết khi nào tôi chết, nơi tôi sẽ chết và tôi chết như thế nào. Tôi tự hỏi, “Ta sẽ sống được bao lâu”? Tôi không biết. Tôi quán xét, “Chết là chắc chắn. Cuộc sống là không chắc chắn. Ta chắc chắn sẽ chết.” Tôi xem xét khả năng mà tôi có thể rơi vào một trong bốn cõi dữ. Chỉ nghĩ thôi mà đã làm tôi sợ hãi.
Tôi biết chắc chắn rằng tôi muốn thoát khỏi khổ đau trong bốn cõi dữ. Câu hỏi “bằng cách nào” lúc đó tràn ngập tâm trí tôi. Tôi nhận thấy rằng tôi cần phải thay đổi cách sống của mình trong khi tôi vẫn còn thời gian và cơ hội để làm những gì cần làm. Tôi thấy cần thiết phải có sự thay đổi ngay bấy giờ, trước khi tôi chết. Vào lúc đó, ý thức cấp bách tràn ngập trong tâm tôi. Nó rất mạnh; tôi không muốn làm bất kỳ điều gì ngoại trừ việc hành thiền. Không lâu sau đó, tôi tìm thấy chính mình trong bộ y casa.
Câu chuyện cá nhân này minh họa tại sao việc thấy xác chết thật sự là một dịp may mắn. Nó là một cú gọi thức tỉnh, một bài học dẫn đến sự giải phóng, giải thoát khỏi khổ đau. Nếu chúng ta nhìn với như lý tác ý, ta sẽ có hứng khởi để làm điều thiện và tu tập với quyết tâm và tinh cần.
Bất cứ khi nào chúng ta gặp một đứa bé mới sanh, ta biết rằng là một con người, khoảng đời nó giữa sanh và chết đó, nó sẽ gặp nhiều điều mong đợi và không mong đợi, điều ưa thích và điều bất như ý. Mặc dù chúng ta vui khi nhìn thấy sanh, nhưng hầu hết chúng ta lại không muốn nghĩ đến việc thấy cái chết. Nhưng nếu nói đúng sự thật thì việc thấy một xác chết là cơ hội thuận lợi đối với những ai quán xét đúng đắn về nó.
Discover more from Tinh Tấn Magazine
Subscribe to get the latest posts sent to your email.